Đỗ nương nương báo oán

Chương V. THÀNH-TÂM NGHINH GIÁ

Thanh-Nhân ngợi khen Lê-Văn-Quân, Phan-Đình-Trụ, cùng tất cả tướng-sĩ vì nhờ phóng hỏa đốt thuyền được thành-công nên mới mở đường cho các đội khác được toàn thắng.

Thanh-Nhân dạy[1] Đình-Trụ đem hết thương-binh với tù-binh vào thành, dạy Lê-Văn-Quân coi cứu chữa mấy chiếc thuyền còn cháy, đợi sáng rồi sẽ nhập thành. Thanh-Nhân cùng Trần-Hạo đi quan-sát đủ các chiến-địa, đến gần sáng mới vô thành đặng hội-hiệp với Tham-Mưu Trưởng và các tướng lãnh cầm quyền chỉ-huy.

Quan-sát trong thành thì Tây-Sơn xúc lúa chưa hết, kho tiền vẫn còn nguyên.

Minh-Giám đề nghị:

-     Xuất tiền trong kho mua trâu heo mà khao thưởng tướng-sĩ, mua thuốc và đòi lương-y vào thành để chăm-nom, cứu thương;

-     Cho Dương-Trung-Cự với Huỳnh-Thiên-Hà đưa đoàn thuyền và lương-thực trở về Ba Giồng đặng báo tin đại thắng cho các chủ xóm với phụ-huynh các chiến-sĩ hay;

-     Kiểm-điểm cả hai bên coi mỗi bên bị thương bao nhiêu, bị tử-trận bao nhiêu;

-     Tra-vấn tù-binh coi tướng-soái Tây-Sơn là ai, trốn chạy ngã nào;

-     Phân binh từ toán nhỏ đi tìm bắt tướng-sĩ Tây-Sơn chạy trốn;

-     Sai người thám-dọ coi Chúa Nguyễn Định Vương lánh-nạn ở chỗ nào đặng đem binh nghinh giá về thành rồi bố-cáo khắp đất Gia-Định về sự Nghĩa-binh Đông-Sơn an dân cứu nước được thành-công rực-rỡ.

Thanh-Nhân chấp-thuận các điều và giao cho Phạm-Háo-Nghĩa bên văn với Võ-Nhàn bên Võ lãnh thi-hành đề-nghị của Tham-Mưu Trưởng.

Những thân-hào và trí-thức trong Phan-Yên Trấn hay nghĩa-binh Đông-Sơn đã đánh dẹp được bọn Tây-Sơn, khắc-phục được thành Sài-gòn thì đem rượu thịt đến khao quân và cung-hạ tướng lãnh có công an dân cứu nước. Lá cờ có đề chữ “Đông-Sơn Nghĩa-Binh” treo trước cửa thành gió thổi phất phơ có vẻ vừa xinh tươi, vừa hùng-dõng.

Người thệ tâm phụng-sự thần công-lý, quyết chí tận tụy với công ích, dầu làm việc gì cũng do lương-tri, do chánh-đạo, không mưu lợi cầu danh cho mình, chỉ lo làm phương tiện chung, lo xây hạnh-phúc chung, bởi vậy hành-sự rất dễ-dàng mà cũng mau-lẹ.

Võ-Nhàn với Phạm-Háo-Nghĩa thuộc về hạng người đó, bởi vậy làm việc rất mau lẹ, mới lãnh huấn-thị của Thanh-Nhân hồi sớm mơi thì buổi chiều vào trước mặt Tổng Chỉ-Huy Thanh-Nhân mà tường-thuật các việc của bề trên dạy điều-tra và thi-hành.

Võ-Nhàn nói trước về phận-sự của mình:

-     Đã khoản-đãi tuớng-sĩ hồi trưa rồi;

-     Số người tử trận: bên Đông-Sơn không có người nào. Còn bên Tây-Sơn chết 5 người, được chôn cất tử tế. Số người nhảy xuống sông không biết có ai chết đuối hay không, sớm quá nên chưa thấy thây nổi lên mặt nước;

-     Số người bị thương: bên Tây-Sơn đếm tới 65 nguời, có vài người nặng. Còn bên Đông-Sơn có 4 người bị thương, song vết thương sơ sài không đáng kể;

-     Đã có rước lương-y và mua thuốc để trị bịnh cho thương binh rồi;

-     Số tù-binh bắt được cộng hết tới 123 người;

-     Kiểm-điểm số binh Đông-Sơn còn đủ hết, không thiếu một người nào;

-     Đã có cắt binh đi khám xét các làng trong vùng đề tìm bắt quan quân Tây-Sơn ẩn trú;

-     Đã có sai người đi thám dọ tin-tức Chúa Nguyễn Định-Vương và các quan hộ-giá;

-     Trong 25 chiếc thuyền của Tây-Sơn có 3 chiếc mở đỏi chèo đi nên vượt khỏi. Còn 22 chiếc bị đốt, có 6 chiếc chìm, 7 chiếc cháy sơ-sài có lẽ sửa lại mà dùng được và 9 chiếc cháy nhiều chưa chìm, nhưng hết dùng. Lúa chở xuống thuyền rồi đều bị cháy.

Phạm-Háo-Nghĩa tiếp và nói:

-     Đoàn thuyền Ba Giồng đã trở về hết. Có bản thông-cáo cho Nương-nương và các chủ xóm hay nghĩa-binh Đông-Sơn toàn thắng nên thành-công mỹ-mãn.

-     Tra-vấn tù binh nên được biết Nguyễn-Lữ là em của Nguyễn-Nhạc và anh của Nguyễn-Huệ, cầm quyền chủ soái đem một ngàn binh vào chiếm thành Sài-gòn và lấy lúa cho thuyền chở về Qui-Nhơn đặng tiếp tế binh Tây-Sơn;

-     Khi binh Đông-Sơn xông vào cửa trước thì Nguyễn-Lữ với chừng một trăm lính mở cửa sau tẩu thoát, không biết chạy hướng nào;

-     Đạo binh Gia-Định dưới quyền chỉ-huy của quan Lưu-Thú Long-Hồ, chiến thắng lần lần ra tới Phú-yên. Cách mấy tháng trước mắc mưu của Nguyễn-Nhạc nên không đề phòng, mới bị Nguyễn-Huệ đánh bại. Hiện giờ binh Gia-Định tản lạc trong vùng Phú-Yên với Khánh-Hòa, không còn lực-lượng mạnh-mẽ nữa, bởi vậy Nhạc mới thừa hư mà sai Lữ vào chiếm đất Gia-Định đặng lấy lúa gạo nuôi binh.

Được biết tin lức nầy Minh-Giám nói với Thanh-Nhân: “Tin nầy quan-hệ lắm. Thế-lực của Tây-Sơn mạnh-mẽ rồi. Chúng nó lại bắt đầu dòm ngó đất Gia-Định, quyết chiếm đặng thâu lúa gạo. Nguyễn-Lữ chạy vuột, chi cho khỏi nó về Qui-Nhơn thông tin. Rồi đây Tây-Sơn chắc sẽ cử đại-binh vào đánh Gia-Định, trước báo thù, sau chiếm đất. Vậy chúng ta phải mau mau tìm cho được Chúa Định-Vương rước về đặng cậy oai-tín của Ngài mà hiệu-triệu đại chúng phải ứng-nghĩa cần-vương, đặng tổ chức quân-đội cho đông, cho mạnh, sửa thành-lũy cho chắc-chắn, lập thêm đồn cho nhiều, ngữ mấy chỗ yếu hiểm mà ngăn giặc. Nếu hẳng-hờ giải-đãi, sợ e chẳng khỏi tai-hại.”

Thanh-Nhân châu mày, gặc đầu, và biểu Háo-Nghĩa với Võ-Nhàn sai thêm người đi dọ-dẫm mà tìm cho được Chúa Định-Vương.

Trong mấy ngày sau, mỗi ngày người ta có bắt giải về thành năm bảy tên quân Tây-Sơn trốn ở trong xóm, trong làng. Những quân bị bắt mới cũng như tốp 123 tù-binh cũ, người nào cũng sợ bị giết nên quì lạy khóc-lóc cầu xin tha-thứ và cho đầu hàng để nhập-ngũ làm binh Đông-Sơn.

Thanh-Nhân bổn tánh chánh-trực, trung-thành, thấy giặc xin hàng đầu đặng trở mặt đánh với Tây-Sơn thì bất-bình nên không chịu nhận vào hàng-ngũ quân-đội Đông-Sơn. Nghĩ vì thâu nhận đồ phản-bội, ai mạnh thì chúng nó bợ-đỡ xin theo, bữa nay Đông-Sơn mạnh chúng nó xin theo mình, ngày mai Tây-Sơn mạnh còn mình suy, chúng nó cũng sẽ bỏ mình mà theo Tây-Sơn lại, Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn dùng tù-binh làm nhơn-công đặng bồi thành đấp lũy mà thôi, chớ không nên cho vào hàng ngũ quân-đội.

Thiệt người ta gia-công tìm kiếm rất kỹ-lưỡng nhưng chỉ bắt được có mấy chục tên tiểu-tốt như vậy mà thôi, còn chủ soái Tây-Sơn là Nguyễn-Lữ vuột đi mất tìm không gặp được.

Tuy hồi thế-kỷ 18 chưa có báo chí, chưa có vô-tuyến truyền-thanh, nhưng mà cái tin nghĩa binh Đông-Sơn đại phá Tây-Sơn, đốt tiêu mấy chục chiến thuyền, đánh tan đại binh, khắc phục thành lũy, nhờ cách truyền-khẩu mà khắp cả đất Gia-Định, từ Đồng-Nai, Bến-Nghé xuống Tiền, Hậu lưỡng giang, đâu đâu người ta cũng hay hết thảy. Nghĩa binh Đông-Sơn được thinh-danh lừng-lẫy làm cho hạng thanh-niên gần xa đều kỉnh-ái, nên rủ nhau đến tình nguyện xin nhập hàng-ngũ đặng góp sức vào công cuộc giúp nước cứu dân.

Với hạng thanh-niên thành-tâm thiện-chí nầy thì Thanh-Nhân lấy làm vui lòng mà thâu-nhận. Bao nhiêu người tới xin nhập đội ngũ đều cho hết vì sẵn có tiền, có lúa đầy kho, đầy lẫm, thiếu thốn gì mà lo. Thanh-Nhân mơ-ước binh Đông-Sơn lên cho được một muôn đặng đại-chiến với Tây-Sơn một lần cho chúng nó biết hùng-tâm hào-khí của người tắm gội với dòng nước ở sông Cửu-Long, trưởng thành nhờ hột gạo trắng ở đất Gia-Địinh.

Một bữa, Phạm-Háo-Nghĩa báo tin cho Thanh-Nhân với Minh-Giám hay rằng người ta tìm gặp Chúa Định-Vương ẩn-trú trong chùa ở trên núi Châu-Thới với một hoàng-tử và 4 đại-thần. Hỏi đi hỏi lại chắc chắn rồi. Thanh-Nhân với Minh-Giám mới tổ-chức cuộc nghinh-giá.

Vì Thanh-Nhân không thông lễ-nghi theo triều-đình nên đem theo hai nhà văn học là Trần-Minh-Giám với Phạm-Háo-Nghĩa đặng nhắc chừng cho khỏi thất lễ. Lại muốn cho cuộc nghinh-giá có vẻ oai-nghiêm, nên dạy hai tướng Lê-Văn-Quân với Võ-Nhàn theo đặng hộ-giá. Mỗi tướng chỉ-huy 200 binh hùng tráng, mặc nhung-phục một sắc và thượng hai cây cờ “Đông-Sơn Nghĩa-Binh” thiệt lớn. Đội binh của Võ Nhàn đi trước trương cờ giống trống, kế đó là hai cái kiệu trải nhung màu vàng. Thanh-Nhân, Minh-Giám và Háo-Nghĩa mặc áo tràng đi tiếp theo rồi đội binh Lê-Văn-Quân đi hậu tập, cũng có cờ trống.

Nghi-tiết sắp-đặt xong rồi mới sai một toán lính đi trước bày thuyền chực sẵn đặng rước đoàn nghinh-giá qua sông Bến-Nghé. Đến nửa đêm, đoàn nghinh-giá mới khởi-hành, tính đi chừng đó đặng tảng sáng lên tới núi Châu-Thới rồi về cho khỏi tối.

Đi nhằm đêm 16 nên trăng tỏ gần như ban ngày, bởi vậy chẳng có điều chi trở-ngại. Thiệt trời vừa sáng thì đoàn nghinh-giá đã tới chưn núi. Thanh-Nhân dạy binh-sĩ và phu khiêng kiệu ở đó mà chờ. Thanh-Nhân sửa khăn áo tề chỉnh rồi đi lên chùa với Minh-Giám, Háo-Nghĩa, Võ-Nhàn và Lê-Văn-Quân.

Định-Vương, Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh với bốn quan hộ-giá đã thức dậy rồi. Ông Thủ-tự trụ-trì tại chùa thấy năm người khách lạ lên sân thì lật-đật bước ra hỏi đi lên chùa có việc chi.

Thanh-Nhân đáp: “Chúng tôi là tướng lãnh chỉ-huy đạo nghĩa-binh Đông-Sơn đóng tại thành Sài-gòn. Chúng tôi mới hay Chúa Nguyễn lánh nạn ở chùa nầy nên lật-đật đem binh nghinh-giá về thành. Vậy ông làm ơn tâu giùm với Hoàng-thượng cho phép chúng tôi vào bái-yết”.

Thủ-tự biểu đứng ngoài mà chờ để ông vào tâu giùm cho. Ông Thủ-tự đi một hồi thì có một người sầm-sầm ra hỏi: “Mấy người có việc chi mà xin bái-yết Hoàng-thượng?”

Thanh-Nhân nói lại y như đã nói với ông Thủ-tự hồi nãy. Người ấy đứng nhắm-nhía từng người rồi hỏi: “Mấy người nói mấy người thuộc đạo binh Đông-Sơn đương đóng tại thành Sài-gòn, nghe nói Hoàng-Thượng ở đây nên đến nghinh-giá. Binh Đông-Sơn là binh gì? Ở đâu ?”

Thanh-Nhân đáp:

-     Tôi xin bái-yết Hoàng-Thượng rồi tôi sẽ tâu rõ cho Hoàng-Thượng nghe.

-     Không được. Ông phải nói cho tôi hiểu đặng tôi xét coi nếu đáng cho ông bái yết thì tôi sẽ tâu với Hoàng Thượng. Có phải ai muốn bái yết Hoàng-Thượng cũng được hết đâu.

-     Khó dữ vậy hay sao ? Xin lỗi ông vậy chớ ông là ai mà tôi có lòng tốt nghe vua mắc nạn tôi đem binh nghinh-giá về tôi phò mà ông lại ngăn cản không cho tôi bái-yết vua ?

-     Tôi là Hà-Khâm, một vị đại-thần tại Triều, tôi theo hộ-giá Hoàng-Thượng.

-     Ông nói ông là đại-thần tại Triều. Bây giờ tại Châu-Thới có lẽ ông hết đại-thần rồi chớ, phải hôn ? Còn hộ giá sao ông đưa Hoàng-Thượng lên chùa nầy làm chi ? Ông vào tâu với Hoàng-Thượng đi. Ông nói có Đỗ Thanh-Nhân, Tổng Chỉ-Huy đạo nghĩa-binh Đông-Sơn, ngày mùng 6 đã phá tan đạo binh Tây-Sơn của Nguyễn-Lữ, đốt cháy tiêu 20 chiếc thuyền của giặc, khắc-phục thành Sài-gòn lại. Nay Nghe Hoàng-Thượng lánh nạn ở đây, nên đem binh nghinh-giá về thành đặng phò-tá. Ông vào tâu như vậy đi. Như Hoàng-Thượng không bằng lòng nói chuyện với tôi thì Hoàng-Thượng chịu khó bước ra cửa nói một tiếng cho tôi biết rồi tôi về. Tôi không muốn thấy một người khác á-quyền vua chúa đặng làm mưa làm gió, hống-hách thiên-hạ, vua chúa không hay gì hết. Vì cái thói đó mà hư hại nhiều lắm rồi. Sao không chịu bỏ, cứ làm hoài vậy ?

Quan hộ-giá Hà-Khâm giận đỏ mặt, ngặt lời của Thanh-Nhân xuyên-tạc mà quạu-quọ cứng-cỏi quá làm cho ông khiếp sợ, không dám tự cao tự trọng nưa.

Minh-Giám muốn hòa đặng chung lo đại-sự, bởi vậy ông lật-đật mấy lời nhỏ nhẹ là yêu cầu: “Quan Hộ-giá phò chúa tự-nhịên ngài phải dè-dặt, gạn hỏi kỹ-lưỡng. Chúng tôi đây là bọn ngoại thần, ngài chưa biết nên ngài dụ-dự vậy là phải. Bây giờ ngài biết rồi, vậy xin ngài tâu giùm với Hoàng-Thượng an lòng để cho chúng tôi nghinh-giá trở về thành đặng trong ngoài hiệp-lực, trên dưới đồng-tâm, chung lo mưu định kế quét sạch xóm kiến chòm ong, khuông phò giang-san xã tác”.

Lời nhỏ-nhẹ ấy giúp cho quan Hộ-giá có đường lùi bước khỏi mất danh-dự oai-quyền, bởi vậy ông xây lưng trở vô chùa, vừa đi vừa nói: “Ở đó mà chờ, để ta vô tâu giùm cho”.

Minh-Giám ngó Thanh-Nhân mà cười và nói nhỏ-nhỏ: “Ông nóng-nảy quá. Phải nhẫn nhịn một chút chớ. Lưỡi mềm nên còn hoài, răng cứng nên phải gãy, ông quên hay sao ? Mình muốn làm việc lớn cho thành-công thì phải êm dịu, mềm-dẻo mà mua lòng thiên-hạ mới được”.

Thanh-Nhân nói: “Thà là chúng ta dắt nhau trở về Ba Giồng làm ruộng lấy lúa mà nuôi nhau, vui hơn là chung-chạ với giống người bất tài mà phách lối quá, tôi bực mình chịu không nổi”.

Võ-Nhàn nói: “Tôi đồng ý với Đỗ đại-nhơn...”

Võ-Nhàn nói chưa dứt lời thì có một người khác trong chùa hăm-hở bước ra nói lớn: “Cho phép mấy người vào”.

Mấy anh em vào chùa. Thanh-Nhân đi trước bốn người kia tiếp nối theo sau.

Chùa cất trên núi, lợp mái tranh, lúm-túm chật-hẹp.

Thanh-Nhân thấy một người trai lối 22 tuổi với một cậu nhỏ lối 13 tuổi đương ngồi trên một bộ ván, có bốn người trộng tuổi đứng hai bên. Thanh-Nhân chắc hai người trai trẻ đó là Chúa với Hoàng-Tử nên xâm-vâm đi ngay lại đứng trước mặt.

Một trong bốn người đứng hai bên bộ ván nói lớn: “Quì xuống rồi sẽ tâu”.

Thanh-Nhân không thèm kể, đứng chấp tay xá mà thôi. Mấy người đứng sau cũng làm y như vậy.

Thiệt người trai trộng tuổi ngồi trên ván đó là Chúa Định-Vương. Chúa ngó Thanh-Nhân mà hỏi: “Ngươi xưng ngươi là Đỗ-Thanh-Nhân đem nghĩa-binh Đông-Sơn đánh tan binh Tây-Sơn của Nguyễn-Lữ, đoạt thành Sài-gòn lại rồi tìm ta mà nghinh-giá, phải vậy hay không ?”.

-     Tâu Hoàng-Thượng, phải.

-     Đông-Sơn nằm về phía nào ?

-     Tâu Hoàng-Thượng, ở vùng Ba Giồng, theo mé sông lớn gọi là Tiền-Giang.

-     Sao mà lập nghĩa-binh như vậy ?

-     Vì hay quan Lưu-Thú Long-Hồ cử binh Gia-Định đem ra ngoài dẹp giặc Tây-Sơn. Anh em chúng tôi tập luyện hạng trai trẻ đất Ba Giồng mà tạo thành đội ngũ phòng khi giúp nước cứu dân. Chúng tôi hay Tây-Sơn chiếm Sài-gòn mới đem binh nghĩa-dõng lên mà đánh.

-     Ngươi làm quan ngồi chức chi mà được lập binh nghĩa-dõng ?

-     Tâu Hoàng-Thượng, cả thảy bọn tôi đều là dân thường, không có ai làm quan.

-     Kỳ dữ hôn ! Binh của ngươi được bao nhiêu ?

-     Một ngàn.

-     Có một ngàn mà đánh bại Tây-Sơn được sao ?

-     Hôm đánh Tây-Sơn tôi đem có 800. Nhờ tôi dụng kế nên được toàn thắng.

-     Ngươi bắt được Nguyễn-Lữ hay không ?

-     Tâu Hoàng-Thượng, không được. Vì binh ít quá, phân nửa đánh đốt thuyền, phân nửa xung-phong hãm thành, không đủ binh mà chận hết các cửa thành, bởi vậy Lữ mới thoát chạy khỏi.

-     Lữ thất bại, nếu Tây-Sơn sai Huệ cử đại binh vô đánh báo thù, Đông-Sơn có một ngàn binh thì nhà ngươi làm sao mà chống cho nổi ?

-     Tâu Hoàng-Thượng, xuất trận thường nhờ thao-lược của tướng và nhờ dõng-cảm của binh nên chiến-thắng, chớ không phải nhờ binh đông. Tướng-sĩ có tinh-thần chiến-đấu mạnh-mẽ, 10 người có thể chống 100 người.

-     Nguyễn-Huệ là một kiện-tướng, trí tài gồm đủ, chẳng nên khinh-thường. Nếu có binh đông hơn mình, nó thắng càng dễ dàng.

Minh-Giám thấy Thanh-Nhân cùng lý đứng ngơ-ngáo, nên bước tới mà nói giúp:

-     Tâu Hoàng-Thượng, Đông-Sơn nghĩa-sĩ đánh Tây-Sơn đại-bại làm cho hùng-tâm của người Gia-Định bừng dậy. Mới 10 bữa rày mà thanh-niên cường-tráng nườm-nượp tới xin ghi tên nhập đội ngũ hơn 400 rồi. Nếu Hoàng-Thượng về thành truyền hịch hiệu-triệu quần-chúng cứu quốc cần-vương, chắc-chắn người ta sẽ rần-rần kéo tới tình-nguyện đi lính. Hoàng-Thượng muốn mấy muôn binh cũng sẽ có đủ.

-     Người Gia-Định ở xa Triều-Đình quá, chắc gì họ sẵn lòng kỉnh ái nhà vua.

-     Tâu Hoàng-Thượng, dân Gia-Định trung-thành mà thêm nghĩa-dõng nữa

Định-Vương suy-nghĩ nuột chút rồi nói: “Thôi, các ngươi xuống núi mà chờ, để ta bàn tính lại coi rồi ta sẽ phán đoán”.

Mấy người cúi đầu xá Định-Vương với Hoàng-Tử mà lui ra, không thèm ngó bốn quan hộ giá.

Thanh-Nhân dắt bốn bạn đồng chí đi luôn xuống núi, thấy tướng-sĩ đương lui-cui nấu cơm thì cười mà nói: “Ừ, cứ nấu cơm ăn cho no mà chờ. Không biết chừng trưa hoặc tối mới về được”.

Lê-Văn-Quân nói: “Chúa còn trẻ tuổi quá nhưng nói chuyện đàng hoàng chớ không phải phách-lối như mấy cha kia”. Thanh-Nhân nói: “Cha Hà-Khâm phách-lối bị tôi hạ rồi xuôi cò, hết dám hó-hé nữa”. Háo-Nghĩa nói: “Họ là cận-thần, họ ỷ vua chúa yêu nên họ hống-hách”. Võ-Nhàn ưa làm ít ưa nói, nhưng cũng phải xen vài tiếng: “Ngán quá !”, rồi bỏ đi xem quân-sĩ nấu cơm.

Cơm nấu chín rồi, một người vào nhà lá gần đó mượn chén đũa đem ra để cho người bề trên ăn, còn binh-lính không có chén thì xé lá chuối đựng cơm rồi bốc tay mà ăn với muối, vì đói bụng phải ăn cho no mà sống, nên không cần ăn theo bực đài-các, phải có đũa ngà chén kiểu, phải có thịt nướng, cá chiên.

Chờ đến xế mới có một người trên chùa xuống dạy sửa-soạn, đặng một lát nữa Chúa xuống mà về thành.

Người ấy thấy hai cái kiệu thì bước lại mà xem rồi nói: “Có hai cái kiệu thì Hoàng-Thượng với Đức Ông ngồi được rồi. Cha chả còn bốn quan hộ-giá đi bằng cái gì ?”.

Thanh-Nhân trợn mắt nói: “Đi bằng cặp giò cũng như chúng tôi đây vậy. Các quan không có giò hay sao ?”. Nói rồi xây lưng đi coi cho Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân dàn binh tề-chỉnh, cờ trống sẵn-sàng.

Minh-Giám muốn làm dịu bớt mấy lời gay-gắt của Thanh-Nhân nên bước lại nói với người trên chùa sai xuống: “Chúng tôi nghinh giá không dè có các quan mà sắp-đặt. Lại xứ nầy không có xe, cũng không có ngựa, thôi thì phải rán đi bộ với nhau chớ biết làm sao. Đời giặc-giã phải chiu cực một chút”.

Người ấy cười mà đáp:

-     Chớ sao ? Chạy giặc là còn muốn làm hơi đài-các sao được. Có hai kiệu cho Chúa với Đức Ông ngồi, đó là quí lắm rồi. Tôi tưởng có ngựa nên tôi hỏi cho biết vậy thôi. Nếu không có thì đi bộ. Vậy chớ hôm chạy lên đây lại đi cái gì.

-     Hôm đó ai đưa lên dây ?

-     Có ai đâu.

-     Vậy chớ quan Trấn-thủ thành Sài-gòn ổng không đưa đi hay sao ?

-     Không. Ổng chỉ đường cho chúng tôi hộ giá đi trước. Ổng nói để ổng ở lại chống giữ chừng nào thành mất rồi ổng sẽ theo sau.

-     Hứ ! Ổng nói gạt cho Hoàng-Thượng đi rồi ổng trốn đi ngã khác, bởi vì người ta nói đêm đó trong thành trốn đi hết. Đến sáng thì thành trống trơn không còn một tên lính. Có ai chống giữ gì đâu.

-     Vậy à ! Té ra ổng sợ đi theo Hoàng-Thượng rồi bị họa chung, nên ổng nói dối đặng bét đi ngã khác. Làm quan như vậy xấu-hổ quá.

-     Nghe nói ở đây gần Trấn-Biên, sao mấy quan Hộ-giá không phò Hoàng-Thượng đi thẳng lên đó đặng có quan quân gìn-giữ ?

-     Trên chùa cũng có nói cho chúng tôi biết Trấn-Biên ở dựa sông Đồng-Nai, mé bên kia. Nhưng chúng tôi sợ binh Tây-Sơn chiếm Phan-Trấn rồi kéo lên đánh luôn Biên-Trấn nữa, nên ẩn-trú trên núi nầy yên hơn.

-     Ông cũng là quan Hộ-giá phải hôn ?

-     Phải. Hộ-giá bốn ông: Hai văn hai võ. Tôi với ông Hà-Khâm là văn. Tôi tên là Lê-Đại-Chí. Ông Hà-Khâm là người ra hỏi mấy ông hồi sớm mơi đó. Còn hai quan võ là ông Trương-Hậu với ông Hồ-Văn-Lân.

Hai người nói chuyện tới đó thì thấy Chúa với Hoàng-Tử xuống núi, ba quan hộ-giá theo sau. Thanh-Nhân ra dấu dạy Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân gióng trống phất cờ, rồi cùng với Minh-Giám chực tiếp Chúa. Chúa khoát tay biểu ngừng trống, nói nên đi êm, chớ không nên trống phách tưng-bừng.

Thanh-Nhân với Minh-Giám thỉnh Chúa với Hoàng-Tử lên kiệu, rồi ra lịnh cho tiền-đội khởi-hành. Bốn quan hộ giá chia nhau đi hai bên cái kiệu, mỗi bên một võ một văn. Thanh-Nhân, Minh-Giám với Háo-Nghĩa đi phía sau kiệu mà gìn-giữ.

Lìa vùng sơn-cước với quang-cảnh chứa-chan thú-vị, trên nhành chim kêu cheo-chét, bên đường nai nhảy lăng-xăng, rồi tới đất Linh-Chiểu cao thấp dốc liên-miên trải qua rừng tịch-mịch. Đầu nầy cặp vượn hú-hí chuyền con đặng chào khách, xa kìa bầy thỏ thảnh-thơi kiếm có mà ăn trưa. Bức tranh thiên-nhiên nó đẹp-đẽ, nó an-tịnh vô cùng, tại sao loài người không chịu thưởng-thức cho khỏe trí vui lòng, để đi tìm chỗ chộn-rộn lợi danh rồi sanh đấu-tranh thù oán.

Qua khỏi sông Bến-Nghé trời đã nửa chiều. Bóng tà-dương chói mấy cụm vườn trong xóm mù xa, nước Ngư-Chữ ngập mấy khoảnh ruộng cho lúa tươi tốt.

Thanh-Nhân kêu dặn Võ-Nhàn đi săn bước đặng nhập thành trước tối cho Chúa nghỉ-ngơi.

Vì có lời của Minh-Giám dặn trước, Nguyễn-Lượng với Thứ-Tiên đã cắt người canh chừng, bởi vậy đoàn nghinh-giá đương qua sông Bến-Nghé trong thành đã hay. Tướng-sĩ sắp hàng đặng hầu đón từ ngoài cửa vô trong sân, làm cho lễ tiếp giá ra vẻ trang-nghiêm long-trọng.

Mặt trời vừa chen lặn thì đoàn nghinh-giá cũng vừa tới. Trong thành nổi trống tưng-bừng, nhơn-dân đón xem náo-nức.

Kiệu vào sân, Chúa Định-vương với Hoàng-Tử Ánh bước xuống, đứng ngó binh-đội dàn hầu, hàng ngũ chỉnh-tề, tướng-mạo hùng-tráng, Chúa gặc đầu mà cười, sắc mặt vui tươi biểu-lộ tấm lòng yên-ổn.

Thanh-Nhân với Minh-Giám mời Chúa vào dinh cho văn-nhơn võ-tướng Đông-Sơn bái-yết. Rồi đó lễ nghinh-giá mới chung-tất, trên an lòng, dưới phỉ chí.

 

[1] sai