Ðại nghĩa diệt thân

Chương 5

Mặt trời đã đứng bóng rồi, Bà Nhiêu Giám chưa thấy con với dâu về. Bà nóng nảy nên cứ ra mé rạch đứng trên cầu thang mà ngó chừng. Còn ông Nhiêu thì vẫn cứ bình tỉnh, cứ ngồi dạy sắp nhỏ học, dường như không để ý đến việc chi hết.

Trời trịch bóng[1], nước vừa mới lớn. Thị Ðậu với Thị Trâm bơi xuồng về tới. Buộc xuồng vô cầu thang, chị em cầm giầm leo lên cầu, thì bà Nhiêu đã ra đón mà hỏi: „Kiếm gặp nó hay không?“ Hai chị em đồng đáp một lượt: „Thưa gặp“. Bà chau mày hỏi: „Sao không biểu nó về?“ Thị Trâm đáp lại: „Ảnh về chưa được. Ðể vô nhà con sẽ nói cho mẹ nghe“.

Hai nàng đi vô nhà cất giầm.

Bà Nhiêu ghé trường học cho ông Nhiêu hay. Ông Nhiêu liền đứng dậy theo bà vô nhà. Ông vừa ngồi thì bà kêu dâu với con biểu ra thuật hết chuyện đi Mỹ kiếm Ðạt cho ông nghe. Ông nói để cho chị em nó nấu cơm ăn rồi sẽ nói chuyện, vì ăn hồi khuya rồi đi tới bây giờ chắc chị em nó đói bụng.

Ðậu với Trâm ra. Trâm nói:

-         Chị em con ăn cơm rồi mới đi về đây nên không đói đâu cha. Tại cầm ở ăn cơm nên mới về trễ.

Bà Nhiêu ngạc nhiên hỏi con:

-         Ăn cơm ở đâu?

-         Thưa, ăn tại nhà chỗ anh Hai ở đậu đó. Chị chủ nhà tử tế theo cầm ở nấu cơm ăn rồi sẽ về. Chỉ nói quá nên không nỡ từ mà về được.

-         Sao thằng Ðạt không về? Nói phứt nghe thử coi.

-         Anh Hai ở đậu tại xóm chài; nhờ mua bán tôm cá nên ảnh quen với người em ruột của một ông Ðội trong cơ binh của Tây. Ảnh xin ở đậu tại nhà người đó mà đi câu cá đặng bán lấy tiền mà độ nhựt. Nhờ người đó ảnh mới được thân thiết với ông Ðội, rồi nhờ ông Ðội ảnh mới nghe tin tức của cụ Thủ Khoa và biết được tin bí mật khác nữa. Ông Ðội nói với ảnh là người ta biết dân trai tráng ở trong vùng mình đây đều theo đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa hết thảy. Nhưng lúc ruồng xét thì họ trốn đi mất hết không bắt được người nào. Người ta tính để êm ít ngày cho trai tráng trở về đủ, rồi người ta đem binh vây cả vùng mà bắt hết. Vì vậy mà anh Hai con phải trốn luôn ở ngoài Mỹ ít ngày cho yên thân, sợ về rồi lính vây bắt chạy không khỏi.

      Ông Nhiêu nói:

-         Nếu thiệt họ áp dụng ngụy kế như vậy thì phải cho chòm xóm hay đặng đề phòng, chớ để sắp em cháu thấy êm trở về láng cháng[2] bị bắt hết còn gì. Chiều con đi mời chú Tư Ðịnh lại đây đặng cậy chú thông tin trong làng cho bà con trong xóm hay. Còn việc cụ Thủ Khoa thì thằng Ðạt có nghe họ xử cách nào hay không? Vết thương của cụ nặng hay nhẹ?

Trâm tiếp nói:

-         Cũng nhờ ông Ðội mà anh Hai biết Tây bắt được cụ Thủ Khoa đem về để cụ nằm nhà thương đặng thầy thuốc săn sóc cụ cũng như săn sóc 17 tên lính Tây bị thương vậy.

-         Họ bị thương tới 17 người lận?

-         Thưa phải. Mà có 3 người bị nặng quá nên chết rồi.

-         Nếu vậy thì thiệt bên mình thắng mà. Chớ chi cụ Thủ Khoa khỏi bị đạn thì làm lễ ăn mừng được rồi. Còn bịnh cụ Thủ Khoa thế nào?

-         Ðạn xuyên qua bắp vế rồi lọt ra ngoài. Xức thuốc cụ ngồi được rồi, ăn ngủ như thường. Nhưng đợi vết thương lành rồi người ta mới cho đi đứng. Anh Hai nói khỏi lo cụ chết nhưng không biết bữa nào họ xử cụ. Bởi vậy anh căn dặn hai chị em con về thưa với cha đặng ảnh ở ngoài Mỹ thêm ít ngày đặng trước ảnh tránh sự lính đi xét bắt, sau ảnh chăm lo bổn mạng của cụ Thủ Khoa; nếu nghe lành dữ thế nào thì ảnh về thông tin cho cha hay liền.

-         Ðược. Nó ở ngoài Mỹ thì tiện đến hai bề. Về cũng không làm gì. Bây đã biết chỗ nó ở rồi. Sau muốn đi hỏi thăm cũng dễ.

      Bà Nhiêu hỏi:

-         Sao bây biêt chỗ nó ở mà đến chỗ đó kiếm?

      Thị Ðậu nói:

-         Hai chị em con ra tới Mỹ mới hừng đông. Bơi đi các chợ kiếm chiếc ghe lườn của mình. Kiếm tới sáng bét mà không thấy. Chị em con mới thay phiên nhau lên chợ rảo kiếm ảnh coi có ảnh bán tôm, cá hay không. Cũng không có. Kiếm tới tan chợ mà không được, mòn chí muốn về. Cô Trâm bày bơi thẳng ra vàm đặng dòm mé sông cái coi có thấy ghe của anh không. Ra tới vàm là tới chỗ xóm chài, thấy trên bờ có phơi lưới, dưới bến có ghe đậu. Thấy có chiếc ghe lườn của mình đậu, nên vô nhà mà kiếm mới gặp ảnh ở trần đương nằm ngủ.

      Bà Nhiêu hỏi:

-         Nó ở đậu rồi nấu cơm mà ăn hay sao?

-         Thế khi chủ nhà nấu rồi ảnh ăn chung với ngưòi ta. Mỗi bữa ảnh giăng câu đánh lưới, có tôm cá thì chủ nhà bán rồi mua gạo cho ảnh ăn, ảnh không có nói tới chuyện đó, không biểu đem gạo cho ảnh. Chắc bán tôm cá ảnh ăn không hết.

-         Còn dừa chuối bây chở đi bây bán được hay không?

-         Không có bán. Kiếm không được anh Ðạt chị em con buồn quá, tính chở về nhưng gặp ảnh con giao cho ảnh đặng buổi chợ mai ảnh nhờ người ta bán giùm.

-         Ừ, giao cho nó chớ chở về làm gì.

      Ông Nhiêu trở xuống trường học.

      Tâm chạy lên mừng mẹ. Thị Ðậu ôm con mà hun và nói:

-         Má đi chợ mà má không mua bánh cho con được. Về thấy con mới nhớ.

      Thị Trâm nói:

-         Kiếm không được ảnh mình buồn muốn chết, mà nhớ giống gì được. Hồi về ngang chợ tôi nhớ, mà bị về trễ sợ ở nhà trông nên tôi không ghé. Thôi để chuyến khác nghe hôn cháu.

      Tâm cười rồi chạy qua trường học mà học.

      Hai chị em xuống nhà dưới lo bữa cơm chiều.

      Xế mát chú Tư Ðịnh, là người ở gần, lại trường học kiếm ông Nhiêu mà hỏi coi ông cho mời có việc chi. Ông Nhiêu dắt chú ra ngoài nói nhỏ với chú rằng ông mới được tin hổm nay binh lính không lục soát nữa vì nhà cầm quyền Tây dùng chước quỷ, quyết để êm mà dụ hàng thanh niên cường tráng của ta trở về cho đủ đặng họ vây bắt cho tiệt đoàn nghĩa binh. Anh cậy chú truyền tin cho bà con em út trong xóm trong làng hay, rồi người nầy nói chuyện với người khác, khuyên hạng trai tráng phải coi chừng mà ẩn núp, không nên dễ ngươi mà bị bắt.

      Chú Tư Ðịnh có cháu trong đoàn nghĩa binh, nên nghe như vậy thì chú le lưỡi, chú nói chú sẽ đi truyền tin liền và hứa nhắn vô trong Bình Cách, nhắn qua bên Trân Ðịnh nữa, Ðêm đó ông Nhiêu nằm trên võng đưa trèo trẹo mà suy xét thời cuộc. Hay tin cụ Thủ Khoa bị thương không nặng chi lắm thì ông yên lòng, không biết chừng cụ lành mạnh không biết họ sẽ xử cụ như thế nào.

      Ông nghĩ tới Ðạt là con ông, thì ông rất hài lòng. Ông khen nó khôn ngoan, biết tráo trở, biết cang nhu ra chiến trường dám chết sống với người ta, khi thất thế biết ẩn nhẫn mà chờ vận, ẩn nhẫn mà cũng biết lo mưu mà giúp đảng viên, cứu tướng lãnh. Làm trai như vậy không đến nỗi tệ, không hổ với lương tâm, cũng không bạc với Ðất Nước.

      Ðêm sau, Ðỗ Chí Linh lén qua thăm ông Nhiêu đặng hỏi tin tức cụ Thủ Khoa. Ông Nhiêu đem những lời Ðạt nhắn về mà thuật hết cho Linh nghe. Ông cầm Linh ở lại ngủ rồi khuya hả về.

      Ông khuyên Linh có về Khánh Hậu mà ở nhà thì phải dè dặt, phải coi chừng vì theo tin Ðạt nhắn về, thì người ta âm mưu gài bẫy đặng bắt hết đoàn nghĩa binh của ta. Nói chuyên với Linh ông tỏ lời khen Ðạt khôn ngoan, biết kiếm thế thân thiết với một viên Ðội giúp việc cho Tây đặng có thể trợ tá cho cụ Thủ Khoa và nghe tin tức hiểm nguy rồi cho anh em nghĩa binh biết đặng tránh trước cho khỏi tai hoạ. Ông hỏi thăm hai Ðốc binh Thành với Thuận. Linh nói không có gặp nên không biết tản cư nơi nào. Ông Nhiêu nói nếu cụ Thủ Khoa trốn được hay là được giặc thả về, thì ông cho hay đặng gom tướng sĩ trong đoàn nghĩa binh lại mà chiến đấu nữa.

      Nhơn dịp cho Linh hay theo tin của Ðạt thì trận Bình Cách bên địch bị thương 17 người đem về nhà thương chết hết 3. Linh nói nếu vậy thì bên mình thắng, vì đêm đó Linh ở Tầm Vu, mấy ông già võng thương binh qua, Linh kiểm ghe đưa ra Miễu Ông thì chỉ có một người chết với 6 người bị thương mà thôi. Ðến đầu canh 5, Linh mới từ cha vợ mà về Khánh Hậu.

      Trót mấy đêm sau đêm nào ông Nhiêu Giám cũng nằm nghĩ về thời cuộc. Ông nhận thấy cụ Thủ Khoa cũng giống như Trương Công Ðịnh, ông Thiên Hộ Vương, hay là ông Nguyễn Trung Trực, cả thảy đều nhiệt tâm cứu quốc, song mỗi ông làm riêng một xứ, không liên lạc, không đoàn kết nới nhau, bởi vậy lực lượng không mạnh mẽ, lần lần sẽ bị giặc đánh tan hết, phải làm sao gom hết lực lượng lại rồi cử một người chỉ huy, làm như vậy mới chống với giặc nổi. Mà chỉ huy tối cao duy chỉ có cụ Thủ Khoa mới đảm đương được. Bây giờ cụ Thủ Khoa bị bắt rồi không biết chừng tha giết lẽ nào, nên khó mà thực hành ý nghĩa đó được.

      Có đêm ông Nhiêu muốn sai dâu hoặc con gái ra chợ Mỹ biểu Ðạt nên lập thế cho cụ Thủ Khoa trốn đặng về hội hiệp với nhau mà lo việc lớn. Muốn như vậy nhưng ông không biết cụ Thủ Khoa đã lành mạnh hay chưa bởi vậy ông do dự chưa quyết định.

      Từ bữa Thị Ðậu và Thị Trâm đi thăm Ðạt về đến nay đã mười ngày rồi. Bà Nhiêu muốn biểu hai chị em đi thăm nữa. Nhưng bà chưa nói ra thì trưa bữa đó, lúc ăn cơm ông Nhiêu nói với Thị Trâm:

-         Con biết chỗ anh Hai ở rồi cha muốn sai con ra nói chuyện với nó một chút.

      Thị Trâm hớn hở đáp:

-         Cha sai con đi con mừng lắm. Ði dễ quá thưa cha! Không ai tra xét gì hết. Nhưng con xin cha cho chị Hai đi với con đặng chỉ thăm ảnh một lát. Hơn nữa, hai chị em đi cho vui vì đường sông vắng vẻ lại, lại khuya đi tối mò, bơi xuồng một mình ghê quá.

-         Ðược, nếu con Hai không có chuyện gì thì đi với con.

      Bà Nhiêu nói:

-         Nhà có việc gì đâu. Ðể nó đi với con Trâm kiếm dừa chuối đem cho chủ nhà nghe hôn con. Bữa hổm ăn cơm của người ta. Nay mình ra thì phải cho chút đỉnh gì đó mà đền ơn”

Thị Ðậu nói:

-         Con muốn đem thằng Tâm theo đặng nó thăm cha nó. Bữa hổm cha nó có hỏi nó.

Ông Nhiêu cản:

-         Thôi để nó ở nhà nó học, đem theo làm chi. Cha nó có nhớ thì về mà thăm. Ði xuồng nắng gió sợ nó bịnh.

Thị Trâm nói:

-         Ðể trưa con kiếm chuối đốn đem cho. Biết chỗ rồi không cần gì phải đi khuya quá như hôm trước, để trời gần đám mây ngang rồi sẽ đi. Cha biểu con ra nói chuyện chi với anh Hai con?

Ông Nhiêu suy nghĩ một chút rồi nói:

-         Hỏi nó coi nó nói họ để êm cho bọn trai trẻ trong vùng nầy để trở về, rồi họ có bố lớn mà bắt cho sạch, nhưng tại sao hổm nay chưa thấy gì hết. Nếu nó liệu nó ở ngoài Mỹ được an thân, lại có thể giúp ích cho đại cuộc được, thì nó cứ ở thêm ít ngày, về nguy hiểm chớ không ích gì. Sau hết phải nói rõ với nó về chuyện nầy: cha nghiên cứu thời cuộc, cha nhận thấy cụ Thủ Khoa là người trọng yếu của kháng chiến. Nếu không có cụ, thì sợ đại cuộc hư hỏng hết. Vậy cha muốn thằng Ðạt nhơn được thân thiết với ông Ðội nào đó, nó nên lập thế làm cho cụ Thủ Khoa lén trốn ra khỏi nhà thương rồi nó chở cụ về đây cho cha. Nó làm được việc đó thì nó có công lớn với cuộc cứu quốc. Hai con nhớ nói với nó rằng cha trông cậy nó làm cho được việc đó. Miễn là nó chở cụ về đây cho cha mà thôi, cha làm sao cha làm, nó khỏi lo nữa. Hai con nhớ hôn?

      Thị Trâm với Thi Ðậu đều nói nhớ và hứa sẽ nói gắt với Ðạt.

      Ăn cơm xong hai chị em ra sau vườn kíếm đốn được một buồng chuối già[3]. Còn dừa thì mấy quày dừa xiêm còn non, nên phải bẻ 5 trái dừa ta đem cho đỡ.

      Khuya lại hai nàng dậy sớm, nấu cơm ăn cho thiệt no, hứa với nhau rằng lần nầy ra nói chuyện thì về liền, dầu cầm cọng thế nào cũng không ở ăn cơm như lần trước.

      Thị Trâm xin mẹ cho tiền đặng mua bánh cho cháu Tâm. Bà Nhiêu vô buồng xách ra một quan tiền kẽm, đem hết theo để mua thịt về cho cha ăn một bữa.

      Ông Nhiêu thì nhắc lại mấy điều ông đã nói hồi ăn cơm trưa và căn dặn phải nhớ và nói lại với Ðạt, nhứt là phải nói rán lập thế giải thoát cho cụ Thủ Khoa rồi chở cụ về giao cho ông đặng ông lo mưu tổ chức lại cuộc kháng chiến cho có qui tắc hẳn hoi cho có lực lượng hùng hậu.

      Thị Ðậu với Thị Trâm đem dừa chuối xuống sẵn rồi nhưng đợi trời hừng đông mới đi thưa với cha mẹ mà đi. Nhờ gặp nước xuôi nên vừa đông chợ thì hai chị em đã ra tới Mỹ Tho. Trâm nói với chị rằng mình quyết định kỳ nầy ra nói chuyện thì về liền, không ở ăn cơm. Vậy thì nên đi luôn ra xóm chài nói chuyện với Ðạt rồi trở lại sẽ ghé chợ mua thịt mua bánh mà về.

      Chị em bơi xuồng đi thẳng ra vàm[4]. Thấy chiếc ghe lườn của Ðạt đậu đó, chị em mới đâm xuồng vô cặp một bên buộc dây xếp giầm, rồi lụi hụi xách dừa chuối đem lên nhà.

      Ðạt đương ngồi chồm hổm tại cửa, nghe lộp cộp dưới bến thì đứng dậy mà coi thấy vợ với em đang xách chuối ôm dừa lên bờ thì chàng đi ra đón mà mừng. Chàng hỏi cha mẹ mạnh khoẻ thế nào, sao không đem Tâm theo chơi, kẻ hỏi người đáp lăng xăng. Chàng rước[5] lấy bớt mà cầm hai tay hai trái dừa rồi cùng nhau đi vô nhà.

      Thị Trâm hỏi anh:

-         Chị chủ nhà có ở nhà hay không?

-         Sớm mơi phải đem cá tôm ra chợ mà bán. Ở nhà sao được. Hai em chưa ghé chợ hay sao?

-         Chưa đi thẳng vô đây thăm anh rồi trở về sẽ ghé.

-         Nói chuyện gì?

-         Cha hỏi anh coi tại sao bữa hổm anh nói binh lính Tây sắp vô bố gắt cả vùng trong mình mà vẫn êm ru, không thấy gì hết.

-         Ở trỏng trông Tây vô bố lắm hay sao?

-         Trông làm chi? Bố thì gây tai hoạ chớ lợi ích gì mà trông. Tại bữa hổm anh nói họ để êm đặng nhử anh em trong đoàn nghĩa binh tựu về rồi họ vây bắt hết. Chị em tôi về nói lại với cha. Cha sợ hàng trai tráng mang hoạ nên khuyên tản mác hết. Té ra 10 bữa rồi mà chưa thấy bố. Ý cha muốn biết coi như họ bỏ ý định trước, họ không tính vô bố nữa, thì cha kêu mấy anh em về đặng làm ăn. Lúc nầy phải móc mương vườn phải dắp bờ ruộng, mà dân tản cư hết không có ai làm thì khổ lắm. Ai cũng than.

-         Ðời ly loạn, phải rán mà chịu, chớ biết làm sao? Hai em về thưa với cha rằng họ chưa bỏ ý định đó đâu. Hổm nay họ chưa ruồng miệt mình là vì họ mắc đi chỗ khác. Không biết chừng nay mai đây họ sẽ tới. Vậy qua phải ở ngoài nầy trong một thời gian nữa, chớ chưa dám về.

-         Cha có nói nếu anh liệu phải ẩn núp ngoài nầy cho an thân, và ở đặng nhờ thân thế mà chăm nom cụ Thủ Khoa thì anh cứ ở, không cần phải về gấp. Nhưng cha dặn gấp anh một điều nầy là anh được thân thiết với ông Ðội, vậy anh rán lo mưu giải thoát cho ông cụ Thủ Khoa. Anh làm sao cho cụ trốn ra ngoài rồi anh lấy ghe đưa cụ về giao cho cha. Cha nói anh làm được việc đó thì anh có công lớn nhứt trong cuộc kháng chiến.

      Ðạt nghiêm nét mặt ngồi suy nghĩ.

      Thị Ðậu tiếp với Trâm và nói:

-         Cha nói cụ Thủ khoa là trụ cột của cuộc cứu quốc. Phải có cụ thì đại sự mới thành, vì cụ có đủ tài lược mà gánh vác việc lớn. Nếu không có cụ thì mọi việc hư hỏng hết. Cha cứ theo căn dặn phải nhớ mà nói gắt với anh nên cần lo làm sao đem cho được cụ Thủ khoa ra ngoài rồi chở về giao cho cha. Cha muốn việc đó lung lắm, vậy anh phải rán làm cho cha đắc chí. Cha nói hễ anh chở được cụ Thủ khoa về giao cho cha rồi thì cha lo làm việc gì, đó là phận sự của cha, anh khỏi phải lo nữa. Bữa nay cha sai hai chị em tôi đi đây là cần nói với anh chuyện đó. Vậy anh phải rán làm cho vừa ý cha.

      Ðạt thở một hơi dài và nói:

-         Việc cha biểu đó khó lắm, chớ có phải dễ đâu. Nhà thương ở trong thành lính canh gác gắt lắm, qua có vô được đâu. Qua chỉ nhờ ông Ðội mới biết được tin tức của cụ Thủ khoa. Hôm qua ông Ðội nói cụ đi được rồi, nhưng đi trong phòng cho quen chưn, chớ quan thầy chưa cho ra ngoài. Vậy hai chị em về thưa với cha để thủng thẳng cho qua tính chớ gấp quá thì không thể làm được. Phải rình mò chờ gặp cơ hội thuận tiện thì qua làm. Qua sẽ làm cho vui lòng cha, sau có công với nước nhà.

      Thị Ðậu với Thị Trâm nghe Ðạt chịu làm theo lời cha dặn thì mừng, nên bàn tính với nhau ra chợ mua đồ rồi về cho sớm, trước khỏi bị chủ nhà về gặp rồi cầm ở ăn cơm, sau khỏi cha mẹ đợi trông như bữa hổm.

      Hai nàng đứng dậy từ mà về. Trâm nói với Ðạt:

-         À! chị chủ nhà về, anh nói giùm chị em tôi gởi lời thăm chỉ và đem buồng chuối với ít trái dừa cho chỉ ăn chơi.

-         Dừa chuối nầy cho hay sao?

-         Cho chị chủ nhà.

-         Bữa hổm qua để một buồng chuối với quày dừa qua ăn, đem bán có 2 buồng chuối. Ðể qua đưa tiền cho em đặng ghé chợ mua bánh đem về cho thằng Tâm.

-         Thôi, thôi, có tiền dưới xuồng. Hồi khuya mẹ có đưa đem theo một quan đặng mua thịt mua bánh.

-         Có tiền thì thôi sao không cho thằng Tâm theo chơi?

      Thị Ðậu nói:

-         Tôi muốn đem đi. Cha không cho. Cha nói đi nắng gió sợ nó nhức đầu.

      Ðạt đưa vợ xuống xuồng đi rồi, chàng trở vô nhà nằm gác tay lên trán mà suy tính.

            Ðậu với Trâm trở vô chợ, trâm ngồi giữ xuồng, để cho Ðậu lên chợ mua thịt, cốm và bánh cam, rồi chị em bơi riết về Tịnh Giang.

            Vợ chồng ông Nhiêu thấy lần nầy con với dâu về sớm thì ông bà vui mừng, Ðậu đem thịt xuống nhà dưới mà cất, đặng ăn cơm rồi sẽ xắt mà kho. Còn Trâm lấy dĩa sắp cốm với bánh, đưa cho Tâm một cái bánh cam và để hai dĩa trên ván mời cha mẹ ăn uống nước.

            Ông Nhiêu nóng nảy nên thối thúc nói cho ông nghe coi mấy điều ông dặn đó đạt tính thế nào.

            Trâm mới nói binh lính chưa vô ruồng[6] miệt trong nầy là vì mắc đi nhiều chỗ khác. Thế nào không mau thì lâu người ta cũng sẽ tới. Vậy Ðạt xin ở ngoài Mỹ ít ngày nữa, trước được an thân, sau chăm nom cụ Thủ khoa. Còn việc lập thế cho cụ thủ khoa trốn, việc đó khó lắm vì cụ nằm nhà thương ở trong thành, mà chung quanh thành canh giữ nghiêm nhặt lắm. Theo tin ông Ðội cho hay hôm qua thì cụ Thủ khoa đi được rồi, nhưng quan thầy biểu đi trong phòng chớ chưa cho ra ngoài. Tuy khó làm cho cụ trốn được, song Ðạt hứa sẽ rán sức làn theo lời cha dặn, trước cho cha vui lòng, sau lập công với đất nước.

            Ông Nhiêu đắc chí nói:

-         Việc đó ai lại không biết khó. Nhưng khó mà mình làm được mới có công lớn.

Thị Ðậu nói:

-         Con đốc ảnh phải rán. Vì cha trông cậy nơi ảnh gắt lắm. Ảnh hứa ảnh sẽ lo.

Ông Nhiêu đứng dậy nói:

-           Thôi, hai chị em đi kiếm cơm ăn đi.

Ông đi ra trường học.

 

[1] chếch bóng, quá giờ ngọ, quá trưa

[2] xớ rớ, vởn vơ

[3] loại chuối có trái dài, ở Hậu giang có chuối già lùn, già hương

[4] cửa sông

[5] giành