Lối tám giờ tối, trời mưa rỉ rả, gió thổi lao xao; hột mưa rớt rên mái nhà, tiếng trước nối tiếng sau, như than như khóc, hơi gió lòn qua cửa sổ, chao ngọn đèn xao xuyến lúc tỏ lúc mờ.
Bà Lê Thái Bình nằm chèo queo một mình trên bộ ván gõ, gác tay qua trán, mắt ngó ngọn đèn, tai lóng nghe hột mưa lâm râm, trí bắt nhớ việc nhà lòng càng ảo não.
Cậu Hai Thái Hòa ở trong buồng đi ra, cậu bước lại đứng dựa cây đèn leo heo vấn thuốc mà hút.
Bà Lê Thái Bình ngồi dậy hỏi con rằng:
- Thằng Càng nó bớt nóng hôn con?
- Thưa, từ hồi tối tới giờ coi bộ nó bớt nóng rồi.
- Hồi chiều con biểu đứa nào xuống thầy ba Nhiên mà lấy thuốc cho em nó?
- Thưa, có ai đi đâu. Tùng giả mắc đem trát gấp, còn đằng nhà việc thì thường xuyên nó nóng lạnh nên đi không được.
- Bất nhơn dữ hôn! Nếu vậy thì đêm nay có thuốc đâu cho em nó uống?
- Thưa, nó bớt nóng rồi. Để sáng mai rồi con sẽ mượn người ta đi lấy thuốc cũng được.
- Hồi có chuyện thì vậy đó, không có một người mà sai.
Cậu Hai kéo ghế mà ngồi.
Bà Lê Thái Bình vừa têm trầu ăn vừa nói rằng:
- Thầy con đi sao mà tới chừng nầy chưa thấy về. Trời mưa gió dữ quá.
- Thầy đi hầu mà. Hôm qua có trát đòi hầu nên thầy mới đi đó.
- Mới hầu lệ hôm thứ hai đây, còn hầu việc gì đây nữa không biết.
- Trát dạy lên hầu lập tức, mà không nói hầu về việc gì. Hồi sớm mơi thầy có nói để lên Vĩnh Long thầy ghé thăm bác và cậy bác tính giùm việc nhà của mình thử coi được hay không. Có lẽ bác cầm thầy ở lại ăn cơm tối, nên thầy về trễ đây chớ gì.
- Hổm nay thầy con tính như vậy đó, mà ý má không muốn chút nào hết. Thà là người dưng dễ hơn. Mình cần dùng tiền mình hỏi người ta; nếu người ta có, người ta cho mình vay, thì người ta ăn lời, người ta không khinh khi mình được. Chớ sui gia mà mình tới cậy người ta giúp tiền bạc, đã biết mình cũng phải trả tiền lời vậy, mà mình còn mang ơn chác nghĩa[1], khó lòng quá. Lại nếu người ta vị tình, người ta cho mình vay thì không nói gì, chớ nếu người ta không cho thì mình mất thể diện nữa.
- Người ta nói bác Thiện tiền bạc thiếu gì, bác cho thiên hạ vay cùng hết. Bác cho người khác vay cũng vậy, thà là bác cho thầy vay còn chắc hơn. Theo cái án của chà chetty[2] nó truyền rao hôm trước đó, thì vốn lời có bốn chục ngàn, nếu mình không trả thì nó thi hành phát mãi ba trăm mẫu ruộng của mình. Bây giờ bác ra bốn chục ngàn cho thầy trả cho chà và rồi thầy treo ba trăm mẫu ruộng đó lại cho bác, thì chắc quá. Nếu thầy trả không nỗi thì bác lấy ruộng. Có bốn chục ngàn mà lấy ba trăm mẫu ruộng, tính ra không tới một trăm năm chục đồng bạc một mẫu, rẻ quá, có lỗ lã gì mà sợ.
- Đã biết như vậy đó chớ, ngặt vì mình khó mở miệng lắm chớ. Thà là hỏi người dưng dễ hơn.
- Dễ là sao má? Hôm chà và mới vào đơn kiện tới nay thầy đi hỏi bạc cùng hết, mà hỏi không được. Giá lúa nầy ai cũng rên, còn người có tiền dư thì họ giấu kín, họ có dám cho ra nữa đâu. Cùng đường rồi, nên thầy mới tính hỏi bác Thiện đó. Nếu bác không giúp, thì mình phải khoanh tay mà để cho chà và thi hành phát mãi, chớ không biết làm sao.
Bà Lê Thái Bình ngồi lặng thinh một lát rồi bà thở dài mà nói rằng:
- Thiệt thầy con làm lếu lắm! Chớ chi hồi trước nghe lời má thì đâu có mắc nợ mắc nần như vầy. Bày tranh chức Cai tổng tốn hết mấy chục ngàn. Làm Tổng, làm chi không biết, mà phải mang nghèo như vầy. Nếu đừng làm giống gì hết, cứ ở không đi chơi, thì bây giờ sung sướng biết chừng nào.
- Tại cái mạng của thầy, nên trời mới khiến như vậy. Thôi, má phiền trách thầy làm chi, má.
- Nói chuyện cho con nghe vậy thôi, chớ má có phiền trách chi đâu.
- Việc dĩ lỡ rồi thì thôi. Má nhắc lại, thầy thêm buồn, chớ không ích gì. Mấy tháng nay thầy lo quá, nên coi thầy ốm nhiều.
- Má biết thầy con lo lung lắm, nên má có dám nói gì đâu. Tiền bạc là của chung, trời cho thì hưởng, trời lấy lại thì thôi, nghĩ cho cùng thì không nên buồn, không nên tiếc chi hết.
- Bây giờ tuy thầy nghèo, song thầy cũng còn danh giá với người ta. Còn có nhiều người khác họ cũng sạc nghiệp, mà họ không được chút danh dự gì hết đó sao. Con dám chắc, thuở nay thầy má lấy nhơn đức mà đãi thiên hạ, dầu thế nào đi nữa, trời phật cũng không để cho thầy má cực khổ đâu mà sợ. Nói cùng mà nghe, dầu nhà mình có nghèo đi nữa, thì vợ chồng con làm ruộng mà nuôi thầy má được mà.
- Phận con thì má không lo. Má có lo là lo cho con Ba, chồng của nó má coi không được chút nào hết. Cái mạng của con đó, má sợ ngày sau phải cực.
- Má nói phải lắm. Thằng Ba là con nhà giàu, mà nó lấc khấc lỗ mãng quá. Con coi ý con Ba nó không vui.
- Lần nào nó về nó cũng không than thở chi hết, song má coi ý nó rầu lắm. Hồi đó thiệt là má không muốn gả; tại thầy con vị tình hứa lỡ với anh bá hộ Thiện, nên má phải xuôi theo. Ý má muốn lựa con nhà nghèo mà học giỏi, biết điều, má gả rồi mình nuôi nó, làm như vậy con nhỏ nó có phước hơn. Ham gả chỗ đương môn đối hộ[3] làm chi mà mấy năm nay tốn hao bạc muôn, khổ quá.
- Việc tốn hao không nói gì. Ngặt thằng Ba nó coi con không ra gì hết, con buồn là tại cái đó.
Mẹ con nói chuyện tới đó thì nghe tiếng xe hơi chạy vô sân, đèn chói sáng lòa, thấy hột mưa còn lác đác. Bà Lê Thái Bình nói rằng: „Thầy con về. Biểu bày trẻ chế một bình trà nóng cho ổng uống; đi bị mưa chắc lạnh lắm".
Thái Hòa bước ra cửa mừng cha.
Ông Bình mở cửa xe chạy vô nhà, miệng cười ngỏn nghoẻn và nói rằng: „Mắc một đám mưa dai quá". Ông vừa nói vừa lột khăn đen, cởi áo mưa đưa cho Thái Hòa.
Bà hỏi ông rằng:
- Thầy nó ghé đâu hay sao mà về khuya dữ vậy? Ăn cơm rồi hay chưa?
- Tôi ghé cùng hết, ghé tới ba bốn nhà. Tôi chưa ăn cơm, mà không đói. Biểu bày trẻ chế nước nóng cho tôi uống một chút cho ấm bụng, không gấp gì dọn cơm.
- Tôi có biểu nó chế nước rồi. Thầy nó thay đồ đi, rồi uống nước.
Ông Bình vô buồng thay đồ. Thái Hòa bưng bình nước ra rồi lau bộ chén trà mà rót bốn chén. Bà biểu bày trẻ ở nhóm lửa nấu một nồi cơm sốt và hâm đồ ăn lại cho nóng rồi sẽ dọn.
Ông Bình ngồi uống nước. Bà kéo ghế ngồi ngang đó mà hỏi rằng: „Bữa nay thầy nó đi hầu việc gì vậy?”
Ông Bình cười. Ông uống hết bốn chén nước rồi mới đáp rằng:
- Quan Chánh kêu tôi lên mà quở tôi.
- Có chuyện gì mà quở?
- Ngài nói theo tờ của quan Chủ quận thì mấy tháng nay tôi cứ lo việc nhà, không lo thuế vụ nên trễ nải.
- Quan chủ quận chạy tờ[4] hay sao? Có lẽ nào ngài làm như vậy!
- Có thiệt chớ, chạy tờ kín.
- Ngài mới lên ăn cơm với mình hôm chúa nhựt đây mà.
- Ăn cơm thì ăn, còn chạy tờ thì chạy, hai việc đó khác nhau.
- Quan Chủ quận chạy tờ như vậy, rồi quan lớn Chánh nói sao?
- Quan Chánh nói ngài biết tôi có nợ nần nhiều, nên tự nhiên tôi mắc lo nợ mà phải bê trễ công việc. Vì vậy nên ngài không trách gì; song nếu tôi mắc bận việc nhà, không kham chức Cai tổng nữa, vậy thì tôi nên từ chức Cai tổng đi, đặng rảnh rang mà lo việc nhà.
- Ngài nói như vậy, nghĩa là ngài muốn xô đuổi mình chớ gì. Không biết ý thầy nó thế nào, chớ theo tôi thì cũng nên thôi phứt cho rồi, đặng khỏi tiếng nặng nề giằn thúc[5].
- Bà nó hiệp ý với tôi lắm. Quan lớn Chánh khuyên tôi như vậy thì tôi trả lời tôi cám ơn ngài, rồi tôi ra bàn bếp hầu tôi viết một lá đơn xin từ chức mà đưa cho ngài liền.
- Ngài chấp đơn hay không?
- Chấp chớ. Coi bộ ngài vui lắm. Ngài hứa ngài sẽ gởi liền lên quan trên đặng trong năm bảy bữa có nghị định xuống cho mau. Ngài ân cần khuyên tôi phải rán lo việc nợ nần cho xong, chớ tôi là người có danh dự mà để cho chà và thi hành phát mãi thì khó coi lắm.
- Quan lớn khuyên như vậy thì phải lắm, ngặt vì lo trả nợ có phải là một việc dễ đâu…
- Thuốc đắng phải bao mật đặng nuốt cho dễ vậy mà.
- Thầy nó xin thôi, anh sui hay rồi chưa?
- Tôi ở lại nán buổi chiều, tôi có ghé nhà nói cho ảnh hay.
- Ý ảnh thế nào?
- Không có ý gì; ảnh nghe rồi thôi, chớ không nói chi hết.
- Hôm trước thầy nó tính cậy ảnh ra bạc trả cho chà và rồi mình treo ruộng đất hết thảy lại cho ảnh. Bữa nay thầy nó có nói chuyện ấy hay không?
- Tôi có nói. Ảnh trả lời rằng ảnh không thể giúp được, bởi vì tôi không nói trước, nên bạc ảnh cho ra hết rồi.
- Hôm trước thầy nó tính như vậy, tôi đã cản. Tôi biết hỏi không được đâu, mà hỏi sui gia coi kỳ quá.
- Tôi biết ảnh có bạc sẵn, nên tôi mới hỏi chớ. Hội đồng Hòa dưới Trà Vinh mới bán ruộng trả cho ảnh năm chục ngàn chừng nửa tháng nay. Tại ảnh không muốn giúp, nên ảnh kiếm cớ nói như vậy, chớ ai đâu mà vay lẹ quá vậy.
- Ảnh không giúp cho mình được cũng phải lắm. Ảnh cho mình vay, ảnh ăn lời coi cũng kỳ. Lại nếu giá lúa rẻ, mình trả không nổi, ảnh kiện mà lấy ruộng đất của mình thì lại càng khó coi nữa. Thà với thiên hạ ảnh làm gắt, chớ với sui gia mà làm gắt thì mang tiếng, tại vậy nên ảnh không thể giúp được chớ gì.
- Cuộc đời nghĩ thiệt ngán quá.
- Cuộc đời thì vậy, có gì đâu mà ngán. Việc tới đâu hay đó thầy nó buồn làm chi. Xưa rày tôi nói hoài, tôi xin thầy nó đừng thèm lo gì hết, bỏ xui cho chủ nợ thi hành phát mãi, làm gì đó nó làm. Mình bỏ phứt cho khỏe trí, rồi tạo cái cảnh khác mà dưỡng già.
- Tôi nghĩ lại thiệt tôi háo danh bậy lắm. Chớ chi hồi trước tôi nghe lời bà nó thì đâu có cực lòng cực trí như vầy. Có như vậy rồi mới biết khôn!
- Thôi, chuyện đã lỡ rồi, thầy nó than thở làm chi.
- Hồi mình phát đạt, thiên hạ áp theo vừa giúp vừa bợ đỡ, mình muốn cái gì cũng được, mình làm bậy họ cũng khen…
- Họ bợ, họ giúp, họ khen là tại đồng tiền chớ.
- Đến chừng mình suy, họ làm lơ, mà có người lại còn muốn đạp mình té cho mau…
- Tại không có tiền nữa chớ.
- Thuở nay ai tử tế với tôi cho bằng Kế hiền Hạt với Cả Huynh. Hồi chiều tôi cậy anh sui không được, tôi tính trở về ghé Kế hiền Hạt với Cả Huynh mà cậy hai ổng hiệp sức lại đặng giúp giùm tôi, té ra hai ổng nói chuyện xạc lơ[6], làm ghé ướt mình hết mà không ích gì.
- Té ra thầy nó có nói với hai người đó nữa sao?
- Chớ sao. Tại ghé đó nên mới về khuya như vầy chớ.
- Nói làm gì uổng công. Mình giúp cho thiên hạ thì được, chớ trông gì họ giúp mình.
- Tôi xin thầy nó bỏ xui đi, đừng có lo quá rồi sanh bịnh đa.
Thái Hòa coi dọn cơm rồi mời cha đi ăn. Ông Bình đứng dậy, thì bà nói rằng:
- Thầy nó có từ chức, có lẽ phải cho quan Chủ quận hay chớ?
- Phải vậy chớ. Dầu mình bước ra ngoài vòng mình cũng phải giữ cho tròn lễ nghĩa. Để sáng mai tôi xuống bẩm lại với quan Chủ quận. Chắc ngài trách móc, ngài nói sao xin thôi mà không cho ngài hay trước, rồi ngài tỏ dấu trìu mến thương tiếc cho mà coi.
- Phải làm vậy coi mới được chớ.
Ông Bình thở dài và cuời mà đáp rằng: „Mùi đời phải nếm cho đủ rồi mới tịnh trí an lòng được”.
[1] chuốc nghĩa
[2] chà hay chà và, do chữ Java, để chỉ người Ấn Ðộ, Phi Luật Tân; Chetty là tên một giòng họ lớn ở Ấn độ. Chà chetty hay chà xã tri ở Việt Nam là những người Ấn độ nổi tiếng cho vay ăn lời cắt cổ.
[3] môn đăng hộ đối, giàu có, tương xứng danh vọng, của cải
[4] báo cáo
[5] cằn nhằn, chỉ trích
[6] hay xuội lơ, không nhiệt tình, không hăm hở