Chiến tranh đã bắt đầu như thế
Trên chiều dài lịch sử của mỗi nước, sau mỗi một cuộc chiến tranh, thường có một giai đoạn tương đối để điều chỉnh lại thế chiến lược mới, hoặc là để khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại cho mỗi bên.
Thế nhưng sau 1975, nước ta vừa được hoàn toàn giải phóng, thống nhất hai miền Nam-Bắc; những tưởng hoà bình sẽ vĩnh viễn trên đất nước đau thương này. Song, kẻ thù mới lại xuất hiện trong khi đất nước đang thương tích đầy mình, kinh tế kiệt quệ, xã hội đang giải quyết muôn vàn khó khăn.
Tình hình biên giới Việt Nam-Campuchia sau năm 1975, ngày càng diễn biến phức tạp. Sau sự kiện xung đột tranh chấp đảo Thổ Chu vủa Việt Nam, nhà cầm quyền “Campuchia Dân chủ” đã xua quân xâm nhập biên giới nước ta. Sự việc ngày một nghiêm trọng, cường độ ngày một gia tăng. Lúc bấy giờ ít có ai có thể nghĩ rằng một Nhà nước, một quân đội mới sát cánh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ; đã lại trở thành kẻ thù của nhau? Điều đó không ai tin. Không thể nào tin được.
Trớ trêu thay đó lại là sự thật. Hàng ngày, hàng giờ lực lượng vũ trang Campuchia Dân chủ thâm nhập lãnh thỏ, giết hại hàng ngàn đồng bào ta ở nhiều nơi trên tuyến biên giới như ở Tân Biên (Tây Ninh), Ba Chúc (An Giang), Đức Cơ (Gia Lai) và nhiều nơi khác.
Thực tế cho thấy, trong thời kháng chiến, hai nước Việt Nam-Campuchia có mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc. Quân đội hai nước đã kề vai sát cánh trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và phe lũ. Các chiến dịch “Chen-la 1”, “Chen-la 2”, “Toàn thắng 1971” và các chiến dịch khác của Mỹ-Lon Nol-Nguỵ Sài Gòn bị thất bại cũng là nhờ sự đóng góp xương máu, sự hợp đồng chiến đấu của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân giải phóng Nhân dân Campuchia lúc bấy giờ.
Khách quan mà nói, trong cuộc chiến tranh giải phóng trước đây của quân và dân ta, một phần cũng dựa vào sự giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân Campuchia. Nếu như hồi đó, Chính quyền Campuchia thù nghịch với ta thì cách mạng nước ta còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Chúng ta rất biết ơn nhân dân Campuchia, những người cách mạng chân chính Campuchia. Vì vậy, khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng ta cảm thấy bàng hoàng. Mới hôm qua đây, Chính quyền và Quân đội Campuchia là Bạn, thì nay bỗng dưng họ lại phản bội chúng ta, phản bội cả nhân dân Campuchia bởi những chính sách phản động, buộc lòng chúng ta phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc và giúp sức cho lực lượng cách mạng Campuchia chân chính.
Đối với chúng ta, đây là một cuộc chiến tranh bắt buộc.
Nhân dân ở các vùng biên giới, hơn ai hết, đã nhận thấy rõ sự phản bội của chính quyền Pol Pot-Ieng Sary và nhận thức ngay rằng: Đây là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm của cách mạng Việt Nam thời hậu chiến.
Và, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam đã bắt đầu như thế!
Mặc dù bước đầu có bị bất ngờ, nhưng với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta đã được tôi luyện trong các cuộc chiến tranh nên rất nhạy cảm trong việc nhận diện kẻ thù. Sách lược, chiến lược và đường lối quân sự của Đảng trong từng thời kỳ đề ra rất đúng đắn.
Ngay từ khi kẻ thù mới xuất hiện trên tuyến biên giới Tây Nam, các Quân khu 5,7,9 và đặc biệt là bộ chỉ huy quân sự các tỉnh dọc tuyến biên giới đã chủ động, cơ động lực lượng ngăn chặn địch xâm nhập, giúp đỡ nhân dân ở những nơi bị địch tàn sát, giải quyết hậu quả. Vào đầu mùa thu năm 1977, trước khi chiến tranh biên giới xảy ra, Bộ Tổng tham mưu đã điều động lực lượng theo thế bố trí chiến lược mới trên phạm vi cả nước.
Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và các Quân khu phía Nam đã thành lập mới nhiều đơn vị từ sư đoàn bộ binh đến các Quân đoàn độc lập. Sư đoàn bộ binh 309 sau này, đảm nhận địa bàn tỉnh Bát Tam Băng trong mười năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia-cũng là một trong nhiều đơn vị được thành lập trong giai đoạn này.
Trong những tháng đầu năm 1978, trong khi cả nước đang lo hàn gắn vết thương chiến tranh-các công trường, nông trường, xí nghiệp hối hả xây dựng lại đất nước, thì những người lính chúng tôi cũng tất bật với bao công việc. Tất cả các đơn vị đều hướng về biên giới Tây Nam. Những đoàn xe chở cán bộ, bộ đội, lương thực thực phẩm lao nhanh về mặt trận.
Tháng 5 năm 1977 tôi đang công tác tại trường Hạ sĩ quan Quân khu 5 thì nhận được quyết định điều về làm trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 31, thuộc sư đoàn bộ binh số 2.
Trước diễn biến tình hình hết sức mau lẹ trên tuyến biên giới Tây Nam khiến tâm trạng người lính chúng tôi có cái gì đó bàng hoàng, khó tả.
Trên phạm vi tiếp giáp các vùng chiến lược, lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động của các Quân khu đã triển khai dọc tuyến biên giới. Quân khu 5 đã điều một trung đoàn triển khai trên trục quốc lộ 14-đoạn Đắc Min. Tại Đức Cơ-Gia Lai trung đoàn bộ binh 95 đã chạm súng với địch ở nơi giáp tỉnh Mungđunkiri. Đồn biên phòng 23 đã bị địch áp sát quấy rối phía trước, cắt đứt phía sau.
Nhân dân ta, nhất là nhân dân dọc theo tuyến biên giới, hàng ngày hàng giờ, theo dõi biễn biến tình hình với tâm trạng lo lắng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào sức mạnh của quân đội ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ lâu dài nhất, ác liệt gian khổ nhất, với một kẻ thù hung bạo nhất, mà ta đã giành thắng lợi một cách trọn vẹn, huống chi kẻ thù này, trước đây là học trò của ta. Nếu như không được các thế lực thù địch với ta tiếp sức, thì thử hỏi, chúng sẽ tồn tại được bao lâu?
Trong cuốn sách này, tôi chỉ tập trung chủ yếu nói về nghĩa vụ quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia nói chung và đặc biệt là trên một hướng của Mặt trận 479 nói riêng-tức là trên địa bàn cực Tây Bắc Campuchia-tỉnh Bát Tam Băng, nơi sư đoàn bộ binh 309 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Song, không thể không đề cập đôi nét về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia nó gắn liền với nhau, hỗ trợ nhau, cùng một mục đích là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực Đông Nam Châu Á. Từ việc bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam chúng ta phải loại trừ những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền an ninh của Tổ quốc, chúng ta phải giải quyết tận gốc nơi phát sinh ra nguy cơ đó. Tức là phải đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary, xây dựng lại chính quyền cách mạng nước Campuchia láng giềng. Có như thế mới bảo đảm an ninh cho đất nước trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế. Cũng từ mục tiêu chiến lược đó, mà ngày nay, nước ta được ổn định hơn bao giờ hết. Chúng ta đã làm hết sức mình để xây dựng mối quan hệ đoàn kết hơn bất cứ thời kỳ nào giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Ngày nay, hai nước chúng ta đều là những thành viên của khối ASEAN và hoà nhập vào cộng đồng quốc tế. Sự hy sinh to lớn của chúng ta được đền đáp xứng đáng. Nhưng lúc đó, chúng ta bước vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam trong điều kiện có nhiều khó khăn và phức tạp. Đành rằng, cuộc chiến nào mà chẳng khó khăn, ác liệt vì chiến tranh là nơi thử thách cao nhất sức mạnh của cả hai phía. Song, trong cuộc chiến này, tuy kẻ thù không thể nói là mạnh hơn ta được, nhưng đối với ta, như chúng ta đã biết, vừa mới có hoà bình. Sau năm 1975, quân ta đang tập trung giải quyết chính sách cho bộ đội xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành. Hầu hết số lính cũ đã ra quân, trở về quê hương trên mọi nẻo đường đất nước. Trong đó, phải nói đến đội ngũ cán bộ cơ sở đã từng chiến đấu, được rèn luyện, thử thách trong khói lửa chiến tranh, nay chẳng còn được bao nhiêu. Chiến sĩ mới thì chưa được tuyển chọn. Người lính ra trận hôm nay mang theo trong mình nhiều tâm trạng chưa được giải quyết. Trước mắt họ là cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù. Họ sẽ phải chịu đựng gian khổ, ác liệt, hy sinh cả những gì mà lẽ ra, họ phải được hưởng. Và, cao nhất là sẽ có những người phải ngã xuống trên chiến trường. Trái lại, phía sau không xa, đất nước đã hoà bình với cuộc sống nhộn nhịp, hưởng thụ, đã tác động lên tâm lý người lính hàng ngày, hàng giờ trên chiến trường. Lại nữa, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta đều có một gia đình ở hậu phương còn nhiều việc bức xúc cần được giải quyết. Thậm chí cho đến bây giờ vẫn còn nhiều trường hợp cuộc sống của gia đình họ chưa thật ổn đinh. Cái gì làm nên sức mạnh chiến đấu của người lính? Tất cả! Trong đó, yếu tố tinh thần là quan trọng nhất. Mà những cái làm nên về sức mạnh tinh thần thì lại chưa được chuẩn bị thật đầy đủ. Đã đến lúc, chúng ta cần phải thấy được thực trạng của người lính khi bước vào cuộc chiến đấu mới. Sự quá tải của người lính đã phản ánh tình hình của đất nước trong thời điểm vừa mới được giải phóng.
Trở lại với thực tại diễn biến tình hình trên tuyến biên giới Tây Nam: Sau khi đã triển khai một số lực lượng trực tiếp đụng độ với địch, các Quân khu đã tổ chức ra Sở chỉ huy tiền phương, hoặc phái những cán bộ chủ chốt lên trực tiếp chỉ đạo các đơn vị. Trên hướng Đông Bắc Campuchia, Quân khu 5 đã cử đồng chí thiếu tướng Võ Thứ, phó tư lệnh và một số cán bộ lên Đức Cơ để chuẩn bị cho các hoạt động quân sự. Khoảng trung tuần tháng 5 năm 1978, tôi tổ chức một đoàn cán bộ đi trước lên tỉnh Đắc Lắc, bao gồm trợ lý tác chiến, chủ nhiệm trinh sát, chủ nhiệm công binh, chủ nhiệm thông tin, các cán bộ đầu ngành chính trị, hậu cần, kỹ thuật và một số cán bộ chỉ huy các phân đội trực thuộc. Còn đại bộ phận do đại uý, tham mưu trưởng, Trương Đình Xướng và chính uỷ, thiếu ta, Nguyễn Thanh Mai ở phía sau hoàn chỉnh về biên chế, trang bị và đợi lệnh hành quân.
Vùng biên giới Tây Nguyên đang vào cuối mùa khô. Thỉnh thoảng có những trận mưa rào. Những cơn mưa đầu mùa tạo nên không khí dễ chịu. Xe chúng tôi chạy phom phom trên quốc lộ 19 rồi rẽ sang quốc lộ 14. Chiến trường Tây Nguyên quen thuộc lại hiện lên trong trí nhơ của tôi biết bao kỷ niệm của một thời chiến đấu đã qua. Những trận chiến đấu ác liệt, tiêu diệt hàng đoàn xe cơ giới của Mỹ-Nguỵ Sài Gòn vận tải từ đồng bằng lên vùng Tây Nguyên. Rồi những trận tập kích tiêu diệt các cứ điểm địch ở Pleiku, xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột; rồi cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, mà khởi đầu là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột đem đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng đi theo Đảng đánh Pháp, Mỹ giải phóng quê hương. Giờ đây lại hết lòng ủng hộ bộ đội, đánh đuổi bọn đồ tể Pol Pot bảo vệ xóm làng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng đã nhuốm máu cha anh qua bao thế hẹ. Chúng tôi chạnh lòng khi qua các bản làng xơ xác ở hai bên đường. Những đứa trẻ gầy gò đen nhẻm, lấm lết nhìn chúng tôi; các chị phụ nữ lưng đèo gùi bắp nặng trĩu, tránh sang hai bên vệ đường, nhường chỗ cho đoàn xe chúng tôi đi qua.
Đến nơi, chúng tôi triển khai ngay công việc. Người thì đi thực địa nghiên cứu bố trí đội hình; chủ nhiệm thông tin thì tìm nơi đặt máy thông tin, toả mạng liên lạc với Sở chỉ huy cơ bản và tiền phương Quân khu. Thời gian này, trung đoàn bộ binh 31 chúng tôi tách ra khỏi sư đoàn bộ binh 2, trực tiếp nhận chỉ thị của Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 ở Đức Cơ. Để giữ bí mật, chúng tôi đã sử dụng thông tin vô tuyến rất hạn chế, khi liên lạc tuyệt đối phải dùng mật mã. Còn thì cứ theo hợp đồng mà triển khai.
Trung đoàn bộ binh 31 đóng quân tại xã EaKhanh, thuộc tỉnh Đắc Lắc, cách trục đường quốc lộ 14 khoảng 3 km đường chim bay. Chủ nhiệm công binh lo việc nghiên cứu đường cơ động từ đường lộ 14 vào căn cứ. Cán bộ hậu cần-kỹ thuật thì nghiên cứu vị trí để xây dựng kho tàng, trạm quân y, trạm sửa. Cán bộ chính trị thì đi quan hệ với chính quyền địa phương, thâm nhập xuống các bản làng để nắm tình hình và chỉ đạo công tác dân vận.
Trong một ngày mà chúng tôi đã giải quyết được biết bao công việc. Ngày hôm sau, chúng tôi để lại một số cán bộ đón bộ đội còn lại cơ động lên biên giới để tìm hiểu tình hình, trinh sát thực địa ở những khu vực, mục tiêu sắp tới, sẽ bước vào chiến đấu.
Nhìn lên tấm bản đồ tác chiến của cơ quan ở Sở chỉ huy tiền phương Quân khu mới biết được tình hình diễn ra trên tuyến biên giới thật là nghiêm trọng. Những mũi tên xanh chọc vào những chấm đỏ chạy dài trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia từ nơi tiếp giáp ngã ba biên giới (Việt Nam-Lào-Campuchia) đến đồn biên phòng 23 của ta trên trục đường 19 kéo dài, rồi vào đến đoạn đối diện với Lộc Ninh và chạy suốt vào phía Nam. Có nơi mũi tên xanh đã chọc sâu trong đất ta đến 200-300 m.
Trung đoàn bộ binh 95 đã phải đối đầu với địch từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới, Nếu không có trung đoàn bộ binh 95 và một số lực lượng vũ trang địa phương ở đây, thì có thể địch đã đột nhập sâu vào hậu phương ta hàng chục km rồi.
Trong ngôi nhà lá đơn sơ tại Sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 95 kê một dãy bàn dài bằng gỗ ván, xung quanh là các dãu ghế đủ chỗ cho khoảng 20 người ngồi. Trên vách thưng bằng nứa có treo tấm bản đồ khu vực biên giới phía tây Đức Cơ tỉ lệ 1/100.000. Mọi người đều vây quanh tấm bản đồ. Những cán bộ đã đứng tuoi, tóc đã điểm bạc, đeo kính trắng, đưa ngón tay men theo đường biên giới rồi ghi ghi, chép chép vào quyển sổ. Ai nấy đều chăm chú ghi chéo những điều cần thiết cho riêng mình. Điều đó cho thấy, mọi người đều quan tâm sâu sắc đến những sự kiện hôm nay.
Chủ nhà đưa nước ra mời khách. Toi hỏi đồng chí Cử (rất tiếc tôi quên họ của đồng chí), chính uỷ trung đoàn bộ binh 95:
-Ở cái nơi heo hút này anh kiếm đâu ra loại trà thơm ngon như thế?
Anh nói:
-Tôi vừa mới ở quê vào. Gia đình có việc phải về giải quyết. Nhưng tình hình diễn biến quá mau lẹ, nên ở trong này gọi tôi vào.
-Thế việc nhà đã giải quyết xong chưa?-Tôi hỏi lại.
Với bản chất thật thà của người lính Khu tư anh đáp ngay:
-Công việc thì đã tạm ổn, nhưng anh cũng biết đấy, tình hình như nước sôi lửa bỏng thế này, mình đâu có yên tâm mà ở nhà cho được.
Tôi biết, anh là một cán bộ chính trị, bí thư Đảng uỷ trung đoàn và là một cán bộ lâu năm bám trụ trên trục đường 19 suốt những năm dài đánh Mỹ. Mảnh đất này đã gắn bó với gần như cả cuộc đời anh. Từ lúc vào đây, mái tóc anh vẫn còn xanh, nay đã phơ phơ điểm bạc mà vẫn chưa có một ngày thảnh thơi. Cuộc chiến tranh đã gắn kết chúng tôi lại với nhau.
Mọi người đã đến đông đủ. Trong số cán bộ được triệu tập, tôi thấy đồng chí cán bộ chủ chốt về quân sự của các đơn vị gồm: Trung đoàn bộ binh 95, trung đoàn bộ binh 726, trung đoàn 1, thuộc sư đoàn bộ binh số 2. Ngoài trung đoàn bộ binh 31 chúng tôi còn có một số cán bộ khác, dự kiến sau này sẽ thành lập nhiều đơn vị mới: trong đó có sư đoàn bộ binh 309 tương lai.
Địa bàn này thực sự đã bước vào chiến tranh. Xa xa, trên trục đường qua biên giới, người ta có thể nghe thấy tiếng đạn cối của địch vọng lại. Có tin chúng đang bu bám, quấy rối đồn biên phòng 23 của ta.
Tại Sở chỉ huy của trung đoàn bộ binh 95, không khí thật oi bức, báo hiệu những cơn mưa đầu mùa sẽ trút xuống vùng khô hạn nơi đây. Bộ đội và nhân dân ở khu vực này đã phải chịu đựng cảnh thiếu nước nghiêm trọng đã mấy tháng nay.
Mọi người đang bàn tán đủ thứ chuyện trên đời, thì đồng chí Phó tư lệnh Quân khu bước vào. Ai nấy đều về chỗ ngồi của mình.
Đồng chí chủ nhiệm trinh sát trung đoàn bộ binh 95 là người báo cáo đầu tiên. Trong chiến đấu, không có cấp nào nắm được tình hình địch một cách cụ thể chính xác bằng cấp cơ sở. Họ là những người đã ngày đêm mặt giáp mặt với kẻ thù trực tiếp ngoài mặt trận. Kinh nghiệm của những năm chiến tranh cho tôi thấy cần phải bám thật sát địch, mới đánh trúng địch. Trong thực tế cuộc chiến tranh vừa qua, đã có những trận tập kích vào khu đất trống, hoặc bắn cháy những đụn rơm, gốc cây, ủ mối. Vì ban đêm tưởng đó là xe tăng địch. Và đặc biệt là trong cuộc chiến tranh hôm nay, kẻ địch vô cùng nham hiểm. Chúng áp dụng một cuộc chiến tranh theo kiểu du kích với ta mà, chính ta, là những người huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm cho chúng.
Qua báo cáo của chủ nhiệm trinh sát trung đoàn bộ binh 95 và các đơn vị phía trước (trong đó có chỉ huy của đồn biên phòng 23), chúng tôi đã phần nào hiểu được các thủ đoạn tác chiến của địch, phiên hiệu đơn vị và một số căn cứ của chúng dọc tuyến biên giới, sâu vào đất Campuchia từ 10-15 km. Trong đó có một số căn cứ mà sau này chúng tôi sẽ được giao nhiệm vụ đánh chiếm.
Theo những gì tôi được biết thì vào năm 1977, trên toàn bộ đất nước Campuchia, địch chia ra làm 6 Quân khu. Đó là:
1.Quân khu 303 (Quân khu Bắc) bao gồm vùng 41, 42 và 43.
2.Quân khu 401 (Miền Tây) gồm các vùng 11, 15, 31 và 37.
3.Quân khu 405 (Tây Nam) gồm các vùng 13, 25, 33 và 35.
4.Quân khu 203 (Quân khu Đông) gồm các vùng 20, 21, 22, 23 và 24.
5.Quân khu 560 (Quân khu Tây Bắc) gồm các vùng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7.
6.Quân khu 109 (Quân khu Đông Bắc) gồm các vùng 101, 102, 104, 105, 107 và 505.
Như vậy, địch không dùng Tỉnh, Huyện làm đơn vị hành chính… Thường vụ Trung ương Đảng Campuchia (đơn vị 870) trực tiếp chỉ đạo thẳng cho các Quân khu, vùng và xã…
Ngoài ra, chúng còn thành lập 5 vùng trực thuộc Trung ương. Đó là vùng 103 (Prếch-vi-hia), vùng 106 (Xiêm Riệp), vùng 77 (Phnôm Pênh), vùng 72 (cảng Sihanuokville) và vùng 74 (cảng Phnôm Pênh).
Đối tuợng tác chiến của các đơn vị trên hướng của Quân khu 5 trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh biên giới chủ yếu là sư đoàn bộ binh 801, thuộc Quân khu 109 Pol Pot, gồm ba trung đoàn bộ binh 81, 82, 83 và lực lượng vũ trang thuộc các vùng 101, 102, 104, 105, 107 và 55.
Đồng chí Phó tư lệnh Quân khu 5 khái quát tình hình giữa ta và địch bằng một câu rất thực tế là: “Ta biết địch nhưng không thấy địch; Địch thấy ta và thấy rất rõ về ta”. Còn diễn biến chiến đấu chung trên tuyến biên giới hiện nay là “Pot đánh ta như ta đánh Mỹ; Ta đánh Pot như Mỹ đánh ta”.
Những ai đã trải qua những năm tháng chiến đấu trên chiến trường trong hai cuộc chiến tranh, ngẫm nghĩ lại, thấy rằng câu nói trên của đồng chí Phó tư lệnh Quân khu 5 là rất thực tế, chính xác.
Tác giả: Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Hồng