Mao chuẩn bị bơi. Ông muốn tự điều trị và tự tin có thể lấy lại sức lực bằng tập thể dục thể thao.
Bác sĩ Vương Thế, Hồ Thư Đông thất kinh. Nếu nước vô tình rơi vào cổ họng, thanh phế quản đang liệt một nửa có thể dẫn đến ngạt thở. Chân tay ông đã bị teo cơ, rất yếu không đủ sức bơi. Nhưng nhân viên Nhóm Một, làm việc lâu với Chủ tịch, biết không ai ngăn được. Nếu ai cứ can ngăn, Mao sẽ càng ngang bướng, nổi khùng cho rằng muốn chỉ huy và người khuyên có thể bị giáng chức. Uông Đông Hưng cấm các bác sĩ không được can ngăn. Tất cả chuẩn bị tư thế sẵn sàng cấp cứu.
Mao xuống bể, tất cả bác sĩ túc trực bên thành bể bơi, nhưng ông không bơi nổi. Mỗi khi úp mặt xuống nước, ông bị sặc, mặt đỏ tía tai. vệ sĩ đưa ông ra khỏi bể bơi. Ông thử xuống thêm một vài lần nữa nhưng kết quả vẫn như thế. Mao không bao giờ bơi nữa.
Đặng Tiểu Bình, thăm Mao ở Trường Sa cũng có mặt ở bể bơi, khi trở về, báo cáo với Bộ chính trị, sức khoẻ của lãnh tụ tuyệt vời. Chủ tịch thậm chí đã đến bể bơi.
Sau thất bại bơi, Mao trở nên ít đi lại hơn. Hầu như tất cả thời gian ông đều nằm trên giường, nằm nghiêng bên trái - nếu nằm phía kia thì khó thở, thế là xuất hiện chứng lở loét mông trái, cho đến khi qua đời. Vết lở này chữa khỏi, xuất hiện vết loét khác vì Mao vẫn nằm bẹp trên giường. Lại thêm chứng bệnh dị ứng với thuốc ngủ, gây ra những nốt mẩn, gây ngứa ngáy toàn thân. Chúng tôi phải thay dạng thuốc ngủ mới, dùng kem thoa da chữa chứng ngứa, mọi vấn đề mới tạm ổn.
Trong hai tháng ở Trường Sa, tôi ít gặp Mao, ông từ chối gặp nhân viên đội y tế. Tôi biết sức khoẻ Mao qua Ngô Tự Tuấn, nhưng chẳng bao lâu, cô đi khỏi Nhóm Một, chuyển công tác khác.
Mao càng ngày càng ghét bác sĩ, sau khi biết Chu Ân Lai mổ lần thứ 2 vào tháng Tám. Điều này càng củng cố niềm tin của ông, mổ xẻ chẳng giúp được gì bệnh ung thư.
- Tôi nói với Chu không nên mổ - Mao cằn nhằn - nhưng ông ta không nghe. Giờ ông ấy lại phải mổ thêm lần nữa, có đúng không? Tôi cảm thấy sẽ phải mổ lần thứ ba, lần thứ tư, và cứ như thế đến khi chết. Khi người dân bị bệnh, họ thường phó mặc sự đời, buông xuôi muốn đến đâu thì đến. Sau một thời gian nào đấy bệnh trôi đi. Nếu không - hừ thì… Điều này nghĩa là bệnh nan y.
Tình hình chính trị ở Bắc Kinh không mấy sáng sủa, vẫn căng thẳng. Cuộc họp lần thứ 2 của Ban chấp hành trung ương lần thứ X diễn ra đồng thời với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ IV vào tháng 1-1975. Trong cả hai hội nghị đó người ta giới thiệu bổ nhiệm những người lãnh đạo mới. Đặng Tiểu Bình, phó Thủ tướng kiêm phó Chủ tịch quân uỷ trung ương, Tổng tham mưu trưởng và Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị, sẽ được thông qua chính thức. Giang Thanh và phe nhóm, phản đối. Họ muốn Vương Hồng Văn được bổ nhiệm chức phó Chủ tịch Quốc vụ viện. Khi thời gian đến gần, cả hai phe gửi phái viên của mình tới gặp Mao tranh thủ nhận được sự ủng hộ của ông.
Vương Hồng Văn gặp Chủ tịch, đại diện cho Giang Thanh và phe cánh. Vì Hứa Diệp Phụ chết do ung thư phổi, Trương Ngọc Phượng nhận thêm trách nhiệm thư ký - đọc văn bản cho Mao, bố trí xếp lịch các cuộc gặp mặt. Bây giờ cô ta đang tính chuyện chiếm chức vụ bí thư riêng của Mao một cách chính thức. Uông Đông Hưng phản đối sự bổ nhiệm này, nhưng Vương Hồng Văn ủng hộ Trương Ngọc Phượng. Vương Hồng Văn thường gặp cô ta, để lấy lòng, Vương cử một vài nhân viên đến giúp cô giặt quần áo, nấu bếp… phục vụ cô chừng nào còn ở cạnh Mao. Nhưng trước khi họ tiến hành chuyện phân công, Mao cáu tiết, thốt lên:
- Ai mà thọc vào công việc riêng của tôi, cút ngay!
Vương Hồng Văn vội vàng quay về Bắc Kinh.
Vương Hải Dung và Nancy Tang đến Trường Sa ngày 20-10-1974 theo yêu cầu của Chu Ân Lai. Vợ Mao lần này buộc Thủ tướng tội bán nước. Không lâu trước khi bắt đầu Cách mạng văn hoá, Chu quyết định tăng sức vận tải của đội thương thuyền Trung Quốc bằng cách phát triển công nghiệp đóng tàu nội địa và mua tàu nước ngoài. Năm 1974 khi Trung Quốc hạ thuỷ tàu “Phương Thanh”, đóng ở Thượng Hải, Giang Thanh gọi thủ tướng là kẻ phản bội vì ông mua tầu nước ngoài. Khi trở lại Bộ chính trị, Đặng Tiểu Bình ủng hộ Chu, nhưng cuộc tấn công giữa hai phe vẫn không ngừng, cho tới lúc Mao đứng về phía Chu và Đặng.
Về mặt nguyên tắc chung, Chu Ân Lai và Vương Hồng Văn cùng nhau chịu trách nhiệm lên danh sách những người được dự kiến bổ nhiệm. Họ phải cùng nhau đến gặp Mao ở Trường Sa ngày 23-12 để trình dự kiến. Về những thủ đoạn chính trị diễn ra phía sau sự bổ nhiệm vào các chức vụ, tôi biết không nhiều. Trương Ngọc Phượng càng biết ít hơn, nhưng việc bổ nhiệm cô làm bí thư riêng của Mao, cô ta bắt đầu lên mặt. Khi Chu đến, cô ta lẽo đẽo theo ông phàn nàn về nhiệm vụ con sen của mình chăm sóc Mao - giúp ông ăn, uống, tắm rửa, đi ngoài, đặt ông vào giường…
- Liệu đồng chí có thể làm như thế không? - cô ta đặt câu hỏi.
Thủ tướng bối rối, xấu hổ không biết trả lời ra sao.
Trong Hội nghị thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ X tổ chức vào tháng Giêng, Đặng được chính thức bầu làm phó Chủ tịch đảng và Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị. Sau đó, trong Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ V, Chu được tái nhiệm chức Thủ tướng Quốc vụ viện, Đặng Tiểu Bình trở thành phó Thủ tướng thứ Nhất. Mao cần Đặng giúp Chu Ân Lai đang bệnh tật, điều hành công việc thường nhật. Còn trong đảng, Đặng Tiểu Bình đảm nhận tất cả các việc trong Ban bí thư Trung ương.
Giang Thanh và phe cánh bà đang bị chiếu tướng.