Tôi lớn lên trong đại gia đình họ Lưu ở dãy đồi phía tây thành phố Bắc Kinh. Theo tài liệu cổ nhất tên của làng chúng tôi ở là Hằng Tâm – Trái tim bất tử. Dì Báu đã dạy tôi viết tên làng lên cái bảng của tôi. Coi này, Cún con, dì ra lệnh và vẽ các nét cho chữ Tâm. Thấy cái nét uốn cong này chưa? Đây là đáy của trái tim, nơi máu dôn về và bắt đầu chảy đi các ngả. Và những dấu chấm này, đó là hai tĩnh mạch và một động mạch đưa máu đi vào và đi ra. Khi tôi lần theo chữ Tâm này, dì hỏi: Trái tim ngừng đập của người nào đã mang đến hình hài cho chữ này? Nó bắt đầu như thể nào hả Cún con? Nó có thuộc về một người đàn bà không? Nó được vẽ lên trong nỗi ưu phiền phải không?
Một lần tôi trông thấy trái tim của một con heo vừa bị mổ bụng. Nó đỏ thắm và ánh lên lấp lánh. Và tôi đã nhìn thấy rất nhiều tim gà trong một cái tô, chờ được nấu chín. Trông chúng giống như đôi môi bé tí và cũng sẽ đổi màu như cái màu trên các vết sẹo của dì Báu. Nhưng trái tim của một người đàn bà thì giống cái gì nhỉ? Tại sao chúng ta cần phải biết trái tim này của ai? Tôi hỏi và nắn nót viết chữ Tâm.
Thế là dì Báu vỗ hai tay vào nhau thật nhanh, con người ta cần phải suy nghĩ về khởi thuỷ của mọi vật trên đời. Một cái bắt đầu nhất định dẫn đến một kết thúc nào đó.
Tôi nhớ bà thường nói về điều đó, rằng mọi việc khởi đầu như thế nào. Kể từ đó tôi thường đặt câu hỏi về đầu và cuối của nhiều sự vật. Giống như là về cái làng Hằng Tâm này. Cùng những người sống ở đây trong đó có cả tôi. Vào lúc tôi ra đời, làng Hằng Tâm không còn được hưởng phúc nữa. Làng tôi nằm lọt thỏm giữa các ngọn núi trong một thung lũng, chấm dứt bằng một kẽm núi đá vôi sâu hút. Cái kẽm núi có cái nét uốn lượn dưới đáy của chữ tâm, còn động mạch và tĩnh mạch của quả tim là ba dòng suối từng nuôi dưỡng rồi hút cạn kiệt kẽm núi. Nhưng chúng đã cạn khô. Cả những dòng suối thiêng nhất. Chả còn gì trong các đường dẫn nước trừ những đường mương nứt nẻ và bốc mùi thum thủm.
Ấy vậy mà làng tôi từng là một nơi thiêng liêng đấy. Theo truyền thuyết, một vị hoàng đế trên đường du ngoạn ghé qua nơi này đã trồng một cây thông ở giữa thung lũng. Cây thông này là để tưởng nhớ người mẹ đã khuất núi của ngài. Lòng chí hiếu của ngài là vô biên nên vị hoàng đế đã thề rằng cây thông này sẽ bất tử. Khi dì Báu nhìn thấy cây thông lần đầu, nó cũng đã dư 3000 tuổi.
Người giàu cũng như Người nghèo làm những cuộc hành hương đến Hằng Tâm. Họ hy vọng rằng nhựa sống của cây thông này sẽ truyền sang cho họ. Họ vuốt ve cái gốc, sờ vào lá cây rồi cầu nguyện cho sinh được con trai và gặp nhiều may mắn, một phép màu khiến người chết sống lại và một kết thúc cho những lời nguyền. Trước khi ra về họ lột một miếng vỏ cây, bẻ vài cành lá, rồi mang về nhà như những báu vật. Dì Báu nói rằng quá nhiều kẻ ngưỡng mộ đã giết chết cây thiêng. Khi cây chết, những báu vật cũng mất hết sức mạnh. Và bởi vì cây đã chết nên không còn có sự bất tử nữa, chẳng còn tiếng tăm và cũng chẳng còn cái làng tôi nữa. Thậm chí cái cây đó cũng chẳng phải là lâu năm như lời đồn, sau đó người ta kháo nhua như thế, rằng nó chỉ khoảng 200 hay 300 tuổi là cùng. Thế còn câu chuyện về vị hoàng đế và tấm lòng hiếu đễ đối với mẹ thì sao? Chẳng qua là một truyền thuyết phong kiến lệch lạc làm cho chúng tôi tin rằng cái vòng đổ nát của chế độ phong kiến là có ý nghĩa. Những tin đồn này được tung ra cùng một năm triều Mãn Thanh sụp đổ và nền dân chủ trỗi dậy.
Tên lóng của làng tôi đối với tôi rất dễ nhớ: 46 km cách cầu Lữ Hào. Nhưng nhiều người lại gọi cái cầu này là cầu Marco Polo, là cái mà bây giờ người ta gọi điểm đi vào Bắc Kinh. Cao Linh chắc chắn đã quên cái tên cũ nhưng tôi thì không. Vào thời con gái của tôi người ta theo lời chỉ dẫn này để đến được Hằng Tâm: đầu tiên tìm cái cầu Lữ Hào, rồi đi lộn lại 46 cây số.
Chuyện đùa này gây nên ấn tượng là chúng tôi sống ở một cái làng nhỏ tang thương với một dúm hai mươi, ba mươi người. Không phải thế đâu. Khi tôi lớn lên có đến gần hai ngàn người sống ở đây. Làng tôi đông đúc, nhà mọc lên san sát từ đầu này đến đầu kia thung lũng. Chúng tôi có nghề đóng gạch, dệt vải và cả một cơ sở nhuộm. Làng tôi có một chợ phiên họp 24 ngày trong một tháng, sáu nơi để thờ cúng và một trường tiểu học nơi Cao Linh và tôi thường đến những khi chúng tôi không phải giúp việc nhà. Chúng tôi có đủ các kiểu người bán hàng rong, đi từ nhà này sang nhà khác bán tàu hũ tươi và bánh nhân ngọt nóng hổi, bánh quai vạc và kẹo đủ màu. Nhiều người dân trong làng sẵn sàng mở hầu bao cho những món như thế này. Với một vài xu, bạn có thể có tất cả những cái làm bạn vui lòng ngon miệng như một người giàu có thật sự.
Trong làng dòng họ của chúng tôi được trọng vọng nhưng không quá rõ ràng để gây nên những nỗi tị hiềm. Chúng tôi ăn thịt và tàu hũ hầu như hàng ngày. Đông về chúng tôi có áo bông mới để mặc ấm, không còn mặc áo vá nhé. Chúng tôi cũng có tiền để cúng vào chùa, xem ca kịch và đi chợ phiên. Nhưng cánh đàn ông trong nhà thì lại có tham vọng. Họ bao giờ cũng muốn có thêm nữa, nhiều hơn nữa. Họ nói ở Bắc Kinh người ta viết ra những tài liệu quan trọng. Những tài liệu quan trọng này đòi hỏi một loại mực tốt hơn. Bắc Kinh là mảnh đất có thể hái ra tiền. Vào những năm 20, cha tôi, các ông chú và con trai họ kéo nhau ra tỉnh để bán mực. Kể từ đấy, họ chủ yếu sống ở Bắc Kinh trong một căn phòng phía sau một cửa hiệu ở khu vực bán đồ gốm sứ.
Còn ở quê cánh đàn bà làm mực. Chúng tôi làm tại nhà. Tất cả đều góp tay làm việc – tôi, Cao Linh, các bà thím và con gái họ, tất cả không trừ ai. Thậm chí cả bọn con nít lẫn cụ cố cũng có việc làm, đó là nhặt sạn từ mớ kê mà chúng tôi nấu cháo buổi sáng. Chúng tôi tập trung lại ở khu vực làm mực. Theo cụ cố, nhà làm mực thoạt đầu là kho chứa thóc nằm dọc theo bức tường trước cửa sân nhà. Nhiều năm qua, các thế hệ đàn ông trong dòng họ đã xây thêm tường gạch, và lợp mái. Gác thêm xà và xây thêm vài cái cột để làm cho nhà thêm vững chắc. Sau đó lát vát sàn và đào mấy cái hầm chứa để đựng nguyên vật liệu. Rồi các thế hệ kế tiếp sau làm một cái hầm nữa thật sâu để giữ cho các thỏi mực tránh xa hơi nóng hoặc cái lạnh.
"Còn bây giờ thì xem đấy" cụ cố thường huênh hoang. "Xưởng của chúng ta là cả một lâu đài ấy chứ."
Bởi vì mực của chúng tôi chất lượng hảo hạng, chúng tôi phải giữ cho bàn ghế và sàn nhà sạch như lau, như li quanh năm. Với những ngọn gió màu vàng đầy cát bụi đến từ dãy núi Gobi, giữ được như thế không dễ dàng chút nào. Cửa sổ phải bịt bằng kính và giấy dầu. Vào mùa hè chúng tôi căng lưới ở các cửa ra vào để ngăn côn trùng vào nhà. Đông tới nó ngăn không cho tuyết thổi vào nhà.
Mùa hè là mùa khó khăn nhất trong việc làm mực. Hơi nóng trùm lên hơi nóng. Khói bốc ra nung nóng mắt mũi và các lá phổi của chúng tôi. Từ việc nhìn dì Báu quàng một cái khăn quanh khuôn mặt méo mó của dì, chúng tôi nghĩ ra cách quấn một cái khăn ướt quanh miệng. Tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi các nguyên liệu làm ra mực. Đây là một số vật liệu tạo ra mùi thơm: thông, quế, long não và rễ nằm sâu dưới đất của cây bất tử. Người ta đã chuyển về nhà vài súc gỗ lớn của nó sau khi sét đánh gẫy ngang cái thân cây chết, làm lộ ra cái lõi gần như trống rỗng vì một loại bọ cánh cứng đã ăn hết gỗ từ bên trong. Còn có một loại hồ gồm bột nếp trộn với nhiều loại dầu – đát serpentine, long não, nhựa thông, và gỗ tùng. Chúng tôi còn thêm vào đấy một loài hoa tiết ra chất độc có vị ngọt để chống lại côn trùng và chuột bọ. Mực của chúng tôi đặc biệt như thế đấy, tất cả đều có một mùi thơm rất bền, rất lâu. Chúng tôi làm mực mỗi lúc một ít. Nếu lửa tắt, như nó đã xảy ra vài trăm năm trước, tất cả những nguyên vật liệu và thành phẩm sẽ hỏng ngay lập tức. Và nếu hỗn hợp quá dẻo hoặc quá ướt, hoặc quá mềm hoặc chưa đủ độ cứng thì sẽ dễ dàng tìm ra ai là người có lỗi. Mỗi người trong chúng tôi phụ trách ít nhất một khâu trong một danh sách dài những việc phải làm. Đầu tiên đó là nhóm lửa và xay tán vật liệu, đo lường cẩn thận và đổ các thành phần vào với nhau. Sau đó là việc quấy và đổ khuôn, làm cho khô và đóng dấu. Tiếp đó là đóng gói, tính toán và nhập vào kho và cuối cùng là sắp xếp. Có mùa tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ là gói các thỏi mực. Đầu óc tôi có thể lanó man tận đâu đâu nhưng các ngón tay của tôi vẫn di chuyển như những cái máy nhỏ. Một mùa khác tôi phải dùng một cái vợt rất tốt để vốt những con bọ rơi xuống các nồi mực. Mỗi khi Cao Linh làm việc này nó để lại quá nhiều vết lõm. Công việc của dì Báu là ngồi bên một cái bàn dài, miết hỗn hợp mực vào những cái khuôn bằng đá. Kết quả là móng tay của dì bao giờ cũng đen thui. Khi mực khô dì sẽ dùng một dụng cụ thật sắc để khắc những chữ chúc phúc và ấn lên trên các thỏi mực. Chữ của dì còn đẹp hơn cả chữ của cha tôi.
Đó là một công việc buồn chán, nhưng chúng tôi tự hào về những bí quyết gia truyền, làm ra thứ mực tốt nhất thiên hạ. Mục tiêu của chúng tôi là mực phải có đúng cái màu đen bóng và đủ cứng. Nó không bị khô đi và vỡ vụn, hoặc mềm đi vì hơi ẩm. Và nếu những thỏi mực này được chôn ở chỗ lạnh, dưới đáy một cái hầm sâu thì nó có thể sống từ thời kỳ lịch sử này sang một thời kỳ khác. Khách hàng của chúng tôi cũng nói như vậy. Dù trời nóng hay ẩm hay bụi bẩn từ các ngón tay múa trên trang giấy thì chữ viết của họ cũng có đời sống của nó, đen bóng và mạnh mẽ.
Mẹ tôi tuyên bố rằng mực nhà chúng tôi là lý do tại sao mái tóc của chúng tôi còn mãi một màu đen nhánh. Làm mực tốt cho tóc hơn là ăn súp mè đen. "Cả ngày vất vả làm mực, đêm về trẻ hơn trong lúc ngủ". Đó chỉ là một câu đùa và cụ cố thường khoe khoang. "Tóc tôi đen như vỏ cây dẻ ngựa bị cháy còn mặt tôi thì có những nếp nhăn trắng như thịt ở bên trong". Cụ cố ăn nói rất khôn ngoan. Một lần cụ nói thêm "Còn tốt hơn là có một mái tóc bạc và cái mặt đen", thế là mọi người đều cười, kể cả dì Báu đang ngồi dưới hầm.
Tuy vậy vài năm sau miệng lưỡi của cụ cố không còn sắc sảo và nhanh nhẹn nữa. Cụ thường hỏi với một vẻ lo lắng "Có nhìn thấy Huy Sen không?" Bạn có thể nói có hoặc không, rồi chỉ một lúc sau cụ chép miệng như một con chim "Huy Sen? Huy Sen?" bao giờ cụ cũng thương tiếc đứa cháu trai chết yểu, thật buồn khi nghe điều đó.
Vào cuối đời, suy nghĩ của cụ cố giống như những bức tường chỉ có đá chứ không còn vôi vữa. Một đại phu nói rằng khí trong người cụ đã trở nên hàn, mạch chậm và luồng chân khí đã bị phong bế. Ông khuyên nên cho bà ăn thức ăn nhiệt. Nhưng cụ cố chỉ càng ngày càng yếu đi. Dì Báu ngờ rằng một con ruồi dấm chắc là đã bò vào tai cụ và ăn hết não của cụ. Ngứa rối là tên của căn bệnh này, dì Báu nói thế. Đó là lý do tại sao người ta thường gãi đầu gãi tai khi họ không thể nhớ ra chuyện gì. Cha của dì là một bậc danh y và dì đã gặp nhiều người bị bệnh này. Ngày hôm qua tôi không thể nhớ được tên của dì Báu, tôi tự hỏi không biết có phải có một con ruồi đã bay vào tai tôi không? Nhưng bây giờ khi tôi viết những dòng này tôi biết tôi không mắc chứng bệnh như cụ cố. Tôi có thể nhớ được những chi tiết vụn vặt nhất của những việc xảy ra đã lâu và xa vời vợi.
Khu nhà nơi chúng tôi sống và làm việc lại hiện lên trước mắt tôi rõ ràng như thể lúc này tôi đang đứng ngoài cổng. Đây là con đường Đầu Heo được bắt đầu từ phía đông, gần chợ nơi người ta treo bán những cái thủ lợn. Từ quảng trường ngoài chợ, nó đi lên phía Bắc chạy qua một vị trí đặc biệt từng được trồng cây thông bất tử nổi tiếng. Rồi nó thắt dần lại khi đi qua một cái lũng nhỏ uốn lượn quanh co nơi nhà nọ nối tiếp nhà kia. Cuối con đường Đầu Heo là một mũi đất chênh vênh ngay bên trên khu vực sâu nhất của kẽm núi. Dì Báu tôi bảo rằng mũi đất này thoạt tiên được một vị lãnh chúa tạo ra hàng ngàn năm về trước. Ông mơ mộng rằng bên trong quả núi có cả đống ngọc quý. Thế là ông ra lệnh cho mọi người đào lấy đào để không được ngơi tay. Đàn ông, đàn bà, trẻ con thảy đều phải làm phu cho giấc mơ của vị lãnh chúa. Vào lúc mà ông này chết, thì những đứa bé cũng đã già với cái lưng gù gập xuống và một nửa ngọn núi vẫn còn nguyên không suy suyển.
Ở ngay phía sau trang viên nhà chúng tôi, nửa ngọn núi ấy trở thành một bức tường thành. Ở phía dưới nếu bạn rơi lộn đầu xuống trước thì tức là bạn rơi xuống đáy của kẽm núi. Dòng họ Lưu từng sở hữu 20 mẫu đất phía sau trang viên. Nhưng hàng trăm năm trôi qua với mỗi một mùa mưa lũ những bức tường của kẽm núi lại sạt lở, rộng ra, gây nên những tiếng lở đất ầm ầm và tụt sâu xuống mãi. Mỗi một thập kỷ trôi qua, hai mươi mẫu đất này lại thu nhỏ lại nhỏ lại và bây giờ vách đá tiến sát đến ngay sau lưng trang viên của chúng tôi.
Sự di chuyển của bức tường thành làm cho chúng tôi có cảm giác là chúng tôi phải ngoái về phía sau để biết cái gì chờ đợi ở phía trước. Chúng tôi gọi vách đá là nơi tận cùng của thế giới. Lâu lâu những người đàn ông trong gia tộc tranh luận với nhau là có nên giữ lại cái mảnh đất đang từ từ lao xuống vực không. Một ông chú nói "Cái anh sở hữu là một miếng nước bọt chui ra từ miệng anh rơi xuống cái hõm của mảnh đất hoang". Còn vợ ông thì góp ý "Anh đừng nói thế. Xúi quẩy lắm!" bởi những gì nằm phía trước mặt và phía dưới chân bạn sẽ chỉ rước hoạ nếu nói thành lời về những chuyện như là những đứa bé không có cha, những cô thiếu nữ tự tử, và hồn ma những kẻ ăn mày. Ai cũng biết điều đó.
Tôi và mấy anh em trong nhà đã leo ra vách đá mấy lần khi chúng tôi còn bé. Chúng tôi thích ném dưa hư và bắp cải thối xuống vực. Chúng tôi nhìn những vật này rơi xuống, nghe tiếng vang của chúng vọng lên khi va vào sọ và xương người. Ít nhất thì chúng tôi cũng nghĩ là chúng chạm vào những thứ đó. Nhưng một lần chúng tôi liều trượt xuống, vừa trượt vừa tóm lấy những cái rễ cây chìa ra, lao dần xuống vực. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng sột sọat trong bụi rậm, chúng tôi gào thét to đến nỗi hai tái đau nhức. Con ma hoá ra lại là một con chó đi tìm xác thú vật để ăn. Xương và đầu lâu người thực ra chỉ là những tảng đá mòn và những cành cây gẫy. Mặc dù chúng tôi không nhìn thấy xác người nhưng ngổn ngang khắp nơi là những mảnh áo quần đủ màu, một cái tay áo, một cái cổ áo hay là một chiếc giày mà chúng tôi đoan chắc thuộc về người chết. Sau đó chúng tôi ngửi thấy nó, mùi của những con ma. Người ta chỉ cần ngửi một lần là biết. Nó bốc lên từ mặt đất. Nó thoảng về phía chúng tôi trên đôi cánh của hàng ngàn con ruồi. Ruồi đuổi theo chúng tôi leo lên vách đá quay về nhà, anh Hai đạp vào một hòn đá và nó rơi trúng vào đầu anh Ba. Chúng tôi không thể giấu mẹ vết thương này. Khi phát hiện ra, bà đánh cả lũ chúng tôi rồi cảnh cáo nếu chúng tôi đi xuống đáy vực lần nữa thì tốt nhất chúng tôi hãy đứng ở ngoài cổng trang viên, đừng nghĩ đến chuyện bước chân qua ngưỡng cửa một lần nữa.
Tường bao quanh trang viên nhà họ Lưu được làm bằng những tảng đá, lộ ra mỗi khi có những cơn lũ quét. Những tảng đá này được xếp chồng lên nhau rồi được trát bùn, vữa và hạt kê, rồi được quết lớp ngoài bằng vỏ chanh. Những bức tường bao này đổ mồ hôi vào mùa hè, ẩm mốc vào mùa đông. Trong nhiều gian phòng của trang viên có thể phát hiện mái chỗ này bị dột, tường chỗ kia bị rỗ. Nhưng tuy vậy khi nghĩ đến mái ấm xa xưa của mình lòng tôi vẫn cuộn lên một nỗi nhớ nhà da diết. Chỉ có ở đây tôi mới có những kí ức về những nơi bí mật, ấm áp hoặc lạnh lẽo, và khi bóng đêm buông xuống đó là những nơi mà tôi ẩn náu và giả vờ rằng tôi có thể trốn đến một chỗ khác.
Bên trong các bức tường, nhiều tiểu gia đình thuộc nhiều thứ bậc và thế hệ khác nhau cùng chung sống, từ chủ nhà cho đến người ở thuê, từ cụ cố cho đến đứa chắt bé nhất. Tôi đóan chúng tôi có khoảng 30 người hoặc hơn nữa, một nửa trong số họ thuộc họ Lưu. Lưu Chính Sen là người anh lớn nhất trong bốn người con trai. Ông là người mà tôi gọi là Cha. Các ông chú bà thím gọi ông là huynh trưởng. Anh chị em họ tôi gọi ông là bác Trưởng. Rồi theo thứ bậc tôi có chú Lớn, chú Nhỏ và vợ của họ là thím Lớn, thím Nhỏ. Khi còn bé tôi nghĩ sở dĩ cha mẹ tôi được gọi là Trưởng bởi vì họ cao hơn các chú thím tôi. Anh Hai, anh Ba của tôi có vóc người rất cao lớn, cả Cao Linh nữa, vì vậy trong một thời gian dài tôi không hiểu tại sao tôi lại thấp bé như vậy.
Chú Út tôi là người con trai thứ tư, là người được cả họ yêu quý. Tên chú là Lưu Huy Sen. Chú là cha ruột của tôi và lí ra chú đã cưới dì Báu, nếu như chú không qua đời vào đúng ngày cưới của họ.
Dì Báu sinh ra ở một vùng quê rộng lớn hơn quê tôi, ở dưới chân các rặng núi, một chỗ có tên gọi là vùng núi Chu Khẩu để tưởng nhớ Chu đế của triều đại nhà Thương, người mà bây giờ ai cũng nhớ đến như một vị bạo chúa.
Dòng họ nhà tôi lâu lâu cũng đến vùng này để dự lễ chùa hay xem ca kịch. Nếu chúng tôi đi theo đường cái thì quãng đường cũng chỉ vào khoảng 10 cây số. Nếu đi tắt qua nơi tận cùng của thế giới chỉ khoảng một nửa đường nhưng nguy hiểm hơn nhiều, nhất là vào mùa hè. Đó là những lúc có mưa giông ập xuống. Kẽm núi đang khô ran bỗng ngập nước và trước khi bạn kịp bấu vào vách đá leo lên, thốt lên lời khẩn cầu "Lạy đức Quan Thế Âm Bồ Tát" thì dòng nước đã ùa chạy như những tên cướp, chộp lấy bạn, còn gì nữa nếu không phải là việc bạn bị nó dúi xuống tận đáy. Một khi mưa tạnh nước rút rất nhanh và miệng các hang nuôt chửng đất cát, cây cối, người và xương, tất cả đi qua cuống họng của núi, vào dạ dày, ruột và cuối cùng là hố phân nơi mọi thứ đều mắc kẹt lại đấy. Táo bón, một lần dì Báu giải thích cho tôi nghe. Bây giờ thì con biết tại sao ở đây lại có quá nhiều xương cốt và những ngọn đồi: Đồi Xương gà, đồi Bò già, đồi Xương rồng. Tất nhiên không có xương loài rồng trên đồi. Xương rồng. Chỉ có xương của những loại thú thông thường khác như gấu, voi, hà mã. Dì Báu vẽ hình những con thú này lên chiếc bảng của tôi, bởi vì trước đó chúng tôi chưa nói về những con thú này. Dì có một miếng xương có lẽ từ một con rùa, dì bảo tôi. Dì lấy một miếng xương từ trong tay áo có nhiều nếp gấp của dì. Trông nó giống miếng củ cải khô với nhiều vết lấm tấm. Cha của dì đã đào cái này lên để làm thuốc. Bỗng ông nhận ra có dòng chữ viết trên đó. Dì lật miếng xương lên và tôi nhìn thấy những dòng chữ viết lên lên xuống xuống. Mãi đến gần đây những loại xương này cũng chẳng có mấy giá trị bởi vì sự tạp nham của chúng. Những người đào xương thường mài dũa chúng thật sạch trước khi đem đi bán cho các hiệu thuốc. Nhưng bây giờ nhiều bậc đại phu nói rằng đó là những miếng xương sấm truyền và họ bán giá mắc gấp đôi. Còn những dòng chữ này viết gì? Đây là những câu hỏi dành cho các vị thánh thần
"Nó nói gì ạ?"
Ai biết? Lời lẽ khác nhau lắm. Nhưng chắc chắn nó phải là một cái gì đáng ghi nhớ. Nếu không tại sao thánh thần lại nói ra, tại sao tiền nhân lại viết ra?
"Câu trả lời ở đâu ạ?"
Đây là những vết nứt. Thầy bói dí một móng tay nóng vào miếng xương và nó nứt ra như một cái cây bị sét đánh, rồi ông ta giải nghĩa các vết nứt rạn.
Dì lấy lại miếng xương linh thiêng. Một ngày nào đó khi con biết ghi nhớ mọi chuyện dì sẽ để cho con giữ. Bây giờ mà con có nó con sẽ quên không biết đã giấu nó ở chỗ nào. Sau này chúng ta có thể đi tìm xương rồng, và nếu con tìm thấy khúc xương có viết chữ trên đó con có thể giữ nó cho mình.
Ở vùng Chu Khẩu tất cả những người nghèo đều vác mai đi đào xương rồng. Cả đàn bà cũng lao vào cuộc tìm kiếm nhưng nếu tìm được thì bà ta phải nói là có một người đàn ông tìm thấy nó, nếu không cái miếng xương ấy sẽ kém giá trị đi. Sau đó, có một vài người đến làng thu mua xương rồng rồi mang lên Bắc Kinh bán cho các hiệu thuốc với giá cao hơn, các hiệu thuốc này lại bán cho người bệnh với giá cao hơn nữa. Loại xương này được biết đến rộng rãi v` có khả năng chữa bách bệnh, từ những bệnh nan y cho đến bệnh đần độn. Rất nhiều thầy lang bán loại xương này. Cả cha của dì Báu. Ông dùng xương này để nắn xương người.
Trong suốt 900 năm, dòng họ nhà dì Báu đã là những thầy lang chuyên nghề nắn xương. Đó là một truyền thống. Bệnh nhân của cha dì là đàn ông, trẻ cũng như già, những người bị sập trong những mỏ than hoặc mỏ đá vôi. Ông cũng chữa những bệnh khác khi cần thiết, nhưng biệt tài của ông là chữa bệnh về xuống. Ông không đi đến một trường học đặc biệt để trở thành thầy thuốc chuyên về xương. Ông học nghề từ việc quan sát cha ông, và cha ông lại học được từ ông nội ông. Đó là nghề gia truyền trong dòng họ. Họ cũng truyền lại cho các thế hệ đi sau những chỗ bí mật có thể tìm được loại xuống rồng tốt nhất, một nơi gọi là Hàm Kh. Tiền nhân từ thời nhà Tống đã tìm thấy một cái hang trong những kẽm núi sâu nhất của một lòng sông đã cạn. Mỗi một thế hệ lại đào sâu hơn, sâu hơn, và một cái ngách trong hang đã dẫn đến những cái hang khác sâu hơn. Vị trí của hang cũng là một bí mật của gia tộc truyền từ đời này sang đời khác, từ cha sang con trai, và đến đời dì Báu thì là cha truyền cho con gái và cho tôi.
Tôi vẫn nhớ đường dẫn tới cái hang của chúng tôi. Nó ở giữa Chu Khẩu và Hằng Tâm thôn, cách xa những cái hang khác ở vùng chân đồi nơi ai cũng đến đào tìm xương rồng. Dì Báu đã đưa tôi đến đây vài lần, bao giờ cũng vào mùa hè và mùa đông. Để đến đây chúng tôi đi tắt qua nơi tận cùng thế giới, đi giữa khe núi tránh xa các vách núi mà những người lớn nói rằng có những cái xấu xa không nên nhìn. Thỉnh thoảng chúng tôi đi ngang qua đám cỏ rối, đạp lên những mảnh bát đĩa vỡ, một bãi lầy đầy những cành cây khô. Trong đầu óc non nớt trẻ con của tôi nơi này đầy những mẩu thịt khô đét, những cái đầu lâu trẻ con và xương của các thiếu nữ đồng trinh. Có thể là thế thật. Vì rằng chốc chốc dì Báu lại lấy tay bịt mắt tôi lại.
Có ba dòng suối đã cạn kiệt, chúng tôi chọn dòng suối là động mạch đi vào tim. Rồi chúng tôi đứng trước một cái hang, chỉ là một vết nứt trong núi, cao bằng một cây chổi. Dì Báu dẹp sang một bên một bụi cây khô dùng để nguỵ trang. Hai dì cháu hít một hơi dài và bước vào hang. Thực ra khó có thể miêu tả chúng tôi vào bên trong như thế nào, cũng khó như phải miêu tả đường vào tai trong ra làm sao. Tôi đã phải vặn vẹo thân hình một cách không bình thường sang bên trái để len lỏi vào, để đặt một chân lên một mỏm đá chênh vênh, một việc mà tôi chỉ có thể làm được bằng cách ép đầu gối vào sát cằm. Sau đó tôi bật khóc và dì Báu gầm gừ trong cổ bởi vì tôi không thể nhìn thấy những ngón tay đen nhẻm của dì muốn nói điều gì. Tôi phải đi theo tiếng phì phì giận dữ và những cái vỗ tay, bò như một con chó vì tôi không muốn cụng đầu vào hang hoặc vấp ngã. Cuối cùng khi chúng tôi mò đến được khu vực lớn hơn trong hang, dì Báu thắp lên một ngọn nến và đặt nó lên một cọc dài được cắm ở đây để đặt chân, mà một trong những tổ tiên của dì đã để lại từ rất lâu rồi.
Trên nền hang là những dụng cụ để đào đất, những cái chêm bằng sắt với nhiều kích cỡ khác nhau, cùng với búa, cào đất cũng như những bao tải đựng đất đá. Thành hang có nhiều lớp giống như cái bánh bột gạo tám tầng được cắt đôi, với những mẩu vụn nhẹ hơn rắc lên trên, rồi đến một lớp bùn dầy hơn trông như lớp hồ bằng đậu xanh ở phía dưới, và những lớp dày hơn nữa ở đáy. Lớp cao nhất là dễ đào nhất. Lớp thấp nhất cứng như đá tảng. Nhưng đó là nơi những mẩu xương quý nhất có thể được tìm thấy. Và sau hàng thế kỷ đào bới từ đáy lên giờ đây nó chỉ còn là một lớp đất nhô ra đợi đổ sụp xuống. Phía trong hang trông như hàm răng của một con khỉ có thể cắn đứt bạn ra làm đôi, đó là lý do tại sao nó được gọi là Hàm Khỉ.
Trong lúc nghỉ ngơi, dì Báu nói chuyện với tôi bằng đôi tay nhem nhuốc mực tàu. Đứng cách xa khỏi hướng của răng khỉ. Lâu rồi, một trong những bậc tiền nhân của chúng ta bị hàm răng khỉ bập xuống, ông bị đất chôn vùi và núi đá nuốt chửng. Cha của ta đã tìm thấy sọ ông ở đâu đây. Chúng ta lắp thân vào với đầu. Thật là không may nếu chia rẽ đầu ra khỏi thân người.
Vài giờ sau chúng tôi quay lên thoát khỏi Hàm Khỉ với một bao tải đầy đất. Nếu may mắn trong đó có vài khúc xương rồng. Dì Báu giơ chúng lên trời, xá vài xá cảm tạ Trời Phật. Dì tin rằng những khúc xương này đã làm dòng họ của dì lẫy lừng tên tuổi.
Khi dì còn bé, một lần dì Báu nói trên đường về nhà, dì nhớ có rất nhiều người tuyệt vọng tìm đến gặp cha. Ông là hy vọng cuối cùng của họ. Nếu một người đàn ông không thể đi lại, ông ta không thể làm việc. Nếu ông ta không thể làm lụng được, gia đình sẽ không có cái mà ăn. Nếu sau đó ông ta chết thì dòng họ của ông ta sẽ tuyệt diệt cùng với những gì mà các bậc tổ tiên đã gầy dựng lên.
Với những bệnh nhân tuyệt vọng này cha của dì sẽ chữa chạy bằng ba cách: hiện đại, dùng mọi biện pháp có trong tay và phương phát gia truyền. Phương pháp hiện đại là dùng thuốc Tây của những nhà truyền giáo. Cách thứ hai là dùng đến bùa chú và thủ tục cúng kiến của các thầy cúng ranh ma. Còn phương pháp gia truyền là dùng đến xương loài rồng, cũng như là cá ngựa, rong biển, vỏ cứng của các loại côn trùng, hạt cây quý, vỏ cây, phân dơi, tất cả đều ở tình trạng tốt nhất. Cha của dì Báu được phú cho một khả năng đặc biệt đến nỗi người ở năm vùng núi chung đấy đều phải tìm đến đệ nhất danh y này ở vùng Chu Khẩu (tôi sẽ viết tên người nếu như tôi nhớ ra được).
Dù rất giỏi chữa bệnh và danh nổi như cồn, ông cũng không thể ngăn chặn tất cả mọi bi kịch cho chính ông. Năm dì Báu lên bốn, mẹ của dì và những người anh lớn chết vì bệnh tiêu chảy. Hu hết họ hàng của hai bên nội ngoại đều chết chỉ sau ba ngày tham dự lễ trứng đỏ và uống nước từ một cái giếng có xác một thiếu nữ tự trầm mình. Ông thầy lang lấy làm nhục nhã vì không thể cứu được những người thân của mình khỏi bàn tay thần chết. Ông đã tiêu tán tất cả cơ đồ và đời mình trong nợ nần trong việc mai táng người thân.
Bởi nỗi thống khổ của mình, dì Báu nói tiếp bằng đôi tay của mình, ông rất chiều dì, để cho dì lớn lên như một nam tử hán. Dì học đọc, học viết, đặt ra các câu hỏi, chơi trò đố chữ, làm những bài thơ thất ngôn bát cú, đi dạo một mình và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Những người bạn già thường cảnh tỉnh ông rằng thật là trêu ngươi thánh thần vì dì quá táo bạo và vui tươi trong khi phải yểu điệu thục nữ trước mặt người lạ. Tại sao ông lại không bắt dì bó chân, họ gặng hỏi. Cha dì đã quen với những đau thương trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất. Nhưng với dì, ông tỏ ra yếu đuối. Ông không thể chịu được những giọt nước mắt của dì.
Như thế, dì Báu được tự do theo chân cha trong những chuyến đi tìm thuốc và mua bán. Dì ngâm những cái nẹp để bó xương và gỡ những đám rêu. Dì đánh bóng cân tiểu ly cân thuốc và các thẻ bài để tính toán. Khi khách hàng chỉ bất cứ cái lọ nào trên kệ dì cũng có thể đọc tên, các thành phần của nó, thậm chí cả tên khoa học cho các bộ phận cơ thể của một loài động vật. Khi lớn hơn, dì học cách nặn máu từ các vết thương với một ngón tay vuông, dùng nước miếng của dì rửa sạch những vết đau, đặt một lớp dòi lên vết thương để chúng hút mủ, quấn những chỗ bị giập bằng những miếng giấy bản. Khoảng thời gian từ một đứa trẻ trở thành một thiếu nữ, dì đã nghe đủ kiểu khóc la và những lời nguyền rủa. Dì đã chạm vào không thể biết bao nhiêu thân thể con nó nsn cũng như đang hấp hối hoặc đã chết, vài gia đình đã coi dì như con dâu tương lai. Trong khi dì chưa hề có một tình cảm lãng mạn với ai thì dì đã nhận ra nỗi đau không thể chịu đựng nổi của cái chết. Khi hai tai mềm ra và dẹp vào đầu, một lần dì giảng giải cho tôi rõ, thì mọi chuyện đã quá trễ. Vài giây sau hơi thở cuối cùng thoát ra. Cơ thể lạnh dần. Dì đã dạy tôi nhiều điều như thế.
Trong những trường hợp nặng, dì giúp cha đặt người bị thương lên một cái cáng nhẹ đan bằng mây. Trong lúc cha dì nâng và hạ cái cáng có người bệnh bằng ròng rọc và dây thừng thì dí lái cho cái cáng hạ vào một cái bồn đầy nước muối. Ở đây những cái xương gẫy của người bị nạn chuyển động và khớp vào đúng vị trí. Sau đó dì Báu mang những sợi mây đã ngâm nước cho mềm đến cho cha. Ông quấn những sợi mây quanh cái nẹp sao cho các bắp thịt vẫn tiếp xúc với không khí mà vẫn ở tư thế bất động. Cuối cùng, thầy lang mở hũ đựng xương rồng, rồi dùng một cái đục hẹp bản đập ra một mảnh xương trắng bạc nhỏ bằng một lóng tay. Dì Báu nghiền nó ra thành bột với một cái chày bạc. Chất bột xương này được ngào thành một hỗn hợp dùng để xoa bóp hay là thuốc nước dùng để uống. Sau đó thì người bệnh may mắn kia trở về nhà. Chẳng bao lâu sau, ông ta lại có thể đi làm việc ở hầm mỏ suốt ngày.
Một hôm vào giờ ăn tối, dì Báu dùng tay kể chuyện mà tôi vẫn còn nhớ. Một tiểu thư giầu có đến tìm cha dì nhờ ông tháo bỏ vải bó chân và sửa lại cho chúng trở thành những bàn chân tân thời hơn. Tiểu thư nói cô muốn mang giầy cao gót. "Nhưng đừng làm cho chân tôi to tướng ra", cô đề nghị "đừng để chân tôi giống như chân một đứa đầy tớ hay là chân người ngoại quốc. Hãy làm cho chúng nhỏ nhắn một cách tự nhiên như chân cô ấy". Và tiểu thư chỉ vào chân dì.
Tôi quên mất rằng mẹ tôi và các bà thím khác đang ngồi bên bàn ăn nên buột miệng nói "Có phải bó chân cô ấy để cho chúng giống như những cánh hoa ly ly trắng như sách vẫn tả không ạ?" mẹ tôi và các bà thím vẫn còn bó chân, cau mày nhìn tôi. Tại sao tôi có thể công khai nói về một bộ phận thân thể riêng tư của người phụ nữ như vậy được? Thế là dì Báu giả vờ rầy la tôi bằng dôi tay của dì và dì đã hỏi một câu thất thố, nhưng thực ra dì nói như thế này: Thực ra trông chúng nhăn nhúm vặn vẹo như cái bánh mì. Lại còn dơ dáy và thắt ngẫng lại với những miếng chai nữa chứ, vì thế mà những đôi chân ấy trông giống củ gừng thối, có mùi của một con heo chết đã ba ngày.
Bằng cách ấy dì Báu dạy cho tôi trở nên bướng bỉnh và hay phản kháng, cũng như dì. Dì dạy tôi thành một cô gái ham hiểu biết, cũng như dì. Dì rất nuông chiều tôi. Và bởi vì tôi làtc những điều trên, dì không thể dạy dỗ tôi trở thành một đứa con gái nết na hơn, mặc dù về sau này dì đã cố sửa lỗi lầm của mình.
Tôi nhớ dì đã cố gắng như thế nào. Đó là tuần lễ cuối cùng chúng tôi còn ở bên nhau. Dì không nói gì với tôi những ngày này mà chỉ viết, viết và viết. Cuối cùng dì đưa cho tôi một xấp giấy, cột lại bằng một sợi dây. Đây là câu chuyện đã xảy ra với dì, và cũng là câu chuyện của con đấy. Tất nhiên, tôi không đọc hết những trang giấy này. Nhưng khi tôi thực sự đọc thì đó cũng chính là điều mà tôi học được ở đời.
Một ngày cuối thu, khi dì Báu 19 tuổi ta, thầy lang cha của dì có hai người bệnh mới. Người thứ nhất là một đứa trẻ luôn miệng la chói lói, con một gia đình sống ở Hằng Tâm. Người thứ hai là chú Út. Cả hai đều gây cho dì một nỗi đau suốt đời không nguôi nhưng theo hai cách khác nhau.
Đứa bé mít ướt là con trai út của một người đàn ông có bộ ngực nở nang tên là Trương, một người đóng quan tài phất lên giàu có vào những lúc có bệnh dịch. Phía bên ngoài những cỗ áo quan mà ông ta đóng là gỗ có chứa long não, nhưng bên trong là gỗ thông rẻ tiền, được sơn phết và quang dầu sao cho bóng lộn và toả mùi thơm còn hơn cả gỗ vàng tâm nữa.
Một trong những miếng gỗ "vàng tâm" này rơi khỏi khung trúng vào vai thằng nhỏ làm trật khớp vai. Đó là lý do tại sao đứa bé kêu gào như thế, bà vợ tường thuật lại với bộ mặt hãi hùng. Dì Báu nhận ra người đàn bà này. Hai năm trước bà ta đã từng ngồi chờ ở tiệm thuốc, mắt đau và hàm bà ta bị vỡ vì một hòn đá chắc là rơi từ trên trời cao xuống. Bây giờ bà trở lại với người chồng, cái ông đang đánh vào chân thằng nhỏ bảo nó câm cái mồm lại. Dì Báu mắng Trương "Đầu tiên là ở vai, bây giờ ông lại muốn làm gãy chân thằng bé nữa hả?" Trương cau có nhìn dì Báu, còn dì thì bế thằng bé lên. Dì bôi một ít thuốc vào bên trong má thằng bé. Chẳng bao lâu nó nín khe, ngáp một cái và ngủ thiếp đi. Sau đó thì thầy lang nẹp cái xương vai vào đúng vị trí.
"Thuốc ấy là thuốc gì vậy?" người chủ trại hòm hỏi dì Báu. Dì không thèm trả lời.
"Một thứ thuốc gia truyền" thầy lang đáp. "Một ít thuốc phiện, một ít hương liệu, một loại xương rồng đặc biệt ở một nơi chỉ có gia đình tôi biết". "Xương rồng loại đặc biệt hả?" Trương nhúng ngón tay vào tô thuốc rồi cho một ít vào má trong. Ông ta mời dì Báu một chút nhưng dì khịt mũi khinh bỉ, ông ta cười, nhìn dì Báu thách thức như thể ông ta là ông chủ và có thể làm bất cứ điều gì mà ông ta muốn.
Sau khi vợ chồng nhà Trương và đứa bé đi khỏi, chú Út tập tễnh bước vào.
Chú bị thương vì con ngựa bỗng trở chứng của chú, ấy là chú giải thích như vậy với thầy thuốc. Chú cưỡi ngựa từ Bắc Kinh đến Hằng Tâm, trong lúc ngồi nghỉ, con ngựa giật mình trông thấy một con thỏ, rồi con thỏ giật mình vì con ngựa và con ngựa lập tức giẫm lên chân chú Út. Ba ngón chân của chú bị bong ra, và chú Út cưỡi con ngựa giở chứng đến Chu Khẩu, thẳng đến nhà ông thầy lang nổi tiếng.
Chú Út ngồi trên cái ghế đệm dùng cho người bệnh. Dì Báu ở buồng trong có thể nhìn thấy chú qua bức mành sáo. Chú là một chàng trai mảnh khảnh 22 tuổi. Khuôn mặt thanh tú, quý phái nhưng không có vẻ kênh kiệu hay trịch thượng. Quần áo của chú không phải là quần áo của người giàu có nhưng rất chỉnh tề. Dì nghe chú pha trò về tai nạn của chú. "Con ngựa cái của tôi phát rồ lên vì sợ. Tôi đồ rằng nó sẽ phi nước đại đến thẳng thế giới bên kia với cái xác tôi kéo theo sau". Khi dì Báu bước vào phòng, dì nói "Nhưng số phận lại mang anh đến đây". Chú Út im bặt. Khi dì cười chú quên mất cái chân đau. Khi dì dán thuốc cao xương rồng lên bàn chân trần của chú, chú quyết định sẽ cưới dì làm vợ. Đó là câu chuyện của dì về việc họ phải lòng nhau như thế nào. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một tấm hình nào của người cha đẻ ra tôi, chỉ nghe dì Báu bảo tôi rằng ông rất điển trai và sáng láng, tuy vậy cha cũng đủ bẽn lẽn để làm cho một cô gái cảm thấy ông rất dịu dàng. Ông có vẻ của một thư sinh nhà nghèo, người có thể vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh của mình và chắc chắn là ông có thể thi đậu làm quan nếu như họ không bãi bỏ việc thi cử vào năm trước khi nền cộng hoà mới ra đời.
Sáng hôm sau chú Út quay lại với ba cành vải xum xuê tặng dì Báu như một món quà tỏ lòng biết ơn. Chàng lột vỏ một trái vải và nàng ngồi ăn múi vải tươi màu trắng ngay trước mặt chàng. Hôm đó là một buổi sáng cuối thu ấm áp, cả hai cùng ghi nhớ. Chàng hỏi nó liệu chàng có thể đọc một bài thơ mà chàng vừa làm xong hồi sáng không. "Em nói", chú cất cao giọng ngâm nga, "tiếng nói của những vì sao sa, đáng ngưỡng mộ hơn ánh bình minh, rực rỡ hơn mặt trời và ngắn ngủi như ánh hoàng hôn, anh muốn theo nó đi về nơi cực lạc".
Chiều tối hôm đó, ông chủ trại hòm Trương mang đến biếu một trái dưa hấu. "Để tỏ lòng biết ơn", ông ta nói, "thằng nhỏ nhà tôi khoẻ lắm rồi, có thể nhặt tô chén ăn cơm lên, đập vỡ với sức mạnh của ba thằng con trai".
Tuần lễ sau đó, không ai biết ai, mỗi người đều tìm cách đến một người thầy bói cho mình. Hai người đàn ông muốn biết sự kếp hợp của họ với dì Báu có gặp may mắn khôn. Họ hỏi xem có bất cứ điều gì xui xẻo không. Người chủ trại hòm tìm đến một thầy bói ở Hằng Tâm thôn, một ông già đi rảo khắp làng với một cái gậy thiêng. Những lời tiên đoánó về đám cưới thì rất tuyệt, thầy bói nói. Nhìn này, dì Báu sinh năm Dậu, Trương sinh năm Tị, đó là một sự kết hợp gần như là hoàn hảo. Ông già còn nói dì Báu cũng có một con số may mắn trong cái tên của dì. (Tôi sẽ viết con số ra nếu tôi nhớ được tên cúng cơm của dì), Và như là một phần thưởng, dì Báu có một mụn ruồi ở vị trí số 11, gần cái chỗ bầu bĩnh nhất trên má dì, đó là một dấu hiệu cho biết chỉ có những lời dịu dàng dễ nghe lọt ra khỏi cái khuôn miệng ngoan ngoãn của dì. Ông chủ nhà đòn sướng quá thưởng cho thầy bói thật hậu hĩnh. Chú Út tìm đến một bà thầy bói ở Chu Khẩu, một bà già mặt có nhiều nếp nhăn hơn cả những đường chỉ tay. Bà ta toàn nói những điềm gở. Dấu hiệu thứ nhất là một cái mụn ruồi trên mặt dì Báu, ở vị trí số 12, bà ta bảo chú Út là nó kéo miệng dì xuống, có nghĩa rằng cuộc đời sẽ chỉ mang đến cho dì những điều bất hạnh. Sự kết hợp giữa hai tuổi này cũng hoàn toàn xui xẻo, dì là con gà lửa, chú là con ngựa gỗ. Cô gái này sẽ chế ngự chú với những đòi hỏi không bao giờ có thể thoả mãn được. Và đó mới là điều tồi tệ nhất. Cha mẹ cô gái nói là cô được sinh vào ngày 16 tháng bảy âm lịch. Nhưng bà thầy bói nói có một người em dâu là láng giềng của ông thầy lang nói rằng bà ta biết rất rõ. Bà ta nghe tiếng khóc chào đời của đứa trẻ sơ sinh, không phải là ngày 16 mà là vào hôm rằm, cái ngày mà cô hồn được phép lang thang khắp trần gian. Người em dâu nói đứa bé khóc "wu wu, wu wu" không phải như một con người mà như một hồn ma. Bà thầy bói thú thật với chú Út là bà cũng biết rõ cô gái này. Bà thường gặp cô trong những ngày chợ phiên, đi bộ một mình. Cô gái kỳ lạ này tính toán rất nhanh và mặc cả với những người buôn bán. Cô ta tự phụ và cứng đầu. Cô ta cũng được cha mình dạy dỗ để biết về những bí mật của cơ thể. Cô ta quá tò mò tọc mạch, hay gặng hỏi, quá cứng cỏi chỉ sống theo ý mình. Có thể cô ta bị ma ám. Tốt nhất là hãy tìm một đám khác, bà thầy bói khuyên. Đám này chỉ mang đến tai hoạ.
Chú Út cho bà thầy bói nhiều tiền hơn, không phải để thưởng thêm mà để bà suy nghĩ cho rốt ráo hơn. Nhưng bà lão đoán mò vẫn lắcđầu quầy quậy. Chỉ sau khi chú Út cho một số tiền lên đến 1000 chinh thì mới khiến bà già có một kết luận khác. Khi cô gái cười, mà cô thì cười luôn miệng ấy, nốt ruồi lại ở vào một vị trí may mắn, số 11. Bà bói lại tham khảo một cuốn lịch để tra giờ sinh của cô gái, ồ tin tốt lành đây. Cô sinh vào giờ mão, một cái giờ của tình yêu êm đềm. Tính cứng rắn của cô chẳng qua chỉ là lời đồn đại. Và bất cứ một nét tính cách ngay thẳng nào còn lại thì cũng sẽ bị đánh bại bằng một cây gậy mạnh mẽ. Có một sự tiết lộ rằng cô em dâu của bà thầy bói rất hay đưa chuyện và tung tin xấu. Nhưng để chắc chắn đám cưới này gặp nhiều may mắn, bà thầy bói bán cho chú Út hàng trăm lá bùa khác nhau để hoá giải ngày giờ xấu, những hồn ma xấu theo đuổi và những vận xấu. "Dù vậy, đừng cưới vào năm Thìn. Rất xấu cho người tuổi Ngọ".
Lời cầu hôn đầu tiên đến từ bà mối của nhà họ Trương, người đã đến nhà thầy lang kể ra những điềm may. Bà ta tán dương sự đáng kính của ông chủ đóng quan tài như là một nghề tnủ công truyền từ đời này sang đời khác. Bà ta miêu tả cơ ngơi của ông, vườn rau, ao cá, đồ đạc bài t rí trong nhà, đồ gỗ ánh lên nước đẹp ra sao, màu tím giống như một vết thâm mới trên da nhé. Còn về vấn đề của hồi môn, ông chủ nhà đòn sẽ sẵn lòng tỏ ra rất biết điều. bởi vì cô gái sẽ là vợ hai không phải chính thất, của hồi môn có thể là một lọ thuốc phiện hay một lọ xương rồng, phải không? như thế cũng chẳng to tát gì tuy nó có vẻ là vô giá, và như vậy chẳng có vẻ gì là xúc phạm đến cô dâu tương lai.
Thầy lang cân nhắc lời cầu hôn ấy. ông đã già đi rất nhiều. Con gái ông sẽ đi đâu nếu ông chết? Và những người đàn ông khác sẽ muốn gì ởcon gái ông trong ngôi nhà của ông ta? Con gái ông có lối sống quá mãnh liệt, quá kiên định. Cô không có mẹ để dạy cho cô cung cách làm vợ. Sự thực là, ông chủ nhà đòn không phải là người mà ông chọn làm con rể nếu như ông có đám khác, nhưng ông không muốn đứng ra ngăn trở con đường dẫn đến hạnh phúc của con gái. Ông bảo với dì Báu về lời đề nghị kết hôn hào hiệp của ông chủ trại hòm.
Nghe thế dì Báu nổi giận, "Gã đàn ông ấy là một kẻ thô bạo. Con thà ăn dòi bọ còn hơn là làm vợ y".
Ông thầy lang đành phải ngượng ngập trả lời người mai mối cho nhà họ Trương "Tôi xin lỗi, nhưng con gái tôi khóc đến ốm người, không chịu được cái ý nghĩ nó phải bỏ lại người cha vô dụng của nó". Lời chối khéo sẽ chẳng làm mếch lòng ai nếu như lời cầu hôn của bà mối bên nhà chú Út không được chấp thuận một tuần sau đó.
Vài ngày sau thông báo về đám cưới tương lai, ông chủ trại hòm quay lại Chu Khẩu làm dì Báu ngạc nhiên lúc dì đi từ giếng trở về. "Cô nghĩ cô có thể sỉ nhục tôi, rồi bỏ đi cười nhạo sao?"
"Ai sỉ nhục ai? Ông muốn tôi làm nàng hầu của ông, một người làm đầy tớ cho vợ ôn. Tôi không có ý định làm một nô lệ cho một cuộc hôn nhân phong kiến". Trong khi dì vùng vẫy tránh, Trương bóp chặt cổ dì, doạ rằng hắn có thể bẻ gãy cổ dì, sau đó lắc dì như thể hắn có thể ngắt đầu dì như bẻ gãy một cành cây khô mùa đông. Nhưng thay vì thế hắn chỉ đẩy dì ngã xuống đất, chửi dì và người mẹ đã khuất của dì bằng việc lôi ra những bộ phận kín của họ.
Khi dì Báu lấy lại được nhịp thở, dì cười gằn "Ăn to nói lớn, dùng đến nắm đấm hả? Ông tưởng ông có thể hiếp đáp được người khác sao?"
Và sau đó hắn nói những lời mà dì sẽ không bao giờ quên "Chẳng bao lâu nữa mày sẽ phải tiếc vì mỗi ngày mày sống trên cõi đời này".
Dì Báu không kể lại với cha và người yêu chuyện này. Chẳng việc gì phải làm cho họ lo lắng. Tại sao lại để cho người chồng tương phải tự hỏi sao Trương lại cảm thấy bị xúc phạm? Có quá nhiều người nói dì cứng rắn, mạnh mẽ và dì đã quen với tính nết của mình. Và có thể điều này đúng, dì không sợ bị trừng phạt hoặc mất mặt. Dì gần như chẳng sợ hãi điều gì hết.
Một tháng trước đám cưới, chú Út đến phòng cô dâu vào lúc đêm khuya "Anh muốn nghe tiếng em nói trong đêm tối", chú thì thầm "anh muốn nghe ngôn ngữ của các vì sao xoẹt xuống giữa trời đêm". Dì Báu để cho chú vào giường mình và chú hối hả bắt đầu đêm tân hôn của họ. Nhưng trong lúc chú vuốt ve dì, một ngọn gió thổi vào da thịt dì và dì bắt đầu run rẩy khắp châu thân. Lần đầu tiên trong đời dì sợ hãi, dì nhận ra và hoảng sợ bởi một niềm vui chưa từng biết tới trong đời.
Đám cưới dự định tổ chức ở Hằng Tâm thôn, ngay sau khi đón mừng năm mới. Đó là một ngày mùa xuân đầu năm Thìn. Những lớp băng sáng long lanh rải khắp mặt đất. Sáng sớm một người chụp ảnh dạo đến tiệm thuốc của thầy lang ở Chu Khẩu. Anh bị gẫy tay vào tháng trước và anh đền ơn bằng một tấm hình chụp dì Báu trong ngày cưới. Dì Báu mặc tấm áo mùa đông đẹp nhất, một cái áo cổ lông cao và quàng một cái khăn thêu. Dì đã nhìn thật lâu vào ống kính và trong lúc nhìn như thế dì nghĩ là cuộc đời dì sẽ mau chóng đổi thay một cách vĩnh viễn. Mặc dù sung sướng dì cũng cảm thấy lo lắng. Dì đánh hơi thấy nguy hiểm, nhưng dì không biết đó là cái gì. dì cố gắng nhìn thấu tương lai, nhưng dì chẳng thấy gì sất.
Chủân bị cho lễ đón dâu, dì thay bộ đồ cưới, áo khoác đỏ và váy, một cái mũ miện rất đẹp với một cái khăn mà dì phải trùm kín đầu và mặt một khi dì rời khỏi nhà cha đẻ để đi về nhà chồng. Thầy lang vay mượn tiền để thuê hai cỗ xe lừa, một để mang của hồi môn đến nhà trai, một để chở hòm xiểng đựng chăn màn và quần áo của cô dâu. Có một cỗ kiệu cưới dành cho cô dâu, và cha dì thuê bốn tay khiêng kiệu, hai người đánh xe, một người thổi sáo và hai người bảo vệ để hộ tống đoàn xe chống bọn cướp. Vì con gái, ông đã chọn những gì hảo hạng, kiệu cưới sang trọng nhất, những cỗ xe sạch nhất, những người bảo vệ can trường nhâ;t với súng dài súng ngắn. Một trong hai cỗ xe là một xe chở của hồi môn có một hũ thuốc phiện, một hũ xương rồng, những gì còn lại trong gia tài của ông. Ông an ủi con gái nhiều lần là đừng lo lắng về giá cả. Sau đám cưới cô, ông sẽ đến Hàm Khỉ tìm kiếm xương rồng.
Mới đi được một nửa đường, hai tên cướp bịt kín mặt từ bụi rậm nhảy xổ ra. "Ta là tướng cướp Móng Gân nổi tiếng đây!" Tên cướp to xác hơn rống lên. Ngay lập tức dì Báu nhận ra đấy là giọng của tên chủ trại hòm. Chuyện đùa lố bịch nào đang xảy ra đây? Nhưng trước khi dì có thể mở miệng thì những tay hảo hán đã quăng súng xuống đất, những tay khiêng kiệu thả tay đòn làm dì Báu ngà lăn xuống sàn kiệu nằm thẳng cẳng. Khi có thể bò dậy được dì nhìn thấy khuôn mặt chú Út lờ mờ. Chú bế dì ra khỏi kiệu. dì nhìn quanh, thấy những cái rương đựng đồ cưới đã bị lục soát, những tên bảo vệ và phu khiêng kiệu bỏ trốn mất. Rồi dì nhận thấy cha mình nằm trên một cái hào, đầu và cổ của ông nằm ở một tư thế kỳ cục, sự sống đã lìa bỏ khuôn mặt ôn. Dì đang nằm mơ chăng? "Cha em" dì rên rỉ "em muốn đi theo cha". Trong khi dì cúi xuống bên xác cha, không có khả năng nhận thức được diều gì đã xảy ra thì chú Út nhặt lên một khẩu súng của một trong những tên bảo vệ đã bỏ lại.
"Anh thề sẽ tìm ra bọn quỷ đã gây cho cô dâu của anh nỗi bất hạnh này" chú hét lên, rồi nổ một phát súng chỉ thiên, phóng ngựa đi.
Dì Báu không chứng kiến cái gì đã giết chết chú Út, nhưng dì nghe thấy những tiếng rắc rắc hãi hùng, giống như tiếng trái đất vặn mình khi nó được sinh ra. Trong suốt cuộc đời mình dì đã nghe cái tiếng động đó trong tiếng gãy răng rắc của cành cây, tiếng lép bép của lửa, hoặc mỗi khi một trái dưa hấu bị bửa ra vào mùa hè.
Dì Báu trở thành goá phụ và một trẻ mồ côi như vậy đấy. "Đó là một lời nguyền", dì đờ đẫn nói thầm, trong khi ngây dại nhìn vào hai cái xác của hai con người thân yêu nhất trong đời dì. Sau ba ngày ba đêm liền không ngủ, dì Báu tạ lỗi trước cái xác của cha và chồng. Dì chạm vào miệng họ, mặc dù điều này bị cấm và làm cho những người phụ nữ trong nhà sợ rằng các hồn ma chết vào giờ kỵ có thể hoặc là ám dì hoặc quyết định ở lại không chịu quay về cõi Âm.
Vào ngày thứ ba, Trương tìm đến với hai cỗ quan tài. "Hắn đã giết họ!" Dì Báu kêu lên. Dì lượm lên một cái que cời lửa và cố gắng đánh hắn. Dì đập vỡ những chiếc quan tài. Anh em của chú Út phải cố gắng dìu dì Báu đi chỗ khác. Họ xin lỗi Trương vì sự mất trí của cô gái còn Trương đáp lại rằng nỗi đau của tổn thất này là thật đáng ngưỡng mộ. bởi vì dì Báu vẫn tiếp tục phát điên phát rồ vì thảm hoạ kinh khủng này, đám đàn bà trong nhà phải trói khuỷu tay và đầu gối dì lại bằng những sợi dây vải. Sau đó họ đặt dì nằm vào giường của chú Út, nơi dì giãy dụa, vặn vẹo như một con bướm trong cái kén của nó cho đến khi cụ Cố buộc dì phải uống một bát thuốc làm cho thân hình dì trở nên đờ dại. Suốt hai ngày hai đêm liền dì mơ là mình đang ở cùng người yêu, nằm trên giường như là cô dâu của chàng.
Khi sống lại dì thấy mình đang nằm lẻ loi trong bóng tối. Tay chân dì đã được cởi trói nhưng chúng rất yếu ớt. Ngôi nhà yên tĩnh. Dì bò dậy đi tìm cha và chú Út. Khi dì ra đến phòng chính, những cái xác đã được mang đi, đã được chôn trong những cái quan tài gỗ của nhà họ Trương. Nước mắt chảy vòng quanh, dì lang thang khắp khu nhà, thề là sẽ tìm gặp họ ở dưới suối vàng. Ở trong xưởng làm mực, dì đi tìm một đoạn dây thừng, một con dao bén, diêm sinh để dì có thể nuốt, bất cứ cái gì có thể gây ra một sự đau đớn hơn những gì dì đang cảm thấy. Cuối cùng dì nhìn thấy một cái nồi đựng nhựa màu đen. Dì thả một vật vào trong nồi nhựa rồi đặt lên bếp lò. Chất mực dầu trở thành một loại súp lửa màu xanh. Dì múc một muôi và uống.
Cụ Cố là người đầu tiên nghe thấy tiếng động khác thường trong nhà xưởng. Chẳng mấy chốc cánh đàn bà kéo đến và tìm thấy dì Báu nằm thẳng cẳng trên sàn, thở khò khè qua cái miệng đen ngòm máu và mực. "Cứ như có nhiều con lươn bò lổm ngổm trong miệng cô ấy" mẹ tôi nói. "Thà để cô ấy chết còn hơn".
Nhưng cụ Cố lại không cho phép điều ấy xảy ra. Hồn ma của chú Út đã tìm gặp cụ trong một giấc mơ đe doạ rằng nếu dì Báu chết, chú và hồn ma của người vợ mới cưới sẽ ám ngôi nhà này,trả thù bất cứ ai không có đủ tình thương đối với dì. Ai cũng biết là không có gì ghê gớm hơn một hồn ma báo oán. Ma sẽ làm cho các căn phòng bốc mùi xác chết. Làm cho món tàu hũ ngon lành có mùi hôi dầu trong nháy mắt. Làm cho thú dữ trèo qua tường và qua cổng để vào nhà. Với một con ma trong nhà người ta sẽ không bao giờ có một giấc ngủ yên.
Ngày qua ngày, cụ Cố nhúng khăn vào các loại thuốc nước đặt lên vết thương của dì Báu. Cụ mua xương rồng, nghiền nát và rắc lên cái miệng sưng phồng của dì. Sau đó cụ nhận thấy một phần khác trong thân thể dì Báu càng ngày càng phồng lên: cái bụng.
Vài tháng sau những vết thương đã khô mủ và làm sẹo còn bụng dì thì to như một quả bí. Dì đã từng xinh đẹp là thế. Bây giờ tất cả mọi người trừ những người ăn mày mù loà đều rùng mình khi trông thấy dì. Một hôm khi rõ ràng là dì đã được cứu sống, cụ Cố nói với người bệnh bị câm của mình "Bây giờ tôi đã cứu sống cô, cô và đứa bé sẽ đi đâu? Làm gì?"
Đêm hôm ấy hồn ma chú Út lại đến gặp cụ Cô lần nữa và sáng hôm sau cụ Cố nói với dì Báu "Con có thể ở lại đây làm vú nuôi cho đứa bé này. Chị Trưởng sẽ tuyên bố nó là con của chị ấy và nuôi nó như một đứa con của nhà họ Lưu. Với những người mà con gặp, chúng ta sẽ bảo con là người bà con xa ở Bắc Kinh tới, một người em họ sống ở một tu viện cho đến khi nó bị bốc cháy và làm con suýt chết. Với khuôn mặt này sẽ không ai nhận ra con đâu"
Đó là những điều đã xảy ra. Dì Báu đã ở lại. Tôi là lý do để dì quyết định ở lại, lý do duy nhất để dì tiếp tục sống. Năm tháng sau khi tôi chào đời vào năm 1916, mẹ tôi sinh Cao Linh, mẹ đã bị cụ Cố buộc phải tuyên bố tôi là con. Làm sao bà có thể nói bà có hai đứa con cách nhau năm tháng? Không thể được. Thế là mẹ quyết định chờ đợi. Đúng chín tháng sau khi tôi ra đời và vào một thời điểm may mắn của năm 1917, Cao Linh được tuyên bố chào đời.
Những người lớn biết sự thực về sự ra đời của chúng tôi. Trẻ con chỉ biết điều mà chúng phải giả vờ đóng kịch. Mặc dù rất thông minh tôi cũng thật ngu xuẩn. Tôi chẳng bao giờ đặt câu hỏi về sự thật. Tôi không bao giờ tự hỏi tại sao dì Báu lại không có tên. Với người khác bà là vú em. Với bà là dì Báu. Tôi chẳng biết thực ra bà là ai cho đến khi tôi đóc cái điều bà viết cho tôi.
"Ta là mẹ của con", bà viết thế.
Tôi chỉ đọc điều này sau khi bà qua đời. Tuy rằng tôi vẫn nhớ rằng bà đã nói với tôi điều đó hàng ngàn lần bằng đôi tay của bà, tôi có thể nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của bà. Khi trời tối bà nói điều đó với tôi bằng một giọng rõ ràng mà tôi chưa bao giờ nghe. Bà nói bằng ngôn ngữ của sao băng.