Hôm Richard Nixon đến, Mao vui khác thường, phấn chấn hẳn lên, chưa bao giờ tôi thấy ông như vậy. Chu Phổ Minh cắt tóc, cạo râu cho Mao, lần đầu tiên sau năm tháng trời, xoa dầu thơm thảo mộc lên tóc. Sau đó Mao ngồi vào đi văng, đợi chuông điện thoại, chờ thông báo về sự di chuyển của thượng khách. Khi biết máy bay của Richard Nixon hạ cánh, ông yêu cầu Ngô Tự Tuấn truyền đạt cho Chu Ân Lai, ông muốn sớm gặp tổng thống Mỹ. Là chủ nhà đón khách, Chu cần phải đi cùng Richard Nixon thăm viếng mọi nơi. Chu nói, theo nghi lễ ngoại giao, bắt buộc phải để khách có thời gian nghỉ ngơi ở Đào Dư Thái trước, sau đó mới có những cuộc gặp mặt, hội đàm. Mao không phản đối, nhưng muốn được gặp tổng thống Mỹ càng sớm càng tốt.
Chu mở tiệc chiêu đãi Richard Nixon, sau đó dẫn ông vào Đào Dư Thái nghỉ. Mao lại gọi Chu, muốn gặp tổng thống Mỹ.
Đội y tế chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp này. Tất cả các dụng cụ, bao gồm bình oxygen, máy hô hấp nhân tạo do Henry Kissinger tặng sau chuyến thăm bí mật, đã được mang ra khỏi buồng. Chúng tôi tháo chiếc giường bệnh viện, chuyển tất cả thiết bị vào hành lang nối phòng làm việc với phòng ngủ. Tất cả phải sẵn sàng nếu Mao đột nhiên trở bệnh.
Chu Ân Lai thông báo cho Richard Nixon, Mao bị viêm phế quản vì thế hạn chế nói chuyện. Tôi không nghĩ ông nói hết sự thật về sức khoẻ của Chủ tịch cho Richard Nixon.
Khi chiếc xe limousine cắm cờ đỏ chở Richard Nixon và Chu Ân Lai tới, chúng tôi đang ở sảnh đường phòng khách của văn phòng Mao. Nữ phiên dịch Nancy Tang, Tổng thống Richard Nixon đi cùng Henry Kissinger và Wiston Lord, người sau này trở thành đại sứ Mỹ ở Trung Quốc. Gây ấn tượng cho tôi, ông ta trẻ đến mức trông như cậu sinh viên đại học lứa tuổi đôi mươi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ William Rogers không có mặt trong đoàn. Tổng thống Richard Nixon muốn Henry Kissinger thay mặt người phát ngôn Bộ ngoại giao dự buổi tiếp kiến. Chu bố trí Bộ trưởng ngoại giao Trương Bằng Phi tiếp, làm việc với Ngoại trưởng Rogers trong khi Richard Nixon, Kissinger hội đàm với Mao.
Ngay lúc tổng thống Richard Nixon vừa đến, tôi đứng dậy cúi chào, đưa tới chỗ Mao, còn bản thân tôi đi vào hành lang nơi chứa thiết bị y tế ngồi chờ. Tổng thống Richard Nixon đi quá nhanh, biến mất khỏi con mắt lính bảo vệ Hoa Kỳ đến mức làm họ lo ngại, vội liên lạc bằng bộ đàm với nhóm ở Đào Dư Thái. Toàn bộ khu bể bơi trong nhà đã bịt kín khi Mao bắt đầu ốm, buồng lớn chuyển thành sảnh đường đón khách. Mái nhà khu bể bơi lót lớp kẽm chống hệ thống sóng điện đàm. Mọi người bình tĩnh lại khi một trong số phiên dịch nói với Cục bảo vệ Mỹ, tổng thống Richard Nixon đang hội đàm với Mao chủ tịch.
Ngồi ở hành lang cạnh phòng Mao, cửa thông sang đó vẫn mở, tôi nghe rõ đầy đủ cuộc hội đàm và sẵn sàng can thiệp trong trường hợp Chủ tịch bị mệt. Mao xin lỗi Richard Nixon rằng không thể nói to được. Nội dung cuộc hội đàm được xuất bản trong cuốn “Hồi ký” của tổng thống Richard Nixon, sau này tôi đọc bản dịch tiếng Trung Quốc. Cuộc gặp quan trọng lúc đầu dự định chỉ có mười lăm phút, cuối cùng tới sáu mươi lăm phút. Một chi tiết của cuộc hội đàm làm tôi rất ấn tượng. Mao giải thích cho Richard Nixon, tuy mối quan hệ giữa hai nước trở nên tốt hơn, nhưng trên báo chí Trung Quốc vẫn cứ như trước, sẽ tiếp tục công kích Mỹ và ông yêu cầu trên các báo Mỹ vẫn phê phán Trung Quốc. Nhân dân hai nước vẫn quen phê phán, chỉ trích lẫn nhau, vậy phải trải qua một thời gian nào đó, dân chúng mới xây dựng được tình cảm hữu nghị mới. Vấn đề với Đài Loan vẫn để ngỏ, chưa được quyết.
Mao rất hài lòng cuộc thăm viếng của Richard Nixon. Ngay lúc tổng thống ra về, Mao đã thay bộ quần áo tiếp khách bằng chiếc áo ngủ quen thuộc. Tôi chạy ngay đến ông để kiểm tra mạch đập. Tim làm việc bình thường, nhịp đập ổn định, tốt.
Mao hỏi tôi có nghe được cuộc hội đàm không. Tôi trả lời, tôi ở ngay sau cửa, nghe rõ được từng câu một. Tôi cũng vui sướng về cuộc đi thăm này. Thời kỳ mới đã mở ra, tôi nghĩ vậy. Đến tận năm 1949 mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn còn tốt. Mối quan hệ này bị thay đổi từ khi bắt đầu chiến tranh Triều Tiên. Nhưng cuộc gặp của Richard Nixon và Mao nghĩa là sự thù địch xa xưa đã kết thúc.
Mao thích Richard Nixon:
- Ông ta nói thẳng - không vòng vo tam quốc. Hoàn toàn không phải như người tả khuynh nói một đằng làm một nẻo.
Richard Nixon thông báo cho Mao rằng Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
- Đó là tất cả những điều ông ta cần nói - Mao đăm chiêu - Nixon hơn hẳn những người đưa ra những nguyên tắc cao siêu trong khi lại có âm mưu xấu xa, gây hấn. Chúng ta cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ, không nghi ngờ gì nữa, cũng đem lại lợi ích cho chính phủ và nhân dân Trung Quốc.
Mao cười to, thích thú với ý nghĩ của mình. Lợi ích lớn nhất làm hai nước xích lại gần nhau là do sự đe doạ “chú gấu bắc cực” khổng lồ từ phương Bắc.
Trên những bức ảnh được công bố Mao với Richard Nixon tươi cười, bắt tay nhau. Trong báo người ta cho rằng Mao khoẻ mạnh, đầy nghị lực và dồi dào sức khoẻ. Những người nhận xét rằng Chủ tịch khỏe ra, coi điều này như một dấu hiệu tốt của sức khoẻ. Báo chí Mỹ, khi biết về bệnh tật của Mao, đã viết Chủ tịch từng bị đột quỵ, nói năng khó khăn, nhưng sức khỏe đã hồi phục. Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ cũng sai lầm. Mao không lên cân, trông người đầy đặn nhưng do chứng phù thũng, ông mắc bệnh tim chứ không phải đột quỵ.
Chiến thắng của chính sách đối ngoại đã có tác dụng tốt đến sức khoẻ của Chủ tịch. Bệnh phù giảm đi, phổi hết bị viêm, không còn ho nữa. Trong thời gian ốm, ông đã bỏ được thuốc lá, bệnh viêm phế quản không tái phát. Tinh thần ông phấn chấn lên. Tôi và ông gặp nhau thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Tôi, như trước đây, sống trong một căn phòng cạnh bể bơi cũ và hàng ngày nhìn thấy Chủ tịch. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành đề tài chính, tôi thường nghe ông bình luận về sự phát triển của mối quan hệ. Trong thời gian Anh, Nhật Bản, và Nga can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc, Mỹ giữ thái độ trung lập.
Trước những năm 30, không có một tiếp xúc chính thức nào giữa chính phủ Mỹ và đảng cộng sản Trung Quốc, đảng đã thành lập mười năm, nhưng vẫn thường xuyên tiếp xúc không chính thức với tinh thần hữu nghị. Mao quý Edgar Snow, nhà báo, tuy nghi ông làm việc cho CIA. Mao cũng rất quý bác sĩ Gorge Hatem, người Mỹ gốc Libăng, tham gia điều trị cho quân đội đảng cộng sản, gia nhập đảng, sau giải phóng trở thành công dân Trung Quốc.
Tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa đảng cộng sản Trung Quốc và Mỹ bắt đầu từ thời kỳ Thế chiến thứ II, Mao nói, khi ấy chính phủ Mỹ gửi một phái bộ quân sự tới Diên An. Mối quan hệ với các thành viên nhóm “phái bộ anh nuôi chiến trường” khá tốt, nhiều sĩ quan Mỹ ấn tượng chương trình hoạt động của đảng cộng sản. Sự mong muốn một nước Trung Hoa mới đã dẫn họ tiếp xúc hữu nghị, duy trì mãi đến khi kết thúc chiến tranh. Những người Mỹ này đã tạo dựng cho Mao một chuyến bay vào Trùng Khánh tháng 8 năm 1945 trong cuộc hội đàm với Tưởng Giới Thạch để ngăn chặn nội chiến. Nhờ người Mỹ, những người quốc gia và những người cộng sản đã đạt được những hiểu biết lẫn nhau, ký một cái gọi là “hiệp ước 10 tháng 10” lập lại hoà bình ở Trung Quốc.
Franklin Roosevelt đã vứt bỏ sự kế thừa mối quan hệ hữu nghị của chúng ta, Mao phê phán. Mao tin rằng chính phủ dưới thời F. Rooserelt có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, rằng F. Roosevelt thay đổi con đường của Hoa Kỳ và chính sách toàn cầu.
Mao ngưỡng mộ tổng thống Mỹ, tin lịch sử Trung Quốc với mối quan hệ Mỹ-Trung, sẽ trở nên hoàn toàn khác nếu Roosevelt chứng kiến chiến thắng của những người cộng sản.
Sau của cái chết của Roosevelt, đến thời Harry Truman, Mao tiếp tục, Truman thay đổi chính sách của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, bằng cách ủng hộ Quốc dân đảng về kinh tế và quân sự và quay sang chống cộng sản. Theo Mao, cuộc nội chiến Quốc-Cộng do chính sách của Truman ủng hộ Quốc dân đảng.
Mao cám ơn Nhật Bản nhờ họ người cộng sản mới chiến thắng trong cuộc nội chiến. Nếu như Nhật không xâm lược Trung Quốc những năm 1930, người cộng sản và quốc gia không bao giờ hợp tác với nhau. Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm đã liên kết họ lại. Đảng cộng sản còn quá yếu không đủ sức giành chính quyền. Sự xâm lăng của Nhật đã giúp đảng cộng sản từ yếu kém trở lên mạnh mẽ, theo Mao người cộng sản Trung Quốc phải biết ơn điều này.
Gần ba mươi năm toàn thế giới chờ đợi sự tháo dỡ mối quan hệ thù địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mao tin đây là kỷ nguyên mới, mở ra mối quan hệ hợp tác của Trung Quốc với cộng đồng thế giới. Phản ứng dây chuyền sẽ xảy ra. Lần lượt, các nước châu Âu, châu Phi, Mỹ la tinh noi gương Mỹ sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sự gia nhập Liên hợp quốc tháng 10-1971 là một phần của mối quan hệ cộng đồng quốc tế.
Mao tin các nước với các hệ thống kinh tế khác nhau có thể hợp tác và mở rộng quan hệ với các nước tư bản. Lấy Nam Triều tiên làm thí dụ. Người tư bản Nam Hàn thích món ăn cay, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa trồng nhiều ớt. Thậm chí bây giờ, Mao tuyên bố, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu 300 ngàn tấn ớt sang Nam Hàn, đó là việc làm rất tốt, đáng khuyến khích.
Nhưng Mao không tiên đoán thế giới đang bước sang kỷ nguyên hoà bình. Ông vẫn nhìn vấn đề đấu tranh chính trị toàn cầu, chia thế giới làm 3 theo thuật ngữ. “Thế giới thứ nhất”, chỉ có Hoa Kỳ và Liên Xô, nước phát triển kinh tế, giàu có, với lực lượng vũ trang hạt nhân hùng mạnh. Cả hai nước đều muốn làm bá chủ toàn cầu, tăng cường sức mạnh quân sự, thường xuyên đe doạ chiến tranh. “Thế giới thứ hai” gồm Nhật, Châu Âu, Canada và Úc những nước giàu có, hùng cường, có một số vũ khí hạt nhân, nhưng không có tham vọng bá chủ thế giới. “Thế giới thứ ba”, lạc hậu, nghèo đói, nạn nhân của cuộc đấu tranh của các siêu cường. Trung Quốc thuộc “thế giới thứ ba” cùng với các nước châu Phi, Mỹ La tinh và phần đông các nước châu Á. Mao tin rằng hiện trạng hoà bình, chỉ biểu hiện nhất thời. Mọi thế hệ phải trải qua chiến tranh.
Mao không trông mong rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ dễ dàng, suôn sẻ. Sự đứng lại và thụt lùi không thể tránh khỏi. Nhà lãnh đạo thế giới các thế hệ sau sẽ giải quyết những vấn đề mà nhà lãnh đạo thế hệ hiện nay đã xây dựng lên.
Sự phân tích của Mao về xu hướng thế giới chỉ đúng ở một điểm. Cuộc đi thăm của Richard Nixon đã mở đầu phản ứng dây chuyền công nhận Trung Quốc. Cũng năm ấy, Mao một lần nữa nhận được khả năng bày tỏ sự tán thành chính sách đối ngoại của mình, khi thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka đến thăm Bắc Kinh vào tháng Chín. Hai nước quan hệ không công khai đã nhiều năm, cán cân thương mại tăng đều. Đôi khi Nhật Bản làm mếch lòng Trung Quốc vì không được thông báo về mối quan hệ Trung-Mỹ đã cải thiện. Liêu Thừa Chí, phụ trách Ban đối ngoại chính thức mời thủ tướng Nhật Tanaka sang thăm Trung Quốc.
Tháp tùng Thủ tướng Tanaka một đoàn cán bộ ngoại giao cao cấp như Richard Nixon đã làm. Kết quả chuyến đi thăm của ông, ra thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Mao cho rằng cuộc hội đàm với Tanaka thân mật và tin tưởng hơn với với Richard Nixon. Khi Tanaka xin lỗi Nhật đã xâm lược Trung Quốc, Mao tin rằng chính sự xâm lăng của Nhật Bản lại trở thành sự “giúp đỡ” và đem lại chiến thắng cho những người cộng sản, tạo ra cuộc gặp gỡ hôm nay. Mao thú nhận với Tanaka, ông cảm thấy người không được khoẻ, có lẽ không sống lâu được, nhưng đó chỉ là ngón bài mới của Mao. Chính ông vẫn tin vào sự trường thọ của mình, nhưng lại luôn sử dụng mọi cơ hội để thăm dò phản ứng của nước ngoài đối với cái chết của ông có thể xảy ra không biết trước.
Mao và Tanaka có nhiều điểm giống nhau. Cả hai người không học trường đại học, cao đẳng nào, họ đạt được địa vị của mình bằng thực tế thông qua cuộc đấu tranh. Mao nhận xét Tanaka, một chính khách dũng cảm, cương quyết sẽ thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc tiến bộ, chống lại sự phản ứng của Đảng Dân chủ Tự do ở Nhật.
Tổng thống Richard Nixon và thủ tướng Tanaka giống nhau. Cả hai buộc phải từ chức. Nhưng Mao tiếp tục mời họ đến Trung Quốc, coi họ là những người “bạn cũ”.
Tình hữu nghị của Trung Quốc với Hoa Kỳ chưa bao giờ đi xa hơn như Mao muốn. Vấn đề về Đài Loan vẫn còn chưa được giải quyết, Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Đài Loan, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ được thiết lập vào năm 1979, ba năm sau khi Mao qua đời, thời tổng thống Jimmy Carter.