Cuộc tấn công bắt đầu từ vợ tôi. Khang Sinh quyết định cho tên Lý Liên vào danh sách bọn phản cách mạng giấu mặt. Quá khứ của vợ tôi không có gì bí mật với ai, Khang Sinh chẳng cần khó nhọc gì để biết vợ tôi từng làm việc cơ quan người Anh, cũng như người Mỹ, ngoài ra, còn có người thân ở Đài Loan. Đó là ba điều họ nghi ngờ vợ tôi. Liệu cô ta có phải gián điệp Anh, Mỹ, Quốc dân đảng? Cũng có thể vợ tôi làm việc cho cả ba? Khang Sinh yêu cầu tiến hành điều tra cẩn thận trường hợp Lý Liên.
Giang Thanh muốn đồng thời điều tra cả tôi một thể. Tôi cũng thuộc thành phần phản cách mạng, bà ta nói, rất khả nghi không thua gì vợ. Tất cả tư liệu về tôi được chuyển cho Uông Đông Hưng.
Uông, đương nhiên, bảo vệ tôi, khuyên cả Khang Sinh, và Giang Thanh, lý lịch tôi đã được kiểm tra kỹ từ lâu. Dĩ nhiên, ông sẽ nghiên cứu xem lại vấn đề, nhưng tin rằng tôi không liệt vào loại người nguy hiểm.
Giang Thanh không chịu, bà thay đổi chiến thuật. Ngày 1-7-1968, kỷ niệm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau buổi lễ tại Đại lễ đường, vợ Chủ tịch bị đau răng, yêu cầu bác sĩ kiểm tra. Uông Đông Hưng cử tôi.
Tôi từ chối. Giang Thanh cần nha sĩ chứ không cần bác sĩ. Ngoài ra, chắc gì Giang Thanh đã tin tôi? Bà ta từng buộc tội tôi phản động khi tôi chăm nom sức khỏe từ những lần trước. Tôi nghi, đây chính là cái bẫy. Kẻ thù chính của Giang Thanh ở Trung Nam Hải chính là Lưu Thiếu Kỳ, Uông Đông Hưng. Tuyên bố tôi phản động chính là bước đi đầu tiên để kết tội Chu và Uông phản động. Giang Thanh đang có âm mưu chính trị thông qua đòn tâm lý.
Giang Thanh cũng là kẻ thù nguy hiểm số một của Uông Đông Hưng cần tính sổ. Nhưng hiện thời ông vẫn phải tỏ ra cộng tác với Giang. Uông yêu cầu tôi gọi nha sĩ, nhân cơ hội này giúp tôi hoà giải và thể hiện sự kính trọng với vợ Chủ tịch để mọi chuyện yên thấm. Tôi miễn cưỡng đồng ý.
Tôi yêu cầu hai nha sĩ nổi tiếng của Quân Y viện 301 đến Đào Thái, nơi Giang Thanh ở, đến khám răng. Giang Thanh bắt họ chờ 6 ngày, cuối cùng mới đồng ý cho kiểm tra. Một răng lung lay do bị sâu, cần nhổ. Giang Thanh đồng ý nhổ.
Nha sĩ yêu cầu tiêm kháng sinh trước khi nhổ, bảo y tá tiêm thử phản ứng kháng sinh trước. Phản ứng âm tính, không có dấu hiệu dị ứng.
Sau nửa giờ tiêm bà ta kêu khó chịu, lên cơn kích động, bảo toàn thân ngứa ngáy. Bà hét lên cho rằng đã bị tiêm thuốc độc. Hoảng loạn, y tá chạy tới tôi cầu cứu. Tôi khám Giang Thanh. Mạch và tim bình thường, không thấy vết phát ban hay mẩn ngứa trên da, (dấu hiệu phản ứng thuốc). Tôi định truyền dịch để trấn an, nhưng bà từ chối, thay vào đó yêu cầu gọi Uông Đông Hưng.
- Lý Chí Thoả định đầu độc tôi! - Vợ Chủ tịch giận dữ la lên, ngay lúc Uông vừa bước chân vào.
Uông đề nghị tôi ra ngoài, mình ông ở lại với Giang Thanh.
Sau đó ông gặp tôi. Thậm chí khi nghe lời giải thích, đã thử phản ứng trước khi tiêm, Uông vẫn còn nghi ngờ bị dị ứng thuốc. Tôi không tán thành. Tôi đã kiểm tra tim mạch, đo huyết áp, khám da, mọi thứ bình thường, không có gì sai.
Tự nhiên tôi bị Giang Thanh đánh cho một chuỳ quá nặng. Giang kết tội tôi dùng thuốc cố ý đầu độc. Tôi nói với Uông:
- Tôi phải gặp Chủ tịch báo cáo việc này ngay.
Uông lắc đầu, bảo:
- Không thể được. Giang Thanh yêu cầu tôi phải trực tiếp báo cáo Chủ tịch việc anh đầu độc. Nếu anh xuất hiện ở Mao sớm hơn, bà ta sẽ bù lu bù loa nữa. Tôi đã mời Chủ tịch đến Đào Thái.
Uông khuyên tôi chờ Mao, sẽ giải thích cho Mao cái gì đã xảy ra và bảo vệ tôi.
Tôi chờ trong sự đơn độc ở phòng khách phía bên ngoài buồng Giang Thanh. Các vệ sĩ, người giúp việc cho bà chuồn mất, họ sợ cơn thịnh nộ của bà, nhưng không muốn làm hại gì với tôi.
Một giờ đã qua, nhưng Mao vẫn chưa tới. Tôi cảm thấy mình như người có tội chờ phán quyết.
Mao cuối cùng vào phòng khách, y tá trưởng Ngô Xuân Dung tháp tùng. Tôi đứng dậy chào. Nhưng ông chỉ nhìn chằm chằm tôi, không nói một lời, coi như tôi không có mặt ở đây, vào phòng vợ. Khi Uông Đông Hưng ra khỏi buồng, tôi hỏi ông nói với chủ tịch những gì.
- Tôi nói với Chủ tịch, Giang Thanh muốn ông xem bị dị ứng thuốc sau khi tiêm như thế nào.
Tôi điên tiết:
- Nhưng tôi đã nói với anh, tôi đã kiểm tra, mọi việc bình thường. Vì sao anh không nói cho Mao biết? Anh biết, bà ta nói dựng chuyện để hại tôi.
Ngay lúc ấy cửa phòng Giang Thanh mở, Mao từ trong bước ra. Ông lại chằm chằm nhìn tôi, lẳng lặng bỏ đi, không nói một lời, coi như không thấy tôi ở đó.
Bấy giờ thậm chí Uông Đông Hưng cũng hoang mang.
- Giang Thanh chơi trò lừa đảo, gian lận con đen. Người của bà ta có thể bắt cóc anh bất cứ lúc nào. Tốt hơn hết, anh nên quay về Nhà máy dệt. Anh quay về ở đó, đừng đi đâu. Ở đó quân của tôi sẽ cố gắng bảo vệ, may ra anh có thể an toàn.
Tôi liều lĩnh về nhà báo tin cho Lý Liên, tôi có thể bị bắt hoặc bị bắt cóc. Nhưng vợ tôi không có nhà, đang đi làm. Tôi viết mẩu giấy, báo tin sẽ vắng nhà một thời gian.
Tôi trốn ở Nhà máy dệt Bắc Kinh hai tuần, không biết số phận tôi sẽ ra sao. Khi không thể chịu nổi, tôi đến chỗ Uông. Uông kể tôi mọi chuyện.
Khi tôi trốn khỏi Đào Thái, Giang Thanh gọi y tá, thư ký, vệ sĩ, đầu bếp lập biên bản khép tôi tội cố ý đầu độc, yêu cầu mọi người ký tên. Dĩ nhiên, họ tuân lệnh. Ngay đêm đó Lâm Bưu và Diệp Quần tới thăm Giang Thanh. Vợ Chủ tịch nói với hai người, tôi là quân phản cách mạng từ trước năm 1949. Bà ta đưa phần thuốc chưa dùng cho Diệp Quần và yêu cầu phân tích, đồng thời muốn xác nhận thuốc đó là thuốc độc và cũng hy vọng kết quả sẽ như thế.
Diệp Quần gọi Uông Đông Hưng. Cả Giang Thanh, Lâm Bưu và Diệp Quần hài lòng nếu Uông xác nhận đây là thuốc độc.
Uông khuyên Diệp Quần chờ kết quả kiểm tra khách quan trong phòng xét nghiệm mẫu thuốc do Giang Thanh mới chuyển cho họ. Vấn đề chẳng đơn giản như vợ chủ tịch yêu cầu. Uông nhắc khéo Diệp Quần, thuốc lấy từ khoa dược, dưới sự quản lý của đội bảo vệ Trung ương do Uông Đông Hưng đứng đầu, ông là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thuốc men. Theo nguyên tắc, bác sĩ chỉ có thể kê đơn cho Mao, Giang Thanh hoặc những nhà lãnh đạo cao cấp khác, nhưng bản thân bác sĩ không có quyền mang đơn đi lĩnh thuốc. Nếu có vấn đề gì sai sót, khoa dược chịu trách nhiệm.
Diệp Quần mang thuốc đến Viện hàn lâm Y học quân sự phân tích. Kết luận, thuốc tương ứng đúng với nhãn hiệu trên lọ, không tìm thấy chất độc.
Giang Thanh nổi cơn điên. Khi Diệp Quần đưa bản kết luận của Viện Y học, vợ Chủ tịch vứt cả thuốc lẫn giấy xuống sàn, kêu la, bảo kết quả kiểm nghiệm do “phần tử xấu” ở Viện hàn lâm Y học quân sự viết ra.
Diệp Quần đáp trả để bảo vệ uy tín bản thân và cho chồng. Bà giải thích, Lâm Bưu và bà coi yêu cầu của Giang Thanh có tầm quan trọng lớn nhất. Lâm Bưu tự tay trao thuốc cho chủ tịch Viện hàn lâm Y học quân sự, việc phân tích được tiến hành nghiêm túc và cẩn thận, chính xác.
Không gì có thể làm dịu Giang Thanh, từ ấy hai người đàn bà coi nhau lạnh lùng. Diệp Quần, tuy nhiên, cảnh giác hơn. Bà vơ lấy thuốc và bản kết luận, trao lại cho Uông Đông Hưng.
Liên minh Giang Thanh và Lâm Bưu bắt đầu rạn nứt. Uông Đông Hưng ngả về phía Lâm Bưu. Tôi là con tốt thí trong ván bài chính trị của họ.
Răng Giang Thanh lại đau. Chiếc răng quá mõm, chỉ cần lay lay nhẹ nó tự rơi ra. Lần này Lâm Bưu và Chu Ân Lai lo chuyện tìm bác sĩ. Khi hai nha sĩ Vương Thế Bình, Bằng Trịnh Giang đến, Giang Thanh lại nói tôi muốn đầu độc, yêu cầu họ ký và biên bản quy kết tôi cố ý đầu độc bà.
Vương Thế Bình và Bằng Trịnh Giang không chịu ký, báo cáo sự việc với Uông Đông Hưng. Ông khuyên họ nói sự thật cho Giang Thanh. Cả hai làm theo lời khuyên, Giang Thanh nổi khùng, tống cổ 2 nha sĩ ra ngoài.
Trong tay Giang Thanh vẫn còn một văn bản của thuộc hạ đã ký. Bà đưa nó Chu Ân Lai và yêu cầu ra trát bắt tôi.
Chu lâm vào thế kẹt. Ông lưu ý bà, tôi là bác sĩ riêng của Mao chủ tịch và chỉ có Chủ tịch mới có thể ra trát được. Giang Thanh lại đề nghị Chu Ân Lai gặp Mao chủ tịch.
Chu thảo luận với với Uông Đông Hưng. Uông đề nghị Chu giải thích cho Mao mọi chuyện, yêu cầu Mao đứng ra giải quyết. Uông không muốn báo cáo trực tiếp với Mao. Nếu thuốc có vấn đề, Uông cũng không tránh được vạ lây.
Chu Ân Lai gặp Mao, ông bảo vệ tôi. Ông nói, tôi đã nhiều năm ở Nhóm Một, nhiều người ở Trung Nam Hải biết tiếng. Công việc của tôi không phải luôn luôn làm vừa lòng mọi người, nhưng Chu tin rằng tôi chưa khi nào và không có ý hại ai cả.
Chỉ sau vài tuần sự kiện này Mao cuối cùng đồng ý với ông.
- Lý Chí Thoả - ngày đêm ở với tôi - ông nói với Chu - Nếu anh ta là phản cách mạng, vì sao anh ta không đầu độc tôi thay vì Giang Thanh? Anh ta hại tôi dễ hơn nhiều chứ. Khi Giang Thanh buộc tội bác sĩ và y tá về thuốc giả. Tôi giải thích cho bà ấy, một phần trong thuốc ngủ của tôi cũng là thuốc giả. Như vậy chúng ta phải chấp nhận chuyện này, để dùng lượng thuốc nhỏ hơn yêu cầu.
Tôi biết, mối quan hệ của Mao với bản thân tôi không được như trước. Ông không trực tiếp can thiệp giúp tôi. Uông Đông Hưng tin Giang Thanh không từ bỏ ý định hại tôi. Tôi thấy rất nguy hiểm tính mạng. Uông bảo: “Đừng có về nhà, Giang Thanh sẽ cho người bắt cóc hay bắt giam, tốt nhất quay trở lại Nhà máy dệt Bắc Kinh, ở đấy có lương y Lý đáng tin cậy. Nếu gặp chuyện bất trắc, bảo ông ta đến gặp tôi”.
Tôi ở lại nhà máy hai tháng trong sự lo lắng triền miên. Trong khi Giang Thanh và Tiểu tổ Cách mạng đang lạm dụng quyền lực trong chính quyền. Không ai ngăn cản được bà, kể cả Mao. Ông cũng chẳng biết Giang Thanh sẽ định làm gì. Bà ta sẵn sàng chỉ đạo trực tiếp bắt cóc, thủ tiêu tôi, nhưng sau đó sẽ phủi tay, trả lời, không biết gì hết.