DẤU ẤN TRONG TIM

Chương 4

Tiếng chuông nhà thờ vang lên đã nửa giờ rồi. Trên đường đến nhà thờ người ta đi ngang qua trước cửa sổ phòng khám bệnh, nhiều người chỉ định đến đứng ngoài nhà thờ để xem các cô gái già nhà Steel làm đám cưới đôi đi ra. Đây quả là một chuyện lạ, hai cô gái lấy chồng một lần, và cô gái út làm phù dâu.

Khi tiếng chuông ngưng, John nằm dựa lưng vào chiếc ghế xích đu bằng da và nhắm hai mắt lại. Nhưng chàng vẫn hình dung ra cảnh: Helen chậm rãi đi giữa hai hàng ghế ở nhà thờ bên trái bố nàng và Marion đi bên phải ông ta. Hai chú rể đứng đợi ở phía trước hàng ghế đầu.

Chàng nhìn đồng hồ. Đã mười giờ rưỡi sáng. Vào ngày khác giờ nầy chắc còn có nhiều người đang đợi ở phòng bên kia, nhưng hôm nay chỉ có một người.

Chàng biết đấy là bà Ethel Hewitt, vì tiếng chiếc gậy của bà gõ dồn dập gấp gáp trên nền nhà chàng nghe đã quen tai. Chàng gượng đứng dậy, ra mở cửa.

- Chào bà Ethel. Bà vào chứ?

- Còn sớm mà, bác sĩ, phòng khám lại hết người rồi.

- Bà khập khiễng bước qua mặt chàng, đến ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bàn làm việc, bà nói tiếp:

- Cũng lạ là ông không đi đến đấy với bọn khùng kia. Họ không biết họ chẳng được tích sự gì ráo. Chắc họ tưởng đấy là những cuộc hôn nhân đẹp lắm.

Cứ đợi đấy mà coi, rồi họ sẽ mở mắt ra mà biết. Giàu hay nghèo rồi cũng thế thôi.

- Bà là người bi quan bẩm sinh rồi.

- Tôi không phải thế đâu, bác sĩ ơi. Cái gì khiến ông nói thế? Tôi từng được người ta cho là quá lạc quan, nhưng đúng ra tôi là người hoài nghi từ xưa nay.

Lúc khác chắc chàng đã cười rồi, nhưng hôm nay thì không.

- Chân bà ra sao? - Chàng hỏi.

- Tốt, tôi còn xài đựơc.

- Thế là may rồi.

- Tại sao ông không đến đấy?

- Ờ hay nhỉ, xin hỏi bà nếu tôi đến đấy thì ai sẽ khám cho bà. Bác sĩ Cornwallis đến đấy rồi: ông ấy đã giúp cho hai cô ấy chào đời thì…

- Ái chà, - bà ta ngắt lời chàng, - và ông ấy sẽ đến chứng kiến họ vào đời, nhưng bằng cách khác. Ông hiểu chứ? Nhưng mà thôi, ông không hiểu đâu vì ông chưa lấy vợ… phải không? Tôi đã ba lần lấy chồng. Ông không hiểu hơn tôi về hôn nhân đâu. Nếu tôi thông minh một chút tôi sẽ viết truyện đấy.

- Không cần… thông minh, bà vẫn viết truyện được rồi, bà Ethel à. Nhưng thôi, để tôi khám chân cho bà…

Mười lăm phút sau, chàng tiễn bà Ethel ra cửa phòng mạch, chàng lại dặn dò như mọi khi:

- Cố gắng giữ gìn chân cho cẩn thận. Nghỉ ngơi đi, nếu không bà mệt đấy.

Tôi nhắc bà nhớ cho.

- Vâng, tôi nhớ lời ông. Mà ông nghĩ tôi làm gì nhỉ? Nhảy cò cò một chân với tám đứa con về nhà lai rai suốt ngày và thỉnh thoảng về ban đêm nữa sao?

- Bà thế là may mắn rồi.

Khi ra gần đến đường, bà dừng lại, quay đầu về phía chàng, nụ cười nở trên khuôn mặt gầy gò nhăn nhúm, bà nói:

- Vâng, tôi cũng được hạnh phúc phần nào đấy, vì nói thật ra là nhờ bầy con giống tôi. Một vài đứa con tốt hơn cả bố mẹ. Nhưng không phải vì thế mà tôi nuông chiều. Tôi đánh chúng rồi mới cho chúng bánh.

Mãi cho đến khi bà đã ra ngoài đường, khập khiễng đi về phía nhà thờ, chàng vẫn còn nghe bà ta cười khúc khích.

Bác sĩ Cornwallis có thói quen nhắc mãi chuyện giữa nhà thờ và nhà tổ phụ của ông có một thời không có nhà cửa gì hết, như thế đã gần ba trăm năm rồi.

Khi lần đầu tiên John nghe ông ta nói thế, chàng cười đáp: "Ờ chắc thời ấy ở đâu cũng vắng vẻ như thế, phải không?" Sau đó chàng mới thấy mình lầm, vì người đàn anh của chàng không hề chuyện trò gì với chàng ngoài chuyện thuốc men suốt gần một tuần liền.

Phòng khám và phòng đợi nằm cách biệt khỏi ngôi nhà chính bằng một lối đi dài, và khi chàng khoá cửa phòng khám, bỗng chàng thấy ở cuối lối đi có bóng một người đàn bà hiện ra. Thấy dáng của bà ta, chàng chợt sững người một chút, rồi khi bà đến gần, chàng lên tiếng:

- Bà đến trễ rồi, Bà Wallace à; tôi có người gọi đi gấp.

Bà ta đến gần chàng, đáp:

- Chỉ nhờ ông khám giúp cái bụng thôi, bác sĩ à. Tôi… tôi không đi được.

- Trường hợp của bà tôi không khám được vì bà là khách hàng của bác sĩ Cornwallis.

- Vâng, tôi biết. Nhưng ông già đang dự đám cưới, phải không? - Bà ta cười toe toét với chàng.

- Tôi chắc ông có thể khám thay chứ. Tôi bệnh đã mấy hôm rồi.

- Đợi một vài giờ nữa bà cũng không nặng thêm. Vả lại như tôi đã nói, tôi có người mời đi khám, gấp rồi.

Bà ta đứng chắn lối ra ngay trước mặt chàng:

- Tôi có thể đến bà McDougal, nhưng chắc các bác sĩ không thích thế chứ?

- À, tuỳ bà thôi, bà Wallace. Bà nhớ chuyện gì xảy ra cho bà lần bà đến gặp Mẹ McDougal vừa rồi đấy chứ?, Có lẽ bà ấy đã làm cho ruột gan bà rối tung lên, có phải không?

- Bà ta đứng im không đáp một hồi, nhưng hai tay vòng trước ngưc nâng cặp vú lên, và thái độ không còn quy luỵ nữa. Bà cất cao giọng nói, không còn van nài như hồi nãy:

- Nầy ông bác sĩ, ông biết ông là đồ gì không?

- Không! Tôi là đồ gì, bà Wallace?

- Ông là đồ dơ bẩn. Ông là đồ đờm dãi, ông hãy cút khỏi đây đi. Ông hãy về lại chỗ ông ở, vì ông không hợp với nơi nầy. Không bao giờ hợp ở đây hết.

- Vừa nói bà ta vừa trề môi nhăn mũi, chàng sợ bà ta sẽ nhổ vào mặt mình mất.

Rồi bà quay người đi theo lối đi khi nãy, để lại chàng đứng trơ một mình. Chính lúc nầy, chàng cảm thấy bà ta nói đúng, vì chàng không hợp ở đây, chàng ao ước về lại nơi chàng ra đi, về với những người không đi ra ngoài với miệng lưỡi dơ bẩn. Nhưng chàng đành chịu, vì ngoài công việc sinh sống ở phòng mạch ra, lòng dạ chàng đã in sâu hai buổi gặp mặt ngắn ngủi khó quên, mà lần gặp đầu chỉ mới là lần mở màn.

Chàng so vai rồi bước ra ngoài đường, đi về hướng ngược chiều với hướng đến nhà thờ.

Vào ngày nghỉ cuối tuần, chàng đáp xe lửa đi Middlesbrongh; rồi từ ga xe lửa chàng đi bộ hai dặm nữa mới đến ngôi nhà nhỏ của bà dì, nơi mẹ chàng đang đợi chàng. Bà đang đứng ở ngoài cổng, gọi lớn khi chàng đang còn ở từ xa:

- Nhìn nầy! Không cần gậy! - Khi bà đưa cao tay lên khỏi thanh ngang trên hàng rào, bà vừa lắc lư người vừa cười. Khi đến bên bà, đưa tay ôm quàng lấy bà, chàng nói:

- Đừng, chỉ vịn theo hàng rào thôi. Nhưng trông mẹ khỏe đấy. Mẹ cũng cảm thấy khỏe chứ?

- Khỏe. Thể xác thì khỏe nhiều, nhưng tinh thần thì tệ.

- Bà cười nhìn chàng.

- Con dìu mẹ đi.

Chàng quàng tay quanh hông bà rồi dẫn bà đi theo con đường vào ngôi nhà có nhiều hoa tầm xuân bao quanh.

- Mẹ buồn chết được, Johnny à, - bà bình tĩnh nói.

- Nếu chúng ta ở thành phố chắc không tệ như thế nầy; còn ở đây mẹ chỉ thấy gì? Bò, cừu, dê, chồn hoang. Ôi! - Bà lúc lắc đầu - tuần vừa rồi có một đám vui. Một hội chợ di động.

Mẹ không xem được nhưng ngồi đây mẹ nghe được tiếng đàn.

Vào nhà, chàng nhìn quanh rồi hỏi:

- Dì Ada đâu rồi?

- Ồ, dì ấy quyết đi phố cho được. Dì muốn mưa cái gì đặc biệt để thết đãi con. Mà tiện thể mẹ báo cho con biết tin luôn, dì ấy bán nhà nầy. Dì ấy sẽ đến ở với George tại Devon.

- Không được! Ở với George à? Còn Vera của George thì sao? Hai người gặp nhau là như chó với mèo.

- Dì ấy biết rồi, nhưng mẹ nghĩ chuyện chó với mèo bây giờ là giữa thằng ấy với Vera, và dì ấy muốn ở gần nó. Mẹ hiểu rõ chuyện nầy.

- Bà quay qua vỗ cưng vào má chàng.

- Mẹ sẽ đến Halifax hay đến khu Klondike nếu đến đấy được gần con. Và mẹ đã nhất quyết rồi, vì đây là lần đầu mẹ nói toạc ra đấy.

Chàng lại hôn bà và nói:

- Được rồi, mẹ sẽ có cơ hội sống gần con, gần sát nách, nhưng mẹ không thích Fellburn mà.

- Thì mẹ đã thấy Fellburn đâu, phải không? Và chúng ta vừa mới rời Sussex xinh đẹp thôi mà, đúng không. Con nhớ không?

- Dạ nhớ chứ. Con lại còn nhớ cảm giác đầu tiên của mẹ: mẹ không muốn chết dí ở chỗ ấy, cho nên khi nghe dì Ada đề nghị đến đây ở, là mẹ nhảy đến liền.

Bà nhích ra khỏi chàng, nói:

- Thôi được rồi, bây giờ mẹ sẵn sàng đến chết dí ở Fellburn. Con nghĩ sao?

Dì ấy muốn mẹ mua nhà nầy. Dì nhắc mẹ nhớ là chính mẹ đã sung sướng khi đến đây, dì nói mẹ thích nông thôn, thích vườn tược. Nhưng con hãy nhìn mà xem. Nhà nầy lớn bao nhiêu? Có phải đây là vườn không? Phải có bốn cái vườn như thế mới làm thành một mảnh vườn nhỏ được. Không đâu bác sĩ Falconer ơi, mẹ đã quyết định rồi, bà hạ giọng dịu dàng nói tiếp - mẹ dứt khoát rồi, con ạ, mẹ quyết sống gần con thôi, ít ra cũng đủ gần để mẹ có thể nhìn con đi về với cái xách nhỏ đen, cho dù mẹ chỉ nhìn thấy con qua cửa sổ, ít ra là một ngày một lần.

Chàng lại ôm lấy bà:

- Hay! Từ lâu nay, đến giờ con mới nghe được tin một tốt lành như thế nầy, vì mẹ biết sao không, con đã quá ớn Fellbum rồi, con không hiểu tại sao con lại mua phần hùn trong phòng mạch để con phải tiếp tục ở năm năm nữa.

Bà liền cất cao giọng:

- Nếu con không muốn thì chỉ năm phút thôi con cũng chẳng cần nán lại.

Nầy, mẹ nói cho con biết, bây giờ chúng ta đã khấm khá rồi. Mẹ thành ra tệ như dân miền Bắc ở đây, vắng con, vắng các thứ. Dù sao thì mẹ cũng thừa sức mua được một ngôi nhà vừa ý kia mà, và cổ phần của bố con giá tăng gấp hai trong năm qua. Ngày mai con có thể đến trả lại cổ phần cho ông ta và nói với ông ta rằng…

- Thôi! Thưa bà Falconer. Chúng ta đã thoả thuận với nhau rồi; công việc đã vào nề nếp rồi. Cái gì của mẹ là của mẹ, cái gì do con làm ra là của con. Nhưng dù sao thì mẹ cũng đã chi tiêu đủ cho con rồi. Cho nên ta quên chuyện ấy đi.

Dẹp đi! Không nói nữa! Chàng ngúc ngoắc ngón tay trước mặt bà.

- Bây giờ con nói như thế nầy nhé. Con sẽ về gấp để xem thử còn phòng nào trống không.

- Ồ không! Không - bà lắc đầu - Mẹ không ở trong vài phòng. Mẹ muốn có một cái nhà, ở một nơi nào lịch sự. Và có một cái vườn, đúng nghĩa là một cái vườn. Nếu ngồi ở cửa sổ mà nhìn ra, mẹ muốn thấy những cái gì đáng thấy, chứ không phải nhìn thấy con đường gạch, hay là đường rải sỏi, hay là những ngôi nhà cổ xiêu vẹo chen chúc nhau như đa số nhà cửa ở Fellburn.

Chàng cười nhìn bà.

- Có chán khối gì ở Brampton Hill, nhà cửa ở gần đấy đều có vườn tược đáng yêu, một số rộng đến hai ba mẫu, và có từ sáu đến tám phòng, có khu tôi tớ ở riêng, có nhà kho của quản gia, nhiều lắm.

- Tốt, mẹ có khả năng mua một cái như thế, thưa ông Mỉa Mai. Và mẹ có thể mua ở đây, nếu con không tìm ra nhà nào lịch sự ở thành phố hay ở gần con… mà thôi, không cần ở trung tâm thành phố, nói thế chắc con hiểu rồi.

Chàng bước đến gần bà.

- Vâng, thưa "phu nhân", con hiểu ý mẹ rồi. Bây giờ trong lúc chờ đợi dì Ada thân yêu đem món đặc biệt về ăn, mẹ định cho con uống trà hay cà phê? Được uống một ít rum mạnh chắc tuyệt hơn.

Bà khập khiễng đi xuống bếp, vừa đi vừa nói:

- Sẽ uống trà thôi. Buổi sáng bác sĩ không nên uống rượu, nhất là rượu mạnh. Chắc con đã nghe người cộng tác với con nói thế rồi. Mà nầy, ông ta khỏe chứ?

- Khi ông ta không uống, ông hay cau có bậy lắm, còn khi uống vào, vì có lý do nào đấy thì ông lại uống gần chết. Nhưng nghiêm chỉnh mà nói, thì nếu ông không giữ gìn, có ngày cái chân của ổng sẽ làm cho ổng đi đời.

- Tốt, con sẽ có cơ hội để mua phòng mạch.

- Mẹ! - Giọng chàng hoảng hốt.

- Dẹp chuyện ấy đi, cầu cho ổng chết à! ổng là người bạn tốt mà.

- Ổng là con quỉ già ích kỷ. Đừng nói với mẹ chuyện người ta tốt lành. Đa số đều chỉ hành động vì lợi cho mình: Không ai làm việc gì mà không mong thu lợi cho mình cả.

- Con không hiểu mẹ muốn nói đến ai, thưa bà Falconer. Mẹ công kích độc địa quá. Ông bà ngoại là cặp vợ chồng quá tuyệt.

- Ừ, mẹ biết, mọi người yêu mến ông bà và cho hai ông bà là cặp vợ chồng già thân thương. Ngoài đời người ta kháo nhau rùm beng về hai ông bà như thế, nhưng để mẹ nói con nghe, cũng như mọi người, ông bà cũng có tính ích kỷ hơn mọi người nữa, và lắm lúc hai người lại đối xử với nhau như chó với mèo. Mẹ thường chứng kiến việc nầy, cho nên mẹ điên cả đầu khi người ta khen họ nào là đễ thương nào là nhã nhặn.

Chàng, ngồi xuống bộ bàn trong nhà bếp, tươi cười nhìn bà pha trà. Chàng biết bệnh thấp khớp của bà, bà gọi bệnh bà là đau viêm khớp, đã làm cho bà bẳn tính và đã trút hết bực tức lên đầu chàng. ồ, chàng sung sướng khi bà đến ở gần chàng, vì chàng cần có bà hơn là bà cần đến chàng nữa: Chàng cảm thấy mình trống trải vô cùng. Nếu bà sống bên chàng dễ chịu, thì chắc chàng sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng ra; mà chắc bà cũng sẽ dễ chịu. Bà buồn cười đấy, nhưng có tình cảm và dễ thương, tốt bụng. Hiện giờ chàng rất cần những đức tính nầy.