Con gái thầy lang

P I - Chương 7

Khi quay lại căn hộ của mẹ mình, Ruth ném đi tất cả những gì mẹ cô đã dành dụm: những chiếc khăn giấy bẩn thỉu, bịch ni lông dùng rồi, lọ đựng nước mắm, nước tương hay mù tạt ở nhà hàng, đũa, ống hút đã dùng rồi và cuống vé, những miếng bông chống ẩm trong các lọ thuốc và các lọ thuốc rỗng. Cô dọn sạch khỏi các ngăn tủ những hộp giấy và chai lọ vẫn còn dính mác. Thức ăn hư từ tủ lạnh và ngăn giữ đông đủ đổ đầy bốn cái túi đựng rác thật lớn.

Việc dọn dẹp giúp cô nghĩ rằng cô đang lấy đi khỏi đầu óc mẹ cô lớp cặn lắng. Cô mở các ngăn tủ khác. Cô nhìn thấy những cái khăn lau tay với các hoạ tiết vẽ cây ô rô, một món quà Giáng sinh mà bà Lưu Linh không bao giờ dùng đến. Cô bỏ tất cả những món này vào một cái túi để dành đem cho những hội từ thiện. Ở đây còn có cả những chiếc khăn tắm đã sờn và những chiếc khăn trải giường đại hạ giá mà cô nhớ là đã dùng từ hồi còn bé. Những tấm vải mới hơn thì vẫn còn nguyên trong những hộp đựng quà từ các cửa hiệu.

Nhưng khi Ruth đặt tay lên các tấm khăn cũ cô cảm thấy mình không có khả năng vứt bỏ chúng cũng như mẹ cô. Đó là những đồ vật tràn ngập hơi thở của sự sống và của quá khứ. Chúng có lịch sử, cá tính, một mối liên hệ với các ký ức khác. Cái khăn đang ở trong tay cô chẳng hạn, với những bông hoa vân anh từng làm cho cô nghĩ là nó rất đẹp. Cô đã dùng nó quấn quanh mái đầu vừa gội giả bộ rằng cô là nữ hoàng đang đội khăn xếp của người Hồi giáo. Một hôm cô đã mang nó ra bãi biển làm cho mẹ phải mắng cô vì đã dùng cái "tốt nhất" trong khi lẽ ra cô phải xài cái khăn màu xanh lá cây đã tua mép. Kể từ ngày trường thành Ruth không bao giờ xài đồ như Gideon, người dám bỏ hàng ngàn đô mỗi năm mua hàng vải sợi Italy rồi lại sẵn sàng thải đi bộ sưu tập năm ngoái y như chuyện xảy ra với Architectural Digest  tháng trước. Có lẽ cô không sẻn so như mẹ nhưng cô nhận ra cái khả năng cô sẽ đau lòng lắm nếu mất đi một vật gì. Ruth đi vào bếp của bà Lưu Linh. Trong một cái tủ bếp có rất nhiều lọ Toilet water[1],có đến vài chục lọ vẫn còn nguyên trong giấy bóng kính. "Nước thối" mẹ cô còn gọi loại nước này như vậy. Ruth đã cố giải thích với mẹ cô rằng toilet water không phải là nước ở trong bồn cầu, nhưng bà Lưu Linh khăng khăng rằng nếu không phải thì sao nó lại mang cái tên ấy và bà tin rằng những món quà từ bà Cao Linh và con gái bà là chỉ để làm nhục bà chị tội nghiệp Lưu Linh.

"Nếu mẹ không thích như vậy", một lần Ruth hỏi "tại sao lúc nào mẹ cũng bảo họ rằng đó là món quà mẹ rất thích?"

"Mẹ còn làm gì được ngoài việc tỏ ra lịch sự?"

"Vậy thì sau đó mẹ hãy quăng nó đi nếu nó làm mẹ phiền lòng như vậy".

"Quẳng đi? Sao mẹ có thể quẳng đi? Phí tiền lắm".

"Vậy thì mang cho đi".

"Ai mà cần cái thứ đó? Toilet water! – Ê, làm thế là sỉ nhục họ ghê lắm đấy!"

Thế là những cái lọ dầu thơm vẫn ở đây hàng vài chục lọ, vài chục sự sỉ nhục, một số lọ là quà của bà Cao Linh, một số là của con gái bà Cao Linh, những người chẳng hề nhận thức được rằng bà Lưu Linh thức dậy mỗi buổi sáng nhìn những món quà này và bắt đầu một ngày mới với cảm giác cả thế giới chống lại bà. Không hề tò mò, Ruth mở một hộp giấy, gạy cái nút đậy lên làm bốc lên một mùi thum thủm! Mẹ cô nói đúng. Lại nữa, đâu là thời hạn sử dụng của loại nước hoa này? Rõ ràng không phải càng lâu năm càng tốt như rượu vang. Cô bắt đầu bỏ những cái lọ này vào cái túi gói hàng được giữ lại, nhưng lại thôi. Kiên quyết nhưng không khỏi có cảm giác lãng phí, cô bỏ chúng vào trong cái túi rác. Thế còn những hộp phấn trang điểm? Cô mở một hộp phấn có mép viền bằng kim loại màu vàng bên ngoài có vẽ một loại hoa của Pháp. Nó ít nhất cũng phải 30 tuổi. Lớp phấn bên trong đã bị oxy hoá thành màu cam, trông giống như một loại phấn hồng. Dù nó trông giống cái gì thì nó cũng có thể gây nên bệnh ung thư – hoặc là bệnh Alzheimer. Mọi thứ trên đời này, dù khởi đầu tốt lành như thế nào cũng chứa những mầm mống của tai hoạ, phình lên với những chất độc có thể thoát ra, tác động đến bạn vào lúc bạn không ngờ nhất. Chính mẹ cô đã dạy cô điều này.

Cô gỡ bông phấn ra. Chung quanh miếng bông phấn vẫn còn nguyên vẹn chỉ có ở giữa hơi lõm xuống bởi cái việc một ngày xa xưa nó từng miết một lớp phấn lên mặt mẹ cô. Cô ném hộp phấn và bông phấn vào túi rác. Nhưng một phút sau đâm hoảng, cô tìm lại hộp phấn và suýt bật khóc. Đó là một phần trong cuộc đời của mẹ cô! Điều gì xảy ra nếu cô lại trở nên uỷ mị như thế này? Cô mở hộp phấn một lần nữa, nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của mình trong gương, rồi nhận thấy phấn đã ngả màu cam. Không, đây không phải là lúc để cho tình cảm chi phối. Đó là một cái gì bệnh hoạn và đáng ghê tởm. Một lần nữa cô lại ném hộp phấn vào túi rác.

Vào lúc nhập nhoạng tối thì một góc phòng khách đã chất đầy những món mà Ruth quyết định là mẹ cô sẽ không nuối tiếc: chiếc máy điện thoại quay số híệu Princess, đồ khâu, một tập hoá đơn cũ, năm ly trà đá đông cứng trong ngăn lạnh, một đống cà phê Hoà Lan có đăng quảng cáo trên bao bì, một cái đèn ba nhánh đã mất đi một nhánh, một cái ghế ngồi ngoài trời có hình con sò cũ kỹ han rỉ, một cái lò nướng bánh mì với một sợi dây tưa ra và những chỗ uốn cong như một  thanh chắn trong chiếc xe Buick cổ lỗ sĩ, một cái đồng hồ trong bếp mà dao, nĩa và muỗng được dùn giải quyết chỉ giờ, phút đã cũ mèm, một cái túi đựng đồ đan lát bên trong còn đựng những chiếc dép lê màu xanh lá cây, ngọc lam và tím, thuốc xài dở và một loạt mắc áo cũ kỹ.

Trời đã tối nhưng Ruth cảm thấy thậm chí còn dồi dào sinh lực hơn, và cũng tràn đầy quyết tâm hơn. Quan sát một lượt, cô đếm trên đầu ngón tay những chỗ cần sửa để ngăn ngừa tai nạn. Những ổ cắm điện cần phải được mang đi mã hoá. Ống khói phải đặt lại chỗ khác. Vòi nước nóng phải đưa xuống dưới để mẹ cô không bị bỏng. Có phải những vết màu nâu trên trần nhà là do mái bị dột? Cô đi tìm nơi nước có thể nhỏ xuống và đôi mắt tinh tường của cô lướt trên sàn nhà đến một điểm trên sàn gần cái ghế bành. Cô hấp tấp bước lại gần kéo tấm thảm ra nhìn chằm chằm vào tấm ván lót sàn. Đó là một trong những cái kho của mẹ cô, nơi mà bà giấu diếm những đồ quý có thể cần dùng đến trong thời chiến hoặc như bà Lưu Linh nói "để đối phó với những thảm hoạ mà con không thể hình dung nổi, ghê gớm lắm". Ruth dậm lên một đầu tấm ván,và nhìn kìa, giống như một cái bập bênh, đầu kia bổng vổng lên. A ha! Một chiếc vòng tay bằng vàng có chạm trổ. Cô lấy cái vòng ra cười một cách hài hước như thể cô  vừa chọn đúng cái cửa trong một trò chơi. Mẹ cô đã lôi cô đến tiệm kim hoàn Royal Jade House trên đường Jackson mau một cái vòng tay trị giá 120 đô, bảo với Ruth rằng nó bằng vàng 24 cara, có thể cân đo và đem bán lại với nguyên giá của nó khi cần.

 Còn chỗ nào bà Lưu Linh cất giấu của cải trong ngôi nhà này? Ở cái góc không bao giờ được dùng để nấu nướng ư? Ruth nhấc cái giỏ đựng những cuốn album lên, cô soi mói nhìn từng viên gạch bong ra, cô nạy một viên gạch lên và trong thâm tâm chắc chắn là nó vẫn còn nằm ở đây một tờ 20 đô bọc quanh bốn tờ 1 đô. Không thể tin được. Cô cảm thấy nực cười khi tìm thấy kho báu nho nhỏ này, một vật kỷ niệm từ những năm tháng thiếu niên của cô. Khi họ chuyển đến ngôi nhà này, bà Lưu Linh đã cho năm tờ 20 đô xuống dưới một hòn gạch. Thỉnh thoảng Ruth cũng kiểm tra lại, bao giờ cũng nhận thấy rằng mấy tờ giấy bạc nằm ở một vị trí lý tưởng. Một hôm cô gài một sợi tóc của mình ra ngoài cuộn giấy bạc. Cô đã biết cái trò này trong một cuốn phim trinh thám của trẻ em. Lần nào cô nhấc hòn gạch lên cũng thấy sợi tóc vẫn còn đấy. Khi Ruth mười lăm tuổi, cô bắt đầu mượn tiền của cái kho này vào những lúc cô cần tiền tiêu pha – khi cô cần một đô lúc này hay lúc khác để mua những thứ bị câm: mascara, vé xem phim và sau này là thuốc lá Malboro. Đầu tiên cô bao giờ cũng lo sợ về chuyện đó cho đến khi cô có tiền để trả vào chỗ cũ. Khi làm thế, cô cảm thấy nhẹ nhõm và sung sướng  là cô đã không bị bắt. Cô lý sự rằng cô đáng được có tiền – vì làm những công việc cắt cỏ, rửa bát đĩa, và bi la mắng vô cớ. Cô đã thay những tờ 20 đô biến mất bằng tờ 10 đô, rồi 5 đô và cuối cùng những tờ 1 đô được một Tờ 20 đô duy nhất bọc ra ngoài.

Và bây giờ 31 năm đã trôi qua, nhìn lại những gì còn lại trong kho tàng nhỏ nhoi của mẹ, cô vừa là cái cô gái của cái ngày xa xưa ấy vừa là người chứng kiến cái hình ảnh trẻ trung của mình ngày nào. Cô nhớ lại cô bé bất hạnh sống trong cô, một cô bé đầy đam mê, giận dữ, có những cơn bộc phát bất ngờ. Cô thường tự hỏi, cô tin ở Chúa hay cô là người vô thần? Là một Phật tử của Đức Phật Thích ca hay là một kẻ hippy? Dù có là ai thì cái gì là bài học trong cuộc đời khốn khổ của mẹ cô? Có thật có những hồn ma không? Nếu không, có phải mẹ cô là người điên không? Có thật có một cái gì gọi là vận may không? Nếu không tại sao những đứa em họ cô lại sống ở Saratoga. Có những lúc cô tỏ ra quyết tâm làm một người hoàn toàn trái ngược với mẹ cô. Thay vì than vãn về cái thế giới này, cô muốn làm một điều gì có tính cách xây dựng. Cô muốn gia nhập vào đội quân hoà bình và xung phong đến những vùng ma thiêng nước độc. Một lần khác cô lại muốn trở thành một người ăn chay trường và giúp đỡ những con thú bị thương. Chỉ mới đây thôi cô muốn trở thành một giáo viên dạy dỗ những đứa trẻ tật nguyền. Cô sẽ không chỉ ra cái gì là sai trái, như mẹ cô vẫn thường làm đối với cô, kêu tướng lên rằng một nửa bộ não của con gái đã biến đâu mất. Cô sẽ đối xử với chúng như những con người bình đẳng với mọi người khác.

Cô đã giải thoát những xúc cảm này bằng cách viết vào cuốn sổ mà dì Gal đã tặng cô ngày Giáng sinh. Cô vừa đọc xong cuốn Nhật ký của Anna Frank trong một lớp học tiếng Anh năm thứ hai, và giống như những đứa con gái khác cô được cái ý thức mình thật là khác biệt truyền cho một nguồn cảm hứng mới mẻ - sự ngây thơ trong trắng trên con đường dẫn đến cái thảm kịch sẽ lmà cho cô được ngưỡng mộ sau khi chết. Cuốn nhật ký sẽ là bằng chứng về sự tồn tại của cô, rằng  cô cũng có một ý nghĩa nào đấy và quan trọng hơn là ở đâu đó có một ai đó vào một ngày nào đó sẽ hiểu cô, dẫu rằng chuyện đó có thể không xảy ra trong đời cô. Đó là cả một sự an ủi kỳ diệu trong khi tin tưởng rằng nỗi khổ đau của cô không phải là vô ích. Trong nhật ký của mình cô phải trung thực hết mức, cô muốn thế. Sự thật, tất nhiên phải được sự ủng hộ của thực tế. Thế là trong cái cột đầu tiên cô kê ra một danh sách gồm 10 bài hát hay nhất phát trên radio cùng một đoạn lưu ý rằng cái thằng con trai tên là Michael Papp trông cực ngố khi nó nhảy với Wendy. Đó là điều mà Wendy đã nói ra và lúc ấy Ruth nghĩ cái từ ấy đề cập đến một kẻ huênh hoang. Cô biết mẹ cô có xem trộm những điều cô viết vì một hôm bà hỏi Ruth "Tại sao con lại thích cái bài hát Quay, Quay, Quay? Chỉ bởi vì người khác thích nó thôi sao?" Một lần khác mẹ cổ khịt mũi và nói "Sao nghe có mùi thuốc lá?" Chả là Ruth vừa viết một đoạn về việc đi đến Height – Ashbury với bạn bè, gặp ở đấy vài dân hippy ở ngoài công viên và họ mời bọn cô hút thuốc. Ruth lấy làm mừng là mẹ cô nghĩ là họ hút thuốc lá chứ không phải là một loại nha phiến. Sau sự can thiệp ấy Ruth giấu cuốn nhật ký ở dưới đáy tủ rồi giữa hai cái nệm để sau tủ áo. Nhưng bao giờ mẹ cô cũng cố tìm ra cuốn nhật ký, ít nhất thì Ruth cũng đoán thể dựa vào những chỉ thị sát sao của mẹ cô "không được ra bãi tắm sau giờ học", "không được gặp cái con Lisa nữa", "tại sao con say mê bọn con trai đến thế?" Nếu cô trách mẹ cô vì đã đọc trộm nhật ký của cô, bà Lưu Linh sẽ đánh trống lảng, không bao giờ thừa nhận việc bà đã làm trong khi vẫn nói "Một đứa con gái không nên có bí mật gì giấu mẹ hết". Ruth không muốn việc viết lách của cô bi.kiểm duyệt, thế là cô bắt đầu ghi chép bằng một loại mật mã kếp hợp giữa chữ Latin, Tây Ban Nha và những từ nhiều âm mà cô biết là mẹ cô không thể hiểu được.

Không biết mẹ có bao giờ nhận ra, bây giờ Ruth tự hỏi, lời yêu cầu không được giấu diếm mẹ một điều gì đã làm cho con cố gắng che giấu nhiều hơn nữa. Nhưng có thể là mẹ cô biết. bởi vì nó khiến cho bà cũng giấu cô những bí mật của mình. Sự thật quá đáng sợ để nói ra. Họ không còn tin tưởng nhau nữa. Thế là sự thiếu trung thực và phản bội bắt đầu – không thể hiện ở những lời dối trá ghê gớm – mà là ở những bí mật nho nhỏ.

Bây giờ Ruth nhớ ra nơi cuối cùng cô giấu cuốn nhật ký. Cô đã quên bẵng nó đi trong bao nhiêu năm qua. Cô đi vào trong bếp. Trèo lên cái kệ, một điều khó thực hiện hơn khi cô 16 tuổi. Vỗ vỗ tay lên trên nóc tủ cô tìm thấy nó ngay: cuốn nhật ký có hình trái tim, những trái thơm bao quanh một ngón tay sơn màu hồng để xoá đi tên của những thằng con trái khác nhau mà cô đã làm cho thành bất tử với những niềm say mê nhất thời. Cô trèo xuống với cái thành tích đầy bụi bậm trêN tay, tựa người vào cái kệ, xoa xoa giấy bao màu đỏ và vàng bên ngoài.

Cô cảm thấy đôi chân mỏi rã rời, cô cảm thấy không có gì chắc chắn nơi bản thân, như thể cuốn nhật ký chứa đựng một lời tiên đoán không thay đổi về cái điều xảy ra trong suốt cuộc đời cô. Một lần nữa cô lại ở cái tuổi 16. Cô mở cái móc, và đọc những dòng chữ bên trong bìa bao, được viết bằng những con chữ to đập vào mắt: DỪNG LẠI NGAY!!! BÍ MẬT CÁ NHÂN!!! NẾU NGƯƠI ĐỌC CUỐN NHẬT KÝ NÀY NGƯƠI MẮC TỘI XÂM PHẠM SỰ RIÊNG TƯ CỦA NGƯỜI KHÁC. PHẢi, TA CẢNH CÁO NGƯƠI!!!

Nhưng mẹ cô đã đọc, và đã ghim vào trong tim những gì Ruth viết từ trang thứ hai đến trang cuối, những lời lẽ suýt giết chết cả hai mẹ con.

Cái tuần trước khi Ruth viết ra những lời lẽ định mệnh ấy, cô và bà Lưu Linh cùng đang chạy đua trong việc làm khổ người kia. Họ là hai con người bị cuốn vào một trận bão cát, giận dữ và đau đớn, thi nhau đổ lỗi cho người kia là nguyên nhân của trận cuồng phong. Trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh gay gắt giữa hai mẹ con, Ruth hút thuốc trong phòng ngủ của cô, tựa người nhìn ra cửa sổ. Cửa phòng đóng và ngay khi cô nghe thấy tiếng bước chân của mẹ đi về phía phòng mình, Ruth liền vứt điếu thuốc ra ngoài, vội lên giường giả vờ đọc sách. Như thường lệ, bà Lưu Linh mở cửa bước vào phòng mà không thèm gõ cửa. Khi Ruth nhìn lên với vẻ mặt ngây thơ nhất trần đời, bà bèn hét lên "Mày vừa hút thuốc!"

"Không, con không hút".

"Vẫn còn mùi thuốc" bà Lưu Linh chỉ ra ngoài cửa sổ, cúi nhìn ra ngoài. Điếu thuốc lá rơi ngay dưới cửa sổ tuyên bố nơi hiện diện của nó với một làn khói bốc lên.

"Tôi là công dân Mỹ" Ruth cũng hét lại "Tôi có quyền có những chuyện riêng tư, có quyền mưu cầu hạnh phúc cho tôi chứ không phải cho bà".

"Chẳng có quyền gì hết. Toàn chuyện láo lếu".

"Để cho tôi yên!"

"Tại sao tao lại có một đứa con gái như mày? Tao sống làm gì? Sao tao không chết quách từ lâu cho rồi?" Bà Lưu Linh vừa giận tái người vừa khịt mũi ầm ĩ. Ruth nghĩ bà trông giống một con chó dại.

"Mày muốn tao chết hả?"

Ruth đang run rẩy nhưng cố nhún vai với  cái vẻ hờ hững nhất mà cô có thể tạo ra "Tôi cóc quan tâm". Mẹ cô thở hổn hển thêm vài cái, rồi ra khỏi phòng. Ruth nhỏm dậy đóng sập cửa lại.

Sau đó, vượt lên những tiếng thổn thức của một tổn thương chính đáng vì bi.lăng mạ, Ruth bắt đầu viết nhật ký, hoàn toàn ý thức được rằng mẹ cô sẽ đọc những dòng này. "Tôi căm thù bà ấy! Bà ấy là nó nmẹ tồi tệ nhất mà loài người có thể có. Bà ấy không yêu thương gì tôi. Bà ấy không nghe tôi nói. Không hiểu bất cứ điều gì về tôi hết. Tất cả những điều bà ấy làm là châm chích tôi, nổi điên lêN và gây cho tôi những cảm  xúc thật tồi tệ". Cô biết rằng điều cô viết thật liều lĩnh. Nó cũng giống như một tội ác thuần tuý. Bớt đi cảm giác tội lỗi, cô xé trang này vứt đi với một vẻ thậm chí còn hiên ngang hơn. Điều cô viết sau này còn độc ác hơn, thật là những lời kinh khủng mà sau này – lúc đã quá trễ rồi – cô đã đau đớn bôi xoá hết đi. Bây giờ Ruth nhìn vào đấy, những dòng chữ đã bị bôi đen, nhưng cô vẫn biết chúng nói gì và mẹ cô đã đọc được gì "Bà nói vễ chuyện tự vẫn, tại sao bà không bao giờ thực hiện cả? Tôi ước gì bà làm điều đó. Làm đi, làm đi, làm đi! Nào tự vẫn đi! Dì Báu muốn bà làm thế và cả tôi nữa!"

Lúc này, cô hoảng hốt khi thấy mình có thể viết ra những cảm xúc ghê tởm đến thế. Cô bàng hoàng khi nhớ lại. Cô đã khóc trong khi viết những dòng này, đầy phẫn nộ, sợ hãi và một ý thức về tự do một cách lạ lùng cuối cùng cũng tự do vùng vẫy trong cô khiến cho cô muốn làm cho mẹ đau đớn tận cùng như mẹ đã làm cô đau đớn. Sau đó cô đã giấu cuốn nhật ký ở trong cùng cái ngăn kéo tủ quần áo, một chỗ thật dễ dàng tìm ra. Cô đã sắp đặt cuốn nhật ký ở đấy, đánh dấu bằng cách đặt một cặp quần lót hoa màu hồng lên trên. Đó là cách cô kiểm tra xem mẹ cô có dúng mũi vào việc của mình không.

Ngày hôm sau, Ruth đi lang thang sau khi tan học và trước khi trở về nhà. Cô đi dạo dọc bờ biển. Cô dừng lại ở một hiệu thuốc ngắm nghía đồ mỹ phẩm. Cô gọi cho Wendy từ một trạm điện thoại công cộng. Vào lúc cô về nhà mẹ cô chắc là đã đọc những dòng trên. Cô chờ đợi một cuộc chiến ra trò, không ăn tối, chỉ có la hét, nhiều lời doạ nạt nữa, nhiều những lời thuyết giáo về việc Ruth đã muốn bà chết vì thế cô sẽ phải đến sống với dì Gal. Bà Lưu Linh sẽ đợi đến lúc Ruth thừa nhận cô đã viết những dòng kinh khủng trên.

Sau đó Ruth tưởng tượng chuyện xảy ra theo một cách khác. Mẹ cô đọc những dòng chữ ấy, tay đấm ngực thùm thụp đẩy nồi đau khốn khổ của bà trở lại một chỗ sâu kín nào đó trong tim, cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Nhưng khi Ruth đi học về mẹ cô sẽ giả vờ như không nhìn thấy cô. Mẹ cô sẽ dọn bữa tối, ngồi xuống và nhai một cách lặng lẽ. Họ sẽ làm như thế trong nhiều ngày, mẹ cô hành hạ Ruth bằng sự im lặng của bà, sự từ khước tuyệt đối của bà.  Ruth sẽ tỏ ra cứng cỏi bằng cách không tỏ ra một sự đau lòng nào cho đến khi không có chuyện gì xảy ra nữa, tất nhiên là trừ khi mọi việc diễn ra theo thông lệ - Ruth thua cuộc, khóc lóc và nói lời xin lỗi mẹ. Bây giờ thì Ruth không còn thời gian để tưởng tượng thêm bất cứ cảnh tượng nào có thể xảy ra nữa. Cô đã ở nhà. Cô cố tỏ ra cứng cỏi. Nghĩ về điều đó cũng tồi tệ giống như là trải qua chuyện đó. Nhưng phải đối mặt thôi, cô tự nhủ. Cô bước lên bậc thang dẫn đến cửa ra vào và vừa lúc cô mở cánh cửa, mẹ cô lao ra nói bằng một giọng nghệt thở vì lo lắng "Cuối cùng con cũng đã về nhà".

Chỉ đến lúc đó cô mới nhận ra đó không phải mẹ mà là dì Gal "Mẹ con bị thương" bà nói, túm chặt lấy cánh taycô, đẩy cô ra khỏi cửa "Nhanh lên, nhanh lên, chúng ta đi ngay đến bệnh viện".

"Bị thương?" Ruth không thể cử động được. Cả người thiếu không khí, vừa trống rỗng  vừa nặng nề "Dì nói gì vậy? Sao mẹ con lại bị thương?"

"Bà ấy ngã từ cửa sổ xuống. Tại sao bà ấy tựa ra ngoài dì cũng không biết nữa. Nhưng mẹ con rơi xuống nền xi măng. Người phụ nữ ở phía dưới đã gọi cấp cứu. Xương  cốt  bị gãy, và có một cái gì đó bị tổn thương ở đầu – dì không rõ là cái gì – nhưng rất nghiêm trọng, bác sĩ nói thế. Dì chỉ hy vọng là não không  bị thương".

Ruth bật ra những tiếng nghẹn ngào. Cô cuộn người lại và bắt đầu khóc trong một cơn kích động thần kinh. Cô đã mong muốn điều đó và đẩy mẹ cô đến bước ấy. Cô khóc cho đến khi bị ói khan và bị ngất đi vì nghẽn đường hô hấp. Lúc họ đến bệnh viện thì dì Gal cũng phải đưa Ruth đến phòng cấp cứu. Một y tá cố làm cho cô thở vào một cái túi giấy, nhưng Ruth gạt đi, sau đó một người đã tiêm cho cô một mũi thuốc. Cô trở nên bay bổng, mọi lo lắng bị cuốn khỏi các cơ bắp và đầu óc cô. Một cái mền đen ấm áp chụp lên người côsau đó trùm qua đầu. Trong cái hư không ấy, cô có thể nghe thấy tiếng mẹ cô thông báo với bác sĩ là cuối cùng con gái bà cũng trở nên yên lặng vì rằng cả hai đều đã chết/

Mẹ cô bị gãy xương vai, rạn một rẻo sườn và chấn thương sọ não. Khi bà xuất viện, dì Gal ở lại thêm vài ngày để giúp việc nấu nướng và sắp đặt mọi việc trong nhà đến khi bà Lưu Linh có thể tự tắm táp và mặc áo quần một cách dễ dàng. Ruth lúc nào cũng chầu rìa "Con có thể làm gì không?" cô lặp đi lặp lại câu hỏi bằng giọng yếu ớt. Dì Gal để cho cô nấu cơm, cọ chậu và trải ra giường sạch lên giường mẹ cô.

Suốt những ngày sau đó Ruth bị dày vò vì nỗi không biết mẹ cô có nói cho dì Gal biết bà đã đọc nhật ký của Ruth  và lý do bà nhảy lầu chưa. Cô thăm dò nét mặt dì Gal để tìm những dấu hiệu về chuyện đó. Cô phân tích mỗi lời dì nói. Nhưng Ruth không tìm thấy bất cứ dấu hiệu giận dữ, thất vọng hay thương hại giả tạo nào trong những diều dì Gal nói. Mẹ cô vẫn còn trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh. Bà không tỏ vẻ giận dữ mà chỉ buồn bã và có vẻ bị sụp đổ hoàn toàn. Điều này có vẻ ít hơn – nhưng mà nó là cái gì vậy? Tình mẹ con? Sự lo âu? Có một cái gì ngây ngây trong ánh mắt của mẹ cô, như thể bà không quan tâm đến những gì đang diễn ra trước mắt. Tất cả đều như nhau, thảy chẳng có gì quan trọng. Điều này có nghĩa gì? Tại sao mẹ cô không còn nhiệt tình tranh đấu nữa? Bà Lưu Linh chấp nhận tô cháo Ruth bê đến cho bà. Bà uống trà. Họ nói chuyện nhưng lời lẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, chẳng có gì có thể dẫn đến một sự bất đồng hay một sự hiểu nhầm.

"Con đi học đây" Ruth nói với mẹ.

"Con có tiền ăn trưa không?"

"Rồi ạ. Mẹ uống trà nữa không?"

"Không".

Ngày nào cũng vậy, có vài lần Ruth muốn nói với mẹ rằng cô hối hận, rằng cô là đứa con gái độc ác bất hiếu, rằng tất cả là do lỗi của cô. Nhưng để nói ra được những lời như thế, phải biết được trong đầu bà có những điều Ruth viết ra không? Trong nhiều tuần lễ, họ bước đi thật rón rén, cẩn thận để tránh đạp lên những miếng vỡ.

Vào ngày sinh nhật thứ mười sáu, Ruth đi học về thấy mẹ mua cho cô một trong những món ăn cô thích nhất: xôi nếp gói lá sen, cả hai loại, nhân thịt và nhân đậu đỏ ngọt ngào, cùng với bánh xốp Trung Hoa có dâu và kem đánh bên trên. "Không làm cho con những món ngon hơn được" bà Lưu Linh nói. Bên vai phải của bà vẫn phải nẹp lại và bà không thể nhấc vật gì với cánh tay này. Khá là khó khăn đối với bà khi phải mang những giỏ đồ ăn từ chợ về. Ruth nhìn những món này như là dấu hiệu của sự tha thứ. "Con thích món này lắm" Ruth lịch sự nói. "Thật tuyệt".

"Chẳng có lúc nào để mua quà cho con" bà Lưu Linh lẩm bẩm. "Nhưng mẹ cũng tìm được vài thứ, có thể con vẫn thích". Bà chỉ vào bàn uống nước. Ruth chậm rãi bước đến gần, cầm lên một món quà được gói giấy một cách vụng  về, không có nơ bên ngoài. Bên trong cô thấy một cuốn sách đen và một cái ví nhỏ bằng lụa đỏ được thắt chặt bởi một cái khóa có hình con ếch. Trong ví là một chiếc nhẫn mà Ruth hằng thèm muốn, một chiếc nhẫn vàng mỏng manh và hai viên ngọc hình bầu dục màu xanh vỏ táo. Đó là món quà của cha Ruth, nhận được từ mẹ ông để tặng cho người vợ tương lai. Mẹ  cô chưa bao giờ đeo cái nhẫn ấy. Bà Cao Linh có lần đã xa gần nói rằng cái nhẫn ấy lý ra phải thuộc về bà, để bà có thể trao cho con trai bà, cũng là đứa cháu nội độc nhất trong dòng họ. Kể từ đó bà Lưu Linh đã ghi nhớ việc này như một bằng chứng về lòng tham lam vô độ của em gái.

"Chu cha" Ruth xuýt xoa nhìn ngây dại vào chiếc nhẫn trên lòng bàn tay cô.

"Đó là một loại ngọc cực hiếm và đẹp, đừng làm mất đấy" mẹ cô nhắc nhở.

"Con sẽ không làm mất đâu". Ruth đeo chiếc nhẫn vào ngón giữa. Nó quá nhỏ cho ngón này, nhưng lại vừa với ngón đeo nhẫn.

Cuối cùng Ruth nhìn vào món quà còn lại. Đó là một cuốn sách có kích thước vừa bằng một cái túi, bìa da, một sợi ruy băng đỏ để đánh dấu trang.

"Con lật ngược lại" mẹ cô nói và lật lại để mặt sau thành mặt trước nhưng ngược đầu về phía bà. Bà lật từng trang cho Ruth xem từ trái sang phải. Tất cả đều được viết bằng tiếng Hoa "Kinh thánh của người Hoa", mẹ cô nói. Bà mở một trang với một chỗ có đánh dấu, hình một phụ nữ Trung Hoa còn trẻ trên cái nền nâu đen.

"Đó là hình bà ngoại con" giọng của mẹ cô vang lên, rất lạ. "Nhìn này, mẹ rửa lại cho con đó" bà gỡ miếng giấy sáp ở cái bản phóng to gấp đôi.

Ruth gật đầu, cảm thấy điều này thật quan trọng, rằng mẹ cô đã gửi đến cho cô một thông điệp từ những người mẹ. Cô cố gắng tập trung vào chuyện đó, không để tâm đến chiếc nhẫn trên ngón tay cô. Nhưng cô không thể không nghĩ đến chuyện bọn nhóc trong trường sẽ bàn tán những gì, sẽ ganh tị ra sao.

"Khi mẹ còn bé, mẹ thường đặt cuốn kinh ở đây" bà Lưu Linh đập vào ngực mình, "lúc ngủ thì chỉ nghĩ về mẹ".

Ruth gật gù "Bà ngoại rất đẹp". Ruth đã xem những tấm hìhh khác của mẹ Cao Linh và Lưu Linh – Waipo như Ruth vẫn thường gọi. Trong những bức ảnh ấy, Waipo có một khuôn mặt chảy xệ với những nếp nhăn sâu như cái rãnh và một cái miệng nghiêm nghị làm thành vết cắt. Bà Lưu Linh cho tấm ảnh vào cuốn kinh, đoạn xoè bàn tay ra "Giờ thì đưa lại đây".

"Cái gì ạ?"

"Nhẫn. Trả lại cho mẹ".

Ruth không hiểu. Một cách miễn cưỡng cô đặt chiếc nhẫn vào tay bà Lưu Linh và nhìn bà cho nó vào chiếc ví lụa.

"Có những món quà quý không thể dùng ngay được. Để dành sau này, càng để lâu càng qúy".

Ruth muốn kêu lên "Không. Mẹ không thể làm như vậy! Đó là quà sinh nhật của con!"

Nhưng cô chả nói gì, tất nhiên. Cô đứng ngây ra, cổ họng nghẹn lại khi bà Lưu Linh đi đến chỗ chiếc ghế dựa bằng nhựa của bà. Bà lật cái đệm ngồi lên. Phía dưới là một miếng gỗ, dưới miếng gỗ là một cái nắp, bà nhấc nó lên. Bên trong cái hộp nông choèn mẹ cô đặt  vào đấy cuốn kinh và chiếc nhẫn trong cái ví lụa. Đây cũng là chỗ bà cất giấu của quý.

"Ngày nào đó mẹ sẽ để lại cho con mãi mãi". Ngày nào? Cổ họng cô đau rát. Cô muốn khóc. "Bao giờ là mãi mãi?" Nhưng cô biết điều mẹ cô muốn nói – mãi mãi trong cái nghĩa "Khi nào mẹ chết đi thì con không cần phải nghe lời mẹ nữa". Trong Ruth là một mớ cảm xúc lẫn lộn, vui sướng vì mẹ cô đã cho cô những món quà quý như thế, bởi vì điều đó có nghĩa là mẹ vẫn còn yêu cô, nhưng trong cô cũng tràn ngập một niềm thất vọng mới mẻ vì cái nhẫn đã bị tước đi quá sớm.

Ngày hôm sau, Ruth lại chỗ chiếc ghế đó, lật tấm đệm và miếng gỗ lên rồi thọc tay vào trong cái hốc lấy chiếc ví lụa. Cô lôi chiếc nhẫn bây giờ đã thành một vật bị cấm đoán ra ngắm nghía. Cô cảm thấy như là cô đã nuốt nó và nó mắc lại trong cổ họng cô. Có thể mẹ cô đưa ra chiếc nhẫn chỉ để hành hạ cô. Chắc chắn rồi! Mẹ cô biết chính xác điều gì có thể làm cho cô khốn khổ. Phải, cô sẽ không để cho mẹ cô có cái cảm giác hả hê này. Cô sẽ giả vờ là cô cũng cóc cần. Cô sẽ ép mình không bao giờ nhìn nó lần nữa, coi như là nó không có mặt trên đời. Vài ngày sau, bà Lưu Linh đi đến phòng Ruth, rầy cô  vì đã ra biển. Khi Ruth chối là cô không đi, bà Lưu Linh chỉ cho cô thấy những dấu giày cô để lại ở ngoài cửa trước. Cô đã đập hai chân vào với nhau và để lại một đống cát trên thềm.

"Đó là cát từ lối đi!" Ruth chống chế.

Và thế là những cuộc va chạm lại tiếp tục, làm cho Ruth cảm thấy vừa quen thuộc vừa lạ lùng. Họ cãi cọ nhau với một sự hăng hái và trong một vòng bảo hiểm ngày càng lớn, họ đã vượt qua đường biên giới tạm thời để lại từ tháng trước, nhưng cố tránh vết xe cũ. Họ quăng đi nhiều nỗi đau, biết rõ ràng họ đã vượt qua được điều tệ hại nhất.

Sau này, Ruth cân nhắc việc vứt bỏ cuốn nhật ký của cô. Cô tìm thấy cuốn sổ chết tiệt vẫn nằm dưới đáy chiếc ngăn kéo đựng đồ lót. Cô lật lại từng trang, đọc chỗ này chỗ kia, khóc cho bản thân. Có một sự thật trong những điều cô viết, cô tin thế, ít nhất thì cũng có một số điều là thật. Có một phần con người cô trong những trang giấy này và cô không muốn quên. Nhưng khi cô đọc đến những dòng cuối, lòng cô dậy lên một nỗi cắn rứt xót xa vbcái cảm giác rằng Chúa, mẹ cô và dì Báu biết rằng cô suýt giết mẹ mình. Cô cẩn thận xoá đi những dòng chữ cuối cùng, di đầu bút của cô đi đi lại lại trên các dòng chữ cho đến khi nó chỉ còn là vết mực đen lem luốc. Ở trang kế trang cuối cùng cô viết "Con rất tiếc. Đôi khi con chỉ muốn mẹ cũng có thể nói rằng mẹ cũng rất tiếc".

Mặc dù cô không bao giờ để cho mẹ cô biết những dòng chữ này, cô cũng cảm thấy dễ chịu khi viết ra. Cô đã trung thực và không xấu cũng không tốt. Sau đó cô cố nghĩ ra một chỗ  giấu cuốn nhật ký mà mẹ cô không thể tìm ra được. Cô trèo lên kệ bếp, kiễng người lên ném cuốn nhật ký lên nóc tủ, quá  cao cho tầm với và cô cũng quên béng mất luôn.

Giờ đây Ruth nhớ lại là trong bao năm qua hai mẹ con cô không bao giờ nhắc lại những chuyện đã qua. Cô đặt cuốn nhật ký xuống. Mãi mãi không có nghĩa là cái đã từng xảy ra. Mãi mãi là những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra. Cô cảm thấy một niềm cảm thông kỳ lạ cho tuổi trẻ non nớt của cô cũng như là một cảm nhận ngượng ngùng về việc cô đã từng ngu ngốc và tự tôn như thế nào. Nếu cô có con, vàn những nó là con gái thì khi lớn lên chắc nó cũng làm cô khốn khổ như cô đã hành mẹ mình. Đứa con gái chắc cũng cỡ 15, 16 tuổi vào lúc này và chắc cũng hét lên là nó căm thù Ruth. Cô tự hỏi không biết có bao giờ mẹ cô nói với bà ngoại cô là bà ghét mẹ mình không.

Lúc ấy cô nhớ đến những tấm ảnh mọi người đã ngắm nhìn trong bữa tiệc đêm Trung thu. Mẹ cô vào khoảng 15 tuổi chụp cùng Waipo và dì Gal. Còn một bức ảnh nữa chụp dì Báu mà mẹ cô nhận nhầm là mẹ ruột của mình. Một ý nghĩ chợt bật ra trong đầu Ruth, tấm hình mẹ cô kẹp trong cuốn kinh. Bà cũng nói rằng đó là ảnh của mẹ bà. Ai trong tấm hình ấy?

Ruth đi tìm chiếc ghế tựa, lật tấm đệm và miếng gỗ lên. Mọi thứ vẫn còn nguyên chỗ cũ, cuốn kinh nhỏ màu đen, chiếc ví lụa và cái nhẫn ngọc màu xanh vỏ táo. Cô mở cuốn kinh và nó còn đây, cũng cái tấm hình mà mẹ cô đã cho xem trong bữa tiệc họp mặt của gia đình. Dì Báu đội một chiếc khăn xếp kỳ lạ và mặt một chiếc áo mùa đông cổ cao. Điều này có nghĩa gì? Mẹ cô có bị loạn trí cách đây ba mươi năm không? Hay dì Báu thực sự là mẹ ruột của bà như bà nói? Nếu vậy thì điều đó có nói lên được là mẹ cô không bị điên không? Ruth nhìn chằm chằm cố tìm ra những đường nét quen thuộc trên khuôn mặt người đàn bà trong hình. Cô không thể phát hiện được gì. Còn cái gì nữa dưới cái ghế? Ruth thò tay xuống lôi ra một gói được bao bằng một cái túi ni lông đi chợ màu nâu, bên ngoài  cột bằng một sợi ruy băng ngày Giáng sinh màu đỏ. Bên trong là một tập giấy toàn viết bằng tiếng Hoa. Ở phía trên cùng của vài tờ giấy đều có một mẫu tự lớn viết rất kiểu cách bằng một bút pháp tài hoa. Mẹ cô đã viết điều này từ trước. Nhưng ở đâu? Khi nào? Rồi điều đó bất thình lình sáng tỏ. Có một tập bản thảo khác, cái tập giấy bị vùi dưới đáy cái ngăn kéo phía tay phải bàn làm việc của cô. "Chân[2]" Cô nhớ lại cái chữ trên cùng ở tập bản thảo mà cô đã đọc. "Đây là những điều mà tôi biết là thật". Câu tiếp sau nói gì nhỉ? Tên họ của những người đã khuất, những bí mật mà họ mang xuống mồ. Cô có cảm giác cuộc đời của mẹ cô bao trong một cái thế chông chênh và câu trả lời đang nằm trên tay cô, nó đã ở đây bao lâu rồi? Cô nhìn vào các chữ ở đầu trang của tập bản thảo cô đang cầm trên tay, một chữ viết thật to. Cô có thể nghe thấy lời mẹ rầy la "Lý ra con phải học hành siêng năng hơn". Phải, lý ra cô phải học tiếng Hoa chuyên cần hơn. Chữ này nom rất quen thuộc, có những đường cong ở phía dưới và ba dấu ở trên – phải rồi, chữ Tâm. Và câu đầu tiên cũng là câu bắt đầu trong tập giấy cô để ở nhà. "Đây là những điều tôi – ". Sau đó thì có khác. Chữ tiếp theo là chữ ứng hài "nên". Mẹ cô hay dùng chữ này lắm. Chữ tiếp theo là chữ bất, một từ nữa mẹ cô vẫn thường nói. Còn sua đó là chữ gì thì cô…không biết. "Đây là những điều mà tôi không nên…". Ruth đoán chữ tiếp theo có thể là "Đây là những điều mà tôi không nên kể ra", "Đây là những diều mà tôi không nên viết ra", "Đây là những điều mà tôi không nên nói ra". Ruth đi vào buồng ngủ, trong đó mẹ cô để cuốn từ điển Anh – Hoa. Cô tìm mục từ kể, viết, nói nhưng không có chữ nào khớp với chữ mẹ cô đã viết ra. Cô hối hả tìm thêm nhiều từ nữa và sau mười phút, cô đã tìm ra, nó là "Đây là những điều tôi không nên quên đi".

Mẹ cô cũng đã đưa cho cô một tập bản thảo viết tay – xem nào – khoảng năm, sáu năm về trước. Có phải mẹ cô đã viết những điều này vào cùng một thời điểm? Có phải bà tiên liệu sau này bà sẽ lãng trí. Khi nào thì bà định đưa cho cô những tập giấy này, nếu như bà có ý định ấy? Khi nào thì rốt cục bà cũng cho cô giữ chiếc nhẫn? Khi nào thì rõ ràng là Ruth cũng có để tâm đến mọi việc? Cô nhìn vào những dòng chữ  tiếp sau. Chẳng có chữ nào ngoài chữ "ngã"[3] là trông quen quen với cô, mà có đến mười ngàn từ tiếp sau chữ "tôi" ấy. Làm sao  bây giờ?

Ruth nằm trên giường, những trang giấy nằm cạnh cô. Cô nhìn bức chân dung của dì Báu rồi đặt nó lên ngực. Ngày mai cô sẽ gọi điện thoại cho Art xem anh có thể giới thiệu cho cô một người có thể dịch được tài liệu này không. Đó là việc thứ nhất. Cô sẽ lấy cả tập bản thảo ở nhà nữa. Đó là việc thứ hai. Cô sẽ gọi cho dì Gal xem dì có biết thêm điều gì không. Đó là việc thứ ba. Rồi cô sẽ đề nghị mẹ cô kể lại những chuyện xảy ra trong đời bà. Một lần nữa cô sẽ hỏi. Cô  sẽ lắng nghe. Cô sẽ ngồi yên lặng như chẳng có gì phải vội vã hoặc chẳng có việc gì khác để làm. Cô sẽ dọn đến ở với mẹ để có nhiều thời gian hiểu mẹ hơn. Art sẽ không thích điều này đâu. Anh có thể nghĩ việc cô dọn đi là dấu hiệu có vấn đề. Nhưng phải có một ai chăm nom mẹ cô chứ. Và cô cũng muốn thế. Cô muốn ở đây khi mẹ cô kể cho cô nghe về cuộc đời bà, đưa cô đi qua các chặng đường khác nhau của bà, giải thích những ý nghĩa bộn bề của các từ tiếng Hoa để có thể thấu hiểu trái tim bà. Đôi tay cô đã đầy kín việc phải làm và cuối cùng cô và mẹ có thể cũng thôi không đếm nữa.

Chú thích:

[1] Toilet water là một loại nước hoa nhẹ dùng sau khi tăm. Ở đây bà Lưu Linh với vốn tiếng Anh hạn chế lại hiểu là thứ nước trong bồn cầu.

[2] Tiếng Hán có nghĩa là sự thật

[3] Có nghĩa là tôi