Đêm qua sân trước một cành mai

Người đạo sĩ bên gốc thông già

Vùng nọ, bên triền núi, có một rừng thông cổ. Thông mọc có đến hàng vạn cây, gió thổi rì rào, tiếng thông vi vu suốt ngày không ngưng nghỉ.

Trong rừng thông có nhiều loại chim muông, thú vật. Đặc biệt nhất là một loài chim phượng, chúng sống từng đàn nhỏ dăm ba con trên các ngọn thông và chỉ ăn trái cây rụng. Thân phượng to lớn, cành dài hơn thước, đen thẫm. Cổ chim trắng toát, chân và mỏ một màu đỏ đậm. Loài phượng này có tiếng kêu không hay, nhưng dáng bay cực kỳ mạnh mẽ, cánh quạt phần phật trong gió.

Một buổi trưa hè kia, rừng thông im vắng không một tiếng động. Loài phượng ngủ nghỉ trong các tàng cây, muông thú như chìm trong giấc ngủ dài.

Bỗng xa xa một dáng người đi tới, tốc độ rất nhanh. Nhìn kỹ đó là một người cao lớn, với áo trắng rộng bồng bềnh trong gió. Mặt mày xem ra như một tay võ nghệ, râu ria đầy cằm, lông mày chổi xề. Chân không mang giày vớ, để lộ đôi gót hồng như son. Ngoài một chiếc dép lắc lư trên tay, y không mang theo một hành trang nào khác.

Đến giữa rừng thông, y đưa mắt nhìn cỏ cây muông thú, ra chiều khoan khoái. Bỗng y nhíu mày, nhìn một cây thông cổ thụ, thân lớn phải đến mấy người ôm. Rồi rảo bước đến gốc cây, y cất tiếng nói:

- Kính chào lão trượng! Mừng người công đức sâu dày, che mát cho cả một vùng rộng lớn.

Tiếng nói nghe vang như sấm động. Chim chóc giật mình nghiêng đầu lắng nghe.

Bỗng có tiếng thông reo vi vu, âm lực cực kỳ thâm hậu rồi một giọng nói rất trầm phát ra từ cây thông cổ thụ:

- Kính chào đạo sĩ. Mời người yên nghỉ. Ta vừa trải qua môt giấc mộng dài. Duỗi chân trong đất đá, gối đầu trong mây gió, không phải là thú vị ư?

Thì ra người áo trắng là một vị đạo sĩ. Y ngước nhìn lên cây, thấy cành lá xanh tươi, chim muông quấn quít, ong kiến làm tổ từng đàn.

Người yên nghỉ ở đây kể cũng đã hơn trăm năm. Nhưng trước đó, hẳn người lắm nghiệp hồng trần, nợ nần trần thế? 

- Ha ha, ta làm kiếp người nhiều lần, làm vua quan cũng lắm. Loài người thật đáng xót thương, nên lần nào ta cũng dẫn dắt cho kẻ bần cùng, cứu giúp người cô thế. Như sen mọc trong bùn vẫn tìm cách vươn lên, loài người dù không mấy ai hiểu đạo, họ vẫn hướng về cái đẹp. Ai nỡ làm ngơ!

- Lão trượng nói phải. Đáng thương thay, loài người thời nào cũng thế, trước sau phải chịu nhiều đau khổ. Tuyệt đại đa số con người là trong sáng tốt đẹp, nhưng cũng chính đa số đó lại chịu nhiều đau khổ nhất.

Thông cổ thụ vi vu, nghe như tiếng thở dài:

- Thế giới của loài người cũng như mọi sinh cơ khác chịu ảnh hưởng của qui luật vi lượng thắng đạo (1). Chỉ một nhóm người rất nhỏ quyết định số phận của toàn thể địa cầu. Ngoài ra đâu phải chỉ có loài người tham gia vào quyết định đó. Biết bao tác động của thế giới song hành mà loài người không biết được. Ôi, làm thế nào giải thích cho hết được, ta đành chỉ làm những việc không tên.

Đạo sĩ nghĩ ngợi điều gì rồi nói:

- Đau khổ hay hạnh phúc khó nói cho tới cùng. Nhưng người đi đêm thấy cây gậy tưởng lầm con rắn và sinh lòng sợ hãi. Con rắn không có nhưng sự sợ hãi lại có thật. Khổ đau cũng như sợ hãi, nó không đáng có nhưng lại có thật. Xoa dịu những niềm đau đó là một hạnh nghiệp rất lớn. Mừng lão trượng đã đạt tới hạnh bồ tát. Thiền sư đi vào chợ, bồ tát giữa chốn triều đình, như thế mới gọi là thượng thừa. Xin hỏi lão trượng kiếp trước người ở đâu?

---

1.“Vi lượng thắng đạo”, tạm dịch “thiểu số chỉ đạo”. Nghĩa: yếu tố có số lượng nhỏ đóng vai trò then chốt trong mọi hệ thống sinh cơ và xã hội.

---

 

Thông cổ thụ trầm ngâm một lúc:

- Kiếp vừa qua ta làm quan tại nước Việt, dẫn dắt dân nghèo, dạy nghề ruộng nương, kể cũng nhiều vui thú. Đã hơn trăm năm mà chúng dân vẫn còn nhắc tới Nguyễn Công Trứ (1).

Thình lình đàn phượng kêu xao xác. Từ xa bỗng bay tới một con chim cực lớn, sức bay cực kỳ khỏe mạnh. Chim bỗng đậu xuống cây thông cổ thụ, kêu “khặc khặc” mấy tiếng. Đây cũng là một con phượng hoàng, nhưng to gần gấp đôi loài phượng bình thường, lông từ đầu đến chân trắng như tuyết. Đàn phượng bông yên lặng, bay tới gần chim phượng trắng, quì xuống ra vẻ thần phục. Phượng trắng kêu “khặc khặc”, từ từ đến gần lũ chim phượng. Thân chim phát ra một khí lực ghê gớm, vừa mãnh liệt vừa nhu hòa. Thần điêu đi đến đâu, cỏ cây dạt tới đó.

Bỗng nhiên thần điêu kêu “khặc” một tiếng, đá tung một còn phượng đánh “chát”. Đàn phượng kêu thất thanh, lùi ra xa. Thần điêu không tha, bay lên thật cao, bất thình lình đâm bổ xuống tấn công chim phượng, rồi lấy đà bay lên lại, điệu bộ hết sức dũng mãnh. Đàn phượng kêu réo thất thanh rồi nhanh chóng bay đi mất.

 

---

1.Nguyễn Công Trứ, sinh ngày 19.12.1778 làm quan dưới thời Minh Mạng, mất ngày 7.12.1859. Ông là tác giả hai câu thơ:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

---

  Thông cổ thụ bắt đầu tiếng reo vi vu, còn người đạo sĩ trước sau không nói lời nào. Bỗng cổ thụ cất tiếng nói:

- Thần điêu, ngươi không biết thương xót lũ chim sao? Chúng muốn thần phục, tôn sùng người. Làm như thế sao đành?

Thần điêu cất tiếng nói:

- Vì thương xót lũ chim, ta đành phải tấn công chúng!

Đạo sĩ bây giờ mới lên tiếng:

- Tại sao vì lòng thương mà người làm cho chúng đau khổ?

Thần điêu “khặc” một tiếng:

- Ta vừa rời bỏ thế giới loài người. Loài chim cũng như loài người, chúng suốt đời đi tìm những nương tựa giả dối. Chúng cần lý thuyết, hệ thống; chúng cần giáo chủ, minh sư; chúng cần hình thức, danh tự; chúng tìm cách xây dựng một tòa nhà mà nội tâm chúng có thể an trú. Cho chúng những cái đó chỉ giúp cho những loại giả hợp đó thêm kiên cố, càng làm cho chúng xa lìa chân lý, đẩy chúng thêm trôi lăn trong biển sinh tử.

Thần điêu nói tiếng người hết sức khúc chiết, nghe như một người thầy giáo.

Thông cổ thụ bỗng cất tiếng nói:

- Người khỏe manh biết đi thì để họ đi, người đi không được thì cần cho họ một chiếc gậy. Đạo bao la như trời biển, cho nên học đạo phải có chỗ bắt đầu. Lý thuyết hệ thống chỉ là phương tiện, nhưng lại là phương tiện cần thiết. Tỉ như họ trò đang ồn ào, thấy giáo phải gõ bàn cho học tro yên, khi học trò yên rồi, tiếng gõ bàn tất nhiên cũng phải dứt.

Giọng cây cổ thụ cực kỳ đầm ấm, nội lực phát ra nhu hòa đôn hậu.

Thần điều lắc đầu:

- Tiếng gõ bàn của thầy giáo ngày hôm nay trong thế giới loài người chỉ gây thêm hỗn loạn. Ta đã thử và vứt bỏ mọi phương pháp. Cuối cùng ta chỉ còn nhắc lại lời của Thích-ca dể nói với muôn loài “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy y tự nơi chính mình, đừng y tựa người khác”. Như một chén nước đã đầy, không thể rót thêm được gì. Loài người hôm nay đã đầy mọi lý thuyết và hệ thống, mỗi hệ thống đều đi tìm chân lý, thượng đế, tâm vật… Xin hỏi đạo sĩ, trả lời với loài người sao về chuyện đó?

- Đạo sĩ áo trắng nhíu mày:

- Đáng thương tay hành tung của ý thức, cưỡi trâu đi tìm trâu không phải là dạy dột lắm sao? Thượng đế chan hòa khắp nơi, đầu cây ngọn cỏ còn có. Ngài ngủ trong dạng đất đã, mơ màng dạng cỏ cây, thức dậy trong dạng muông thú, hoạt động trong dạng con người. Tâm vật như hai mặt của một đồng tiền, chúng hoán chuyển lẫn nhau, sinh thành ra nhau, không có cái nào trước, cái nào sau. Như ngươi vừa từ trên cao đâm xuống xua đuổi lũ chim, độ cao và tốc độ đã sinh thành ra nhau, cái này mất thì cái kia có, cái này giảm thì cái kia tăng. Vậy nên:

Thần dữ vật

Nhất tụ nhất tán, nhất tiến nhất thoái

Nhất động nhất tĩnh, nhất hạp nhất tích

Đồng qui nhi thù đồ (1)

 

---

1.Tạm dịch:

Thần đối với vật

Một tụ một tán, một tiến một thoái

Một động một tĩnh, một đóng một mở

Khác lối nhưng cùng về

---

Trên cành cây, đàn chim phượng đã trở lại lúc nào không rõ, nghiêng đầu lắng nghe, im lặng không dám kêu tiếng nào.

Đạo sĩ nhìn thần điêu:

- Krishnamurti(1), ngươi là thầy của các bậc thầy, hãy tùy phương tiện mà chữa bệnh cho chúng sinh.

Nói xong, đạo sĩ quay người đi thẳng. Thần điều trân trối nhìn theo, gọi lớn:

- Đạo sĩ, người là ai?

Đạo sĩ cười ha hả:

- Sự vật không có hình tướng, không có danh hiệu, sá gì một cái tên người đời đặt cho.

 

---

1.Krishnamurti được xem là thầy của các bậc thấy trong thế kỷ 20. Ông sinh ra ngay 25.5.1897 tại Mandras trong một gia đình Ấn Độ. Năm 15 tuổi, người ta đã khám phá ra ông là một “thánh nhân” và đưa sang Anh Quốc giảng dạy trong khuôn khổ một giáo phái. Sau một thời gian thử nghiệm, ông giải tán “Hội ngôi sao Đông phương”, vứt bỏ mọi lý thuyết hệ thống, từ chối mọi phương pháp kỹ thuật, kể cả những phương pháp cổ điển như tham thiền. Ông đi mọi nơi, chuyện trò với mọi giới, kể cả học sinh trung học, chỉ cho họ thấy “cơ chế tâm lý” của mọi khái niệm vốn là giả hợp, danh tự. Theo cách nhìn của đạo Phật, ông chủ trương “kiến tánh thành Phật”, Henry Miller đã nói về ông “Sau một thời gian dài khổ công tìm kiếm, tôi đã tìm được vàng ròng”. Krishnamurti mất ngày 14.12.1986.

--- 

Tiếng cười vang động cả một vùng sơn cốc.

Thần điêu đậu trên cao, nhìn theo dáng đạo sĩ ngày càng xa, lung linh trong nắng. Y nhìn theo chiếc dẹp lắc lư trên tay đạo sĩ, bỗng nhớ ra điều gì, “khặc” một tiếng rất lớn rồi vừa bay theo vừa gọi:

- Bồ đề Đạt ma (1) xin đợi, cho ta hỏi một lời!

Gió bỗng thổi mạnh, thông cổ thụ reo vi vu trong nắng.

 

---

1.Bồ đề Đạt ma, Sơ tổ của thiền Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Đạt ma là tổ thứ 28 sau Thích-ca Mâu-ni của dòng Thiền Ấn Độ, sinh năm 470. Năm 520, Đạt ma từ Ấn Độ đến Trung Quốc, giảng pháp cho Lương Vũ Đế không thành, lên núi Tung Sơn, đến Thiếu Lâm tự. Ở Thiếu Lâm tự, Đạt ma áp dụng phép “diện bích”, ngồi nhìn vào tường chín năm trời. Sử không nói rõ Đạt ma mất tại Thiếu Lâm tự hay rời Trung Quốc về Ấn Độ sau khi ngài truyền ấn lại cho Nhị tổ. Theo một truyền thuyết khác thì Đạt ma sống tới 150 tuổi và được chôn tại Hồ Nam. Sau đó có người thấy Đạt ma trên núi Hồng Nhĩ, tay cầm một chiếc dép. Về báo cho học trò, học trò đào tháp lên thì thấy trong quan tài không có gì cả, chỉ còn một chiếc dép.