Vì quyền lợi của chính ông, ông ngoại ạ. - Chúng bảo thế. Tất nhiên là chúng nói thế. Chẳng phải đấy là câu người ta hay nói khi tìm ra cách loại bỏ một vấn đề biết đi và biết nói ư?
Đã hơn hai năm một chút. Điều kì dị là tôi không biết cảm giác như hai năm, hoặc dài hơn, hay ngắn hơn. Ý thức về thời gian của tôi có vẻ đang tan chảy, như hình nộm người tuyết của trẻ em vào giai đoạn băng tan trong tháng giêng. Như thể thời gian mãi mãi như trước - giờ Eastern Standard Time, giờ Daylight Saving Time, giờ Working - Man Time - không còn hiện hữu nữa. Ở đây chỉ có giờ của Georgia Pines, tức là giờ của Lão Ông, giờ của Lão Bà, và giờ Đái Dầm. Phần còn lại... đã trôi đi.
Đây là một nơi khốn kiếp, đầy nguy hiểm. Thoạt đầu bạn không nhận ra điều đó, thoạt đầu bạn tưởng nó chỉ là một nơi chốn buồn tẻ, chỉ nguy hiểm bằng nhà trẻ vào giờ ngủ trưa, nhưng vẫn là nguy hiểm, đúng vậy. Tôi đã thấy nhiều người trôi tuột vào tình trạng lão hóa từ khi đến đây, đôi khi họ còn làm nhiều hơn là trôi tuột - đôi khi họ lao xuống với tốc độ của một chiếc tàu ngầm bị đắm. Họ đến đây phần lớn vốn ổn thỏa - mắt mờ và dính liền với gậy chống, có thể lỏng lẻo một chút ở bàng quang, nhưng mặt khác vẫn ổn thỏa - thế rồi điều gì đó xảy ra với họ. Một tháng sau, họ chỉ còn ngồi lì trong phòng TV, trân trối nhìn Oprah Winfrey trên TV bằng những con mắt đờ đẫn, quai hàm xệ xuống, với một li nước cam bị quên lãng, ngả nghiêng và nhỏ giọt trên một bàn tay. Một tháng sau nữa, bạn phải nhắc tên con cái khi chúng đến thăm họ. Rồi một tháng sau đó, bạn phải nhắc họ nhớ lại tên của chính họ. Điều gì đó xảy ra cho họ, thế đấy: Georgia Pines xảy ra với họ. Thời gian ở đây giống như một thứ acid yếu, trước hết bào mòn kí ức, sau đó là khát vọng được sống.
Ta phải chiến đấu. Tôi nói như thế với Elaine Connelly, người bạn đặc biệt của tôi. Tôi đã khỏe hơn từ khi bắt đầu viết lại những gì xảy ra cho tôi vào năm 1932, năm mà John Coffey đến Dặm Đường Xanh. Một số hồi tưởng thì tồi tệ, nhưng tôi cảm thấy chúng mài bén tâm trí và nhận thức của mình, theo cách một con dao gọt nhọn cây bút chì, điều đó làm dịu bớt nỗi đau đớn. Tuy nhiên, chỉ viết lách và hồi tưởng thì chưa đủ. Tôi cũng có một thể xác, dù bây giờ có lẽ đã tàn tạ và dị hình, nhưng tôi vận động hết sức có thể. Thoạt đầu là điều khó khăn - những lão già hủ lậu như tôi không khá gì khi tập thể dục chỉ vì chính bản thân sự tập thể dục - nhưng dạo này đã dễ dàng hơn, vì những bước đi của tôi đã có mục đích.
Tôi ra ngoài trước bữa ăn sáng - ngay lúc vừa sáng, phần lớn số ngày - để tản bộ lần đầu. Sáng nay trời mưa, độ ẩm làm các khớp xương tôi đau nhức, nhưng dù sao tôi vẫn lấy áo mưa poncho để trên kệ bên cửa nhà bếp và ra ngoài. Khi một con người có công việc, anh ta phải làm, và nếu nó gây đau đớn thì quá tệ hại. Vả lại, còn có phần thưởng. Điều chính yếu là giữ được ý thức Giờ Thật, ngược lại với Giờ Georgia Pines. Và tôi thích trời mưa, dù đau hay không đau. Đặc biệt vào sáng sớm, khi ngày còn mới và dường như đầy ắp các khả năng, thậm chí cho cả một lão già mòn mỏi như tôi.
Tôi đi qua nhà bếp, dừng lại để xin một trong những anh đầu bếp ngái ngủ hai khoanh bánh mì nướng, rồi bước ra ngoài. Tôi băng qua sân chơi bóng croquet, rồi qua một bãi cỏ nhỏ um tùm cỏ dại. Phía bên kia là một khoảnh rừng có lối đi hẹp ngoằn ngoèo xuyên qua, và một vài căn nhà gỗ không còn sử dụng, lặng lẽ đổ nát dọc theo con đường. Tôi chậm chạp bước trên lối đi, lắng nghe tiếng mưa rơi tí tách trơn tru và bí mật trên hàng thông, nhai mẩu bánh bằng những cái răng còn lại. Chân tôi đau, nhưng là cơn đau nhẹ, có thể chịu đựng. Phần nhiều tôi cảm thấy khá khỏe. Tôi hít sâu thứ không khí xám xịt ẩm ướt, nuốt vào như thực phẩm.
Khi đến ngôi nhà gỗ thứ hai, tôi bước vào trong đó một lúc, rồi chăm sóc công việc của mình ở đấy.
Hai mươi phút sau, khi trở về trên lối đi đó, tôi cảm thấy con sâu đói ngọ nguậy trong bụng và nghĩ mình có thể ăn một thứ gì có chất lượng hơn bánh mì nướng một chút. Một đĩa bột yến mạch, thậm chí có thể là một quả trứng kèm xúc xích bên cạnh. Tôi thích xúc xích, luôn luôn thích, nhưng dạo ấy nếu ăn hơn một cái, tôi dễ dàng bị đau quặn. Tuy nhiên một thì đủ an toàn. Rồi với cái bụng no nê và không khí ẩm ướt vẫn còn làm hưng phấn não bộ (hoặc tôi hi vọng thế), tôi sẽ đến nhà kính và viết về cuộc xử tử Eduard Delacroix. Tôi sẽ viết hết sức nhanh, để không mất can đảm.
Tôi đang nghĩ về ông Jingles khi băng qua sân chơi bóng croquet đến cửa nhà bếp - Percy Wetmore đã giẫm đạp lên con chuột, làm gãy lưng nó như thế nào, và Delacroix đã gào rống thế nào khi gã nhận ra điều kẻ thù gây ra - và không thấy Brad Dolan đang đứng đó, nửa người bị che khuất bởi cái thùng rác hiệu Dumpster, cho đến khi gã đưa tay ra, chụp lấy cổ tay tôi.
Ra ngoài đi dạo một chút hả, Paulie? - Gã cất tiếng hỏi.
Tôi vùng ra sau, giật tay ra khỏi tay gã. Một phần do bị bất ngờ - bất cứ ai cũng sẽ vùng ra khi bị bất ngờ - nhưng chưa phải là tất cả. Tôi thường suy nghĩ về Percy Wetmore, bạn nên nhớ điều đó và chính tên Brad luôn luôn khiến tôi nhớ đến Percy. Một phần vì Brad luôn luôn rảo khắp nơi với một quyển sách nhét trong túi (với Percy luôn luôn là tạp chí phiêu lưu mạo hiểm của đàn ông; với gã Brad là sách truyện khôi hài, vốn chỉ khôi hài khi ta ngu ngốc và độc ác), một phần vì gã ra vẻ như đại ca của một lũ vô lại, nhưng phần lớn vì gã lén lút, và gã thích xúc phạm người khác.
Gã chỉ vừa đến nơi làm việc, tôi thấy rõ, vì thậm chí gã chưa mặc áo trắng hộ lí. Trên người gã vẫn còn quần jeans và một chiếc áo sơ mi phong cách Tây rẻ tiền. Trong tay gã là phần còn lại của chiếc bánh ngọt Danish mà gã vừa thuổng của nhà bếp. Gã đứng dưới đầu hồi, ăn bánh ở nơi không bị ướt. Và là nơi gã có thể theo dõi tôi, bây giờ thì tôi biết chắc như thế. Tôi cũng biết chắc một điều khác: phải đề phòng Ô. Brad Dolan. Gã không ưa tôi lắm. Không biết tại sao, nhưng tôi cũng không bao giờ biết tại sao Percy Wetmore không ưa Delacroix. Và ghét là một từ quá nhẹ. Percy căm thù Del từ giây phút đầu tiên gã người Pháp nhỏ bé đến Dặm Đường Xanh.
- Ông mặc áo mưa poncho này làm gì, Paulie? - Gã hỏi, búng tay vào cổ áo. - Thứ này không phải của ông.
- Tôi lấy nó trong hành lang bên ngoài nhà bếp. - Tôi trả lời. Tôi căm ghét khi gã gọi tôi là Paulie và tôi nghĩ gã biết điều đó, nhưng không dại gì tạo cơ hội cho gã được thỏa mãn. - Có cả một dãy áo đó. Tôi không làm hỏng cái nào, anh bảo có phải không? Xét cho cùng, nó được làm ra để dùng khi trời mưa.
- Nhưng nó không được làm ra cho ông, Paulie. - Gã nói, búng thêm một cái vào cổ áo. - vấn đề là chỗ đó. Những cái áo mưa đó dành cho nhân viên, không phải cho bệnh nhân nội trú.
- Tôi vẫn không thấy điều gì có hại.
Gã cười mím môi.
- Không phải chuyện có hại, mà là kỉ luật. Cuộc sống sẽ là gì nếu không có kỉ luật? Paulie, Paulie, Paulie. - Gã lắc đầu, như thể chỉ việc nhìn tôi đủ làm gã cảm thấy ân hận vì được sống. - Có lẽ ông tưởng một lão già dịch như ông không cần quan tâm đến kỉ luật nữa, nhưng thế là không đúng. - Paulie.
Gã cười với tôi. Ghét tôi. Thậm chí có lẽ căm thù tôi. Và tại sao? Tôi không biết. Đôi khi không có lí do. Đấy là điều hãi hùng.
- Phải, tôi xin lỗi nếu là vi phạm kỉ luật. - Tôi đáp. Giọng tôi nghe than vãn, hơi the thé; và tôi tự ghét mình vì đã phát ra giọng nói như thế, nhưng tôi đã già, mà người già thì dễ dàng than vãn. Người già dễ dàng sợ sệt.
Brad gật đầu.
- Lời xin lỗi được chấp nhận. Bây giờ ông hãy treo áo trở về chỗ cũ. Dù sao thì không có việc gì phải ra ngoài đi dạo dưới mưa. Đặc biệt trong khu rừng đó. Nếu ông trượt ngã và gãy cái hông khốn kiếp thì sao? Ông nghĩ ai sẽ phải vác cái thân già nua của ông leo qua đồi?
- Tôi không biết. - Tôi nói. Tôi chỉ muốn tránh xa gã. Càng nghe gã nói, càng thấy giọng điệu của gã giống như Percy. William Wharton, gã điên xuất hiện trên Dặm Đường Xanh vào mùa thu năm 1932, đã có lần vồ lấy Percy, và làm hắn sợ đến nỗi tè ra quần. Các anh mà kể cho bất cứ ai nghe, Percy nói với bọn tôi sau đó, trong vòng một tuần, tất cả sẽ phải sắp hàng lĩnh bánh mì từ thiện. Bây giờ, sau nhiều năm, tôi hầu như có thể nghe được Brad Dolan thốt ra cùng thứ lời lẽ đó, cùng giọng điệu đó. Sự kiện như thể bằng cách viết về những thời kì xa xưa, tôi đã mở cánh cửa siêu hình nào đó nối liền quá khứ với hiện tại - Percy Wetmore với Brad Dolan, Janice Edgecombe với Elaine Connelly, trại giam Cold Mountain với nhà dưỡng lão Georgia Pines. Và đêm nay, nếu ý nghĩ đó không làm tôi mất ngủ thì tôi đoán không gì có thể.
Tôi làm ra vẻ đi vào trong qua cửa nhà bếp nhưng Brad lại chụp lấy cổ tay tôi. Tôi không biết về lần chụp tay đầu tiên, nhưng lần này gã ra tay có dụng ý, bóp mạnh để làm đau. Mắt gã láo liên để biết chắc không có ai ở quanh đấy trong cái ẩm ướt sáng sớm, để không ai có thể thấy gã đang ngược đãi một trong những người già mà gã có bổn phận chăm sóc.
- Ông làm gì ở lối đi đó? - Gã hỏi. - Tôi biết ông không ra đó để thủ dâm, những ngày đó qua lâu rồi, vậy ông làm gì?
- Không có gì. - Tôi trả lời, tự nhủ phải giữ bình tĩnh, để không cho gã thấy đang làm tôi đau biết bao, để nhớ là gã chỉ đề cập đến lối đi, gã không biết có ngôi nhà gỗ. - Tôi chỉ đi dạo. Để tâm trí được sáng suốt.
- Chuyện đó quá trễ rồi, Paulie. Tâm trí ông sẽ không bao giờ sáng suốt lại. - Gã bóp chặt cái cổ tay già nua của tôi lần nữa, nghiền nát những cái xương giòn, cặp mắt vẫn đảo qua đảo lại vì muốn biết chắc mình được an toàn. Brad không sợ vi phạm kỉ luật, gã chỉ sợ bị bắt gặp đang vi phạm. Và trong chuyện đó, gã giống như Percy Wetmore, kẻ không bao giờ để cho bạn quên gã là cháu của Thống đốc. - Già khọm như ông mà còn nhớ mình là ai thì quả là phép lạ. Ông đã quá già. Kể cả ở một nhà bảo tàng như nhà này. Ông làm tôi sởn tóc gáy chết tiệt đấy, Paulie.
- Thả tôi ra. - Tôi nói, cố gắng không thốt ra giọng than vãn. Cũng không chỉ vì lòng kiêu hãnh. Tôi nghĩ nếu nghe được, có thể gã sẽ bị khích động, theo kiểu mùi mồ hôi thỉnh thoảng có thể kích động một con chó xấu tính - một con chó mà ở hoàn cảnh khác chỉ gầm gừ - cắn xé. Điều đó khiến tôi nghĩ đến một phóng viên viết bài về vụ xử án John Coffey. Phóng viên đó là một con người khủng khiếp tên Hammersmith, và điều khủng khiếp nhất về anh ta là ở chỗ anh ta không biết mình khủng khiếp.
Thay vì buông ra, Dolan lại bóp chặt cổ tay tôi. Tôi rên lên. Tôi không muốn, nhưng không thể. Cơn đau lan xuống tận mắt cá chân.
- Ông làm gì dưới kia, Paulie? Nói tôi nghe.
- Không làm gì cả! - Tôi đáp. Tôi không khóc, chưa khóc, nhưng e rằng tôi sẽ sớm bật khóc nếu gã cứ tiếp tục đè mạnh như thế. - Không có gì. Tôi chỉ đi dạo, tôi thích đi dạo, thả tôi ra!
Gã buông ra, nhưng chỉ vừa đủ lâu để chụp lấy bàn tay kia của tôi. Bàn tay này đang nắm.
- Mở ra. - Gã nói. - Cho Bố xem.
Tôi mở ra và gã cằn nhằn với vẻ ghê sợ. Chẳng có gì ngoài phần còn lại của khoanh bánh mì thứ hai. Tôi đã siết chặt nó trong bàn tay phải khi gã bắt đầu bóp cổ tay trái của tôi, và chất bơ - à, ở đây họ không có bơ thật, dĩ nhiên - dính đầy các ngón tay.
- Vào trong kia rửa bàn tay trời đánh của ông đi. - Gã nói, lùi lại và bắt đầu cắn thêm một miếng bánh ngọt Danish. - Lạy Chúa.
Tôi bước lên các bậc thềm. Chân tôi run rẩy, tim đập thình thịch như động cơ hở van và piston cũ lung lay. Trong lúc tôi nắm quả đấm cửa mở vào nhà bếp - và sự an toàn - thì Dolan đe dọa tôi:
- Paulie này, ông mà kể cho bất cứ ai nghe tôi bóp cái cổ tay già nua của ông, tôi sẽ bảo họ rằng ông bị ảo tưởng. Sự khởi đầu chứng lẫn trí ở người già, chẳng hạn. Và ông biết người ta sẽ tin tôi. Nếu có vết bầm, họ sẽ nghĩ do ông tự gây ra.
Vâng. Những chuyện đó có thật. Và một lần nữa, có lẽ đây là Percy Wetmore đang thốt ra lời, một gã Percy bằng cách nào đó trẻ trung và độc ác mãi, trong khi tôi già đi và dễ vỡ.
- Tôi không kể bất cứ điều gì cho bất cứ ai nghe. - Tôi lẩm bẩm. - Không có gì để nói.
- Đúng vậy, lão già cưng. - Giọng gã nhẹ nhàng và giễu cợt, cái giọng của một tên cả ngố (sử dụng ngôn từ của Percy), kẻ tưởng mình sẽ trẻ mãi không già. - Và tôi sẽ tìm hiểu ông có mưu mô gì. Tôi sẽ xem đó là việc của tôi. Ông nghe không?
- Tôi có nghe, được rồi, nhưng không để cho gã thỏa mãn vì đã nói như thế. Tôi vào trong, đi qua nhà bếp (tôi ngửi được mùi trứng và xúc xích đang làm, nhưng không thèm ăn nữa), rồi treo chiếc áo mưa poncho lên móc của nó. Sau đó tôi lên cầu thang đến phòng của mình - nghỉ chân trên từng bậc, để tim có thì giờ đập chậm lại và thu thập các tư liệu bài viết của mình.
Tôi đi xuống dưới nhà, đến nhà kính và vừa ngồi vào chiếc bàn nhỏ bên cửa sổ thì bà bạn Elaine của tôi thò đầu vào. Bà ấy có vẻ mệt mỏi và tôi nghĩ, bà không được khỏe. Bà đã chải đầu nhưng vẫn còn mặc áo ngủ. Tình nhân già chúng tôi không coi trọng nghi lễ; phần lớn vì chúng tôi không có tiền.
- Em sẽ không làm phiền anh. - Bà lên tiếng. - Em thấy anh đang chuẩn bị viết...
- Đừng ngớ ngẩn. - Tôi nói. - Tôi có thời gian nhiều hơn Carter có thuốc gan nữa kia. Vào đi.
Bà ấy vào, nhưng đứng cạnh cửa.
- Chỉ tại em không ngủ được và tình cờ nhìn ra cửa sổ hơi sớm một chút... và...
- Và cô thấy ông Dolan cùng tôi đang tán gẫu dễ chịu. - Tôi đáp. Tôi hi vọng bà ấy chỉ nhìn thấy, hi vọng cửa sổ phòng còn đóng và bà không nghe được tôi rên rỉ xin buông tha.
- Không có vẻ dễ chịu và không có vẻ thân thiện. - Bà thốt lên. - Paul, cái ông Dolan đó vẫn dò hỏi khắp nơi về anh. Gã hỏi em về anh - vào tuần trước. Lúc ấy em không nghĩ ngợi nhiều, chỉ cho là gã có cái mũi dài ghê tởm thọc vào chuyện người khác, nhưng bây giờ thì em thắc mắc.
- Hỏi về tôi? - Tôi hi vọng giọng mình nghe không bất an như tôi cảm thấy. - Hỏi gì?
- Trước hết là nơi anh đi dạo. Rồi tại sao anh đi dạo.
Tôi gắng sức cười.
- Đấy là một gã không tin vào việc tập thể dục, điều đó quá rõ.
- Gã nghi anh có bí mật. - Bà dừng lại. - Em cũng thế.
Tôi há miệng - để nói gì tôi cũng không biết - nhưng Elaine đã giơ một bàn tay xương xẩu nhưng đẹp một cách kì lạ lên, trước khi tôi kịp thốt ra lời.
- Nếu anh có, em không muốn biết nó là gì, Paul ạ. Việc của anh là việc của anh. Em được giáo dục theo chiều hướng đó, nhưng không phải tất cả mọi người. Anh hãy cẩn thận. Em chỉ muốn nói với anh thế thôi. Và bây giờ em sẽ để anh ở lại làm việc một mình.
Bà ấy quay đi, nhưng chưa kịp ra khỏi cửa thì tôi đã gọi tên. Bà quay lại, ánh mắt dò hỏi.
- Khi tôi viết xong. - Tôi cất giọng, rồi hơi lắc đầu. Nói thế là sai lầm. - Nếu tôi viết xong, cô sẽ đọc chứ?
Bà ra vẻ suy tính, rồi tặng tôi một nụ cười, kiểu cười khiến một gã đàn ông dễ dàng xiêu lòng, thậm chí già như tôi.
- Sẽ là một vinh dự cho em.
- Cô nên chờ đọc xong đã rồi nói chuyện vinh dự sau. - Tôi đáp và tôi nghĩ về cái chết của Delacroix.
- Dù sao em cũng sẽ đọc. - Bà ấy nói. - Từng chữ một. Em hứa đấy. Nhưng trước hết anh phải viết cho xong.
Bà để tôi lại với bài viết, nhưng phải mất một lúc lâu tôi mới viết nổi. Tôi ngồi nhìn trân trối ra cửa sổ trong gần một giờ, gõ nhịp bút vào cạnh bàn, ngắm nhìn ban ngày xám xịt tươi sáng lên một chút, nghĩ ngợi về Brad Dolan, kẻ gọi tôi là Paulie và không bao giờ chán những truyện tiếu lâm về những cái lỗ và sườn dốc, dân gốc Tây Ban Nha và dân gốc Irish, nghĩ ngợi về điều Elaine Connelly đã nói. Gã nghĩ anh có bí mật... Em cũng thế.
Và có lẽ là có. Phải, có lẽ tôi có. Và tất nhiên Brad Dolan muốn cướp lấy nó. Không phải vì gã nghĩ là quan trọng (và tôi nghĩ đúng là không quan trọng, ngoại trừ đối với tôi), nhưng vì gã nghĩ những người quá già như tôi không được có bí mật. Không được lấy áo mưa poncho ra khỏi móc bên ngoài nhà bếp; cũng không được bí mật. Không được có ý nghĩ đồng loại chúng ta vẫn còn là con người. Tại sao chúng tôi không được phép có ý nghĩ như thế? Gã không biết. Về điểm đó thì gã cũng giống như Percy.
Cứ như thế, dòng suy tưởng của tôi, như một dòng sông uốn hình chữ U, sau cùng dẫn trở về thời điểm khi Brad Dolan thò ra từ bên dưới đầu hồi, chụp lấy cổ tay tôi: đến Percy, Percy Wetmore tâm hồn - độc ác, và hắn đã trả thù kẻ dám cười chế nhạo hắn như thế nào. Delacroix đã ném cái ống chỉ màu mè - cái ống chỉ mà ông Jingles sẽ đi lấy về - và nó đã nẫy văng ra ngoài xà lim, lăn vào hành lang. Chỉ cần có thế, Percy đã thấy được cơ hội của hắn.