Thanh Hoa, một trong số đại học tốt nhất và nổi tiếng nhất trong nước, đặc biệt về ngành khoa học và kỹ thuật. Những sinh viên nổi loạn cũng xuất phát trường đại học nổi tiếng Bắc Đa. Mùa xuân 1966, Vương Quang Mỹ, phu nhân Lưu Thiếu Kỳ, phụ trách đội công nhân được cử đến Thanh Hoa tiến hành Cách mạng văn hoá. Bà đã ủng hộ lãnh đạo đảng, trái ý kiến của số đông phái cải cách và sinh viên. Đến tháng Tư 1967, sinh viên trả thù, sau khi một người trong ban lãnh đạo sinh viên, Khoái Đại Phú, tấn công quyết liệt bà. Năm 1963, Vương Quang Mỹ, với cương vị phu nhân Chủ tịch nước đón tiếp vợ chồng Tổng thống Indonesia Sukarno, bà mặc bộ quần áo truyền thống “Chí bảo”, đeo chuỗi thạch ngọc. Sinh viên viện cớ, đây là bằng chứng bà theo lối sống sa hoa của tầng lớp tư sản. Trong thời kỳ đấu tố, Đại học Thanh Hoa năm 1967, sinh viên ép buộc bà mặc bộ quần áo “chí bảo”, lấy dây xâu 2 quả bóng bàn đeo lủng lẳng vào cổ trong khi hàng ngàn sinh viên hô vang khẩu hiệu đả đảo. Từ đó, trường đại học trở thành vô chính phủ, không người điều hành. Bây giờ muốn khôi phục lại trật tự, Mao không ngần ngại sử dụng sức mạnh.
Lúc 4 giờ chiều, công nhân nhà máy dệt và một đội quân thuộc sư đoàn 8341 rời nhà máy xuống Đại học Thanh Hoa. Tôi không thuộc nhóm với họ, nhưng muốn đi xem cuộc chiếm đoạt Đại học Thanh Hoa như thế nào.
Tôn Dung, phó ban quân quản Nhà máy dệt, chỉ huy cánh quân của nhà máy. Chúng tôi ngồi trên xe tải, mỗi xe chở hơn 10 người. Hàng trăm xe tải thuộc các xí nghiệp, nhà máy khác cũng ầm ầm đổ về cổng trường Đại học Thanh Hoa, thành một lực lượng hùng hậu chiếm đóng. Sau này người ta bảo có tới 30 ngàn người. Trước cổng trường Đại học, Giang Đăng Trung, chính uỷ Sư đoàn Cận vệ, chỉ huy chung chiến dịch ra mệnh lệnh. Tất cả xuống xe, tập hợp thành hàng ngũ, tiến thẳng vào khu đại học. Tôi đi cuối cùng với lương y Lý.
Ban đầu, cuộc hành quân có tổ chức, nhưng khi đến các dãy nhà cao tầng khoa vật lý, hàng người đi đầu đột nhiên đứng lại, hỗn loạn. Sinh viên trong trường dựng chướng ngại vật ngăn chúng tôi. Giang Đăng Trung ra lệnh phá bỏ chướng ngại, đi tiếp.
Trời bắt đầu xẩm tối, nhọ mặt người, khó nhìn rõ mọi thứ. Tôi cứ thế theo người phía trước một cách mù quáng, chẳng biết mình đang đi đâu, làm gì.
Đột nhiên, tôi nghe tiếng nổ vang giời, tất cả rối loạn, hoang mang. Người ta kêu có bom nổ, có người chết. Hàng quân dừng lại, ngay lúc ấy tôi nhìn thấy người ta khênh đi ba thi thể đẫm máu ra ngoài.
Trời tối hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa. Tất cả cả thông tin hỗn loạn, rối bời, nhưng chúng tôi vẫn tiến về phía trước. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng gió rít rất mạnh. Những người đi trước bỗng nhiên bỏ hàng ngũ quay đầu chạy toán loạn về phía sau, tay đưa lên che đầu. Tôi đứng khựng lại, hoảng hốt, cố đoán cái gì đang xảy ra. Khi lương Lý, cởi áo ngoài trùm lên đầu tôi, mới biết tiếng gió rít do trận mưa đá mà sinh viên từ trên tầng cao ném xuống. Những hòn đá to nhỏ bằng quả táo con hay to hơn bay tứ tung, rơi rào rào như mưa, đội hình chúng tôi tan vỡ, mạnh ai nấy chạy thục mạng tứ phía. Lương y Lý vừa che vừa kéo tôi chạy theo hướng ông nghĩ dó là cổng ra vào. Nhưng ông không thông thuộc khu đại học rộng lớn, hơn nữa trời tối như mực, chẳng nhìn thấy gì. Cuối cùng cũng chạy ra tới cổng, chúng tôi hoàn toàn lạc khỏi đoàn của nhà máy, chẳng nhận ra ai quen. Trời bỗng đổ cơn mưa như trút nước, chúng tôi ướt như chuột lột. Ngồi bên vệ đường, chịu trận mưa xối xả, chẳng biết phải làm gì. Khoảng 4 giờ sáng, hàng ngũ lại được củng cố từ nhiều người lạc đường, nhưng chẳng biết phải làm gì.
Bỗng nhiên có chiếc xe đỗ sát ngay bên cạnh. Tự nhiên tôi nghe thấy ai gọi tên tôi. Tay lái xe cho Mao, Trương Trí Thanh ló đầu ra, nói to:
- Nhanh lên, ông ấy đang tìm các anh đấy, bác sĩ Lý.
Tôi vẫn ngu ngơ, chẳng hiểu, hỏi lại:
- Nhưng ai tìm tôi?
- Còn ai khác, ngoài Chủ tịch? Ông đang ở chỗ Đại lễ đường. Ông cũng yêu cầu sinh viên có mặt ở đó.
Tôi từ giã lương y Lý, lên xe đưa về toà nhà Quốc vụ Viện. Khi tôi đến, các trợ lý Mao vây quanh tôi, hỏi dồn dập:
- Xơi có nhiều không, bác sĩ Lý? Bao nhiêu đá trúng ông?
Bộ dạng tơi tả khiến họ nghĩ tôi bị thương trong cuộc ẩu đả loạn xạ ở đó.
Đói, mệt, lạnh, đau đầu nhưng tôi tránh được trận ném mưa đá. Vương Thuý Dung đưa cho tôi lọ dầu cao hổ, rồi bôi dầu và day day vào 2 huyệt thái dương cho đỡ nhức đầu. Sau khi ăn bát mỳ và uống thuốc giảm đau, tôi thấy khoẻ hẳn lên.
Mao chờ tôi ở phòng 118. Khi tôi đến, Mao đang ngồi uống cà phê và đọc sách. Ông đứng dậy, nhìn tôi, đi thẳng đến, chúc mừng. Tôi đi nhanh về phía ông. Mao nắm lấy cả hai tay tôi trong tay ông, ngắm kỹ tôi trước khi nói. Tôi cảm thấy rằng ông quý tôi thực, dù rằng có sự căng thẳng quan hệ của chúng tôi với Giang Thanh.
- Anh chịu đựng quá nhiều. - Mao an ủi - Ướt sạch rồi còn gì.
Tôi nói rằng mưa rất to.
- Anh đang ở trong tình trạng khó khăn, phải thế không? - Mao nói, sau khi biết tôi đã trải qua biết bao chuyện không hay. “Anh bị thương à? Thôi, đừng khóc!”
Ông nhầm khi nhìn thấy dầu xoa trên mặt tưởng nước mắt của tôi.
- Dạ, tôi không bị thương. Tôi nói. Nhưng có ba người bị thương do bom. Tôi không biết họ sống chết ra sao.
Uông Đông Hưng đứng đấy, báo cáo một người chết, hai người bị thương nhẹ.
- Vì sao anh không thay quần áo và nghỉ một chút? - Mao gợi ý.
Mao mời một số lãnh đạo sinh viên cực đoan Khoái Đại Phú của Đại học Thanh Hoa, Nhiếp Nguyên Tử của Đại học Bắc Đa, Đàm Hậu Lan của Đại học Hồng Thanh Bắc Kinh, Hàn Ái Tinh của Đại học Hàng không Bắc Kinh và Vương Đại Tân từ Đại học Địa chất để cùng họp với các thành viên “Tiểu tổ trung ương Cách mạng văn hoá” thảo luận tình hình. Tôi được mời tham gia cuộc gặp này.
Lần này Mao cứng rắn bảo vệ tôi. Việc mời tôi tham dự cuộc họp, Mao muốn mọi người trong Tiểu tổ Cách mạng, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Khang Sinh và Giang Thanh biết, tôi vẫn là người thân tín của ông. Thấy tôi với Mao, họ hiểu tôi không còn đơn độc, tất nhiên họ không dễ gì bắt cóc tôi nữa.
Giang Thanh hoan hỉ chào đón mọi người, nhưng không nói với tôi một lời nào, xem như không có tôi trong cuộc họp. Mao có thể xoá tội cho tôi, nhưng bà ta thì không. Lời buộc tội đầu độc của bà vẫn còn đó. Nhưng cách cư xử giờ đây tôi không quá quan tâm. Dưới cái ô của Mao tôi cảm thấy mình an toàn. Tôi vẫn thuộc biên chế “Nhóm Một”.
Tuy nhiên sự bảo vệ của Mao vẫn tạm thời, tôi đã qua vài lần thử thách, nhưng ông vẫn chưa thực tin, còn phải chịu vài lần thử thách nữa.
Cuộc gặp Mao với sinh viên trong ngày ấy đã trở thành ngày trọng đại của Cách mạng văn hoá. Mao yêu cầu các phe phái sinh viên đoàn kết lại, cảnh cáo rằng nếu họ còn tiếp tục chia rẽ, sẽ xuất hiện hai Thanh Hoa, hai Bắc Đa, hai Đại học Hồng Thanh.
Những sinh viên đứng đầu nhóm nổi loạn, đặc biệt lời phát biểu của Hồng Anh Sinh:
- Cả hai phe đều dùng lời của Chủ tịch để bào chữa cho hành động của mình - Anh ta nói với Mao - Nhưng lời của Chủ tịch có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, hiểu khác nhau, thậm chí đối kháng với nhau. Trong khi Chủ tịch còn sống, Chủ tịch có thể hoá giải các cuộc tranh cãi, những vấn đề như thế sẽ được giải quyết ổn thoả. Nhưng chúng ta sẽ làm gì khi Chủ tịch không còn trên đời này nữa?
Khang Sinh và Giang Thanh nổi giận, lôi đình.
- Sao anh dám nói ra ý nghĩ ngu xuẩn đến thế?
Họ trút giận xuống đầu anh chàng sinh viên này.
Nhưng Mao tỏ ra thích câu hỏi của anh chàng sinh viên. Ông cũng đã từng bóng gió nhắc đến vấn đề bác sĩ trong thư của mình gửi Giang Thanh trước đây.
- Khi tôi còn trẻ, tôi thường tự đặt ra những câu hỏi - ông tán thành ý kiến của chàng sinh viên - những câu hỏi mà người khác không dám đặt ra. Dĩ nhiên, lời tôi đưa ra có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Điều này khó tránh khỏi. Hãy nhìn qua Khổng giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo - tất cả các đạo giáo này chia rẽ thành nhiều giáo phái khác nhau, mỗi giáo phái lại được giải thích, hiểu một cách khác với nguyên lý ban đầu. Không có những sự giải thích khác nhau, sẽ chẳng có sự phát triển hoặc thay đổi nào cả. Sự tù túng, trì trệ cứ kéo dài, thì những học thuyết nguyên thuỷ cũng sẽ diệt vong.
Nhưng cuộc gặp này không đạt được mục đích theo ý muốn. Sinh viên không thể đoàn kết được, vì thế, việc Mao đặt niềm tin vào thế hệ trẻ là sai lầm. Vài ngày sau, 5-8-1968, Mao thông báo rằng muốn tặng công nhân một vài giỏ soài, số hoa quả này do Mian Arsad Hussein, bộ trưởng Bộ ngoại giao Pakistan tặng ông. Quà là dấu hiệu ông muốn nói với nhân dân cả nước, Mao mất lòng tin vào đám sinh viên quậy phá, thù địch và giờ đây đặt niềm tin của mình vào công nhân.
Chẳng bao lâu, người ta đưa những người cầm đầu sinh viên về nông thôn, tiếp theo sau, hàng triệu học sinh và sinh viên đi cải tạo lao động. Họ cần phải được học tập, cải tạo ở nông thôn, Mao nói: “Học sinh, sinh viên phải học hỏi sự đói nghèo ở ngay những người nông dân nghèo khổ”.
Mao đưa soài cho Uông Đông Hưng, để ông chia chúng sao cho mỗi một nhà máy đầu đàn ở Bắc Kinh, gồm cả Nhà máy dệt, nơi tôi sống ở đó, đều có được một giỏ. Đáp lại, công nhân tổ chức mít tinh, ở đó vang lên những trích dẫn của Mao. Chào mừng món quà của Chủ tịch, họ đã bọc soài bằng sáp ong, tin rằng để giữ được lâu dài không hỏng. Khi mà những giỏ soài được bày trong tủ kính ở phòng lớn của nhà máy, những công nhân lần lượt xếp hàng đi qua ngang nó, kính cẩn cúi xuống.
Tuy nhiên không ai nghĩ tới tẩy trùng soài, trước khi bọc sáp, sau một vài ngày triển lãm, soài bắt đầu thối. Theo chỉ thị của Uỷ ban cách mạng nhà máy, họ đem gọt bỏ vỏ, đun phần mềm soài trong nước, bỏ vào lọ to. Mỗi khi tổ chức lễ kỷ niệm cũng đưa ra, mọi người nghiêm trang, kính cẩn chào.
Người ta thành kính cám ơn món quà của ông. Món quà giỏ soài được tán dương như một bằng chứng về sự quan tâm của Chủ tịch đối với số phận người công nhân lao động lầm than. Sau đó tất cả công nhân nhà máy xếp hàng lần lượt, mỗi người có thể uống một thìa đầy nước thánh dược do quả soài thiêng liêng được đun sôi trong nước.
Tiếp theo, Uỷ ban Cách mạng cho làm soài bằng sáp, đặt lên ban thờ nhà máy thay cho hoa quả thật, công nhân lại tiếp tục xếp hàng kính cẩn trước báu vật linh thiêng.
Khi tôi kể cho Mao về sự tôn sùng, món quà của ông, Mao cười phá lên, tỏ ra khoái câu chuyện này.