Cội Rễ

Phía sau "Cội rễ" của Alex Haley

Tác giả: Alex Haley (bút danh của Alexander Palmer Haley) sinh ngày 11-8-1921 tại thành phố Ithaca, bang New York; mất ngày 10-02-1992. Ông học trường đại học Canh nông và Cơ khí bang Alcorn (Alcorn Agricultural and Mechanical College) và đại học Sư phạm thành phố Elizabeth (Elizabeth City Teachers College). Sau 20 năm làm ký giả chính (chief journalist) trong đội quân bảo vệ bờ biển (US Coast Guard), Haley dọDocsach24.comn đến thành phố New York để đeo đuổi nghề văn, và xuất bản The Autobiography of Malcolm X (tự truyện Malcolm X, 1965). Sau đó, Haley bắt đầu nghiên cứu và viết Roots: The Saga of an American Family (Cội rễ: cuốn tiểu thuyết về dòng dõi một gia đình Mỹ). Được dịch ra gần 30 ngôn ngữ và bản tiếng Việt đã in ở Việt Nam nhiều năm trước đây, Cội rễ đoạt giải Pulitzer và giải Sách toàn quốc (National Book Award, 1977), khi chuyển thể thành phim truyền hình lại đoạt giải Emmy. Trộn lẫn giữa sử liệu và hư cấu, Cội rễ không những đưa Haley vào hàng ngũ các nhà văn rất nổi tiếng mà còn gợi hứng cho người Mỹ quan tâm tới gia phả học (genealogy). Tuy nhiên, trước khi thành công vang dội, Haley đã trải qua mười mấy năm đói nghèo. Tự truyện sau đây (tháng 8-1991) hé lộ những khoảng tối đời ông phía sau Cội rễ vinh quang rực rỡ.

Tác phẩm:

Nhiều bạn trẻ bảo tôi rằng họ muốn thành nhà văn. Tôi luôn luôn khuyến khích những bạn ấy, song tôi cũng giải thích rằng có một khác biệt rất lớn giữa “muốn làm nhà văn” và viết văn. Hầu hết họ đều mơ tưởng đến giàu có và danh vọng, chứ không phải những giờ ròng rã ngồi một thân một mình trước máy đánh chữ. Tôi bảo họ: “Bạn phải muốn viết chứ không phải muốn làm nhà văn.”

Thực tế là nghề văn thì đơn độc, riêng tư và kiếm không được nhiều tiền. Trong hàng ngàn kẻ chẳng bao giờ toại lòng khao khát mới có một nhà văn gặp vận may. Thậm chí những ai thành công thường trải qua những thời gian dài nghèo đói và bị hững hờ. Tôi từng gặp cảnh ấy.

Khi rời khỏi đội quân bảo vệ bờ biển sau 20 năm phục vụ và làm cây viết tự do, tôi hoàn toàn chẳng có triển vọng gì. Điều có được chỉ là một người bạn thuở thiếu thời ở thành phố Henning, bang Tennessee. Là quản lý một chúng cư tại khu dân cư Greenwich Village (thuộc khu Manhattan, thành phố New York), George dọn dẹp sạch sẽ một nhà kho làm chỗ tôi ở. Nó thiếu phòng tắm và lạnh lẽo nhưng chẳng hề chi. Tôi mua ngay một máy đánh chữ cũ và cảm thấy mình giống như nhà văn thực thụ.

Tuy nhiên, sau khoảng một năm tôi vẫn không có cơ hội và bắt đầu hoài nghi chính mình. Bán được một truyện khó khăn đến nỗi tôi chỉ kiếm đủ ăn. Nhưng tôi biết tôi cần phải viết. Tôi đã mơ ước việc này nhiều năm. Tôi không muốn giống như những kẻ cứ giày vò tự vấn “Nếu không viết thì sao?” Tôi vẫn tiếp tục đem ước mơ của mình ra thử thách dẫu cho việc này đồng nghĩa với cuộc sống bấp bênh và thất bại chực chờ. Đây là mảng tối của hy vọng và bất kỳ ai đã nuôi ước mơ thì phải biết sống với nó.

Thế rồi một ngày kia tôi nhận cú điện thoại thay đổi đời tôi. Chẳng phải đại diện nhà xuất bản hay ông biên tập muốn đề nghị một hợp đồng béo bở. Trái lại, đó là hồi còi cám dỗ tôi từ bỏ mơ ước đời mình. Người gọi điện là bạn quen cũ thời còn trong đội quân bảo vệ bờ biển, giờ hắn trụ ở thành phố San Francisco. Có lần hắn cho tôi mượn vài đô nên muốn ghẹo tôi: “Alex à, chừng nào trả tớ 15 đô?”

“Lần sau đi, khi tớ bán được truyện.”

Hắn nói: “Tớ có ý hay hơn. Chỗ bọn tớ đang cần một tay trợ lý lo việc thông tin đại chúng, mỗi năm bọn tớ trả 6.000 đô. Nếu cậu muốn thì được ngay.”

Sáu ngàn một năm! Hồi năm 1960 đó thật sự là món tiền lớn. Tôi có thể kiếm căn hộ xinh xinh, tậu chiếc xe cũ, trả nợ nần và biết đâu còn để dành chút đỉnh. Hơn thế nữa, ngoài việc chính ra tôi có thể viết văn.

Trong lúc những tờ đô la đang nhảy múa trong đầu tôi, có cái gì đó làm tôi tỉnh thức. Từ sâu thẳm trong tôi một ý chí ngoan ngạnh nổi cuộn lên. Bấy lâu tôi đã muốn làm một nhà văn toàn tâm toàn ý. Và đó là đường tôi phải đi. Tôi nghe miệng mình nói: “Cám ơn cậu, nhưng thôi đi. Tôi tiếp tục đeo đuổi nghề văn.”

Sau đó, trong lúc bước quanh trong căn phòng nhỏ hẹp, tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như thằng ngu. Vói tay lên tủ chạn (một cái thùng đựng cam đóng lên vách) tôi lấy xuống tất cả những gì còn sót lại: hai hộp cá mòi. Thọc tay vào túi, tôi moi ra được 18 xu. Nhét hai hộp cá và mấy xu lẻ vào cái túi giấy nhàu nhò, tôi nhủ thầm: “Đấy, Alex! Tới nay đó là tất cả những gì mi kiếm được.” Chẳng rõ còn lần nào tôi xuống tinh thần đến thế không.

Tạ ơn Trời có George giúp tôi vượt qua những lúc gian nan. Nhờ anh tôi gặp những nghệ sĩ khác cũng đang vật lộn với cuộc sống, như Joe Delaney, một họa sĩ vốn là cựu binh, người thành phố Knoxville, bang Tennessee. Joe thường thiếu tiền mua thức ăn nên hay ghé tiệm thịt gần nhà xin những khúc xương to tướng còn sót mấy mẩu thịt, và còn được một người bán rau cho vài ngọn rau héo. Đó là tất cả những gì Joe cần có để tự nấu món xúp.

Một láng giềng khác là ca sĩ trẻ bảnh trai đang chật vật với cái nhà hàng khốn khó. Thiên hạ đồn rằng nếu khách kêu món bít-tết, chàng ca sĩ sẽ chạy nhào qua siêu thị bên kia đường mua vội một miếng thịt. Anh ấy tên là Harry Belafonte.

Những người như Delaney và Belafonte trở thành kiểu mẫu cho tôi. Tôi học được rằng ta phải hy sinh và sống sáng tạo để nuôi dưỡng ước mơ. Khi tôi thấm nhuần bài học này thì dần dần cũng bắt đầu bán được văn. Tôi viết về những gì bấy giờ người ta đang bàn bạc: dân quyền, người Mỹ da đen và châu Phi. Chẳng bao lâu, như đàn chim thiên di, tư tưởng tôi quay về thời thơ ấu. Trong căn phòng lặng lẽ, tôi nghe giọng bà tôi, anh họ Georgia, dì Plus, dì Liz và dì Till đang kể tôi nghe những chuyện gia đình, chuyện thời nô lệ.

Trước kia đây là những chuyện người Mỹ da đen vẫn có xu hướng né tránh, thế nên tôi chủ yếu giữ riêng cho mình. Nhưng một hôm ăn trưa với các biên tập viên nguyệt san Reader’s Digest, tôi thuật lại những chuyện kể của bà, các dì và anh em bà con. Tôi nói tôi có một ước mơ truy ngược nguồn gốc gia đình tôi về tận cái thuở những người châu Phi đầu tiên đeo xích xiềng bị chở tới bờ biển nước Mỹ. Tôi rời bàn ăn hôm ấy với một hợp đồng đủ giúp tôi nghiên cứu và viết trong chín năm.

Năm 1976, là 17 năm sau khi tôi rời khỏi đội quân bào vệ bờ biển, “Cội rễ” được xuất bản. Tôi có ngay tiếng tăm và thành công mà ít nhà văn có được. Cái bóng tối năm xưa đã hóa ra ánh đèn màu rực rỡ.

Lần đầu tiên trong đời tôi có tiền và cơ hội mở ra mọi nơi. Điện thoại réo liên tục mang đến bạn bè mới và hợp đồng mới. Tôi thu xếp dọn tới thành phố Los Angeles, ở đó tôi có thể phụ giúp việc chuyển thể “Cội rễ” thành loạt phim truyền hình ngắn. Bấy giờ tôi vừa rối rắm, vừa phấn chấn, và nói theo ý nghĩa nào đó, tôi mù mắt vì ánh sáng thành công chói lòa.

Thế rồi một hôm, trong lúc tháo dỡ đồ đạc tình cờ tôi gặp cái thùng đựng những thứ mà nhiều năm ở Greenwich Village tôi đã có. Trong ấy là cái túi giấy nâu.

Tôi mở túi ra: hai hộp cá mòi han gỉ, đồng 5 xu, đồng 10 xu, và ba đồng 1 xu. Hốt nhiên dĩ vãng như triều dâng cuộn trào. Tôi thấy lại mình gò lưng trên máy đánh chữ trong căn phòng lạnh lẽo, trống trải. Và tôi nhủ thầm: Những thứ trong túi giấy này cũng là một phần cội rễ đời ta; ta không bao giờ có thể quên được.

Tôi bảo quản những kỷ vật trong hộp plastic trong suốt đặt ở nơi ngày ngày tôi đều nhìn thấy. Giờ đây chúng đang trong văn phòng tôi tại thành phố Knoxville, cùng với giải thưởng Pulitzer, một ảnh chụp chín giải Emmy tặng cho phim truyền hình “Cội rễ”, và huân chương Spingarn là một vinh dự cao cả nhất của NAACP[1]. Tôi khó lòng nói được món nào trong những thứ đó có ý nghĩa nhất đối với tôi. Tuy nhiên chỉ có duy nhất một thứ nhắc tôi nhớ lại quãng đường can trường tôi đã kiên tâm đeo đuổi những ngày hàn vi.

Đây là một bài học mà bất cứ ai nuôi mộng làm nhà văn đều nên ghi nhớ.

Dũ Lan Lê Anh Dũng giới thiệu & dịch

Đã đăng báo Người lao động cuối tuần


[1] National Association for the Advancement of Colored People (NAACP: Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu), thành lập tại thành phố New York (1909) với mục đích cải thiện đời sống người Mỹ da đen. (DL/lad chú)