Hương vị dịu ngọt của muôn hoa cứ quyện lấy vườn tược cho đến lúc bóng đêm xanh lam buông xuống, cho đến lúc vành trăng lưỡi liềm xanh phớt ló ra qua những cành cây trụi lá, cho đến lúc những chú thỏ rừng ăn no béo mỡ nhảy nhót vứt lại trên mặt tuyết những đốm vết chân mịn màng.
Thế rồi gió đưa về từ các ngọn đồi thảo nguyên mùi dịu dịu của cây ngải cứu héo khô vì băng giá; hương vị và âm thanh của ban ngày chìm lắng đi và bóng đêm, như một con sói cái lông xám, từ đằng Đông lặng lẽ đổ về, lướt qua những bụi ích mẫu, những đám cỏ dại, những thửa ruộng rạ héo hon, những cánh đồng ải mùa thu nhấp nhô như sóng lượn, để lại đằng sau nó trên thảo nguyên lê thê bóng hoàng hôn chạng vạng.
Nghe có tiếng nói và tiếng cót két của càng xe trượt tuyết đang đi ngược tới, người cưỡi ngựa dừng cương. Con ngựa dỏng tai nghe ngóng, ngoái cổ lại. Cái đai ngực bạc và chiếc vành yên cao cao viền bạc theo kiểu kô-dắc bắt gặp một ánh trăng bỗng sáng lên trong bóng tối đường làng một tia trắng loé. Người cưỡi ngựa vắt dây cương trên vành yên, vội vã kéo cái mũ kô-dắc lông lạc đà cho tới lúc ấy vẫn thả trễ xuống bên vai, đội lên đầu sụp xuống mặt rồi thúc ngựa rảo nước kiệu. Qua khỏi chiếc xe trượt tuyết, y lại đi bước một như ban nãy, nhưng vẫn không hạ mũ xuống.
Vào tới trong ấp, y hỏi một bà đang đi ngược lại:
- Này, bác ơi, nhà ông Iakốp Ôxtơrốpnốp ở đâu, hả bác?
- Iakốp Lukits ấy hả?
- Phải, phải.
- Đấy, nhà ông ta ở sau cây dương kia kìa, lợp ngói đấy, ông trông thấy không?
- Thấy, cảm ơn bác.
Tới trước ngôi nhà rộng lợp ngói, y nhảy xuống, dắt ngựa qua cổng hàng rào và lấy cán roi gõ nhẹ vào cửa sổ.
- Ông chủ ơi! Iakốp Lukits, ra cho tôi hỏi tý.
Chủ nhà bước ra thềm, đầu trần, áo vét-tông vắt vai, nhìn chằm chằm khách lạ rồi bước xuống bậc tam cấp, vừa mỉm cười trong bộ râu điểm bạc, vừa nói:
- Ma đưa quỷ dẫn ông bà nào đến nhà tôi thế nhỉ?
- Không đoán ra à, Iakốp Lukits? Cho ngủ nhờ nào. Để con ngựa vào đâu cho ấm tí nhỉ?
- Không, anh đồng chí ạ, tôi không nhớ ra anh là ai. Chẳng hay có phải anh ở trên huyện không? Hay bên nông hội? Tôi hơi nhận ra rồi đấy…Tiếng anh nói nghe quen quen…
Khách nhếch đôi mép nhẵn thín, mỉm cười, lật mũ trùm ra:
- Pôlốptxép. Có nhớ không?
Iakốp Lukits bỗng nhớn nhác nhìn quanh, tái mặt đi, thều thào:
- Quan lớn! Ngài ở đâu tới thế vậy?...Bẩm ngài đại uý!..Ngựa để đấy con dắt…nhà có chuồng…Chà, thấm thoắt thế mà đã bao nhiêu năm rồi…
- Ấy, ấy, khe khẽ chứ! Ừ, lâu lắm rồi đấy… Có chăn đắp ngựa không? Nhà có ai lạ không?
Khách trao dây cương cho chủ. Con ngựa uể oải tuân theo những động tác của bàn tay lạ, đầu ngẩng cao, cổ vươn dài, và mệt nhọc lê đôi cẳng sau bước vào chuồng. Nó gõ móng lộp cộp vào sàn gỗ và, đánh hơi thấy cái mùi quen thuộc của một con ngựa khác, nó khịt nhặng xị lên. Bàn tay lạ đặt lên cái tảng của nó, những ngón tay thành thạo cẩn thận tháo cái hàm thiếc nhạt tanh, giải phóng cho đôi lợi ê ẩm của nó. Và con ngựa với một vẻ biết ơn sà vào đống cỏ khô.
- Con đã nói đai cho nó rồi, cứ để đóng yên như thế một lát, nó lại sức, ta sẽ tháo. – Chủ nhà vừa nói vừa chăm chút đắp lên lưng ngựa tấm chăn lạnh ngắt. Và sờ nắn bộ đồ thắng ngựa, thấy đai bụng bị kéo căng, dây treo bàn đạp trùng thõng hẳn xuống, lão tự xác định được ngay rằng ông khách đã từ xa đến và trong ngày hôm ấy đã phi một đoạn đường chẳng ngắn.
- Nhà có thóc không, Iakốp Lukits?
- Có tí ti. Ta cho nó uống nước đã, rồi cho ăn thóc. Nào mời ngài vào nhà, bây giờ xưng hô với ngài thế nào đây, thật cũng chẳng biết nữa… Gọi như trước thì không còn quen mồm, và cũng bất tiện… - Chủ nhà lúng túng mỉm cười trong bóng tối, dù biết rằng khách cũng chẳng trông thấy mình cười.
- Cứ tên cúng cơm mà gọi. Còn nhớ không? – Khách miệng hỏi chân bước đi trước ra khỏi chuồng ngựa.
- Quên sao được ạ! Dọt bọn Đức mãi với nhau mà, lại cả cái cuộc nội chiến này nữa…Tôi vẫn thường nhớ đến ông đấy Alếchxanđrơ Anhiximôvits ạ. Từ cái buổi chia tay nhau ở Nôvôrôxixcơ ấy, tôi chẳng được tăm hơi gì của ông. Tôi cứ ngỡ ông vượt biển sang Thổ Nhĩ Kỳ với anh em kô-dắc rồi.
Họ bước vào gian bếp có đốt lò ấm ran. Khách bỏ mũ trùm và cả chiếc mũ lông trắng đội trong ra, để lộ cái sọ chắc nịch, có góc có bướu, phủ một lớp tóc thưa bềnh bệch. Từ dưới cái trán hói đổ thẳng xuống như trán chó sói, đôi mắt đảo nhìn gian phòng. Và tươi cười nheo nheo đôi mắt màu xanh nhạt lấp lánh giận dữ trong hai ổ mắt sâu, y nghiêng đầu chào hai người đàn bà ngồi trên tấm ghế dài là mụ chủ nhà và nàng con dâu.
- Chào bà con mạnh khoẻ!
- Lạy Chúa, - mụ chủ nhà dè dặt đáp, đưa mắt nhìn chồng, chờ đợi, như muốn hỏi: “Ông dẫn ai về nhà thế vậy, và tiếp đãi người ta thế nào bây giờ cho phải?”.
Sau khi mời khách lên nhà trên ngồi vào bàn, lão chủ buông gọn một câu ra lệnh cho vợ:
- Dọn gì ăn đi.
Ngồi ăn xúp bắp cải thịt lợn, có mặt hai người đàn bà, khách chỉ nói chuyện thời tiết, chuyện bạn bè đồng đội. Cái hàm dưới bành bạnh của khách nom như đẽo bằng đá tảng, cử động một cách khó nhọc; khách nhai chầm chậm, uể oải, như một con bò mộng kiệt sức nằm trên ổ. Ăn xong, khách đứng dậy, ra trước tượng thánh đặt giữa những bông hoa giấy bám đầy bụi, cầu kinh, rồi phủi xong những vụn bánh mì bám trên tấm áo khoác cũ kỹ bó sát vai, nói:
- Iakốp Lukits, xin đa tạ về tấm lòng thành! Bây giờ ta nói chuyện.
Mụ chủ và cô con dâu líu tíu dọn bàn; và vâng theo đôi lông mày rướn lên ra hiệu của lão chủ, họ lảng xuống bếp.