Khi bệnh phù thũng hết, trông ông gầy đi rõ rệt. Từ 83 kg xuống 70 kg, thân hình ông thảm hại, bụng vốn to, giờ tọp đi, da nhăn nheo. Khuôn mặt vốn tròn tròn nay tóp lại. Các bắp tay, đặc biệt tay phải gần như teo hẳn, đùi và bắp chân nhão, nhỏ lại.
Mao tin, bằng cách tập thể dục sẽ hồi phục lại sức khoẻ, nhưng vì quá yếu không thể chịu được các bài tập cần thiết. Ông chỉ có thể đi chầm chậm với người nâng đỡ, chân tay đôi khi run rẩy. Tôi để ý, nước miếng bài tiết quá nhiều, thường xuyên chảy xuống cằm.
Ông phàn nàn thị lực giảm, mọi vật nhìn không rõ. Từ lâu thiếu kính ông không thể đọc được, nay kính tăng số nhưng nhìn vẫn không rõ. Điều tôi rất lo là sự teo cơ và chứng run tay. Tôi e, một chứng bệnh mới đang phát triển trong ông, nên muốn mời bác sĩ thần kinh và bác sĩ chuyên khoa mắt đến khám. Ban đầu Mao khước từ, sau nhiều lần nài nỉ, cuối cùng ông đồng ý bác sĩ mắt tới. Việc khám tiến hành trong phòng làm việc của ông.
Tôi mời bác sĩ Trương Tiểu Lâu giám đốc Bệnh viện Nhãn Khoa Bắc Kinh đến khám. Chủ tịch yêu cầu khám ở phòng đọc sách, nơi không có phương tiện máy móc đo nhãn áp, soi võng mạc…. Bác sĩ Trương chỉ có thể soi qua đáy mắt, đo thị lực.
Bác sĩ Trương rất hồi hộp. Giống như mọi người, lần đầu tiên gặp Mao, Trương sợ khó gần ông. Chủ tịch tiếp bác sĩ với cách đùa thông thường như mọi lần, phân tích chữ trong tên của bác sĩ. Tiểu Lâu có nghĩa là “nhà nhỏ”, Mao hứa rằng nếu bác sĩ điều trị tốt cho ông, Bệnh viện Nhãn Khoa sẽ nhận được khu nhà mới to đẹp hơn.
Bác sĩ Trương khám xét kỹ càng, tỉ mỉ, phát hiện một chấm nhỏ trong tinh vân giác mạc mắt phải, nghi đó là hiện tượng đục thuỷ tinh thể giai đoạn đầu. Bác sĩ Trương yêu cầu phải khám lại với những máy móc phức hợp, hiện đại mới dám chắc chắn, ông đưa ra một cái hẹn. Mao mất kiên nhẫn.
- Khám thế này đã mất khá nhiều thời gian - Mao phàn nàn. Ông không muốn có thêm cuộc khám mới.
Nhưng thiếu khám xét tổng quát, bác sĩ Trương không thể đưa ra được cách điều trị, ông cần kiểm tra võng mạc và không thể bỏ mặc bệnh nhân, yêu cầu Chủ tịch cho phép khám lại lần nữa.
Thất bại trong việc khuyên Mao khám thêm một lần nữa, tôi cầu cứu Chu Ân Lai. Nhưng thủ tướng vẫn chưa quên lời buộc tội của Giang Thanh, ông từ chối, sợ rắc rối mới. Chu khuyên tôi kiên nhẫn, tiếp tục thuyết phục Chủ tịch.
Mao vẫn cứng đá, tôi chịu thua. Bác sĩ Trương không được mời lần thứ hai.
Mao dành tất cả thời gian tiêu khiển với Trương Ngọc Phượng. Ngay lúc ông ốm, người phụ nữ này, như thiên hạ nói, đã trở thành cái bóng của ông. Bây giờ cô ta còn kiểm soát người khác đến thăm Chủ tịch, hạn chế cuộc gặp gỡ giữa Mao với Giang Thanh cũng như các nhà lãnh đạo cao cấp. Giang Thanh phải đấu dịu, biết muốn gặp Mao đều phải qua Trương. Để lấy cảm tình, Giang Thanh tặng quà, biếu xén vật dụng, nay đồng hồ mai quần áo hàng hiệu Tây phương, vải vóc đắt tiền. Đổi lại, Giang Thanh yêu cầu Trương Ngọc Phượng nói tốt về bà, ủng hộ những bước đường chính trị sắp tới, thúc ép Mao thường xuyên gặp Giang Thanh. Trương nhận quà, cố gắng thực hiện lời yêu cầu. Nhưng Trương Ngọc Phượng không hiểu chuyện chính trị, sự căng thẳng đấu đá của các phe cánh, nên những điều thông báo của Trương thường ít tác dụng.
Trương Ngọc Phượng và tôi chưa bao giờ làm việc trôi chẩy với nhau, giờ đây quan hệ càng thêm căng thẳng. Bây giờ, trong bữa ăn Trương thường cho Mao một ly rượu Mao Đài. Tôi phản đối, sợ uống rượu ông có thể quay lại chứng ho. Mao cho rằng, đã cai thuốc lá, từ xưa không nghiện rượu, vậy một chút rượu Mao Đài cũng chẳng hại gì. Thêm nữa, uống chút Mao Đài giúp ông ngủ say và ngon hơn. Với sự điều khiển của Trương Ngọc Phượng, chuyện tôi yêu cầu Chủ tịch đừng uống rượu Mao Đài xem ra vô tác dụng.
Chẳng bao lâu Trương Ngọc Phượng mang thai. Cuối năm 1972 ở Nhóm Một mọi người đều biết, có người nói, cha đứa bé là Mao. Tất nhiên tôi không tin, một người ốm nặng, xấp xỉ tám mươi, không thể có con được, nên không tham gia các cuộc bàn tán.
Cả Trương Diêu Tự lẫn Uông Đông Hưng yêu cầu tôi đảm bảo cho Trương Ngọc Phượng phải được chăm sóc đấy đủ khi sinh nở. Theo tôi, Bệnh viện Phụ sản Đường sắt tiện lợi và tốt nhất. Nhưng Trương Diêu Tự không đồng ý, vì Trương Ngọc Phượng nói với ông, Mao muốn cô được chăm sóc đặc biệt, sẵn sàng móc ví trả mọi khoản viện phí.
Tôi liên hệ, thu xếp cho Trương sinh con tại Bệnh viên Liên Hiệp Y khoa Bắc Kinh. Biết tôi phục vụ Mao, một số lãnh đạo bệnh viện cũng biết mối quan hệ giữa Trương Ngọc Phượng với Mao, thu xếp cho cô phòng riêng dành cho cán bộ cao cấp. Chồng Trương Ngọc Phượng, Lưu A Minh đến thăm trong thời gian cô ở cữ cùng với nhiều nhân vật tiếng tăm. Trương Diêu Tự đi cùng Giang Thanh đem quà, món ăn dành cho người đẻ và tã lót. Giang Thanh mong cô chóng bình phục, sớm quay về làm việc. Trong thời kỳ ở cữ, em gái cô, Trương Hữu Mỹ thay thế Trương Ngọc Phượng, vì còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và kém hiểu biết, nên Trương Hữu Mỹ không làm được công việc trung gian giữa Giang và Mao. Giang Thanh rất bồn chồn mong Trương Ngọc Phượng trở về giúp bà hoàn tất tham vọng chính trị.
Không phải chỉ có Mao, lãnh đạo cao cấp duy nhất sức khoẻ đang trở nên tồi tệ. Những người sáng lập đảng cộng sản, sống sót sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh đều đã lớn tuổi, hầu hết xấp xỉ độ tuổi 80.
Khang Sinh, vị uỷ viên Bộ chính trị đầu tiên bị ốm nặng. Người ta coi thường và khinh miệt Khang Sinh vì sự độc ác và sự tàn bạo của y. Giới cao cấp trong đảng cho rằng, y phải chịu trách nhiệm về những cái chết của người vô tội. Khi em vợ Khang Sinh, Tư Mỹ tự tử 1967, y đã bắt giam hơn 50 người, vu cáo họ giết Tư Mỹ kể cả bác sĩ phòng Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bắc Kinh, người đã hết lòng cứu chữa nhưng bất thành. Y kết tội bác sĩ bỏ thuốc độc vào ống hút dạ dày khi cấp cứu Tư Mỹ, ngoài ra y còn ra lệnh bắt một số Hồng vệ binh, kết tội họ đồng loã với bác sĩ. Vị bác sĩ bị tống tù 13 năm sau khi tuyên bố trắng án. Khi Khang Sinh qua đời, chỉ một số rất ít tỏ lòng thương tiếc.
Giữa tháng năm 1972, Chu Ân Lai nói riêng với tôi, phim chụp X quang tim phổi gần đây và thử nước tiểu phát hiện Khang Sinh ung thư bàng quang. Chu muốn tôi đi cùng, báo tin cho Mao. Tôi ngần ngại, yêu cầu không thông báo, khi chưa có kết luận chính xác. Chu đồng ý.
Kết quả nội soi cho biết, Khang Sinh bị ung thư bàng quang, cần phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Có một quy tắc bất thành văn, không một uỷ viên thường vụ Bộ chính trị hoặc một nhân viên trực thuộc Mao được tiến hành đại phẫu nếu không được Chủ tịch đồng ý. Trường hợp Khang Sinh cũng không ngoại lệ.
Chu Ân Lai chịu trách nhiệm thu xếp Khang Sinh vào viện, nhưng Mao là người chấp thuận cho phép mổ hay không.
Mao không cho phép Khang mổ. Té ra Mao vẫn còn định kiến thâm căn cố đế và hiểu sai về y học hiện đại. Với ông, ung thư - trừ một số thể ung thư vú - không thể chữa được. Bệnh ung thư càng đụng dao kéo sớm chừng nào, bệnh nhân càng chóng chết chừng ấy. Theo ông, không nên cho người bệnh biết bị ung thư, như vậy chỉ làm lo lắng thêm, chết sớm hơn. Mao căn dặn:
- Đừng cho bệnh nhân biết, cũng đừng mổ xẻ. Lúc ấy người ta có thể sống lâu hơn và vẫn có thể làm việc gì đó có ích.
Nhưng Khang Sinh biết bị ung thư, bác sĩ riêng của y yêu cầu mổ ngay. Khang thất vọng khi nghe tin Mao khước từ.
Cuối cùng Khang Sinh và bác sĩ riêng tìm ra một lối thoát. Không phẫu thuật, có nghĩa không cần báo cáo, xin phép Chủ tịch. Thay thế mổ xẻ, bác sĩ dùng thủ thuật nội soi, đưa dao điện qua đường niệu đạo vào bàng quang, cắt bỏ khối u.
Tình trạng bệnh tật của Khang Sinh thúc đẩy Chu Ân Lai đi chụp X quang tim phổi, xét nghiệm nước tiểu, đồng thời khuyên Mao nên kiểm tra như ông.
Mao từ chối chụp X-quang, nhưng cho phép chúng tôi xét nghiệm nước tiểu. Theo Mao, thuốc men chỉ có tác dụng khi không có can thiệp dao kéo. Khi bệnh đã quá nặng, sẽ chết dù có điều trị hay không điều trị.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu của Mao bình thường, nhưng của Chu phát hiện có tế bào ung thư.
Việc đầu tiên, Uông Đông Hưng và Trương Xuân Kiều thông báo tin này cho Mao. Mao không tin, buộc tội bác sĩ, những người thừa hơi rỗi việc suốt ngày bới bệnh. Tuy ra vẻ bận rộn nhưng bác sĩ chẳng được tích sự gì. Ông gọi tôi, yêu cầu giải thích, làm thế nào chỉ qua nước tiểu có thể xác định người bị bệnh ung thư. Theo Mao, Chu Ân Lai trông hoàn toàn khoẻ mạnh, chẳng thể hiện bệnh tật, làm sao bị ung thư.
Cuối cùng tôi tìm được cách để Mao tin, Chu Ân Lai thật sự bị ung thư, thông qua kết quả xét nghiệm, chứ không phải kết quả tưởng tượng của đám bác sĩ vô công rồi nghề. Nhưng Mao lại ra lệnh ngừng điều trị cho Chu Ân Lai. Mao khẳng định, ung thư không cần chữa, mọi sự điều trị chỉ mang lại đau đớn cho thể xác, đau khổ về tinh thần. Mao nói: “Hãy để bệnh nhân nằm trong phòng, nghỉ ngơi, vĩnh biệt cuộc đời một cách hạnh phúc. Nếu bị ung thư, tôi cũng xác định không chữa”.
Ông chỉ thị chúng tôi ngừng khám cả ông.
- Các đồng chí khám chỗ này, xét nghiệm ở chỗ kia, rồi lại đi sục sạo đi tìm, bới ra bệnh mới! - Mao nói - Trời cũng chẳng biết khi tìm ra bệnh mới, liệu các bác sĩ có chữa được không? Đám bác sĩ các anh chỉ được mỗi chuyện bới tung đủ thứ bệnh, chẳng chữa được bệnh nào ra hồn, chỉ gây người ta hoang mang, bực mình. Tôi không muốn xét nghiệm thêm bất cứ thứ gì nữa. Khám kiểm tra đơn giản, thế là đủ.
Mao không thay đổi quyết định. Từ đấy trở đi, ông từ chối tất cả các xét nghiệm, không điện tâm đồ, không X-quang, không thử máu nước tiểu gì hết, chỉ cần khám bệnh qua loa, đại khái thế là đủ.
Tuy giữa tôi và Chu Ân Lai cũng như một số người khác ở Trung Nam Hải có một vài mặc cảm, nhưng tôi thật sự rất lo ngại sức khỏe cho ông. Chu, con người cực kỳ hoạt bát, nửa năm trời ngày ngày ngồi lỳ sau bàn chăm chỉ làm việc, đêm đêm ít ngủ, ông hết lòng điều hành công việc của đảng và nhà nước. Những nhà lãnh đạo tài giỏi của đất nước đã bị thanh trừng hoặc loại bỏ, còn lại đa số kém cỏi, suốt ngày bận rộn đấu đá tranh giành quyền lực. Trách nhiệm của Chu dần dần mở rộng, ông đã đỡ cả gánh nặng cho Mao. Không có vị lãnh tụ nào có kinh nghiệm, sức chịu đựng như ông. Mao giờ đây quá yếu, không thể làm thay Chu, nếu ông qua đời.
Uông Đông Hưng không bận tâm sức khoẻ của Chu. Người duy nhất, Uông thực tâm lo lắng, đó là Mao. Cái chết của Chu, của bất cứ ai khác, chẳng có gì lớn lao khi Mao còn sống. Uông Đông Hưng khuyên tôi đừng quá lo, mình Mao cũng có thể điều hành đất nước.
Đầu năm 1973, Mao lại phát sinh ra bệnh mới, giọng bắt đầu khó khăn. Tiếng nói trở nên nhỏ, khàn khàn, rất khó hiểu ý ông, kể cả người thân cận, hiểu ông nhất. Bất cứ làm việc gì dù nhẹ, cũng khó thở, môi tím tái, vì thế chúng tôi để bình oxygen nhiều nơi, ở buồng ngủ, buồng đọc sách, phòng tiếp khách, có nghĩa, nơi nào ông thường vãng lai chúng tôi đều đặt bình oxygen. Giờ đây Mao ít đi lại, ít đọc sách vì thị lực giảm nhiều. Giang Thanh yêu cầu chuyển buồng đọc sách thành nơi chiếu phim. Mao bắt đầu say mê xem phim Hong Kong, Nhật, kể cả phim Mỹ, ông rất ưa xem phim chưởng.
Nhưng tinh thần Mao vẫn sáng suốt, ông cũng không đồng ý Chu mổ xẻ và đang tìm người thay thế Chu. Đây chính là cơ hội Đặng Tiểu Bình trở về nắm chức vụ.