Người Anh và những người phương Tây khác sống ở đầu bên kia của đảo Hồng Kông. Còn ở khu Cửu Long này thì hầu như chỉ có nó nHoa, giàu có và khố rách áo ôm, nghèo khó và có thế lực, mọi người đều khác nhau nhưng chúng tôi có một điều chung. Chúng tôi mạnh mẽ, chúng tôi yếu đuối, sự tuyệt vọng của chúng tôi đủ lớn để khiến chúng tôi bỏ lại sau lưng quê cha đất tổ và những người thân.
Ở đây cũng có cả những người kiếm được tiền từ sự thất vọng của người khác. Tôi đã tìm nhiều nhà tiên tri mù – những manh mục bốc, họ là những người viết cho các hồn ma. "Tôi có một lời nhắn nhủ của một đứa bé", họ rao to. "Một thông điệp từ một người con trai", "một người chồng", "một vị tổ tiên đang nổi cơn giận dữ". Tôi ngồi xuống trước mặt một người và bà này phán "Dì Báu của cô đã được đầu thai. Hãy đi qua ba dãy nhà về phía đông, đi tiếp ba dãy nhà về phía tây, rồi ba dãy nhà về phía bắc. Một cô gái ăn mày sẽ kêu khóc van nài cô. "Cô ơi xin hãy rủ lòng thương ban cho con một chút hy vọng". Rồi cô sẽ biết đó là dì Báu. Cho cô bé một đồng và lời nguyền sẽ chấm dứt". Tôi làm đúng như bà mù nói. Và ở đúng cái dãy nhà ấy có một cô gái nói đúng như thế. Tôi sung sướng quá. Nhưng rồi có một cô gái khác cũng nói y chang như thế, rồi một cô bé nữa, 10, 20. 30 cô gái nhỏ, tất cả đều mất hết hy vọng. Tôi cho bọn chúng tiền lẻ, mỗi lần cho đi tôi lại buồn hơn. Ngày hôm sau tôi gặp một người đàn bà mù khác cũng có thể nói chuyện với ma. Bà cũng bảo tôi có thể tìm thấy dì Báu. Đi chỗ này, đi chỗ kia. Ngày hôm sau cũng thế. Tôi đã tiêu hết cả tiền để dành, nhưng chuyện đó không thành vấn đề. Chẳng bao lâu nữa, vào bất cứ ngày nào tôi cũng có thể sang Mỹ.
Sau khi tôi đã sống ở Hồng Kông một tháng tôi nhận được một lá thư của Cao Linh.
"Chị thân yêu thực sự của em, tha lỗi cho em vì đã không viết thư sớm hơn. Thầy Phan gửi địa chỉ của chị cho em nhưng em không nhận được ngay bởi vì em bị chuỷên hết từ nhà của một bà mộ đạo này sang nhà người khác. Em cũng rằng buồn báo cho chị biết là cô Grutoff đã về với Chúa một tuần sau khi chúng em đến đây. Ngay trước khi linh hồn cô bay lên thiên đường cô nói cô đã phạm một sai lầm khi quay về Mỹ. Cô muốn trở về Trung Hoa để xương cốt của cô sẽ được chôn cất ở ngay bên cạnh cô Towler. Em rất vui khi biết cô yêu nước Trung Hoa như thế và cũng buồn bởi vì đã quá trễ để làm điều đó. Em đi theo sau quan tài của cô nhưng ở đây không có nhiều người biết cô. Em là người duy nhất khóc cho cô và em tự nhủ, cô là một người đàn bà vĩ đại.
Những cái tin khác của em cũng không phải là tốt lành. Em được biết rằng em không thể bảo lãnh cho chị, chưa đến lúc. Sự thật là, em cũng gần như không có khả năng được chấp nhận ở lại. Tại sao chúng ta lại nghĩ mọi việc lại đơn giản đến thế thì em cũng không hiểu được nữa. Bây giờ em mới thấy chị em mình thật ngu ngốc. Chúng ta lý ra phải đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Nhưng bây giờ em đã dò hỏi được nhiều điều và em biết được vài con đường có thể đưa chị sang đây. Lâu mau còn tuỳ thuộc vào vận may. Cách thứ nhất là chị phải đăng ký như một người tị nạn. Tuy vậy chỉ tiêu cho người Trung Quốc rất thấp, mà con số lại nhiều không đếm xủê. Thành thật mà nói cơ hội của chị như một lỗ rò chống lại một trận lũ.
Một cách khác nữa là em phải trở thành công dân Mỹ trước đã rồi em mới có đủ tư cách bảo lãnh cho chị sang. Chị cũng phải có giấy tờ chứng nhận mẹ và cha là cha mẹ ruột của chị bởi vì em không thể bảo lãnh cho một người chị họ. Nếu chỉ là họ hàng chị sẽ bị xếp vào một tiêu chuẩn khác chỉ được ưu tiên trước những người tị nạn thông thường. Tuy vậy đối với em muốn trở thành công dân chính thức em phải học tiếng Anh trước đã, rồi sau phải tìm được một công việc tốt. Em hứa với chị là em sẽ học hành chăm chỉ bằng tất cả sức mình.
"Còn một cách thứ ba, em có thể lấy một người Mỹ như thế sẽ trở thành người Mỹ nhanh hơn. Tất nhiên, có một điều bất tiện là me đã cưới Trương Phú Nam nhưng em nghĩ chả có ai cần biết điều đó. Trong khi làm visa em đã không khai điều này. Với lại chị cũng biết là khi em được phỏng vấn, nhân viên visa hỏi em về giấy khai sinh, em đã nói "Ai có những giấy tờ như thế?" Ông ta bèn hỏi "Cũng bị cháy như những người khác à?" Em nghĩ rằng đó là một câu mà em nên trả lời, thế là em đồng ý với ông ta. Khi chị làm visa, chị cũng phải nói tương tự. Chị cũng phải khai bớt đi 5 tuổi, nghĩa là sinh vào năm 1921, em cũng đã làm như thế,sinh năm 1922 nhưng cùng tháng. Như vậy sẽ tăng cho chị một khoảng thời gian thuận lợi.
"Mẹ và cha đã viết thư bảo em gửi cho họ một ít tiền. Em viết thư trả lời là em không có tiền. Nếu trong tương lai em có tiền tất nhiên em sẽ gửi cho chị. Em cảm thấy có lỗi rằng chị đã khăng khăng nhường em đi trước và em đã chịu thua đề nghị của chị. Bây giờ thì chính chị là người bị kẹt lại không biết phải làm gì. Đừng hiểu lầm ý em. Cuộc sống ở đây chẳng thuận lợi gì. Và kiếm được đồng tiền cũng không dễ dàng như ta tưởng. Đừng tin vào tất cả những câu chuyện làm giàu sau một đêm. Còn chuyện nhảy nhót thì chỉ có trong phim ảnh. Hầu như em phải quét dọn cả ngày và em chỉ được trả 25 cent. Có vẻ như nhiều lắm nhưng đồ ăn cũng rất đắt. Vì thế rất khó mà để dành tiền. Tuy nhiên vì chị em sẵn sàng nhịn đói. Trong lá thư mới rồi của cha, ông nói ông suýt chết vì tức giận khi biết rằng Phú Nam đã để mất cửa hàng buôn bán mực ở Bắc Kinh. Ông nói hắn đã quay về Hằng Tâm, nằm ườn ra như một thằng giá áo túi cơm nhưng ông bố thì không chỉ trích gì hắn, tuyên bố rằng hắn là một vị anh hùng đã mất hai ngón tay trong cuộc chiến và còn may giữ gìn được mạng sống. Chị cũng biết em nghì gì khi đọc những dòng này. Điều kinh khủng nhất là gia đình ta tiếp tục phải cung cấp mưc thỏi và bánh mực mà không nhận được một xu lợi nhuận, chỉ là một món nợ bé hơn. Ai cũng phải làm việc lớn nhỏ, đan giỏ, sửa đồ, làm những công việc chân tay đến nỗi mẹ than phiền là chúng ta đã trở thành những người thấp kém như những kẻ làm thuê. Bà giục em phải làm giàu thật nhanh để em có thể kéo bà ra khỏi địa ngục.
"Em cảm thấy gánh nặng của tội lỗi và trách nhiệm".
Khi đọc xong thư, tôi có cảm giác bị một lưỡi rìu chặt gãy cổ tôi khi tôi đã chết. Tôi đã chờ đợi một cách vô nghĩa ở Hồng Kông. Tôi phải đợi một năm, hay mười năm hay cả đời ở cái thành phố đầy nghẹt những người tuyệt vọng với những câU chuyện còn thương tâm hơn của tôi? Tôi chẳng quen một ai ở đây, tôi quá cô đơn không có ai làm bạn và không còn nước Mỹ nữa. Tôi đã đánh mất cơ hội của mình rồi. Ngày hôm sau tôi thu dọn đồ đạc đi ra bến tàu để trở về Bắc Kinh. Tôi đặt tất cả số tiền còn lại của tôi lên quầy vé. "Tiền vé xe bây giờ cao hơn nhiều rồi cô", người bán vé nói. Sao lại có thể như thế được. "Tiền ngày càng mất giá", ông bảo tôi. "Mà vật giá lại leo thang". Tôi hỏi mua vé hạng bét. "Đó là hạng thấp nhất" ông nói và chỉ vào bức tường có treo bảng giá.
Bây giờ thì tôi mắc kẹt thật rồi. Tôi tự hỏi không biết tôi có nên viết thư cho thầy Phan và chị Dư không. Nhưng rồi tôi nghĩ, lại đi gây rắc rối cho người khác ư? Không, mày phải tự giải quyết vấn đề của mày thôi. Tôi có thể cầm cố những món đồ quý của mình. Nhưng khi soát lại tôi thấy chúng chỉ có giá trị với riêng tôi thôi, cuốn sổ tay của Khải Tĩnh, cái áo khóac của Cao Linh cho tôi khi tôi đến trại mồ côi, những tờ giấy dì Báu viết cho tôi và tấm ảnh của dì.
Và còn chiếc xương sấm truyền.
Tôi giở miếng vải mềm lấy miếng xương ra và nhìn vào các dòng chữ khắc trên một mặt. Những từ không thể hiểu được cần phải được ghi nhớ. Có một thời, một miếng xương với những lời sấm như thế này đắt gấp đôi một miếng xương rồng. Tôi mang kho báu của mìn hdn ba cửa tiệm. Tiệm thứ nhất thuộc về một thầy lang nắn xương. Ông lang này nói cách đây không lâu một miếng xương này được dùng như là một vị thuốc, nhưng thật đáng ngạc nhiên nó trị giá rất ít tiền. Rồi ông ta trả một cái giá làm cho tôi sửng sốt, chỉ tương đương với giá tiền cho một cái vé hạng hai đi Bắc Kinh. Cửa hiệu thứ hai bán đá quý và những đồ cổ quý hiếm. Ông chủ mang ra một cái kính lúp. Ông ta soi ngắm miếng xương rất kỹ càng, xoay tới xoay lui nhiều lần. Ông nói nó là thật nhưng không thuộc loại đá quý. Ông đề nghị một số tiền đủ để mua cho tôi một cái vé hạng nhất đi Bắc Kinh. Nơi dừng chân thứ ba là một cửa hàng đồ cổ dành cho khách du lịch. Giống như người chủ tiệm kim hoàn, ông này nghiên cứu miếng xương với một cái kính đặc biệt. Ông ta lại gọi một người đàn ông khác đến coi. Rồi ông hỏi tôi rất nhiều chuyện. "Cô tìm thấy cái này ở đâu? Cái gì? Làm sao một cô gái như cô lại tìm được một của quý như thế này? Ồ cô là cháu ngoại của một danh y? Cô ở Hồng Kông bao lâu rồi? À, chờ để đi Mỹ hả? Có ai khác đi Mỹ mà không có món này? Cô lấy của ông ta ư? Có nhiều kẻ cắp ở Hồng Kông này lắm đấy. Có phải cô không? Này cô có quay lại không, tôi báo cảnh sát bây giờ…"
Tôi rời cửa tiệm, giận dữ và nhục nhã. Nhưng tim tôi đập bùm bụp trong lồng ngực, bởi vì bây giờ tôi biết rằng tôi đang nắm một món đồ trị gía rất nhiều tiền. Nhưng làm sao tôi có thể bán lấy tiền. Nó thuộc về mẹ tôi, ông ngoại tôi. Nó là sợi đây nối tôi với họ. Làm sao tôi có thể trao vào tay một người lạ để có thể bỏ lại quê hương nơi có mồ mả của tổ tiên tôi? Càng nghĩ về những điều này tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khải Tĩnh đúng! Đó là phẩm cách của tôi.
Tôi có một kế hoạch. Tôi sẽ tìm một chỗ ở rẻ hơn nữa – phải thậm chí còn rẻ hơn một cái phòng nồng nặc mùi cá thối – và phải tìm việc. Tôi sẽ để dành tiền torng một vài tháng, và nếu vẫn chưa có visa, tôi sẽ quay về Bắc Kinh. Ở đấy ít nhất thì tôi cũng tìm được một việc làm ở một trường mồ côi, tôi có thể chờ đợi ở đấy tiện lợi hơn và trong một không khí thân thiện thoải mái. Nếu Cao Linh có thể làm cho tôi visa thì tốt, tôi lại trở lại Hồng Kông. Nếu không, cũng tốt, ở Bắc Kinh tôi cũng vẫn là một cô giáo. Ngày hôm ấy tôi chuyển đến ở một nơi rẻ tiền hơn để sống, một căn phòng mà tôi ở chung với hai người đàn bà, một người ốm, một người ngáy như sấm. Chúng tôi thay phiên nhau ngủ trên giường, cô gái hay ngáy ngủ buổi sáng, tôi vào buổi chiều, và người bệnh thì ngủ sau tôi. Những lúc không có giường ngủ chúng tôi không đi lang thang ngoài đường mà phải đi kiêm nơi phụ giúp việc nhà, vá giày, khâu khăn quàng, đan giỏ, thêu cổ áo, sơn tô chén,làm bất cứ việc gì để kiếm được một đồng đô la. Tôi sống một tháng trong cảnh ấy. Khi cô gái bị ốm ho đứt cả phổi ra mà không thể dừng lại được thì tôi chuyển đi chỗ khác. "Thật may là cô không bị lây bệnh lao như cô gái kia", một người bán dưa bảo tôi. "Bây giờ thì cả hai đều ho ra máu". Thê là tôi nghĩ: bệnh lao! Tôi đã giả vờ bị bệnh này để trốn khỏi tay quân Nhật. bây giờ tôi có thể thoát khỏi căn bệnh này không?
Sau đó tôi sống với một phụ nữ người Trung Hoa đã từng là một người rất giàu nhưng bây giờ thì gần như trắng tay. Chúng tôi ở chung trong một căn phòng nhỏ, nóng nực ở phía trên cái chỗ chúng tôi giặt đồ thuê, đun nước nóng, giặt giũ và mang ra phơi trên những cây sào. Nếu nước bắn lên người chị ta thì chị ta sẽ mắng nhiếc tôi dù rằng đó không phải là lỗi của tôi. Chồng chị đã từng là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Tưởng Giới Thạch. Một cô gái ở xưởng giặt đã bảo tôi là ông ta bị bỏ tù vì bắt tay với quân Nhật trong thời gian chiến tranh. "Nếu không thì tại sao chị ta tỏ ra tự cao tự đại", cô gái bình phẩm "khi có ai coi thường mình?" Người phụ nữ kiêu kỳ đó đặt ra một cái luật là tôi không được gây bất cứ một tiếng động nào vào ban đêm – không một tiếng ho, một tiếng sịt mũi hay là xì hơi. Tôi buộc phải đi rón rén coi như là chân tôi làm bằng mây. Chị ta thường hay kêu khóc rồi lại kêu nài với Đức Phật Bà Quan Âm rằng thật là một cực hình đối với chị ta khi phải sống chung với một con người như vậy,có ý ám chỉ tôi. Tôi tự nhủ, đợi coi, có thể ý kiến của mình về chị ta sẽ thay đổi như trong trường hợp với chị Dư. Nhưng mọi việc không diễn ra như vậy.
Sau cái người phụ nữ kinh khủng này tôi thật vui mừng được chuyển đến sống với một bà già bị điếc. Để có thêm tiền tôi phải thức suốt đêm phụ giúp bà luộc đậu phộng và bóc vỏ đậu. Sáng sớm chúng tôi bán đậu phụng cho những người ăn sáng món cháo trắng với đậu phụng. Trong cái oi ả của buổi chiều, chúng tôi ngủ vùi. Đó là một cuộc sống dễ chịu: đậu phụng và ngủ. Nhưng một hôm có một cặp vợ chồng tìm đến tuyên bố rằng họ là bà con của bà cụ điếc lác "Chúng con đã đến đây, hãy mời chúng con vào nhà". Bà cụ không biết họ là ai thế là họ kể ra một lô những mối quan hệ ngoắt ngoéo phức tạp và chắc chắn là bà cụ phải thừa nhận có thể họ có dây mơ rễ má với nhà bà. Trước khi bỏ đi tôi đếm số tiền trong ví, vừa đủ để mua một cái vé hạng bét.
Tôi lại đi ra bến tàu. Tôi lại biết được là giá trị của đồng tiền thì đi xuống, xuống mãi còn giá vé tàu xe thì lên cao cao mãi, đã gấp đôi ngày trước. Tôi giống như một con kiến bé nhỏ loay hoay leo lên tường trong khi mực nước dâng lên nhanh hơn.
Lần này tôi cần một kế hoạch tử tế hơn để thay đổi số phận của mình, tự tình của mình. Ở cả tiếng Anh và tiếng Hoa thì từ ấy nghe cũng na ná. Ở mỗi góc đường bạn đều có thể nghe người tứ xứ nói chuyện với nhau về điều đó "Hoàn cảnh của tôi như thế đấy". Và đây là cách tôi cải thiện tình hình của mình. Tôi nhận ra rằng Hồng Kông là mảnh đất nơi mọi người tin rằng anh ta có thể thay đổI hoàn cảnh, số phận của mình và không bị kẹt trong cái mớ bòng bong của định mệnh nữa. Có nhiều cách để thay đổi. Bạn cần phải khôn ngoan, bạn cần phải tham lam và bạn cần có những mối quan hệ.
Tất nhiên là tôi khá thông minh, và nếu tôi tham thì tôi đã bán đi miếng xương. Nhưng một lần nữa tôi quyết định tôi sẽ không làm thế. Trong con người tôi không có chỗ cho những yếu tố thấp hèn và tôi tôn trọng truyền thống gia đình.
Về các mối quan hệ,tôi chỉ còn có Cao Linh. Cô Grutoff thì đã mất. Cao Linh thì vô dụng. Cô ta không biết làm thế nào để trở nên năng động. Nếu tôi là kẻ đến Mỹ trước, tôi sẽ biết cách dùng đến sự manh mẽ, phẩm giá của mình để có được visa trong vòng vài tuần lễ là cùng. Tôi phải đối mặt với những vấn đề bây giờ, đơn giản là vì Cao Linh không biết phải làm gì. Vấn đề là Cao Linh cũng mạnh mẽ nhưng cô ấy không phải bao giờ cũng phát huy được sức mạnh của mình đúng cách. Cô bao giờ cũng là con cưng của mẹ, hư đi bởi sự chiều chuộng. Còn trong những năm ở trại mồ côi với tôi thì cô đã sống một cuộc sống rất dễ dàng. Tôi cũng như chị Dư đã giúp cô nhiều đến nỗi cô chẳng bao giờ phải động não. Nếu dòng sông chảy xuôi thì cô không bao giờ nghĩ đến lúc mình phải bơi ngược dòng. Cô biết giải quyết một số vấn đề cho bản thân nhưng chỉ với điều kiện có một ai đó giúp đỡ cô.
Vào sáng ngày hôm sau tôi đã đi đến một kế hoạch mới. Tôi trích một ít tiền trong cái vốn liếng còm cõi của mình mua một cái áo trắng và một cái quần cho một majie. Người Anh rất mê người giúp việc kiểu này – ngoan đạo, thanh lịch và sạch sẽ. Nhờ thế mà tôi tìm được việc làm ở nhà một quý bà người Anh và bà mẹ già cả của bà. Họ của họ là Flowers. Họ có một ngôi nhà ở Victoria Peak. Thực ra thì nhà có nhỏ hơn các ngôi nhà bên cạnh, giống một mái nhà tranh với một lối đi hẹp ngoằn ngoèo có những cây dương xỉ xanh tươi dẫn đến cửa trước. Hai phụ nữ người Anh sống ở tầng trên, còn tôi ở một phòng dưới tầng trệt.
Cô Patsy là con gái cũng đã 70 tuổi, sinh ra ở Hồng Kông. Mẹ cô ít nhất cũng 90 tuổi và tên của cụ là Ina. Chồng của cụ từng là một người buôn bán đường biển từ Ấn độ sang Trung Quốc rất thành công. Trong ký ức của Miss Patsy ông là Ngài Flowers mặc dù ông chính là cha ruột của cô. Nếu bạn hỏi tôi thì tôi xin trả lời là cái họ Flowers này phần nào đại diện cho cái loài hoa người ta làm ra thuốc phiện. Đó là công việc buôn bán lâu đời giữa Ấn Độ và Hồng Kông và là cách làm cho nhiều người Trung Hoa say mê cái thứ khói chết người của loài hoa này.
Bởi vì cô Patsy suốt đời sống ở Hồng Kông, cô có thể nói tiếng Quảng Đông y như dân địa phương. Đó là một phương ngữ đặc biệt. Khi mới đến sống ở nhà này, cô nói với tôi cái thứ tiếng ấy và tôi chịu không hiểu nổi trừ một vài từ giống tiếng Quan Thoại. Sau này cô pha vào đấy một vài từ tiếng Anh mà tôi nhận ra được từ ngày còn sống ở trại mồ côi. Nhưng cô Patsy nói tiếng Anh rất chuẩn và lúc đầu thật khó mà hiểu được cô muốn nói gì.
Giọng của cụ Ina cũng rất khó nghe. Âm thanh thoát ra khỏi cổ họng của cụ vừa nhẹ vừa lổn nhổn như cái loại cháo cụ ăn hàng ngày. Cụ già đến nỗi cụ lại trở thành con nít. Cụ đi cả ra quần, cả hai loại hôi thôi và ướt nhẹp. Tôi biết bởi vì tôi là người phải lau rửa cho cụ. Cô Patsy sẽ bảo tôi "Cụ Ina cần phải rửa tay". Thế là tôi nhấc bổng cụ lên khỏi ghế sô pha hay giường hay chiếc ghế trong phòng ăn. Thật may là cụ nhẹ như một đứa trẻ. Cụ cũng có tính khí của một đứa trẻ con. Cụ kêu ầm lên "Không, không, không" trong lúc tôi lôi cụ đi vào buồng tắm, tữNG PHÂN từng phân một thật chậm như hai con rùa bị đè nặng dưới cái mai. Cụ tiếp tục kêu la "Không, không, không" trong khi tôi rửa ráy cho cụ bởi vì cụ không thích nước dội vào người, đặc biệt là vào đầu. Ba, bốn lần một ngày tôi phải thay quần áo và kì cọ cho cụ. Cô Patsy không muốn mẹ cô mặc tã bởi vì đó là một điều sỉ nhục tệ hại. Thế là tôi phải giặt, giặt, giặt suốt ngày. Điều an ủi lớn nhất là cô Patsy là một quý bà tử tế rất lịch thiệp. Nếu cụ Ina cáu bẳn, cô Patsy chỉ việc nói ba từ với giọng hân hoan "Khách đã đến!" thế là cụ Ina lập tất cả dừng ngay cái việc đang làm. Cụ bèn ngồi xuống, cái lưng còng bây giờ vươn thẳng, hai tay khép lại đặt trên lòng. Đó là cách cụ được dạy dỗ từ hồi còn con gái. Trước mặt những người khách, cụ phải là một tiểu thư quý phái dẫu rằng điều này chỉ là giả vờ.
Trong ngôi nhà này còn có một con vẹt, một con chim lớn lông xám tên là Cuckoo. Cuckoo giống con chim báo giờ. Đầu tiên tôi nghĩ cô Patsy gọi nó là ku – ku giống như từ tiếng Hoa chỉ việc khóc lóc, một điều mà lâu lâu nó vẫn diễn, ku! Ku! Ku! Cứ như là nó bị thương gần chết. Ri thỉnh thoảng nó lại cười như một bà điên, dài và ông ổng. Nó có thể bắt chước mọi thứ tiếng – đàn ông, đàn bà, khỉ và con nít. Một lần tôi nghe tiếng ấm nước sôi, vội ba chân bốn cẳng chạy lại, còn cái ấm nước sôi hoá ra là con Cuckoo đang đứng trên cành cây của nó, vươn dài cái cổ ra thật thích chí vì đánh lừa được tôi. Lần khác tôi nghe một cô bé người Hoa khóc lóc "Ba ơi! Ba ơi! Đừng đánh con! Xin đừng đánh con!" rồi nó kêu gào, kêu gào rõ to cho đến lúc tôi tưởng da tôi cũng bị trút ra luôn.
Cô Patsy nói "Cuckoo rất hư khi Ngài Flowers tặng nó cho tôi vào lần sinh nhật thứ mười. Sáu mươi năm qua, nó chỉ học những gì nó muốn như hầu hết bọn đàn ông". Cô Patsy yêu con vẹt như yêu đứa con trai của mình trong khi cụ Ina gọi nó là con quỷ. Mỗi khi cụ nghe tiếng nó cười, cụ lập cập đi đến chỗ chiếc lồng của nó, dứ dứ ngón tay nói "Oh shh – duh, câm ngay cái mồm!" Thỉnh thoảng, cụ mới giơ một ngón tay lên nhưng chưa có âm nào thoát ra khỏi miệng cụ thì con vẹt đã nói "Oh, shh – duh" y hệt cụ Ina đã nói. Lúc ấy thì cụ bối rối. Ái chà, cụ đã thốt ra những tiếng đó rồi sao? Tôi có thể nhìn thấy những ý nghĩ này trên mặt cụ, đầu óc của cụ lúc xoay ra hướng này, lúc xoay ra hướng khác như thể hai phần trong trí cụ đánh nhau liên miên. Thỉnh thoảng cụ lê bước suốt chiều dài căn phòng, từng phân từng phân rồi qua lại ì ạch bò từng phân từng phân giơ ngón tay lên nói "Oh, shh – duh!" Thế là con vẹt lại bắt chước y chang. Cứ thế nó nvà vật cãi qua cãi lại "Câm cái miệng lại! Câm cái miệng lại!" Một hôm cụ Ina đến chỗ con vẹt, trước khi cụ có thể nói gì, con Cuckoo đã nói bằng cái giọng tươi vui như hát của cô Patsy "Khách đã đến!" Ngay lập tức cụ Ina đến ngồi xuống một chiếc ghế gần đấy, lấy trong ống tay áo ra một cái khăn đăng ten, đặt hai tay lên vạt áo, môi mím lại, chờ đợi, đôi mắt xanh của cụ đảo ra phía cửa. Nhờ con vẹt mà tôi học nói tiếng Anh. Tôi nghĩ nếu một con vẹt có thể nói tiếng Anh chuẩn thì tôi cũng có thể nói được chứ. Tôi buộc phải phát âm thật chính xác nếu không cụ Ina sẽ kgtheo những chỉ dẫn của tôi. Và cũng bởi vì cô Patsy chỉ nói với mẹ những từ đơn giản thông thường nên cũng dễ học thôi. Đứng dậy, ngồi xuống, cơm trưa đã don. Giờ uống trà, thời tiết kinh khủng hả?
Trong hai năm tiếp theo, tôi nghĩ hoàn cảnh của tôi sẽ không bao giờ thay đổi. Tháng nào tôi cũng ra bến tàu chỉ để biết rằng giá vé lại tăng nữa. Tháng nào tôi cũng nhận được một lá thư của Cao Linh. Cô kể cho tôi nghe cuộc sống mới của cô ở San Francisco, nó nhọc nhằn ra sao khi buộc phải trở thành một gánh nặng trên vai những người xa lạ. Nhà thờ đã tìm cho cô một căn phòng trong nhà một cụ già tên là Vũ, nói tiếng Quan Thoại. "Bà ấy rất giầu nhưng rất bần tiện", Cao Linh viết "bà ta để dành tất cả mọi thứ mà bà nghĩ là quá ngon ăn ngay thì uổng, boa quả, kẹo chocolat, hạt điều. Thế là bà cụ cho hết lên trên nóc tủ lạnh, và khi cuối cùng đồ ăn đã hư hỏng không ăn được thì bà tống các thứ đó vào miệng rồi nói "Tại sao ai cũng bảo món này ngon lành? Có gì được gọi là ngon nào?" Đó là cái cách Cao Linh nói về cuộc sống khó khăn của cô.
Dù vậy có một tháng tôi nhận được một lá thư của Cao Linh không bắt đầu bằng những lời ca thán. "Có tin tốt lành đây. Em đã gặp hai chàng trai độc thân và em nghĩ em có thể cưới một trong hai người. Họ đều là công dân Mỹ, sinh ra trên đất nước này. Theo hộ chiếu với năm sinh mới của em thì một người lớn hơn em một tuổi, một người lớn hơn em ba tuổi. Vì thế chị biết điều đó có nghĩa gì. Người lớn hơn đang học y còn người kia thì học nha khoa. Người lớn hơn rất nghiêm túc và thông minh. Người trẻ hơn thì đẹp trai và vui nhộn. Thật khó cho em khi quyết định phải tập trung sự chú ý vào ai. Chị nghĩ sao?"
Lúc tôi đọc lá thư này là lúc tôi vừa hoàn thành việc rửa đít cho cụ Ina hai lần trong vòng một giờ. Tôi muốn bơi qua đại dương lắc vai Cao Linh và hét to "Cưới ai có thể lấy mày nhanh nhất. Sao mày có thể hỏi tao cần chọn ai trong khi tao tự hỏi tao phải sống thế nào ngày này qua ngày khác đây?"
Tôi không trả lời thư Cao Linh ngay. Tôi phải ra chợ chim chiều hôm ấy. Cô Patsy bảo con Cuckoo cần một cái lồng mới. Thế là tôi đi xuống đồi, ra cảng, lên một cái phà đi về phía Cửu Long. Càng ngày càng có nhiều người từ đại lục đổ xô sang đây. "Nội chiến ngày càng trở nên khốc liệt hơn" chị Dư viết cho tôi "với những cuộc giao tranh cũng đẫm máu như trong cuộc chiến với Nhật. Dù có đủ tiền để trở về Bắc Kinh ngay thì em cũng không nên quay về. Quốc dân đảng sẽ bảo em là cộng sản vì Khải Tĩnh bây giờ được coi là một trong những vị anh hùng tử vì đạo của họ, còn quân Cộng sản thì bảo em là người của Quốc dân đảng vì em đã từng sống trong một trại mồ côi của người Mỹ. Và mỗi một thành phố em đi qua đều thay đổi theo chiều hướng ngày càng tệ hại đi". Khi đọc những dòng này tôi không còn lo lắng về chuyện trở về Bắc Kinh như thế nào nữa. Tôi chuyển sang lo cho chị Dư, thầy Phan và người vợ mới của thầy. Họ cũng có thể bị coi như kẻ thù của phía bên kia. Trong lúc tôi đi về phía chợ chim thì đó là những ý nghĩ duy nhất chi phối đầu óc tôi. Và khi ấy tôi cảm thấy một hơi thở lạnh buốt chạy dọc xuống gáy dù hôm ấy là một ngày nóng nực. Hình như có một con ma đứng ngay trước mặt mình, tôi nghĩ. Tôi tiếp tục đi, quẹo qua góc này góc kia và cái cảm giác có ai đi theo tôi ngày càng mạnh hơn. Bất thình lình tôi dừng lại quay đầu nhìn, và một người đàn ông nói với tôi "Ra là cô đây".
Phú Nam, chồng của Cao Linh đứng đấy – bây giờ thì hắn không chỉ mất hai ngón tay mà còn mất cả bàn tay trái. Da hắn rất xấu, đôi mắt đỏ nọc và vàng ệch. "Vợ tôi đâu rồi?"
Câu hỏi quay cuồng trong đầu tôi. Có gì nguy hiểm trong khi trả lời hắn theo kiểu này mà không theo kiểu khác không? "Đi rồi" cuối cùng tôi bảo hắn và tôi lấy làm sung sướng khi có thể nói với hắn điều này. "Đi Mỹ rồi".
"Mỹ?" hắn có vẻ ngạc nhiên một lúc, rồi mỉm cười "Tôi biết, tôi chỉ muốn kiểm tra xem cô có nói thật không."
"Tôi không việc gì phải giấu giếm".
"Vậy thì cô sẽ không giấu sự thật là cô cũng đang cố vù sang Mỹ chứ?"
"Ai nói với anh thế?"
"Cả nhà họ Lưu. Họ đều thở như bọn chó dái vì cái cơ hội được đi theo con gái. Tại sao cô lại đi trước, họ nói, trong khi cô không phải là chị ruột? Chỉ có anh em ruột thịt mới được bảo lãnh chứ không phải mấy đứa con hoang". Hắn ngoác ra một nụ cười xin lỗi giả tạo rồi nói thêm, "chồng con, tất nhiên là ưu tiên số một".
tôi quay lưng bỏ đi còn hắn thì chộp lấy tay tôi "Cô phải giúp tôi, phải giúp tôi. Đưa cho tôi địa chỉ của cô ta, đó là tất cả những điều mà tôi cần. Nếu cô ta không muốn tôi sang Mỹ thì mới đến lượt cô. Tôi sẽ không cho gia đình nhà vợ biết đâu". "Tôi biết rõ là cô ấy không muốn anh đến. Cô ấy sang Mỹ là để thoát khỏi anh".
"Đưa cho tôi địa chỉ của cô ta, nếu không tôi sẽ đi đến nhà chức trách và bảo ho.rằng các cô không phải là chị em ruột. Thế thì cô sẽ chẳng còn cơ hội sang Mỹ nữa, cũng như tôi thôi." "Tôi nhìn chằm chằm cái thằng đàn ông đáng ghê tởm này. Hắn ta nói cái gì vậy? Hắn đang làm gì vậy? Tôi vội vã bỏ chạy, len lỏi qua đám người đông đúc trong chợ cho đến khi tôi chắc chắn là tôi đã cắt được hắn. Ở chợ chim, tôi vừa đi vừa liếc ngang liếc dọc. Tôi không muốn mất nhiều thời gian trả giá, vừa mua được một cái chuồng chim tôi vội vã trở về bên kia Hồng Kông, nắm thật chặt cái chứng cớ chứng tỏ nơi tôi đang sống. Phú Nam sẽ làm gì? Hắn có đến tố cáo tôi với nhà chức trách không? Hắn có phải là kẻ khôn ngoan không? hắn sẽ nói với những người chịu trách nhiệm về vụ này ư?
Đêm ấy tôi viết cho Cao Linh một lá thư, nói với cô lời đe doạ của Phú Nam. "Chỉ có em biết hắn là người xảo quyệt thế nào. Hắn có thể tố cáo với nhân viên công vụ là em đã lấy chồng, rồi thì sẽ có rắc rối to, đặc biệt nếu em cưới một người Mỹ".
Hôm sau tôi ra bưu điện gửi thư. Ngay khi bước chân ra phố tôi đã cảm thấy ớn lạnh một lần nữa. Tôi nhét lá thư vào trong áo. Ở một góc đường hắn đang đứng đợi tôi.
"Cho tôi một ít tiền" hắn nói "cô có thể làm thế cho một người em rể phải không? hoặc là cô không phải là chị em gì với vợ tôi".
Trong vòng vài tuần lễ kế tiếp hắn tiếp tục cái màn ấy, mỗi khi tôi đi ra phố. Tôi không thể báo cảnh sát. Tôi có thể nói gì được? Người này thực ra không phải là em rể tôi, bám theo tôi xin tiền và địa chỉ của em tôi, người thực ra không phải là em ruột ư?" Rồi một hôm tôi ra khỏi nhà đi chợ và không thấy hắn đâu. Suốt cái lần ấy tôi đã ngờ là sẽ gặp hắn và chuẩn bị phải khốn khổ vì hắn. Chẳng có gì. Trở về nhà tôi bối rối nhưng cảm thấy nhẹ nhõm lạ lùng. Có thể hắn đã chết, tôi cho phép mình hy vọng như vậy. Tuần lễ kế tiếp không thấy bóng dáng hắn đâu. Tôi không cảm thấy những cơn ớn lạnh đột ngột nữa. Có thể là vận may của tôi đã thay đổi chăng? Khi mở lá thư kế tiếp của Cao Linh tôi được thuyết phục rằng điều đó là thật. "Em rất bực mình khi biết rằng Phú Nam đã quấy rầy chị. Con vật dơ dáy này sẽ cản đường bất cứ cái gì để mua vui cho hắn. Có một cách để trừ khử hắn là cứ vài ngày chị lại cho tiền để hắn mua thuốc phiện. Chẳng bao lâu hắn sẽ không còn là vấn đề lo lắng của chị nữa. Bây giờ thì em có tin vui cho chị đây. Em đã tìm ra được một cách để chị có thể mau chóng sang đây. Chị còn nhớ về hai anh em mà em đã kể cho chị chứ? Một người học nha, một người học y. Đó là hai anh em nhà họ Young và người cha nói ông có thể bảo lãnh cho chị với tư cách chị là một nghệ sĩ nổi tiếng sang du lịch với những ưu ái đặc biệt. Gia đình này rất tốt bụng khi làm thế vì rằng em còn chưa có quan hệ mật thiết gì với họ. Tất nhiên em không thể yêu cầu họ trả tiền vé cho chị. Nhưng họ đã hoàn tất thủ tục giấy tờ cần thiết để mời chị sang chơi. Bước tiếp theo là em phải kiếm được nhiều tiền hơn để chúng ta có thể mua vé tàu. Trong khi đó thì chị cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể ra đi bất cứ lúc nào. Xem lịch tàu chạy, có giấy chứng nhận sức khoẻ của bác sĩ về việc không bị nhiễm bệnh chấy rận.."
Tôi đọc một danh sách dài những việc cô nêu ra và ngạc nhiên sao cô lại khôn ngoan đến thế. Cô biết thật rành rẽ mọi chuyện và tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ được dìu dắt bởi một người mẹ quan tâm lo lắng cho mình. Tôi thật hạnh phúc. Tôi để nước mắt rơi thánh thót xuống má trong khi tôi đi phà về nhà. Và bởi vì tôi đang ở trên phà tôi không nghĩ là mình hoảng sợ khi đón một làn gió lộng. Đối với tôi nó rất dễ chịu. Nhưng rồi tôi nhìn lên.
Đó là Phú Nam. Một con mắt của hắn đã bị mất.
Tôi suýt nhảy ra khỏi phà vì sợ hãi. Cứ như thể tôi nhìn thấy điều đó xảy ra cho chính mình "Cho tôi một ít tiền" hắn nói.
Đêm ấy tôi đặt tấm hình của dì Báu lên một cái bàn chân quỳ và thắp một nén nhang. Tôi cầu xin mẹ tôi và ông ngoại tha thứ cho tôi. Tôi nói rằng món quà mẹ để lại cho tôi lúc này có thể mua cho tôi tự do và tôi hy vọng mẹ không giận tôi vì chuyện này.
Hôm sau tôi bán miếng xương quý cho cửa tiệm thứ hai mà tôi đã đến nhiều năm trước. Cùng với số tiền đi giúp việc dành dụm được tôi đủ tiền mua một cái vé tàu sang Mỹ hạng chót. Tôi có được lịch tàu chạy rồi gửi cho Cao Linh một bức điện. Cứ vài ngày tôi lại cho Phú Nam một ít tiền đủ để cho hắn phiêu bồng trong giấc mơ nâu. Cuối cùng thì visa cũng tới tay tôi. Tôi là một nghệ sĩ nổi tiếng được sang Mỹ trong diện khách mời.
Tôi lên tàu sang Mỹ, mảnh đất không có những lời nguyền và không có những hồn ma. Vào cái lúc tôi đặt chân lên đất Mỹ, tôi trẻ hơn năm tuổi. Tuy vậy tôi cảm thấy mình thật sự già nua.