Gia đình mình chỉ làm nông nghiệp thì không bao giờ no được đừng nói đến chuyện giàu có, triền miên từ đời này qua đời khác chỉ có hạt lúa củ khoai cho nên xong mùa cày cấy, gặt hái là dân Hậu Luật chạy tung toé khắp nơi để kiếm ăn, phải có một nghề khác để cha mẹ và gia đình đỡ khổ, làm nghề gì bây giờ? Nghề đục đá ở lèn Hai Vai thì mình không đủ sức mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nghề lấy đá nung vôi cũng khá nặng nhọc vả lại nghề này phải một tập đoàn làm mà đã tập đoàn thì phải tập thể hoá, lập tác hoá… làm nghề gì bây giờ? Nên chăng làm nghề may.
Làm nghề may? Một mình mình với cái máy khâu làm được chừng nào ăn chừng ấy chẳng ai đụng chạm đến, từ trước đến nay người ta toàn may bằng tay một cách thô vụng. Ông Hải là một thợ may chuyên nghiệp, thu nhập bằng nghề may cũng chẳng có máy móc gì, toàn dùng cái khéo léo của mình với hai bàn tay, một cái kim và một cuộn chỉ, ai muốn may quần áo cho trang nhã đều đến thuê ông Hải, mấy năm gần đây anh Lộc mua được chiếc máy khâu, anh Lộc là bạn cùng hoạt động với anh Hiền từ thời khởi nghĩa sau khi rời quân ngũ làm nghề thợ may, khách rất đông, nam nữ thanh niên không đến thuê ông Hải nữa mà cứ đem vải đến thuê anh Lộc. Hàng nhiều quá, lắm lúc may không xuể anh phải từ chối.
Có lẽ làm nghề may là thuận lợi nhất… anh Hiền suy đi tính lại, trong gia đình phải có thêm nghề khác ngoài nghề nông, nghề đó là nghề thợ may. Anh đem ý địnhk này bàn với cha mẹ, mẹ lấy vạt áo chấm nước mắt:
“Nghề gì rồi cũng hỏng, ai có máu mặt trội lên một chút là người ta cầm dao chặt cho bằng người khác, xã hội này không ai được giàu hơn ai. Mấy bà ở xóm chợ cứ chạy lên Nghĩa Đàn buôn nâu hơn người được dăm ba hào, người ta cũng bắt ở nhà làm nông nghiệp, các ông lãnh đạo nói phải triệt tận gốc bọn con buôn huống chi là con, người ta cứ nghi nghi ngờ ngờ có khi công an theo dõi con…”
Anh Hiền chép miệng:
“Cũng có thể quang gánh đi buôn bỏ ruộng bỏ vườn, người ta biết phải ở nhà để cày cấy, còn con ngồi một chỗ may quần áo cho bà con trong làng kiếm đồng tiền để nuôi sống mình thì có gì là sai. Người ta có nghi ngờ gì con cũng chẳng sợ, con không phạm luật nước, luật xã, luật làng…”
Mẹ lắc đầu:
“Hay là… mẹ nói thật với con, con quen biết nhiều bạn bè làm to, con xin trở lại làm việc cho nhà nước, ở nhà sẽ khổ mãi con ạ”.
“Mẹ tưởng là làm nhà nước sung sướng lắm à? Con suy nghĩ chê chán con mới quyết định về nhà. Đằng nào cũng khổ, chẳng thà cùng chịu khổ với gia đình, với bà con làng xóm”.
Từ nãy đến giờ cha ngồi im, anh quay sang hỏi:
“Cha thấy thế nào?”
“Tuỳ con…bây giờ cũng khó tính toán, sức con không làm được nông nghiệp, hay là con cứ mua một cái máy khâu, nếu khó làm ăn thì bán, chẳng mất đi đâu, cứ theo nhà cố Thu mà xử sự, “cái nghĩa tuỳ thời lớn vậy thay”!
Thế là anh Hiền quyết định chuyển sang nghề may. Cái khó khăn đối với anh là vốn và tay nghề, bằng bất kỳ giá nào anh cũng vượt cho được hai cái khó này. Về vốn cần đủ tiền mua cái máy khâu và đồ nghề, còn để dành một số tiền chưa tiêu, bán chiếc xe đạp, bán thuốc bắc cho ông Sứ Lục, may mà tủ đựng thuốc loại nhỏ chẳng tốn hết bao nhiêu tiền. à rất cần một cái sập để cắt vải vóc quần áo của khách hàng. Cái sập đó chiều dài 1,65 mét, chiều ngang 1,4 mét, đủ diện tích để căng vải khi đo cắt quần áo…
Anh tính toán nát óc để có đủ dụng cụ dùng ngay từ khi người khách đầu tiên đến gặp và trao tấm vải.
Còn gì nữa nhỉ? Anh đi đi lại lại, bàn tay phải vỗ vỗ lên trán rồi ngồi xuống ghi ghi chép chép vào cuốn sổ tay: “một cái thước đo bằng gỗ, một cái thước bằng nhựa, một cái kéo to một cái kéo nhỏ, một hộp đựng kim chỉ, năm cục nến trắng…” Anh đứng dậy hối hả như định làm một việc gì bỗng đứng sững lại, cuộn điếu thuốc lá châm lửa hút, trán dâm dấp mồ hôi dường như đang dồn một quyết tâm ghê gớm để vào nghề, anh bặm môi rồi nói lẩm nhẩm: “không biết thì học cho biết! Sợ cóc gì!..”
Anh quyết định táo bạo ra Hà Nội học may!
Hồi đó Hà Nội còn có một hình ảnh xa vời đối với người Nghệ Tĩnh, đã mấy ai được đặt chân đến thủ đô. Nhiều thanh niên khao khát tới đó để xem Hồ Gươm, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, chùa Một Cột… thế mà anh Hiền dám làm một chuyến đi Hà Nội, không phải ra chơi vài ngày mà ở lại vài tháng để “tầm sư học đạo”. Từ chỗ không biết tí gì về nghề may, anh muốn trở thành một thợ may giỏi, may thành thạo trang phục tân thời, vừa ý với lứa tuổi thanh niên.
Quyết định này xảy ra khi anh lục lọi sắp xếp lại chồng thư của đồng đội cũ. Ngày ở Việt Bắc mấy người bạn thân ghi địa chỉ quê hương cho nhau để sau chiến tranh đến thăm nhau, trong chồng thư có bức thư của anh Thái Bảo Tin đã giải ngũ hiện ở số nhà 35 Hàng Ngang. Thật là may mắn, anh sẽ ra đó ở với anh Thái, học đến khi giỏi mới trở về.
Ra tới nơi, người nhà bảo anh Thái đã về quê Mỹ Hào để sửa mộ cho ông bà. Chị Báu vợ anh Thái nói: “Bác ở đây chơi với các cháu, chừng dăm hôm nữa, anh Thái sẽ lên”, đang khi nhớ bạn nhớ những kỷ niệm đồng đội anh hỏi đường về tận Mỹ Hào. Anh Thái vô cùng bất ngờ được gặp người bạn cũ ngay tại quê mình, nước mắt giàn dụa.
“Tao tưởng mày đã vùi xương chốn Việt Bắc rồi! Trời ơi mày còn sống à Hiền ơi! Mày đang sống thật à? Mày về với tao thật à? Ai chỉ đường cho mày về với tao? Tao đinh ninh mày đã hy sinh rồi nhưng tao cứ viết thư, may mà tao còn giữ được địa chỉ mày ghi cho tao ở Nà Phạc. Tao viết bức thư vu vơ cho mày nhưng được gặp hai cụ, vợ con mày ai ngờ mày lại tìm về quê tao trước, trời xui đất khiến cho mày gặp tao hôm nay. Hiền ơi thế là tao với mày vẫn còn sống, còn được gặp nhau. Mày ở lại đây ra đắp mộ cho hai cụ tao, đi chơi với bà con tao dăm hôm rồi tao đưa mày về Hà Nội chơi cho thoả thích”.
Anh Hiền xúc động quá không nói được câu nào nước mắt ướt đẫm hai gò má, lâu lắm rồi anh Hiền không khóc kể cả những lúc anh vấp phải điều không may tột cùng đau đớn ê chề và chán chường. Mọi cơn đau trước đây như cái roi sắt quất trong máu anh chứ không quất ngoài da thịt, anh không khóc bao giờ thế mà lúc này anh khóc, khóc nấc thành tiếng chỉ có nước mắt trào ra trào ra, trong lòng anh như gào lên từng trận liên hồi “Trời ơi! Thằng bạn vào sinh ra tử của tao ơi! Mày biết không những năm tháng vừa qua tao bị bao nhiêu nỗi bất hạnh quật tao ngã, tao vẫn cắn răng ngẩng đầu lên chỉ vì tao nghĩ đến mày, nghĩ đến đồng đội chỉ ăn lá rau rừng truy đuổi giặc giữa chiến khu Việt Bắc. Gặp được mày, tao như thằng chết đuối vớ được cọc, cái cọc bền vững biết chừng nào…”
Tối hôm đó hai người bạn cũ, hai người đồng đội cũ cùng nằm một giường cùng đắp một chăn như hồi gian khổ cùng đắp chung một chăn trấn thủ giữa mùa đông biên giới rét ghê người.
Mấy hôm sau anh Thái dẫn anh Hiền về số nhà 35 Hàng Ngang. Biết rõ ý định của bạn, anh Thái xắng xở lo toan tất cả mọi việc. Anh tìm người quen để dạy anh Hiền học may, chạy các cửa hàng mua sắm đồ nghề, xếp giường chiếu cho anh Hiền có chỗ nghỉ ngơi, anh Hiền chấp nhận tất cả mọi sự thu xếp với một tình cảm rất đỗi chân thành của bạn. Duy có nơi ăn chốn ở là anh hơi ngại, gian gác chật hẹp vợ con anh Thái nằm ở phía trong, anh Thái nằm ở góc phía ngoài có thêm một người nữa, anh Thái tháo giường buộc lại, đặt ra cầu thang trải chiếu vào góc phòng hai người cùng nằm. “Mấy năm màn trời chiếu đất may còn sống mà nằm với nhau ở đây, còn lo rộng với chật cái nỗi gì”. Anh Thái nói vậy…
Và, ngày ngày chị Báu lo chu tất hai bữa ăn cho cả gia đình thêm người bạn của chồng nữa là bốn “chẳng qua là thêm bát thêm đũa có tốn kém gì đâu”. Chị Báu trò chuyện với anh Hiền: anh Thái nói với em nhiều về bác. Thương các anh quá, thời trai trẻ thì nhịn đói nhịn khát ngủ rừng ngủ núi, hoà bình rồi mà cũng chẳng được thảnh thơi gì cả, vạn bất đắc dĩ anh Thái mới mang vợ con lên đây ở chứ anh ấy và em chỉ muốn sống ở quê dễ chịu hơn. Em nhiều lần nói với anh ấy là các ông cán bộ địa phương nói gì kệ người ta đừng cãi lại, cãi với họ chỉ mang hoạ vào thân. Anh ấy nghe họ nói sai,không chịu được,nói lại một câu thì họ đập cho mười câu. Em cứ tưởng chỉ riêng nhà em phải lận đận, hoá ra bác cũng vậy. Thôi bác ạ, hoạt động xã hội như thế đủ rồi, bây giờ về vui thú với gia đình. Mừng cho bác là biết chọn nghề. Trong quê bác ít thợ may, bác học được nghề này, kiếm được đồng ra đồng vào nuôi các cháu học hành… Em chỉ ngại một điều… chỉ ngại… từ nhỏ đến giờ bác chưa hề biết may vá, đến cái tuổi này cứng tay cứng chân học khó vào. Bác cần gì cứ nói với nhà em.Thời buổi loạn lạc các anh còn cưu mang được nhau, huống hồ chi bây giờ…”
Thấy vợ chồng anh Thái chăm lo tỉ mỉ cho mình, anh Hiền càng ra sức học. Ngày nào anh cũng đi miết, tối về, cháu Bình, con gái đầu của anh Thái mới hơn mười tuổi,đòi bác Hiền dạy tiếng Pháp. Hai bác cháu cứ xì xồ với nhau đến mười giờ. Cả nhà đi ngủ, anh Hiền vẫn thức, đem giấy báo và vải vụn tập cắt quần áo. Anh chú ý tập cắt những mốt trang phục tân thời. Nhiều đêm anh thức đến một, hai giờ sáng. Anh Thái trở mình thức dậy: “Hiền ơi, đi ngủ đi. Gần chín năm mày thức ở Việt Bắc chưa đủ à. Bây giờ phải vừa học vừa nghỉ ngơi chứ. Học một tháng không xong thì học hai tháng, hai tháng không xong thì ba tháng, bốn tháng. Tao nuôi mày đến khi học thành nghề tao mới cho về…” Chiều bạn, anh Hiền tắt đèn. Nhiều đêm, nằm thao thức, suy nghĩ lung tung. Tiếng ngáy của bạn sao giống tiếng ngáy những đêm nằm rừng. Có gì thảng thốt, anh ngồi dậy nhìn gương mặt bạn mờ mờ dưới ánh đèn ngoài đường phố rọi vào. Một thoáng lạnh, anh rùng mình, nước mắt ứa ra. Từ trong sâu thẳm tâm linh, loé lên một ý nghĩ vu vơ rồi chợt tắt: “Giá cuộc chiến tranh vẫn cứ kéo dài… được ở mãi với nhau…”
Thấm thoát ngày tháng trôi qua, đã hai tháng rồi. Công việc học may đã tạm ổn. Cuộc chia tay bùi ngùi quá, tựa như năm nào hai người được phân bổ về hai đơn vị hành quân tới hai mặt trận khác nhau, mù mịt đường sá và mù mịt thời gian…
°
Cả nhà vui mừng đón anh Hiền từ Hà Nội trở về. Ngoài chiếc máy khâu mới tinh và đồ nghề đầy đủ, anh còn mang theo mấy bộ quần áo để làm mẫu, một cuốn sách in hình tất cả các kiểu thời trang nam nữ.
Anh Lộc sang ngay chiều hôm đó, cùng xúm tay xúm áo và sắp đồ đạc, rồi ngồi vào ghế đạp thử máy: “Máy chạy rất êm chú ạ. Chú tự đi mua hay ai chọn cho mà máy nhẹ thế… Có thể trong mấy ngày đầu sẽ trục trặc. Khi cần chú cứ ới một tiếng là tôi sang ngay. Dẫu sao tôi cũng quen việc hơn chú…” Anh Lộc bộc lộ niềm vui thực sự khi thấy anh Hiền chọn nghề may và mua được cái máy tốt. Có lẽ ngoài tình cảm bà con họ hàng, anh còn cảm thương người bạn cùng một lứa bên trời lận đận.
Như là duyên số, hai anh tham gia đội tự vệ do bác Chắt Kế tổ chức hồi còn trong bóng tối, rồi hăm hở theo bác đi cắm cờ đỏ sao vàng khắp các làng trong huyện; bây giờ hai anh cùng chí thú với nghề may. Từ khi anh Hiền mang máy khâu và đò nghề từ Hà Nội về, hầu như hai anh ngày nào cũng gặp nhau, bày vẽ cho nhau. Một hôm anh Hiền sang nhà anh Lộc chơi, ngồi đạp thử cái máy của anh Lộc, thấy cái máy xộc xệch quá:
“Máy này cũ qua rồi anh ạ, anh nên mua cái máy khác”.
“Tôi làm gì có tiền mà mua máy mới. Trước khi vào Vệ quốc đoàn, tôi dùng cái máy này. Bây giờ về vườn tôi lại lôi cái máy này ra, lau dầu, chỉnh trang lại, dùng tạm. Còn mua máy mới, chú biết không, bán cả gia sản nhà tôi chưa chắc đã…”
“Nhưng máy cũ quá, may thế này thì may mấy ngày mới được một cái áo một cái quần…”
Anh Hiền bèn mạnh dạn bàn với anh Lộc:
“Mỗi ngày anh sang tôi vài tiếng đồng hồ, dùng cái máy của tôi cũng được”.
“Thế thì phiền chú quá”.
“Chẳng phiền gì cả. Ngọt bùi cay đắng anh em phải chia xẻ cho nhau. Vả lại, tôi đâu có sức làm liên miên suốt cả ngày. Cũng có lúc tôi phải nghỉ. Lúc tôi nghỉ thì anh may. Vừa may vừa trò chuyện với nhau cho vui…”
Thế là từ đó, ai đến nhà anh Lộc cắt may quần áo, anh đều mang sang may nhờ máy anh Hiền. Có nhiều chi tiết trong nghề mà anh Hiền chưa thật thông thạo thì anh Lộc lại hướng dẫn chi li. Anh chí tình, hết sức chí tình. Có hôm anh ngôì với anh Hiền suốt cả buổi để hướng dẫn từng động tác. Mẹ tôi nói: “Thằng Hiền khi nào cũng có quý nhân phù trợ”.
Anh Hiền hưng phấn hẳn lên. Anh hướng dẫn cho chị đơm khuy, tra cúc, giao cho chị giữ chìa khoá tủ đựng quần áo đã may rồi để chị có thể chủ động trao hàng cho khách. Có hôm nhà vắng, anh ngồi may chị ngồi đơm khuy, không khí thanh bình như câu ca dao “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”. Dẫu chị là một người vợ quê mùa,anh cũng muốn gắn bó mình vào để củng cố tổ ấm gia đình, một tổ ấm như bao tổ ấm khác nơi thôn dã thanh bình.
Thoạt đầu vào nghề, anh may một số đồ cho bà con họ hàng, láng giềng, không lấy tiền, và mãi sau này anh cũng không lấy tiền. Anh may cho cha mẹ mỗi người một áo lụa, may cho tôi một quần xanh một áo trắng để đến trường… Hàng ngày tôi mặc bộ quần áo ấy đi học, bạn bè khen đẹp.
Người làng mang vải đến may ngày càng đông. Mấy đứa bạn cũng nhờ anh may mấy bộ quần áo giống như của tôi. Vô hình trung chúng tôi mặc đồng phục và làm quảng cáo cho anh. Quần xanh áo trắng trở thành cái mốt của học sinh. Nhiều lúc anh Lộc nhận được nhiều hàng quá, may không xuể, nói với khách hàn là “Đem sang cho chú Hiền may. Chú Hiền cũng may đẹp không kém gì tôi. Chú ấy học được ở Hà Nội nhiều kiểu quần áo mới mẻ hợp với thanh niên. Đây này, cái áo tôi đang mặc cũng do chú Hiền may”. Hoàn toàn anh Lộc không hề ganh tị nghề nghiệp như một số người thợ khác, trái lại còn “quảng cáo” cho anh Hiền. Thâm tâm của anh là muốn anh Hiền vào nghề một cách thuận lợi, thoải mái, bù cho những năm tháng lận đận. Anh nói với anh Hiền một câu có vẻ hài hước và thật lòng: “Nói cho đến cùng, cũng nhờ đi theo cách mạng mà chú học được nghề may. Chú ra Việt Bắc, rồi có bạn ở Hà Nội, nhờ bạn bè giúp đỡ tận tình, chú mới mua được cái máy tốt, mới học được nghề có bài bản”.
Anh Hiền tự may cho mình một bộ com-lê và mặc trong những lễ cưới, những dịp đến chơi nhà bạn ở làng khác. Ai cũng khen là” bộ com-lê này kém gì Vinh, kém gì Hà Nội. Chú không nói chú may thì ai cũng tưởng chú mua ở Hà Nội mang về”.
0 Đào và anh Phòng sắp tổ chức lễ thành hôn, đem vải đến nhờ anh Hiền may quần áo. Anh không lấy tiền. Hai anh chị cứ dúi tiền vào tay, anh Hiền nhất định không cầm: “đây là quà của anh tặng hai em”. Chiếc áo của cô dâu thì anh may cổ lá sen. Áo chú rể thì anh may cổ bẻ to hơn áo bình thường. Với hai chi tiết ấy bà con dự lễ cưới chăm chú ngắm và tấm tắc khen: “Đẹp không chê vào đâu được”.
Anh Lộc cũng công nhận là “ Tay nghề của chú Hiền lên rất nhanh”. Khách đem vải đến may đồ tân thời, anh Lộc nói chân thành với họ là chú Hiền may đẹp hơn, “tôi chỉ thành thạo các món truyền thống”.
Tin đồn lan truyền khắp làng, cả các làng xung quanh và trong một số công nhân, cán bộ làm ở huyện ở tỉnh. Hiệu may “Hưng Thịnh” tại thị trấn Ngã ba Diễn Châu rất ăn khách lâu nay. Không những cán bộ, công nhân, nhiều nam nữ thanh niên trong huyện đều đến đó may những bộ quần áo “ diện” nhất. Dần dần họ tìm đến anh Hiền để nhờ may. Một số cán bộ làm việc ở thành phố Vinh về công tác tại Diễn Châu cũng tìm tới anh Hiền để nhờ may com-lê.
Càng ngày càng đông khách, anh ngồi bên bàn máy mỗi ngày tám tiếng, mười tiếng đồng hồ, có hôm tới mười hai tiếng. Nhất là vào dịp gần tết nguyên đán, anh làm việc tối mày tối mặt từ mờ sáng cho đến nửa đêm. Chiều ba mươi tết vẫn còn khách ngồi chờ lấy hàng.
Hẳn đã “vào cầu” rồi! Địa điểm may trở nên chật chội. Nhà trên vẫn để nguyên cho cha tiếp bạn già và hương khói tổ tiên. Anh mở rộng nhà dưới, xây thêm một gian, chỉ dành riêng cho việc may và đóng thêm ghế cho khách ngồi. Một ngôi nhà trong xóm vắng bỗng chở lên rôn rịp khách ra khách vào. Kể cả những lúc không có khách đến may quần áo, ngôi nhà cũng đông đúc bà con láng giềng sang chơi, uống nước chè xanh, hút thuốc lào và bàn chuyện mùa màng. Trước khi họp làng họp xóm, người ta cũng rẽ vào tán chuyện linh tinh. Tiếng cười nói ồn ã hoà với tiếng máy khâu lách tách lách tách.
°
Chủ nhiệm hợp tác xã báo cho anh biết: phải vào hợp tác xã! Ông gặp anh, vận động anh đến gần chục lần, anh vẫn lắc đầu:
“Cả làng này chỉ có hai máy khâu thì tổ chức hợp tác xã làm sao được? Bác định tổ chức cả các bà khâu bằng tay à?”
“Không phải thế chú ạ. Lãnh đạo Đảng uỷ và Uỷ ban đã rút kinh nghiệm việc tổ chức hợp tác xã các thầy thuốc. Lần này, xã không chủ trương lùa các ông thợ may vào hợp tác xã may, mà cho thợ may vào chung với hợp tác xã nông nghiệp.”
“Thế là thành hợp tác xã hổ lốn!”
“Sao chú lại nói là hổ lốn. Anh làm ruộng cứ làm ruộng. Anh may cứ may. Chú cứ việc ở nhà may, chẳng phải chân lấm tay bùn gì cả. Ban quản trị quy định cho chú nộp ngày công bằng tiền.”
“Bác cứ nói tôi ở ngoài. Ban quản trị bảo tôi làm gì tôi cũng phục tùng”.
“Chú mà ở ngoài thì ban quản trị điều khiển chú làm sao được! Nước có luật của nước. Làng có luật của làng. Hợp tác xã có luật của hợp tác xã. Hồi chú còn là người của Đảng, chú biết đấy, Đảng có điều lệ của Đảng, thì bây giờ hợp tác xã có điều lệ của hợp tác xã. Nghiêm minh lắm chú ạ. Có phải chuyện chơi bời đâu. Ta đang tiến lên xã hội chủ nghĩa, rồi tiến lên cộng sản chủ nghĩa, phải có đội có đoàn có tập thể mới làm ăn đựơc”.
“Bác cho tôi ở ngoài. Cả nhà tôi đều vào hợp tác xã rồi, ăn ngày công của hợp tác xã chừng ấy người cũng đủ rồi”.
“Sao chú lại quan niệm lạc hậu thế. Cả nhà chú tiến bộ mà một mình chú lạc hậu cũng gây ảnh hưởng chính trị xấu đến cả nhà, cả con cái chú sau này. Tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải dàn hàng ngang mà tiến, anh nào nhô lên trước là mắc bệnh tiền phong chủ nghĩa, anh nào tụt lại sau là mắc bệnh lạc hậu chủ nghĩa. Chú suy nghĩ kỹ rồi trả lời tôi một lần cuối cùng”.
“Bác cho tôi ở ngoài…”
Ông chủ nhiệm ra về từ lâu, anh vẫn ngồi im ở vị trí cũ. Không nhúc nhích. Không uống nứơc.Không hút thuốc, mặt đờ đẫn. Chẳng biết đường nào mà lần. Chẳng biết nẻo nào mà đi. Thời buổi khó làm ăn quá. Chẳng qua là cui đánh đục đục đánh răng. Trên ốp thì dưới cứ làm. Dưới làm sai thì dân phải chịu. Cuối cùng chỉ khổ dân… Ngực dồn lên một luồng khí khó chịu, anh nuốt khan, mà mi mắt đẫm ướt. Tự nhiên anh bật cười thành tiếng, câu nói của ông chủ nhiệm như là roi chua chát quất vào trí não: “Tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải dàn hàng ngang, anh nào nhô lên trước thì mắc bệnh tiền phong chủ nghĩa, anh nào tụt lại sau thì mắc bệnh lạc hậu chủ nghĩa”. Chẳng có sách vở nào như vầy, mà ông nào nói cũng giống nhau. Nghĩ cho đến cùng thì thương cho cả người thừa hành, nhất là anh thừa hành ở tầng dưới cùng. Anh ở tầng dưới cùng lại là bà con thân thuộc của mình. Bà con thân thuộc lại đang tâm tróc lã lẫn nhau. Nhân tâm li tán. Anh gục đầu xuống bàn, thở dài.
Từ ngoài đường làng, vẳng vào tiếng trẻ mục đầu cưỡi trâu về chuồng:
Trung ương bương ông bộ - Ông bộ chộ ông khu - Ông khu trù ông tỉnh - Ông tỉnh chỉnh ông huyện - Ông huyện chuyển ông xã - Ông xã nã ông xóm - Ông xóm tóm ông dân - Ông dân đánh trần mà chịu…
Trời lại sắp tối rồi. Bữa cơm chiều miễn cưỡng. Mọi hôm, bữa cơm chiều vui vẻ cả nhà sum họp, hôm nay chẳng ai muốn trò chuyện. Mẹ dừng đũa, nhìn anh Hiền:
“Chế độ này không ai được giàu đâu con ạ. Người ta sợ người giàu lại bóc lột người nghèo”.
“Nào có giàu. Con không muốn làm giàu. Chỉ muốn kiếm đủ ăn. Con may giúp cho bà con làng xóm, những người nghèo con có lấy tiền đâu”…
“Nhưng con cũng kiếm được tiền mà không chân lấm tay bùn. Có người bảo con là “ngồi mát ăn bát vàng”.
Anh Hiền cảm thấy nghẹn ở cổ. Không thể nuốt được miếng cơm đang nhai dở, anh đứng dậy, bước ra vườn, nhổ miếng cơm, rồi vào giường nằm.
Ngày hôm sau, ông chủ nhiệm đến báo cho anh Hiền: “Chú không vào hợp tác xã thì chú phải nộp thuế”. Thế à? Thuế gì mới được chứ? Mua một cái máy khâu vừa để giúp bà con vừa để kiếm ăn mà cũng thuế à? Thời gian gần đây, chính quyền xã tự ý đặt ra nhiều loại thuế vô lý. Lên núi Hai Vai chở một xe cút kít đá về quây chuồng lợn, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế mại lộ”. Lên rú Đan Trung hái một gánh củi về đun bếp, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế rừng”. Lên khe Nu lấy một gánh cát, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế cát”. Quãng đường số bảy qua Chợ Mới, từ xưa đến nay là nơi nghỉ ngơi của những người nghèo làm nghề buôn chè từ Đô Lương xuống, trở thành một cái chợ nhỏ của bà con các làng Thanh Lý, Xuân Viên, Vân Tập, Hậu Luật ra mua chè tươi. Mấy tháng nay họ lập một “trạm thuế” tại đó. Hễ có một xe chè nào dừng lại là “nhân viên thuế” ra thu thuế!!! Bao nhiêu thứ thuế vô lý ấy do chính quyền xã đặt ra, thì cái “thuế máy khâu” chẳng có gì là lạ!
Cắn răng mà chịu. Nuốt giận mà chịu. Nhẫn nhục mà chịu. Nạng tre sao chống nổi trời! Nhân viên thuế của xã đến thu thuế, anh nộp. Nhưng tháng thứ hai, tháng thứ ba, tháng thứ tư, thuế cứ tăng dần. Anh chịu không nổi.
“Đến thế này thì phải bỏ nghề mất!”, anh cau mày, nắm chặt bàn tay đấm xuống bàn. Và gian nhà chật chội bỗng trở nên mênh mông một sự im lặng bức bối.
“Chẳng lẽ lại bỏ nghề? Mình ra công học bấy lâu…” Trằn trọc suốt một một đêm trắng, mặt bạc phếch vì buồn ngủ và vì lo nghĩ, suy tính. Phải tìm ra một con đường thoát vừa “hợp pháp” vừa đựơc việc cho mình. Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Đảng đang khuyến khích dân đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi, nhiều người đã bán nhà, đem cả vợ con lên lập làng mới ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn. Huyện này thuộc địa phận Phủ Quỳ, từng nổi tiếng là ma thiêng nước độc: Phủ Quỳ đi có về không. Mồ xanh vợ để tang chồng là đây! Vài gia đình lên đó định cư, làm nhà đàng hoàng, rồi bỏ về. Trong bối cảnh như vậy, mình “xung phong” lên, dựng một cái lều nhỏ, mở một hiệu may khiêm tốn, chắc là không ai động chạm đến mình.
Anh chưa kịp thổ lộ điều này vơí cha thì cha đã chờ anh thức dậy để nói:
“Hiền này… Cha nói thật với con một điều… Từ khi con giải ngũ đến nay,làm cái gì cũng bị người ta cản trở. Con đã xoay xở đủ cách mà không xong. Đến việc mở hiệu may, con đã thu gom tất cả tài sản để mua sắm đồ nghề, ra Hà Nội học. Làm ăn đang khấm khá thì bị người ta chặn lại. Để đỡ uổng công con, cha nói thật, biếu mỗi ông lãnh đạo một ít tiền”.
“Biếu tiền?…”
“Phải biếu tiền chứ con. Ai mà chẳng biết con đụoc nhà nuoc cho một cục tiền trước khi về. Con chưa hề biếu ai một đồng nào cả. Thằng nào làm quan mà chẳng thích tiền, quan to ăn to quan nhỏ ăn nhỏ… Phải biếu con ạ, nhất là mấy ông chủ chốt, bí thư Đảng uỷ, bí thư chi bộ, chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã. Con chịu khó nghe cha. Nếu con không dám cầm tiền đến nhà biếu, thì để cha làm việc đó”.
“Biếu tiền?… Con muốn xoay cách khác. Xã đang kêu gọi dân đi khai hoang ở Nghĩa Đàn. Con định lên đó làm vài ba năm. Chắc là họ để cho mình yên. Lên đó chịu khổ một chút, nhưng khách hàng thì đông. Hai nông trường, ba nông trang, công nhân đông, bà con nông dân cũng đông. Hầu hết là thanh niên, thích ăn mặc kiểu tân thời. Thợ may lại hiếm. Chứ bây giờ cầm tiền đi biếu ông này bà nọ, nhục lắm…”
“Chịu khổ một lúc còn hơn chịu khổ vài ba năm”.
“Biếu tiền?… Biếu lần này họ lại vòi lần khác. Chi bằng chịu khổ mấy năm để được thảnh thơi”.
°
Cuộc di chuyển này quả quá cực nhọc! Lỉnh kỉnh những máy khâu, hòm đựng đồ nghề, hộp kim chỉ, bì đựng vải vóc, va li đựng quần áo và tư trang. Các thứ đó đựơc chuyển xuống thị trấn Diễn Châu cách nhà sáu kilômét, rồi lên ô tô đi thị trấn Thái Hoà. Từ bến xe Thái Hoà, lại lích kích mang vác đồ đạc cuốc bộ tìm nhà trọ. Vã mồ hôi muối.
May quá! May qua một đồng đội cũ gặp anh ở Thái Hoà, nhận ra anh và mời về nhà nghỉ ngơi. Người đồng đội này trước kia là đội viên của trung đội quân địa phương Diễn Châu do anh chỉ huy.
“Có phải Chiến không?”
“Đúng rồi em là Chiến, Chiến béo đây mà. Cả trung đội có hai Chiến, các bạn gọi Chiến kia là Chiến gầy, còn em là Chiến béo. Thủ trưởng nhớ ra chưa?”
“Nhớ rồi…”
“Sau khi thủ trưởng ra Việt Bắc mấy tháng, em được điều vào quân chính quy, chiến đấu ở vùng chiến trường Bình Trị Thiên. Đến cuối cuộc kháng chiến,em bị thương. Điều trị khỏi vết thương, em về nhà sản xuất nông nghiệp. Em mới đưa vợ con lên đây đựơc dăm tháng, tham gia phong trào khai hoang ấy mà… Thế thủ trưởng lên đây làm gì?”
Thấy người chiến sĩ cũ của mình vồn vã và nhiệt tình, anh ứa nước mắt:
“Mình cũng lên tham gia phong trào khai hoang”.
“Thủ trưởng khai hoang ở đâu?”
“Ở Nghĩa Thịnh”.
“Nghĩa Thịnh xa lắm, heo hút lắm. Muốn lên đó phải qua nhiều đèo và ngồi đò qua một con sông. Thủ trưởng không đủ sức đâu. Khổ quá, hồi ấy thủ trưởng phi ngựa như bay mà bây giờ lại phải cuốc bộ thế này. Hay là… hay là… em nói thật, thủ trưởng cứ ở lại đây với em. Nhà em mới dựng bên sông Hiếu. Một cháu mới bảy tuổi. Nhà rộng lắm. Em dành cho thủ trưởng một gian. Chắc là thủ trưởng mang cái máy khâu này lên để may chứ gì. Nếu thế thì thủ trưởng đặt máy khâu ở nhà em cũng được. Thủ trưởng đồng ý chứ? Gớm, bất ngờ gặp thủ trưởng em mừng quá. Em nhớ như in dáng thủ trưởng phi ngựa như một chiến mã xông pha chiến trường…”
Câu nói hồn nhiên của người chiến sĩ cũ bỗng nhiên đánh thức mạnh mẽ những kỷ niệm đồng đội trong anh. Anh quay mặt cầm mùi soa lau nước mắt…
Anh suy nghĩ bâng quơ: hình như trời đất xui khiến anh, ban phát cho anh được những người tốt giúp đỡ khi gặp những điều bất trắc trên đường đời. Không phân vân, giữ ý, anh theo Chiến về nhà và ở lại đó mở hiệu may.
Thị trấn Thái Hoà trước đây là huyện lị của Phủ Quỳ, nay là huyện lị Nghĩa Đàn. Đất nước bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Thái Hoà như một cô gái đang tuổi dậy thì. Phố xá hăm hở mở ra giữa bốn bề đồi núi. Tuy còn tranh tre nứa lá nhưng trong mình nó như mang đầy sức sống, phơi phới và vô tư. Cửa hàng mậu dịch xây tường vôi, lợp ngói đỏ và con người ở đây tập làm quen với việc xếp hàng để mua diêm, chỉ, vải, theo ô phiếu.
Xung quanh thị trấn mở ra mênh mông nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu. Cà phê và cam xum xuê trái ngọt. Nông trang “12 tháng 9” - mang tên ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh - mở ra ở phía Tây Nam. Các trại khai hoang của dân từ miền xuôi lên ngổn ngang nhà cửa, chặt cây đổ ngả nghiêng. Những mảnh rừng xanh cố thủ được thay bằng những bãi sắn xanh um.
Ngôi nhà của Chiến ở gần bờ sông Hiếu, hoa phượng nở đỏ bên sông. Những con thuyền hối hả sang ngang chở khách từ miền xuôi lên, từ miền ngược xuống. Hiệu may nhỏ bé của anh Hiền càng ngày càng đông khách. Ngày Chủ nhật, gái trai từ nông trường ra, từ nông trang vào, từ trại khai khoang và bản làng kéo nhau ra thị trấn chơi. Ngoài cửa hàng mậu dịch hai nơi đông người nhất là hiệu ảnh “Sông Hiếu” và hiệu may anh Hiền. Người làng Hậu Luật lên lập làng mới ở Nghĩa Hưng cũng kéo xuống chơi và may quần áo. Anh không ngờ ngay từ đầu khách hàng mang vải đến may lại đông đến thế, niềm vui thắp lên trong anh một điểm sáng nhỏ giữa vùng ánh sáng vừa mới hừng rạng đông giữa nơi núi non trùng điệp, nơi mà mấy đời cha ông mình lên làm thuê làm mướn để rồi lúc trở về mang theo bệnh cổ trướng và bệnh sốt rét vàng ệch da. Tuy xa gia đình, xa bố mẹ, vợ con nhưng anh Hiền thấy vui cái vui nhộn nhịp của vùng kinh tế mới tràn vào và cái vui thầm lặng của gia đình người chiến binh cũ đã cứu mạng anh. Tiếng đồn hiệu may ông Hiền phát đạt lan ra cả thị trấn Thái Hoà rồi lan xuống cả vùng quê Hậu Luật, một số cán bộ xã nói “Ông Hiền đi khai hoang mà như ông hoàng, bà con ta lên trên đó phát nương phất rẫy nhễ nhại mồ hôi suốt ngày, ông Hiền thì ngồi một chỗ, không phải một nắng hai sương, lại có người cơm bưng nước rót. Bất công quá!” Thế rồi lời qua tiếng lại trong một số cuộc trò chuyện tay đôi, tay ba của mấy đồng chí có trách nhiệm:
“Lão ta lại nhoi lên được rồi!”
“Tư tưởng bóc lột vẫn còn rất nặng trong đầu óc lão”.
“Những phần tử bất mãn, thoái hoá như lão phải trừ cho tận gốc!”
“Nhân dân phải ăn đói mặc rách để tiến lên chủ nghĩa xã hội, còn cái lão ấy thì cứ phởn phơ toạ hưởng!”
Tâm lý đố kỵ nhỏ nhen của tiểu nông cộng với tư tưởng “húp cháo chung” của bệnh ấu trĩ tả khuynh, đã tạo ra cách nhìn kỳ quặc trong một số cán bộ lãnh đạo: anh Hiền lại bắt đầu bị dòm ngó, soi mói!
Và một tấn bi kịch mới lại bắt đầu mở ra trước mặt anh!
Tấn bi kịch đó khởi sự từ một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác, khi anh nhân viên thuế của thị trấn bước vào:
“Theo lệnh của cấp trên, từ nay bác phải đóng thuế”.
“Sao lại bảo người đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới được miễn thuế ba năm?”
“Cháu chỉ làm theo lệnh của thủ trưởng cơ quan. Bác có ý kiến thắc mắc cứ đến gặp thủ trưởng cơ quan cháu”.
Anh Hiền chắt lưỡi một tiếng, rồi ngừng ngay, pha cà phê mời cậu nhân viên thuế uống:
“Ít ra thì cũng phải hai năm, bác mới lên sáu tháng đã thu thuế. Cháu về nói với ông thủ trưởng là ông đã làm sai quy định của nhà nước”.
“Thôi thôi… bác đến nói. Cháu mà nói thì ông ấy mắng cháu như tát nước vào mặt”.
Hai bác cháu ngồi trò chuyện thân mật:
“Cháu học lớp mấy?”
“Cháu tốt nghiệp lớp bảy. Nhà cháu nghèo lắm, không đủ ăn để học tiếp”.
“Cháu làm ở đây có vui không?”
“Chẳng có gì là vui bác ạ. Cháu làm gì không vừa ý là ông thủ trưởng chửi té tát. Cháu thấy nhiều người nộp thuế chậm ông ấy cũng chửi mất mặt. Phép vua thua lệ làng bác ạ. Theo cháu nghĩ là bác cứ nộp cho xong chuyện. Hay là bác biếu ông ấy vài bộ quần áo là ông ấy miễn thuế. Cháu nói thật đấy mà. Hàng tháng ông ấy giao cho cháu đi thu thuế, thu không được là ông ấy trừ lương. Cháu phải cúi đầu mà chịu… Cháu xin phép bác cháu không biết uống cà phê. Cháu còn phải đi…”
Thấy cậu bé mới chừng mười tám tuổi, tình nết thật thà, xởi lởi, anh Hiền đưa tiền thuế, nếu không cậu ta sẽ bị trừ thưởng trừ lương.
Và từng màn từng lớp của tấn bi kịch lại diễn ra đúng như lần trước: tháng thứ hai, tháng thứ ba, tháng thứ thứ tư, thuế tăng dần.
Chịu sao nổi, trời ơi! Anh vò đầu bứt tóc, cau mặt, đi ra đi vào, hai bàn tay nắm chặt.
Có lúc anh như người bị ma ám, bất thình lình đấm một cú thật mạnh. Đấm vào ai? Đấm vào không khí! Cái định kiến vô lý, cái định kiến bịa đặt, cái định kiến tưởng tượng “phần tử bất mãn”, “phần tử chống đối” như một mũi tên độc ác cứ truy đuổi anh đến tận cùng. Nếu đó là mũi tên có thật, mũi tên hiện thành hình thành dạng, anh có thể tìm cách cản lại. Đằng này, nó lại vô hình như một bóng ma, chờn vờn, ẩn hiện, và có thể bất thình lình nhập vào người anh. Mũi tên đó không rõ rệt là người này bắn ra hay người kia bắn ra, không bắt được quả tang là ai bắn. Ấy vậy mà mũi tên làm việc rất có hiệu quả, hiệu quả đến kỳ diệu!
Nửa đêm nằm mê sảng, anh vùng dậy, kéo đứt cả dây màn, chạy lao ra sân, hét thất thanh “Xung phong!” Chiến đang ngủ say cũng bừng tỉnh dậy:
“Thủ trưởng làm sao thế?”
Vợ Chiến cũng hốt hoảng chạy ra:
“Bác Hiền làm sao thế?”
Sau một phút định thần, anh gượng cười:
“Tớ nằm mê thấy đang tấn công lên đồi A1!”
Những cơn mê sảng như thế đến với anh càng ngày càng nhiều hơn trong giấc ngủ, những cơn thảng thốt cũng thường đến với anh ngay trong lúc anh đang thức.
“Anh phải về quê thôi em ạ”, anh nói với Chiến bằng một giọng buồn rầu, trầm trầm, và không có vẻ gì là quan trọng, như lẽ tất nhiên là “anh phải về quê thôi em ạ”.
“Anh phải về quê thôi em ạ…”
“Thủ trưởng đừng về. Em tính thủ trưởng cứ bốc cả gia đình lên đây cuốc xới cả đất đồi, trồng ngô trồng sắn, cũng tạm đủ sống. Em sẽ vào rừng lấy gỗ lấy nứa dựng cho thủ trưởng một ngôi nhà. Chẳng cần may vá nữa, thủ trưởng làm vườn, bác gái đi trồng ngô trồng sắn. Anh em ở cùng nhau cho vui, nhà em cũng quý thủ trưởng…”
“Anh phải về quê thôi em ạ…”
Nơi nương thân cuối cùng của anh là làng quê! Anh đã đi mọi phương trời, đã xoay đủ cách để sống, sống một cuộc sống bình thường như hàng triệu con người bình thường. Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Vận hạn rủi ro đến tận cùng, rủi ro thì gửi nắm xương vào lòng đất quê hương. Nơi đó có sự đùm bọc của những người máu mủ, của bà con thân thuộc họ hàng, làng xóm. “Anh phải về quê thôi em ạ”…
Anh về quê…