Robert Sam Anson, lời đề tặng trong cuõn sách của ông
Tin chiến sự: Một phóng viên tré ở Đông Dương
THÁNG 8 NĂM 1970
Chuyến bay chín mươi phút từ Singapore tới Sài Gòn đối với cô Diane Anson dài như vô tận. Ngày hôm trước, Diane nhận được tin chồng cô, phóng viên Robert Sam Anson của tờ Time, đã mất tích ở đâu đó tại Campuchia. “Ngày mất tích” chính thức được xác định là 3 tháng 8 năm 1970(1). Ngoài ra thì không có thông tin nào khác. Bob có thể đã chết mất xác như trường hợp phóng viên ảnh tự do Sean Flynn của Time và Dana Stone, làm việc cho hãng CBS, khi cả hai biến mất vào đầu tháng 4 ở ngoại vi Phnom Penh(2).
Campuchia được biết đến như là tử địa của cánh nhà báo. Chỉ trong tháng 9, hai mươi lăm nhà báo mất mạng ở quốc gia kế cận Việt Nam này, trong số đó có nhiều nhà báo, thành viên tổ làm phim người Mỹ và quốc tế đã thiệt mạng tại làng Takeo, cách Phnom Penh chừng một giờ chạy xe. Nhìn con gái bé bỏng và con trai sơ sinh ở ghế bên cạnh, Diane không muốn tưởng tượng tới cảnh tên cha của chúng bị liệt vào danh sách tử vong nói trên.
Diane Anson căm ghét cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Cô đã gặp người chồng tương lai của mình tại một cuộc biểu tình phản chiến trong khuôn viên Đại học Notre Dame. “Việt Nam là nguyên nhân chúng tôi gặp nhau”, Anson viết. “Tôi thấy nàng đứng trong đội ngũ những người biểu tình trong khuôn viên đại học phản đối buổi diễn thuyết thường niên của Cha Hesburgh nhằm kêu gọi ủng hộ Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị”(*). Diane là một trong số rất ít nữ sinh có mặt và là thành viên hăng nhất trong số vài chục người tới đó vào hôm ấy. Tôi thấy những nét biểu cảm trên gương mặt làm cho nàng trở nên rất quyến rũ”. (3) Lúc ấy Anson đang giương một biểu ngữ,
CHIẾN TRANH LÀ NGÀNH KINH DOANH BÉO BỞ,
HÃY NÉM CON CÁI QUÝ VỊ VÀO ĐẤY.
______________________
(*) ROTC (viết tắt của Reserve Officers' Training Corps) là chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị được triển khai trong các trường đại học nhằm cung cấp lực lượng sĩ quan cho tất cả các quân chúng của quân đội Mỹ. (Các chú thích chân trang trong cuốn sách này đều của người dịch).
Một tuần sau, họ phải lòng nhau rồi tổ chức đám cưới ở Las Vegas.
Kỷ niệm về ngày đầu gặp gỡ như đã trôi vào quá khứ xa lắc khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn. Diane tới thẳng văn phòng chính của hãng Time-Life đặt tại khách sạn Continental. Một tay bế cậu con trai mười lăm tháng tuổi, Sam, tay kia dắt cô con gái hai tuổi rưỡi, Christian, cô chạy đến từng bàn để hỏi các phóng viên những tin tức mới, nhưng họ cũng chẳng cung cấp được gì thêm. Đồng nghiệp của Bob tại văn phòng đều cố nói lời an ủi, nhưng tất cả họ cũng cảm thấy bất lực, với linh cảm rằng Bob đã ra đi vĩnh viễn. Trong cô càng lúc càng dấy lên nỗi sợ về điều tồi tệ nhất đã đến với người chồng hai mươi lăm tuổi của mình, là phóng viên trẻ nhất trong đội ngũ của Time.
Diane khóc nức nở khi tới văn phòng người bạn thân của chồng cô, là một phóng viên Việt Nam tên Phạm Xuân Ẩn, lúc bấy giờ cứ nhìn chăm chú hai đứa trẻ. Ý nghĩ của Ẩn lướt nhanh tới một ngày cách đấy vài tuần, khi Bob Anson hẹn gặp tại tiệm Givral để nhờ đọc lại lá thư từ chức mà anh muốn đệ lên Marsh Clark, trưởng văn phòng của Time, người nổi tiếng ở Sài Gòn vè sự nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến. Cha của Clark từng là Thượng nghị sĩ Mỹ, trong khi ông nội Champ Clark từng là Chủ tịch Hạ viện. Anson coi Clark “có lẽ là người đậm chất Mỹ nhất mà tôi từng gặp”.(4)
Khi mới nhận lời sang Việt Nam, hình dung của Bob Anson về công việc ở đấy rất khác. Anh được đặt biệt danh là “nhân vật triển vọng của Time Inc”, và cũng giống như hầu hết các phóng viên trẻ vừa đến Việt Nam, đây là cơ hội để anh tạo dựng tên tuổi, tương tự như David Halberstam, Malcolm Browne và Neil Sheehan đã làm vào đầu thập niên 1960, khi quy mô cuộc chiến còn nhỏ. Nhưng chỉ vài tháng sau khi tới đất nước này, Anson nhận thấy rằng các bài viết của mình không có cơ hội xuất hiện trên mặt báo, trong khi hai phóng viên có thâm niên ở Sài Gòn, là Clark và Burt Pines, có vẻ như không khó thuyết phục biên tập viên Henry Grunwald của Time ở New York chấp nhận các bài viết của họ.
CUỘC TỔNG TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN CỦA CỘNG SẢN vào tháng 1 năm 1968 cho thấy dù có đến 525.000 quân, hàng tỉ đôla, và một chiến dịch ném bom rộng khắp mang tên Sấm Rền, thì cường độ chiến tranh cũng như năng lực kiểm soát chiến cuộc không nằm trong tay người Mỹ với sự vượt trội về công nghệ, mà lại nằm trong tay kẻ thù của họ. Hệ quả của nó là nước Mỹ rơi vào thế bế tắc tại Việt Nam và hầu như không tiến thêm được bước nào tới gần hơn mục tiêu chính trị so với khi khởi sự tiến trình Mỹ hóa cuộc chiến vào năm 1965. Tất cả những điều này có tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý đối với Tổng thống Lyndon Johnson. Trong một cuộc họp báo với các phóng viên ngoại quốc, Lyndon Johnson đã được hỏi về việc liệu ông có cảm nhận được hòa bình đến gần hoặc nhận được tín hiệu nào từ Hà Nội hay chưa. “Tín hiệu ư?” Tổng thống nổi đóa. “Tôi sẽ cho quý vị biết về tín hiệu. Tôi có hệ thống nhận tín hiệu ở Washington. Tôi có chúng ở London. Tôi có chúng ở Paris. Tôi còn có ở Tokyo. Tôi thậm chí còn có chúng ở Rangoon! Quỹ vị có biết chúng tôi đã nhận được tín hiệu gi từ Hà Nội không?” Cánh nhà báo lặng thinh. “Tôi sẽ nói cho quý vị biết những tín hiệu từ Hà Mội nói gì, đó là: 'Mẹ kiếp mày, thằng Lyndon Johnson“(5)
Sau cuộc tấn công Mậu Thân, Johnson đối mặt với yêu cầu phải tăng thêm 206.000 quân. Trước khi đưa ra cam kết, Johnson đã lập một ban chuyên trách đặt dưới sự chỉ đạo của tân Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford. “Chọn giải pháp nào ít thiệt hại hơn”, Johnson chỉ đạo Clifford. Khi Johnson triệu tập một cuộc họp với các cố vấn của ông về chính sách đối ngoại để thảo luận về báo cáo, Clifford đi đầu trong việc cố gắng thuyết phục Tổng thống rằng chính sách hiện nay của ông không thể giúp đạt mục đích duy trì hòa bình ở miền Nam Việt Nam. “Chúng ta đang có một cái thùng không đáy. Chúng ta đổ thêm vào - họ đều địch được. Tôi thấy chiến sự diễn ra càng nhiều thì thương vong cho phía Mỹ càng tăng trong khi viễn cảnh kết thúc chiến tranh thì chẳng thấy đâu”. (6)
Phát biểu trước quốc dân vào ngày 31 tháng 3 năm 1968, Johnson đã nói về khả năng đạt được hòa bình thông qua đàm phán và tuyên bố ngưng một phần hoạt động ném bom. Ông đề nghị Hồ Chí Minh cùng tham gia hành động hướng tới đàm phán để đạt được hòa bình. Nước Mỹ đang “sẵn sàng gửi đại diện tới bất cứ diễn đàn nào, vào bất cứ thời gian nào, để thảo luận về giải pháp chấm dứt cuộc chiến phiền toái này”. Rồi trong một cử chỉ hướng tới sự đoàn kết toàn quốc, tổng thống đã phủ nhận khả năng tái tranh cử: “Tôi sẽ không tìm kiếm tư cách ứng viên và sẽ từ chối sự đề cử của đảng trong việc ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa”.
Vào thời điểm Richard Nixon nhậm chức vào tháng 1 năm 1969, lực lượng Mỹ đã vượt quá 540.000 quân, chủ yếu là lực lượng chiến đấu trên bộ. Hơn 30.000 người Mỹ đã thiệt mạng, và cuộc chiến đã làm tiêu tốn 30 tỉ đôla trong năm tài chính 1969. Riêng năm 1968 có hơn 14.500 lính Mỹ bị giết. Nixon quyết tâm rằng vấn đề Việt Nam sẽ không hủy hoại sự nghiệp tổng thống của ông ta. Tháng 3 năm 1969, ông đã đề ra chương trình hành động. Nước Mỹ sẽ bắt đầu giảm bớt vai trò của mình, tìm kiếm các điều kiện để đạt được giải pháp thông qua thương lượng, với việc cả hai bên cùng rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Kế hoạch “triệt thoái người Mỹ” của Nixon sau đó được biết đến với tên gọi “Việt Nam hóa chiến tranh”, bao gồm việc tăng cường lực lượng vũ trang cho chính quyền Nam Việt Nam để họ có năng lực chiến đấu lớn hơn, song song đó là triệt thoái dần lực lượng chiến đấu của Mỹ. Người Mỹ sẽ chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu sang vai trò cố vấn cho quân Nam Việt Nam, đồng thời Mỹ sẽ ồ ạt viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự. Có lẽ điều quan trọng nhất đó là Nixon chuyển mục tiêu chính trị đối với sự can thiệp của người Mỹ, từ nỗ lực bảo đảm cho một miền Nam Việt Nam được tự do và độc lập sang kế hoạch tạo cơ hội cho chính miền Nam Việt Nam tự định đoạt tương lai chính trị của mình. Việt Nam hóa chiến tranh và đàm phán là hai trụ cột để đạt được cái mà Nixon gọi là “hòa bình trong danh dự”.(7)
QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN CỦA ANSON coi cuộc chiến là “sát nhân và phi đạo đức”. Hầu như khắp nơi đều có chung cảm nhận về diễn tiến tồi tệ của cuộc chiến, ngoại trừ bên trong văn phòng Time ở Sài Gòn và trụ sở chính ở New York, nơi đưa ra quyết định về nội dung các tờ tuần san. Khi Anson đặt vấn đề tự quyết cho người Việt Nam với các biên tập viên, anh bị coi là một người chống chiến tranh ngây thơ, nóng nảy. Khi anh nộp một bài báo với từ Viet Nam được viết rời như cách viết của chính người dân tại miền Nam Việt Nam, Marsh Clark đã nói rằng Time là một tạp chí của Mỹ và Anson cần phải viết từ Vietnam theo cách viết của người Mỹ. Sự bất mãn đã bùng lên trong bữa tiệc tối do văn phòng Time tổ chức để chiêu đãi John Scott, một ủy viên biên tập lưu động. Câu chuyện trong bữa tiệc xoay quanh những tiến triển to lớn của chiến cuộc. Anson cho rằng cuộc nói chuyện chẳng khác nào buổi thông báo tin tức của MACV được biết đến với biệt danh “hài kịch lúc năm giờ”, trong đó người ta lảng tránh thực tế bằng cách đưa ra những số liệu thống kê lấp lánh về tiến triển của cuộc chiến.
Những người điều hành chiến tranh luôn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm; chỉ cần qua một khúc quanh nữa là chúng ta có thể tiến tới cái gọi là điểm bước ngoặt của cuộc chiến mệt mỏi này.
Anson không chịu đựng nổi nữa. “Nhưng quý vị đang bỏ qua một điểm mấu chốt”, Anson phản biện. “Đó là, trước hết chúng ta đang làm cái quái quỷ gì ở đây? Hãy nhìn xem, người Việt Nam đã ở đây lâu rồi; trở lại năm 1940 - họ chống người Nhật, nhớ chứ? Họ đánh bại người Nhật, rồi họ thắng người Pháp, và họ sẽ tiếp tục đánh bại chúng ta, bất kể chúng ta có ném cái quái gì về phía họ. Dân ở đây rất kiên trì, rất quyết tâm, và lịch sứ đứng về phía họ. Có thể quý vị quên điều này, nhưng tôi xin nhắc lại là chủ nghĩa thực dân gần đây chẳng làm được trò trống gì”.
Khi Burt Pines phản bác rằng, “có lẽ cậu nhầm lẫn. Cậu không thể nói rằng những gì chúng ta đang làm ở đây có bất cứ sự dính đáng nào đến chủ nghĩa thực dân”, Anson ngay lập tức vồ lấy: “Anh nói hoàn toàn đúng. Ý tôi là 'thực dân kiểu mới'. Cuộc chiến tranh đầy tội ác của chủ nghĩa thực dân mới, tạm bỏ qua vấn đề phi đạo đức, điều mà tôi không thể bỏ qua, là tất cả những gì có thể nói về chính sách ngoại giao của Mỹ”. Khi vị khách quý John Scott hỏi, “Theo cậu thì Cộng sản đúng à?”, Anson đã đáp, “Tôi muốn nói răng chúng ta không có quyền ra phán quyết. Chính người Việt Nam sẽ làm điều đó. Tất cả những gì chúng ta làm là đi loanh quanh để giết rất nhiều người, cả người của họ và chúng ta”.
Anson không hối tiếc về điều mình nói, nhưng lúc bấy giờ anh đã chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất, bởi anh hiểu rõ rằng Marsh Clark sẽ không bỏ qua chuyện này. Ngày hôm sau bắt đầu khá yên bình khi Clark yêu cầu Anson chuẩn bị bài viết về những ý định của Bác Việt trong vài tháng tới. Câu chuyện của tối hôm trước có vẻ như đã lan truyền nhanh chóng, bằng chứng là chánh văn phòng Time ở Sài Gòn Nguyễn Thụy Đăng đã châm chọc, “Lẽ ra anh không nên chuốc rắc rối vào mình. Anh có vẻ rất mến kẻ thù”(8)
Chẳng bao lâu Clark bí mật gửi một lá thư tới các sếp ở New York, và sau đó một bức thư từ tổng hành dinh được gửi tới “Tất cả phóng viên và biên tập viên toàn cầu” đang làm việc cho Time.
“Tôi không muốn chê bai những ý kiến của Bob Anson về Việt Nam, bởi anh ta mới chỉ đến đấy một thời gian ngắn. Trước khi đi, Bob cảm thấy rằng cuộc chiến ở Việt Nam là phi đạo đức, rằng Việt Nam hóa chiến tranh chỉ đơn giản là phương cách kéo dài một cuộc chiến phi đạo đức, rằng ý niệm chống Cộng ở Nam Việt Nam là chẳng đáng để bàn luận, và rằng Việt Nam, Đông Nam Á, thậm chí cả châu Á là chắc chắn sẽ rơi vào tay các lực lượng 'Giải phóng Dân tộc' đầy quyết tâm. Không có điều gì mà Bob chứng kiến ở đấy khiến anh ta thay đổi cách nhìn cũ của mình”. (9)
Ai có thể trách Bob Anson về ý định thôi việc sau khi anh biết lời đề nghị ra đi của Clark. Đó là lý do tại sao anh đã đến gặp Phạm Xuân Ẩn, một trong những người bạn thân nhất của anh tại Việt Nam. Giống như hầu hết phóng viên tại Sài Gòn, Anson ngưỡng mộ Ẩn vì các mối quan hệ của ông ở bên trong Phủ Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Ẩn dường như biết mọi người và mọi chuyện xảy ra tại Sài Gòn và luôn sẵn sàng giúp các phóng viên người Mỹ hiểu về đất nước của ông. Đôi lúc chỉ sau vài giờ là Ẩn đã thu được những tin nóng về an ninh. “Trong các văn phòng, người ta đồn rằng ông là cựu cảnh sát chìm thời ông Diệm, là người của Sở mật vụ Pháp Sureté, là nhân viên CIA, là điệp viên của tình báo Nam Việt Nam, hoặc cùng lúc làm việc cho tất cả các phe trên”. (10)
Nhưng cũng có những thứ khác khiến Anson dành nhiều thời gian bên ông Ẩn. Ông là người có thể giảng giải hùng hồn về một xứ sơ mà Anson, tương tự như hầu hết phóng viên ngoại quốc, biết rất ít. Việt Nam là một đất nước, chứ không chỉ là một cuộc chiến, với bề dày lịch sử, với những bài học mà ít người chịu bỏ thời gian để học. “Có nhiều người cảm thấy khó trao đổi với Ẩn, chủ yếu do ông hay trả lời các câu hỏi theo một cách thức rất Việt Nam, thường thì ông nhắc những chuyện thời thế kỷ mười lăm rồi dẫn dắt về hiện tại để trả lời”, Anson nhớ lại (11)
Ẩn khâm phục Anson ở chính cái phẩm chất khiến Anson gặp rắc rối với Marsh Clark. Anh có lập trường độc lập một cách quyết liệt mà Ẩn từng gặp ở rất nhiều người Mỹ trong thời gian hai năm sống tại California. Anh rất say sưa với niềm tin của mình và không ngại nói ngược lại số đông. Ẩn khâm phục tinh thần ấy, ông nhớ lại cái ngày mà Anson tranh luận với các đồng nghiệp của Time về lá cờ Mỹ to tướng treo trước cửa văn phòng ở đường Hàn Thuyên. Time là một tổ chức tin tức độc lập, đây không phải là văn phòng của một cơ quan chính quyền, Anson lập luận. Vì thế, nên có hai lá cờ song song, một của Mỹ và một của Việt Nam Cộng hòa. Các đồng nghiệp miễn cưỡng nhượng bộ, nhưng khi Anson thấy rằng lá cờ Mỹ lớn hơn rất nhiều so với lá cờ Việt Nam, anh đã tới gặp chánh văn phòng của Time, ông Đăng, và nói rằng nên kiếm một lá cờ lớn hơn của đất nước ông ta, để hai lá cờ bằng nhau về kích thước. Đăng làm theo, ông Ẩn chăm chú theo dõi toàn bộ câu chuyện, và thầm cảm phục cuộc đấu tranh mang tính biểu tượng của người đồng nghiệp trẻ tuổi. “Điều đó cho tôi thấy cậu ấy hiểu rằng rất nhiều người Mỹ và một số người Việt đã quên mục đích của cuộc chiến tranh”, Ẩn nói với tôi. “Nhiều người Mỹ cho rằng lịch sử đất nước chúng tôi chẳng đáng để quan tâm bởi họ đã có một kế hoạch tốt hơn cho tương lai chúng tôi”.(12)
Ông Ẩn giải thích rằng “đương nhiên” là việc Anson có ý kiến bên trong tòa soạn sẽ tốt hơn bởi vì theo góc nhìn của Ẩn, Anson đã hiểu con người, văn hóa, và lịch sử Việt Nam sâu hơn nhiều phóng viên khác của Time, đặc biệt là Marsh Clark và Burt Pines. Time cần thêm nhiều người như Anson, và “để mất cậu ấy là một điều tồi tệ. Đáng tiếc là Frank McCulloch không còn ở đây, bởi khi mới đến Việt Nam, ông ta cũng nghĩ như Marsh Clark, nhưng rốt cuộc đã có suy nghĩ tương tự Anson”.
Với cái đầu trọc đặc trưng rất dễ nhận diện, Frank McCulloch được dân bán dạo và lũ trẻ đánh giày Sài Gòn đặt biệt danh là “Sư cụ”. McCulloch đến Việt Nam vào tháng 1 năm 1964 và trong thời gian ở lại đây, ông đã chứng kiến tới bảy lần thay đổi người đứng đầu chính phủ. Vào lúc đỉnh điểm trong thời gian bốn năm làm việc của McCulloch, văn phòng Đông Nam Á của Time-Life mỗi tháng gửi qua hệ thống điện báo hơn 50.000 từ. Ông đã giành được sự tin tưởng từ các nguồn tin, sự kính trọng của đồng nghiệp và sự trung thành của các nhân viên. Ông được mệnh danh là nhà báo của các nhà báo.
McCulloch nhận thấy mỗi phóng viên làm việc tại Việt Nam đều trải qua nhiều giai đoạn: “Giai đoạn đầu tiên: rất hào hứng với niềm tin người Mỹ có thể cứu giúp người Việt Nam và rằng người dân ở đây cần được giúp đỡ và sẽ biết on về sự giúp đỡ ấy. Giai đoạn hai (thường khoảng sau ba tháng): chúng ta có thể lầm điều đó nhưng khó khăn hơn nhiều so với những gì tôi hằng nghĩ và ngay lúc này đang diễn ra một sự dao động. Giai đoạn ba (có thể là sáu đến chín tháng sau): những người Việt Nam kia (ỉuôn luôn là người Việt Nam, chứ không bao giờ là người Mỹ) đang khiến tôi dao động. Giai đoạn bốn (mười hai hoặc mười lãm tháng sau): chúng ta đang thất bại và tình hình tệ hại hơn nhiều so với những gì tôi từng nghĩ. Giai đoạn năm: mọi sự hỏng hết rồi, lẽ ra chúng ta không nên đến đây, và chúng ta làm nhiều việc tồi tệ hơn là việc tốt”. (13)
Khi đạt tới cảnh giới thứ năm nói trên trong vòng chuyển biến tư duy của một phóng viên, McCulloch nộp một bài báo viết về hành động tăng quân ồ ạt của Mỹ tại Việt Nam vào năm 1965, thông tin mà ông có được bốn tháng trước khi nó công khai nhờ đầu mối ở ngay trong Thủy quân lục chiến, (ông Ẩn sau này cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công nhờ đã có thông tin tương tự gửi đến Hà Nội). Các sếp của McCulloch ở New York từ chối đăng bài viết sau khi nhận được chỉ thị ngầm từ chính Tổng thống. Tổng biên tập Hedley Donovan sau này đã kể với McCulloch rằng ông đã nhận được điện thoại trực tiếp từ Johnson. “Donovan, tôi là Tổng thống nước Mỹ… Anh đã cho một gã đầu trọc thấp bé tới dạo chơi dưới nắng miền nhiệt đới mà không thèm đội mũ. Hắn điên rồi. Anh nên lôi hắn ra khỏi nơi đó”. (14)
Khi rời Việt Nam vào năm 1967, suy nghĩ của McCulloch không khác mấy Anson, điều này thể hiện rõ trong phát biểu tại lễ bế giảng ở Đại học Nevada ngày 3 tháng 6 năm 1967. “Tôi quen một sĩ quan người Việt đã xung trận trong suốt một phần tư thế kỷ, một sát thủ chuyên nghiệp đầy năng nực, đáng ngạc nhiên là ông ấy vẫn chưa hề hấn gì bởi chiến tranh, ông ấy là một quý ông lịch lãm và sâu sắc, rồi một ngày nọ tôi hỏi ông ấy thấy gì ở tương lai”. Ông nhún vai và cười. 'Có lẽ’, ông ấy nói, 'chúng tôi sẽ đánh nhau với người Mỹ’. Khi thấy tôi có vẻ sốc, ông ấy đã tiếp tục lý giải. 'Khi tôi mới 19 tuổi’, ông nói, 'thì người Nhật tới và bảo chúng tôi rằng họ là người anh em, có thể giải phóng chúng tôi khỏi đám người da trắng - nhưng té ra họ không phải là người đi giải phóng và chúng tôi phải đánh nhau với họ. Khi cuộc chiến ấy kết thúc, và người Pháp trở lại, họ bảo rằng lần này họ đến không phải để làm người thầy khai sáng, mà là làm bạn. Và trong vòng chín năm, tính tới 1954, chúng tôi đã chiến đấu chống lậi họ. Rồi thì người Pháp ra đi. Nhưng Cộng sản không phải vừa mới tới - họ đã cắm rễ ở đây. Và họ, cũng tương tự, luôn bảo rằng là bạn của chúng tôi, nhưng rồi kể từ năm 1955, chúng tôi đã đánh nhau với họ. Điều lạ lùng là, tôi chẳng muốn đánh nhau với họ chút nào, tôi nghĩ họ cũng không muốn cầm súng nhằm vào chúng tôi. Giờ thì quý vị đến đây và nói rằng quý vị là bạn, là người giải phóng. Điều mà tôi băn khoăn là, liệu có ai trong chúng ta đã học được bài học từ những kẻ đã đến rồi đi trước kia?' Tôi đã chẳng thể nào trà lời ông ấy được”.(15)
Chiến lược tấn công đa diện của Hà Nội là luôn tìm cách tranh thủ dư luận tại Mỹ. Ông Ẩn hiểu rằng việc Anson tiếp tục làm cho Time sẽ rất hữu ích bởi anh luôn phác họa cuộc chiến theo đúng nhãn quan của Ẩn, đó là không tạo ra ảo giác rằng cuộc chiến đang tiến triển theo hướng có lợi, mà nó giống như một cái thùng không đáy. Ẩn khăng khăng rằng ông chưa từng tìm cách tác động vào suy nghĩ của Anson. “Ông biết đấy”, Ẩn nói với tôi, “Anson dành nhiều thời gian đi ra ngoại vi Sài Gòn, vào các làng xóm, nói chuyện với người dân địa phương. Cậu ấy học được ở đấy nhiều hơn là học từ tôi”. Sau này, Anson đã chia sẻ với tôi, “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị ông Ẩn lôi kéo. Ông thường chỉ trích cả hai phía một cách khéo léo. Còn tôi thì đã có sãn tâm lý phản chiến trước khi đến đấy”.
Ẩn lắng nghe lời cầu xin của Diane về việc tìm kiếm chồng của cô, trong đầu ông nhớ lại cái ngày ở tiệm Givral khi ông bảo Anson xé thư nghỉ việc đi. Nếu ông không làm vậy, gia đình Anson bây giờ đã có thể sum vầy tại Singapore hoặc đi nghi mát ở Bali rồi. Vài tuần sau khi hai người nói chuyện ở Givral, Marsh Clark gọi Anson vào văn phòng của ông ta, nơi có một tấm bản đồ Đông Dương to tướng che phủ gần hết một bức vách. Chỉ vào lãnh thổ Việt Nam, Clark nói với Anson, “Tôi sẽ đảm trách khu vực này”. Chỉ vào lãnh thổ Campuchia và Lào, ông ta bảo, “Cậu sẽ phụ trách hai nơi này”. Kết thúc cuộc gặp, ông ta bảo Anson chuẩn bị đồ đạc để ra sân bay. “Tôi không muốn gặp lại cậu ở đây nữa”.
Ông Ẩn cố gắng làm Diane an lòng bằng việc hứa sẽ làm hết sức mình, nhưng trong thâm tâm ông lại nghĩ răng người bạn của ông đã chết và ông chịu một phần trách nhiệm về chuyện ấy. Nếu nộp đơn xin thôi việc thì Anson đã không phải đến Campuchia. Ẩn hứa với Diane là sẽ tiếp tục kiểm tra các đầu mối và ông cũng không ngăn cô dán những tấm hình của Bob cùng các dòng chữ tìm kiếm người mất tích bằng ba thứ tiếng lên thân cây dọc con phố mà chồng cô thường qua lại trước khi mất tích.
Sau khi Diane cùng hai con rời khỏi văn phòng, ông Ẩn đã suy nghĩ rất nhiều về người bạn Bob Anson, ông biết rằng những gì cần phải làm có thể phá hỏng sứ mệnh của ông. Điệp viên hàng đầu của Hà Nội tại Sài Gòn đang sắp sửa chấp nhận nguy cơ bị lộ để cứu một phóng viên người Mỹ. Ông Ẩn biết rằng nếu Bob Anson đã chết thì nhân dân Việt Nam mất đi một người bạn thực thụ. Với ý thức về gánh nặng trách nhiệm trong vụ người bạn mất tích, Ẩn quyết chí đi tìm hiểu xem Anson đã chết hay còn sống.
Việt Nam và Campuchia từ lâu đã là những gã hàng xóm khó chịu của nhau, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi vào tháng 3 năm 1970, lực lượng thân phương Tây do Tướng Lon Nol cầm đầu lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk. Sihanouk vốn là người trung dung, đã nhượng bộ cho cả Cộng sản lẫn các phe nhóm phi Cộng sản bằng cách bí mật cho phép Mỹ ném bom các căn cứ của Việt Cộng và Bắc Việt nằm trên lãnh thổ Campuchia, nhưng đồng thời cũng cho phép Cộng sản Việt Nam sử dụng cảng Sihanoukville để chi viện cho các căn cứ nói trên.(16)
Trong vòng một tháng sau ngày đảo chính, Lon Nol triển khai một cuộc thanh trừng nhằm vào cộng đồng thiểu số người Việt tại Campuchia. Phóng viên Sydney Schanberg của tờ New York Times chứng kiến quân của Lon Nol giết hai người bị tình nghi là Việt Cộng và treo ngược cơ thể đã bị thiêu cháy của họ giữa quảng trường thành phố - nhằm trấn áp tinh thần tất cả những người ủng hộ Cộng sản. Khi đồng nghiệp của anh ta ở tờ Time tìm cách nói với viên chỉ huy rằng làm như vậy là vi phạm Công ước Geneva, viên chỉ huy đã cười lớn. Sosthene Fernandez, một viên tướng gốc Philippines trong chính quyền Campuchia về sau trở thành Tổng tham mưu trưởng quân đội, bắt đầu sử dụng thường dân người Việt làm bia đỡ đạn, bắt họ đi hàng đầu trong các cuộc tấn công vào căn cứ Việt Cộng. “Đây là hình thức tâm lý chiến mới”, ông ta nói.(17)
Chính quyền Nixon luôn sợ rằng nếu Campuchia trở thành căn cứ của Cộng sản Việt Nam, kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh có thể thất bại. Ngày 30 tháng 4 năm 1970, Richard Nixon thông báo huy động sáu ngàn lính Việt Nam Cộng hòa, với sự yểm trợ của pháo binh, máy bay cường kích và cố vấn Mỹ, tấn công vào Mỏ Vẹt(*), một vùng rừng già ở đông nam Campuchia ăn sâu vào lãnh thổ Nam Việt Nam và được cho là căn cứ của Trung ương cục miền Nam, nhằm vô hiệu hóa hoạt động của Bắc Việt trên đất Campuchia.
(*) Tiếng Anh là Parrot's Beak, một khu vực rừng rậm ờ tỉnh Svay Rieng. Đây là nơi mà Việt Nam Cộng hòa đã mở chiến dịch Toàn Thắng 42 vào ngày 30 tháng 4 năm 1970, huy động 12 tiểu đoàn với tổng cộng 8.700 quân tấn công các căn cứ của quân miền Bắc và Mật trận Dân tộc Giài phóng Miền Nam Việt Nam.
______________________
Trong thông điệp trước quốc dân, Nixon thông báo, “Đêm nay, các đơn vị người Mỹ và Nam Việt Nam sẽ tấn công vào trung tâm đầu não phụ trách toàn bộ hoạt động quân sự của Cộng sản tại miền Nam Việt Nam. Việc vùng đất chiến lược trung tâm này bị Bắc Việt và Việt Cộng chiếm cứ trong suốt năm năm qua là hành vi xâm phạm trãng trợn tư cách trung lập của Campuchia”. Vì tổng thống, mà mới năm ngoái thôi đã hứa hẹn sẽ chấm dứt sự can dự của người Mỹ tại Việt Nam, giờ lại đang mở rộng cuộc chiến vào đất nước Campuchia kế cận.
Hôm sau ngày Nixon đọc thông điệp toàn quốc, ông Ẩn đã gửi cho Anson một bọc đồ, là bản dịch tiếng Anh một tài liệu thu được của Việt Cộng. Loại tài liệu này khá dễ kiếm đối với cánh phóng viên, tuy nhiên ở đây Ẩn đã có các ghi chú thêm cho đồng nghiệp của ông, người vừa trở về Sài Gòn nghỉ cuối tuần. Tài liệu này là một “kế hoạch chiến đấu” vào tháng 7 năm 1969, thu được hồi tháng 10 năm 1969, trong đó Bắc Việt dự báo rằng với việc kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh thất bại, Nixon sẽ hướng sự quan tâm vào Campuchia. Ông Ẩn khoanh tròn một đoạn và gạch chân câu cuối cùng, rồi viết ngang trang giấy, “Bọn Mỹ khốn kiếp. Tụi mày đọc mà chẳng chịu động não”.
Đây là đoạn văn mà ông Ẩn đã khoanh tròn cho Anson: “Nếu các cuộc tấn công của ta trên các mặt không đủ mạnh và nếu tạm thời Mỹ có thể khắc phục được một phần khó khăn, chúng sẽ tìm cách kéo dài cuộc chiến ở miền Nam thêm một thời gian nữa, và trong thời gian đó chúng sẽ tìm cách xuống thang ở một vài mặt, đồng thời sẽ tiến hành phi Mỹ hóa trong một cuộc chiến ưanh kéo dài trước khi có thể thừa nhận thất bại hoặc chấp nhận một giải pháp chính trị. Với cả hai trường hợp ấy, Mỹ có thể, trong những tình huống nào đó, tạo áp lực lên chúng ta bằng cách đe dọa mở rộng chiến tranh thông qua việc tấn công vào Campuchia”.(18)