Cọng Rêu Dưới Đáy Ao

Chương XII

Thua keo này anh lại bày keo khác. Mở lớp dạy học bị thất bại, anh lại nghĩ cách mở hiệu thuốc bắc.

Chẳng lẽ sau chín năm chinh chiến, rời quân ngũ trở về quê lại không giúp ích gì cho gia đình? Ý định tham gia việc làng việc xóm giống như các viên chức trước đây hồi hưu, anh hoàn toàn từ bỏ! Thời buổi này khó khăn hơn.

Mới làm một việc lăng nhăng là kẻ khẩu hiệu ở cổng xóm mà đã bị người này đâm ngang người kia đâm dọc. Không thể tìm ra một việc nào khác để làm cho yên thân thì các ông lãnh đạo định kiến về anh là “ phần tử bất mãn”, là một “đảng viên thoái hoá”, là một “quân nhân mất lập trường giai cấp”… Ông trưởng ban bình dân học vụ mời anh dạy một lớp. Anh lắc đầu từ chối. Ông gặp anh lần thứ hai, anh cũng lắc đầu từ chối. Ông nằn nì:

“Đây là ý kiến của bà con học viên, chứ không phải ý kiến của riêng tôi. Học viên cứ giục tôi mời chú dạy.Chú nhận lời cho bà con vừa lòng”.

“Nói thực lòng với bác là tôi muốn đem khả năng hèn mọn của mình đóng góp cho làng cho xã. Nhưng tôi thấy khó lắm. Vừa rồi tôi mở lớp dạy học trong nhà, các cháu đang hào hứng học thì người ta lại moi móc những điều tôi không ngờ tới. Cha mẹ không cho các cháu học với tôi nữa”.

“À, cái việc đó… là lớp dạy riêng của chú. Với lại chú treo ảnh Khổng Tử cho nên người ta nghi ngờ. Còn đây là lớp bình dân của thôn, trong lớp học chỉ có treo ảnh của Bác Hồ. Chú chỉ việc đến dạy chữ thôi mà. Chú đừng lo”.

“Nói thực tình với bác là tôi sợ lắm. Khi người ta đã thành kiến với tôi thì dù tôi làm việc gì ngay thẳng đến đâu người ta cũng bẻ cong được…”

Anh hứng thú nghĩ ra việc mở hiệu thuốc bắc cho cha tôi vừa kê đơn vừa bốc thuốc. Việc làm này không những không động chạm đến ai, mà lại còn mang phúc đến cho thiên hạ. Anh tự vạch ra ý đồ lâu dài: hàng ngày anh vừa giúp cha làm thuốc vừa học nghề chạy chữa cho con bệnh, tiếp nối nghề cha.

Đã khá lâu rồi, anh không ngồi nói chuyện lâu với tôi, hôm nay anh vui vẻ pha hai cốc cà phê, gọi tôi đến. Hai anh em ngồi trên tấm phản. Anh cuộn một điếu thuốc lá, châm lửa, rồi chậm rãi nói:

“Đáng lẽ ngay sau khi phục viên, anh phải giúp cha mở một hiệu thuốc bắc. Bây giờ mới làm cũng chưa muộn. Trước kia, ông nội, rồi cha, làm nghề thầy lang, chỉ vì không có vốn mà quanh năm vác ô đi thăm người bệnh kê đơn, không mở đựơc hiệu thuốc. Ông đã vất vả đời cha cũng vất vả. Nay anh có tiền, sĩ quan phục quân viên được nhà nước cho một số tiền kha khá, đủ vốn để mở hiệu… Em thấy cho hợp lý không?”

Nghe anh nói, tôi cũng vui lây:

“Làm được thế thì hay quá. Nhưng anh làm gì có đủ tiền để mở một hiệu thuốc như hiệu thuốc ông Huấn, ông Sứ Lục?”

“Anh có đủ chứ. Tất nhiên lúc đầu hiệu thuốc không thể đàng hoàng như hiệu thuốc ông Huấn ông Sứ Lục, nhưng sẽ gây dựng dần dần. Có hiệu thuốc, cha chỉ việc ở nhà, người bệnh đến tận nơi, cha thăm bệnh, kê đơn, rồi bốc thuốc luôn”.

“Làm được thế thì hay quá. Bao giờ thì anh bắt đầu?”

“Anh sẽ làm ngay trong tháng tới. Tiền có sẵn đây rồi…”

Anh còn có ý định lâu dài là anh học cho được nghề làm thuốc của ông cha. Anh đã biết ít nhiều chữ Nho. Anh sẽ học thêm để nghiên cứu sách thuốc… Anh tính… sau này em cũng thế. Em có vốn văn hoá nhất định nào đó, em về nhà học nghề làm thuốc, vừa làm phúc cho thiên hạ vừa yên thân…

“Làm được thế thì hay quá. Cha năm nay đã ngoài sáu mươi, gần hết đời. Suốt mấy chục năm cha chỉ làm một ông lang nghèo. Ông nội cũng thế…”

Thuở sinh thời, ông tôi thường cắp chiếc ô đi bộ hàng ba, bốn chục cây số lên Đô Lương, vào Nghi Lộc để thăm và kê đơn cho người bệnh. Hễ có người đến mời, xa mấy ông cũng đi. ở vùng quê tôi, có một hiện tượng tâm lý hơi lạ: mỗi thầy lang chỉ ăn khách với một số làng nhất định. Thầy lang Tuệ quê ở Tràng Thân, nhưng người làng Tràng Thân và mấy làng quanh đó không bao giờ mời thầy, trong khi đó làng tôi hễ có ai đau ốm là xuống mời thầy lên thăm. Người làng tôi không hề nhờ ông tôi xem mạch kê đơn, trong khi đó nhiều làng ở Nghi Lộc, Đô Lương lại rất sùng bái ông. Cho lên ông luôn luôn phải đi xa. Thỉnh thoảng anh Hiền và tôi có đi theo ông. Lúc về, gia đình bệnh nhân có biếu ông một thứ gì, anh em tôi lại vác đi theo ông về tới tận nhà: cây cam Xã Đoài, lọ độc bình cổ, gộc cây hình con sư tử…

Ông tôi qua đời, cha tôi nối nghiệp. Nhưng một thời gian dài, người ta sính dùng thuốc Tây, coi thường đông y. Các thầy lang hầu như thất nghiệp, thầy thuốc tây được trọng vọng. Ở xã tôi, có anh Huỳnh được cử đi học y tá, sau khi học xong, anh hành nghề rất phát đạt. Ai cảm cúm, ai ho gà, ai đau đầu sổ mũi, chỉ cần gặp anh mua mấy viên thuốc đem về uống là khỏi bệnh. Từ đó, người ta “mê tín” anh, mời anh chữa cả những bệnh trọng như thương hàn, cổ trướng… Cha tôi bỏ nghề, chồng sách thuốc do ông để lại cũng tiêu tan hết, chỉ còn dăm ba cuốn để quên trong đáy tráp.

Loanh quanh thế nào đến bây giờ người ta lại sính dùng thuốc nam thuốc bắc. Các thầy lang lại được “lên ngôi”. Anh Hiền mở hiệu thuốc bắc là rất đúng lúc. Tôi chưa dám nói hết với anh về nỗi sung sướng của tôi, nhưng trong bụng khấp khởi mừng thầm. Nếu hiệu thuốc này phát đạt thì cha tôi đỡ khổ, mà anh Hiền cũng có hướng làm ăn tu chí, đỡ phải va chạm người này người kia, yên phận anh làm “một cọng rêu dưới đáy ao”.

°

Cả tổng Thái Xá chỉ có vài ba hiệu thuốc bắc có uy tín. Ngay tại xóm Chợ Mới, thuộc làng Xuân Viên cạnh làng tôi, hai anh em ông Sứ Lục và ông Huấn cũng mở hiệu. Cụ Hàn Lương vốn quê ở Nam Định vào sinh cơ lập nghiệp ở đây bằng nghề thuốc đến nay đã ba đời. Ông Lương Lục và Lương Huấn là con cháu của cụ, nối nghiệp tiền nhân. Ông Thực làm giáo học, đến cuối đời, cũng trở về nghề thầy lang. Rồi con ông giáo Thực là anh Việt đi dạy học, nhận sổ hưu trí lập tức bắt tay làm thuốc… Như thế dòng họ Lương ít nhất cũng có bốn đời nối nhau làm nghề chữa bệnh cho thiên hạ.Tuy là dân ngụ cư, nhưng đựơc bà con quanh vùng coi trọng. Những người trực tiếp làm thầy lang, ai gặp cũng cúi đầu “chào thầy ạ”. Con của các thầy lang cũng được bà con gọi một cách riêng biệt: con trai thì gọi bằng “cậu”, con gái thì gọi bằng “cô”; chứ không xưng hô sờm sã như với người bản địa: anh Xă, anh Hoe, o Ba, o Tư…

Trong những người họ Lương làm thuốc, ông Lục là người nối nghiệp cha từ nhỏ cho đến suốt đời, cho nên được mọi người tôn xưng là “Ông Sứ”. Sứ là một vị trong quân, thần, tá, sứ, dùng để điều hoà cho một phương thuốc nào đó. Sứ ở đây cũng bao hàm nghĩa vâng mệnh (trời) để ban phúc cho bàn dân. Ông Lục được tôn kính tới mức không ai gọi “ông Lục” mà gọi là “ông Sứ Lục”.

Hiệu thuốc của ông mở ngay ở chợ Mới, cạnh trường tiểu học Thái Xá, khách ra vào tấp nập. Lúc rỗi rãi, các thầy lang thường đến chơi bàn bạc với ông về thuốc thang chữa bệnh. Các cụ đồ nho cũng thường lui tới đàm đạo việc đời việc đạo. Công việc chính của ông là bốc thuốc theo đơn chính của thầy lang. Nhưng có một số người bệnh tín nhiệm ông, đến nhờ ông vừa khám vừa bốc thuốc. Gia đình nào quá nghèo, ông cho chịu tiền, thậm chí ông không lấy tiền.

Có dạo người ta đồn ở hiệu ông Sứ Lục có loại thuốc tiên do ông lão râu tóc bạc phơ mang từ miền núi xuống. Ai ngửi được hương vị của nó cũng cảm thấy người thanh thản. Ai đang có chuyện riêng bối rối gây ra đau đầu, mình mẩy khó chịu, chỉ đến ngồi ở hiệu thuốc của ông một chốc là khỏi. Cho nên nhà ông suốt ngày đêm khách rất đông. Khách ngồi chật trong nhà, ngồi tràn ra sân. Khách vây xung quanh, chỉ còn một khoảng nhỏ trên bộ phản, ông Sứ Lục khom lưng bận rộn bốc thuốc, xắt thuốc, nghiền thuốc.

Hồi nhỏ, nhiều lần anh Hiền theo ông nội, theo cha ra chơi ở hiệu thuốc ông Sứ Lục, cung cách của ông đã in đậm vào tâm trí anh một vẻ đẹp thanh nhã. Ngôi nhà lá đơn sơ. Hàng chục ô gỗ đựng đầy ắp các vị thuốc. Cả gian nhà luôn luôn thơm thoảng hương vị nhẹ nhàng… Anh chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng ông nội mình, cha mình có được một hiệu thuốc như thế. Thì giờ đây, khi ông nội đã qua đơì, cha đã ngoài sáu mươi tuổi, và anh đã ngoài ba mươi, anh hăm hở và tin tưởng lập được một hiệu thuốc bắc như hiệu thuốc của ông Sứ Lục.

Khi anh thưa chuyện với cha về ý định này, cha tôi ngồi im hai giọt nước mắt từ từ chảy trên hai gò má nhăn nheo, một lát sau, nuốt tiếng nấc cha nói:

“Làm gì có tiền”.

“Con có đủ tiền để cha làm việc đó, vốn ít thì làm ít. Dần dần sẽ phát đạt mở mang thành hiệu thuốc lớn”.

Thế là ngày nào cha tôi cũng hào hứng ra hỏi chuyện ông Sứ Lục, cha ngần ngại không dám hỏi thẳng ý của mình sợ ông giấu nghề, giữ nghề. Mãi đến ngày thứ ba cha mới ngập ngừng thưa chuyện… vừa nói cha vừa thăm dò thái độ ông. Thật bất ngờ, cha vừa dứt lời thì ông ngừng tay xắt thuốc, niềm vui hiện trên gương mặt:

“Ông mở được hiệu thuốc thì vui lắm, tôi mừng cho ông, cố tổng Quyên nhà ta là thầy thuốc giỏi, bà con ở Đô Lương Nghi Lộc mời cố đi chữa bệnh quanh năm mà cố chẳng bao giờ được sung sướng, rồi đến ông theo nghề cố ông cũng chẳng mở mày mở mặt ra được, bây giờ ông vừa kê đơn vừa bốc thuốc thân ông được nhàn nhã đôi chút, ông cần gì tôi giúp … nhưng vốn liếng ông được bao nhiêu?”

“Thằng Hiền phục viên, nhà nước cho một ít tiền, hắn bàn với tôi…”

“Có anh Hiền giúp cả tiền, cả công sức hai cha con làm đỡ vất vả”.

“Tôi chưa biết luồng lạch chạy nguồn thuốc ở đâu, ông chỉ bảo cho thì quý lắm”.

“Việc đó thì ông đừng lo, tôi sẽ bảo người mang đến tận nhà ông đủ các vị thuốc quý. Tính ông thật thà không lươn lẹo, làm một thời gian thiên hạ xa gần sẽ đến chật nhà, ông lại quen biết nhiều thầy lang, các thầy sẽ chỉ đường cho con bệnh đến nhà ông, cả vùng này ai còn lạ gì ông Đoan làng Hậu Luật. Ông còn phân vân điều gì nữa không? Nếu lúc đầu gặp khó khăn, tôi sẽ cho ông vay thuốc, khi bốc thuốc cho người bệnh mà thiếu vị thì bảo cháu sang nhà tôi mà lấy”.

“Quý hoá quá…”

“Có một dạo người ta sính thuốc tây, theo thuốc tây cảm cúm nhức đầu, sổ mũi, thương hàn người ta thường mời y tá đến khám, hiệu thuốc tôi vắng khách lắm. Bây giờ người ta lại theo thuốc ta ông ạ ngày nào nhà tôi cũng có hơn chục con bệnh xa gần đến mua thuốc, ông mở hiệu thuốc là rất đúng lúc”.

Cha tôi mừng lắm, tối hôm đó ăn cơm xong, cha gọi anh Hiền lên nhà trên, hai cha con ngồi bàn bạc tính toán công việc, mẹ tôi đi họp chi bộ về thấy còn đỏ dền bước vào góp chuyện, mẹ vui lắm. Suốt mấy năm nay anh Hiền lận đận quá. Mở được hiệu thuốc hai cha con cùng làm vừa vui cửa vui nhà, vừa có đồng ra đồng vào, mẹ đỡ khổ biết chừng nào. Mẹ vắt tà áo lau nước mắt.

“Con trâu nhà ta vừa đẻ con nghé, đợi mấy tháng nữa bán con nghé góp thêm vốn mà mở hiệu”.

“Mẹ không phải lo vốn, con đã có đủ tiền để cha sắm các thứ cần thiết ban đầu lại được cả ông Sứ Lục hùn tay vào, mọi việc thuận lợi cả mẹ ạ…”

Anh Hiền thất thế trên con đường hoạt động xã hội, trên con đường binh nghiệp lại hoá ra hay. Mọi người trong gia đình nghĩ thầm như vậy. Trong luồng suy nghĩ đó có phần tự an ủi kiểu AQ nhưng cũng có phần chân thành. Ông Sứ Lục có một hiệu thuốc bắc tiếng tăm như thế đâu có phải hoàn toàn tự tay ông làm nên mà vốn liếng từ đời cụ Hàn Lương để lại: vốn liếng về kiến thức nghề y, vốn liếng về kinh nghiệm gia truyền. Còn gia đình nhà mình, mới lập nghiệp từ đời ông nội. Mà ông nội chẳng qua là lấy công làm lãi, lấy phúc đức làm lãi. Nghề nối dõi vẫn là nghề nông. Được dăm bảy sào ruộng, lo cày cấy để kiếm ra hạt lúa củ khoai. Tuy chẳng phong lưu gì, nhưng làm ruộng vẫn chắc ăn. Ba đời nay, chưa ai dám nghĩ đến việc bán ruộng để sắm sanh các thứ mở hiệu thuốc bắc. Bây giờ anh Hiền phục viên mang được một ít tiền về, dùng số tiền đó để mở hiệu thuốc, đất ruộng vẫn còn nguyên.

Mở hiệu thuốc bắc! Điều không ai trong gia đình mơ tới, thì nay đã tới. Tôi phấp phỏng hình dung một viễn cảnh vừa đầm ấm vừa thanh nhã. Ngày ngày cha ngồi xếp bằng trên chiếu, xem mạch cho người bệnh, rồi mở tờ báo bốc từng vị thuốc bỏ vào, gói thang thuốc lại. Người bệnh cầm gói thuốc, cúi đầu chào. Mẹ tôi thì loay hoay nấu nước chè xanh, cầm gáo dừa múc ra từng bát, mời khách uống. Khách đông, từng người chờ cha tôi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Có cả những người khỏi bệnh, đến cảm ơn cha…

Anh Hiền năng nổ lo tham mọi việc. Trước tiên anh thuê thợ mộc đóng chiếc tủ dẹt có nhiều ô để đựng thuốc bắc. Ra ông Sứ Lục nhờ chỉ dẫm mua dao cầu, thuyền tán để nghiền thuốc, dùng chày để giã thuốc. Mua chiếc ghế mới để cha ngồi bắt mạch cho người bệnh. Anh chú ý sắm từng cái nhỏ: nghiên mực tàu, bút lông để cha viết đơn thuốc. Mực tàu và bút lông rất khó mua, anh đến tận nhà mấy cụ đồ nho để xin cho kỳ đựơc. Cuối cùng anh thấy thiếu một cái ghế cho bệnh nhân ngồi khi giơ tay bắt mạch, anh lại kỳ cạch tìm gỗ và tự đóng…

Anh lục lọi trong rương trong hòm, lôi ra những quyển sách chữ nho để tìm sách thuốc của ông còn sót lại. Giấy bản để lâu ngày từ tờ này dính sang tờ kia, gián gặm, con bọ đuôi dài bò lổm ngổm, anh dùng lông gà quét thật sạch, rồi đem phơi nắng… Cái thứ cũ rích này tưởng là vứt đi, sao lúc này anh thấy quý đến thế. Anh lật giở từng tờ, sáng đem ra phơi, chiều cất vào nhà, hôm sau lại phơi. Rồi anh xếp ngay ngắn ở góc phản nơi cha thường gồi để bắt mạch cho người bệnh.

Tính toán tiền nong, anh thấy còn có thể mua được một cái xe đạp. Rất cần cái xe để chạy chợ. anh mua hẳn một chiếc xe Favorit mới tinh. Với chiếc xe đó,anh đi Cầu Bùng, Cầu Giát, Đô Lương, Thái Hoà để mua thuốc. Đường xe hàng trăm kilômét qua đèo qua truông,anh đạp xe đi phơi phới,không hề mệt nhọc.

Ban đêm, nhà vắng, anh thắp ngọn đèn Hoa kì, học chữ Nho. Trước hết anh học thuộc lòng mặt chữ tất cả các vị thuốc. Rồi học rộng ra các loại sách Nho khác. Hồi nhỏ, anh có theo thầy Bộ Nga học được một ít, nay ôn lại và học thêm không đến nỗi vất vả lắm. Anh quyết tâm học để nghiên cứu sách thuốc và hành nghề thầy lang cho đến hết đời. Sưu tầm được bài thuốc mới, anh chép cẩn thận vào vở. Lân la học các cụ già để học lỏm cách chữa bệnh bằng thuốc nam: cố Cáy chữa bệnh dời leo, cố Phiệt chữa bệnh đau bụng, cố Trần Chư chữa bệnh rắn cắn, bà Luyên Đò chữa bệnh loét da…

Ngày khai trương hiệu thuốc, tất cả mọi người trong gia đình tôi rất vui. Gọi là khai trương cho vẻ trang trọng, thực ra rất đơn giản. Mẹ tôi sắm cơi trầu, chén rượu nhạt để cho các cụ trò chuyện với nhau. Cố Tồn chui bờ rào vào cửa sau. Bác Xin vắt áo lên vai băng qua vườn… Sự hiện diện của ông Sứ Lục khiến cha tôi cảm động run chân bước ra sân đón.

Sắm sửa xong mọi thứ, mẹ tôi lên xã họp. Cả nhà ra đồng làm việc. Các cố ngồi nhai trầu, uống rượu và vui chuyện tuổi già:

“Hậu vận ông Đoan như thế là tốt rồi”.

“Tôi tưởng chú Hiền lận đận lắm. Ai ngờ chú xoay sang cái nghề thuốc bắc này, ông Đoan được mát mặt, mà chú Hiền cũng đỡ tủi thân”.

“Già nua như ông Đoan mà có được cái tủ thuốc bắc như thế này còn gì sướng bằng”.

“Không có nghề gì nhân đức bằng nghề thầy thuốc. Cố Tổng Quyên ngày trước cắp ô đi theo con bệnh khắp xứ đông xứ đoài mới để được phúc cho con cháu sau này”.

“Nói dại… Tôi nghĩ ông Đoan qua đời, chú Hiền thay ông làm thầy lang,trông coi tủ thuốc, còn sướng gấp vạn làm cái nghề cán bộ chạy ngược chạy xuôi, thức đêm thức hôm, được dăm ba đồng lương, còn bị người này mới ra người kia nói vào”.

“Chúc mừng cho ông Đoan chú Hiền gặp vận may”.

°

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp bắt đầu dấy lên một cách mạnh mẽ. Các thầy lang cũng được tổ chức vào “hợp tác xã thuốc bắc”. Trong xã chỉ có bốn người thực sự là thầy lang. Nhưng như vầy thì qua ít, không thành một tổ chức “có khí thế”, các ông lãnh đạo xã cố tìm cho được mười người. Một cái xã bé con con gồm ba làng, moi đâu cho đủ mười thầy thuốc? Đành phải ghi vào danh sách các ông bà biết nhì nhằng làm thuốc nam, thậm chí có cả bà không biết làm nghề gì, ngày ngày làm viên bột nghệ để bán cho những người đau bụng và lở ngoài da.

Danh sách đã làm xong. Xã mời các vị lên họp.

Đứng đầu sổ là ông Sứ Lục. Tiếp sau đó là mấy vị đã có tiếng tăm.

Bác Cựu Dị con nhà Nho học, đựơc cụ thân sinh truyền cho một cách khám bệnh đặc biệt. Bác không cần đến tận nhà bệnh nhân để khám. Chỉ cần người nhà đem áo bệnh nhân tới. Bác thắp mấy nén hương khấn Thần linh, rồi cầm một nén khua trên chiếc áo. Thế là bác bốc thuốc. Nhiều người qua cơn hiểm nguy. Khách ở xa bốn năm chục cây số từ Yên Thành, Nghi Lộc cuốc bộ đến xén thuốc rất đông.

Cố Thu, vừa Nho học vừa có ít nhiều Tây học. Cố nổi tiếng về các bệnh phụ sản. Các bà bị động thai hoặc hay sẩy thai, cố cắt cho dăm ba thang là khỏi. Có người lấy chồng gần chục năm không có con, cố cũng chữa đựơc. Phần đông các cô gái mới có mang lần đầu đều lấy thuốc của cố uống để dưỡng thai.

Cha tôi chuyên chữa các bệnh về mắt. Nếu ai đau mắt đỏ, chỉ cần lấy một gói thuốc bột bé tí tẹo, vót trơn que tăm gạt một chút bằng chân ruồi tra vào mắt rồi đi ngủ. Chừng năm lần tra thuốc là mắt khỏi đau. Nếu ai bị bệnh đau mắt có mộng, cha dùng kim nhể sau lưng, nặn máu độc ra. Nếu ai quá nặng mới phải dùng thuốc uống… Ngoài việc chữa bệnh đau mắt, cha còn chữa đựơc cả bệnh thông thường khác.

Ngoài bốn thầy lang “tứ hổ” này, toàn là những người chỉ biết vặt vãnh chữa bệnh bằng lá cây. Chẳng hạn ai bị bệnh giời đái, cố Cáy kiếm lá vào lúc chính ngọ, giã nát, cho đắp vào chỗ da loét. Cố Chắt Phiệt già lọm khọm, đi dọc đường làng hái đủ thứ lá, rồi sắc cho người bệnh uống…

Như thế đó, động tác đầu tiên để tiến hành thành lập “hợp tác xã thuốc bắc”. Mấy thầy lang thực thụ đều lắc đầu, ngán ngẩm: “Tập thể hợp tác hoá như thế này thì làm ăn sao được hở trời!”

Sau cuộc họp bàn về tổ chức “hợp tác xã thuốc bắc”, anh Hiền ở tịt trong nhà, chẳng muốn lân la trò chuyện với bà con hàng xóm. Hết ra sân lại ra vườn. Hết ra vườn lại vào ngắm hòn non bộ. Ngắm hòn non bộ rồi vào thắp hương lên bàn thờ. Thỉnh thoảng anh lại lẩm bẩm một mình: “Kỳ quặc! Kỳ quặc!” Ngược lại, cha không ngồi yên ở nhà một phút. Suốt ngày cha đội nón dứa, cầm quạt đến chơi nhà mấy ông bạn thầy lang, vừa là để trò chuyện cho khoây khoả vừa là để thăm dò.

Đến nhà ông Sứ Lục. Khách vào mua thuốc rất đông. Ông không thể ngừng tay để nói chuyện vơi cha. Ông vừa làm việc vừa nói vài câu: “Hợp tác cách nào đây,hợp tác với những người chẳng biết nửa chữ… Để chờ xem thế nào rồi mình liệu… Các vị lãnh đạo bảo đúng thì ta nghe bảo sai thì ta không nghe… Để chờ xem binh tình ra sao…”

Đến nhà bác Cựu Dị. Sau khi trao thuốc cho các người bệnh, bác mời cha uống nước. Gương mặt bác trắng trẻo, điềm tĩnh, miệng nhai trầu, chòm râu bác rung rung: “Thuốc là thuốc của Thánh hiền cho người trần gian. Đơn thuốc này cũng là đơn thuốc của Thánh hiền bảo người thầy thuốc viết lên tờ giấy. Có phải người trần làm ra vị thuốc đâu. Có phải là người trần tự viết ra đơn thuốc đâu. Thầy thuốc kiểu như mấy ông xã mời đến họp thì khắp cả làng cả xã này ai chả làm thầy thuốc được”.

Đến nhà cố Thu. Thấy cha vào, cố vội choàng cái áo ba-đờ-xuy ra tận ngõ để tiếp. Cố vốn là con nhà Nho học, có tiếp xúc với các bậc Tây học, nên ít nhiều mang phong cách của Tây học. Khi cả tổng Thái Xá này chưa ai biết cái xe đạp hình thù ra sao, thì cố đã mua một cái xe thong dong đạp đi chơi bầu bạn. Thời đất nước còn tối tăm mù mịt, cố đã đi theo cộng sản. Người em trai lo sợ, can ngăn cố, cố trả lời: “Cái nghĩa tuỳ thời lớn vậy thay”. Tây bắt đựơc, đánh cố một trận rất đau rồi thả về. Cố lại ung dung ngồi xếp bằng trên sập gụ kê đơn, bốc thuốc và rít điếu bát. Người em trai sang chơi mỉa mai một câu gì đó, cố cười khà khà: “Cái nghĩa tuỳ vận lớn vậy thay…” Hồi ông nội tôi còn sống,cố thường vào hầu chuyện với một thái độ rất kính trọng. Sau khi ông qua đời, cố hay trao đổi chuyện thế sự với cha tôi. Lần này, thấy cha đến cố biết chắc chắn cha sẽ bàn chuyện “lập hợp tác xã thuốc bắc”, cố rít một hơi thuốc lào nhả khói bay tung toả rồi thỉnh thoảng nói: “cái nghĩa tuỳ thời lớn vận thay”.

Mặc kệ mấy cụ lang bàn bạc, đàm đạo có ý choãi ra, cậy việc tổ chức “hợp tác xã thuốc bắc” vẫn phải xúc tiến một cách khẩn cấp hàng ngày các thầy lang tập trung tại nhà ông Sứ Lục để bắt mạch và kê đơn cho người bệnh có chấm công hẳn hoi ai vắng mặt ngày nào thì trừ điểm ngày ấy. Thế là cứ sáng dậy cha tôi phải ra nhà ông Sứ Lục ngồi nhưng tối về lác đác có bà con khám bệnh và xin thuốc, có hôm cha phải thức đến khuy mới hết khách, hình như các thầy lang khác cũng thế.

Thấy kiểu làm ăn chân ngoài dài hơn chân trong của các ông lang, cán bộ xã tức lắm, cấp tốc họp “xã viên thầy lang” để kiểm điểm, riêng gia đình tôi trước kia cha cũng là đảng viên nhưng vì thấy lắm chuyện lôi thôi cha xin rút ra khỏi đảng. Mẹ là đảng viên năm 1946 đến nay, chi bộ họp góp ý gay gắt cho mẹ tôi “sao không giáo dục ông Đoan tham gia nghiêm chỉnh hợp tác xã”. Từ đó cứ tối đến mẹ không thắp đèn, người vào thưa bệnh thưa dần rồi vắng hẳn…

Hiệu thuốc cha tôi khai trương chưa đầy hai tháng thì sập tiệm, bao nhiêu hy vọng thế là tiêu tan, cả nhà buồn như có tang, người buồn nhất là anh Hiền, thương hại anh cứ thất bại hết lần này đến lần khác. Mặt anh ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, anh bực bội đến uất ức, nhưng sự phản ứng của anh càng mạnh thì càng lặn vào trong, anh không hề mở miệng một câu, chỉ đứng lên rồi ngồi xuống, đi ra rồi đi vào, đêm nằm thao thức, thỉnh thoảng anh lại thở dài. Khuya... lặng phắc… Làng xóm im lìm trong tiếng mưa rả rích đầu hồi nhà. Mưa rơi lộp độp trên tàu lá chuối, anh tung chăn ngồi dậy thắp nén hương nên bàn thờ khấn vái rồi quấn thuốc lá hút rồi lại trùm chăn nằm, tôi nghe rất rõ tiếng thở dài của anh tựa như tiếng giọt mưa trên hòn than đỏ…