Từ Cáp Nhĩ Tân chúng tôi đi tàu hoả đến thị xã nhỏ thuộc Mông Đường Giang, quang cảnh ở đây thật tuyệt vời. Suốt đêm đi dạo trên dãy hồ nhỏ Thanh Bá, trải rộng, từng hồ nhỏ rải rác trên miệng núi lửa đã tắt, khiến chúng tôi liên tưởng tới chuỗi hạt trai vương vãi. Đây là một nơi tuyệt đẹp, còn hoang sơ, nơi hổ và gấu vẫn còn cư ngụ. Sau cách mạng tháng Mười nhiều người Nga chạy đến đây sinh cơ lập nghiệp, làm nghề săn thú lấy da. Sau Cách mạng văn hoá 1966, họ chạy tán loạn, sống rải rác khắp nơi.
Cuối cùng, sau mười ngày được các quan chức đưa tham quan, mở tiệc chiêu đãi, chúng tôi đi bằng xe hơi đến huyện Ninh Hằng cùng với hai bác sĩ của tỉnh Hắc Long Giang. Cuộc đời “bác sĩ chân đất” của tôi bắt đầu.
Tôi ở trong văn phòng của Uỷ ban nhân dân xã, chung phòng với lương y Lý. Ông cư xử với tôi như một người cha, luôn quan tâm chăm sóc. Những cánh đồng bao quanh thật rộng lớn, chạy dài đến tận chân trời, vượt quá tầm mắt nhìn, hoàn toàn khác hẳn đồng ruộng phía nam, từng cánh đồng nhỏ bao quanh làng xã. Đất đai ở đây phì nhiêu, màu đen, chủ yếu trồng ngô, đậu tương.
Nhà cửa cũng khác với nhà ở miền nam. Nhà làm bằng đất sét, mái rơm. Bên trong nhà, những chiếc lò nhỏ, mặt lò xây bằng gạch, sưởi ấm về mùa đông và cũng là nơi ăn uống, chỗ ngủ của gia đình. Trên chiếc giường lớn ấy, cả gia đình ngủ chung không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Khác với đa số những vùng khác trong nước, rừng nguyên sinh Hắc Long Giang còn nguyên, chưa bị nạn phá rừng tàn phá, củi rất nhiều, dùng làm chất đốt cho các gia đình.
Huyện Ninh Hằng, dân cư gồm người Trung Quốc và người thiểu số Triều tiên. Nhà của người Triều tiên, gọn gàng, đẹp hơn do có giấy màu trang trí dán bên thành lò. Người Trung Quốc phủ cỏ lên trên lò, vì thế nhà của họ trông đơn sơ, luộm thuộm. Đời sống nông dân ở Ninh Hằng không quá nghèo khổ như vài vùng ở tỉnh Giang Tây, nhưng vẫn thuộc diện nghèo. Trong làng không có cơ sở y tế, muốn khám bệnh bắt buộc phải ra tỉnh. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi khám bác sĩ vì quá xa, quá tốn kém. Khái niệm phục vụ y tế hiện đại không tồn tại ở đây. Một lần trong lúc thu hoạch mùa màng, một bà già bị một cái dằm đâm thẳng vào mắt. Tôi không có thuốc, cũng chẳng có dụng cụ để khám chữa, muốn chuyển bà lên bệnh viện thành phố. Chuyện đi bệnh viện tỉnh là chuyện hoang đường. Mọi cố gắng của tôi thuyết phục không dẫn đến kết quả, bà không đủ khả năng chi phí chuyến đi.
Chúng tôi, những bác sĩ duy nhất, họ bây giờ mới thấy. Hàng ngày chúng tôi đi từ làng này đến làng khác, giúp mọi người về y tế, bằng cách sử dụng những thuốc đơn giản nhất, những phương pháp khám xét đơn giản nhất. Tôi nghĩ, Mao, khi gửi tôi, đã hy vọng rằng nông dân nhìn tôi như “di sản của tư sản”, sẽ căm ghét, nhưng không, họ rất vui vẻ đón tiếp. Chúng tôi không từ chối bất cứ sự giúp đỡ nào, dù sao chăng nữa, đối với họ vẫn tốt hơn không có.
Bệnh lao và giun sán rất phổ biến ở đây. Họ nuôi lợn thả rông, đây là nguyên nhân reo rắc trứng giun sán. Dù chất đốt dư giả, nông dân ít khi nấu chín thức ăn đủ diệt mầm bệnh. Tôi nhiệt tình tham gia điều trị chứng giun sán giúp những người lao động bình thường.
Nhưng tôi không thể gặp được Lý Liên. Trung Quốc và Liên Xô đang trên miệng hố chiến tranh, Hắc Long Giang nơi có nhiều khả năng trở thành chiến địa. Vì thế Lý Liên và các đồng nghiệp rất không may mắn, bị chuyển về Trường Cán bộ 7-5 ở Hồ Nam, cách xa hàng nghìn dặm, đúng lúc trước khi tôi tới. Tôi nhớ gia đình kinh khủng. Tôi nghĩ, phải chăng đây là số phận ma quái, khắc nghiệt đã chia rẽ chúng tôi. Đôi khi nhận được thư nhà, tôi chỉ biết lơ mơ về tình cảnh vợ con. Người ta vẫn đồn thổi không hay về lý do vì sao tôi phải đi Hắc Long Giang. Có người nói vì tôi dính dáng chuyện chính trị, người khác bảo tôi bị Liên Xô bắt cóc, lại có tin tôi đào tẩu sang Liên Xô. Gia đình tôi cũng như tôi rất buồn với những tin đồn thất thiệt.
Nhưng những ngày tháng tôi sống ở nông thôn thật thanh bình và êm đềm. Mọi chuyện đấu tố bên ngoài chẳng lọt vào chỗ chúng tôi. Cách mạng văn hoá, cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn đang xảy ra trong nước, nhưng ở đâu đó xa xôi lắm, chúng tôi không cảm nhận thấy ở làng quê Ninh Hằng này.
Ngày 6-11-1970, bốn tháng sau, khi tôi đang ở trạm xá, đột nhiên xuất hiện một chiếc xe Jeep do Tư lệnh Trương, tỉnh đội trưởng lái đỗ xịch ngay trước cửa, người đã từng tháp tùng chúng tôi tham quan. Ông đi tìm hết làng này sang làng khác, phải mất vài tiếng đồng hồ mới tìm ra tôi. Văn phòng Trung ương ra lệnh, tôi phải quay về Bắc Kinh ngay, có việc khẩn cấp.
Tôi nhảy vội lên xe Jeep của Tư lệnh Trương, không kịp thay quần áo, để lại Trương và bác sĩ Nui điều hành đội y tế. Chiếc xe chạy thẳng về Mông Đường Giang, nơi có một sân bay duy nhất trong vùng. Đến đó khoảng mười giờ đêm, Tư lệnh Trương, người hiếu khách, làm bữa liên hoan chia tay. Tôi không thể từ chối, những quy tắc bất thành văn. Tôi rất lo về cuộc gọi khẩn cấp, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Đến sân bay Mông Đường Giang khoảng 11 giờ đêm, một máy bay Il-62, tầm trung có 4 động cơ, Liên Xô sản xuất, có hơn trăm ghế đang chờ, sẵn sàng cất cánh. Tôi là người khách duy nhất trong chuyến bay. Máy bay cất cánh ngay sau khi tôi vào khoang.
Máy bay hạ cánh tại sân bay đặc biệt Tây Uyển ở Bắc Kinh lúc hơn hai giờ sáng. Trương, người lái xe của Mao đã chờ tôi. Xe chạy qua các phố xá tối om, vắng lặng hướng về Trung Nam Hải. Tôi mặc bộ quần áo mùa đông nông dân Hắc Long Giang, quần bông, chiếc áo da lót bông thô nặng. Trên đường đi, tôi toát mồ hôi trên đường đến nơi Mao ở trong khu bể bơi. Y tá Ngô Tự Tuấn đón tôi.
- Mao Chủ tịch đang chờ anh - cô ta nói thầm - Vào ra mắt Chủ tịch trước, tôi sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện sau.