úng là Biếc thật.
Biếc đã đến, cùng lượt với một đại đội thanh niên xung phong được điều về tiểu đoàn. Ban đầu, tôi cứ ngỡ là ai chớ không phải Biếc. So với hồi ở Phước-kiển, bây giờ Biếc khác quá. Đứa con gái bé nhỏ, gày gò và đen đúa ngày nào, nay đã lớn lên. Biếc đã trở thành một cô gái, vẫn với nước da màu bánh ếch như trước, nhưng tươi tắn, rám hồng. Biếc cao dong dỏng mà không gầy. Ở vào tuổi mười bảy, Biếc nảy nở như mọi đứa con gái khác. Những gì đau đớn khổ cực chỉ còn thấy ở mắt Biếc. Đôi mắt đó nay đã có nụ cười rồi, nhưng vẫn còn đọng chứa tất cả nét đau thương ngày cũ. Đôi mắt chừng như to hơn ngày trước, và đen muồi. Từ lúc gặp lại Biếc, tôi vừa vui sướng xôn xao, vừa hồi hộp. Tôi sợ như Biếc có thể biến đi bất cứ lúc nào. Nhưng Biếc vẫn còn đó, không biến đi đâu cả.
Tối hôm sau, chúng tôi mới ngồi lại trò chuyện với nhau, vì cả ngày sau Biếc phải cùng chị em đưa thương binh đi. Tôi, anh Ba Đấu và Biếc ngồi trên một thân cau bị pháo chém gẫy sà xuống đất. Anh Ba Đấu tỏ vẻ đặc biệt cưng Biếc. Anh kéo Biếc ngồi cạnh, hỏi Biếc có mấy bộ đồ, đã có tấm dù để ngụy trang và để đắp ngủ chưa. Nhất nhất cái gì anh cũng chăm lo cho Biếc. Nhưng điều đó chỉ càng làm cho tôi thêm vui mừng mà thôi. Anh Đấu cười nói:
- Vậy là rốt cuộc anh em mình đều gặp mặt ở đây hết, chỉ còn thiếu có con Thắm. Nhớ hồi ở nhà thằng Biện Tư, anh còn được ở trong nhà nền đúc, chớ mấy đứa ở ngoài chòi gió thổi bắt ngán!
Tôi cũng cười nói:
- Dà, cái chòi giữ trâu đó gió thổi tối ngày sáng đêm. Lúc giáp Tết, gió bấc mới ác chớ, lạnh ngủ không được
Biếc cứ ngồi cười tủm tỉm. Chắc là Biếc cũng đang nhớ tới những ngọn gió bấc. Chắc là Biếc cũng đang nhớ lại cái bao bố mà Biếc và tôi thường chui vào đó khi trời nhòa tối. Tôi nhớ một hôm, tôi chui vô bao rồi mà còn thò đầu ra ngoài phì phèo hút thuốc, bị Biếc cằn nhằn cho một trận.
Lát sau, anh Đấu đứng dậy, đi lên tiểu đoàn họp, chỉ còn lại tôi với Biếc, tôi nhắc lại chuyện ấy. Biếc phì cười, rồi hỏi tôi:
- Bây giờ chắc anh Quyết hút thuốc dữ lắm hả?
- Hút vừa vừa thôi!
Im lặng một lúc, Biếc nói giọng trách móc:
- Sao bữa anh đi không cho em hay gì hết vậy? Rồi đi biệt luôn, không nhắn về một câu!
Tôi kêu:
- Trời ơi, có phải tôi bỏ Biếc mà đi đâu. Để tôi nói cho Biếc nghe...
Bấy giờ đã vào đêm. Bên trên những thân cau gẫy ngọn, bầu trời đầy sao. Tôi nghe những bông cau còn đậy nụ vẫn bình yên tỏa mùi hương thơm ngát khắp vườn Cái mùi hương quen thuộc dễ chịu của vườn làng ấy và bầu trời lấp lánh ấy lát lát lại bị phá quấy bởi tiếng gầm rú của chiếc trinh sát phản lực lao ngang, có ý như dọa dẫm cái nơi chúng vừa bị đau đòn. Tôi bắt đầu kể cho Biếc nghe. Tôi kể hết, từ buổi tôi bị lừa lên Xà-bang ở với Bảy Vàng. Rồi những năm sau đó. Chuyện bầy bò, chuyện ông Cổ, và cả câu chuyện về con xà- niên nữa.
Thế là tôi nghe Biếc khóc. Biếc khóc từ cái đoạn đó, đoạn nói về ông Cổ, nói về con người túng cùng bị dồn đẩy tới chỗ sắp trở thành con thú. Nhưng Biếc khóc không thành tiếng. Chẳng qua do tôi nhìn thấy, hay nói đúng hơn là tôi cảm thấy đôi mắt đen lớn của Biếc đầy những nước mắt. Cho tới khi nghe tôi thuật lại cái đêm tôi bị Bảy Vàng đánh bất tỉnh, tới khuya mới tỉnh dậy được, một mình sờ soạng bò trốn thì khi đó Biếc mới khóc òa. Tôi lúng túng không biết làm sao, chỉ biết cầm cườm tay Biếc lắc nhẹ mà dỗ: "Thôi, Biếc đừng khóc, để tôi nói tiếp cho nghe!”. Nhưng tôi không nói nữa, xúc động cầm giữ bàn tay nhỏ nhắn của Biếc. Cái bàn tay ấy nay có da thịt hơn, mát rợi và ngoan ngoãn. Tôi thấy thương bàn tay đó quá, muốn cầm mãi, dắt Biếc cùng tôi đi tới một chỗ vui tươi mà giờ đây tôi đã ngó thấy. Thiệt ra nơi �rõ là một nơi nào, nhưng hồ như là một cách đồng lúa chín vàng mơ, lượn hết đợt sóng này đến đợt sóng lúa khác, dào dạt đến tận chân trời. Và bầu trời ở đó thì cũng rộng mênh mông, xanh biếc, chao liệng không biết bao nhiêu con chim ríu ran vui hót. Giữa phút này, tôi cảm thấy như tôi lại có mẹ có cha như xưa, mọi vật chung quanh bỗng trở nên khác trước, vui vẻ hơn trước. Biếc đã thôi không khóc nữa. Chúng tôi ngồi im lặng trong khu vườn thiệt là yên tĩnh. Một cây cau nẩy bẹ nghe tanh tách. Một cái bắp chuối nào đó đang cục cựa trổ khỏi mình mẹ. Những thứ tiếng đó vỡ ra rất khẽ, khẽ đến nỗi không thính tai thì không nghe thấy. Nhưng tôi nghe rõ hết cả. Mùi hương bông cau tôi cũng nghe thơm nhiều hơn. Rồi lai có tiếng rú của một chiếc phản lực. Tôi và Biếc ngước lên. Cả hai chúng tôi đều thấy bóng chiếc máy bay đen trũi cắt ngang trên những ngọn cau.
Biếc nói:
- Trận vừa rồi tụi em tới trễ quá, chớ trận tới tụi em sẽ cùng ra trận với mấy anh. Không biết mình còn ở đây lâu không?
- Nghe phong phanh thì lần này tiểu đoàn mình sẽ đi xa, đi tới miệt biển Phưóc-hải, Long-hải gì đó...
- Cha, sướng quá. Hổi giờ em chỉ nghe nói biển chớ chưa ngó thấy. Anh Quyết có thấy biển chưa?
- Chưa, hồi giờ anh ở trong ruộng chớ có ra biển hồi nào đâu. Mà điều ba anh có ra biển. Ba anh theo người ta ra đó bủa lưới rùng một trận rồi dông về luôn. Ba anh nói biển dữ lắm, dữ hơn ở ruộng nhiều. Ở ngoài biển khỏi có ngó thấy bờ, chỉ có trời với nước, xanh lè minh mông, mà sóng thì nhào lộn tối ngày, một lượng sóng lớn bằng ba bốn cái nhà gộp lại.
- Dữ vậy hả anh?
- Chớ sao, mà cá thì lớn tổ bành ky. Ba anh nói có con cá đao lớn bằng chiếc ghe lườn. Còn cá nược thì nổi lên một lần đôi ba chục con, con nào con nấy lớn bằng bộ ván ngựa, trồi trồi hụp hụp dưới sóng.
- Ớn quá hả? Cá nược có ăn thịt mình không anh?
- Cá nược không ăn thịt người, cá mập mới ăn thịt người. Nên chi mình mới ví tụi Mỹ như cá mập đó. Ớn chi mà ớn, Mỹ mình không ớn thì con thú dữ con cá dữ mình cũng không sợ. Mình cầm cây súng thì mình không sợ gì hết, anh cầm cây súng anh thấy vững lắm!
- Hôm rồi anh Quyết bắn chết được bao nhiêu thằng Mỹ?
- Chừng đôi ba chục...
- Nhiều vậy sao?
- Ừ, bắn cây đại liên nên Mỹ phải chết nhiều.
- Em thì chưa bắn chết thằng nào, nhưng nếu cho em bắn, nhất định có thằng chết.
- Chết chớ sao không, súng đạn đâu có tha tụi nó. Mà em chưa cần bắn, để tụi anh bắn nó cũng dư sức. Chỉ cần mấy em lo tiếp đạn cho kịp, với lại khi nào tụi anh rủi chết hoặc bị thương thì ráng khiêng dùm đừng có bỏ...
Tôi nói chưa dứt câu liền bị Biếc véo một cái vào sườn. Tôi cười và kêu oái. Sau đó tôi bảo:
- Nói là nói vậy chớ ai mà mong chết và bị thương để cho mấy cô cõng. Nhưng phần anh, đi đánh giặc rủi có chết thì anh đề nghị khỏi chôn cất gì ráo, chỉ cần để anh nằm trên đất ruộng.
- Thôi đi, anh Quyết cứ nói tầm bậy tầm bạ...
- Thiệt chớ, mình sống nhờ đất, chết cũng nhờ đất. Nhưng mà đừng có chôn, chôn xuống đất là hết còn ngó thấy cái chi. Chỉ cần để anh nằm trên một miếng đất ruộng là đủ, để mà ngó thấy đồng, ngó thấy chim...
- Sao anh Quyết không nói là để anh gọi chim luôn thể?
Tôi bật cười:
- Ừ, để mình còn kêu cả bày chim tới chơi với mình nữa chớ?
- Anh Quyết nhớ ở đồng Phước-kiển anh dạy em kêu chim không?
- Nhớ chớ sao lại không.
Biếc cười khoe:
- Em cũng kêu chim được
- Thiệt à?
- Em kêu được cả bầy tới. Trao trảo, dòng dọc, áo già gì em kêu cũng được hết. Mấy con bạn của em nó phục lăn.
- Giỏi quá ha, vậy bữa nào kêu thử anh coi!
- Được rồi, bữa nào em kêu cho anh coi. Bây giờ em về đây...
- Khoan, lại đằng khâu đội anh một chút. Mấy đứa nó nấu chè, biểu mời em với anh Ba Đấu, nhưng anh Ba Đấu sao đi lâu quá không thấy về. Thôi mình đi đi!
Tôi không cho Biếc từ chối, nắm tay Biếc kéo đi luôn tới nhà khẩu đội tôi ở. Mới bước vô đã thấy Khởi thò đầu ra:
- Trời, đi đâu mà tôi kiếm hoài không thấy, chè chín lâu rồi. Mời chị Biếc vô ăn chè với tụi tôi. Nghe anh Quyết nhắc chị hoài, bữa nay mới gặp...
Khởi đón tiếp Biếc một cách hồ hởi. Cần khệ nệ bưng nồi chè ra. Thím Sáu chủ nhà, người đàn bà trạc ngoại bốn mươi lăng xăng phụ dọn chén, vui vẻ giục Biếc:
- Ngồi xuống cháu. Hồi hôm qua, thấy đội thanh niên xung phong của mấy cháu về, cô bác bàn tán dữ lắm nghe, cô bác nói phen này tới con gái cũng ra trận thì thằng Mỹ hết thời. Đánh giặc với con gái thì ê cái mặt, quá!
Biếc cười đáp:
- Dạ thưa thím, tụi cháu có cầm súng như mấy anh đây đâu. Tụi cháu làm phận sự vác đạn tải thương thôi!
- Úy, vậy tui cho là còn hơn cầm súng đó chớ. Mấy chú thanh niên đây cầm súng còn bắn nó được, chớ mấy cháu lo vác đạn khiêng thương binh nguy hiểm hơn nhiều chớ!
Tôi nghĩ thím Sáu chủ nhà nói phải. Từ hôm kia, khi đội nữ thanh niên xung phong về, tôi cũng đã chợt có ý nghĩ như thím. Trên chiến trường, từ nay sẽ có thêm những cô gái trẻ như Biếc đem đời mình tiếp lửa và chia phần máu đổ. Trong số các cô, có người cũng có súng có lựu đạn, nhưng hầu hết chỉ có tấm ni-lông choàng và cái võng buộc gọn bên lưng. Sao tránh khỏi rồi đây có lúc mình với anh em phải đau lòng vì các cô sẽ đổ máu cho mình, sẽ chết cho mình. Thiệt ra không phải cho riêng mình mà là cho thắng lợi chung. Nhưng mà những giọt máu tươi hồng của họ sẽ chảy xuyên tim mình.
Chúng tôi xúm lại ăn chè. Thím Sáu không thiết ăn cứ lo bưng cái thố đựng nước cốt dừa múc chan thêm vào từng chén chè đậu xanh của chúng tôi. Bưng chén chè đậu xanh nước dừa béo đậm lên ăn, tôi thấy sự ngon thời đã đành, mà còn có sự đủ đầy, thấy bây giờ mình không thiếu gì hết. Cao hứng lên, tôi còn vào nhà đem cây kèn và chiếc nón sắt Mỹ ra khoe với Biếc:
- Đây nè, trận rồi anh lấy được của tụi nó nè!
Biếc cầm cây kèn coi. Tôi đội cái nón sắt lên đầu. Khởi la lên:
- Anh Quyết đội nón sắt coi găng thiệt!
Tôi khoái chí, vươn vai bỏ bước đi rảo rảo quanh nhà. Mọi người, cả Biếc lẫn thím Sáu đều cười rộ. Được thể, tôi với cây kèn nơi tay Biếc, rùn chân làm điệu bộ và thổi toe toe. Mọi người lại cười ầm lên. Tếu một chút, tôi lột nón xuống, dơ cây kèn lên nói giọng tiếc rẻ:
- Cây kèn này mai phải nộp lên tiểu đoàn rồi!
Cần nói:
- Hồi nãy có anh Lắm tới coi mặt cây kèn. Anh nói Ban Chỉ huy tính giao ảnh thổi kèn trận.
- Bộ thằng Lắm biết thổi kèn à?
- Nghe ảnh nói biết chút chút thôi, nhưng anh sẽ tập thôi cho được. Coi bộ ảnh ham cây kèn lắm!
- Vậy thì hay. Tao chỉ sợ không ai biết thổi, chớ thằng Lắm mà dám lãnh thì chắc thế nào nó cũng mầy mò thổi được.
Hôm sau, Lắm đến đưa cho tôi một mảnh giấy của anh Dũng để nhận cây kèn. Tôi sốt sắng lấy cây kèn giao cho Lắm và hỏi:
- Trên giao cây kèn này cho mày thôi hả?
Lắm gật đầu. Tôi lại hỏi:
- Mày biết thổi hồi nào tài quá
- Tao đâu có biết thổi. Có thổi bậy bạ chơi chớ đâu có thổi thành bài bản.
- Vậy hả?
- Ờ, nhưng để tao thổi thử cho mấy thằng bây nghe sơ qua rồi tụi bây nhắm coi tao có thổi được không nghen! Nói thiệt,tình tao lãnh thôi chớ tao cũng hơi ngán.
Tôi nói:
- Ừ, thì cứ thổi thử nghe coi!
Khởi và Cần cũng xúm lại bảo Lắm thổi. Lắm vẫn còn ngần ngại.
- Tao thổi tầm bậy không hè!
- Kệ, cứ thổi đi!
Bấy giờ Lắm mới chịu đưa kèn lên miệng thổi nhấp, và thử bấm nút kèn. Nét mặt Lắm bỗng trở nên nghiêm trang. Lắm bắt đầu thổi một điệu tôi không biết là điệu gì nhưng nghe cũng ngồ ngộ. Tôi vỗ tay bốp bốp la lên:
- Khá quá, thổi vậy là ngon lành quá rồi!
Lắm hạ kèn xuống, giải thích:
- Tụi bây biết tao thổi bài gì không, đó là bài kèn chào mở màn của gánh hát. Tao học được bài đó là nhờ lúc đi theo làm quân cho một gánh hát. Sở dĩ tao phải theo gánh hát làm quân là vì tao bị lính đập bể thùng cà rem, chớ trước đó tao đi bán cà-rem.
Cần cũng khen:
- Anh Lắm thổi khá lắm!
- Thì tao cũng biết thổi chút đỉnh. Ngặt mấy bài của gánh hát đó đâu xài được. Để rồi tao tập thổi mấy bản mới như "Tiểu đoàn 307", "Tiến-binh", "Giải phóng miền Nam" v,v... Chắc thế nào tao cũng mò thổi được.
- Ừ, ráng lên nghen Lắm. Tôi nói - Ráng thổi cho ngon, ra trận mầy thổi sao cho anh em mình nhảy lên rượt tụi nó chạy thấy bà hết cho tao!
Lắm gật đầu
- Phải ráng chớ, thôi kèn đâu phải chuvện giỡn.
Tao hứa với tụi bây, hễ tao mà thổi là tao thổi thúc cho tụi bây nôn ruột có cục, thằng nào cũng phải nhảy dựng lên hết trọi!
Lắm nói thế rồi lại rờ rẫm mân mê cây kèn, khen cây kèn Mỹ nầy tốt hơn kèn của gánh hát nhiều. Tôi đưa mắt nhìn Lắm mà mường tượng hồi Lắm đi bán cà rem và làm quân trong gánh hát. Tôi cũng không dè ngày trước Lắm đã trải qua những nghề đó. Tụi nhỏ làm nghề bán cà-rem thì tôi biết nhiều. Mấy đứa trên chợ Xà-bang đứa nào đi bán cà-rem cũng lem luốc, vất vưởng, và đứa nào cũng lì lợm. Tôi dòm mặt Lắm thấy cững có nét đó. Mặt Lắm sạm nắng, hơi bị rỗ huê, có lẽ là bị một trận đậu mùa may mà không chết. Ở trên gò má của Lắm có một vết thẹo dài cỡ ngón tay. Nhìn vết thẹo ấy, tôi cứ nghĩ tới vết thẹo của thằng Hoành và Bảy Vàng đánh tôi. Ngồi im một chốc, tôi hỏi Lắm:
- Hồi đó mày đi bán cà-rem ở chợ nào?
- Ở chợ Cấp.
- Tại sao lính nó đập bể bình cà-rem của mày?
- Tại tao đánh lính, khi lính đánh mấy thím mấy chị kéo đi đấu tranh. Tụi lính lột quần áo của mấy chị nữa. Vậy là tụi tao nhào vô tiếp mấy chị đó, xô xát kịch liệt lắm. Một thằng phang dùi cui trúng bình cà-rem tao bể cái rốp. Tao thấy vậy là tiêu hết sự sản rồi, bình cà-rem mà bể thì thấy chết đói rồi. Nhưng tao nghĩ bình còn hàn gắn gì được, nên tiện thể tao vác bình đập luôn
vô mặt thằng quân cảnh đương nhào tới.
- Nó té không? - Tôi hồi hộp hỏi.
- Thằng quân cảnh đó té bật ngửa trên mình mấy chị. Mặt nó bị miểng kiếng bình cà-rem ghim bấy, máu chảy ròng ròng. Tụi bây biết khi nó té lên người mấy chị rồi mấy chị đó làm sao không. Mấy chị hè nhau, kẻ nắm tay, người nắm chân thằng quân cảnh liệng nó cái ạch khỏi chỗ đó chừng bốn thước. Mấy chị đó cũng dữ dằn thiệt!
- Phải dữ chớ! - Tôi nói xôm vô, và hỏi: - Cái thẹo ở gò má mầy phải là bị trong trận đó không?
Lắm đáp cụt ngủn. Rồi đưa tay lên rờ rờ vết thẹo trên má, Lắm day mặt ngó đi chỗ khác. Hình như Lắm hơi muốn tránh trả lời câu hỏi của tôi. Thành ra tôi cũng không hỏi nữa. Bỗng lát sau, Lắm đặt cây kèn xuống bộ vạt, dòm chúng tôi mà hỏi:
- Tụi bây hồi nhỏ tới lớn có khi nào bị đói chưa?
Tôi đáp:
- Có chớ sao không, như tao nè, hồi tao bỏ nhà Bảy Vàng vô rừng Hắc-dịch kiếm bộ đội, tao đói phải nhổ ngải ré ăn cầm hơi.
- Không, tao không nói cái cảnh đói đó, tao muốn nói cái cảnh mình bị đói nhăn răng mà ở chung quanh mình tụi nó ăn uống nhậu nhẹt no nê. Nghĩa là tụi nó dư cơm thừa thịt cũng không cho mình. Mấy đứa bay ở ruộng không biết chớ ở chợ thì vậy. Lần đó tao bị đói liền mấy bữa không có một hột cơm vô bụng. Đi bươi mấy đống rác tưa tay hết cũng không có gì ngoài miếng hư
miếng thúi của người ta bỏ đi. Năm đó tao mười lăm tuổi, tội nhứt là có một thằng nhỏ đi theo tao. Nó mới lên chín tuổi, tên là thằng bé Tư. Ba má thằng bé Tư bị chết ở Phú-lợi, bỏ nó ở ngoài cầu bơ cầu bất. Thằng bé Tư theo tụi tao hồi nào tao cũng không hay, chỉ nhớ đâu dêm đó tụi tao ngủ ở hè phố, khuya thức dậy thấy nó nằm co kế bên. Kể từ đó nó theo tụi tao luôn. Tụi tao đói đã đành, ngặt thấy thằng nhỏ đói thiệt tội, nên tao mới liều mạng. Nói tụi bay đừng cười, tao đã đi giựt bánh mì. Không phải tao giựt của mấy cha đẩy xe bán bánh mì xá-xíu ở mấy góc đường đâu. Tao giựt tại lò làm bánh mì cho Mỹ. Cái lò bánh mì đó sáng nào cũng chất bánh cho xe Mỹ tới chở đi. Sáng sớm tao tới đó đợi sẵn. Mấy bữa trước tao dọ thì thấy không có Mỹ theo xe, nên không đề phòng. Lúc người trong lò vừa chất bánh lên xe, tao nhảy tới giựt bốn cái chạy liền. Đang chạy tao nghe tiếng la ó sau lưng. Nhưng tao biết người ở lò có la gì thì la chớ lấy bánh mì của Mỹ nọ cũng không rượt nột, thành ra tao vẫn ôm chặt bốn ổ bánh mì mà chạy. Bỗng tao thấy có cái gì cào sượt qua má, rồi tiếp đó nghe một tiếng nổ. Nhưng tao vẫn chạy. Lọt vô tới ngõ hẻm, tao nghe đau rát gò má, và máu chảy nhễu xuống. Không còn có tay nào rảnh để chùi máu, tao cứ để vậy mà chạy. Về gặp tụi nó, tao đưa bốn ổ bánh, rồi cởi áo chùi máu trên mặt. Tụi nó la lên hỏi sao vậy, tao nói không biết. Thiệt tình khi ấy tao cũng không biết tại sao lại bị thương ở gò má. Lát sau mới biết... Lát sau, tụi nó thả ra phố, nghe bà con bàn tán về chuyện của tao. Họ nói vừa rồi có một thằng nhỏ giựt bánh mì chạy, hai thằng Mỹ ngồi trên xe ăn cá với nhau gì đó rồi rút súng bắn theo. Thằng bắn không chết tao nên phải thua thằng Mỹ kia một chai Uýt-sky.
Kể xong, Lắm nói thêm:
- Đó cái thẹo của tao là vậy đó. Tụi bây nghĩ coi, lấy của nó mấy ổ bánh mì là nó có dịp rút súng bắn mình như giỡn chơi.
Tôi lặng im mãi hồi sau nói với Lắm:
- Có khi mình không lấy của nó cái bánh nào, nó cũng xài với mình cả trăm trái bom, cả ngàn trái pháo. Mầy không thấy chú Chín Thắng à, chú lo mần ruộng chớ mắc mớ gì nó mà nó liệng bom đìa chôn hết sạch vợ con chú. Mầy giựt có mấy ổ bánh của nó, chớ có giựt cả ngàn kho bánh của nó cũng chưa bù đủ những thứ nó giựt, nó phá hại mình. Tại nó qua đây mình mới đói. Thử hỏi ai bắt ba má thằng bé Tư nhốt vô trại Phú- lợi để cho thằng bé Tư đói, không thằng Mỹ thì thằng nào?
- Tới chết tao cũng không quên mấy ổ bánh mì với cái thẹo ở má.
- Đâu phải chỉ có mày, tao cũng có mấy cái thẹo...
Lắm ngó trân vào giữa trán tôi, tính hỏi, nhưng vừa lúc ấy anh Ba Đấu bước vô. Anh hỏi Lắm:
- Tới lấy cây kèn hả?
- Dạ.
- Thôi, xách cây kèn về đi, về có chuyện gấp đó!
Lắm mới cầm cây kèn lui ra, bỗng nhớ điều gì, Lắm chợt dừng lại. Anh Đấu hỏi:
- Gì nữa đó?
- Hôm rồi em thấy cây kèn có lá cờ?
Tôi cười khì bảo:
- Lá cờ số Một Đỏ của tụi nó đó hả, tao xé vụt rồi!
Anh Đấu ngó Lắm hỏi:
- Em đòi lá cờ đó để làm gì?
- Không...
Lắm lúng túng đáp. Không biết nghĩ sao, anh Đấu lại bước theo:
- Em muốn có một lá cờ cho cây kèn của em phải không?
- Muốn chớ, chắc phải có một lá cờ Mặt trận coi mới xôm chớ anh!
Anh Đấu gật đầu hứa:
- Được rồi, anh sẽ đảm bảo có một lá cờ cho em treo kèn.
Vào nhà, anh Đấu gọi khẩu đội chúng tôi lại phổ biến:
- Chiều nay hành quân. Chuyến này mình sẽ đi xa. Từ đây tới chiều, tiểu đoàn huy động đi gặt lúa hết dứt cho bà con, lệnh là phải gặt cho xong trước khi đi. Khẩu đội mấy em cho hai đứa đi, Quyết ở lại anh phổ biến thêm, đồng thời chuẩn bị các thứ.
Khởi và Cần mượn lưỡi hái của thím Sáu rồi đi ngay.
Anh Đấu báo cụ thể cho tôi biết chuyến này sẽ hành quân ra tới vùng biển, vừa đi vừa đánh phá các ấp chiến lược dọc đường, yểm trợ cho đồng bào nổi dậy. Tôi hỏi mấy giờ hành quân, anh bảo đúng ba giờ chiều. Anh còn cho tôi biết lần này có cả đại đội thanh niên xung phong cùng đi. Tôi phấn khởi quá, vì lần này cả tôi lẫn Biếc sẽ có dịp nhìn thấy biển.
Anh Đấu vừa đi khỏi, tôi lập tức lo thu xếp đồ đạc, súng đạn của khẩu đội và quét tước nhà cửa. Thím Sáu chủ nhà hỏi tôi:
- Hồi nãy anh Ba chỉ huy tới nói gì với mấy chú vậy?
- Dạ ảnh kêu tụi cháu đi gặt lúa cho bà con.
Thím Sáu hỏi gặng:
- Mấy chú sắp đi phải không?
Tôi thấy trước sau gì lát nữa cũng phải báo cho thím Sáu biết, nên gật đầu:
- tụi cháu chiều nay phải đi rồi thím!
- Đó thấy chưa, tui biết mà, vậy mà mấy chú cứ dấu tui, bí mật gì dữ vậy. Trời đất ơi, chiều đã đi rồi mà bây giờ còn đi gặt lúa. Mấy chú lo đi đánh giặc chớ có phải lo đi gặt lúa cho dân sao, bộ dân cùi hết rồi sao?
Tôi nhỏ nhẻ cười giải thích:
- Đâu phải, cô bác gặt nhất định là giỏi hơn tụi cháu quá đi chớ. Ngặt cái là phải gặt gấp, tụi cháu sợ cô bác gặt không kịp thì thằng giặc nó đã ra tay. Sợ nó liệng bom xăng đốt lúa thì mùa này cô bác hụt ăn mà tụi cháu tức nhiên cũng hẻo.
Thím Sáu chép miệng ngồi lặng thinh. Lát sau, chợt thím rút xổm một gối chân lên, kéo khăn xỉ mũi rèn rẹt.
Thím vừa khóc vừa nói:
- Từ rày mấy chú về tui không cho đóng ở nhà tui nữa. ở luôn thì cho, chớ ở đôi ba bữa rồi đi kiểu này thì thôi...
Tôi ngó thím Sáu cười. Thím Sáu làm mặt giận vậy đó chớ rất thương chúng tôi. Quả nhiên thím sụt sịt khóc một chút rồi lẳng lặng đứng dậy đi xuống bếp, rồi ra ngoài vườn. Hồi sau, tôi bỗng nghe tiếng vịt kêu cạp cạp đập cánh phành phạch. Tôi bỏ chổi chạy ra, thấy thím Sáu đứng trên bờ mương dừa, tay cầm cây sào tre dài quơ đập một con vịt xiêm lúc ấy đã bị thương bì bạch chạy lết lên mé mương. Thấy vậy, tôi vội vàng chạy sang bờ mương bên kia, nhảy xuống chộp cánh con vịt. Con vịt thiệt nặng mà hãy còn tơ. Tôi xách vịt đưa thím Sáu nói:
Con vịt còn đương lớn, thím mần thịt nó uổng quá!
- Uổng, uổng cái gì, mần cho mấy đứa bây ăn tao có lỗ lã đâu mà sợ!
Thím lại chép miệng:
- Hôm rày mấy đứa ở đây ăn cực quá, hết cá sặt nấu chua lại cá sặt kho mắm. Sao, chú nhắm ba chú ăn con vịt nầy đủ sức không?
- Con vịt nặng lắm, chắc phải gần ba kí, tụi cháu ăn gì hết!
- Sức vóc ba chú mà ăn không hết con vịt. Chú nói vậy thành ra giông giống như tụi nó bảo ba anh bộ đội Vi-cộng leo lên một nhánh đu đủ mà nhánh đu đủ không rớt. Thôi, để tui bắt thêm vài con cá lóc bự nữa. Tui tính vầy: vịt nấu cháo, còn cá lóc nướng trui, được không?
Thím Sáu nói rồi là bắt tay nấu nướng ngay. Bây giờ thím không sụt sịt khóc nữa. Bây giờ thím bận rộn lo sao cho chúng tôi kịp ăn một bữa ngon trước khi đi.
Hôm rồi, khẩu đội chúng tôi đã giúp đào một cái hầm rất chắc chắn cho mẹ con thím. Từ ngày chồng mất, thím làm ruộng vất vả, luôn hụt công cấy thiếu công cày. Mùa này lúa đang chín tới thì xảy ra trận Mỹ càn, bị hư hao chút ít, còn bao nhiêu đã được anh em khẩu đội tôi gặt gánh về hết từ hôm qua. Thím bảo chúng tôi rằng mười mấy năm về trước cũng có anh em bộ đội về đóng ở nhà mình, làm lụng giúp đỡ mình y như chúng tôi. Đó là lớp cha chú chúng tôi, là những chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn. Sau hòa bình, thím gặp toàn lính ngụy tới phá tán, không rượt gà thời bắt heo, đàn bà có tuổi như thím thấy bóng chúng cũng đều phải lánh xa. Cho mãi tới vài năm gần đây thím mới gặp lại bộ đội của mình, bộ đội giải phóng. Thím nói cái tên thì khác, nhưng coi y như anh em Vệ Quốc Đoàn.
Tánh thím Sáu hay mủi lòng, thấy chúng tôi mặc quân phục may toàn bằng vải bồng bột nhuộm pin, thím cũng ứa nước mắt. Biết chúng tôi quanh năm ăn cực, từ bữa về đóng ở nhà thím, thím không để chúng tôi nấu ăn riêng. Bữa cơm nào thím cũng lo cho chúng tôi có tô canh, miếng cá. Vậy mà thím vẫn chưa thiệt mát bụng. Bây giờ thì thím hết lòng lo nấu nướng bữa chiều nay sao cho ngon cho kịp. Thím nhậm lẹ bắt nước làm vịt. Thím chỉ sợ làm không kịp, giả dụ như đang nấu cháo thì có lệnh hô đi. Nhưng rồi mọi việc đều đâu vào đấy. Lúc Cần và Khởi đi gặt về thì thím Sáu đã dọn cơm. Chúng tôi ăn cơm chung với mấy mẹ con thím Sáu ăn hết sức ngon, nhất là món thịt vịt chấm nước mắm gừng. Cơm nước rồi tôi thay mặt khẩu đội cảm ơn và tự phê bình với thím Sáu về một số sơ sót trong thời gian ở trong gia đình. Thím Sáu làm mặt giận, phẩy bàn tay la lên:
- Thôi đi, mấy chú khuyết điểm nhiều quá vậy thì từ rày trở lên đừng có ghé nhà tôi nữa nghen!
Thím nói thế rồi cười cười đi lấy những mo cau non rấp nước để gói cơm nếp cho chúng tôi đem theo.
Lúc lên đường, tôi lấy bao soong nồi buộc ràng lên bồng mình, mặc dù hôm ấy Khởi là trực nhật. Tôi bảo Khởi:
- Lát nữa mình sẽ đi qua Long-phước quê mày, soong nồi để tao mang, còn mầy vác
Tôi muốn để Khởi vác đại liên vì tôi nghĩ khi đơn vị hành quân qua xã Long-phước thì thế nào gia đình Khởi và chòm xóm cũng gặp Khởi, sẽ để ý dòm ngó, nhất hạng là tụi con gái.
Tiểu đoàn chúng tôi đến Long-phước vào lúc trời vừa tắt nắng. Bà con Long-phước kéo chật ra bên đường làng. Rồi tiếng vỗ tay vang lên ở từng chặng. Đơn vi chúng tôi lọt vào giữa một cuộc nghinh đón hình như có chuẩn bị sẵn từ trước. Tôi ngó thấy có nhiều thanh niên cầm loa ngồi trên cháng cây hô to:
- Nhiệt liệt hoan hô bộ đội đại thắng giặc Mỹ ở Long-tiên!
Thế là bà con ở hai bên đường hô theo:
- Nhiệt liệt!
Tiếng loa lại vang lên:
- Đả đảo giặc Mỹ xâm lược!
- Đả đảo!
- Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!
- Quyết tâm!
Bà con thét vang dậy hai bên đường. Từ trên có lệnh chuyền xuống: "Các đồng chí hãy hưởng ứng cùng đồng bào, với khẩu hiệu "Chúng tôi xin hứa đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!". Tôi chuyển lệnh cho Khởi, Cần. Lát sau, cả tiểu đoàn chúng tôi vừa đi vừa dơ súng lên hô vang khẩu hiệu trên, hô theo kiểu lẫy ra từng tiếng. Tôi ráng sức thét thiệt to, và tôi ngó thấy những cánh tay gầy guộc già nua của các má dơ lên sát bên tôi, những cánh tay của các ông lão, của các chị, các em nhỏ, không thiếu ai hết. Chắc cả xã đã đổ ra đường làng để hoan hô chúng tôi. Giữa lúc ấy trong tôi nghe một tiếng la ở sau lưng:
- Bớ con Hai, thằng Khởi, thằng Khởi mình đây nè!
Tôi quay lại, liền ngó thấy một ông lão tuổi trạc bảy mươi, ở trần, đầu buộc khăn xước đang bươn bươn đi theo. Khởi rấn lên kêu tôi, nói:
- Nội tôi đó, anh Quyết nhìn kỹ, thấy ông lão còn thiệt khỏe. Nước da ông săn cón, đẫm nắng, coi y như một cội tre già. Ông lão đi bươn theo Khởi, ngó nhìn Khởi bằng đôi con mắt vui mừng, sờ sững. Chòm râu bạc của ông lão chừng như cũng đang vểnh dậy một cách hể hả. Đang đi giữa hàng, Khởi cũng như tôi chẳng biết làm gì khác hơn là đi cho nghiêm chỉnh. May sao, có lệnh nghỉ từ trên chuyền xuống. Anh Sáu Dũng đi dọc theo đại đội nói thêm:
- Các đồng chí nghỉ tại chỗ nửa tiếng. Bà con ở đây có tổ chức đón tiếp, hoan nghinh mình đánh thắng Mỹ trận rồi. Vậy các đồng chí hãy trò chuyện cùng vui với bà con!
Khởi bước ra khỏi hàng. Ông lão chụp ôm lấy Khởi. Rồi vẫn giữ Khởi trong tay, ông lão cười kha kha nói với một thím đang te tái chạy tới:
- Con Hai lại đây, lại coi thằng Khởi thành giải phóng quân chánh hẩu rồi đây nè!
Thím nọ nhào lại bíu lấy Khởi, rồi đột nhiên khóc sụt sịt. Ông lão thì vẫn cười to:
- Coi mau nước mắt chưa? Ừ, thì thôi, khóc đi, mà khóc chút đỉnh thôi, để cho con nó đừng quyến luyến, để cho con nó đi được mạnh chân mạnh cẳng. Ê Khởi, mầy vác cây súng gì mà có bao cỏ bọc kỹ quá vậy?
- Dạ cây đại liên đó nội!
- Cây đại liên? Cha chả, tao cũng có nghe... phải nó là cây đại liên thinh không?
- Dạ phải đó nội?
- Hạ xuống, hạ xuống mở bao tao coi!
Ông lão nói như ra lệnh. Thấy Khởi còn ngần ngừ, tôi bảo:
- Cứ cởi bao ra cho ông coi!
Ông lão sực dòm tôi. Nhân đó, Khởi giới thiệu tôi và Cần:
- Thưa nội, hai anh đây cùng ở khẩu đội đại liên với con. Anh Quyết đây là khẩu đội trưởng của con.
- Vậy ra hai thằng cháu cùng ở chung một tổ với thằng Khởi
- Dạ!
- Ba anh em lãnh phận sự bắn cây nầy?
- Dạ!
Khẩu súng đã được Khởi mở bao, đặt nằm chễm chệ giữa đường. Ông nội Khởi ngồi xổm, dòm ngó kỹ càng khẩu súng và hỏi tôi:
- Súng này của nước nào cháu?
- Dạ thưa nội, súng này của tụi Mỹ, tụi con đánh lấy được ở lộ Hai.
Ông lão bật cười khơ khớ. Lần này ông cười rất lâu. Tiếng cười đắc chí làm rung cả chòm râu bạc. Xung quanh ông lão và khẩu đại liên giờ đông nghịt người.
Có ba bốn cô gái cũng chen vô. Một cô thập thò gọi tên Khởi. Tiếp theo là những lời đùa nghịch:
- Anh Khởi về mà cứ làm lơ nghen!
- Ối, bây giờ ảnh có còn ngó chi tới mấy con nhà bần mình nữa đâu mày ơi!
Khỏi đâm quýnh lên, mặt đỏ rần. Chợt có tiếng một thím nào la lên:
- Mấy con nhỏ này ở đây ghẹo bộ đội hả? Dừa bẻ rồi kia kìa, không lo vô khiêng ra cho mấy chú uống đặng mấy chú còn đi!
Đám con gái cười ngả ngớn vào nhau rồi chạy đi. Lát sau các cô tới, cứ hai cô khênh một quầy dừa tươi. Thế rồi các cô vặn bẻ dừa, cầm dao yếm chém vạt. Tôi vui vẻ nhìn lưỡi dao loang loáng hoa lên chém ngọt xớt từng miếng vỏ dừa rơi xuống đất. Vạt xong trái dừa nào, các cô liền chúm tay bưng dừa lại đưa anh em chúng tôi uống. Tôi cũng được một trái. Đang khát, tôi bưng uống một hơi. Nước dừa tới đâu, tôi thấy mát khỏe tới đó.
Bỗng mấy cô to nhỏ gì với nhau, rồi một cô vụt chạy đi. Chỉ một chốc sau, cô gái này trỏ về tay cầm một cây thuốc "Ru-bi" xé ra phân phát cho chúng tôi. Lúc nhận thuốc Ru-bi của cô gái đưa cho, tôi cười nói:
- Mấy cô cho tụi tôi thứ này thì nhứt rồi còn gì, nhưng mà phải chi cô cho tôi cục thuốc rê thì tôi còn mừng dữ!
Câu nói của tôi vô tình lọt vào tai ông nội Khởi. Ông lão xây lại:
- Ừ, phải đó, thứ thuốc tây nầy lạt nhách để hút chơi bời thôi, chớ giải phóng quân là phải hút thuốc rê trảng. Con Út, con chạy ù về nhà tao lấy lại đây một "tấp" rê trảng coi, tao để trên kẹt bồ lúa!
Cô gái lại chạy bay đi. Ông lão bước tới, thong tha cầm tay tôi hỏi:
- Thằng cháu mày cho tao biết sơ qua coi thằng Khởi đánh chác có khá không, trận đánh Mỹ vừa rồi nó có giết được thằng Mỹ nào không?
Câu hỏi của ông lão tỏ ra nghiêm túc thiệt sự. Rõ ràng ông muốn tìm hiểu đứa cháu mình đã chiến đấu ra sao. Hình như đó là điều ông cần biết hơn hết trong buổi chiều gặp gỡ này. Tôi còn nhận ra trong đôi mắt già nua nhưng vẫn sáng quắc lên của ông lão - cái niềm hy vọng thiêng liêng mà chắc hẳn ông đã nuôi nấng từ lâu. Tôi nói:
- Dạ thưa nội, trước thì cháu không ở chung với Khởi. Tụi cháu mới cùng nhau đánh chung một trận, tức là trận đánh Mỹ vừa rồi. Chắc nội cũng rõ, trận vừa rồi là trận đầu tiên tui cháu đụng Mỹ. Trong trận này, Khởi đánh khá lắm!
- Khá là sao?
- Dạ nghĩa là Khởi chịu chơi, chịu đội bom pháo, cùng với mấy cháu đánh tụi Mỹ chạy thối ra đồng. Trọn ngày nó vô năm sáu lượt.
- Thằng Khởi bắn chết được bao nhiêu thằng Mỹ?
- Dạ thưa nội, cây đại liên này bắn chết khó đếm lắm. Nhưng cháu ngó thấy Khởi bắn chết ít nhất cũng một chục thằng!
- Thiệt hả, thằng cháu mày nói thiệt hả?
- Dạ, cháu chỉ lấy số ít mà nói.
- Thôi được, tao hỏi vậy để biết nó đánh chác ra làm sao đặng tao mừng. Chớ đánh Mỹ chết nhiều là công chung chớ đâu phải công riêng của đứa nào.
- Dạ Khởi nó khá, nó chịu chơi lắm!
- Vậy hả, nó chịu chơi hả? Vậy thì được. Chớ đánh Mỹ mà không chịu chơi tao bắt về cầy ruộng để nuôi đứa khác đánh!
Ông lão quay sang con dâu, tức má Khởi:
- Con Hai con chịu khó về nhà lấy lại đây cho ba chai rượu!
Người con dâu cười:
- Thôi đi ba à, bộ đội đương hành quân mà ba biểu uống rượu...
- Ấy, kệ tao, cứ về lấy đi, về lấy đặng tao đãi tụi nó mỗi đứa một hớp thôi. Tao sẽ hỏi lịnh chỉ huy đàng hoàng, đi đi con.
Má Khởi không cưỡng lại được ý cha chồng, đành phải quay lưng về nhà. Ông lão còn dặn với theo:
- Lấy cái chai lít còn nguyên đó nghe con. Gặp con Út biểu nó đem thuốc rê lại luôn!
Khởi đứng nhích sát tôi, nói nhỏ:
- Anh Quyết thấy ông nội tôi chưa, ông già chịu chơi một cây!
Tôi gật đầu. Thiệt vậy, mới gặp nội của Khởi có một chốc mà tôi đã thấy khoái ông quá. Hèn chi Khởi nó hay nhắc tới ông nội của nó hoài. Tôi đi tìm anh Ba Đấu dắt anh lại định giới thiệu với ông lão. Nhưng mới nhác thấy ông lão, anh Đấu đã cười hỏi:
- Bác Tám còn nhớ cháu không?
Ông lão nhướng mắt dòm anh Đấu một lúc, rồi bước tới vung tay đập mạnh vào vai anh:
- Mầy là thằng Ba Đấu chớ ai. Ê, tao đâu có quên mầy. Bữa đó tại cuộc nhậu, tụi nó ngả hết, chỉ còn mình mầy ngồi với tao tới mãn cuộc chớ gì?
Anh Ba Đấu cười, cái cười như nói rằng anh vẫn nhớ. Thì ra anh Đấu đã có đóng quân ở đây, đã từng nhậu với ông già. Giờ anh sà tới, ôm lấy tấm lưng trần xám nắng của ông Tám:
- Mạnh giỏi luôn hả bác Tám
- Tao mạnh đều, không đau bữa nào, Còn tụi bây thì sao, nghe nói sau đó về trên rừng anh em bị sốt nhiều lắm phải không?
- Dạ cũng có sốt mà không sao đâu bác!
- Tại ở trển thiếu ba xị đế. Chớ có ba xị đế thì đỡ sốt rét lắm, cái đó tao nói thiệt. Ở dưới nầy bà con có ai bị gì đâu!
Anh Đấu bật cười. Ông Tám bảo:
- Nói chơi vậy chớ kỳ nầy tụi bây đánh Mỹ coi được đó. Nhưng mà đánh Mỹ một trận rồi làm phách tính kéo quân đi lướt lướt ngang qua đây chớ không thèm ghé sao?
Anh Đấu vội phân trần:
- Không phải đâu, tụi cháu gấp đi. Thấy cô bác đón tiếp tụi cháu nhiệt tình quá nên tụi cháu nán lại chơi với cô bác một chút, chớ thiệt là phải đi! Thế nào rồi tụi cháu cũng có dịp ghé đây...
- Tao biết... Bây giờ mấy giờ rồi, gần tới giờ phải đi chưa?
- Dạ còn chừng mươi phút nữa.
- Hay lắm, má thằng Khởi ra tới rồi kia!
Má của Khởi đã trở lại, tay ôm bọc thuốc rê, tay xách một chai lít đựng đầy rượu, trên chai úp một cái ly nhỏ. Ông già đón lấy cả hai thứ. Ông giao bọc thuốc rê cho tôi:
- Đây thằng cháu mầy cầm ít thuốc rê chia anh em hút. Thuốc của tao trồng. Còn cái vụ nầy tao thưởng cho trận đánh Mỹ của tụi bây, mỗi đứa làm một chút cho ấm bụng rồi đi!
Ông già dơ chai rượu lên. Rượu trong vắt. Từ cổ cái chai lít, rượu sủi trào lên những bọt tăm nhỏ. Ông già kề miệng cắn bựt cái nút, rót rượu vào ly. Ông cầm ly rượu đưa anh Ba Đấu, giọng của ông bỗng trở nên trang trọng:
- Làm chút đi, chú Ba. Lần nầy tui đãi mấy chú mỗi người một hớp nhỏ thôi, gọi là chút lòng già của tui gởi theo mấy chú ra nơi trận tiền đánh Mỹ. Lần sau mấy chú thắng trận ghé qua, tui đãi mấy chú một tiệc đàng hoàng. Uống đi chú, rượu np mới của ruộng nhà đó!
Tôi thấy anh Ba Đấu cảm động chớp chớp mắt, tay run run đón lấy ly rượu. Bỗng rút chân về theo tư thế đứng nghiêm, anh từ từ bưng ly rượu nhấp nhẹ một hớp rồi trao ly cho tôi. Tôi cũng đứng nghiêm uống như anh. Anh em đại đội tôi chuyển nhau uống, cho đến khi chai rượu cạn. Thay mặt cho tất cả chúng tôi, anh Ba Đấu ngỏ lời cảm ơn ông nội Khởi và hứa sẽ chiến đấu để xứng đáng với lòng mong mỏi của ông Tám cũng như của bà con. Trong lúc anh Đấu nói những lời đó, rượu tỏa ấm ran người tôi. Hôm nay tôi chỉ uống có một hớp mà chừng như say, chừng như chất men nồng có thể đưa chân tôi đi tới bất cứ nơi nào có giặc. Đành rằng rượu rất ngon, rượu nếp một trăm phần trăm, nhưng đúng như lời ông Tám nói, điều cốt tử là rượu cất lấy từ miếng ruộng nhà do cách mạng cấp cho. Rượu tỏa hương thơm của lúa nếp mới, được máu và mồ hôi giành giữ để mùa nào cũng nấu nên xôi và cất nên rượu.