Lần lần cả vùng từ Bình Cách qua Bến Tranh cũng như từ Bến Tranh qua Trấn Ðịnh, sự an tịnh đã trở lại, không nghe quân lính ở Mỹ Tho đi ruồng xét chỗ nào nữa. Ban đêm kẻ trai tráng đã lén về thăm nhà, có người về rồi ở luôn không thèm trốn tránh.
Thế mà Võ Minh Ðạt giả dạng người chài lưới chèo ghe qua chợ Mỹ đặng dọ hỏi tin tức cụ Thủ Khoa Huân, chàng đi đã gần 10 bữa rồi mà chưa thấy trở về.
Mấy bữa sau vợ chồng Ông Nhiêu Giám có ý trông con, nằm ngồi không yên, nhứt là Thị Ðậu trông chồng, sợ chồng ra Mỹ bị bắt, bởi vậy hễ nước lớn gần đầy, thị ra mé rạch mà dòm chừng.
Một buổi chiều Thị Ðậu thỏ thẻ xin với mẹ cho phép nàng lấy xuồng bơi ra chợ Mỹ mà kiếm Ðạt, Thị Trâm nghe chị dâu xin đi, cô đòi đi với chị đặng kiếm anh.
Bà Nhiêu đem chuyện ấy học lại với ông Nhiêu và hỏi ông có nên cho dâu với con đi hay không? Ông Nhiêu nghĩ đàn ông con trai không dám chường mặt, nên hổm nay ông muốn cậy người đi kiếm giùm con ông mà chưa biết cậy ai. Nay dâu con xin đi, ông chắc đàn bà con gái người ta không cần tra xét nên ông chịu cho đi, song dặn phải đốn vài buồng chuối đã chín với vài quày dừa bỏ theo xuồng giả như người ở vườn đi chợ bán chút đỉnh đồ vườn đặng mua dầu mỡ về mà dùng.
Thị Ðậu với Thị Trâm nghe cha chịu cho đi thì ra sau vườn kiếm đốn được ba buồng chuối đã chín bói[1] với một quày dừa xiêm[2]. Ðến khuya hai nàng dậy nấu cơm ăn sớm. Thị Ðậu dặn con ở nhà chơi với bà nội rồi cùng với Thị Trâm đem dừa chuối xuống xuồng và mỗi người một cây giầm bơi đi ra chợ Mỹ.
Trời còn khuya. Hai bên vườn rận rạp. Quang cảnh vắng teo lại lờ mờ. Em ngồi trước chị ngồi sau, bơi xuồng mà đi, trong lòng lo sợ nên không dám nói chuyện.
Trời hừng đông thì hai chị em ra tới bến chợ, buộc xuồng dựa mé sông, ngồi nghỉ tay. Trên bờ người ta bắt đầu kẻ bưng người gánh đồ ra chợ mà bán. Chị em không muốn đưa dừa chuối lên chợ ngồi bán, tính để dưới xuồng đặng bơi đi kiếm Ðạt mà người ta không nghi, tưởng mình đi bán đồ trong vườn.
Sáng bét rồi, chợ đã nhóm đông. Thi Ðậu biểu em mở dây đặng bơi đi khắp bến chợ từ trong ra ngoài coi có chiếc ghe lườn của Ðạt chở tôm cá lại chợ bán hay không. Ði giáp mặt chợ có ghe với xuồng của thiên hạ đậu nhiều, nhưng không thấy chiếc ghe lườn của Ðạt.
Thị Trâm mới biểu chị dâu ngồi xuống coi chừng đồ, để nàng lên bờ đi rảo trong chợ mà kiếm anh. Nàng đi rất lâu rồi trở xuống nói nàng đi tới hai vòng, đi cùng hết, lại chỗ bán tôm cá nàng đứng thiệt lâu, đi qua rồi trở lại đến ba lần mà cũng không thấy Ðạt.
Thị Ðậu biểu Trâm coi chừng xuồng. Nàng đi lên kiếm chồng nữa. Nàng đi cho tới chừng chợ gần tan, người mua đồ đã về hết phân nửa, nàng mới trở lại chỗ xuồng đậu, mặt mày buồn hiu. Nàng lắc đầu nói nhỏ với Thị Trâm:
- Kiếm hết sức mà không gặp. Tôi sợ ảnh bị bắt rồi cô à.
Thị Trâm châu mày suy nghĩ rồi nói:
- Thôi, chị xuống xuồng bơi đi kiếm chiếc ghe lườn nữa coi. Hồi sớm mơi mình kiếm lẩn quẩn theo bến chợ nên không gặp. Bây giờ mình chịu khó bơi tuốt ra mé vàm, dòm luôn mé sông cái thử coi.
Thị Ðậu vừa kéo xuồng mà bước xuống, vừa nói:
- Bậy quá, chớ chi hồi khuya đem gạo theo đặng kiếm chỗ nấu cơm ăn, rồi ở tới chiều mà kiếm. Không biết chừng con nước nầy ảnh mắc đi câu. Mình chờ hết con nước chiều có lẽ ảnh phải về chợ chớ.
Thị Trâm nói:
- Nếu bữa nay không gặp thì mai mốt mình xin phép cha mà đi nữa. Kiếm riết phải gặp chớ gì.
Hai chị em bơi xuồng đi ra phía ngoài vàm, bơi chậm chậm để nhìn hai bên mé sông. Hồi đó tại tỉnh lỵ Mỹ Tho dân cư chưa đông lắm, bởi vậy trên bờ nhà cửa thưa thớt, dưới sông ghe đậu lai rai. Khi ra gần tới vàm thì Thị Trâm thấy bên mé tay trái người ta có làm giàn và trên giàn có căng chài lưới mà phơi. Nàng đưa tay ra vừa chỉ vừa nói: „Người ta phơi chài lưới kìa chị hai, chắc là xóm chài. Chị bơi sát trong mé đằng kiếm coi có ghe lườn của mình hay không“
Thi Ðậu chạy vô sát mé, thấy có hai chiếc ghe lớn đậu cách nhau và khoảng giữa có hai chiếc ghe lườn với một chiếc xuồng. Ngay khoảng đó có giàn phơi lưới và phía trong có mấy cái nhà lá sùm sụp sau hàng cây sua đũa[3] có trái lòng thòng. Có ba đứa nhỏ chạy giỡn chơi xung quanh mấy cây sua đũa cười nói vang rân, lại có con heo nái dắt bầy con đi ổn ện trong đám cỏ, mũi ủi đất, đuôi ngúc ngoắt.
Chừng xuồng bơi tới khoảng có mấy chiếc ghe nhỏ đậu Thị Trâm đưa tay chỉ một chiếc ghe lườn mà nói:
- Chiếc ghe nầy giống ghe mình quá, chị Hai à. Chị ghé lại đây đặng hỏi thăm coi.
Thi Ðậu cho xuồng cặp một bên chiếc ghe lườn của Thị Trâm chỉ đó. Thị Trâm níu chiếc ghe mà đẩy xuồng vô mé bờ mà nói:
- Phải rồi ghe mình.
Ba đứa nhỏ thấy có xuồng ghe thì tủa ra mé sông mà coi. Thị Trâm bỏ cây dầm trong xuồng bước chưn lên bờ, đưa tay chỉ chiếc ghe lườn mà hỏi một đứa nhỏ:
- Chiếc ghe nầy của ai vậy em? Em biết chủ nhà nó ở đâu hay không?
Một đứa con gái lớn tuổi hơn đứa kia liền đưa tay chỉ cái nhà lá phía trong mà nói:
- Ghe của chú đó ở trong nhà kia kìa.
Thị Trâm mừng. Nàng xâm đi vô cái nhà đó, Thi Ðậu kiếm thế buộc chiếc xuồng rồi cũng lên bờ.
Thị Trâm bước vô cửa thấy anh, là Minh Ðạt đang ở trần, đương nằm ngủ trên bộ ván nhỏ thì day lại kêu và nói:
- Chị Hai, có anh hai đây nè vô đây chị.
Thi Ðậu mừng nên vừa hỏi “vậy hả” vừa đi riết[4] vô.
Ðạt đương ngủ, nghe hai nàng nói om sòm thì mở mắt ngó ra cửa. Chàng thấy em và vợ thì chưng hửng, nên vừa lồm cồm ngồi dậy vừa hỏi:
- Ủa! Bây đi đâu vậy, sao biết tao ở đây mà ra?
Thị Trâm vừa cười vừa nói:
- Thấy chiếc ghe đậu dựa mé sông mới biết anh ở đây nên lên mà kiếm. Nếu không có chiếc ghe thì kiếm làm sao cho ra. Từ hồi khuya tới giờ, hai chị em tôi thay phiên nhau mà kiếm ngoài chợ, kiếm hết sức không găp nên mới đi bậy ra đây.
Ðạt đứng dây nói:
- Kiếm chi vậy? Ở nhà có chuyện gì hay sao?
Thi Ðậu nói:
- Anh đi mất biệt cả 10 bữa rồi. Cha với mẹ lo sợ nằm ngồi không yên, nên chị em tôi đi kiếm, chớ có chuyện gì đâu.
- Lo sợ giống gì? Tao đi dọ hỏi chuyện đó có nói với cha mà. Cha không nói lại cho mẹ biết hay sao?
- Có chớ. Nhưng anh đi lâu quá, không chịu về cho tin tức chi hết, nên cha mới trông.
- Hai chị em lại ngồi đây cho ta hỏi thăm một chút. Họ bố miệt trong dữ lắm phải không?
- Ừ hôm anh đi rồi họ bố cùng hết. Nhưng họ làm dữ phía trong Bình Cách, chớ ở miệt mình thì họ xét nhà chớ không bắt ai. Mà trai tráng đi hết chỉ có ông già với đàn bà con nít ở nhà có làm gì đâu mà bắt.
- Họ có xét nhà mình hay không?
- Có chớ. Cha biết trước nên biểu lấy đồ gì của anh đem giấu hết. Tôi đem ra gò mã xa, tôi đào đất tôi chôn. Mà có hai người vô nhà ngó sơ sịa rồi ra, binh lính ở ngoài sân chớ không có vô.
- Bữa nay êm rồi phải hôn? Linh bên Khánh Hậu có qua hay không?
- Anh đi đêm trước rồi đêm sau dưởng có nói chuyện với cha một lát. Hổm nay không thấy ghé qua nữa. Êm hết rồi. Mấy người trai tráng trong xóm mình đã bắt đầu trở về bộn. Thôi thì anh về chớ còn ở ngoài nầy làm gì nữa?
Ðạt ở lại gần hai nàng mà nói nho nhỏ:
- Qua về chưa được. Hai chị em về thưa với cha rằng, qua ra đây o bế làm quen được với ông Ðội. Ông thương qua lắm. Nhờ có ông nên qua nghe rõ tin tức của cụ Thủ Khoa. Cụ bị đạn trúng bắp vế. Họ đem về đây. Quan thầy thuốc coi rồi nói đạn vô bên nầy rồi qua bên kia, may quá không đụng xương. Hổm nay họ để cụ nằm nhà thương chung với mấy người lính Tây bị thương hôm đó. Họ xức thuốc và băng bó. Cụ mạnh ăn ngủ được. Bữa nay cụ ngồi dậy được rồi, nhưng vết thương chưa lành nên người ta chưa cho cụ đi. Qua phải ở đây mỗi bữa đi câu kiếm cá ngon cho ông Ðội đặng hỏi thăm bịnh tình cụ Thủ Khoa, nhứt là nghe coi họ xử tội cụ cách nào, nghe cho chắc rồi sẽ về cho cha hay. Hai chị em về nhớ nói rõ như vậy nghe hôn.
Ðạt suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
- Còn việc nầy nữa. Ông Ðội có nói riêng cho qua hay, người ta để êm ít bữa cho nghĩa binh trở về rồi người ta đem binh vô vây vùng của mình ruồng bắt cho hết. Vì vậy nên qua không dám về gấp, để đợi họ bố rồi qua sẽ về.
Thi Ðậu với Thị Trâm nghe Ðạt nói cái cớ sau nầy thì bỏ ý muốn khuyên Ðạt về. Chị em ngồi ngó nhau không biết liệu lẽ nào.
Thị Trâm ngó cùng nhà rồi hỏi anh:
- Anh ở đây là nhà của ai vậy anh Hai?
- Nhà của em ông Ðội.
Thi Ðậu tiếp hỏi:
- Ở đây cơm gạo đâu mà ăn?
- Thì mỗi bữa qua đi giăng câu hoặc đi kéo lưới kiếm tôm cá mượn người trong nhà đây đem ra chợ bán lấy tiền cho qua đi mua gạo ăn.
- Ngoài nầy tôm cá nhiều bằng trong mình hay không?
- Cũng nhiều vậy chớ. Sông lớn nên nhiều hơn.
- Bây giờ anh không có làm việc gì hết, vậy anh về trỏng nói chuyện cho cha nghe rồi tối anh trở ra.
- Ðâu mà được. Xế nầy nước lớn qua phải đi giăng câu. Hai chị em về thưa với cha như vậy, bữa nào qua biết chắc họ không vô mà lục xét thì qua sẽ lẻn về thăm. Thôi hai chị em về sớm đi kẻo cha mẹ trông.
Thi Ðậu ngó Thị Trâm rồi đứng dậy tính đi về. Thị Trâm đứng dậy và hỏi:
- Còn dừa chuối làm sao?
Ðạt hỏi lại em:
- Dừa chuối gì?
- Chiều qua cha cho đi mà cha biểu đốn dừa chuối đem theo giả như đồ vườn ra chợ bán đặng mua thuốc giấy dầu mỡ cho họ khỏi nghi. Bởi vậy có một quày dừa với 3 buồng chuối dưới xuồng.
- Sao từ sớm mơi tới giờ ở ngoài chợ không bán phứt đi? Thôi, không sao. Xách lên nhà đây cho qua, rồi sáng mai qua cậy người ta bán giùm cho.
Thi Ðậu với Thị Trâm đi ra mé sông đặng xách dừa chuối. Ðạt đi theo. Ba người vừa ra khỏi cửa thì gặp một nàng chừng 25 hoặc 26 tuổi mặc áo quần vải đen, bộ bảnh khảnh mặt mày vui vẻ, nước da trắng trẻo, tay bưng một cái rổ lớn, ở ngoài đi xâm vô nhà. Nàng ngó Ðậu với Trâm mà hỏi Ðạt:
- Ai đây vậy anh?
Ðạt đáp:
- Hai em tôi ở trong Bến Tranh ra kiếm tôi.
Nàng nọ cười và nói:
- Ở bên nầy mà kiếm được thiệt là giỏi.
- Thấy chiếc ghe lườn của tôi đậu dưới bến nên mới biết mà lên nhà.
- Bây giờ đi đâu?
- Hai em tính về. Xuống xuồng xách dừa chuối lên cho tôi rồi bơi về.
- Về Bến Tranh bây giờ đây? Không được bơi xuồng đi nước ngược thì xế mới tới nhà. Ðói bụng chết. Tôi không bằng lòng để chị em về như vậy. Không mấy khi đến nhà tôi, phải ở ăn cơm rồi nước lớn sẽ về. Trở vô. Mời hai chị em trở vô, đặng tôi nấu cơm ăn. Nhà có sẵn tôm cá. Tôi có mua thịt đây nữa. Kho nấu một chút thì có ăn. Không lâu đâu mời vô.
Ðạt mới nói:
- Thôi, vô sửa soạn nấu cơm đi. Ðể hai chị em xuống xuồng xách dừa chuối lên rồi nói chuyện.
Nàng nọ bưng rổ đi vô nhà, bộ gọn gàng nhặm lẹ.
Ðạt đi theo vợ với em ra mé sông, vừa đi vừa nói:
- Cô đó là em ông Ðội. Nhờ có cô giới thiệu nên qua mới quen với ông Ðội mà lo công việc cho cụ Thủ Khoa. Hai em hiểu chưa? Lúc có việc mình phải khôn ngoan chiều chuộng đặng cầu thân cậy thế, bằng không thì chết chớ chẳng phải chơi sao.
Ðậu với Trâm chúm chím cười, Trâm xuống xuồng xách dừa chuối lên bờ. Ðạt với Ðậu chia nhau xách luôn vô nhà.
Nàng chủ nhà là Nguyễn Thị Dần, thấy chuối tới 3 buồng thì hỏi:
- Ðem chuối chi nhiều dữ vậy? Ăn sao cho hết?
Ðạt nói:
- Chị em nó tính đem ra cho tôi bán đặng mua gạo mà ăn. Buổi chợ mai đem ra chợ bán giùm cho tôi. Muốn ăn thì để lại một buồng chuối nhỏ với ít trái dừa, còn bao nhiêu bán hết đi.
Thị Trâm vô nói:
- Thôi, để hai chị em tôi về. Về trễ ở nhà trông.
Thi Dần là chủ nhà cầm:
- Không trễ đâu mà sợ. Ở ăn cơm rồi sẽ về mà. Tôi nấu một chút thì rồi. Hai chị em ngồi đó chơi. Ðể tôi đi lo cơm.
Thị Dần đi vô trong lo nấu cơm. Thị Trâm đi theo vô phụ chụm lửa, để cho Thị Dần xắt thịt đặng kho.
Vợ chồng Ðạt ngồi ngoài trước nói chuyện. Thị Ðậu hỏi chồng:
- Cô chủ nhà đây có chồng con gì không?
- Có chớ, có chồng nhưng chưa có con. Chồng ban ngày đi làm bên ông Ðội. Thằng Tâm hổm nay ở nhà đi chơi hả?
- Chơi.
- Nó có nhắc tôi hay không?
- Không
- Bửa hổm lính Tây vô bố sợ hôn?
- Mẹ với hai chị em tôi sợ quá, vì nghe nói bên Bình Cách họ đốt nhà, đánh chết người ta nữa. Té ra tốp vô nhà mình vui vẻ, hiền khô không nộ nạt ai hết.
- Tại tên Bình Cách có đụng độ nên họ quạu. Nầy, về nói cho cha hay: Trận Bình Cánh đó lính Tây bị thương tới 17 người. Hổm nay chết hết 3 người rồi. Còn 14 còn nằm nhà thương, bởi vậy họ hận lắm, quyết vô trong mình xét bắt đám nghĩa binh về giết hết. Tại vậy nên qua bước tránh và cậy thân thế đặng giữ mình, chưa dám về trỏng. Ở ngoài nầy thì cực một chút mà được yên ổn, khỏi lo, khỏi sợ chi hết.
Cơm cạn rồi, Dần với Trâm ra ngoài ráp nói nữa. Ðậu cũng theo vô trong mà chơi. Ba người thân thiện cùng nhau, không nghi kỵ chi hết.
Cá tôm đã kho sẵn, bởi vậy cơm chín và thịt kho xong thì dọn ra ván rồi bốn người ngồi ăn với nhau nói chuyện vui vẻ, không sụt sè không ái ngại.
Ăn cơm rồi Ðậu với Trâm cáo từ mà về, Dần nói đợi nước lớn sẽ về cho xuôi. Khách nói về trễ sợ cha mẹ trông nên phải bơi nước ngược mà về cho sớm một chút. Ðạt với Dần đưa Ðậu với Trâm xuống bến Ðạt đi theo căn dặn Ðậu với Trâm về nhớ nói lại cho cha các điều chàng đã nói và cắt nghĩa cho cha hiểu tại cớ nào mà chàng chưa dám về.
Hai đàng vui vẻ từ biệt nhau, bận về Trâm giành bơi sau lái để cho chị dâu ngồi trước mũi. Chị em xô xuồng ra đi. Ðạt ngó Dần mà cười. Dần nói: „Người nhỏ chắc là em ruột của anh vì giống anh quá. Còn chị lớn là vợ anh chớ gì. Tưởng tôi không biết hay sao mà giấu“.
Ðạt làm lơ đi vô nhà, không cãi mà cũng không nhận Dần đoán trúng.
Ðậu với Trâm tìm gặp Ðạt lại biết Ðạt bình yên no ấm thì vui lòng, không lo sợ nữa, nên lặng thinh bơi xuồng riết về Bến Tranh đặng thuật chuyện cho cha mẹ nghe. Ra khỏi chợ xa rồi, tới khoảng vắng vẻ, Thị Trâm mới kêu chị dâu mà hỏi:
- Chị Hai, sao anh Hai lại kiếm xóm như vậy mà ở đậu vậy hả?
- Ðó là xóm chài có giàn để phơi lưới. Có lẽ tại vậy nên ảnh ở đỡ cho tiện chớ sao.
- Còn sao ảnh quen với chị đó nên ở đậu trong nhà chỉ?
- Chắc ảnh làm tôm cá, ảnh đem về xóm đó bán mão[5] cho đàn bà đặng họ bưng ra chợ ngồi bán, Chị nọ mua tôm cá của ảnh, hai đàng làm quen với nhau rồi ảnh xin mà ở đậu.
- Mà chị đó ở một mình, lại chứa đàn ông trong nhà, thiệt là kỳ cục quá!
Ảnh nói chị nọ có chồng. Chồng chị ban ngày làm việc bên ông Ðội. Ảnh ở đó mới có thân thế mà lo cho cụ Thủ Khoa. Cũng nhờ vậy ảnh nới được yên, mà ảnh lại biết đủ công chuyện hết.
Thị Trâm suy nghĩ mà chúm chím cưòi mà nói: „Anh Hai lanh quá“.
Hai nàng bơi riết, không nói chuyện nữa.
[1] vài trái chín
[2] loại dừa có trái nhỏ, nước ngọt đậm
[3] giống cây họ đậu, bông to có màu trắng thường được dùng nấu canh, trái dài quãng như chiếc đũa, nên được gọi là so đũa hay sua đũa
[4] đi một mạch, đi thẳng
[5] bán hết theo giá thỏa thuận