Tâm hồn nhạy cảm và tính Đảng của người nghệ sỹ lớn đã thôi thúc nhà văn phải đến ngay với những sự kiện của phong trào cách mạng to lớn ấy. Bản thảo tập 3 của “Sông Đông êm đềm” đành phải tạm để lại một bên, tác giả lao vào đề tài mới.
Và M.Sô-lô-khốp đã đi tới nhiều vùng, thăm nhiều nông trang tập thể, tìm hiểu những sự việc, những con người… để phản ánh bước ngoặt lịch sử, khi những người nông dân cá thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dứt khoát từ bỏ chế độ tư hữu cùng nhau xây dựng nông trang tập thể.
Chế độ tư hữu là nguồn gốc sinh ra mọi đau khổ của loài người. Nhưng đoạn tuyệt với cái tâm lý tư hữu thâm căn cố đế ấy không phải là chuyện dễ dàng đơn giản; còn sức ỳ của những thành kiến, sức cản của những thói quen, sự chống đối của những kẻ chậm tiến, sự phá hoại của kẻ thù…vv và cả những non yếu, sai lầm của những người cộng sản trước sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ này…
Cần phải tiếp sức cho cách mạng vượt qua mọi trở ngại tiến lên, phải tiếp sức cho con người trong cuộc đấu tranh gay go quyết liệt này.
Mi-khai-in Sô-lô-khốp đã ý thức được điều ấy; và “Đất vỡ hoang” (tập 1) ra đời. Báo ‘Sự thật”, cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã xác nhận thành công của nhà văn qua lời nhận xét về cuốn sách ấy trong số báo ngày 3-3-1933:”Cuốn tiểu thuyết của Sô-lô-khốp có thể được xem như là một cuốn sách giáo khoa đặc biệt về nông thôn”. Thành công ấy cũng được thể hiện ở sự đón đọc nồng nhiệt của quần chúng; người ta đọc ở các đội sản xuất, ở các lán trại, trong giờ nghỉ ban đêm.v..v..
Bước vào tập thể hoá nông nghiệp, ấp Grêmiatsi Lốc lồng lộn như con ngựa bất kham. Nó chỉ vừa mới thoát ra khỏi nội chiến chưa được bao lâu, kẻ thù tuy bị thất bại thảm hại vẫn chưa cam chịu bó tay; nhiều người dân kô-dắc lầm lạc còn nhớ những bài học nóng hổi, nhưng vẫn chưa thật dứt khoát đi với Chính quyền xô-viết; biết bao nhiêu thành kiến, thói tục lỗi thời đang đè nặng lên người nông dân.
Ở Grêmiatri Lốc những con người mới cũng đã xuất hiện, nhưng họ còn ít quá. Hơn nữa, tuy đã được rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu nhưng mỗi người vẫn còn những chỗ non yếu của mình; và trước mặt họ là một công việc hoàn toàn mới.
Mặc dù vậy, tương lai thuộc về họ. Vì họ có đường lối đúng đắn sáng tạo của Đảng cộng sản, có tấm lòng trung thành vô hạn đối với giai cấp, với nhân dân, với cách mạng, có niềm tin vào quần chúng, có tinh thần sẵn sàng tự phê bình và phê bình để rút kinh nghiệm tiến lên.
Cuộc đổi đời, từ con người cá thể sang con người tập thể thật là vất vả, phải đổ mồ hôi và đổ máu (không phải là ngẫu nhiên mà ban đầu tác giả định đặt tên tác phẩm này là “Với mồ hôi và máu”). Nhưng cuộc đời mới đã thắng. Chủ nghĩa xã hội đã thắng.
Từ ấp Grêmiatsi Lốc đã ra đời cái nông trang tập thể ngày càng vững mạnh; những nông dân cá thể đã trở thành nông trang viên; một số người tiên tiến đã trở thành đảng viên cộng sản; chi bộ đảng lớn lên.
Tất nhiên là tầm nhìn mới, trình độ chín muồi cao hơn về nghệ thuật của tác giả và yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử mới cũng đã in dấu vào tập 2. Vì vậy trong cái hoàn chỉnh thống nhất chung, mỗi tập vẫn có nét đặc sắc riêng.
Nếu như ở tập 1 dồn dập sự kiện bề bộn sôi động của những ngày đầu thành lập nông trang, nổi bật lên những biến đổi xã hội, những sự kiện chính trị; thì sang tập 2 dòng tự sự chậm lại, đi sâu vào những câu chuyện tâm tình, đi sâu vào sự khám phá những ngóc ngách của lòng người; những vấn đề xã hội hiện ra qua những lời tâm sự; âm hưởng trữ tình nổi bật lên.
Nếu như trong tập 1 Đavưđốp còn đang phải vất vả đi tìm cái “chìa khoá” để mở lối vào lòng dạ những con người ở Grêmiatsi Lốc, anh còn loay hoay chưa biết làm sao để khám phá ra những bí mật giấu kín trong bao nhiêu kẻ quanh mình; thì sang tập 2, những con người ở nông trang đã cởi mở lòng mình ra với anh: Salưi, Arơgianốp, rồi Uxchin… trước mắt anh, những con người bình thường, có khi tưởng như là hâm hấp, bỗng hiện ra khác hẳn với sự phong phú và vẻ đẹp làm cho anh kinh ngạc xiết bao. Những thế giới tâm hồn bấy lâu vẫn khép kín với nhiều điều kỳ lạ bí ẩn, có những điều tưởng là sống để dạ chết mang theo, - đã mở ra với Đavưđốp. Qua những thử thách, bằng kinh nghiệm của bản thân, các nông trang viên đã nhận Đavưđốp là người của mình.
Ngòi bút sáng tạo của Sô-lô-khốp đã chỉ ra cái “chìa khoá” giúp cho người cộng sản mở được những cái kho những kinh nghiệm, hiểu được những suy nghĩ của quần chúng; làm cho người cộng sản trở thành điểm hội tụ của tâm hồn, trí tuệ quần chúng. Quần chúng đã giúp cho Đavưđốp thấy được cái “lò xo” bí mật bấy lâu vẫn hoạt động cản trở công việc của anh, phát hiện được âm mưu phản loạn của kẻ thù.
Cái trào phúng dí dỏm, cũng như cái trữ tình thiết tha sâu lắng hay cái hiện thực nghiêm ngặt v.v của Sô-lô-khốp bao giờ cũng thấm đượm một tính triết lý thâm thuý, có sức lay động đến tận những chốn sâu thẳm của tâm hồn, buộc người ta phải suy nghĩ băn khoăn cùng với tác giả, và theo sự định hướng của tác giả.
Nhờ vậy mà “Đất vỡ hoang” tuy phản ánh một khoảnh khắc của lịch sử ở một thôn nhỏ vùng sông Đông mà đã vượt qua được thử thách của thời gian và sự sàng lọc của lịch sử để trở thành tài sản tinh thần chung của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Đavưđốp, Nagunốp, Radơmiốtnốp, Maiđanhicốp, Varia, Suka, và cả Luska nữa, cùng với bao nhiêu nhân vật khác của Sô-lô-khốp đã được vào cuộc đời và sẽ còn đi mãi giữa cuộc đời với bao nhiêu bạn đọc ở nhiều phương trời trên thế giới.
Và tác giả đã không phụ lòng tác giả, đã thể hiện được điều ông hằng mơ ước:
“Tôi mong muốn những cuốn sách của mình giúp được cho con người trở nên tốt hơn, tâm hồn họ trong sáng hơn, khơi dậy được tình yêu thương đối với con người, khát vọng chiến đấu tích cực vì lý tưởng nhân đạo chủ nghĩa, vì sự tiến bộ của nhân loại”
“Đất vỡ hoang” đến với bạn đọc Việt Nam vào những năm 1959-1962, nhưng dịch qua bản tiếng Pháp. Lần này “Đất vỡ hoang” được dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
Nguyễn Duy Bính