êm hôm sau, một sự việc bất ngờ nữa xẩy đến.
Khoảng chín giờ đêm, lúc tôi và chị em Biếc đã ngủ say thì có người đến lay chân tôi:
- Quyết, Quyết!
Tôi giựt mình tỉnh dậy hỏi:
- Ai, ai?
- Tao, tao là Ba Đấu đây!
Tôi hất tung cái bao bố, lồm cồm ngồi dậy dụi mắt. Anh Đấu nắm lấy cánh tay tôi, thì thào:
- Ra đây, ra đây!
Anh Đấu lôi tôi ra khỏi chòi, dắt tới bờ ruộng. Đợi tôi thật tỉnh ngủ, anh mới bắt đầu nói:
- Quyết à, anh có chuyện này cần em, em ráng giúp anh...
- Chuyện gì đó anh, anh cứ nói đi!
- Nè, đêm hôm qua em có thấy đám người nào kéo ngang qua đây không?
- Có!
Tôi đáp và thuật lại hết mọi sự tai nghe mắt thấy. Tôi hỏi anh:
- Có phải thằng cầm đầu đám đi bắt người hồi hôm là thằng Hoành mà anh nói với em không?
- Thì chính nó chớ ai!
- Không biết nó bắt hai chú với một chị đó ở đâu mà lúc dắt về đây nó cứ lấy dao đâm xỉa lên lưng. Em nằm trong chòi tức chịu không nổi, nhiều lúc em muốn nhảy ra cắn họng tụi nó quá. Ngồi tại sân chòi một lát thì chị đó xỉu...
Anh Đấu cúi đầu, nói giọng nghèn nghẹn:
- Chị đó đã chết
- Trời ơi!
- Chết hồi xế chiều ngày hôm nay, trong lẫm lúa Biện Tư...
Tôi ôm chầm lấy anh Đấu mà khóc. Anh Đấu nghẹn ngào nói tiếp:
- Còn một anh đã bị tụi nó dẫn vô rừng. Như vậy cũng coi như chết. Giờ chỉ còn lại một...
- Ai, có phải chú già già đó không?
- Ừ, còn lại chú lớn tuổi nhất đó!
- Chú Chín, em biết... Tụi nó còn nhốt chú ngoài nhà Biện Tư hả anh?
- Phải, ngày hôm nay tụi nó nhốt chú ở đó. Nhưng bây giờ chú không còn ở đó nữa. Mà sao em lại biết chú?
- Em cũng không biết có chắc phải là chú không. Hồi hôm khi thằng Hoành rọi đèn vô mặt chú, em thấy chú giống hệt một người mà hồi đó ba má em nuôi trong nhà. Lại nghe tụi thằng Hoành kêu chú là Chín Khẩn thì em tin chắc là chú.
- Để rồi gặp chú, em coi có phải không? Tôi ngạc nhiên:
- Làm sao mà còn gặp chú được, tụi nó nhốt chú ở trong lẫm...
- Không, chú Chín không còn ở trong lẫm lúa Biện Tư nữa. Chính vì vậy mà anh mới phải kêu em đây...
- Bây giờ chú ấy ở đâu?
Anh Đấu nắm tay tôi trỏ ra phía ruộng:
- Chú Chín bây giờ đang ở ngoài đó. Em biết chỗ lùm trâm bàu rồi chớ gì?
- Chỗ lùm trâm bầu thì em biết. Nhưng sao chú lại ở đó?
Anh Đấu hạ giọng:
- Anh tin em nên không dấu em làm chi, để anh nói cho nghe... Chú Chín là người cán bộ quan trọng của đằng mình. Tụi thằng Hoành bắt được chú như em đã biết. Chúng giam chú ở lẫm lúa nhà Biện Tư, tính sáng mai này giải lên tỉnh. Một người như chú Chín thì không thể chết, không thể để nó giải đi được. Cho nên anh đã đưa chú ra hồi nãy...
Tôi mừng quýnh kêu:
- Trời đất, làm sao mà anh đưa chú Chín ra được?
- Thiệt là không dễ, nhưng có khó thì cũng có dễ. Thời may là giác đó tụi nó đang nhậu nhẹt. Với lại anh không mở khóa chính của lẫm lúa. Chìa khóa do Biện Tư cất còn lâu mới mở được cái khóa tổ chảng ở cửa lẫm. Anh vô lẫm bằng cách trổ ngói từ trên nóc, nhưng lúc ra lại dỡ ván lót kho đưa chú Chín ra. Anh đã cõng chú Chín một hơi tới lùm trâm bầu. Hồi nãy anh cõng ngang qua đây, mấy em đâu có biết. Mà thôi, chuyện đó để nói sau. Cú này chắc chắn là anh phải bỏ nhà Biện Tư dông luôn. Hiện thời tự chú Chín đi không nổi đâu, tụi nó đánh chú dữ quá, mà nếu anh cõng thì cũng chưa biết cõng chú về đâu vì mối mang cơ sở chưa móc ráp chi hết. Ngay đêm nay anh phải đi lo bắt liên lạc với cơ sở. Tạm thời anh để chú Chín ở lùm trâm bàu, nhờ em nhơn lúc đi thả trâu lo cơm nước coi sóc cho chú. Có lẽ chậm gì tới mai anh cũng về tới. Coi như giao chú Chín cho em trọn ngày mai. Em nhắm có bảo đảm được không?
Tôi trả lời anh Đấu không chút do dự:
- Cái đó em xin bảo đảm!
Anh Đấu mừng rỡ nói:
- Vậy thì tốt rồi, anh tin ở em. Nhưng anh dặn thêm, ngay đêm nay hoặc sớm ngày mai thế nào tụi nó cũng hay và sẽ truy lùng gắt. Chỗ lùm trâm bầu thì chắc tụi nó không để ý tới, nhưng cũng phải coi chừng, nói giả dụ như tụi nó có mon men ra hướng đó thì em tính sao?
- Em sẽ gác kỹ. Em sẽ kiếm chỗ sẵn. Hễ tụi nó có ra thì em cho chú Chín chém vè, tía nó cũng không kiếm ra!
- Phải hết sức cẩn thận. Bây giờ anh đi, nghe Quyết. Anh đã có dặn chú Chín rồi. Sáng mai em ra gần tới thì cứ la trâu rùm lên là chú biết ngay!
- Được rồi!
- Vậy anh đi. Không biết rồi anh có dịp gặp lại mấy em không, vì trở về lùm trâm bầu lúc nào anh sẽ đưa chú Chín đi ngay. Nhưng thế nào rồi cũng có lúc gặp...
Anh Đấu buông tôi ra. Nhưng mới xấp bước, anh đã quay lại dặn thêm:
- Mai đem cơm nước cho chú Chín, em nhớ đem theo muối để đắp vết thương cho chú!
Tôi gật đầu, rồi đứng đó dõi theo bóng anh Đấu cho tới khi anh đi khuất mình vào bóng đêm. Tôi thương và khâm phục anh hết sức. Thiệt tôi không dè anh Đấu gan dạ tới mức ấy. Mà coi anh vẫn như thường. Vậy mới hay đó không phải chỉ là anh Đấu - biết võ, bắt chân tôi, nhồi liệng tôi xuống đống rơm. Đó là anh Đấu nằm ép mình giữa nhà Biện Tư như nằm phục giữa hang cọp.
Anh Đấu là người ở về phe chúng tôi, ở về phía bà con cha mẹ tôi, nhưng bấy lâu anh dấu mình. Tới lúc anh xuất hiện, như buổi tối hôm nay, anh đã làm tôi bất. ngờ thán phục, bất ngờ sung sướng tới mê mẩn. Mới đây, tôi là đứa trẻ như ngoi dậy từ máu, phút này không thấy mình còn bơ vơ lẻ loi nữa. Trước mặt tôi giờ hiện ra vô sổ người gan lì ở về phe tôi, không biết sợ thằng Biện Tư, thằng Hoành, không biết sợ Mỹ - Diệm. Ban đầu tôi những tưởng vô nhà Biện Tư như vô cửa chết, ngờ đâu từ của chết tôi lại thấy lối sống.
Tôi hăm hở quày quả vô chòi. Em Biếc và Thẳm vẫn ngủ. Hai đứa nó ngủ ngon lành quá. Đêm nào hai đứa cũng ngủ ngon như vậy, vì trọn ngày phải quần quật xách nước tưới rẫy. Dưới ánh sao làng rạng chiếu vô chòi, tôi dòm thấy con Biếc nằm ngáy nhè nhẹ, đều đều. Làn gió đêm sau khi đi qua đồng tới chòi, thổi mớ tóc trên trán Biếc phơ phất. Lòng tôi tràn ngập nỗi sung sướng đến hồi hộp. Tôi ngồi ngó Biếc, tin chắc là Biếc mà hay chuyện vừa xảy ra thì thế nào em cũng vui hệt như tôi. Hồi khuya hôm qua, Biếc cứ bò lê cạnh mấy vũng máu mà khóc mướt. Em không biết sợ máu me ấy. Em đã biết thương đau. Như đối với mẹ cha ngày trước.
Chưa có năm nào mà tôi lại thấy những ngày giáp Tết đến kỳ lạ như năm nay. Giáp Tết mà máu chảy tuôn, ngoài đồng, trên đường, trên các bờ mẫu. Chỉ mới từ hồi hôm tới giờ, ở đây thôi, lại có hai người chết. May mà chú Chín vừa được anh Đấu cứu thoát. Nhưng chú chỉ thoát ra được cách đây không đầy ba cây số. Chú còn phải được cứu thoát hẳn. Tôi nghĩ tới lùm cây trâm bầu và nhiệm vụ anh Đấu giao cho tôi. Bây giờ không có sức gì có thể ngăn trở tôi làm nhiệm vụ đó. Bằng mọi cách, kể cả thân mình, tôi phải cất giấu chú Chín trót lọt. Tôi sẽ không để cho kẻ nào bắt lại được chú. Gạo thì đã có sẵn không lo. Nhưng nếu nấu trội thêm thì phải nói sao với chị em con Biếc. Với lại tôi tính phải nấu nhiều, đủ cho chú Chín ăn trong ngày, và vì tối mai anh Đấu trở về nên phải lo cho cả chú Chín lẫn anh Đấu có cơm đem theo. Như vậy không thể nào tôi làm việc ấy một mình được. Tôi quyết định nhất thiết phải nói cho Biếc rõ, đề em ấy phụ giúp với tôi.
Tôi nắm tay Biếc lay nhẹ. Đang ngủ ngon như vậy, nhưng Biếc tỉnh dậy ngay. Biếc mở mắt hoảng sợ hỏi dồn:
- Cái gì, cái gì đó anh Quyết?
Hình như ấn tượng khủng khiếp của đêm hôm qua hãy còn đè nặng tâm trí Biếc, nên em ngỡ đâu chắc có tụi biệt kích thằng Hoành đi bắt người dẫn về nữa. Tôi thương hại, đợi Biếc thiệt bình tĩnh rồi mới bắt đầu kể cho em nghe chuyện vừa gặp anh Đấu. Vẻ mặt Biếc thảng thốt như nằm chiêm bao. Em bíu chặt lấy tay tôi, kêu:
- Thiệt hả anh, thiệt hả anh?
Biếc nói với tôi rằng vụ cơm nước cứ để Biếc lo. Em bảo sáng ngày em sẽ nấu thêm cơm bỏ vô cái giỏ ngày thường dùng để bắt cá, rồi tôi cứ xách cái giỏ đó mà đi thả trâu. Em còn nói:
- Để sáng sớm mai em đi kiếm bắt mau mau ít con cua về nướng cho chú Chín đó ăn. Hồi má em còn sống, má em kể lúc mình đánh Tây, má em nấu cơm trong quân y, cứ đi bắt cua đồng về cho mấy chú thương binh ăn. Má em nói ăn cua đồng thì vết thương mau lành...
Sáng sớm hôm sau, tên Hoành và Biện Tư mới biết là người tỉnh ủy viên đã trốn mất. Bởi đêm hôm ấy bọn biệt kích được Biện Tư cho nhậu nhẹt để thưởng công chúng đã bắt dược tên Việt cộng quan trọng. Bao nhiêu rượu trong nhà y đều cho đem ra. Bọn biệt kích uống say không còn biết trời đất gì nữa. Chúng nó yên chí cái lẫm lúa ấy quá đỗi chắc chắn, và người bị giam đã bị chúng hành hạ đến mức không còn có sức mà bò nữa chớ đừng nói là chạy trốn. Cho nên sau cuộc nhậu, cả bọn đều lăn ra ngủ. Không ngờ sáng ngày, lúc tên Hoành ra lệnh cho bọn biệt kích sửa soạn giải chú Chín Khẩn đi thì không còn có chú Chín Khẩu nào trong lẫm lúa nữa. Hay tin, Biện Tư chạy vào lẫm lúa. Ngó thấy nóc bị trổ và bên dưới sàn ván bị tháo rút, Biện Tư bảo con rể:
- Rõ ràng có người vô dắt thằng Chín Khẩn ra. Nó trổ nóc ngói rồi dỡ sàn nè, ghê không? Hoành à, vụ này tao nghi chắc có đứa phản, dòi ở trong dòi ra đây!
Tên Hoành lắc đầu
- Ba rà lại đám đầy tớ trong nhà coi, chớ lính của con thì chắc chắn là không. Tụi này do chính tay con đi tuyển, không lõi thằng nào đâu. Hơn nữa, từ đầu hôm tới sáng tụi nó đều ngồi nhậu đủ mặt mà?
Biện Tư cho gom hết kẻ ăn người ở trong nhà lại. Tất cả đều có mặt, trừ anh Đấu. Biện Tư la lớn:
- Chớ thằng Đấu đâu mất rồi mà không thấy ở đây?
Mọi người bảo là không biết. Y cho người chạy ra nhà kho là chỗ anh Đấu thường ngủ đêm. Lẽ dĩ nhiên cũng không có. Không còn nghi ngờ gì nữa, y nói với tên Hoành:
- Thằng Đấu dắt Chín Khẩn trốn rồi. Tụi bây cho truy nã theo coi!
Theo lệnh tên Hoành, bọn biệt kích chia làm hai tốp. Một tốp lấy xuồng máy của Biện Tư chạy dọc theo sông. Một tốp kéo lên hướng rừng.
Tốp lên rừng chạy qua vườn nhà Biện Tư, qua chòi trâu chúng tôi. Tốp này có cả Biện 'Tư cùng đi. Khi ra tới chòi. Biện Tư quát hỏi tôi lúc bấy giờ đang tỉnh tuồng kéo nước ở giếng:
- Nè Quyết, hồi hôm tới giờ tụi bây có thấy thằng Đấu dắt ai đi ngang qua đây không? Tôi đáp không thấy. Biện Tư không hỏi nữa, vung văng ba toong về phía rừng, bảo tốp biệt kích:
- Lên bìa rừng đi!
Lúc Biện Tư và đám biệt kích đi huốt, tôi kéo gầu nước dưới giếng lên, còn nghe tiếng Biện Tư làu bầu:
- Biết lắm mà, bộ vó cái thằng Đấu đó tao tình nghi lâu rồi... Thiệt là nuôi ong tay áo!
Tôi vừa đổ gầu nước ào ào vô thùng tưới vừa cười. Nghe nó nói về anh Đấu, tôi nghĩ bụng: "Biện Tư ơi, mày mới bị có một con ong chích thôi. Trong tay áo mày còn nhiều ong lắm, coi chừng có bữa nó chích mày nhảy nai cho coi!".
Tôi bây giờ rất vững bụng. Bọn chúng đổ đi lùng hướng khác chớ không ra đồng. Trong con mắt của chúng, rừng sâu kia mới phải thế là nơi anh Đấu đưa chú Chín đi trốn. Chúng không chú ý mấy tới cánh đồng trống lốc, trơ trọi kia. Thiệt, đứng ở chỗ chòi chúng tôi ngó ra, lùm cây trâm bầu chỉ thầy lúp xúp, mờ nhạt không có gì đáng để ý. Trong buổi sáng sớm, cánh đồng lại dường như trải rộng ra không che đậy chi hết. Bọn biệt kích đi một chốc thì Biếc về. Biếc đi bắt cua từ sớm giờ đem về gần hai chục con cua đồng, chúng tôi đứa đi tưới, đứa lo nấu cơm. Biếc rửa sạch cua bỏ vô nồi đất rang với muối. Muối nóng lửa, nhảy kêu rúc rắc. Đợi muối hết nhảy, Biếc nhấc nồi xuống. Tôi chực sẵn, kê miệng giỏ cơm cho Biếc bốc bỏ vào giỏ những con cua rang muối vàng rộm. Chúng tôi ăn cơm sớm hơn mọi bữa. Biếc khuyên tôi ăn thiệt no, vì chiều nay có thể tôi lùa trâu về muộn.
Nhưng tôi không ăn được, tôi chỉ ăn qua quít vài chén rồi đứng dậy. Em Biếc cũng đứng lên theo. Trong lúc tôi lo treo cái giỏ cơm và chai nước uống lên cổ trâu, Biếc đứng bên rơm rớm nước mắt:
- Anh quyết mà có gặp lại anh Ba Đấu thì nói em chúc ảnh đi mạnh giỏi. Nói ảnh đừng quên mấy đứa mình ở đây nghe anh Quyết!
- Ảnh không quên đâu!
Tôi nói rồi leo lên lưng trâu. Không đầy năm phút sau, đàn trâu mười sáu con do tôi dắt, đồm độp kéo ra đồng. Tôi như một ông tướng, ngồi trên lưng con Cộ, cầm ngang cành roi đưa mắt đảo ngó bốn bề. Không có gì lạ trên cánh đồng đang bừng nắng. Lũ biệt kích không có ở đây. Chỉ có gió, với cơ man những gốc rạ lặt lìa, với chim. Chim bay từng đàn, thoắt hạ cánh đậu chỗ nầy, thoát chớp cánh bay đi chỗ khác. Chim áo già có tới mấy ngàn con, ríu rít là là trên mặt ruộng. Chim tu hú ở đâu không thấy mặt, mà chỉ nghe tiếng kêu vòng vọng. Con chim te te hoành hoạch, cái giống chim có tiếng kêu nghe mới hối hả làm sao.
Tôi dong trâu đi thang tới khoảnh đồng cách lùm trâm bầu không xa, thả cho trâu ăn ở đó rồi tháo giỏ cơm, chai nước, tụt xuống khỏi lưng con Cộ. Theo lời dặn của anh Đấu, lúc sắp sửa tới lùm trâm bầu tôi la lối ca hát om xòm. Sau khi dòm ngó quanh quất cẩn thận, tôi mới luồn vô lùm trâm bầu. Tôi hồi hộp đưa mắt tìm kiếm nhưng chưa trông thấy chú Chín ở đâu cả. Khi tôi đi gần về cuối lùm cây thì chợt nghe có tiếng ho khẽ. Tôi liền vẹt nhánh lá, đi lại phía đó. Đi được mươi bước, tôi tằng hắng một tiếng thì nghe một tiếng ho nữa đáp lại.
Tôi lủi tới và mừng rỡ đứng sững. Trước mặt tôi, trong một vuông cỏ mọc kín dưới vòm lá trâm bầu giao cành rậm rịt, chú Chín đang ngồi ngó ra. Lưng chú dựa vào một thân cây trâm bầu, hai chân duỗi thẳng. Chú tươi cười dơ tay ngoắc tôi lại. Còn tôi thì cứ xách giỗ cơm đứng đó, rưng rưng nước mắt. Mới qua đêm, mà trông chú thiệt thương. Chú mặc cái quần ngắn, để lộ đôi ống chân bị đánh, máu bê bết dán lại khô sẫm. Bây giờ chú đã mặc áo, có lẽ là áo của anh Đấu. Nét mặt chú Chín nhợt hẳn đi, rõ ràng chú đã đuối sức lắm. Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng. Đôi mắt nhìn tôi vẫn hệt như ngày xưa, vẫn âu yếm tươi cười và bình thản như không có sự gì xảy ra hết.
Đứng thần người mất một lúc, tôi mới chạy đến ôm chầm lấy chú. Hai chú cháu tôi ôm lấy nhau. Tôi nói:
- Chắc chú Chín quên cháu rồi?
- Chú nhớ, cháu là con Năm Đô chớ gì. Vừa rồi Ba Đẩu có nói. Mà trước đó, chú cũng biết cháu về coi trâu cho Biện Tư. Hồi ba má cháu hy sinh, chú hay tin, định trở về đem các cháu đi nhưng không sao về được! Tôi đưa tay rờ rẫm khắp người chú Chín:
- Tụi nó đánh chú dữ lắm phải không?
- Ừ, đánh cũng bộn, đâm ở lưng ở vai...
- Cháu có thấy, hồi đêm hôm lúc tụi nó dừng lại ở sân chòi... Cháu nhận ra chú, cái lúc thằng Hoành rọi đèn đó?
- Ủa, vậy hả?
- Dạ, lúc đó cháu nằm trong chòi mà!
Bỗng chú Chín nín lặng, mắt đỏ hoe, rưng rưng. Rồi chú ngó mông ra ruộng, lát sau khẽ nói:
- Hồi hôm về tới đó thì còn đủ ba người. Nay chỉ còn lại có mỗi mình chú thôi. Vậy hồi hôm cháu có ngó thấy một chị bị ngất xỉu tại sân chòi không?
- Cháu có thấy!
- Đó là cô Đạm. Chiều qua, trong lẫm lúa tối om, cô ấy sờ soạng tìm nắm lấy tay chú mà nói: "Cháu đuối sức lắm rồi, chú Chín ơi. Nếu chú còn sống trở về được nhờ chú thưa lại cùng với Đảng, với bà con là tới chết cháu không có gì ân hận, chỉ tiếc là lúc nầy Đảng lại cần người. Chú mà có trở về được thì làm ơn bảo bọc dùm đứa nhỏ cho cháu, con nhỏ của cháu có tật hay nấc sữa... Cô Đạm nói thế rồi ngã đầu vô vai chú và thôi không nói nữa. Chú kêu mãi cô cũng không đáp. Lúc đó bàn tay của cô vẫn nắm chặt tay chú, rồi bàn tay lạnh dần... Quyết ơi, cháu có thấy không, quyết giết chết hết bà con anh em mình. Cô Đạm chết cũng như má cháu, chỉ có khác là má cháu chết lúc mang thai, còn cô ấy thì mới sanh đứa con gái vừa tròn một tháng. Con nhỏ coi mới thiệt dễ thương làm sao!
Chú Chín kể tới đâu, nước mắt tôi chảy tới đó. Nhưng chú Chín đã vội bảo:
- Đừng khóc cháu. Chú cháu mình đừng thèm khóc, mà phải nhớ lấy, đề rồi có ngày bắt tụi nó phải trả nợ. Đã là nợ máu thì phải đòi tụi nó trả lại bằng máu!
Tôi nghe chú Chín nói câu đó bằng một giọng dữ dội, mà lại nói rất khẽ. Tôi nín lặng, nhưng câu nói ấy đã khắc vào lòng tôi mãi mãi. Lát sau, tôi nới khỏi tay chú Chín, với lấy cái giỏ:
- Cháu đem cơm cho chú đây. Chắc chú đói lắm rồi, chú ăn cơm đi. Có cua rang muối nữa nè chú. Con Biếc nó lội từ sớm đi bắt cua đó. Nó nói ăn cua đồng thì thương tích mau lành.
Chú Chín vụt đưa mắt nhìn tôi, lo lắng hỏi:
- Sao, con Biếc nào, sao nó cũng biết chú ở đây à?
Tôi vội giải thích:
- Chú đừng lo, Biếc là đứa con gái ở đợ cùng với cháu. Biếc còn có một đứa em tên là Thắm. Ba má của tụi nó cũng chết y như ba má cháu. Má nó chết trong nhà giam, còn ba nó bị tụi ác ôn bắt đem vô rừng đập chết. Nó đi kiếm, mò được xương của ba nó ở dưới bàu...
Nghe tôi nói chú Chín chợt nhíu mày. Bỗng chú sực nhớ ra, kêu lên:
- Trời ơi, thôi chắc là hai đứa nhỏ con của vợ chồng anh Tư Thắng rồi!
Chú lại hỏi:
- Vậy con Biếc gì đó có nói nó ở xã nào không?
- Nó ở trên Long-khánh.
- Đúng là con Tư Thắng không sai rồi!
Chú Chín bảo thế, rồi tiếp
- Để chú hỏi lại, chắc Ba Đấu biết... Thiệt thằng Biện Tư nầy hết chỗ nói. Cũng là lũ nó giết hại không biết bao nhiêu anh em đồng chí mình, rồi còn gom bắt con cái của đồng chí mình về ở đợ cho nó. Nhứt định phải diệt thằng nầy đi mới được!
- Đâm nó chết phứt cho rồi, mấy chú mà giao cho cháu, cháu đâm nó liền!
- Không được, đó không phải là việc của cháu. Nhưng rồi nó cũng phải đền tội thôi, không còn lâu đâu.
- Chú Chín, chú cho cháu đi theo chú với, đi luôn bữa nay...
- Khoan đã, vụ mấy cháu rồi chú sẽ tính đưa đi. Nhưng bây giờ thì chưa đi được!
- Chú ăn cơm đi.
Tôi lấy chén xới cơm, gắp cua rang:
- Chú Chín cứ ngồi ăn bình tĩnh, để cháu leo lên cây gác rồi lát nữa cháu xuống lấy muối đắp vết thương cho chú...
Tôi leo lên một cây bằng lăng cách đó vài bước. Ngồi trên chảng ba cây bằng lăng da dẻ loang lổ với vòm lá rợp đầy những bông tím, tôi đảo mắt ngó khắp bốn bề.
Cánh đồng vẫn trải rộng, lóa nắng. Đàn trâu của tôi vẫn ngoan ngoãn gậm cỏ. Những con sáo đang nhảy nhót trên lưng trâu, liến láu. Ngó miệt rừng, rừng cũng không có gì lạ. Ở chỗ bìa rùng giáp mí trảng găng, không thấy có bóng một người nào. Chắc tụi biệt kích do Biện Tư dẫn lên đó lùng kiếm không ra đã kéo về ngỏ (ngõ) đường cái. Tôi rất vững bụng. Ngồi trên cây cao, tôi có thể phóng tầm mắt rộng ra hằng mấy cây số. Uớc chừng một con chó chạy trên đồng tôi cũng ngó thấy chó đừng nói tới bọn biệt kích kéo ra. Sau khi đã quan sát kỹ bốn bề, tôi cúi nhìn chú Chín đang lặng lẽ ngồi ăn cơm ở dưới. Chú ăn khoan thai. Tôi nghe chú nhai cua rau ráu mà vui trong bụng. Bỗng tôi lại thấy nơi giữa đỉnh đầu chú, tóc dán bệt lại một lõm khô cứng bằng bàn tay. Thôi chắc chú bị tụi thằng Hoành đánh chảy máu đầu rồi. Mắt tôi lại xốn lên.
Ăn cơm xong, chú Chín ngước nhìn lên như có ý hỏi tôi có động tĩnh gì không. Tôi leo xuống nói:
- Yên, không có g đâu chú?
- Thôi, lát nữa rồi lên coi chừng. Bây giờ chú nhờ cháu một chút!
Chú đưa cho tôi cái chén đã có muối rấp nước:
- Cháu đắp những vết thương ở lưng cho chú.
Tôi cởi áo cho chú Chín. Để khỏi bật lên tiếng kêu, tôi cắn chặt môl lại. Trên tấm lưng gày gò của chú Chín, có trên một chục vết dao đâm. Máu ở các vết thương đã khô đọng, giờ đang chảy ra thứ nước vàng, ri rỉ. Đúng là bọn chúng chưa muốn giết chú ngay mà đây là một kiểu tra tấn. Bởi vì nếu chúng muốn giết chú thì chỉ cần một nhát dao ấn sâu hơn là đủ. Tôi lấy nước trong chai rửa qua các vết thương, sau đó vốc muối xoa lên. Tôi xoa và biết chú bị rát dữ. Nhưng chú Chín không rên.
Tôi nói:
- Tụi nó đâm chú tới mười ba vết! Chú Chín cười:
- Ấy là tụi nó có sự chiếu cố cho chú rồi đó. Mà thiệt, tụi nó chưa định giết chết chú ngay đâu. Đêm trước nó chơi kiểu đó, cốt buộc mấy chú khai ra, chỉ bắt thêm. Nhưng vô ích, không có ai khai gì hết. Tụi nó tức mình, dẫn chú Sáu vô rừng. Cô Đạm thì do bị nó đâm rấn thêm mấy dao nữa nên chịu không nổi. Còn chú, dù có tức mình, nó cũng không đâm thêm.
- Hồi thằng Hoành rọi đèn, rồi nó nói chiếu cố chú cháu có nghe!
- Ờ, nó nói vậy... Thằng chó chết, chiếu cố hay không thì chú cũng đã ra khỏi lẫm lúa rồi.
- Nó nói chú như con lươn, cứ vuột hoài!
Chú Chín bật cười:
- Ờ, Ờ, nó còn nói vậy nữa chớ. Nó có dè đâu lần nầy rốt cuộc nó cũng vuốt đuôi lươn.
- Cháu thoa đều hết rồi, chú!
- Được rồi, đưa chú mượn chén muối.
Chú Chín cầm chén muối, tự xoa bóp ống chân một chút rồi thong thả mặc áo vào. Chú kéo tôi lại sát bên chậu yếm để tay lên vai tôi. Chú nhìn tôi rất lâu, nghĩ ngợi gì lung lắm. Nhưng hình như không phải chú chỉ nghĩ ngợi về tôi, mà là nghĩ tới chuyện chi còn vượt khỏi tôi nữa.
Chất muối rất có hiệu quả. Tới trưa trưa, chú Chín nói đỡ đau. Sợ chú ngồi lâu mệt, tôi liền đạp cỏ dọn lấy một chỗ cho chú nằm, còn tôi thì lại leo lên cây bằng lăng ngồi gác. Bốn bề ruộng đồng như im ngủ dưới nắng trưa chói chang.
Tôi ngồi gác chăm chú cho tới lúc mặt trời chiếu chênh chếch, dời bóng cây bằng lăng sang một bên. Và buổi chiều đổ bóng râm xuống từng khoảnh ruộng. Chú Chín đã thiếp đi được một chút trên cái đệm cỏ do tôi dọn cho chú. Lúc tôi trở xuống, chú ngồi dậy ôm lấy tôi mà nói:
- Cháu sửa soạn thả trâu về đi, kẻo tụi nó nghi. Cháu cứ về ở đó một thời gian rồi chú sẽ tính cách đón mấy cháu đi?
Tôi bịn rịn không muốn rời chú Chín. Đã đành là tôi không thể theo chú rồi, nhưng chẳng nỡ để chú ở lại lùm trâm bầu một mình, sợ có chuyện gì xẩy ra. Chú Chín lại giục:
- Cháu cứ về, chiều rồi tụi nó không đi lùng kiếm chú nữa đâu. Bây giờ chú thấy trong người dễ chịu hơn nhiều rồi!
Tôi nói:
- Cháu để giỏ cơm lại đây, chút nữa chú ăn thêm. Còn lại chú đem theo ăn đường. Mai cháu sẽ lại lùa trâu ra đây. Nếu tối nay anh Đấu trở về đón chú đi được êm thì chú nhớ bẻ một nhánh trâm bầu tươi bỏ tại chỗ này để cháu biết. Tối anh Đấu tới, nói tụi cháu chúc ảnh đi mạnh giỏi!
- Được rồi!
Tôi ôm chú Chín một lúc nữa rồi buông chú ra, vẹt cỏ đi. Đi mấy bước, tôi ngó lại thấy chú Chín ráng gượng đứng dậy nhìn theo tôi. Tôi nhớ mãi cánh tay run run của chú với vịn lên thân cây trâm bầu, và một tay kia vẫy theo tôi như vẫy với một người lớn chớ không phải với một đứa trẻ.