Đôi bạn

Phần 5

V

Cánh đồng chân rạ vắng người phẳng lì đến tận chân trời, các làng xa trông gần hẳn lại.

Trời lạnh quá nên Dũng tưởng như không khí trong hơn là vì lạnh.

Trúc nhìn hiểu rồi bảo Dũng rẽ xe đạp xuống con đường đất nhỏ. Đường gổ ghề lại ngược lên chiều gió nên hai người đạp bắt đầu nặng chân. Dũng gắng sức đạp. Gió thổi làm lạnh hai gò má và làm cay hai mắt, nhưng Dũng cứ ngửa mặt như muốn đón lấy gió lạnh. Chàng quay nhìn lại Trúc hỏi:

- Lạnh không?

Trúc mĩm cười cho xe tiến lại gần, đáp:

- Cũng kha khá. Nhưng đã cho anh che gió cho nên tôi lại thấy ấm...Nhưng chỉ ấm trong lòng thôi.

Trúc thốt nhiên cảm thấy tình bạn ấm áp của Dũng với chàng, hai người bạn sống trơ vơ giữa cuộc đời, như cùng đi giữa cánh đồng rộng bao la và lộng gió, Dũng nói:

- Mình càng không sợ lạnh, càng thích cái lạnh thì không thấy lạnh. Đối với những cái nguy hiểm cũng vậy.

Trúc cười hỏi:

- Anh mới nghĩ ra điều cao xa ấy từ bao giờ thế?

- Vừa mới nghĩ ra xong.

Hai người hôm nay tìm đến nhà một người bạn cũ là nơi mà Thái vẫn ẩn núp từ khi vượt ngục ra. Dũng phải đưa ít tiền đến giúp Thái để Thái có cách trốn đi nơi khác, xa, đợi dịp đi ngoại quốc lần nữa. Cuộc đi thăm bạn không có gì nguy hiểm cả. Dũng cũng biết thế, nhưng chàng tự nhiên có cái thú được làm một việc khác hẳn những việc chán nản hằng ngày. Mấy lần Trúc can, chàng nhất định không nghe.

Trúc nói:

- Nếu anh vừa mới nghĩ ra xong, thì bây giờ anh quay về cũng còn kịp. Tôi nghĩ lại mới biết cũng khá nguy hiểm cho anh. Mà nhất là không cần anh phải đi.

Nói vậy nhưng Trúc biết là không bao giờ Dũng quay về nữa. Dũng cũng không cần trả lời Trúc, chàng hỏi sang chuyện khác:

- Cần nhất là phải làm thế nào anh ấy đi ngoại quốc thoát chứ sống ở trong nước mà sống lẫn lút như vậy thì chịu sao nổi. Đến chúng mình đây còn không chịu nữa là.

Yên lặng một lát,rồi chàng lắc đầu tiếp theo:

- Anh ấy có tính liều lắm. Ngay từ trước đã thế, tôi ở trọ với anh ấy hai năm tôi biết. Tôi sợ lắm.

Trúc đáp:

- Tôi chỉ sợ cho anh vì biết đâu anh không phải liều như anh Thái.

- Tôi chẳng nóng đầu bao giờ cả.

Trúc cười:

- Tôi thí dụ việc bại lộ. Người ta tìm bắt anh là đồng đảng quấy rối đến cụ lớn, anh có yên ở nhà không?

Dũng đáp:

- Đến lúc đó thì liều vậy.

Trúc mĩm cười:

- Ấy đó...nhưng bây giờ hãy cứ liều thử xem sao đã. Chưa chết ai mà sợ.

Hai người lại vui vẻ dấn bước đạp. Trúc thoáng nghĩ đến Loan. Vẻ buồn bã của trời đông làm Trúc thấy rộn rạo cái ý muốn hỏi Dũng về Loan. Chàng quay mặt nhìn bạn và lưỡng lự không biết bắt đầu câu hỏi ra sao. Chàng ngẫm nghĩ.

- Hình như Dũng không thích cho ta có một ý nghi ngờ gì về việc ấy.

Dũng không quay lại nhưng đoán biết là Trúc đương nhìn mình một cách chăm chú. Chàng hơi lấy làm lạ, và tự nhiên thấy ngượng, cúi nhìn xuống rồi đưa lái cố theo vết bánh xe trên đường.

Trúc than thở nói:

- Tôi làm gì cứ tụ nhiên như không. Còn anh, bao nhiêu người lo cho anh.

Dũng đáp:

- Chẳng ai lo cho tôi cả. Nội nhà chẳng ai tội gì mà lo cho tôi. Anh đã biết đấy. Anh cả và anh ba tôi thì chỉ mong cho tôi đi đâu cho rảnh để lấy lại ấp Quỳnh-Nê, cô hai, cô ba toi thì chẳng phải ngôn...

Chàng càng nói càng chán nản.Trúc nói:

- Nhưng có một người lo cho anh, lo cho anh lắm.

Trúc nhìn Dũng dò ý tứ. Dũng cười đáp:

- À, có, thầy tôi, thầy tôi lo cho tôi ra làm quan và lấy cô Khánh. Cô ấy cũng khá đẹp, con quan, lại có ấp rộng, cò bay thẳng cánh, đời như thế chẳng là vui đẹp, hay sao?

Dũng cười mai mĩa vì chàng nghĩ đến lòng ghen tức ngấm ngầm nhưng đã nhiều lần lộ ra của Trường và Đính, nhất là Đính.

- Lắm lúc tôi muốn trả lại ấp Quỳnh-Nê. Nhưng nghĩ lại mới biết là vô lý. Ông cụ đã cho đâu. Ấp còn còn đứng tên thầy tôi. Bao nhiêu chuyện rắc rối.

Gió bổng thổi mạnh lên. Một chiếc buồm hiện ra in lên nền trời như cánh một con bướm nâu khổng lồ. Một ít nắng vàng nhạt rung động trên nếp cánh buồm.

- Đi, giá tôi có phải vì Thái trốn đi hay bị bắt càng hay. Ít ra cũng làm vui lòng được nhiều người. Hơn một năm trời tù hãm rồi còn gì. Lắm lúc tôi muốn đi cho khuất.

Trúc hơi lo lắng, biết là bạn hay có tính cố làm theo lời nói nên Trúc vờ như không nghe thấy lời bạn. Chàng nhìn ra phía sông bảo Dũng:

- Không thấy anh Bằng nó phải đi qua đó. Đường này tôi chưa tới bao giờ. Mình đi rất nhiều nơi, nhưng những vùng quanh quẩn đây thì đối với mình hình như xa lạ lắm.

Hai người xuống xe. Phà còn phía bên kia sông. Trúc bảo bạn:

- Ta vào hàng nuớc xem có cái gì ăn được không?

- Anh đã đói rồi à?

- Đói thì chưa, nhưng ăn thì muốn ăn...

Dũng đứng ngoài hỏi bà hàng:

- Bến đò gì đấy, bà hàng?

- Bến đò Gió, thầy ạ.

Trúc cười nói:

- Chắc ở đây nhiều gió. Thảo nào lạnh ghê. Nghe tên "bến đò Gió", Dũng nghĩ ngay đến Loan. Chàng nhớ đã lâu lắm, một buổi chiều sang bên nhà Loan, Loan mời chàng ăn bánh gai và nói:

- Quà nhà quê của em. Bánh này em mua ở bến đò Gió, gần quê ngoại em.

Dũng nhìn ra phong cảnh bến đò nơi mà Loan đã nhiều lần đi qua. Chàng định khi về sẽ mua một ít bánh gai biếu bà Hai, chắc Loan vui lòng lắm.

Tiếng hát sẩm và tiếng nhị trên mặt sông vẳng đến tai Dũng. Trúc chạy ra, tay cầm chiếc bánh gai bóc dỡ. Chàng cắn một miếng to, gật đầu khen:

- Ngon lạ. Phải mua một chục chiếc làm quà cho anh Thái... Cảnh bến đò bao giờ cũng buồn, không hiểu tại sao?

Dũng đáp:

- Có lẽ tại nó gợi trí nghĩ đến sự biệt ly.

Nói vậy nhưng Dũng biết là không phải, nỗi buồn ấy có một duyên cớ sâu xa hơn mà chàng chưa tìm thấy. Dũng châm một điếu thuốc lá hút rồi đưa mắt ngắm nghía đám người nhà quê thảm đạm, quần áo xơ xác trước gió, đương đứng đợi bên bờ sông.

Họ đứng yên, không nói, vẻ mặt bình tỉnh, không nghĩ ngợi gì, chuyến đò mà họ đợi sang. Dũng thấy là hình ảnh của cả cuộc đời, họ sinh ra, sống thản nhiên ít lâu không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi như những người bộ hành một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.

Dũng ngẫm nghĩ:

- Buồn có lẽ vì tại trong thấy bến đò, mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời. Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn. Đã bao lâu, mình không làm gì cả nên mình không có cái gì để quên điều ấy đi...

Chàng mĩm cười nhìn mấy cái quán hàng trên vỉa hè và những khóm chuối lá xơ xác đương chải gió bấc:

- Bến đò không buồn lắm, buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua nước mắt.

Chàng nói to hỏi Trúc:

- Có phải thế không anh?

Trúc ngơ ngác không hiểu chuyện gì,cầm một miếng bánh thật to, rồi gật đầu:

- Chính đó. Tôi tưởng không có thứ bánh gì ngon hơn bánh gai. Anh có thấy thế không?

Dũng cười đáp:

- Chính đó.

Trúc vui vẻ nói:

- Thế mới biết chúng mình bao giờ cũng đồng ý với nhau.

Qua độ vài cây số thì đến cái cần lợp. Theo lời Bằng dặn, Trúc đi rẽ về phía trái và hỏi một người về đường lối vào làng Vĩnh-Cổ.

- Chắc các thầy vào nhà ông giáo Hoạt, ăn mừng nhà mới. Các thầy đến chậm quá, hôm nay khách về đã vãn.

Đến chỗ vắng Trúc bảo Dũng:

- Tôi chắc đó là mưu mẹo của anh Hoạt. Nhà làm xong đã tám kiếp nào rồi, nhưng anh ấy bịa ra để tiện cho các anh em đi lại, không ai nghi ngờ. Vì thế hôm nay chúng mình về, ai cũng cho là tự nhiên.

Một câu hỏi vẫn ngập ngừng ở môi bấy giờ Dũng mới định nói ra:

- Sao anh em lại có ý định giấu tôi.

Trúc cãi:

- Họ có định giấu anh đâu. Họ tưởng anh biết rồi.

Dũng nói ngay, giọng bực tức:

- Anh đừng bênh. Tôi, tôi biết vì lẽ gì rồi. Tôi biết lắm. Họ không tin mà họ không tin cũng là phải.

Chàng cau mày, đăm đăm, nhìn thẳng trước mặt, nói một mình:

- Nhưng nào có phải lỗi tôi. Người ta thường lấy điều mình là con quan làm một sự hãnh diện. Tôi khác. Nhưng nếu tôi có đau khổ, anh em chắc chẳng ai biết tới cái đau khổ, ngấm ngầm ấy.

Chàng quay lại phía Trúc nói:

- Anh xem, tôi bị thắt hai đầu.

- Anh hay nổi nóng lắm. Anh có biết ai giấu anh không... Để tôi nói anh nghe hôm ngồi ở nhà Lâm, Thảo với Loan, Minh đến báo tin Thái bị bắt, tôi giấu anh:Xuân ở Lao-Kay về bảo tôi báo tin cho anh biết, tôi lại giấu anh. Nếu anh không tình cờ sang Cận chơi, thì đến bây giờ anh cũng chưa biết một tí gì.

Dũng hỏi:

- Vì cớ gì anh lại giấu tôi?

- Chẳng vì cớ gì cả. Chính tôi, tôi cũng không biết vì cớ gì. Tôi không muốn cho anh biết vì tôi đã định thế rồi. Có thế thôi.

Hai người qua cổng làng. Trúc nói tiếp:

- Bây giờ thì ta hãy tạm gác chuyện đó lại. Để khi về nhà thong thả,anh hãy giận tôi.

Nhờ có cái mưu của Hoạt nên hai anh em bước vào nhà bình thản như đi dự tiệc. Người nhà chạy vào báo tin.T hái đương ngồi đánh tổ tôm với Hoạt và ba người lạ mặt. Thấy Dũng và Trúc vào, chàng điềm nhiên rút một quân bài trong bọc và xướng to:

- Nhị văn, chờ mãi nhị văn bây giờ mới thấy đến.

Hoạt chỉ mấy người lạ mặt nói:

- Anh em cả. Anh Chương, anh Tịch và anh Phác.

Người nhà đương giở chia bài, đuổi đi bất tiện, nên Hoạt phải nói mấy câu với Phác. Trúc nhìn Thái nói:

- Chúng tôi sang cho có mặt thôi. Chẳng lẽ anh có việc mừng lại không sang. Nhưng lại phải về ngay, không thể ở lâu được.

Thái hỏi:

- Thế nào, có tiền không? Có tiền đánh tổ tôm không?

Trúc nhìn Dũng đáp:

- Cái gì chứ cái ấy thì anh Dũng chẳng thiếu. Trong túi anh Dũng lúc nào cũng có trăm bạc là thường.

Thái cười nói:

- Khá nhỉ. Nhưng có lẽ không phải dùng đến.

Chương hỏi:

- Các anh ở làng nào?

Dũng đáp:

- Ở Xuân-Lữ. Cách đây hai chục cây thôi, không xa.

Phác nói:

- Xuân-Lữ, Xuân-Lữ, hình như làng ông Trương Thiệp.

Dũng vội nói ngay:

- Vâng,c hính thế, tôi là con ông Trương Thiệp.

Chàng ngượp ngập, khó chịu.

Mỗi lần có người nhắc đến tên ông tuần, Dũng tìm cách cho họ biết ngay chính mình là con. Chàng sợ họ sẽ nói chuyện về cha mình mà chàng lại biết trước rằng họ sẽ nói toàn những chuyện không hay gì.

Chương và Phác im bặt. Hoạt xoay câu chuyện về việc khác cho Dũng khỏi ngượng. Mọi người buông bài, Hoạt sai người nhà xuống bếp rồi hỏi Trúc:

- Có đủ số chứ?

- Đủ số.

Trúc đặt trước mặt Thái một tờ giấy một trăm và bốn giấy năm đồng:

- Trăm nầy là của anh Dũng,còn hai chục là của riêng tôi để dành dụm trong hai tháng nay.

Dũng quay mặt lại. Đem tiền ra giúp bạn, Dũng không thấy một chút gì vui vẻ trong lòng, chàng có ý nghi ngờ rất khó chịu rằng có lẽ các bạn quyến luyến mình vì mình có nhiều tiền. Mà số tiền ấy lại không phải là tiền của chàng, tiền ấy chính chàng cũng biết rằng đã kiếm được bằng cách không đích đáng.

Thái mĩm cười hỏi:

- Muốn dùng về việc gì thì dùng chứ?

Trúc đưa mắt nhìn Dũng rồi đáp,giọng đùa bỡn:

- Tha hồ, miễn là đừng sắm quần aó đẹp diện thôi.

Thái lạnh lùng bỏ tiền vào túi:

- Sắm cái aó quan thật bền...Có lẽ.