"Bà ấy là một phụ nữ có tinh cách mạnh mẽ và rất trung hậu" ông nói với Ruth qua điện thoại sau khi ông bắt đầu dịch những trang giấy mà cô đã gửi bưu điện đến cho ông. "Cô có thể gửi cho tôi một tấm hình lúc bà ấy còn trẻ không? Nhìn ảnh bà ấy sẽ giúp tôi chuyển tải được đúng cái điều bà ấy diễn đạt từ tiếng Hoa sang tiếng Anh".
Ruth nghĩ đó là một yêu cầu kỳ quặc nhưng cô vẫn làm theo ý ông, gửi cho ông bản sao tấm hình Lưu Linh và Cao Linh chụp với mẹ khi còn trẻ và một tấm hình khác khi Lưu Linh mới sang Mỹ. Sau đó, ông Tăng lại yêu cầu Ruth gửi tấm hình chụp dì Báu cho ông. "Bà ấy thật phi thường" ông nhận xét "Tự học, quyết đoán, thật sự là một kẻ nổi loạn vào thời ấy". Ruth chực buột miệng hỏi Ông có biết dì Báu thực sự là mẹ ruột của mẹ cô không? Nhưng cô kịp thời dừng lại, muốn đọc tất cả bản dịch của ông một lượt chứ không phải từng đoạn một. Ông Tặng đã nói ông cần hai tháng để hoàn thành công việc. "Tôi không thích dịch từng từ từng từ một. Tôi muốn viết lại một cách thật tự nhiên trong khi vẫn giữ được đúng cái tinh thần trong từng câu nói của mẹ cô để có thể giữ lại cho cô, con cái cô và những thế hệ tương lai. Chúng phải thật chính xác. Cô có đồng ý không?"
Trong khi ông Tặng dịch lại những trang mẹ cô viết, Ruth sống ở nhà bà Lưu Linh. Cô đã nói với Art quyết định của mình sau khi anh ở Hawaii về.
"Điều này có vẻ đột ngột quá" anh nói nhìn đống đồ đạc của Ruth đã đóng gói sẵn. "Em có chắc là em không hấp tấp trong quyết định này không? Tại sao không thuê người giúp việc?"
Cô có phải nói lại những vấn đề này trong suốt mấy tháng qua không? Hay là Art chỉ đơn giản là không mảy may quan tâm? Cô cảm thấy thất vọng thực sự vì họ hiểu nhau quá ít.
"Em nghĩ nếu anh thuê một người giúp anh và những đứa con gái của anh thì dễ hơn đó" Ruth nói.
Art thở dài.
"Em xin lỗi. Đó là bởi vì những người em thuê để trông mẹ đều nghỉ việc, mà em thì không thể để cho dì Gal hoặc bất cứ ai trông nom bà, trừ trong vài trường hợp thông thường và chỉ trong chốc lát. Dì Gal nói một tuần trông nom mẹ em còn mệt hơn là chạy theo những đứa cháu của bà khi chúng còn bé. Nhưng ít nhất thì bà cũng thừa nhận bệnh của mẹ em là nghiêm trọng và trà sâm chẳng có tác dụng gì".
"Em có chắc là không có chuyện gì khác không?" anh hỏi, đi theo Ruth vào phòng xép của cô.
"Anh muốn nói gì?" cô vừa hỏi vừa lấy đĩa mềm và sổ tay từ trên kệ xuống.
"Chúng ta. Anh và em. Chúng ta có cần nói với nhau về những chuyện khác ngoài chuyện đầu óc của mẹ em có vấn đề không?"
"Tại sao anh lại nói thế?"
"Em có vẻ - ồ, anh không biết nữa – xa cách, có thể là giận dữ nữa".
"Em đang rất căng thẳng. Tuần trước em đã thấy tình trạng của bà vô cùng nghiêm trọng như thế nào, và điều này làm em hoảng sợ. Bà đang ở tình trạng hết sức nguy hiệm còn tệ hơn là em nghĩ nữa. Em nhận ra là bệnh của bà đã bị lâu hơn là em tưởng. Có thể bà đã mắc phải cách đây sáu, bảy năm rồi. Em không hiểu tại sao mình lại không nhận ra".
"Vậy việc em quyết định về sống với mẹ không có nguyên nhân gì từ hai người chúng ta?"
"Không" Ruth nói giọng quả quyết. Rồi với một giọng nhẹ nhàng hơn, cô nói "Em không biết". Rồi sau một quãng lặng dài hơn, cô nói thêm "Em nhớ có lần anh yêu cầu em phải làm gì với mẹ của em. Và điều đó làm em hơi giật mình. Phải. Em sẽ phải làm cái gì đây? Em cảm thấy mọi cái tuỳ thuộc vào mình em. Em cố gắng giải quyết một cách tốt nhất, và đấy mọi việc là như vậy. Có thể việc em dọn đi có một cái gì ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng bây giờ thì nếu có bất cứ điều gì không hay xảy ra giữa hai người thì đó cũng chỉ là một điều xấu thứ hai đứng sau những chuyện xảy ra với mẹ em. Đó là tất cả những gì mà em biết được vào lúc này".
Trông Art có vẻ hoang mang. "Thôi được, khi nào em cảm thấy sẵn sàng nói…" giọng anh lạc đi có vẻ rằng khổ sở, làm Ruth cảm thấy cô gần như phải cố trấn an anh là không có chuyện gì không ổn hết.
Bà Lưu Linh cũng có vẻ nghi ngờ lý do Ruth dọn đến sống với bà. "Có một người đặt hàng con viết một cuốn sách cho trẻ con với những hình minh hoạ các con thú", Ruth nói. Bây giờ cô đã quen với việc nói dối mà không có cảm giác áy náy. "Con hy vọng mẹ sẽ giúp con vẽ hình, mà nếu mẹ đồng ý thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nên con đến ở đây cùng với mẹ, ít ồn ào hơn".
"Bao nhiêu con thú? Loại nào?" Bà Lưu Linh háo hức như một đứa trẻ chuẩn bị đi chơi vườn thú.
"Bất cứ cái gì chúng ta cần. Có lẽ mẹ sẽ vẽ cái gì, theo phong cách Trung Quốc ấy."
"Được rồi" Mẹ cô có vẻ rất sung sướng với cái viễn cảnh có một đóng góp quan trọng cho thành công của con gái. Ruth thở dài, cảm thấy nhẹ lòng nhưng lại buồn. Tại sao cô chưa bao giờ yêu cầu mẹ cô làm việc này? Lẽ ra cô phải làm như thế trongkhi đầu óc mẹ cô vẫn còn sáng suốt, cánh tay vẫn còn vững vàng. Cô thấy nhói trong tim khi chứng kiến cảnh mẹ cô cố hết sức để trở nên siêng năng, kiên trì trong công việc của mình. Thật dễ dàng làm cho mẹ cô hạnh phúc. Bà Lưu Linh thực ra chỉ muốn được trở nên quan trọng, với tư cách là một người mẹ.
Hàng ngày cô lại bàn làm việc của bà bỏ ra 15 phút để mài mực cho mẹ. Thật may là có nhiều bức tranh có chủ đề quen thuộc mà bà đã vẽ nhiều lần cho những bức tranh cuộn – cá, ngựa, mèo, khỉ, vịt – và bà lại tái hiện lại chúng cùng những đặc tính của chúng từ ký ức nhiều lần bị tổn thương. Kết quả là những bức tranh có bị run tay tuy vẫn nhận ra cái bút pháp mà bà đã từng thể hiện một cách rất tuyệt vời. Nhưng vào những lúc bà vẽ những gì không quen thuộc thì tay bà nguệch ngoạc cùng một lúc với sự rối trí của bà và Ruth cũng mất tinh thần như mẹ, tuy cô cố không để lộ ra. Mỗi lần bà Lưu Linh vẽ xong một bức tranh, cô khen ngợi nó và mang đi ngay rồi gợi ý vẽ một con thú mới.
"Hà mã à?" Bà Lưu Linh bối rối khi nghe từ này. "Tên tiếng Hoa của nó là gì?"
"Không sao, quên đi mẹ." Ruth nói "Còn một con voi thì sao? Mẹ biết đấy. Một con voi với cái vòi rõ dài và đôi tai rõ to".
Nhưng bà Lưu Linh vẫn cau mày "Tại sao con lại bỏ cuộc? Cái gì khó mới có giá trị chứ? Con hà mã ấy, trông nó như thế nào? sừng ở ngay đàng trước à?" Bà bảo, đập tay vào trước trán.
"Đó là con tê giác. Con này cũng hay lắm. Vậy thì vẽ một con tê giác đi".
"Không vẽ hà mã nữa à?"
"Mẹ đừng lo lắng về chuyện đó nữa".
"Mẹ không lo. Con lo lắng thì có. Mẹ thấy rõ. Nhìn mặt con kìa. Con đâu có giấu mẹ được. Mẹ biết, mẹ là mẹ con. Được, được, con không lo lắng về con hà mã nữa. Mẹ lo cho con. Sau này khi mẹ nhớ ra mẹ sẽ bảo con, con sẽ vui thôi. Thế được chưa? Đừng khóc nữa nghe".
Mẹ cô rất có ý thức giữ yên lặng mỗi khi cô làm việc. "Học hành dữ ha," bà thì thầm. Nhưng nếu Ruth ngồi xem tivi như bà Lưu Linh vẫn thường làm thì bà cho là cô chẳng có việc gì quan trọng hơn để làm. Mẹ cô sẽ nói huyên thuyên về dì Cao Linh, thay đổi những bất công ghê gớm mà người em ruột đã làm với bà trong những năm qua. "Dì ấy muốn mẹ đi hưởng tuần trăng mật ở Hawaii. Mẹ mới hỏi, tiền đâu mà đi? Tiền an sinh xã hội của tôi chỉ có 750 dollars. Dì ta bảo mẹ, chị keo kiệt quá! Mẹ bảo không phải là keo kiệt mà là nghèo. Mẹ không phải là một bà quả phụ giàu có. Hừm! Dì ấy quên rằng dì đã từng muốn cưới cha con. Rồi lại bảo mẹ lúc chá con chết là, may quá, dì đã chọn người em…." Đôi khi Ruth nghe những điều này với một vẻ thích thú, cố xác định xem câu chuyện của bà Lưu Linh thay đổi như thế nào mỗi lần kể lại, có cảm giác nhẹ nhõm khi bà lập lại chính xác một câu chuyện nào đó. Nhưng những lần khác Ruth cảm thấy bứt rứt khó chịu, và sự bứt rứt này làm cô có một cảm giác lạ lùng, một sự thoả mãn như thể mọi thứ đều như vậy, không có gì sai lệch cả. "Cái cô ở dưới nhà ấy hầu như ngày nào cũng ăn bắp! Sẽ cháy thôi, chuông báo cháy đã hư rồi. Cô ta không biết. Nhưng mẹ có thể ngửi thấy! mùi khét! Chỉ có ăn bắp thôi. Trách nào mà không gầy giơ xương cốt ra. Rồi cô ta còn bảo mẹ, đó không phải là việc làm chính đáng, không đúng. Lúc nào cũng than vãn, lại còn doạ kiện mẹ ra toà vì tội danh xâm phạm nữa chứ…"
Đêm đến Ruth nằm ngủ trên cái giường cũ của cô, cô có cảm tưởng là cô trở lại tuổi thơ của mình trong cái vỏ của một người đã trưởng thành. Cô vừa là con người ấy vừa không phải là cũng con người ấy. Hoặc cô có hai phiên bản, Ruth năm 2969 và Ruth năm 1999, một người ngây thơ hơn, người kia nhạy bén hơn, một người cần người khác hơn, một người tự cảm thấy thoả đáng hơn, nhưng cả hai đều sợ hãi. Cô là con của mẹ cô và mẹ cô cũng lại là đứa trẻ đối với cô như bà đã từng là như vậy. Có quá nhiều sự kết hợp giống như những cái tên và mẫu tự Trung Hoa, những yếu tố giống nhau dường như hết sức đơn giản lại có những sự kết hợp rất khác nhau. Đây là cái giường của cô từ tấm bé vậy mà vẫn còn vương đâu đây những khoảnh khắc tuổi thơ của cô trước những giấc mơ, khi cô đau đớn và tự hỏi mình: chuyện gì sẽ xảy ra đây? Và cũng như ngày xưa thơ bé cô lắng nghe tiếng mẹ cô thở đều đặn, phát hoảng lên với cái ý nghĩ rằng một ngày kia nó có thể dừng lại. Khi cô nhận thức ra điều đó thì mỗi một hơi hít vào cũng là một nỗ lực. Thở ra đơn giản là một sự giải thoát. Ruth sợ.
Một tuần vài lần, bà Lưu Linh và Ruth nói chuyện với ma. Ruth lôi cái khay cát ngày xưa đặt trên nóc tủ lạnh xuống và đề nghị được viết cho dì Báu. Mẹ cô phản đối một cách lịch sự như người ta vẫn làm khi có ai tặng một hộp chocolate "Ồ…có thể chỉ một chút thôi". Bà Lưu Linh muốn biết xem cuốn sách cho trẻ con này có làm cho Ruth nổi tiếng không. Ruth để cho dì Báu nói cái điều mà bà Lưu Linh muốn nghe.
Bà Lưu Linh cũng muốn hỏi về những thông tin mới nhất về thị trường chứng khoán. "Chỉ số dow jones lên hay xuống?" một hôm bà hỏi.
Ruth vẽ một mũi tên đi lên.
"Bán ra Intel hay mua vào Intel?"
Ruth biết rằng bà Lưu Linh quan tâm đến cổ phiếu chỉ để cho vui thôi. Cô không tìm thấy bất cứ lá thư, quảng cáo hay bất cứ một món gì tương tự nữa. Mua những thứ hạ giá, cô quyết định viết thế.
Bà Lưu Linh gật đầu. "Phải đợi cho đến khi xuống thấp nhất, dì Báu rất khôn ngoan".
Một đêm, Ruth cầm cái đũa trong tay sẵn sàng ước đoán những câu trả lời thì cô nghe bà Lưu Linh hỏi "Tại sao con và Artie cãi nhau?"
"Chúng con không cãi nhau".
"Vậy tại sao lại không sống chung nữa? Có phải vì mẹ? Lỗi tại mẹ?"
"Tất nhiên là không" Ruth đáp quả có hơi hùng hồn một chút.
"Mẹ nghĩ có thể là như thế". Bà nhìn Ruth với cái vẻ hiểu biết. "Lâu lắm rồi, khi con mới gặp nó lần đầu mẹ đã bảo con sao lại sống chung với nhau trước? Con làm thế nó sẽ không bao giờ cưới con. Nhớ không? Ồ bây giờ thì con nghĩ, mẹ đúng. Sống với nhau rồi bây giờ mình chỉ là đồ thừa, dễ dàng bị ném đi. Đừng có ngượng. Con hãy thành thật".
Đúng là mẹ cô nói những điều như thế, Ruth nhớ lại với một cảm giác tủi tủi. Cô để cho đôi tay mình bận rộn, gạt những hạt cát khỏi gờ khay. Cô vừa ngạc nhiên về những điều mẹ cô còn nhớ được vừa cảm động bởi sự quan tâm của mẹ. Điều mà bà Lưu Linh nói về Art không hoàn toàn chính xác tuy vậy bà đã ghép từng mảnh vỡ của con tim lại đúng như cái sự thật mà Ruth cảm thấy là cô giống như một người thừa, người ở lại cuối hàng chờ đợi được quan tâm. Có một sai lầm tệ hại nào đó đã xảy ra giữa Art và cô. Cô cảm thấy điều này đặc biệt rõ trong cuộc chia tay thử thách giữa hai người – không phải là chính nó. Cô đã nhìn rõ hơn thói quen của cảm xúc, sự cố gắng của cô để thích hợp với anh ngay cả khi anh không cần cô. Một lần cô đã nghĩ rằng sự đánh giá này đúng cho mọi cặp đã cưới nhau hoặc chưa, phải, dấn sâu hay không là có cả một sự lưỡng lự cần thiết. Nhưng mà Art có cố gắng để khớp với cô không? Nếu có thì cô cùng không biết điều đó đã diễn ra như thế nào. Và bây giờ khi họ sống xa nhau cô cảm thấy mình không còn trọng lượng, không có một mối dây gì ràng buộc. Một điều mà cô đã có, một tiên cảm là cô sẽ trải qua khi cô mất mẹ. Bây giờ cô muốn bám lấy mẹ cô như thể bà là kho báu của đời mình.
"Điều làm mình khó nghĩ là mình không cảm thấy cô đơn hơn khi không có Art", cô bảo Wendy qua điện thoại "Mình cảm thấy là mình nhiều hơn".
"Cậu có nhớ bọn con gái không?"
"Không nhiều lắm, ít nhất thì cũng không nhớ những tiếng chí choé và cái sinh lực dồi dào của chúng. Cậu có nghĩ là cảm xúc của mình đã chết rồi hay một cái gì đại loại thế không?"
"Mình nghĩ cậu mệt mỏi quá thôi".
Một tuần hai lần Ruth và mẹ cô đi đến Vallejo Street để ăn tối. Trong những ngày này cô kết thúc mọi việc sớm hơn và đi mua thực phẩm. Vì cô không muốn để mẹ ở một mình cô mang cả bà đi theo. Trong khi họ mua bán, bà Lưu Linh ca cẩm về giá cả của mỗi mặt hàng, hỏi xem Ruth có thể đợi được đến lúc nó rẻ hơn không. Một lần Ruth về nhà – ồ phải cô nhắc mình, căn hộ ở Vallejo Street vẫn còn là nhà cô – cô để bà Lưu Linh ngồi trước tivi rồi phân loại những lá thư gửi đến cho cô và Art như còn là một cặp. Cô thấy những lá thứ ấy mới ít ỏi làm sao trong khi hầu hết các hoá đơn tính tiền là ghi tên cô. Đêm khuya hôm ấy cô kiệt quệ cảm xúc, buồn bã nhưng cảm thấy nhẹ lòng là mình đã trở về với ngôi nhà của mẹ, chiếc giường cá nhân bé nhỏ của cô.
Một buổi tối, trong khi cô đang thái rau ở trong bếp, Art len lén đi vào, vỗ vào mông cô. "Sao em không nhờ dì Gal trông coi mẹ em một lúc? Rồi em có thể ở lại một đêm vợ chồng với anh".
Cô đỏ mặt. Cô những muốn tựa vào người anh, quàng cánh tay quanh cổ anh, tuy một hành động như vậy cũng đáng sợ như là trượt từ vách đá xuống.
Anh hôn vào gáy cô. "Hoặc là em nghỉ tay ngay bây giờ và chúng ta có thể lẻn vào buồng tắm một chút". Cô cười một cách hồi hộp. "Họ sẽ biết ngay là mình đang làm gì".
"Không, họ sẽ không biết đâu:" Art thở hổn hển vào tai cô.
"Mẹ em biết tất cả mọi thứ. Bà nhìn thấy tất cả mọi chuyện"
Với câu nói đó, Art dừng lại và Ruth cảm thấy thất vọng.
Trong tháng thứ hai họ sống xa nhau, Ruth bảo Art "Nếu anh thực sự muốn tụi mình ăn tối với nhau, có thể anh đến nhà mẹ em, thay vì em phải loanh quanh ở đây trong suốt thời gian ăn tối. Thật là mệt đến kiệt sức khi phải làm hai việc một lúc".
Thế là Art và bọn con gái bắt đầu đến nhà bà Lưu Linh một tuần hai lần. "Ruth" một buổi tối Dory mè nheo trong khi nó nhìn cô làm món salad trộn. "Bao giờ thì dì về nhà? Ba thì buồn chán thực sự còn Fia thì luôn miệng càu nhàu "Ba, ở đây chả có việc gì làm, chả có cái gì ăn cho ngon miệng cả".
Ruth cảm thấy vui sướng là họ có nhớ cô. "Dì không biết cưng. Waipo cần có dì".
"Chúng con cũng cần dì".
Ruth cảm thấy tim cô thắt lại. "Dì biết nhưng Waipo ốm và dì cần ở bên cạnh bà".
"Vậy con có thể đến đây ở với dì được không?"
Ruth cười "Dì thích thế lắm, nhưng con còn phải hỏi ba đã".
Hai tuần sau, Fia và Dory đến với cái nêm bơm hơi. Chúng ở lại trong phòng Ruth. "Chỉ có bọn con gái thôi" Dory khăng khăng, thế là Art phải về nhà. Buổi tối Ruth và hai đứa con gái ngồi xem tivi và dán hình xăm lên cánh tay nhau. Vào kỳ nghỉ của tuần kế tiếp, Art hỏi có thể có một đêm dành cho con trai không.
"Em nghĩ có thể thu xếp được" Ruth nói vẻ bẽn lẽn.
Art mang theo bàn chải đánh răng, quần áo để thay đổi và một cái máy hát xách tya với đĩa CD nhạc của Michael Feinstein và Gershwin. Đêm đến anh chen chúc trên cái giường của Ruth. Nhưng cô không cảm thấy ham muốn khi bà Lưu Linh ở phòng bên cạnh. Đó là điều cô giải thích với anh.
"Thế thì nằm ôm nhau thôi", anh gợi ý. Ruth lấy làm sung sướng là anh không ép cô phải giải thích thêm. Cô rúc vào ngực anh. Sâu thẳm trong đêm, cô lắng nghe tiếng thở khoẻ khoắn của anh và tiếng còi báo sương mù. Lần đầu tiên trong một thời gian dài, cô có cảm giác an lành.
Hết hai tháng, ông Tặng gọi điện cho Ruth. "Cô có chắc là không còn giấy tờ gì để sót không?"
"Tôi sợ là không còn gì. Tôi đã dọn dẹp cả căn hộ của mẹ tôi, hết ngăn tủ này đến ngăn tủ khác, hết phòng này đến phòng khác. Thậm chí tôi còn phát ra bà giấu 100 đô dưới sàn nhà. Nếu còn cái gì khác nữa chắc chắn là tôi đã tìm ra".
"Vậy thì tôi đã hoàn thành xong". Giọng ông có vẻ tiếc nuối "Ở đây có một vài trang có mấy câu cứ viết đi viết lại nói rằng bà ấy lo sợ rằng bà đã quên để nhiều thứ với nét chữ run run. Tôi nghĩ là những dòng chữ này mới được viết. Điều này có thể làm cô rối trí. Tôi chỉ báo cho cô biết".
Ruth cảm ơn ông.
"Tôi có thể đến chỗ cô để giao lại công việc mà tôi đã hoàn tất không?" Ông hỏi một cách trịnh trọng. "Điều đó có phải lẽ không ạ?"
"Sợ rằng lại làm phiền ông quá".
"Đó là một vinh dự cho tôi. Thành thật mà nói, tôi rất muốn gặp mẹ cô. Sau khoảng thời gian đọc từng chữ của bà, ngày và đêm, tôi có cảm giác tôi biết bà như một người bạn cũ mà lại nhớ bà nữa".
Ruth ngăn ông "Mẹ tôi không còn là người đã viết ra những dòng ấy đâu…"
"Có thể…nhưng một khía cạnh nào đó tôi nghĩ bà ấy vẫn thế".
"Ông có vui lòng đến dùng cơm với chúng tôi tối nay không ạ?"
Ruth nói đùa với mẹ cô rằng có một người rất ngưỡng mộ bà sẽ đến thăm bà tối nay vì vậy bà phải ăn mặc đẹp.
"Không! Chẳng có ai đến cả".
Ruth gật gật đâu, cười.
"Ai?"
Cô trả lời một cách mơ hồ "Một người bạn cũ của một người bạn cũ của mẹ ở Trung Quốc".
Bà Lưu Linh suy nghĩ thật lung. "Ồ phải. bây giờ mẹ nhớ ra rồi".
Ruth giúp mẹ cô tắm rửa và mặc quần áo. Cô quàng khăn quanh cổ mẹ, chải tóc cho bà và thoa một chút son lên môi. "Mẹ đẹp lắm" cô nói và điều đó là đúng.
Bà Lưu Linh ngắm mình trong gương. "Mô Phật. Thật tệ là Cao Linh không xinh xắn như mẹ". Ruth cười.
Mẹ cô không bao giờ bỉêu lộ vẻ tự phụ về hình thức bên ngoài của mình, nhưng với căn bệnh mất trí, tính khiêm nhường có lẽ không còn hoạt động nữa. Bệnh mất trí cũng như chất huyết thanh của sự thật.
Vào đúng bảy giờ tôi, ông Tặng đến nhà với bản thảo của bà Lưu Linh và bản dịch tiếng Anh của ông. Ông là một ông già gầy gò, mái tóc bạc trắng, những nếp nhăn hằn sâu quanh cái miệng tươi cười trên một khuôn mặt rất nhân từ. Ông mang đến tặng bà Lưu Linh một lẵng cam.
"Không cần phải lịch sự đến thế" bà nói ngay trong khi kiểm tra mớ cam xem có
trái nào hư không. Bà mắng Ruth bằng tiếng Hoa "Đỡ áo cho ông, mời ông ngồi xuống. Mời ông uống nước".
"Bà không cần phải lo cho tôi quá" ông Tặng nói.
"Ồ tiếng Hoa của ông là giọng Bắc Kinh, rất thanh lịch" bà Lưu Linh nói. Bà có dáng vẻ ngượng ngập như con gái và điều này làm cho Ruth cảm thấy vui. Còn ông Tặng đến lượt mình cũng trổ ra hết sự duyên dáng của ông, ông kéo ghế mời bà Lưu Linh ngồi, rót trà mời bà trước, rồi lại rót trà tiếp khi ly của bà chỉ còn một nửa. Bà và ông Tặng tiếp tục nói chuyện và với đôi tai thẩm âm của Ruth, mẹ cô có vẻ tỉnh táo, ít lẫn lộn.
"Quê ông ở đâu ta?" bà Lưu Linh hỏi.
"Thiên Tân. Sau này tôi đi học ở trường đại học Yên Kinh".
"Ồ người chồng đầu tiên của tôi cũng học tại đấy, anh ấy rất thông minh. Phan Khải Tĩnh. Ông có biết anh ấy không?" "Tôi có nghe tên anh ấy" Ruth nghe ông Tặng trả lời. "Anh ấy học địa chất phải không ạ?"
"Đúng! Anh ấy làm những công việc hết sức quan trọng. Đã bao giờ ông nghe nói đến người vượn Bắc Kinh chưa?"
"Có chứ ạ. Người vượn Bắc Kinh nổi tiếng thế giới mà".
Khuôn mặt của bà Lưu Linh lộ một vẻ tiếc nuối sâu xa "Anh ấy chết trong khi chăm nom những cái xương cổ này" Ruth nghe câu chuyện giữa hai người mà như bị thôi miên. Cứ như thể ông Tặng biết mẹ cô từ bao nhiêu năm về trước. Ông dễ dàng dẫn dắt bà trở về với ký ức xa xăm, về với những cái vẫn được bảo vệ khỏi một sự tàn phá. Và rồi cô nghe mẹ nói "Con gái tôi Luyi cũng làm việc với chúng tôi. Nó ở cùng một trường với tôi, nơi tôi tới nương náu sau khi dì Báu chết".
Ruth quay lại, giật mình rồi cảm động khi thấy mẹ cô gộp cả cô vào trong quá khứ.
"Phải. Tôi thật buồn khi nghe nói về mẹ bà. Cụ thân sinh thật là một người đàn bà xuất chúng. Hết sức thông minh".
Bà Lưu Linh ngẩng đầu lên có vẻ như đấu tranh với nỗi buồn của mình "Bà là con gái của một thầy lang".
Ông Tặng tán thành "Một thầy lang rất nổi tiếng".
Cuối buổi viếng thăm hôm đó, ông Tặng cảm ơn bà Lưu Linh đã chu đáo trong mấy giờ đồng hồ vui vẻ hồi tưởng về quá khứ. "Tôi có được hân hạnh đến thăm bà lần nữa không ạ?"
Bà Lưu Linh cười khúc khích. Bà nhướn lông mày lên nhìn Ruth."Xin bác vui lòng đến đây chơi bất cứ lúc nào".
"Ngày mai!" bà Lưu Linh buột miệng "đến vào ngày mai".
Ruth thức suốt đêm đọc bản dịch của ông Tặng. "Chân" bản thảo bắt đầu như thế. Ruth bắt đầu đếm tất cả những sự thật mà cô đã biết, nhưng chẳng bao lâu cô không còn đếm tiếp được nữa khi một sự thật lại dẫn đến nhiều câu hỏi. Đúng là tuổi thật của mẹ cô lớn hơn cái tuổi mà cô vẫn nghĩ là năm tuổi. Thế nghĩa là bà đã nói với bác sĩ Huy đúng cái tuổi thật của mình! Và việc Cao Linh không phải chị em ruột của bà cũng đúng nốt. Tuy vậy mẹ cô và dì Cao Linh vẫn là chị em ruột thịt còn hơn là Ruth vẫn thường nghĩ nữa. Họ có nhiều lý do hơn hầu hết các cặp chị em để từ bỏ mối quan hệ của họ. Tuy vậy sự trung thành của họ thật đáng nể, duy trì một mối dây liên hệ không thể huỷ bỏ giữa hai người qua những oán hận, nợ nần và tình yêu. Ruth cảm thấy phấn chấn hẳn lên khi biết điều này.
Nhiều phần trong câu chuyện của mẹ làm cô đau lòng. Tại sao bà cảm thấy bà không thể bảo cô rằng dì Báu là mẹ bà? Có phải bà sợ rằng con gái bà sẽ lấy làm tủi nhục vì mẹ cô chỉ là một đứa con vô thừa nhận? Ruth sẽ phải trấn an bà rằng chẳng việc gì phải xấu hổ về điều này, rằng có một đứa con của tình yêu được coi là rất hợp thời vào thời buổi này. Nhưng rồi Ruth nhớ là khi còn bé cô đã rất sợ hãi dì Báu. Cô lấy làm kinh sợ sự hiện diện của bà trong cuộc sống của hai mẹ con, đổ tội cho bà về sự lập dị, và những linh cảm đen tối của mẹ cô. Dì Báu đã bị hiểu lầm hoàn toàn – bởi cả con gái của bà lẫn cháu gái của bà. Tuy vậy cũng có những giây phút Ruth cảm thấy rằng dì Báu đang quan sát cô, rằng bà biết lúc nào cô cảm thấy đau khổ.
Ruth nghiền ngẫm về những điều cô đọc được trên cái giường thơ ấu của cô. Cô hiểu rõ hơn tại sao mẹ cô bao giờ cũng muốn tìmty xương của dì Báu và mai táng bà một cách đàng hoàng. Cô cũng muốn đi đến nơi tận cùng thế giới để làm vài sự thay đổi. Cô muốn nói với mẹ cô "Con rất tiếc và con cũng tha thứ cho mẹ."
Ngày hôm sau Ruth gọi điện cho Art kể cho anh nghe những gì cô đọc được. "Có cảm tưởng như là em tìm thấy một sợi chỉ màu nhiệm có thể vá lành một cái chăn rách tả tơi. Chuyện vừa kỳ diệu vừa buồn thảm".
"Anh cũng muốn đọc. Em có cho anh đọc không?"
"Em muốn anh đọc mà" Ruth thở dài. "Đáng lý mẹ phải cho em biết những điều này từ lâu rồi. Mọi việc sẽ khác đi rất nhiều".
Art cắt ngang "Cũng có nhiều việc lẽ ra anh phải nói từ nhiều năm về trước".
Ruth im lặng, chờ đợi.
"Có nhớ em nói gì lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không về cái việc không cần có một giả thuyết về tình yêu ấy?"
"Em không nói mà anh nói".
"Anh?"
"Chính xác. Em vẫn nhớ mà".
"Thật buồn cười. Anh lại nghĩ là em".
"Ồ, anh nhận rồi nhé".
Art cười. "Mẹ em không phải là người duy nhất có vấn đề với trí nhớ. Thôi được, nếu anh đã nói thế thì anh sai rồi, bởi vì bây giờ anh thực sự nghĩ rằng điều quan trọng là phải có một giả thuyết chắc chắn – cho cái người đã ở bên em sau một chặng đường dài, rằng anh ta quan tâm đến em cùng những chuyện đã xảy ra, cả một đống sự kiện, mẹ và tất cả mọi thứ. Cho một lý do khác – cái việc anh đã nói về cái giả thuyết ấy, và em đã trải qua điều đó – phải, anh cho rằng anh đã nghĩ điều đó thật tuyệt vào lúc ấy, rằng anh đã yêu trong một chuyếng đi miễn phí. Anh đã không biết anh đang đánh mất cái gì cho đến lúc em dọn đi".
Art dừng lại. Ruth biết anh đang chờ đợi phản ứng của cô, Ruth chỉ muốn hét lên vì sung sướng là anh đã nói đúng cái điều mà cô cảm thấy mà không thể diễn đạt. Tuy vậy cô sợ rằng anh đã nói điều này quá trễ. Cô không cảm thấy sung sướng khi nghe lời thổ lộ của anh. Cô chỉ cảm thấy buồn.
"Em không biết phải nói gì nữa" cuối cùng cô thừa nhận. "Em không cần phải nói gì. Anh chỉ muốn em biết thôi…một chuyện khác nữa là anh thật sự lo lắng về việc em chăm sóc mẹ em trong một thời gian dài. Anh biết em muốn làm điều đó, rằng nó rất quan trọng và mẹ em cần một người chăm sóc. Nhưng em và anh đều thấy rằng bà càng ngày càng xấu đi. Bà cần có nhiều sự quan tâm chữa trị hơn và bà không thể làm điều này một mình, em cũng không thể làm điều đó được. Em còn có công việc và cuộc sống riêng mà mẹ em là người cuối cùng biết rằng em đã bỏ cả sự nghiệp của mình vì bà".
"Em không thể thuê một người giúp việc mới".
"Anh biết… Đó là lý do tại sao anh nghiên cứu về bệnh Alzheimer, các giai đoạn phát bệnh, những điều trị cần thiết, những tổ chức giúp đỡ. Và anh nghĩ ra một ý, một giải pháp khả thi…một nhà tương trợ lẫn nhau". "Đó không phải là một giải pháp" Ruth có cảm giác giống như lúc nghe mẹ cô khoe với cô chi phiếu 10 triệu đô từ một hình quảng cáo trong tạp chí.
"Tại sao không?"
"Bởi vì mẹ em sẽ không bao giờ chịu vào đó. Em cũng không thể làm thế. Bà sẽ nghĩ em tống bà vào một chỗ giam chó. Bà sẽ doạ tự tử hàng ngày".
"Anh không nói về nhà dưỡng lão và những cái bô. Đây là một nhà hỗ trợ lẫn nhau. Đó là một khái niệm mới nhất, cũng như làn sóng của những sự bùng nổ trẻ em trong tương lai. Nó giống như câu lạc bộ y tế cao cấp có phục vụ ăn uống, dịch vụ dọn phòng, giặt đỗ, phuơng tiện đi lại, tổ chức dã ngoại, thể thao, thậm chí cả khiêu vũ nữa. Và nó được giám sát 24 trên 24. Nó được tổ chức rất hiện đại và trong điều kiện tốt nhất, không bệ rạc chút nào. Anh đã đi thăm nhiều nơi như vậy và anh đã tìm ra một nơi rất tuyệt không xa nhà mẹ em".
"Quên chuyện đó đi. Cao cấp hay không thì bà cũng sẽ không bao giờ sống ở một nơi như vậy".
"Tất cả điều bà phải làm là hãy thử xem sao".
"Em đã bảo anh mà, quên đi. Bà sẽ không chịu đâu".
"Này, này. Trước khi em bác bỏ một đề nghị đúng đắn hãy cho anh biết những lý do đặc biệt. Để coi chúng ta có thể tiến được một bước nào từ vạch xuất phát không".
"Chẳng có gì có thể tiến được. Nhưng nếu anh muốn biết thì thứ nhất bà sẽ không bao giờ rời bỏ ngôi nhà mình. Thứ hai là chuyện giá cả. Em cho rằng những chỗ như vậy không phải là chỗ người ta cho ở không, bà phải xem xét đến giá cả. Mà ngay cả khi nó miễn phí thì bà cũng sẽ nghĩ là do trợ cấp xã hội, bà sẽ từ chối trên những cơ sở đó".
"Được rồi. Anh sẽ lo giải quyết những chuyện này. Còn gì nữa?"
Ruth hít một hơi dài. "Bà cũng phải ưa thích chỗ đó. Bà sẽ phải muốn sống ở đó theo sự lựa chọn của mình chứ không phải của anh hay của em".
"Được rồi. Và bà có thể đến sống với em và anh bất cứ khi nào bà muốn"
Ruth nhận thấy anh đã nói "em và anh". Cô bỏ rơi vũ khí tự vệ. Art đang cố gắng. Art đang nói với cô là anh yêu cô theo cách tốt nhất mà anh biết là có thể.
Hai ngày sau bà Lưu Linh đưa cho Ruth một tờ thông báo có vẻ chính thức của Văn phòng an toàn cộng đồng ở California, một tờ giấy xuất phát từ máy tính của Art.
"Radon leak!" Bà Lưu Linh kêu lên. "Cái này có nghĩa là gì? Radon leak là cái gì?"
"Để con coi xem" Ruth nói và nghiên cứu tờ thông báo. Art đã hành động rất thông minh. Ruth cũng tham gia theo. "Hừm, đó là một loại khí nặng, có chất phóng xạ, rất nguy hiểm đối với phổi của mẹ. Công ty khí đốt đã phát hiện ra nó khi họ thực hiện điều tra định kỳ những nguy hỉêm của động đất. Sự rò rỉ chất khí này không phải từ một đường dẫn mà nó thoát ra từ đất đá dưới nền nhà và họ muốn mẹ dọn đi trong vòng ba tháng trong khi họ có những cuộc kiểm tra về môi trường và di chuyển nguy cơ này qua hệ thống thông hơi".
"Ái chà! Hết bao nhiêu tiền?"
"Hừm! không mất đồng nào, thư nói vậy. Thành phố tài trợ hoàn toàn cho việc này. Coi này, thậm chí họ còn trả tiền một chỗ ở cho mẹ trong khi họ làm chuyện khảo sát này. Ba tháng không phải trả tiền nhà và..tiền ăn. Mira Mar Manor "toạ lạc ở gần chỗ bà ở với những tiện nghi của khách sạn năm sao!" Nơi ở cao cấp nhất, năm sao! Họ bảo mẹ đi càng sớm càng tốt".
"Năm sao? Cho hai người?"
Ruth giả vờ tìm đọc trong tờ giấy. "Không, hình như chỉ cho một người. Con không thể đến được". Ruth thở dài, có vẻ thất vọng lắm.
"Hừm! Mẹ không có ý nói con!" mẹ cô kêu lên. "Còn cái con bé dưới nhà thì sao?"
"Ồ phải" Ruth quên mất người thuê nhà. Cả Art nữa, rành là như thế. Nhưng mẹ cô bệnh thần kinh hẳn hoi lại không quên chuyện này.
"Con nghĩ cô ta cũng nhận được một thông báo tương tự. Họ không để cho ai ở lại trong ngôi nhà nếu không sẽ bị bệnh về phổi".
Bà Lưu Linh cau mày "Vậy cô ta sống cùng với mẹ ở một khách sạn?"
"Ồ..không, chắc là ở một chỗ khác, một chỗ không tốt bằng, con chắc thế vì mẹ là chủ nhà cô ta chỉ là người thuê nhà".
"Nhưng cô ta vẫn trả mẹ tiên nhà chứ?"
Ruth lại nhìn vào tờ giấy in lần nữa. "Tất nhiên rồi. Đó là luật mà".
Bà Lưu Linh gật đầu thoả mãn "Nếu vậy thì được".
Qua điện thoại Ruth bảo Art rằng kế hoạch của anh có vẻ như đang suôn sẻ. Cô hài lòng là anh không có vẻ tự mãn.
"Thật đáng sợ khi dễ dàng lừa bà như thế" anh nói. "Cũng như thế mà hàng bao nhiêu người đã bị đẩy ra đường cùng những gì mà họ dành dụm được".
"Em có cảm giác mình giống một tên gián điệp" Ruth nói thêm. "Giống như chúng ta thành công torng công việc cải đạo". "Anh đoán bà và nhiều người khác sẽ bập vào bất cứ ý tưởng nào liên quan đến một cái gì mà không mất tiền".
"Nói về chuyện ấy, cái chỗ Mira Mar này ngốn bao nhiêu tiền?"
"Đừng quan tâm đến chuyện đó"
"Thôi nào, cho em biết đi".
"Anh sẽ lo vụ này. Nếu mẹ thích chỗ đó, chịu ở lại chúng ta sẽ tính toán sau. Nếu bà không thích, thì ba tháng này là phần anh trả. Bà có thể về ở lại nhà mình và chúng ta sẽ tìm cách khác".
Ruth thích cái cách anh nghĩ "chúng ta". "Vậy chúng ta sẽ chia nhau số tiền ba tháng ấy nghe anh".
"Để mình anh trả thôi, được không?"
"Tại sao em lại ra rìa?"
"Bởi vì điều này có vẻ như một việc quan trọng nhất mà anh đã làm trong suốt những năm qua. Cứ gọi là một việc làm tốt của bọn hướng đạo hay thủ tục cắt bao quy đẫu, hoặc việc trải qua lớp huấn luyện đạo Do Thái. Một sự điên rồ nhất thời. Nó làm cho anh khỏe khoắn, giống như làm con người ấy. Nó làm anh hạnh phúc".
Hạnh phúc. Nếu như mẹ cô còn có thể hạnh phúc khi sống ở một nơi như Mira Mar. Ruth tự hỏi cái gì làm con người ta hạnh phúc. Bạn có thể tìm hạnh phúc ở chỗ mà mình sống? Ở một người khác? Thế còn hạnh phúc nào cho cô? Bạn có đơn giản biết mình muốn gì và đạt được nó qua một màn sương mù không?
Khi họ đậu xe trước một toà nhà ba tầng, Ruth cảm thấy vui lòng khi thấy nó không giống một trại tị nạn. Bà Lưu Linh đến nhà em gái chơi vào cuối tuần và Art có ý kiến là họ nên đến thăm Mira Mar trước để có thể đoán được những phản đối có khả năng nảy sinh từ phía bà. Dọc hai bên sườn Mira Mar Manor là hai hàng cây bách trồng để đón gió biển và toà nhà hướng mặt ra biển. Trên hàng rào sắt là một cái biển báo đây là địa phận San Francisco, vươn thẳng như một trại mồ côi sau một trận động đất lớn.
Ruth và Art được mời vào một phòng làm việc lót gỗ sồi và được cho biết người phụ trách bộ phận dịch vụ chăm sóc sẽ tiếp chuyện họ ngay. Hai người ngồi ngay đơ trên chiếc sô pha da, hướng mặt về chiếc bàn làm việc khổng lồ. bằng và giấy chứng nhận sức khoẻ lồng khung treo trên tường, cùng những tấm ảnh cũ của toà nhà trong cái hình hài nguyên thủy của nó, với những cô gái tươi cười mặc những chiếc váy đồng phục màu trắng.
"xin lỗi đã để ông bà phải đợi" cô nghe một người nói giọng Ăng lê. Cô quay lại và ngạc nhiên thấy một người trẻ tuổi ăn mặc tề chỉnh với bộ đồ lớn và cà vạt. "Tôi là Edward Patel" anh ta nói với một nụ cười nồng hậu. Anh ta bắt tay hai người và trao cho họ danh thiếp của mình. Ruth nghĩ anh chắc mới ngoài ba mươi,và trông giống một người hoạt động trong thị trường chứng khoán hơn là một người làm việc với thuốc nhuận tràng và những điều trị cho bệnh viêm khớp.
"Tôi xin được bắt đầu từ đây" Patel nói, đưa họ trở lại tiền sảnh, "bởi vì đây là chỗ khách hàng của chúng tôi nhìn thấy đầu tiên khi họ đến đây". Anh ta bắt đầu bằng cái giọng vang lên như trong một bài diễn văn bậc trung. "Đây là Mira Mar Manor, mà chúng tôi tin rằng đó là một ngôi nhà hơn là một chiếc giường. Đây là khái niệm nền tảng".
Khái niệm? Ruth nhìn Art. Lại có vụ này nữa sao?
"Chữ P và F trong cái tên "Trung tâm chăm sóc sức khỏe P và F có nghĩa gì?" Art hỏi, nhìn vào tấm danh thiếp. "Có nghĩa là Patel và Finkelstein. Một trong những ông chú của tôi là người chung vốn thành lập nơi này. Ông ấy đã làm việc trong lĩnh vực y tế và khách sạn rất lâu năm. Morris Finkelstein là bác sĩ. Mẹ ông ấy cũng là một cư dân ở đây". Ruth tự hỏi sao mà một bà mẹ Do Thái lại để cho thằng con trai tống bà vào một nơi như thế này. Bây giờ là điều này được coi như một giấy chứng nhận chăng?
Họ đi qua những cánh cửa kiểu Pháp vào một khu vườn có hàng rào bao quanh. Mỗi phía có một giàn leo mắt cáo dành cho những cây leo cho bóng mát xen lẫn với hoa nhài. Phía dưới là những chiếc ghế nệm và những chiếc bàn có một lớp kính mờ phủ lên trên. Một vài quý bà ngẩng đầu lên trong lúc đang nói chuyện.
"Chào Edward!" ba bà lần lượt kêu lên.
"Chào buổi sáng Betty, Dorothy, Rose. Ồ, Betty cái màu áo của bà tuyệt quá!"
"Cô đang tham quan đấy à?" một cụ bà nghiêm nghị nói với Ruth "Anh ta có thể bán cả cái quần của cô đấy, nếu có dịp". Patel cười một cách dễ dãi, còn Ruth thì tự hỏi không biết bà cụ kia có đùa không. Ồ ít nhất thì anh cũng biết tên tuổi của họ. Ở giữa khu vườn là một lối đi đo đỏ hai bên kê những chiếc ghế dài, trên một vài chiếc ghế có che những tấm vải bạt. Patel chỉ ra những tiện nghi có thể bị bỏ qua bởi những con mắt chưa có kinh nghiệm. Giọng anh ta thấu tình đạt lý, vừa thân thuộc vừa hiểu biết, giống như giọng nói của một thầy giáo tiếng Anh mà Ruth đã từng học. Lối đi dạo này, anh ta giải thích, được rải bằng cùng thứ vật liệu trong nhà, không có một hòn gạch, hòn đá nào, đường đi nâng đỡ những bước chân run run yếu ớt, và không lót bằng những vật liệu cứng. Tất nhiên, nếu một cụ bà vấp ngã bà cũng sẽ bị rạn ở hông nhưng còn đỡ hơn là bị vỡ ra hàng triệu mảnh. Các nghiên cứu cho biết va chạm mạnh là điều gây tử vong cao nhất trong những người già. Một cú ngã, thế là thôi! Patel bật ngón tay "Điều này xảy ra nhiều, khi người lớn tuổi sống một mình và ngôi nhà cũ trong gia đình không được làm mới lại đáp ứng nhu cầu của họ. không có cầu thang đặc biệt, không có tay vịn". Patel chỉ vào hoa lá trong vườn "Đây toàn là những loại hoa không có gai và không độc, không có những loại hoa nguy hiểm như trúc đào hay mao địa hoàng có thể gây độc cho một người không rành khi động tay vào". Mỗi một loại cây lại có một cái biển tên đặt ngang tầm mắt – không nhất thiết phải cúi xuống. "Các cụ già của chúng tôi rất thích nhận diện các cây gia vị. Vào các ngày thứ hai, công việc buổi chiều là thu lượm cây gia vị. Ở đây có hương thảo, ngò tây, kinh giới, húng chanh, húng tây và xô thơm. Và cái chữ echinacea làm cho họ bối rối. Một bà gọi nó là "Biển Trung Quốc", thế là tất cả chúng tôi đều gọi thế".
Những món rau thơm trong vườn, Patel nói thêm, thì được dùng trong các bữa ăn. "Các quý bà ở đây vẫn còn tự hào về tài nấu nướng của mình. Họ thích nhắc nhở chúng tôi thêm chỉ một nhánh ngò tây hoặc một chút xô thơm ướp vào trong con cá chứ không phải là rắc lên trên". Ruth có thể hình dung cảnh hàng chục bà già ca cẩm về món ăn và mẹ cô cao giọng hơn cả nói mọi thứ đều mặn.
Họ tiếp tục đi dọc con đường về phía nhà kính ở cuối khu vườn."Chúng tôi gọi nó là Vườn Yêu", Patel nói khi họ bước vào một nơi bùng nổ của màu sắc – màu hồng chói mắt và màu vàng nghệ gắt của các thầy chùa. Không khí ở đây ẩm và lạnh.
"Mỗi người ở đây đều có một giò phong lan. Chậu lan sẽ được sơn tên mà họ đặt cho giò lan của họ. Ông bà có thể nhận ra là có khoảng 90% các cư dân của chúng tôi là phụ nữ. Và dù ở độ tuổi bao nhiêu thì trong họ bản năng làm mẹ vẫn còn hết sức mạnh mẽ. Họ thích tưới nước cho chúng hàng ngày. Chúng tôi trồng loại phong lan dendrobium được biết đến như curthbersolinii. Nở hoa gần như quanh năm, không ngừng. Không như hầu hết các loài phong lan khác, nó có thể chịu được việc tưới nước mỗi ngày. Nhiều người ở đây đặt tên cho hoa theo tên chồng, hoặc con, hoặc những người trong gia đình đã qua đời. Họ thường nói chuyện với hoa, vuốt ve và hôn lên từng cánh hoa, làm ầm ĩ hay lo lắng về chúng. Chúng tôi đưa cho họ những lọ thuôc nhỏ mắt và một bình nước mà chúng tôi gọi là Bùa Yêu. "Mẹ đã đến, mẹ đã đến" ông bà sẽ nghe họ nói thế. Thật là cảm động khi nhìn họ chăm bón những giò phong lan này".
Nước mắt Ruth trào ra. Tại sao cô lại khóc? Thôi ngay, cô tự nhủ, mày lại trở nên ngu ngốc và uỷ mị rồi. Anh ta đang nói về công việc làm ăn, nhân danh Chúa, về các dạng tồn tại được thừa nhận của hạnh phúc. Cô quay đi vờ ngắm nghía hàng dãy hoa phong lan. Khi đã trấn tĩnh lại được, cô nói "Chắc họ thích ở đây lắm".
"Vâng ạ. Chúng tôi đã tính đến tất cả mọi thứ mà một gia đình có thể nghĩ đến".
"Hoặc là không nghĩ đến" Art nói.
"Có nhiều thứ phải quan tâm đến ạ" Patel nói với một nụ cười khiêm tốn.
"Anh có thấy bất cứ ai trong số họ miễn cưỡng ở đây đặc biệt là trong giai đoạn đầu?"
"Có chứ ạ. Điều này có thể đoán được ạ. Họ không muốn rời bỏ ngôi nhà cũ, bởi đó là nơi diễn ra của bao nhiêu biến cố trong đời. Và họ không muốn tiêu tán của thừa kế của con cháu. Với lại họ cũng không nghĩ là họ đã già – chắc chắn là không già như vậy, họ tuyên bố. Tôi chắc rằng chúng ta cũng sẽ nói như thế khi chúng ta ở vào cái tuổi của họ".
Ruth cố cười một cách lịch sự "Chúng tôi sẽ cố lùa mẹ tôi vào đây".
"Phải, bà không phải là người đầu tiên làm thế đâu" Patel tiếp lời "Người ta phải dùng đến nhiều mánh khoé để đưa cha mẹ vào đây - ối chao nhiều lắm. Có thể viết thành sách ấy".
'Như chuyện gì?" Ruth hỏi.
"Một số người không biết là phải trả bao nhiêu tiền để được vào ở đây"
"Thế à!" Art thốt lên quay sang nháy mắt với Ruth.
"Phải ạ. Họ nghĩ về vật giá y như thời khủng hoảng. Trả tiền thuê nhà thật thấp. Ho.từng sở hữu một ngôi nhà tươm tất mà không phải trả tiền".
Ruth gật đầu. Nhà của mẹ cô mới trả hết tiền năm ngoái. Họ tiếp tục đi dọc lối đi vào trong nhà qua một cái sảnh và đi vào phòng ăn.
"Một trong những cư dân của chúng tôi là một giáo sư xã hội học nay đã 90 tuổi, đầu óc vẫn còn sáng suôt lắm. Nhưng ông nghĩ ông ở đây là do cái hội bạn học với ông từ những ngày ông còn nghiên cứu về tác động của bệnh già. Một bà cụ khác từng là giáo viên dạy piano thì nghĩ là bà được thuê để chơi đàn sau các bữa tối. Thưc ra thì bà chơi cũng không tệ. Chúng tôi gửi hoá đơn thẳng đến người nhà vì thế mà các bậc phụ mẫu thậm chí cũng không hề biết đến những khoản chi phí đó".
"Như vậy có hợp pháp không?" Ruth hỏi.
"Hoàn toàn hợp pháp, chính các gia đình này cũng có nhờ đến luật sư của mình chăm lo vấn đề tài chính. Một số người còn thế chấp nhà để vay tiền hoặc bán nhà của cha mẹ, dùng số tiền này làm vốn uỷ thác để trả tiền cho chúng tôi. Dù sao thì tôi cũng biết tất cả các vấn đề nảy sinh trong việc khiến những người cao tuổi chấp nhận cái ý kiến sống ở một nơi không phải là nhà mình dù là ở một nơi như thế này. Nhưng tôi đảm bảo với quý bà, một khi cụ nhà đã sống ở đây một tháng cụ sẽ không muốn rời khỏi đây".
"Anh sẽ làm gì?" Ruth đùa "Cho nhiều gia vị vào thức ăn ư?" Patel hiểu lầm câu nói đùa. "Thật vậy bởi vì nhu cầu ăn kiêng của mọi người ở đây, chúng tôi không thể nấu món nào quá cay. Chúng tôi có một nhà dinh dưỡng học lên thức ăn cho hàng tháng. Có nhiều sự lựa chọn cho nhóm ăn ít chất béo, hay cho nhóm ăn ít cholesterol. Chúng tôi cũng nấu cả đồ chay. Mọi người đều nhận được thực đơn hàng ngày". Anh ta cầm lên một tờ thực đơn ở một cái bàn gần đấy.
Ruth đọc lướt qua thực đơn. Hôm nay có các món gà tây nướng, cá hồi hầm, hoặc là đậu hũ fajitas cùng với salad trộn, bánh mì tròn, trái cây tươi, nước xoài ép và bánh hạnh nhân. Bất thình lình một vấn đề nảy ra: không có món ăn Trung Hoa.
Nhưng khi Ruth nêu vấn đề ra, Patel đã có sẵn câu trả lời "Chúng tôi đã có tính đến vấn đề này từ trước. Thức ăn Trung Hoa, Nhật Bản, thức ăn của người Do Thái…Chúng tôi có một hệ thống phân phối thực phẩm từ các nhà hàng có uy tín. Và bởi vì chúng tôi có hai người Trung Hoa khác dùng món ăn Trung Hoa hai lần một tuần, cụ bà có thể dùng chung các món ăn mà chúng tôi gọi cho họ. Còn nữa, một trong các đầu bếp của chúng tôi là người Hoa. Bà thường nấu cháo cho bữa điểm tâm vào dịp cuối tuần. Một vài người không phải là người Hoa cũng thích dùng món ăn này. " Patel nhẹ nhàng chuyển sang lối nói chuyện tiếp thị đã được luyện tập kỹ càng của mình. "Ngoài chế độ ăn kiêng đặc biệt, thì tất cả đều hài lòng với sự phục vụ ở đây, khăn bàn mới cho mỗi bữa ăn, y như là một nhà hàng lịch sự. Tiền boa là không cần thiết và không được cho phép ở đây". Ruth gật đầu. Đối với bà Lưu Linh tiền boa cao nhất là một đô.
"Nơi đây sẽ tạo ra một cuộc sống thanh thản vô tư, mọi việc sẽ ra so khi ông bà ở vào tuổi này, tôi nói thế có phải không ạ?" Patel nói và nhìn Ruth. Anh ta chắc đã liệt Ruth vào đối tượng khó dụ dỗ. Sao anh ta có thể nói điều đó được? Nó được thể hiện trên trán mình hay sao? Ruth thầm nghĩ. Có vẻ rõ ràng là Art nghĩ chỗ này thật tuyệt.
Ruth quyết định cô vẫn cứ là một người khó chơi. "Anh có biết ai ở đây có vấn đề giống mẹ tôi? Có bất cứ ai ở đây, phải,có vấn đề về trí nhớ không?"
"Có thể nói chắc rằng có một nửa số người trên 80 tuổi có vấn đề với trí nhớ đã bộc lộ rõ. Vả lại tuổi bình quân ở đây là 87".
"Tôi không muốn nói chỉ có vấn đề trí nhớ. Mà còn có những vấn đề khác nữa…"
"Bà muốn nói như bệnh mất trí Alzheimer?" Patel chỉ cho họ vào một sảnh rộng khác. "Tôi sẽ trả lời câu hỏi của bà sau. Còn đây là sảnh đường chính".
Vài người ngẩng lên từ bàn bingo dưới sự điều khiển của một người đàn ông trẻ. Ruth nhận thấy hầu hết mọi người ở đây đều ăn mặc rất trang nhã. Một người bận một bộ đồ vét màu phấn xanh, vòng đeo cổ và bông tai bằng ngọc trai, trông như thể bà sắp đến dự lễ Phục Sinh. Một người đàn ông mũi diều hâu đội một chiếc mũ beret trông vui mắt nháy mắt với Ruth. Cô hình dung anh ta ở cái tuổi 30, một thương gia láo xược, tự tin với vị trí của mình ở trên đời và giữa đám đàn bà.
"Bingo!" một bà gần như không có cằm kêu lên.
"Tôi còn chưa gọi đủ số, Anna" người thanh niên nói bằng giọng kiên nhẫn. "Bà cần ít nhất năm số để chiến thắng. Mà cho đến bây giờ chúng ta mới chỉ làm được có ba thôi".
"Ồ tôi không biết. Vậy lại gọi tôi là ngu".
"Không! Không! Không!" một bà quàng khăn la lớn "Chị dám nói cái từ đó ở đây à?"
"Đúng rồi Loretta" người đàn ông phụ hoạ. "Không ai ở đây ngu ngốc hết. Thỉnh thoảng chúng ta có nhầm lẫn chút xíu, thế thôi."
"Đồ ngu! Đồ ngu! Đồ ngu!" Anna lẩm bẩm qua kẽ răng như thể bà đang chửi, rồi lườm Loretta với ánh mắt dữ dằn. "Đồ ngu!"
Patel chẳng lộ vẻ bối rối, Anh ta lặng lẽ dẫn Ruth và Art đi ngang qua phòng đến một thang máy.
Khi thang máy đi lên, anh ta nói "Còn đối với câu hỏi của bà, phần lớn cư dân ở đây được chúng tôi gọi là "tuổi già mong manh". Họ có thể có vấn đề với mắt nhìn, tai nghe hoặc đi lại với một chiếc gậy chống hay là một người dẫn đường. Một số người đầu óc còn minh mẫn hơn ông bà và tôi đây, những người khác dễ dàng lẫn lộn và có dấu hiệu của bệnh mất trí như là bệnh Alzheimer hoặc là cái mà bà nói. Họ có khuynh hướng quên những chuyện nho nhỏ như việc uống thuốc, đó là lý do tại sao chúng tôi phát thuốc đến từng người. Nhưng họ bao giờ cũng biết ngày hôm nay là ngày gì, có phim nào vào ngày Chủ Nhật và hái rau thơm vào ngày thứ hai. Còn nếu họ không nhớ được năm tháng thì tại sao lại phải nhớ? Một số khái niệm về thời gian là không thích hợp".
"Tốt nhất là chúng tôi cho anh biết bây giờ" Art nói, "Bà cụ Young nghĩ bà đến đây bởi vì có sự rò rỉ chất phóng xạ ở nhà bà", Anh đưa cho giám đốc điều hành bản sao lá thư mà anh đã chế ra.
"Điều này mới mẻ đây" Patel thừa nhận với nụ cười tán thưởng. "Tôi sẽ ghi nhớ sáng kiến này để nói lại với những người khác có các bậc sinh thành cần nuôi dưỡng. Phải, ở miễn phí, khách của Phòng an toàn cộng đồng ở California. Thật tốt là đã làm cho nó trở thành chính thức, có dấu của cấp có thẩm quyền giống như một tờ giấy triệu tập". Anh ta mở một cánh cửa "Đây là một căn hộ vừa trống". Họ đi vào một căn hộ nhìn xuống vườn, một phòng khách đa chức năng, một phòng ngủ và phòng tắm. Còn chưa có đồ đạc, nghe có mùi sơn mới quét và mùi thảm mới. Đối với Ruth thì cái điều mà Patel nói "vừa mới trống" có nghĩa là người ở đây vừa mới chết. Cái vẻ tươi vui của chốn này bây giờ dường như báo hiệu một điềm xấu, cái mặt ngoài che giấu một sự thật đen tối. "Đây là một trong những căn hộ đẹp nhất. Có những phòng nhỏ hơn, rẻ tiền hơn, và có một số căn không trông ra vườn hoặc ra biển. Chúng tôi sẽ có một căn trống như vậy, à trong khoảng một tháng nữa".
Lạy Chúa! Anh ta mong đợi một người nữa sớm qua đời. Và anh ta nói điều ấy mới thản nhiên và đơn giản làm sao! Ruth cảm thấy mình bị sập bẫy, hoảng hốt muốn trốn thoát. Chốn này giống như một cái án tử hình. Không biết mẹ cô có cảm thấy thế không? Bà sẽ không bao giờ chịu ở lấy một tháng nói chi đến ba tháng.
"Chúng tôi có thể cung cấp đồ đạc mà không tính thêm tiền", Patel nói. "Nhưng thông thường các cụ muốn đem đồ đạc của mình đến, truyền cho nó cá tính của mình và biến nơi đây thành nhà của họ. Chúng tôi khuyến khích việc này. Mỗi tầng có một nhóm phụ trách, hai người chăm nom một tầng ngày cũng như đêm. Ai cũng biết tên họ. Một người trong đó thậm chí còn nói được tiếng Hoa".
"Tiếng Quảng Đông hay tiếng Quan Thoại?"
"Câu hỏi rất hay" Anh ta lôi ra một chiếc máy ghi âm điện tử nói vào máy. "Tìm hiểu xem Janie nói tiếng Quảng Đông hay tiếng Quan Thoại".
"Như vậy" Ruth hỏi "giá tiền thuê là bao nhiêu?"
Patel trả lời không chút do dự "Từ 3200 đô đến 3800 đô một tháng tuỳ thuộc vào từng căn hộ và mức độ phục vụ cần thiết. Bao gồm cả việc đưa các cụ đi khám sức khoẻ định kỳ hàng tháng. Tôi sẽ cho bà xem bảng giá chi tiết".
Ruth không thể không há hốc miệng ra khi nghe nói giá cả. "Anh có biết không?" cô hỏi Art. Anh gật đầu. Cô nửa hoảng hồn vì cái giá đắt kinh hồn nửa thán phúc việc Art vui lòng trả tiền ba tháng, gần 12 ngàn đô. Cô sửng sốt nhìn anh miệng vẫn há ra.
"Nó đáng đồng tiền mà" anh thì thầm.
"Thật là điên".
Cô lập lại điều đó trong lúc anh chở cô về nhà mẹ.
"Em không thể nghĩ như cách em vẫn nghĩ về việc thuê nhà thông thường" Art đáp. "Nó bao gồm tiền thức ăn, căn hộ, phục vụ 24 trên 24, cùng các phương tiện chăm sóc sức khỏe, giặt ủi quần áo".
"Phải, và cả một giò phong lan đắt tiền nữa! Em không thể để anh trả số tiền này, ba tháng cũng không".
"Nó đáng thế mà" anh lại bảo cô.
Ruth thở ra một cách nặng nề "Nghe đây, em sẽ trả một nửa và nếu mọi việc suôn sẻ, em sẽ trả cả cho anh".
"Chúng ta đã thống nhất với nhau rồi mà. Không có cưa đôi hay trả lại trả liếc gì cả. Anh còn tiền tiêt kiệm và anh muốn làm việc này. Mà anh không muốn đó là một điều kiện để chúng ta trở lại với nhau hày là gạt mẹ em ra ngoài, hay bất cứ chuyện gì khác đâu. Đó không phải điều kiện cho bất cứ chuyện gì cả. Nó không hề là áp lực buộc em phải làm chuyện này chuyện kia. Không có một sự chờ đợi đổi chác nào, và không có chuyện gì kéo theo hết".
"Em biết và em đánh giá cao thiện ý của anh, nhưng…"
"Nó còn hơn là một thiện ý. Đó là một món quà. Đôi lúc em cũng phải học để đón nhận chúng, Ruth. Em sẽ làm một điều sai trái với bản thân nếu em không học được điều đó đấy".
"Anh đang nói gì vậy?"
"Cái cách mà em muốn một cái gì đó từ mọi người, một bằng chứng về tình yêu, hay lòng trung thành hay niềm tin ở em. Nhưng em lại không trông mong nó đến, còn khi nó được trao tận tay em thì em lại không nhìn thấy. Hoặc là em cưỡng lại, từ chối".
"Em đâu có".
"Em giống một người bị bệnh đục thuỷ tinh thể, rất muốn sáng mắt ra nhưng lại từ chối việc mổ mắt vì em sợ có thể em sẽ bị mù. Em thà cứ dần dần bị mất đi ánh sáng còn hơn là nắm lấy một cơ hội. Và thế là em không thể thấy đâu là câu trả lời lù lù ngay trước mặt em".
"Điều đó không đúng" cô chống chế. Tuy vậy cô biết có một điều rất chắc chắn trong những điều Art nói. Nó không hoàn toàn chính xác, nhưng có nhiều phần trong đó quen thuộc như sóng triều trong những giấc mơ của Ruth. Cô quay sang anh "Có phải anh bao giờ cũng nghĩ như thế về em?" "Không hẳn thế. Anh không thực sự nghĩ về điều đó cho đến khi em bỏ đi vài tháng trước. Thế là anh bắt đầu băn khoăn tự hỏi những điều em nói về anh có đúng không. Anh nhận ra anh tự coi mình là trung tâm, rằng anh quen với việc nghĩ đến mình trước hết. Nhưng anh cũng nhận ra rằng em có khuynh hướng coi mình là số hai. Cứ như thể anh được em cho phép nghĩ mình có it trách nhiệm hơn. Anh không nói đó là lỗi của em. Nhưng em cũng phải học cách nhận lại, chộp lấy cái người khác chìa cho em. Đừng cưỡng lại. Đừng tạo ra những căng thẳng, đừng phức tạp hoá mọi chuyện. Chỉ việc đưa tay ra nhận lấy và nếu em muốn lịch sự hãy nói câu cám ơn".
Đầu óc Ruth lộn tùng phèo. Cô đang bị phanh phui và bị đánh tơi tả, và cô sợ hãi "Cám ơn anh" cuối cùng cô nói.
Trái với sự dự đoán của Ruth, mẹ cô dường như không phản đối việc dọn đến ở Mira Manor. Mà tại sao bà phải phản đối. Bà Lưu Linh nghĩ chuyện này chỉ là tạm thời – lại không mất tiền. Sau khi đưa bà đi thị sát, Ruth và Art đưa bà đến một tiệm ăn gần đấy ăn trưa và để nghe ý kiến của bà.
"Thế là nhiều người già ở đây cũng có vụ rò rỉ chất phóng xạ". Bà lẩm bẩm vẻ kinh hãi.
"Thực ra, không phải tất cả mọi người ở đây đều bởi vì vụ rò rỉ" Art nói. Ruth tự hỏi không biết điều này sẽ dẫn tới đâu.
"Ồ, cũng có vấn đề về nhà cửa?""
"Không có vấn đề gì cả. Họ chỉ thích sống ở đó".
Bà Lưu Linh độp lại "Tại sao?"
"Ồ, vì ở đó thoải mái, tiện nghi. Họ có nhiều bạn. Một cách nào đó, nó giống như một chuyến đi chơi biển".
mặt bà Lưu Linh bỗng thể hiện một cái vẻ ghê tởm "Chuyến đi biển? Cao Linh lúc nào cũng muốn mẹ đi một chuyến du ngoạn bằng tàu. Chị hà tiện quá à, dì ấy bảo. Mẹ không hà tiện! Mẹ chỉ nghèo thôi, mẹ không có tiền ném xuống biển".
Ruth có cảm tưởng Art đã đi sai một nước cờ. Chuyến đi biển. Nếu như anh đã từng nghe thấy những lời cằn nhằn liên miên của mẹ cô trong những năm qua, anh sẽ biết là anh đã mắc một sai lầm trong khi đưa ra lời so sánh trên.
"Ai có thể đủ tiền để đi chơi như thế?" Mẹ cô càu nhàu.
"Rất nhiều nó nty rằng sống ở Mira Manor rẻ hơn ở nhà riêng" Art đáp.
Một bên lông mày của bà Lưu Linh nhướng lên. "Rẻ là thế nào?"
"Một ngàn đô một tháng".
"Một ngàn. Úi trời! Quá đắt!"
"Nhưng đó là bao gồm cả nhà ở, thức ăn, phim ảnh, khiêu vũ, đồ đạc và truyền hình cáp".
Bà Lưu Linh không có truyền hình cáp. Bà thường nói về nó nhưng lại thay đổi ý định khi biết nó ngốn bao nhiêu tiền.
"Có kênh tiếng Hoa chứ?"
"Có, vài kênh tiếng Hoa. Và không phải thuế má gì".
Điều này cũng khiến bà Lưu Linh quan tâm. Thực ra thuế bất động sản của bà thấp và ổn định bởi luật liên bang bảo vệ tài sản cho những người cao tuổi. Tuy vậy, hàng năm mỗi lần nhận hóa đơn thu thuế, cái số tiền phải đóng làm bà khổ sở hết sức.
Art tiếp tục "Không phải tất cả các căn hộ ở đây đều giá 1000 một tháng. Căn hộ của mẹ đắt nhất bởi vì nó là căn hộ đẹp nhất, nhìn ra quang cảnh đẹp này, lại ở trên tầng cao nhất này. Mẹ thật là may là ở đó mà không mất tiền",
"Tốt nhất ư?"
"Số một đấy ạ" Art nhấn mạnh. "Những căn hộ nhỏ hơn thì rẻ hơn..Em yêu, ông Patel nói giá bao nhiêu nhỉ?" Ruth giật mình sửng sốt. Cô giả vờ nhớ lại "Em nghĩ là anh ta nói 750 đô".
"Bằng số tiền mà mẹ lấy được từ sở an sinh xã hội". Bà Lưu Linh nói vẻ làm mình làm mẩy.
Còn Art thì đế thêm "Ông Patel nói những người ăn ít thì còn được trừ tiền".
"Mẹ ăn ít lắm. Không như người Mỹ bao giờ cũng ăn hàng thúng uống hàng thùng".
"Vậy thì mẹ chắc chắn là đạt tiêu chuẩn. Con nghĩ mẹ chắc chưa nặng đến 55 ký".
"Không, Art, " Ruth cắt ngang "Ông ấy nói phải dưới 43 ký".
"Mẹ chỉ nặng có 40 ký".
"Dù sao thì," Art nói hết sức tự nhiên "một người như mẹ có thể sống ở căn hộ cao cấp nhất với cái số tiền mẹ lãnh được ở sở anh sinh. Kể như là không tốn kém gì cả". Trong khi họ tiếp tục bữa trưa, Ruth có thể thấy đầu óc mẹ cô cứ suy nghĩ đến truyền hình cáp miễn phí, số tiền giảm giá thật bự, và căn hộ xịn nhất – tất cả những cái này đều không sao cưỡng nổi.
Khi bà Lưu Linh lên tiếng sau một hồi ngẫm nghĩ, giọng bà vang lên hả hê "Chắc chắn Cao Linh nghĩ mẹ phải có nhiều tiền lắm mới sống ở đấy được. Giống như một chuyến du lịch bằng du thuyền".