Trong vùng rừng núi đó chỉ có độc nhất một con vượn sống đã lâu. Vượn có màu lông đỏ như lửa, người ta gọi là “hỏa hầu”. Những lúc núi phun lửa, vượn vui mừng nhảy nhót, tắm mình trong ánh lửa. Vượn mê thích lửa hồng và hơi nóng, tự nhủ suốt đời sẽ không bao giờ xa ánh lửa.
Một thời gian dài, núi không phun lửa. Vượn trông ngóng đợi chờ, ngày càng bồn chồn. Bỗng một đêm khuya, y thấy từ xa một ánh đèn leo lét. Men theo ánh lửa, thì ra đó là trú xá của một tu sĩ. Kể từ đó, y làm bạn với người tu sĩ, ngày ngày hái hoa quả biếu tặng. Vị tu sĩ tụng kinh văn suốt ngày, vượn không hiểu gì nhưng y yêu thích tiếng tụng kinh ngân nga êm đềm ấy.
Vượn sống giữa ánh lửa và lời kinh như thế từ năm này qua năm khác. Một ngày kia, bỗng vượn khởi lên tâm ý muốn rời bỏ ánh lửa, tìm một nơi xa lạ. Tâm ý vừa khởi, vượn lập tức thấy mình đã ở cảnh giới khác, nhộn nhịp người qua kẻ lại. Vừa móng ý muốn thành người, hỏa hầu đã biến thành một con người cao lớn, lanh lẹ, quần áo chỉnh tề có sắc hồng nhạt.
Trong cảnh giới con người, y sống lẫn lộn không ai hay biết. Y ngạc nhiên nhận ra loài người có tâm ý cực kỳ phức tạp. Họ sống chung với nhau tưởng chừng như trong cùng một thế giới, nhưng cứ mỗi người lại ở một thế giới riêng biệt của mình. Các thế giới tiêng đó hòa vào nhau, tác động lẫn nhau, không trở ngại nhau, như hai nguồn sáng từ hai ánh lửa hòa vào nhau không ngăn lại. Tâm ý loài người càng phức tạp thì mỗi thế giới đầy buồn vui của họ càng biến ảo, chuyển dịch, phát triển không bao giờ ngừng nghỉ.
Sống một thời gian, vượn càng ngày càng sợ cảnh giới đầy hạnh phúc và đau khổ của loài người và càng nhớ tới ngọn núi đầy lửa và miền rừng hoang vắng của y.
Một ngày kia, y thấy dâng lên trong lòng niềm thèm khát một ngọn lửa hồng. Vừa móng ý, y đã đến một nơi vắng vẻ không người qua lại. Nhìn lên, trời mây đỏ như máu. Bỗng nghe tiếng ai than khóc, y lần bước bên đường. Nhìn người đàn bà kiệt sức, vượn thương xót, lấy nắm cơm bỏ vào tay. Cầm nắm cơm, người đàn bà bỗng la lên “lửa, lửa”, và đưa mắt nhìn vượn vừa sợ hãi vừa ái ngại.
Vượn ôm đầu đau đớn:
- Thì ra nghiệp lửa của ta nặng đến thế ư, tất cả những gì vào tay ta cũng thành lửa chăng?
Bỗng từ đâu xuất hiện một người trẻ tuổi, vẻ mặt buồn rầu. Y xót thương nhìn người đàn bà rồi lại vái chào vượn:
- Người hãy hoan hỉ, đó không phải là nghiệp của người, đó là nghiệp của mẹ ta.
Vượn phân vân không hiểu sao người kia biết được tâm mình thi người đàn bà bỗng ngước nhìn người đàn ông, mắt đầy bóng tối:
- Mục Kiều Liên, con không cứu ta được nữa đâu, tôi nghiệt ta đã quá nặng rồi.
Người đàn bà nói xong bỗng sấm trời vang dậy, điện quang sáng lòa, đại địa rung chuyển dữ dội, hất tung vượn lên cao. Vượn vừa uốn mình đứng vững thì nhác thấy trời mây đổi màu, xanh như ngọc. Thoảng nghe tiếng nói của Mục Kiều Liên:
- Mẫu thân, mẫu thân vừa tự cứu mình!
Lòng vượn dạt dào bâng khuâng, ước mơ trở về lối cũ. Ý vừa khởi, vượn đã về chốn xưa. Giờ đây rừng đã xanh tươi, miệng núi lửa đã trở thành một hồ nước trong xanh. Vượn ngơ ngác nhìn quanh thì thấy một cụ già vừa đến. Vượn vội rùng mình lấy nhân dạng, vái chào hỏi han cảnh vật. Cụ già đáp:
- Nơi đây ngày xưa là một vùng núi lửa, không có người ở. Thú rừng và chim muông cũng không hề lui tới. Đặc biệt chỉ có một con vượn lông đỏ sống đến già và chết ở nơi đây. Chỗ người đang đứng chính là chỗ chôn con vượn đó.
Lòng vượn nao nao, thì ra mình đã hết nghiệp làm vượn nhưng nghiệp lửa vẫn còn phảng phất nơi nắm xương tàn. Y bỗng nhớ tới vị tu sĩ ngày xưa vô hạn, không biết người đang ở cảnh giới nào.
Ý vừa khở, y bỗng thấy người tu sĩ đang tụng kinh văn, êm đềm như xưa. Lắng tay nghe lời kinh văn vẫn khó hiểu nhưng giọng tụng đầy âm thanh du dương sảng khoái. Vận dụng tâm ý loài người, bỗng vượn nghe lõm bõm ra mấy chữ “…muôn sự tại tâm, vạn pháp tại thức…”.
Y rùng mình tỉnh ngộ.