Toà nhà chính của lâu đài thật hùng vĩ. Khối chính giữa đồ sộ, trổ hàng loạt cửa sổ cao đến mấy tầng nhà, là chỗ dựa chắc chắn cho hai cánh bên, với những tháp cao điểm xuyết bên cạnh chiếc tháp tròn đang phất phới ngọn cờ mang gia huy dòng họ Mikhorovsky. Trên đỉnh tháp người ta đặt một đài quan sát khí tượng. Hai dãy bên không dài lắm của lâu đài được nối với nhau bằng một dãy nhà chạy ngang giống như chiếc khoá, được gọi là " nhà trên dãy cuốn " vì có những vòm xây cuốn cao vút ở cổng ra vào. Tại đó, ở tầng dưới là phòng họp hội đồng quý tộc cổ kính, còn ở phòng trên là phòng trưng bày chiến cụ.
Sân trong được bao bọc bởi những dãy nhà cầu thẳng và gấp khúc, được trang trí bằng những diềm xây và lan can. Một bồn lớn trồng hoa có hàng rào cây xanh xén thấp rải rác đây đó trên cỏ, giữa tấm thảm hoa là một đài phun nước bằng cẩm thạch màu xanh với bể chứa đầy ắp nước hình thần Neptun với Nimfa có rắn cuốn quanh mình. Từ hàm con rắn và từ tảng đá mà thần Neptun đâm ngọn đinh ba xuống, vọt lên những tia nước uốn cong đổ xuống bể chứa. Ở góc bên phải của khối lâu đài có hàng hiên không rộng lắm, cao ngang tầng một, chạy một hàng lan can sắt cải hoa hồng. Toàn bộ khu vườn treo này được trang điểm bởi những cây trắc bá hương và sim thơm. Hàng hiên tựa trên tám cột đá thẳng vút, trên đỉnh có gia huy dòng họ Mikhorovsky. Các bậc thềm và hàng hiên lát những phiến đá trắng. Trên đỉnh cửa ra vào nổi bật hàng chữ nổi: "Khách đến nhà ta là Chúa đến nhà ". Về phía đông, toà lâu đài được vây bọc bởi một dãy bao lơn tuyệt vời xây trên những vòm cuốn bằng đá và cẩm thạch cao đến tầm gác hai. Điền trang Guenbôvitre nổi tiếng vì hàng bao lơn này và những đồ dùng được chọn lựa rất hợp cách. Tầng trệt của lâu đài được tô điểm bởi một hiên dài bằng cảm thạch trắng cải dây tường xuân, với tượng các vị thần Hi lạp bằng thạch cao tuyết hoa. Trong một chỗ gãy khúc của bức tường lấp loá ánh kính lấp loáng của khu nhà ấm hình bán nguyệt.
Từ trên bao lơn trải rộng cảnh quan kì thú của khuôn viên và những khu vườn cây ăn quả kiểu Anh, với thung lũng hoa hồng nổi tiếng, những hang động được sắp xếp bằng những tảng đá, một hang bằng đất sét đỏ, hang thứ hai màu trắng, đắp theo hình các thánh đường Hi Lạp, một toà nhà mát mùa hè màu trắng, bên trong có bể cá cảnh, một sân quần vợt có nhà đình tạ xinh xắn, nơi người ta bày thức uống mát những khi chơi bóng, và sau rốt là chiếc cầu cạn tuyệt đẹp màu lục dành làm nơi dạo mát và những khóm cây quý hiếm trồng trên thảm cỏ mượt như nhung, cùng những con đường uốn lượn quanh co.
Hằng hà sa số những hoa, những tượng, những đình tạ, những đường chạy dài, luồng xanh tươi. Khu vườn cây với những khóm diên vĩ và sắc trắng thiên nga, những đài phun nước, những ghế dài nghỉ chân bằng cẩm thạch và những chiếc cầu. Trên một chiếc gò mà người ta cố ý đổ đất đắp nên có một chiếc cột cẩm thạch trắng mang hình Đức Mẹ nhân từ có những cây trắc bá mọc quanh. Sườn dốc của quả đồi lâu đài về phía sông trải ra rất rộng những bức thềm bằng cẩm thạch trắng muốt, kết thúc bằng một khoảng sàn hẹp tạo thành bến cảng. Nơi ấy, ngay trên bờ sông, nổi bật hai pho tượng nàng tiên cá đồ sộ cũng bằng cẩm thạch. Những bậc thang và những con thuyền bập bềnh đậu sát cảng là một trong những cảnh quan đẹp nhất của khu vườn.
Vẻ kỳ thú vương giả và vẻ hấp dẫn không thể diễn tả thành lời thu hút mắt nhìn, đánh thức mọi giác quan. Nơi đây người ta cảm thấy tiên triệu và một bàn tay mạnh mẽ nhưng thương yêu hướng dẫn, không tiếc sức giữ gìn tổ ấm cha ông.
Valdemar yêu Guenbôvitre, chàng cảm thấy gắn bó với nơi ấy bởi tình cảm của một người con và vẻ trẻ trang nghiêm điển hình ngự trị nơi đây, át hẳn những thứ hiện đại bổ sung thêm, là niềm tự hào của chàng.
Lâu đài, khuôn viên, vườn thú đều được chàng duy trì một cách mẫu mực. Còn đối với tàu ngựa của Guenbôvitre thì chàng hết sức chăm bẵm, gần như biến nó thành một cung điện. Nhưng chàng không bổ sung thêm gì mới vào những thứ trang trí lâu đài và khuôn viên, chàng hướng mọi sức lực và khả năng của mình vào những hoạt động có ích hơn. Ngoài tàu ngựa, chàng cũng say mê phòng trưng bày khí giới và khu vườn thú.
Mọi thứ phòng đặc biệt trong lâu đài là phòng ngủ của đại công tử, khác hẳn sự xa hoa chung, căn phòng này rất đỗi khiêm nhường. Phòng không rộng lắm, chỉ bố trí những thứ đồ dùng cần thiết toàn bằng gỗ sồi. Phòng không có rèm cửa, không trải thảm, không có đồ trang trí. Chiếc giường gỗ sồi phủ một tấm da gấu trắng rất lớn do chính tay đại công tử săn hạ trong cuộc phiêu lưu lên Bắc Cực. Bên trên tường treo những thứ vũ khí chàng yêu thích, đối diện là một bức chân dung lớn của thân mẫu chàng, phu nhân Elgiơbieta Janusôva, đóng trong khung quý, trên đầu giường là thập giá cổ làm bằng sắt từ thế kỷ XVI, là đồ gia bảo. Vị đại công tước quý tộc này có những đòi hỏi cá nhân hết sức khiêm nhường…
Khách khứa thán phục ngắm mãi vẻ xa hoa và những đồ trần thiết tuyệt vời của dinh thự Guenbôvitre, nhưng với những tình cảm khác nhau: cụ Machây và công tước phu nhân Pođhoreski thì tự hào, Trextka thì ghen tỵ, công tước Pođhoreski thì tiếc nuối. "Ngày trước ta cũng đã từng có bao tài sản, giờ rốt cuộc chỉ còn lại nợ nần " - ông nghĩ bụng.
Cũng như Xtefchia, nam tước Veyher lần đầu tiên được tới thăm Guenbôvitre, ông bước đi như thảng thốt, luôn miệng bẩm bẩm:
- Thật là Vecxây thứ hai! Quả là Vecxây ( lâu đài Versailles ở Pháp ) thứ hai!…
Sau khi trò chuyện với Luxia, Xtefchia bước về phía lâu đài. Mọi người đang ở cả ngoài vườn, nhưng nàng muốn được ngồi một mình. Đi dọc những khóm hồng, nàng căng ngực hít làn hương thơm ngát, khoan khoái áp mặt vào những cánh hoa mịn như nhung, say mê tận hưởng muôn thứ sắc hương. Nỗi khó chịu do cuộc trò chuyện với Luxia lúc nãy được thay thế bởi cảm giác mơ màng như ngái ngủ. Toà lâu đài với những bức tường thành sừng sững, những ngọn tháp và chòi canh mang lá cờ bay phần phật khiến nàng có cảm giác như có sức nặng nào đó đang đè bẹp nàng. Nàng cảm thấy một nhu cầu gần như xác thịt phải tránh xa hình ảnh những bức tường đó, nên nàng vào nhà, tin rằng sẽ chẳng gặp mặt một ai.
Chạy quanh qua dãy bao lơn, qua hàng hiên, nàng vào tới phòng khách đầu tiên và gặp ngay vị chưởng bộc tuổi tác. Ông cúi gập mình chào nàng. Xtefchia hỏi ông xem đi lối nào tới phòng dành cho khách khứa nghỉ ngơi.
Người dày tớ già đưa tay chỉ một dãy phòng khách kính cẩn thưa:
- Dạ thưa bên cánh trái, tầng hai. Hay bá tước tiểu thư để con đưa lối?
Nàng mở to mắt nhìn ông " Sao lại có cái tước hiệu ấy? Chắc ông lão nhầm mình với ai đó "
Viên chưởng bộc đứng yên trong tư thế đợi lệnh.
- Cụ Anđrây, cụ nhầm đấy, tôi đâu phải bá tước tiểu thư - nàng thốt lên, mỉm cười vui vẻ.
Lần này đến lượt người đày tớ già mở tròn mắt, nhưng ngay lập tức cụ nén nỗi kinh ngạc, vừa cúi chào lần nữa vừa thốt lên:
- Xin lỗi lệnh bà.
Xtefchia khẽ nhún vai bước sâu vào lâu đài, nghĩ bụng: "Người đày tớ quá quen với những tước vị mất rồi. "!
Nàng đi qua mấy phòng khách và phòng làm việc trang nhã. Nàng đi qua cả phòng chơi bi- da màu lục, qua phòng lớn dành cho vũ hội xây trần cuốn, trang trí những hoạ tiết và phù điêu theo phong cách Phục Hưng, rồi tiếp đến một phòng tròn màu đỏ tía dùng để nghe rao giảng, cho đến tận hàng hiên rộng rãi của lâu đài. Từ nơi đây có nhiều hành lang chạy về nhiều ngả khác nhau và những bậc tam cấp bằng cẩm thạch trắng dẫn đến hành lang chạy dọc ngang chiều cao tầng một, được xây trên các cột chống. Những bậc thềm trải thảm đỏ thắm, nhưng vật trang trí chính lại là hàng lan can bằng sắt có chạm trổ chắn cả hành lang trên. Những bức tường cao vút của sảnh ốp những phiến đá hoa cương xám có trần xây cuốn cao ngang tầm tầng ba. Song song với tầng hai chạy xunh quanh sảnh là ban công hẹp bằng sắt có lan can chắn hình chấn song xiên. Thông qua ban công là mấy chiếc cửa của những phòng bên trong. Chính giữa sảnh, đối diện với cầu thang gác là một khóm cây cảnh trồng thành hình tròn, giữa vòng cây là một bể chứa nước bằng cẩm thạch trắng toát có vòi phun nước vọt lên cao.
Những cây cảnh hình cầu được bố trí đây đó trang điểm cho cầu thang và hành lang trên, những bóng đèn điện treo tít trên đỉnh vòm cuốn. Tấm lát sàn ghép bằng những phiến đá tạo hình hoa văn đẹp mắt.
Xtefchia dừng chân rất lâu ở sảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây. Nàng chú ý đến một chiếc đồng hồ lớn có chuông, hình tủ cao và đẹp, được trang trí bởi bức tượng bán thân đức vua Zygmunt August bằng đồng. Là một cổ vật lâu đời, nó khiến cho mỗi vật chung quanh đều mang âm hương cổ kính.
Tầng trên lại là một dãy phòng nữa. Giữa cảnh xa hoa tráng lệ ấy. Xtefchia hoàn toàn mất phương hướng. Nàng không rõ lúc này mình đang ở trong toà nhà chính của lâu đài hay đang ở một cánh của nó. Vừa đi nàng vừa ngắm những bức tranh thảm và thảm treo tường khác nhau. Nhìn lướt qua mắt nàng là những bức tranh quý giá, những đèn chùm đồ sộ bằng đồng, bằng đá khổng tước hoặc toàn bằng pha lê Vơnidơ treo rũ xuống từ những khoảng trần phẳng trần phẳng lì hay xây cuốn, được trang trí các họa tiết hay phù hiệu. Hình ảnh của nàng phản chiếu trong những tấm gương và những bức tường toàn bằng gương, trong đó dãy xa lông được nhân thành vô số.
Nàng dừng chân trước những bức tranh, pho tượng hoặc một cây cảnh nào đó, nhất là những cây cọ tuyệt vời xoè quạt. Băng qua sàn nhà bóng loáng như gương, và những tấm thảm mềm mại, nàng đi sâu mãi vào lâu đài. Cuối cùng nàng chợt thấy sờ sợ. Nàng đã lạc lối, không biết làm sao tìm được đường ra khỏi mê cung này.
Nàng bước chân vào một phòng lớn chạy dài, trần xây cuốn, trang trí bằng phù điêu, sàn bằng gỗ sồi. Hàng dãy cửa sổ bị những hõm tường sâu khuất bóng, không để mấy chút ánh sáng lọt vào, khiến căn phòng tối mờ và mang vẻ hết sức nghiệt ngã. Dọc các bức tường và chính giữa phòng kê những chiếc ghế xôfa phủ vải vàng. Chiếc lò sưởi kiểu cổ được phủ một tấm vải trang trí phương đông rất quý giá. Dường như có một người đầy thế lực nào đó đang khoan thai bước vào căn phòng rộng lớn này.
Xtefchia ngước mắt nhìn lên và bất giác rùng mình. Từ mọi bức tường, có biết bao đôi mắt đang chằm chằm nhìn nàng: căn phòng treo toàn chân dung. Các bậc tổ phụ của dòng họ Mikhorovsky được vẽ to bằng người thật đứng ở đây, trong những chiếc khung bằng gỗ hồng sắc có chạm đồng. Khuôn mặt của bao vị tổng trấn, thủ lĩnh, thượng nghị sĩ thời xưa đang chăm chú nhìn Xtefchia. Họ đeo những tấm biểu trưng bằng vàng, mặc những chiếc áo khoác bằng nhung viền lông thú, những tấm vải cải sợi vàng, những áo lông hắc điêu thử hoặc lông chồn, cũng có người trang trí toàn than bằng những tấm giáp bạc lóng lánh. Những người khác mặc áo phrắc, đội tóc giả, cài những chiếc khăn lụa viền đăng ten hoặc khoác những bộ binh phục choáng lộn. Tất cả mọi người đều có đường môi đặc thù, hơi bĩu ra, dáng nét sắc sảo, đôi mắt xám thấu suốt, đầy táo bạo, năng nổ và một chút giễu cợt mỉa mai. Bóng tối ngự trị trong phòng mang tới cho những hình hài đã chết kia sống động bề ngoài. Chút ánh sáng yếu ớt hắt từ ngoài vào bò trườn trên những tấm áo đỏ tươi và những bộ áo choàng lông quý giá, trên những bàn tay và những khuôn mặt trong như sáp nặn. Xtefchia cảm thấy như những hình người ấy đang cử động, những đôi mắt xám nhìn nàng chăm chăm kinh ngạc, những đôi môi mấp máy thành tiếng:
- Ngươi muốn gì? Ngươi ở đâu lạc tới đây?…
Nàng rùng mình.
Đây là lần thứ hai nàng chịu cảm giác như thế, lần thứ hai những bức chân dung dòng họ Mikhorovsky khiến nàng kinh hoàng bởi tiếng nói câm lặng của những đôi mắt chết.
Nàng tình cờ lạc vào phòng này, chỉ có mỗi mình nàng dưới sức nặng của ngần kia ánh mắt. Muốn bước ra, nàng ngoảnh đầu về phía cửa, và đột nhiên ánh mắt nàng nhìn thấy một bức chân dung lớn, tràn ngập ánh sáng, chân dung của một người đàn bà quý phái. Trong chiếc áo dài bằng nhung nặng nề viền đăng ten Brabanxia, với những chuỗi ngọc trai trang sức, người phụ nữ còn trẻ ấy đứng đó, đầu hơi cúi xuống, nét buồn chứa chan trong mắt. Làn tóc đen rối bời rủ bóng xuống khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, đôi môi mỏng thể hiện rõ nỗi đau đớn không tài nào giấu nỗi, ngay cả qua chân dung. Trang phục và kiểu tóc cho thấy bà sống vào thời chưa xa lắm. Hình ảnh người phụ nữ ấy khiến Xtefchia bị thu hút. Nàng bước lại gần hơn bởi thiết tha muốn biết đó là chân dung của ai.
Ở một góc, trên nền màu sẫm của chân dung, nổi rõ nét hình gia huy với biểu trưng tước công, bên dưới là dòng chữ: "Gabriela thuộc dòng họ công hầu đơ Buốcbông ( de Bourbon ), Machâyôva Mikhôrôvxka, đại công nương Guenbôvitre ". Tiếp đó là ngày sinh và ngày mất.
Vậy đây là bà nội của công tử Valdemar, vợ của cụ Machây? Một công chúa dòng họ Buốcbông? Nhưng sao bà lại vẻ u buồn vô biên dường ấy? Ngay cả trên tranh cũng có thể nhận thấy bà là một phụ nữ bất lạnh. Và hai người phụ nữ ấy - một được vẽ thành tranh trong bộ váy bằng nhung the, một còn sống kia trong chiếc áo dài muslin màu trắng - nhìn vào mắt nhau như chợt cùng hoà trong một sự cảm thông sâu sắc.
Đôi mắt bồ câu đen thăm thẳm của phu nhân Mikhôrôvxka bao bọc thiếu nữ bằng ánh nhìn tang tóc, dường như bà vừa buông tiếng thở dài nào đó vô vọng đầy cay đắng ưu tư. Đôi mắt ấy như muốn nói: "Cuộc đời hành hạ dày vò tôi, tôi chưa từng biết thế nào là chút hạnh phúc nhỏ nhoi, chỉ có biết bao nỗi đau khổ… Tài sản, tước hiệu, sự cao sang chẳng giúp được gì… Tôi là một phụ nữ bất hạnh!"
Xtefchia như đọc được lời kêu than trên nét mặt buồn bã của bà. Vì sao người phụ nữ ấy phải chịu đau khổ?… Trong đời bà đã thiếu mất điều chi?… Đám mây buồn thảm nào đã khiến mắt bà âu sầu đến thế?…
Trong căn phòng đầy những con người được sùng kính, trong những bức chân dung này, bà là kiểu người đau đớn nhất. Dấu ấn của một bi kịch lặng thầm hiện rõ trên vầng trán bà, những hạt ngọc trai rời rạc trên ngực bà lóng lánh như những giọt lệ vừa rơi xuống từ đôi mắt u buồn vô bờ kia. Những người phụ nữ trên tất cả các chân dung khác đều mang vẻ mặt tươi cười, với ngà ngọc châu báu và hoa thắm trên tay. Những bộ lễ phục dân tộc của Ba Lan hoà lẫn với những chiếc áo dài bó chẽn kiểu đầu thế kỷ XIX hay với những chiếc váy bồng. Một số người đội trên đầu những chiếc mũ thời xưa hoặc mang tóc giả, những người khác uốn tóc thành cuộn, thành lọn, trang điểm bằng đủ thứ đồ nữ trang, với bao lông chim và hoa tươi. Chỉ mỗi mình bà là khác người ngay từ trang phục: chiếc áo dài nhung đen, những đường đăng ten, những đường đăng ten nặng nề và chuỗi ngọc trai khiến bà đầy vẻ nghiêm trang đường bệ. Không một cánh hoa, không một thứ gì vui tươi và sống động bên cạnh bà. Bàn tay quý tộc trắng ngần đeo nhẫn đặt tựa vào tay ghế, tay kia buông thõng trên váy.
Xtefchia nhìn khắp phòng với vẻ e sợ ngày càng, đầy bất thường, kinh khủng và không biết tha thứ, như đang từ các góc phòng tăm tối bò ra, trườn đến bên nàng. Đôi mắt của những bức chân dung quất vào mặt nàng những ánh nhìn sắc nhọn. Nàng cảm thấy họ như đang xua đuổi nàng ra khỏi căn phòng này, họ đang tức tối vì nàng đã đường đột xông vào chốn lưu giữ những ánh vinh quang sau khi chết của họ, họ như đang nói với nàng:
- Này cô gái, hãy bước ra khỏi đây ngay. Chốn này không phải dành cho ngươi, đây không phải là thế giới của ngươi. Cút đi, nếu không chúng ta sẽ nghiền nát ngươi bằng sự kỳ vĩ của chúng ta…
Xtefchia run lên. Có một điều gì đó phi thường chợt xảy đến với nàng. Những lời nói không thể thốt ra thành tiếng run rẩy trên môi nàng, những ý nghĩ đứt đoạn, những nhịp đập hoàn toàn mới mẻ nào đó chợt choán đầy cả óc và tim nàng. Trước nay nàng chưa bao giờ biết đến những tình cảm như thế, đó là một cơn sóng xa lạ nhưng mạnh mẽ bắt nàng phải hiểu. Nàng cảm thấy mình đang lạc vào những điều trừu tượng mông lung, thực hư lẫn lộn, lại bị bao phủ trong một màn sương huyền ảo, nhưng vẫn gây nên nỗi lo sợ không sao lý giải nổi. Khuôn mặt thanh tú của Xtefchia nhợt nhạt hẳn đi, đôi mắt màu đồng thảo sáng rực dưới tác động của những ấn tượng bên ngoài, và sự sôi sục bên trong. Nàng đưa mắt ngắm lần nữa những bộ mặt chết rồi đưa hai tay lên ôm đầu thì thào:
- Tôi đi đây, tôi sẽ rời khỏi chốn này… Không bao giờ trở lại… Không bao giờ!
Đôi đồng tử nóng bỏng của nàng dán chặt vào khuôn mặt bà nội Valdemar và nàng lại thì thầm:
- Thưa bà, tôi sẽ đi… đi ngay đây…
Nhưng ánh mắt của phu nhân Mikhorovsky nhìn nàng dịu dàng, buồn bã đầy trách móc và cay đắng, dường như muốn nói:
- Một đứa trẻ đáng thương… Nhanh lên cháu… ta thương cháu quá, đoá hoa đồng nội, nhưng…cháu hãy trốn ngay đi, về với những người thân thích ruột rà.
- Chúa tôi! Chúa tôi! - thiếu nữ rên rĩ thốt lên, xúc động trước những điều tưởng thấy.
Mỗi dây thần kinh trong người nàng đều run rẩy. Tính nhạy cảm bẩm sinh bị kích thích đến tột đỉnh. Bị chế ngự hoàn toàn bởi những ám thị của giác quan, nàng nhìn chằm chằm vào bức chân dung, không hề nghe thấy tiếng bước chân vang trong phòng bên.
Đột ngột, hình dáng thanh nhã của Valdemar hiện ra sừng sững trước mắt nàng, trong những tấm màn che màu tối. Tay chàng cầm một cành hồng vàng thắm.
- Ối! - Xtefchia kêu lên, bước thụt lùi.
Việc nhìn thấy chàng đột ngột trong căn phòng này, bên những bức chân dung kia, đã gây cho nàng một ấn tượng quá mạnh.
- Kìa…tiểu thư sao thế? Sao thế…? - chàng thốt lên, vồ lấy hai tay nàng, ấp vào lòng bàn tay nóng ấm của mình. Cánh hồng bị ném trên ghế xôfa, chàng cúi đầu nhìn Xtefchia dò hỏi.
- Tôi làm tiểu thư sợ phải không?… Tiểu thư Xtefchia,sao mặt tiểu thư nhợt nhạt thế? Có chuyện gì vậy?…
Cô gái định thần lại. Bên chàng, nàng không còn thấy sợ nữa. Rút tay ra khỏi tay chàng, nàng đáp:
- Chắc ông sẽ cười tôi, nhưng quả tình việc ông đột ngột xuất hiện đã làm tôi hoảng hồn.
- Chắc tiểu thư tưởng tôi là một vị tổ phụ nào từ trên tường kia vừa nhảy phắt xuống, phải không?
- Tổ phụ ư?… Không!…
- Tôi đi tìm tiểu thư khắp lâu đài. Anđây đã chỉ cho tôi lối tiểu thư đi.
- Còn tôi bị lạc lối, hoàn toàn tình cờ bước vào căn phòng này.
- Và tiểu thư đã trò chuyện với tổ tiên tôi?
Nàng kinh ngạc nhìn chàng.
- Ông quả là tiên tri!
- Tôi đoán đúng chứ?
- Đúng một phần. Tôi chỉ là người trả lời, còn các cụ mới là người nói.
- Các cụ bảo gì vậy?
- Họ ra lệnh cho tôi ra ngay khỏi chốn này - nàng đáp, nở một nụ cười gượng gạo.
- Tiểu thư Xtefchia!…
Tiếng kêu của chàng khiến Xtefchia ngạc nhiên. Trong đó vang lên một câu hỏi thầm lặng và lời trách móc. Nàng vội nói nhanh:
- Họ giận tôi đã dám đường đột xông vào nơi di tích. Chỉ riêng vị phu nhân kia là nhìn tôi với ánh mắt phần nào thiện cảm hơn.
Nàng trỏ bức chân dung. Valdemar quay lại nhìn và trang trọng thốt lên:
- Đó là bà nội tôi, bà Machâyôva Mikhôrôvxka, một người phụ nữ rất nhân hậu và rất bất hạnh…Có thể bà bất hạnh vì đã quá nhân hậu.
- Tại sao? - Xtefchia hỏi.
- Ồ, đó là một câu chuyện buồn. Tôi không muốn làm tiểu thư bận lòng.
- Kìa, xin ông hãy làm ơn kể cho tôi nghe chuyện ấy - Nàng khẩn khoản thì thầm.
Valdemar nhìn nàng bằng ánh mắt nồng nàn. Chàng bước lên vài bước, nhặt hoa hồng trên ghế xôfa rồi thấp giọng nói với nàng:
- Tôi hái hoa này khi đang nghĩ đến tiểu thư và tôi mang đến tặng tiểu thư… Đây là màu tôi yêu… Xin tiểu thư nhận cho.
Chàng trao cho nàng cành hoa đang nở, hương thơm ngào ngạt, ánh mắt cháy bỏng của chàng ôm trọn thân hình cô gái.
- Tiểu thư thích những câu chuyện buồn ư?- chàng nói vội để giúp nàng trở lại tự nhiên vì nhận thấy khi đón cành hoa nàng đã bối rối.
- À vâng! Tôi thích… Cảm ơn ông đã tặng hoa hồng. Tuyệt quá phải không ông!
- Thế thì tôi sẽ kể cho tiểu thư nghe chuyện bà nội tôi, nhưng phải nói trước là chuyện buồn lắm, bà nội tôi từng chịu bao đau khổ trong đời.
- Ta ra khỏi đây đi - Xtefchia bảo - mọi người sẽ đi tìm ông và tôi mất.
- Họ đang chơi tenit và rất hài lòng. Tôi thấy không nên quấy rầy họ.
- Nhưng Luxia có mỗi một mình. Có thể em nó cần gì đó cũng nên.
- Về Luxia, tôi xin cam đoan với tiểu thư là em nó đang chơi đùa rất vui với anh chàng Vilus Sêliga. Ta ở lại đây thì hơn.
- Không, không! Nên đi ông ạ.
Nàng chạy ra cửa. Valdemar chắn ngang đường nàng, nói cương quyết:
- Trong căn phòng này ngự trị những luật lệ phong kiến! Tôi sẽ không cho tiểu thư ra. Chuyện của bà nội tôi phải được kể ngay dưới chân dung bà. Lúc này tiểu thư là chư hầu của tôi.
Xtefchia bẻ bẻ những ngón tay, vẻ hài hước.
- Tâu vương chủ, xin hãy rủ lòng thương! Hãy buông tha thần! - nàng vui vẻ kêu lên.
- Ồ, không! không có ân huệ gì hết. Tiểu thư đang ở trong tay ta, sẽ không có một kẻ nào giải thoát được cho tiểu thư khi ta chưa muốn thế. Sau lưng ta là đông đảo đồng minh.
Chàng trỏ những bức chân dung
- Nhưng họ không thích tôi. Họ đuổi tôi ra kia mà!
Valdemar cúi xuống gần nàng, dằn từng tiếng:
- Nếu tôi muốn thì họ nhất định phải muốn!
Xtefchia dần dần mất tự tin. Nàng quyết định nhất định phải ra khỏi đây.
Nhưng đúng lúc ấy chợt xảy ra một điều kỳ lạ. Ngoài vườn đột ngột vang lên một tiếng thét, tiếng kêu vọng vào phòng, những bức tường dội đi dội lại tiếng vọng ấy mấy lần liền, dường như những bức chân dung kia đang lên tiếng nói. Sau những lời Valdemar vừa nói, tiếng vọng kia gây ấn tượng kinh khủng cho Xtefchia - người đang căng thẳng đến cực độ. Nàng lao cả người về phía trước, thốt lên một tiếng kinh hoàng. Valdemar ghì chặt hai tay nàng, phía bên trên khuỷa tay, kéo vào lòng thì thầm:
- Đừng sợ…Bên tôi, không một thứ gì có thể đe doạ được em…
Chàng ghì nàng rất chặt, người nàng cháy rực, trái tim đập gấp gáp.
- Đừng sợ, tôi đang ở bên em đây - chàng hạ giọng lặp lại.
Mắt chàng cháy bỏng, đôi môi run rẩy, mạch máu ở thái dương đập mạnh. Một giây yên lặng… niềm say sưa đầu tiên! Những cơn rùng mình vô hình gắn liền họ với nhau, hoà thành một dòng điện đầy màu nhiệm.
Valdemar không động đậy, không nói một lời để khỏi làm gián đoạn dòng điện ấy. Chàng muốn tận hưởng nó đến cùng. Sự gần gũi Xtefchia khiến chàng bốc lửa, vẻ mềm yếu của nàng khiến chàng rung động. Chàng ngỡ giây phút ấy hành hạ nàng, nhưng thiếu nữ cũng e sợ không dám động đậy để khỏi làm phút đắm say kia hoảng hốt bay đi mất. Điều đó càng khiến chàng phấn chấn.
Xtefchia như mê đi. Lần đầu tiên trong đời như có một tiếng nói mới mẻ nào đó rung ngân trong tâm linh nàng. Nàng chợt cảm thấy sợ cái mà trước kia nàng hoàn toàn vững tin. Nàng vùng vẫy ra, giọng đứt quãng:
- Ta đi thôi… ta ra đi thôi!
- Thế còn câu chuyện? - chàng hỏi.
- Lần khác ông sẽ kể vậy.
- Ồ không! BIết bao giờ có lại giây phút như thề này.
Chàng dắt Xtefchia đang ngần ngại đến một chiếc trường kỷ nhỏ đặt đối diện với bức chân dung bà nội chàng rồi nàng mỉm cười nói với giọng đã bình tĩnh và tự tin:
- Xin mời tiểu thư ngồi đây nghỉ… Tôi sẽ ngồi bên cạnh. Thế. Bây giờ xin tiểu thư hãy nghe chuyện bà tôi.
Cô gái không còn đủ sức cưỡng lại chàng. Sự cả quyết của chàng đã chinh phục nàng. Nàng ngồi xuống tràng kỷ. Trong chiếc áo dài với nhành hồng vàng trong tay, nàng nổi bật và rất xinh đẹp trên nền vải sẫm màu. Valdemar cất giọng trầm ấm bắt đầu kể, dẫu hơi hạ giọng.
- Bà tôi là nạn nhân của một mối tình bất hạnh…bà yêu một người mà bà không được phép gắn bó.
Một cơn rùng mình nhè nhẹ chạy suốt người nghe. Nàng ngước mắt nhìn lên bức chân dung với mối đồng cảm sâu sắc. Valdemar nói tiếp:
- Bà vốn là công chúa của một dòng họ lâu đời, từng mang trên gia huy chiếc mũ miện của hoàng triều. Bao vương tôn công tử cố lấy lòng bà, nhưng bà gạt hết, chỉ yêu một chàng trai con nhà nghèo, làm thư ký tại các điền trang của thân phụ bà. Hai người yêu nhau bằng mối tình đầu tha thiết, tưởng có thể vượt lên tất cả. Chàng trai im lặng, thấy trước rằng người ta sẽ không gả bà cho chàng. Chàng âm thầm đau khổ. Còn bà, trẻ trung, được gia đình chiều chuộng, lớn lên trong những hoàn cảnh luôn luôn thuận theo ý muốn, thậm chí những ý thích đỏng đảnh nhất thời của bà, lại không cam im lặng. Bà thưa với song thân mối tình dành cho chàng trai Gviđôn trẻ tuổi, và cầu xin hai người hãy ban phúc cho. Nhưng bà bị thất vọng. Thân phụ bà, công tước Đơ Buôcbống, một người có những quan điểm rất bảo hoàng, thấm đẫm tư tưởng phong kiến, đầy tự tôn, không thèm nghe những lời trình bày của con gái. Ông đưa cô tiểu thư Gabriela trẻ tuổi đến Paris và đuổi chàng trai Gviđôn khỏi nhiệm sở. Chàng trai đáng thương vừa yêu nồng cháy vừa là người giàu tự tôn đã không chịu nổi sự phũ phàng ấy - chẳng mấy lâu sau chàng tự sát, sau khi viết thư vĩnh biệt Gabriela. Đầy tuyệt vọng, công tước tiểu thư định đi tu, nhưng người cha tàn bạo không cho phép. Bà đã phải tỏ ra vui vẻ, đã phải gánh chịu sự ngưỡng mộ của biết bao kẻ ngấp nghé đua tranh, nhưng bà phải đi lấy chồng lại mệnh lệnh của thân phụ buộc bà phải đi lấy chồng. Cứ như mấy năm trôi qua. Trong thời gian đó, ông nội Machây của tôi cũng vừa trải qua một chuyện ít nhiều giống thế. Là một khinh kỵ binh, trong một cuộc vũ hội ông đã quen biết và phải lòng một thiếu nữ, con gái thường dân. Người ấy cũng trùng tên với tiểu thư đấy.
Valdemar nhìn vào mắt Xtefchia, miệng nở một nụ cười phấn hứng. Nàng rùng mình, tái mặt. Chàng nhận thấy điều đó, bèn dịu dàng đỡ lấy cánh tay nàng.
- Tiểu thư làm sao thế, tiểu thư Xtefchia?…
Nàng rút tay khỏi tay chàng, áp mặt vào những cánh hoa hồng và đáp:
- Không… Không…xin ông cứ kể tiếp.
- Bây giờ đến giai đoạn đáng buồn nhất. Ở đây, tôi buộc phải trách cứ ông nội tôi. Ông yêu cô Xtenhia lắm nhưng…
- Xtenhia? - Xtefchia kêu lên…
- Ông đã âu yếm gọi cô ấy như thế và để tưởng nhớ, ông cũng dùng chính cái tên ấy để gọi tiểu thư. Tiểu thư giống như bức chân dung của người con gái ấy. Người con gái ấy cũng trẻ trung phơi phới, cũng đầy sức xuân, đầy nhựa sống và đẹp rạng rỡ. Người ấy cũng có những tình cảm nguyên khôi, niềm tin sâu sắc, đầy tình yêu thương cuộc đời và con người. Người ấy đã yêu ông tôi với tất cả tâm hồn. Họ hứa hôn với nhau, nhưng nỗi bất hạnh như vị thần số mệnh trăm đầu đã chặn ngang đường họ. Và ở đây cần phải chỉ trích ông nội tôi. Ông tôi đã không đủ kiên quyết để đấu tranh với những tín điều, những định kiến lỗi thời của gia đình. Người ta không cho phép ông được cưới người con gái mà ông yêu, người mà về mọi phương diện đều rất xứng đáng, người có thể còn giá trị hơn nhiều những cô tiểu thư mà giới quý tộc và gia đình ủng hộ.
Thực ra ông tôi cũng đã định phá vỡ con đập chắn giữa ông và hạnh phúc, nhưng ông đấu tranh quá yếu. Bị đe doạ tước quyền thừa kế, bị đe doạ không được ban phước, ông tôi đã chịu thua thế lực xấu, đã không đủ dũng cảm để đương đầu đến cùng. Tuy là người rất trung thực và công bằng nhưng ông tôi đã không đủ sức mạnh ý chí. Ông thiếu cứng rắn, quá mềm yếu, quá chịu ảnh hưởng của bên ngoài. Ông đã không dám nói cương quyết như đinh đóng cột: "Tôi muốn thế!" Ông đã giấu kín tình yêu của ông trong tim chứ không thể hiện thành hành động. Sự cuồng tín đẳng cấp đã trói buộc những tình cảm thân yêu nhất của ông, thậm chí đã có lúc thuyết phục được cảchính ông đã bội bạc lời nguyền ước. Đính ước bị phả bỏ, cuộc đời và trái tim của người thiếu nữ đáng thương bị tan nát suốt đời. Ít lâu sau người ta gửi ông tôi ra nước ngoài để tìm quên lãng… Thật là mỉa mai! Thật là nực cười!… Tại Paris, ông tôi quen với tiểu thư Gabriela Đơ Buốcbông, và bà cụ nội tôi, vón quen thân với gia đình công tước, đã cùng thân sinh bà Gabriela thu xếp việc tổ chức đám cưới. Công tước tiểu thư quá mệt mỏi vì đời, đành chiều theo ý cha, còn ông nội tôi, không rõ lý do vì sao, cũng đồng ý nốt. Đám cưới được cử hành tại Rôma, nhưng cả hai người đều bất hạnh. Cả hai đều có trái tim nguội lạnh, trong huyết quản của ông bà chỉ có nỗi đắng cay. Cả hai đều tự trách mình đã đồng ý cưới nhau, cả hai đều bị lương tâm dằn vặt. Bà tôi đến lúc qua đời vẫn yêu thương con người đã vì yêu bà mà chết, còn ông nội tôi luôn mang sâu trong mối tình với người con gái ấy và nỗi hối hận vì đã làm tan nát hạnh phúc đời nàng. Hai người không hề yên ổn cũng không hoà thuận chút nào. Định mệnh đều ác ý đã dồn đẩy tới cho họ những đám mây đen nặng nề, một thứ ánh sáng từ thế giới rọi vào không sao chiếu sáng nổi cho cuộc đời của họ. Cho đến cuối đời, họ vẫn sống tối tăm. Bà tôi chẳng sống được bao lâu. Nỗi buồn, cuộc đấu tranh liên miên, nỗi dằn vặt nội tâm không dứt đã làm hao mòn cơ thể vốn mảnh mai của bà. Chẳng bao lâu bệnh tim phát triển, lại thêm chứng lao. Bà qua đời ở phương nam, lúc còn khá trẻ.Từ đó ông tôi trao quyền thừa kế cho cha tôi, còn mình thì chuyển sang sống ở Xuodkovse và mười mấy năm sau chuyển cả cô Iđalia goá bụa và cô bé Luxia còn rất bé sang đó.
Valdemar nín lặng. Chàng ngồi đó, cúi đầu, một nếp nhăn hằn sâu giữa hai nét lông mày. Đột nhiên chàng ngẩng thẳng người đưa tay vuốt ngang vầng trán, thốt lên với một hơi thở dài:
- Bây giờ, có thể trên một hành tinh khác, bà tôi đã tìm được sự an bằng đã hoài công tìm kiếm trên trái đất.
- Ông còn nhớ cụ không? - Xtefchia hỏi khô khan.
- Bà là mẹ đỡ đầu của tôi, tôi vẫn còn nhớ bà. Phu nhân Pođhorexka, người hết sức yêu thương bà tôi, thường kể cho tôi nghe về bà.
Chàng chăm chú nhìn Xtefchia, ngắm đôi môi đỏ thắm, ướt át của nàng, rồi chàng thốt lên bằng giọng êm dịu lạ thường:
- Tôi làm tiểu thư mệt… phải không? Tiểu thư quá chăm chú, có thể còn xúc động nữa.
Nàng ngước mắt lên nhìn nàng.
- Tôi thương những con người đã bị dày vò khủng khiếp đến thế, đã đau khổ đến thế…
- Ồ vâng! Thương cho niềm hy vọng bị tiêu tan và tiếc cho tình cảm - thứ của cải lớn lao nhất trên đời.
- Ông cũng hiểu điều đó ư? - Xtefchia hỏi.
Chàng nhíu mày.
- Tiểu thư nghi ngờ?
- Tôi cứ tưởng là… trong giới của ông, người ta không coi tình yêu là quý báu… người ta không quý trọng nó…
- Ông nội Machây và bà nội của tôi đã hiểu.
- Đó lại là chuyện khác. Họ không đủ sức để xây đắp những chỗ đứng thích hợp cho tình yêu của họ. Họ không biết cách đặt tình yêu ấy lên một chân đế vững chắc, để không một ai có thể khiến nó chuyển dời.
- Nhưng xin tiểu thư hãy tin rằng, trong giới chúng tôi có những người khác! Ồ vâng, họ có thể kém ông tôi về nhiều phương diện, nhưng cương quyết hơn, thậm chí bướng bỉnh hơn. Khi những con người ấy muốn đạt tới đích, họ sẽ phá tung tất cả, sẽ băng qua tất cả, để đạt cho kỳ được. Tôi thuộc số người đó. Tôi có hàng ngàn nhược điểm nhưng tôi có thể chịu đựng được mọi sức mạnh xấu xa tấn công. Hơn nữa, cũng như tất cả mọi người thuộc dòng tộc Mikhorovki, tôi hơi ích kỷ, vì thế tôi không cam chịu để người ta hoặc bất cứ điều gì cướp đoạt hạnh phúc của mình. Người ta sẽ không thể đè bẹp nổi tôi, ngược lại tôi sẽ đè bẹp bất cứ kẻ nào dám đương đầu với tôi trong cuộc chiến đấu như thế. Tôi sẽ không bị sợ hãi trước những lời đe doạ tước quyền thừa kế hay những lời nguyền rủa. Tôi bất chấp, đúng thế, nhưng tôi cảm thấy rất rõ trong tôi nhu cầu có được một hạnh phúc khác với những gì tôi đang có, và nếu tôi hướng đến niềm hạnh phúc ấy sẽ không một kẻ nào dám cản đường tôi!
Đại công tử nói sôi nổi, đôi mắt cháy rực, cánh mũi nở rộng, hàng lông mày chau lại. Đôi đồng tử màu xám của chàng dường như cũng họa theo những lời chàng thốt ra, chúng toát ra sức mạnh lớn lao của nhiệt huyết ý chí và sự nhiệt thành không hề có giới hạn.
Xtefchia ngửa đầu, đôi môi hơi hé mở ngạc nhiên ngắm những nét nam tính sắc nét của chàng. Chàng đã khiến nàng cảm phục. Nàng cảm thấy những điều chàng vừa nói mới chỉ là một phần nhỏ so với những gì chàng có thể thực hiện được. Những gì chống lại chàng sẽ bị bật lại như va vào một tảng đá. Một cơn rùng mình chạy dọc người nàng, bất giác nàng ngồi dịch ra xa khỏi chàng thêm một chút. Bình tĩnh lại, đại công tử nhìn nàng và hình như thích thú vì vẻ mặt nàng, chàng hỏi với một nụ cười trên môi:
- Tiểu thư sợ tôi ư? Chẳng lẽ tôi đáng sợ đến thế sao? Cũng có thể tôi là một người đáng sợ, nhưng chắc chắn không phải với tiểu thư. Tiểu thư hơi khiến tôi phật ý khi hỏi tôi có thấu hiểu sự sâu sắc của tình cảm hay không, tôi xin trả lời với một sự cởi mở có phần thô nháp: Tôi chưa thật hiểu, nhưng đang bắt đầu hiểu!…
Xtefchia đứng lên, ngoảnh nhìn người đang nói chuyện, nói nhanh - cảm ơn ông đã kể cho nghe câu chuyện đáng buồn vừa rồi. Ta nên đi thôi - Tôi ngồi quá lâu mất rồi… trong căn phòng phong kiến này.
- Lời cảm ơn không được hỗ trợ bởi một cái bắt tay sao? - chàng hỏi và chìa tay ra.
Nàng chìa ngay tay cho nàng. Chàng nắm chặt tay nàng, cúi đầu áp đôi môi nồng nàn vào đó. Xtefchia sững người bàng hoàng, máu như dồn cả lên mặt nàng nóng rực, đầu óc nàng quay cuồng. Chiếc hôn ấy khiến nàng cháy bỏng, nàng cảm thấy đôi mắt Valdemar đang nhìn mình. Nàng vội rút tay ra, bước về phía cửa phòng. Nàng những muốn chạy nhanh trốn khỏi căn phòng này cùng ánh mắt của chàng. Chàng khoan khoái bước theo.