Cũng dựa bên lộ dây thép đi Mỹ Tho, mà nằm bên phía tay trái khỏi xóm Đập Ông Canh chừng một ngàn rưỡi thước, có một cái xóm đông, đếm lớn nhỏ hết thảy được gần một trăm nóc. Xóm đó người ta kêu là "Xóm Ông Cai" là vì ông già của cậu Hai Nghĩa là ông Cai Tổng Hiếu, hồi sanh tiền nhà ở trong xóm đó mà bây giờ ông đã qua đời rồi, song vợ con cũng còn ở trong xóm đó.
Cái nhà ngói lớn, chung quanh có một vuông tre bao kín mít, phía ngoài lộ có xây gạch làm một cái cửa ngõ chắc chắn, hai bên mé cửa ấy có trồng hai cây điệp Tây, hễ qua đầu mùa mưa thì trổ bông đỏ lòm, nhà ấy là nhà của ông Cai Hiếu.
Ông Cai mất đã mấy năm rồi, bây giờ bà Cai ở nhà với vợ chồng cậu Hai Nghĩa, còn con gái của bà, là cô Ba Nhơn, đã có chồng nên về ở theo bên chồng trong chợ Giồng Ông Huê.
Cậu Hai Nghĩa năm nay cậu được chừng 27 hoặc 28 tuổi. Vợ của cậu, là mợ Hai Hưởng, vốn là con gái của ông Huyện Hàm Phong ở trên Chợ Gạo. Mợ Hai cao lớn người, nước da như màu bánh ếch ngọt, mặt lang ben[1] ăn lốm đốm, miệng rộng, mắt lớn. Nếu lấy nhan sắc mà luận thì mợ thiệt là khó coi, nhưng vì mợ là con nhà giàu sang, nên quyền thế với tiền tài che mắt bít miệng thiên hạ hết thảy, bởi vậy chẳng những cậu Hai Nghĩa mà thôi, mà hết thảy những người biết mợ ai cũng quên cái nhan sắc xấu đó hết.
Vợ chồng cậu Hai Nghĩa ở với nhau đã được bảy tám năm rồi mà mới sanh được có một đứa con gái mà thôi. Gia tài của ông Cai để lại, tuy bà Cai còn hưởng huê lợi chớ chưa chia cho hai con, song sự cho mướn ruộng thì bà Cai giao cho cậu Hai coi; cậu Hai cho ai mướn bà không cần biết tới, miễn là tới mùa góp số lúa ruộng đủ cho bà thì thôi. Cai tuần Bưởi là tá điền của bà Cai thuở nay, anh ta tới lui nhà bà thường; nhưng mà bữa nay mắc ôm ấp trong lòng một việc kín mà lại quan hệ nữa, bởi vậy, khi anh ta sập dù bước vô cửa ngõ thì trong ngực hồi hộp, cặp mắt láo liêng. Anh ta đi vòng vô cửa nhà sau, còn đương đi lựng khựng dựa tấm vách sát tường đầu song nhà bếp, bỗng đâu một bầy chó năm sáu con tuôn ra, con đứng xa mà sủa, con xốc lại mà táp. Cai tuần Bưởi sợ hãi nên miệng la chó om sòm, còn tay thì cầm cây dù mà quơ lia lịa. Có một con chó mực thiệt là dữ, nhảy lại táp cây dù mà trì nhằng nhằng. May lúc ấy có thằng Phùng, là bạn[2] của cậu Hai, nó chạy ra kịp, vác cây rượt bầy chó tản lạc hết. Cai tuần Bưởi mới khỏi bị cắn, song cây dù vải trắng bị rách một lỗ lớn bằng cái dĩa.
Cai tuần Bưởi đi theo thằng Phùng mà vô nhà sau, dòm thấy bà Cai đang ngồi tại bộ ván trên nhà cầu, thì lật đật dựng cây dù dựa cánh cửa rồi cóm róm đi lên, đi còn xa lắc mà lột khăn cầm trong tay, chớ không dám bịt đầu nữa. Lên tới nhà cầu, anh ta lại đứng ngay trước mặt bà Cai rồi khum lưng xá bà ba xá.
Bà Cai Hiếu đã trên năm mươi tuổi, tóc mới bạc hoa râm, da mặt dùn chút đỉnh, hình vóc ốm yếu, mà mặt mày ôn hòa. Bà đương ngồi têm trầu mà ăn, bỗng thấy Cai tuần Bưởi xá bà thì bà ngước mắt lên mà hỏi rằng:
- Mầy là thằng Bưởi phải hay không?
- Dạ, bẩm bà, phải.
- Đi đâu đó?
- Dạ, tôi lên xóm có chuyện, nên ghé thăm bà với cậu Hai mợ Hai.
- Lúa mầy năm nay khá không?
- Dạ, bẩm bà khá.
- Nè, năm nay đong lúa ruộng phải giê[3] cho thiệt sạch chớ đừng có làm dơ như năm ngoái nữa đa. Tao nghe mợ Hai mầy nói hồi năm ngoái mầy đong lúa dơ cảy[4].
- Dạ, bẩm bà, lúa ruộng tôi đâu dám làm dơ.
- Ừ, phải liệu lấy, nếu mầy dễ ngươi, tao biểu nó lấy ruộng lại mà cho người khác mướn, rồi không có cơm ăn thì chịu đa.
Cai tuần Bưởi làm ăn lo lắng hết sức, đến nỗi thất mùa mà cũng không dám để thiếu lúa ruộng. Bà chủ điền đã không biết thương, mà lại còn hăm he như vậy, thì lấy làm đau đớn vô cùng. Cái chữ bần nó làm cho con người ta hết dám khôn! Cai tuần Bưởi không phải là không biết phiền, nhưng nghĩ vì nhà nghèo mà phiền nhà giàu thì hại cho mình chớ không hại gì đến người ta, bởi vậy anh ta cắn răng ngậm miệng không dám trả treo tiếng chi hết.
Bà Cai thấy anh đứng chần ngần đó hoài mà không nói việc chi nữa nên bà biểu rằng:
- Thôi, có về thì về, còn như muốn ở chơi thì ra sau mà chơi với bầy trẻ.
Cai tuần Bưởi xá bà rồi thủng thẳng trở xuống nhà sau. Anh ta thấy Phùng đương ngồi chùi lau cái yên ngựa, bèn ngồi cạnh bên đó mà coi một hồi rồi hỏi nhỏ rằng:
- Cậu Hai đi đâu vắng vậy em?
Thằng Phùng ngước lên ngó Cai tuần Bưởi rồi cười ngạo mà đáp rằng:
- Cậu Hai với mợ Hai ngủ trên nhà chớ đi đâu!
- Ngủ hay sao?
- Ăn cơm rồi cậu Hai nghỉ trưa, chớ phải như anh vậy sao mà mang đầu đi tối ngày.
- Mình nghèo thì mình phải chịu cực khổ, còn người ta giàu thì người ta phải hưởng sung sướng chớ sao!
Cai tuần Bưởi tính thầm trong bụng để ở dần dà chơi đợi cậu Hai thức dậy rồi sẽ lập thế mà nói. Anh ta mới kiếm chuyện mà hỏi thằng Phùng rằng:
- Em ở với cậu Hai một năm bao nhiêu vậy, Phùng?
- Hỏi chi vậy? Bộ cậu Hai muốn đem anh vô thế chỗ tôi hay sao mà anh hỏi thăm?
- Nói bậy mầy! Tao mắc ruộng nương ai ở[5] đâu được.
- Ờ, phải a, có lẽ đâu đi ở kỳ vậy. Nè, anh Cai tuần, tôi hỏi anh thiệt nghe: cậu Hai xuống làm giống gì dưới xóm anh mà chầu xưa tôi thấy cậu đi hoài xuống dưới anh?
- Ai mà biết đâu nà.
- Khéo giấu dữ hôn. Tôi hỏi thử chơi vậy chớ, anh tưởng tôi không hay đa há?
- Tháng giêng, tháng hai tao mắc đi ghe, rồi mấy tháng nay tao về tao mắc việc ruộng, tao có biết chuyện gì đâu mà giấu.
- Đừng có làm bộ! Tôi nói cho anh biết anh phải coi chừng, chớ nếu mợ Hai hay đây, đố anh khỏi chết.
- Chuyện gì mà chết, mậy?
- Ừ, thì để rồi anh coi.
Cai tuần Bưởi nghe thằng Phùng hăm như vậy thì sợ mà lại lo nên ngồi nín khe không dám cãi nữa.
Thằng Phùng chùi yên ngựa rồi đem ra sân phơi nắng. Cai tuần Bưởi muốn đi theo nó mà ra sân rồi đi vòng ra phía trước chờ cậu Hai thức dậy đặng nói chuyện, ngặt vì mới ló ra cửa, thấy bầy chó nằm lểnh nghểnh, nên lấp ló mà không dám đi. Anh ta xẩn bẩn nội nhà sau cho đến xế, cậu Hai với mợ Hai mới thức dậy. Cậu Hai xuống rửa mặt, Cai tuần Bưởi lột khăn mà xá. Cậu Hai hỏi rằng:
- Đi đâu đó?
- Dạ, tôi lên thăm bà với cậu mợ.
- Lúa chín hay chưa?
- Thưa chưa, tôi làm lúa mùa nên mới ngậm sữa.
Cậu Hai không hỏi nữa, bỏ đi rửa mặt, gỡ đầu rồi kêu thằng Phùng mà biểu thắng ngựa đặng cậu cỡi đi chợ Giồng. Cậu đi lên nhà trên, Cai tuần Bưởi làm gan đi theo. Nào dè lên nhà trên cậu Hai thay áo dài, bịt khăn đen, mang giày tây; mà làm việc gì cũng có mợ Hai ở một bên, nên chỉ đứng xớ rớ xó cửa mà ngó, không dám nói chi hết. Còn cậu Hai thì vừa thay đồ vừa nói chuyện với vợ, vừa giỡn với con, coi bộ cậu không kể có Cai tuần Bưởi chút nào hết.
Cai tuần Bưởi liệu thế ở đây khó nói chuyện được, lại nhớ hồi nãy cậu Hai biểu thắng ngựa đặng cậu đi chợ Giồng, anh ta mới tính ra đường đón cậu mà nói có lẽ tiện hơn. Anh ta nghĩ như vậy, nên bước lại xá cậu Hai mợ Hai rồi xuống nhà cầu xá bà Cai mà về. Anh ta ra tới lộ rồi đi lộn lên ngã chợ Giồng để đón cậu Hai. Anh ta đi thủng thẳng, đi ít bước thì đứng lại ngó chừng, đi được hai khoảng dây thép thì thấy cậu Hai cỡi ngựa trong cửa ngõ chạy ra, cậu ngồi trên con ngựa kim, đầu đội nón lông đen, yên lại hẳn hòi, coi tướng mạo khôi ngô lắm.
Cai tuần Bưởi đứng một bên đường đợi ngựa chạy gần tới mới đưa cây dù mà cản và nói rằng:
- Cậu Hai đứng lại đặng nói chuyện riêng một chút.
- Muốn nói chuyện gì sao hồi nãy ở trong nhà lại không nói?
- Thưa cậu, con em tôi nó đẻ rồi, mới đẻ hồi trưa nầy đây, nên tôi lật đật lên cho cậu hay.
- Ủa! Em chú đẻ thì nó đẻ, chú thưa với tôi làm gì?
Cai tuần Bưởi từ hồi ở nhà bước chân ra đi, trong trí chắc hễ cậu Hai nghe tin con Lựu đẻ thì cậu mừng lắm, bởi vậy bây giờ nghe cậu Hai trả lời vô tình như thế, thì chưng hửng, đứng ngó cậu trân trân, không biết nói sao nữa. Cậu Hai châu mày nói tiếp rằng:
- Đi về đi. Khéo chộn rộn không!
Cậu nói dứt rồi cậu thúc ngựa đi thẳng. Cai tuần Bưởi ứa nước mắt đi thất thểu lộn về nhà, thầm tức, thầm tủi trong lòng, quên hết thế sự, đến nỗi trời nắng chang chang mà cũng quên che dù.
Tình nghĩa của nhà giàu sang là vậy đó hay sao?
Cái tiếng nói "thương" của họ chẳng phải nghĩa nó là trọng hậu, yêu mến, nâng đỡ, bảo bọc. Cái "thương" của họ chỉ là bóc lột, là lợi dụng, là vui chơi, dầu ai tan nhà nát cửa mặc ai, dầu ai khổ thân lao lực mặc ai, dầu ai ô danh thất tiết mặc ai. Họ gạt đặng lấy hết điền thổ của người ta mà trả giá không đầy phân nửa, cũng gọi là "thương". Họ bắt người ta làm cháy da, xém thịt, phỏng trán trót năm, sanh lợi ba phần họ lấy hết hai, cũng gọi là "thương". Họ đưa ra một mà thâu về hai, cũng gọi là "thương". Họ sai khiến người ta dầm mưa dãi nắng để cho họ ở nhà ăn no ngủ ấm, cũng gọi là "thương".
Bây giờ họ muốn thỏa mãn tình dục thấp hèn của họ rồi làm cho con gái người ta mang nhơ nuốt nhục trọn đời, mà họ cũng mở miệng gọi là "thương" nữa, thiệt là quá lắm rồi!
Cai tuần Bưởi vừa đi vừa suy nghĩ như vậy thì trong lòng lạnh ngắt, ngoài mặt lộ bất bình. Khi anh ta bước vô cửa thì Thị Tố chận lại, miệng cười ngỏn ngoẻn mà hỏi rằng:
- Sao? Mình cho cậu Hai hay rồi cậu Hai nói làm sao?
Cai tuần Bưởi châu mày, quăng cây dù lên trên ván mà nói quạu rằng:
- Có nói giống gì đâu!
- Ủa! Sao vậy?
- Cậu ngủ đợi hòng chết cha, chừng cậu thức dậy thì có mợ ở nhà nên tôi không nói được. Thấy cậu sửa soạn đi chợ, mới ra đón ngoài lộ mà nói cho cậu hay. Cậu nói nó đẻ thì đẻ, chớ nói với cậu làm gì, rồi cậu đi tuốt!. . .
- Hứ! Cái gì mà kỳ vậy kìa! Nói vậy cậu gạt mà lấy nó bây giờ nó có con cậu bỏ nó hay sao?
- Cậu lấy nó tôi có bắt được hồi nào đâu, nên tôi dám cãi.
- Mình bắt không được, chớ tôi có thấy. Cậu có nói với tôi rằng cậu thương nó lắm, cậu sẽ làm cho nó sung sướng trọn đời, khi nó có thai, nó nói cho cậu hay, thì cậu nói không hại gì, hễ đẻ thì cậu cho tiền mà ăn, rồi sau cậu cho đủ tiền mà nuôi con. Sao bây giờ cậu lại làm lảng như vậy? Mình nói tôi nghe tôi giận quá. Họ muốn như vậy để tôi đặt tên thằng nhỏ là "thằng Hiếu" rồi tôi kêu tên nó tôi chửi tối ngày cho họ biết chừng.
- Thôi, thôi, đừng có nhiều chuyện, mình muốn họ bỏ tù tôi há?
- Bỏ tù cái gì?
- Thôi, con Lựu nó dại thì nó chịu. Mình nghèo mà ăn thua với người ta sao cho lại họ. Thuở nay ai dám lấy trứng mà chọi vô đá bao giờ.
- Nếu vậy người ta gạt mình nhịn hay sao?
- Chớ không nhịn rồi làm gì họ được?
- Tức quá! Để tôi nuôi con Lựu cho nó cứng cáp, rồi tôi biểu nó bồng nhào trong nhà họ cho coi.
- Tới nói bậy thì người ta bắt người đóng trăng[6] chớ.
- Thà chết làm ma chớ ai chịu nhịn cho được mà.
- Nếu nói bậy người ta giận, người ta lấy ruộng lại mình cũng đủ chết rồi. Thôi, cái số phận con Lựu nó phải vậy thì thôi; ai xấu để trời đất biết, mình nói ra làm gì cho sanh chuyện.
- Tức quá mà! Ví dầu họ không thương con Lựu nữa thì thôi, còn máu thịt của họ đó, họ cũng không thương nữa hay sao?
- Họ thương hay không thương tự ý họ, mình ép họ việc đó sao được. Thôi bỏ đi; đi nấu cơm ăn, nói nữa mà làm gì.
Thị Tố ngoe nguẩy bỏ đi xuống nhà sau mà miệng nói lẩm bẩm những tiếng gì nghe không rõ. Còn Cai tuần Bưởi lấy cây dù đem lại móc trên khuông vách lá, vừa đi vừa nói rằng: "Đi không ích gì, mà lại còn bị chó cắn cây dù rách hết".
Lúa của Cai tuần Bưởi chín rấp Tết. Qua lối[7] hai mươi tháng anh ta lăng xăng như xoay. Phần thì lúa cả đồng đều chín rộ nên kém công gặt, phần em đẻ còn non ngày, vợ mắc con bồng con đeo không giúp đỡ được, bởi vậy sớm mai chí tối phải ở ngoài ruộng hoài.
Con Lựu mới đẻ một tháng mấy bữa, tuy anh không la rầy chi hết, còn chị dâu thì lo lửa củi hẳn hòi, nhưng mà nó hay sự cậu Hai Nghĩa bạc tình, không ngó ngàng đếm xỉa gì tới thân mẹ con nó, thì nó phiền muộn trong lòng, ăn ngủ không được, cứ nhìn con mà khóc hoài.
Nó khóc riết rồi cặp mắt sưng vù, mà mặt với bàn tay bàn chân cũng sưng nữa. Thằng nhỏ thì Cai tuần Bưởi đặt tên nó là thằng "Hai" chớ không dám nghe lời vợ mà đặt tên "Hiếu". Hôm trước Cai tuần Bưởi giận nên tỏ ý muốn đem nó cho mấy bà phước. Con Lựu nghe như vậy thì khóc sướt mướt mà nói rằng:
- Ai ở quấy thì trời phật ghi cho họ. Con tôi tôi banh da xẻ thịt đẻ nó ra, tôi rời nó sao đành!
Thị Tố lại nói tiếp rằng:
- Con kiếm không có mà nuôi, con đâu mà đem cho họ. Thây kệ nó, để cho nó chịu khó nó nuôi đặng như không ai nhìn nó thì mình chửi dòng thằng cha nó mình chơi.
Cai tuần Bưởi nghe em, nghe vợ nói như vậy thì cười rồi bỏ đi lo việc ruộng nương, không nói tới việc đó nữa.
Bữa hai mươi ba tháng chạp, Cai tuần Bưởi đi coi gặt. Con Lựu bồng con ra ngoài tại cái chõng đầu song phía dưới mà cho nó bú. Thằng nhỏ nút ít cái rồi nhả vú ra mà ngủ. Mụ bà dạy nó một lát nhích miệng như cười, một lát nhíu mày như khóc, con Lựu mặt mày sưng vù, nó ngồi nhìn con mà giọt lụy tràn trề.
Thị Tố ở nhà sau bước lên thấy vậy bèn hỏi rằng:
- Đẻ còn non ngày, đừng có khóc. Tại mầy khóc nên mới sưng mặt đỏ da.
Con Lựu lấy khăn lau nước mắt mà nói rằng:
- Không biết tại sao hễ em ngó tới thằng nhỏ thì bắt chảy nước mắt.
- Bộ mầy thương nhớ thằng cha nó chớ gì. Phải hôn?
- Em tủi phận em, chớ em không có thương nhớ ai hết.
- Hổm nay tao giận quá, tao nói để tao lên kiếm cậu Hai tao hỏi cậu tại sao mà cậu bỏ mẹ con mầy. Anh Hai mầy cứ theo cản hoài.
- Hỏi mà làm giống gì, chị Hai.
- Tao hỏi nếu cậu nói lôi thôi, tao nhiếc cậu cho cậu biết chừng.
- Người ta không nghĩ tới thì thôi, nhiếc mắng mà làm gì. Tại em dại nên em chịu, em không dám trách ai hết.
- Ông thầy Hoàng ổng nói cái bịnh thủng của mầy đó phải uống một tễ thuốc mới hết được. Ổng biểu anh Hai mầy phải đưa trước 10 đồng bạc cho ổng đi bổ thuốc, chừng ổng làm xong thì đưa thêm 10 đồng nữa rồi lấy thuốc. Trong nhà bây giờ không có một đồng, làm sao mà có đủ 10 đồng đưa cho ổng. Lúa còn đương gặt, chưa đạp được, làm sao mà bán. Mà đây còn phải lo ăn Tết nữa. Khổ lắm!
- Thôi, uống thuốc men mà làm chi, chị Hai.
- Đau mà không uống thuốc sao được. Không uống thì chết còn gì.
- Em tưởng chết còn tốt hơn là sống!
- Khéo nói bậy! Chuyện gì mà chết?
- Cái thân em sống càng thêm tủi, thêm xấu chớ sống làm chi, chị Hai. Em biết xưa rày anh Hai, chị Hai hổ thẹn với chòm xóm lung lắm. Em nghĩ vì em mà anh chị phải mang nhục thì em buồn rầu không biết chừng nào, bởi vậy em muốn chết phức cho rồi, đặng hết nhọc lòng anh chị nữa.
Thị Tố nghe mấy lời than phiền như vậy thì động lòng, bỏ đi lại bộ ván giữa ngồi vừa ăn trầu vừa ngẫm nghĩ một chút rồi ôn tồn nói rằng:
- Mầy buồn cũng phải đó chớ. Làm thân con gái mà chửa oan đẻ lạnh thì tốt bao giờ. Nhưng mà tao nghĩ chớ chi mầy đi làm đĩ lấy trai gì rồi chửa đẻ là xấu, cái nầy mình là tá điền của cậu Hai, mình cũng như là tôi tớ của cậu, cậu biểu sống thì sống, cậu biểu chết thì chết, cậu tới nhà cậu ám sát, mình làm sao mà dám cự lại với cậu. Tao tưởng trong làng nầy dầu cậu muốn ai đi nữa họ cũng phải chịu, chẳng luận là mầy. Mầy hư đây là tại cậu Hai hãm hiếp, chớ phải tự ý mầy muốn hư hay sao mà sợ xấu.
- Nếu người ta ỷ quyền ỷ thế mà hãm hiếp, mình nghèo hèn nên không dám chống cự, thì mình phải liều thân giữ cho vẹn danh tiết của mình, chớ sao mình thuận tùng để người ta lấy cho đến có chửa rồi mình nói người ta hãm hiếp? Không được, cái lỗi của em lớn lắm, không thể nào em đổ cho ai được đâu.
- Nếu mầy nói mầy có lỗi, thì tao đây cũng có lỗi nữa. Anh Hai mầy mắc đi ghe, để mầy ở nhà với tao. Tao là chị mầy, tao thấy cậu Hai làm trái mà tao không cự với cậu, thì tao quấy lắm.
- Phải, hai chị em mình quấy hết. Em dại dột em không biết liều mình, chị lớn khôn mà chị không dám chống cự, nên em với chị đều quấy hết.
- Trời ơi! Cự làm sao cho được! Chớ chi thằng nào bậy bạ nó tới đây nó chọc ghẹo mầy thì tao bửa đầu nó chớ thèm cự à. Cái nầy là cậu Hai là con của bà Cai mà tao nói sao được. Đã vậy mà còn hồi ban đầu cậu nói tử tế lắm. Cậu nói cậu thấy tánh nết của mầy cậu thương, cậu nói mợ Hai đẻ có một đứa con gái mà thôi, nên cậu muốn kiếm con trai đặng nối dòng, cậu cho tiền bạc, áo quần, vòng bông; cậu hứa làm cho mầy sung sướng trọn đời. Cậu nói nghe phải lắm, ai mà dè cậu chơi cho có chửa rồi cậu bỏ.
- Phải. Hồi đó cậu nói ai nghe cũng phải mê. Mà tại em dại em mê nên bây giờ em mới ăn năn đây. Bây giờ có một mình chị với em nên em tỏ thiệt cho chị biết. Hổm nay em muốn tự vận mà chết cho rồi, ngặt vì em thấy thằng con của em sao em thương quá, nên em còn nuối lại đây.
- Mầy cứ nói chết hoài. Nói tầm bậy tầm bạ, không nên.
Thị Tố ngồi lặng thinh mà suy nghĩ một hồi nữa rồi vùng đứng dậy nói rằng:
- Nè, anh Hai mầy mắc coi gặt, bữa nay nó đem cơm theo nó ăn đặng nó ở luôn ngoài ruộng đến chiều nó mới về. Thôi, mầy ở nhà coi chừng sắp nhỏ, để tao lén tao lên cho giáp mặt với cậu Hai coi cậu Hai nói làm sao.
Con Lựu đáp rằng:
- Đi làm chi chị Hai.
- Để lên coi ý cậu làm sao mà. Có lẽ nào cậu là người tử tế mà ở bạc tình như vậy. Không biết chừng hôm trước anh Hai mầy nói bậy sao đó nên cậu giận chớ gì. Để tao lên coi như cậu không xuống thì cậu cũng phải cho tiền đặng mầy uống thuốc chớ.
- Em không thèm tiền bạc của họ đâu.
- Khéo nói dại không! Chuyện gì mà không thèm kia.
Thị Tố vói rút lấy cái khăn vải rằn xanh trên nóc mùng mà vắt vai rồi bước ra cửa mà đi. Đứa con lớn của chị ta, đương đưa đứa nhỏ xíu ngủ trên võng, nó ngó thấy chị ta ra đi nó kêu má om sòm, mà chị ta đi tuốt, không thèm nói chi hết.
Thị Tố lên tới nhà bà Cai lối chín giờ sớm mai. Chị ta bước vô nhà bếp thì thấy bạn bè lăng xăng, đứa lo nấu nướng, đứa lau chén dĩa. Chị ta hỏi thăm mới hay là bà Cai với mợ Hai đi chợ Giồng Ông Huê mua đồ đặng sáng mai cúng tảo mộ, còn cậu Hai thì ở trên nhà trên, đương coi biểu trẻ chùi lư đặng ăn Tết. Vì chị ta quyết chí gặp cho được cậu Hai nên chị ta đứng xẩn bẩn một lát rồi lò mò đi tuốt lên nhà trên.
Thằng Phùng với một người nữa Thị Tố không biết tên, đương ngồi chàng hảng ngoài hàng tư mà chùi chơn đèn thau, còn cậu Hai Nghĩa thì ngồi tại bộ ghế trường kỷ ở trong đương lọ mọ biên chép giống gì đó không biết. Cậu Hai ngồi day lưng phía dưới nhà cầu nên Thị Tố đi lên cậu không hay. Chừng Thị Tố đi tới một bên lưng, chị ta kêu "Cậu Hai" cậu mới giật mình xây lại. Cậu thấy Thị Tố thì chưng hửng rồi cậu châu mày trợn mắt hỏi:
- Đi đâu đó?
Thị Tố cười và đáp rằng:
- Tôi lên kiếm cậu!
- Kiếm làm gì?
- Kiếm đặng hỏi coi con nhỏ đẻ đã đầy tháng rồi sao không thấy cậu xuống chơi.
- Nhiều chuyện quá! Xuống làm gì?
- Cậu xuống coi, nó đẻ thằng nhỏ ngộ quá, giống cậu thất kinh vậy.
- Ê! Bày đặt chuyện nà!
- Tôi nói thiệt a. Ai bày đặt làm chi. Cậu không tin, cậu xuống đó cậu coi.
- Ai mà biết đâu mà. Giống hay là không giống thây kệ nó chớ.
- Ủa! Cậu nói sao vậy? Trong ý cậu muốn chối, cậu nói không phải là con của cậu hay sao?
- Chị nầy thiệt là nhiều chuyện. Đi về đi, ta không biết, mà cứ theo nói hoài. Đi về đi.
- Về thì thủng thẳng rồi sẽ về chớ. Mỗi lần cậu xuống nhà tôi thì cậu tử tế quá, sao bây giờ tôi lên nhà cậu lại xô đuổi tôi? Ở chi vậy cậu Hai. Hồi nào cậu muốn nó, cậu nói lấy được, rồi bây giờ cậu lại hủy bạc nó như vậy. Đã biết chị em tôi nghèo hèn, nhưng mà ngày trước không phải tôi thấy cậu giàu nên tôi ép uổng cậu hay là con em tôi nó thấy cậu lịch sự nó tới ve vãn cậu, cậu ỷ quyền chủ điền, chủ đất, cậu ỷ thế con ông nầy bà kia, cậu tới ám sát mà lấy nó. Chị em tôi nghèo hèn không dám chống cự với cậu, lẽ thì cậu nghĩ lại cậu thương thân phận con Lựu lắm mới phải, chớ sao. Tại cậu mà nó có chửa nó đẻ, rồi bây giờ cậu bỏ cậu làm lảng như vậy. Hôm trước nhà tôi lên nói cho cậu hay, cậu trả lời sao đó không biết, mà nó về hổm nay nó hờn cậu lung lắm. Tôi nói không lẽ cậu là người sang trọng mà cậu ở đoản quá như vậy. Dầu con Lựu nó có quấy với cậu chỗ nào thì cậu giận nó, chớ thằng nhỏ đẻ ra đó là máu thịt của cậu, nó có lỗi gì mà cậu giận luôn tới nó, nên cậu không thèm xuống. Cậu nghĩ lại đó coi lời tôi nói đó phải hay là bậy.
Cậu Hai Nghĩa ngồi chống tay lên trán, nín mà nghe, vừa động lòng, vừa hổ thẹn, nên không biết lấy lời chi mà đuổi Thị Tố nữa. Mà nếu để Thị Tố cà rà ở đây, rủi vợ và mẹ đi chợ về gặp sợ sanh nghi càng khó hơn nữa. Cậu bối rối không biết liệu làm sao cho xong. Cậu tính hồi nãy mình làm quạu mà đuổi thì Thị Tố không chịu về, thôi để bây giờ mình dùng lời êm ái gạt chị ta đặng chị ta đi phứt cho rảnh. Cậu nghĩ như vậy nên nói dịu ngọt rằng:
- Thôi, chị về đi, để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính.
Mấy lời nói ấy thiệt là có ý tứ. Câu nói cho Thị Tố yên lòng mà về, mà cậu không có buộc cậu vào việc gì hết. Cậu nói thủng thẳng hay là cậu nhìn con, hay là cậu nuôi con Lựu, Thị Tố thiệt thà không hiểu thấu chỗ xảo của cậu, nghe cậu nói êm mấy lời thì tưởng là cậu xiêu lòng rồi, chắc cậu sẽ chiếu cố mẹ con con Lựu, bởi vậy chị ta mừng mới nói nhỏ rằng:
- Từ hôm nó đẻ đến nay nó trông cậu khóc cặp mắt sưng chù vù. Một đêm chí sáng nó ôm con ngồi khóc hoài nên sanh bịnh thủng nữa. Cậu xuống mà coi tay chưn mình mẩy nó sưng híp. Ông thầy Hoằng ổng biểu đưa hai chục đồng bạc đặng ổng làm một tễ thuốc cho nó uống, mà nó có tiền đâu mà đưa ra. Cậu làm ơn đưa cho ít chục đồng đặng nó uống thuốc cậu Hai.
Không phải cậu Hai Nghĩa tiếc gì vài chục đồng bạc, nhưng vì một là cậu sợ cho tiền rồi con mẹ nọ bắt bén đến xin hoài, hai là cậu sợ nói dần lân mợ Hai về gặp sanh chuyện, bởi vậy cậu cùng quằng nạt rằng:
- Chị nầy nói nhây quá. Ta biểu về đi mà! Tiền bạc đâu mà cho. Không cho gì hết. Đi ra cho mau.
Thị Tố gốc ở trên Bình Phú Tây, thuộc về tổng khác, nên hồi nhỏ không có ở dưới quyền ông Cai Hiếu. Từ khi có chồng về dưới nầy, tuy là chồng làm tá điền nhà cậu Hai, nhưng mà chị ta chẳng hề lui tới cúi lòn ai mà cầu việc gì. Đã vậy mà mấy tháng trước cậu Hai tới lui với con Lựu thường hay nói pha lửng mơn trớn với chị ta, bởi vậy chị ta lờn mặt không kiêng nể cậu cho mấy. Bây giờ chị ta nghe cậu nạt nộ xô đuổi nặng lời thì chị ta nổi giận nên cũng trợn mắt mà ngó cậu và nói rằng:
- Tôi nói tử tế quá mà cậu nạt nộ cái gì. Nó đau nên tôi xin tiền cho nó uống thuốc, chớ phải tôi xin về đặng vợ chồng tôi ăn hay sao. Cậu không tin thì hỏi ông thầy Hoằng mà coi. Cậu không muốn cho, cậu nói như vậy chớ sao cậu lại không có tiền.
Cậu Hai Nghĩa đương bối rối trong trí. Mà Thị Tố trả treo lằng nhằng làm cho cậu càng bối rối hơn nữa, nên cậu giận cậu vùng đứng lên kêu thằng Phùng mà biểu rằng:
- Phùng, mầy đuổi con mẹ chết vầm nầy nó ra ngoài coi nà, để nó đứng nói hoài đó hay sao.
Cậu nói dứt lời liền bỏ đi vô buồng.
Thằng Phùng chạy vô hai bàn tay còn đánh dầu chùi lư dơ bẩn; nó chụp nắm tay Thị Tố mà kéo ra cửa. Thị Tố giận, mặt mày tái lét, muốn làm dữ coi xấu ai cho biết, nhưng mà chị ta nghĩ lại mình nói cậu Hai lấy con Lựu mà không có bằng cớ gì, mình nóng nói bậy người ta bắt lỗi mình được. Đã vậy mà mình tới nhà người ta làm rầy, mình mắc lý nữa. Chị ta xét như vậy nên dằng lòng ríu ríu đi ra. Thằng Phùng thấy chị ta không chống cự chi hết thì cười mà nói rằng:
- Chị nầy gan thật, chị muốn chết hay sao nên dám léo tới đây nói lằng nhằng gì đó hử? Đi về cho mau. Láng cháng ở đó, cậu Hai giận đây, đố khỏi…
Thị Tố day trợn mắt ngó thằng Phùng mà nói láp dáp rằng:
- Tao chớ phải ai hay sao. Tao sợ là sợ người phải kia, chớ người như vậy tao dễ sợ đâu. Giàu thì giàu chớ có phép nào mà giết người được hay sao?
Thằng Phùng ngó theo mà nạt rằng:
- Còn nói gì nữa đó? Đi đi, ở láng cháng đó ta xít chó cắn đa, nói cho mà biết.
Thị Tố vừa nghe vừa phiền, ra ngoài lộ rồi mà còn ấm ức trong lòng nên đi về không được. Chị ta ngồi bẹp dựa lề đường, hai cánh tay chống trên hai đầu gối mà ngó mong.