Cách hai tháng sau. Một buổi trưa, ông Bình dùng cơm rồi, tay ông cầm một cái kéo, ông xẩn bẩn đi vòng theo mấy hàng kiểng ngoài trước sân mà cắt lá uốn nhánh. Trời ui ui[1] chớ không nắng, lại nhờ gió tây thổi hiu hiu, nên mát mẻ. Ông sửa chậu nầy rồi ông sang qua chậu kia, ông hớt lá cắt nhánh rồi ông đứng mà ngắm, bộ coi thung dung nhàn lạc lắm.
Bà Bình đứng tại thềm, bà ngó mông ra ngoài lộ mà nói rằng: „Thằng Hai nó đi lên trên tòa, nó nói dầu mua được hay không cũng vậy, hễ bán xong rồi thì nó về liền, mà sao tới bây giờ nó cũng chưa về vậy hổng biết”.
Ông Bình cứ lui cui sửa kiểng, ông không ngó bà, song ông đáp rằng:
- Chín giờ mới khởi đấu giá bán. Vì ruộng đất manh mún nhiều miếng, nên đấu tới mười một giờ chưa biết rồi hay không. Bây giờ chưa tới mười một giờ, nó về sao cho kịp.
- Nó quyết mua lại cho được sở ruộng Bưng Sen đặng vợ chồng nó làm kiếm cơm ăn. Không biết nó giành có lại người ta hay không.
- Nó làm rộn, bỏ luôn cho rồi. Giành giựt mà mua mắc thì có ích gì. Mình còn mấy chục mẫu ruộng hương hỏa đó, sợ không sức mà làm chớ.
- Thây kệ nó. Tiền riêng của vợ chồng nó; nó làm sao đuợc nó làm, mình cản làm chi.
- Bà nói tới đó kế thấy một cái xe hơi đò ngừng ngay cửa ngõ. Bà nói:” Chắc thằng Hai nó về”. Bà chăm chỉ mà ngó một hồi bà lại nói: „Ủa, không phải thằng Hai. Con Ba mà! Chà! Về chuyến nầy lại có rương nữa chớ”.
Ông Bình day ra, thì thấy thiệt quả cô Túy Nga, cô đương đứng trên lề đường, gần đó lại có một cái rương lớn với một cái va li, là vật năm trước bà Bình sắm cho cô về nhà chồng.
Bà kêu đứa ở mà biểu ra vác đồ. Cô Túy Nga thủng thẳng đi vô sân, cô mặc áo đen quần đen, vóc coi ốm, da coi mét, mặt coi buồn, chớ không phải tươi tắn phương phi như hồi truớc. Cô vô tới thềm bèn chấp tay xá cha mẹ. Ông Bình châu mày ngó con rồi hỏi rằng:
- Con ở trên Sài Gòn hay là ở trên Vĩnh Long mà về đây?
- Thưa, ở trên Sài Gòn con đi thẳng về đây.
Bà tiếp hỏi:
- Con có được thơ của chị Hai con hay không?
- Thưa, có.
- Má dặn chị Hai con biểu con lúc nầy đừng có về làm chi. Sao con lại về?
- Thưa, lâu quá con nhớ, nên con về thăm thầy má.
Bà với cô Túy Nga đi vô nhà.
Ông Bình bỏ cái kéo dưới gốc cây kim quít, ông phủi tay cho sạch rồi ông cũng đi vô, vừa đi và hỏi con rằng:
- Con đau hay sao?
- Thưa, không. Con có đau chi đâu.
- Chớ sao mà ốm dữ vậy?
- … tại ốm…
Ông châu mày, ủ măt, lộ vẻ ưu sầu. Cô Túy Nga đi thẳng vô buồng. Ông ngồi rót nước trà mà uống. Ông thấy người nhà vác cái rương thì ông ngó bà mà hỏi rằng:
- Làm giống gì chuyến nầy về có va li mà lại có rương nữa?
- Hổng biết. Thế nó muốn về ở chơi lâu.
- Có chồng mà ở chơi lâu nỗi gì? Tôi nghi có chuyện gì đó sao, nên coi bộ nó buồn. Đâu bà kêu hỏi nó coi.
Bà bèn kêu Tuý Nga ra bà hỏi rằng:
- Con về rồi ở trển ai coi cơm nước cho thẳng nó ăn?
- Thưa, có người ở nấu ăn.
- Tại sao má dặn đừng có về, mà con lại về, đâu con nói thiệt cho má nghe thử coi?
- …
- Còn con về mà con đem rương theo làm gì?
Cô Túy Nga đứng lặng thinh một hồi rồi cô vùng nói xẳng xớm rằng: ”Thưa thầy má, chồng của con nó đánh đuổi con, không cho con ở nữa, nên con phải về”.
Vợ chồng ông Bình nhìn nhau chưng hửng.
Bà lắc đầu nói rằng:
- Con dại quá! Vợ chồng con nít sao cho khỏi rầy rà với nhau. Nó giận nó có nói bậy bạ đi nữa, sao con không chịu nhịn, mà lại bỏ chở đồ đi về, liều quá.
- Thưa má con nhịn lung lắm nên mới ở với nhau tới ngày nay, nếu không nhịn thì trong ba ngày đầu phải rời rã rồi. Chồng của con nó không thương con nữa, thiệt nó cố tâm đuổi con về, chớ không phải rầy rà sơ sài đâu.
- Có lẽ nào mà kỳ cục vậy!
- Thưa, hơn một tháng nay đuổi con luôn mấy lần. Con làm mặt lì, con không đi. Hồi hôm nầy nó đánh chưởi con, trước mặt má chồng con, nó mắng con là đồ ăn mày, cứ lết đầu ở ăn chực cơm, đuổi hoài không chịu đi. Con than thở với má chồng con và xin má phân xử giùm. Má chồng con lại binh chồng con, tiếp mắng con là đồ hư rồi cũng đuổi con ra khỏi nhà.
- Thẳng có chơi bời, có mèo chó gì hôn?
- Thưa, cái đó sao khỏi; song làm giống gì hay là đi đâu tự ý, con có nói chi đâu.
Ông Bình chận mà hỏi rằng:
- Bữa nay toà thi hành phát mãi ruộng đất của thầy. Chồng con nó hay sự ấy hay không?
- Thưa, hay chớ. Má chồng con lên hôm tháng trước đã có nói, mà cách một tuần sau cũng có thấy truyền rao trong nhựt trình nữa.
- Có rao trong nhựt trình hay sao?
- Thưa có.
- Nó hay thầy từ chức Cai tổng hôn?
- Thưa, cũng hay nữa. Má chồng con lên nói.
- Chắc là nó thấy thầy suy sụp thôi làm Cai tổng, tiêu hết sự ngiệp, nên nó đuổi con chớ gì?
- Có lẽ như vậy đó.
Vợ chồng ông Bình ngồi buồn hiu. Cô Túy Nga thấy vậy bèn nói rằng: „Thưa thầy với má, phận con là gái, con trọn thảo với cha mẹ, thầy má gả con lấy chồng, con không dám cãi. Đến khi về nhà chồng, con cũng trọn đạo làm dâu, làm vợ, con cung kính cha mẹ chồng, con vưng lời chiều ý chồng. Những việc chồng con làm cho con khổ tâm cực trí trong hai năm nay, nếu kể ra cho thầy má nghe thì làm buồn cho thầy má chớ không ích gì, bởi vậy bấy lâu nay con ôm lòng mà chịu, con không dám hở môi. Bây giờ vợ chồng phải xa nhau rồi, nếu nói ra cho hết đã vô ích, mà lại còn thêm khiếm nhã. Tuy vậy mà con tưởng cũng nên nói sơ cho thầy má hiểu tại sao mà chồng con nó đuổi con. Khi con mới về nhà chồng cho tới gần một năm, chồng con nó làm cho con cực lòng, bất quá là tại cái thói thất giáo của nó, chớ chẳng phải nó có ý bỉ bạc con, vì vậy nên con vì chữ “trăm năm một chồng” phải rán mà chịu. Kể từ ngày nó biểu con về xin năm trăm đồng bạc mà má cho có năm chục đồng, thì nó bắt đầu khổ khắc, rồi từ đó về sau mỗi lần thầy má cho tiền thì cho có một hai chục, chớ không cho một hai trăm như trước nữa, chồng con nó đánh chưởi riết con. Nói thiệt mà nghe, chồng con cũng vậy, mà má chồng con cũng vậy, thấy nhà mình suy sụp nên bỉ bạc[2] con, đuổi con về, chớ không có chi lạ”.
Vợ chồng ông Bình nghe con tỏ hết đầu đuôi, thì cảm trong lòng quá mà nói ra không được.
Túy Nga nói tiếp rằng: „Con xin thầy má đừng buồn chi hết. Tại nhà mình thiếu phước, nên trời khiến sự nghiệp tan rả, phận con long đong. Vả tài sản là của tạm, có rồi không, không rồi có, bởi vậy dầu có cũng không đáng mừng, mà dầu không cũng không đáng buồn. Còn phận con long đong ấy là tại căn số của con, chớ không phải tại ai hết, bởi vậy con không dám trách cha mẹ không lựa chỗ cho đúng mà gả con, mà con cũng không dám trách chồng con khổ khắc bỉ bạc con. Nay thầy má nghèo rồi, mà con lại được chồng đuổi xô, thì con có thể về nhà ở giúp đỡ cho thầy má. Ấy vậy chồng con làm khó mà thành làm ơn cho con, một là giúp cho con được trả thảo cho cha mẹ trong lúc cha mẹ suy sụp, hai là giúp cho con thoát khỏi cái cảnh địa ngục mà con đã bị sa vào trong hai năm nay. Vậy con xin thầy má đừng buồn rầu việc nhà, đừng phiền trách ai hết, để trí thanh tịnh mà hưởng chút vui vẻ của lúc tuổi cao, bởi vì hạnh phúc mà có, là nhờ mình không hổ với bụng mình, không thẹn với thiên hạ, nhờ gia đình hòa thuận, nhờ tánh khí cao thượng, chớ không phải tại của nhiều chức lớn mà được hạnh phúc đâu”.
Ông Bình gật đầu đáp rằng: „Mấy lời con nói đó giá đáng ngàn vàng. Thầy không dè con còn nhỏ tuổi mà con có cái lòng đạo đức, con thông thạo các đường đời như thế ấy. Tại cái kiếp tu của thầy còn kém lắm, nên thầy say mê danh dự đến nỗi hạnh phúc trước mặt mà thầy không thấy mà hưởng, để bôn ba đi tìm, rồi làm cho vợ buồn rầu, con cay đắng. Thầy nói bao nhiêu đó, thì đủ cho con hiểu ý thầy đã ăn năn đến chừng nào. Đạo làm cha mẹ vợ, thì phải biết ẩn nhẫn, nên ép con, chớ không nên binh con. Nhưng mà bây giờ người ta vì thấy thầy nghèo mà người ta xô đuổi con, thế thì thầy khó mà ép con cho được. Vậy thì con ở đó, trong vài bữa thầy sẽ lên Vĩnh Long nói chuyện với anh sui. Nếu thiệt anh sui chị sui cũng đều không thương con, thì thầy lãnh về thầy nuôi, thà ở nhà thầy nghèo con ăn muối mà con được vui, hơn là ở nhà người giàu có ăn vàng mà con phải khóc”.
Bà ngồi nghe chồng với con nói qua nói lại như vậy, thì bà không còn bụng nào mà nỡ trách chồng hay là khuyên con, bởi vậy bà chỉ ứa nước mắt lặng thinh mà chịu.
Xe hơi đò ngừng ngoài lộ nữa. Chuyến nầy thiệt Thái Hòa với biện Yến về. Hai người vừa bước vô nhà thì bà hỏi Thái Hòa rằng:
- Sao? Rồi hay chưa? Con có mua lại được miếng nào hay không?
- Thưa, con mua được một miếng Bưng Sen. Họ giành giựt dữ quá. Có mười hai mẫu mà con phải theo tới giá ba ngàn mốt con mua mới được.
- Họ đến đấu giá đông lắm hay sao?
- Đông lắm. Con thấy có bác Thiện nữa, sở nào bác cũng giành trả giá. Bác mua được hai ba sở gì đó… Con Ba về ở bao giờ đó em?
Túy Nga gật đầu chào anh và đáp rằng: „Em mới về chuyến xe trước”.
Biện Yến chen vô hỏi ông Bình rằng:
- Bẩm ông, ông Thiện trên Châu Thành đấu giá mua đất đó là mua giùm cho ông chớ?
- Không. Tôi có cậy ảnh đâu. Ảnh mua cho ảnh chớ.
- Tôi có biên đủ hết. Ổng mua được năm miếng. Ông cả Huynh giành mua được bốn miếng, ông Kế hiền Hạt bốn miếng.
- Cả Huynh và Kế hiền Hạt cũng có đấu giá giành mua nữa sao?
- Bẩm, có. Đủ mặt hết, bởi vì đất của ông miếng nào cũng tốt, nên họ ham lắm mà.
- Vậy mà tôi cậy anh sui tôi giúp cho tôi, ảnh than không có tiền sẵn. Cả Huynh với Kế hiền Hạt cũng vậy. Nhơn tình giả dối quá!
- Bẩm, ai khác thì tôi không rõ, chớ cả Huynh với Kế hiền Hạt thiếu gì tiền. Tại họ xấu, họ không chịu giúp đỡ chớ. Hồi sớm mơi cậu Hai đấu sở Bưng Sen, hai thằng cha đó ban đầu cũng theo giành. Tôi nói phải để cho cậu Hai một sở đặng cậu làm chớ, tôi lén nói nhỏ, mà tôi nói nặng lời, nên họ mới chịu thôi đó.
- Lúc nguy mới biết lòng dạ thiên hạ!
- Thiệt như vậy.
Ông Lê Thái Bình ngồi suy nghĩ một hồi rồi ông thở dài mà nói rằng: „Thôi, tôi phạm tội háo danh, mà lại háo thứ “hư giả chi danh”, thì trời đất phạt tôi đã xong rồi. Tôi không buồn không tiếc chi hết. Tôi chỉ ăn năn có một điều nầy, là sự nghiệp làm ra phần nhiều nhờ công của bà nó giúp sức tôi trong hai mươi mấy năm nay. Tại tôi háo danh mà làm tiêu sự nghiệp ấy, nên tôi buồn chỗ đó. Vậy tôi xin chịu lỗi với bà nó…”
Bà lật đật chận mà đáp rằng: „Ông không có lỗi chi hết. Ấy là ý trời muốn như vậy, chớ không phải ông lầm lỗi đâu”.
Ông cười và nói tiếp rằng: “Còn sẵn bữa nay đủ mặt hai con, thầy cũng phải nói ít lời cho hai con rõ. Thầy làm đổ mồ hôi xót con mắt mà gây dựng chút đỉnh điền sản, thiệt ý thầy cũng quyết để dành cho con. Theo như lời má của con mới nói đó, thì tại ý trời không muốn như vậy, nên mới khiến cho thầy say mê cái thứ danh giả, mà làm tiêu hết sự nghiệp. Lúc thầy tuổi già đây thầy không được hưởng, mà đến ngày sau hai con cũng không được nhờ. Ấy là tại cái mạng, vậy hai con chẳng nên buồn. Tuy bây giờ thầy không còn làm Cai tổng nữa, ruộng đất thầy đã hết rồi, nhưng mà thầy còn cái nhà nầy là cái nhà thờ, không ai thi hành phát mãi được, thì cũng đủ cho vợ con có chỗ dung thân, lại còn hai chục mẫu ruộng hương hỏa của ông bà để lại, không ai động đến được, thì cũng đủ cho thầy nuôi vợ con no ấm, mà nhứt là thầy còn nguyên cái lương tâm tốt, cái tánh khí cao, cái nhơn nghĩa rộng, trong tổng ai ai cũng đều công nhận, thế thì cái danh thiệt của thầy chưa mất, cái đường đi của thầy chưa cùng, thầy giữ bao nhiêu đó tưởng cũng đủ vui với vợ con cho đến ngày thầy nhắm mắt”.
Thái Hòa với Túy Nga nghe cha nói như vậy thì ngó nhau mà cười. Thái Hòa nói rằng: „Con chẳng buồn chút nào hết, mà con chắc em của con cũng vậy. Với hai mươi mẫu ruộng hương hỏa và mười hai mẫu ruộng con mới giành mua lại đó, con rán sức con làm, chắc cũng đủ nuôi thầy má sung sướng trọn đời. Vậy con xin thầy từ rày sấp lên thầy phú hết việc nhà cho con, thầy ở không mà uống trà, sửa kiểng, ngâm thi, đánh cờ, chơi cho thong thả trí, được như vậy thì con vui lắm”.
Túy Nga tiếp nói: ”Ý con cũng vậy”.
Ông thơ thới trong lòng, nên ông vuốt râu vừa cười vừa nói rằng: „Bây giờ mới biết rõ ràng hạnh phúc ở chỗ nào!”
Bà dạy Túy Nga biểu bày trẻ ở bắt vịt làm thịt mà dọn cơm ăn, bà cầm biện Yến ở chơi rồi ăn cơm, coi bộ bà quên việc ruộng đất bị phát mãi và việc con gái bị chồng bỏ.
[1] có mây che
[2] khinh bỉ, bạc bẽo