Năm mươi năm sau, đứa cháu đó, lúc này là nhà báo Elicx Hêili (ALEX HALEY), tác giả cuốn “Tự truyện của Malcôm X” lãnh tụ của những người Hồi giáo da đen ở Mỹ, mà như Malcôm đã tiên đoán, chính ông cũng không được đọc, vì ông bị ám sát khoảng hai tuần sau khi hoàn thành bản thảo, bắt đầu cuộc hành trình mười lăm năm trở ngược về quá khứ tìm nguồn cội, với trang bị còm cõi đôi ba tiếng thổ âm lạ tai – “Cô” (cái đàn) “Kămbi Bôlônggô” (con sông)... – còn lưu truyền lại nhờ cái lệ đã thành truyền thống gia đình là ôn lại câu chuyện ông tổ người Phi trước đông đủ các thành viên của gia đình, mỗi khi có thêm một đứa bé ra đời, dù trai dù gái. Khui hàng núi tài liệu ở hàng trăm cơ quan lưu trữ tư liệu, thư viện; gặp gỡ phỏng vấn hàng trăm chuyên gia các ngành nghiên cứu khác nhau: sử học, khảo cổ, Đông Phương học... có khi bỏ hàng tuần lảng vảng quanh trụ sở Liên Hợp Quốc ở Niu Yoóc rình đón các đại biểu Phi để chỉ gặt hái được những cái nhìn câm lặng, hoài nghi, khi mở miệng hỏi về những âm Phi kỳ lạ nọ bằng cái giọng lơ lớ miền Tennexi; bay qua bay lại từ bang này sang bang khác, hết Niu Yoóc đến Oasinhtơn tại Uytconxin, cuối cùng sang tận Gămbia lần mò tới tận làng Jufurê heo hút của bộ tộc Manđinka (tất cả những lặn lội lên rừng xuống biển ấy về sau đều được kể lại trong cuốn “Đi tìm” (Search), điều mà Hêili tìm kiếm đã được xác nhận từ miệng một trong những ông già “graiốt”, bộ nhớ lịch sử của các bộ lạc Phi: “Vào cái đận lính của nhà Vua đến, Kunta vào rừng đẵn gỗ và không bao giờ thấy trở lại nữa...”.
Phải, vào giữa “cái năm lính của nhà Vua đến” – 1767 – người thanh niên Gămbia mười bảy tuổi tên là Kunta Kintê ấy đã bị những tên “tubốp” bắt cóc trong một cánh rừng, dí sắt nung đỏ đóng dấu vào lưng, nhốt xuống hầm tàu, trần truồng, cùng với trên một trăm người khác, đàn ông, đàn bà và trẻ con, thuộc nhiều bộ lạc Phi. Ngày 5-7-1767, con tàu hắc nô mang tên Lođ Ligơnia, do Tômơx Đêiviz làm thuyền trưởng, nhổ neo từ sông Gămbia vượt biển và ngày 29-9-1767 cập bến tại Annơpơlix-Nơplix, theo cách phát âm của người da đen. Một phần ba số tù nhân trong hầm tàu đã chết trên dọc đường và bị quẳng xác xuống làm mồi cho cá. Tờ “Gazét” của Merôlơn – hồi đó chưa có “Hợp Sẻng Cuốc” Mỹ và Merơlơn mới chỉ là một trong những thuộc địa của vương quốc Anh tại châu Mỹ – thông báo HÀNG MỚI NHẬP: “Một mớ nô lệ khỏe mạnh, chọn lọc” sẽ được bán vào thứ tư, 7-10-1767, tới, “lấy tiền mặt hoặc hối phiếu”. Trong các “mớ” đó, có Kunta Kintê...
Hồi đó, phải, hồi đó Hợp Chủng Quốc Mỹ chưa ra đời. Phải đến chín năm sau khi Kunta Kintê bị ném lên đất này như một món hàng, mới bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập. Cuộc chiến tranh này kéo dài bảy năm cho đến khi tướng Anh Cônuôlix đầu hàng và nước Anh phải ký Hiệp ước Vécxay (3-9-1783) công nhận quyền độc lập của mười ba bang hợp thành Hợp Chủng Quốc Mỹ vào thời kỳ ấy, Kunta ngày này qua ngày khác đánh xe chở “mexừ” Uôlơ đi thăm bệnh, chữa bệnh ở các vùng xung quanh Xpốtxylvaniơ để tối tối mang về làm quà cho “xóm nô” những mẩu tin nghe lỏm được ở các thị, quận lỵ, ở nhà bếp hoặc hành lang các đại sảnh... Lòng khát khao tự do khiến dân “xóm nô” háo hức theo dõi thời sự, và những tin tức ấy khiến họ lúc thì phấn khởi, lạc quan đón chờ một thay đổi xã hội chính trị khả dĩ mở ra triển vọng được giải phóng khỏi kiếp tôi đòi nhục nhằn. Khi lại ngụp sâu hơn vào tuyệt vọng. Hai năm trước khi Kunta và Bel thành vợ chồng – quả bầu đựng những viên sỏi đếm thời gian của Kunta cho biết anh đã qua hai mươi “vụ mưa” trên đất “tubốp” – với bản hiến pháp năm 1787, một trong những hứa hẹn tự do ấy dường như đã lấp lóe trước mắt họ. Việc thông qua bản hiến pháp đầu tiên này của nước Mỹ là một thỏa hiệp giữa các phe phái, và phe chống chế độ nô lệ đã đạt được mục tiêu đòi cấm tệ buôn người. Song điều khoản này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ 1807, tức là hai mươi năm sau, và phải hơn nửa thế kỷ nữa, qua cuộc chiến tranh Nam – Bắc (1861 – 1865), chế độ nô lệ mới được chính thức xóa bỏ.
Chế độ nô lệ đã thành thiết chế từ buổi đầu dinh điền ở Bắc Mỹ. Nét nổi bật của lịch sử Mỹ trong thời kỳ này là việc mở rộng về phía Tây, và sự bành trướng đó dẫn đến chỗ gần như tiêu diệt các bộ lạc da đỏ. Tệ buôn người cộng với tỷ lệ sinh đẻ cao của người da đen đã khiến số nô lệ – hầu hết là gốc Phi – tăng vọt lên, chiếm tới 1/7 – 1/8 tổng dân số. Đáng chú ý là vào nửa sau thế kỷ XIX, chế độ nô lệ đã tự nó biến mất ở miền Bắc; các điền chủ ở đây hoặc đã bán hết nô lệ, hoặc đã giải phóng họ. Điều đó – cùng với những tin tức về các cuộc nổi dậy đây đó của người da đen – luôn luôn là đầu đề bàn tán sôi nổi trong những buổi tối họp mặt ở các “xóm nô” của các đồn điền miền Nam, và hình ảnh người “nhọ” tự do trên miền Bắc, đầy sức hấp dẫn, trở thành nỗi trăn trở khôn nguôi của những Kunta cùng bạn nô và con cháu của họ. Điều đó cũng là nguyên nhân bất bình sâu sắc của các điền chủ miền Nam; ở đó, một phần tư dân da trắng, có sở hữu nô lệ, nguồn nhân lực cần thiết cho cuộc canh tác (bông, thuốc lá) của họ. Năm 1860, A. Lincôn trúng cử tổng thống và một trong những chủ trương tích cực của ông là xóa bỏ chế độ nô lệ. Giọt nước tràn cốc đó đã châm ngòi nổ cho cuộc chiến Nam Bắc, được gọi trong sử Mỹ là chiến tranh ly khai (1861 – 1865). Thoạt tiên, Nam Carôlinơ tuyên bố ly khai, rồi tiếp theo là mười bang khác kiên trì chế độ nô lệ. Đây là một cuộc chiến tranh không cân sức, đối lập một miền Bắc 22,5 triệu dân có công nghiệp hiện đại và ưu thế hải quân với một miền Nam nông nghiệp 8,7 triệu dân (trong đó 3,5 triệu là nô lệ hướng về miền Bắc). Tuy nhiên thời gian đầu, với một số tướng tài, miền Nam đã giành một số thắng lợi khá vang dội. Những người dân “xóm nô” ở các đồn điền miền Nam – những Joóc-Gà, Kitzi, Pompi...; vốn trông chờ một sự đổi đời ở thắng lợi của miền Bắc, đã trải qua những cơn tuyệt vọng khi nghe tin quân Yanki thất trận nặng nề ở Bulrăn (21-7-1861), Richmơn (2-7-1862), Frêđêrichxbơg (13-12-1862). Nhưng những năm sau – 1863, 1864, 1865 – các tướng Grant và Sơman, với hàng loạt chiến thắng liên tiếp, đã buộc tướng Ritsớt Li đầu hàng (9-4-1865). Chiến tranh ly khai kết thúc, Hợp Chủng Quốc Mỹ trở lại thống nhất, và chế độ nô lệ được chính thức xóa bỏ theo điều 18 (bổ sung) của hiến pháp. Song, như thường vẫn xảy ra trong cuộc đời, từ lời chữ trên văn bản đến thực tế, nhiều khi là một con đường đo bằng khoảng cách giữa các hành tinh. Nhiều thế hệ con cháu Kunta Kintê đã sống trong những chuỗi dài dặc, xen kẽ ảo tưởng, hy vọng và vỡ mộng đó...
Một chiều 29-9-1967 đúng hai thế kỷ sau ngày con tàu chở hắc nô Lođ Ligơnia đổ “mớ hàng mới” lên đất mỹ – Elicx Hêili đứng trên một cầu tầu ở cảng Annơpơlix, nhìn ra khơi, nơi con tàu định mệnh oan nghiệt đã vượt qua để mang ông tổ bảy đời của ông tới đây, và chợt thấy mình khóc những giọt nước mắt ngậm ngùi trên cái mảng đầy bóng tối và bị che lấp ấy của lịch sử nước Mỹ...
Và như thế “Cội Rễ” đã được thai nghén...
Hêili, mà dòng máu Phi trong huyết quản, qua bảy thế hệ đã hơn một lần bị pha loãng, vẫn không quên nỗi day dứt về nguồn cội khuấy lên bởi những tiếng kỳ lạ do người bà ngoại quá cố dạy, những chiều hai bà cháu ngồi trước cổng ngôi nhà ở Henninh, Tennexi. Ông đã nghiền ngẫm câu chuyện được nhắc đi nhắc lại, mỗi lần có thêm một đứa trẻ ra đời trong gia đình, về một ông tổ người Phi khăng khăng một mực nhấn mạnh tên mình là Kunta Kintê, chứ không phải Tôby như “mexừ chủ” đặt, khăng khăng không chịu quên những tiếng của làng cũ quê xưa, những tiếng mà với biết bao tâm thành, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ truyền lại, và nhắc con cháu truyền lại, đời này qua đời khác, những di tồn duy nhất còn sót lại về gốc tổ. Và từ đầu mối mong manh ấy, Hêili đã lập lại được gia phả đau thương của dòng họ.
Chúng ta chia sẻ với Kunta nỗi căm giận điên cuồng khi ông bị bắt, nỗi đau trong chặng hành trình vượt đại dương dưới hầm tối của con tàu hắc nô, với bảy thế hệ con cháu của ông, những nhục nhằn bất tận của kiếp nô, những khắc khoải triền miên với ảo tưởng tự do không ngừng bị tan vỡ. Độc giả sẽ nhớ mãi Kunta Kintê và cái thế giới đột hiện lên từ quá khứ cùng với ông, cái thế giới của những người nô lệ bị áp bức đến cùng cực mà bao lâu những xã hội gọi là “văn minh” ở phương Tây khăng khăng không chịu nhận là đồng loại. Người ta có thể còn có nhiều điều bàn cãi về quan điểm của tác giả, về sự chính xác của một số chi tiết lịch sử, và bút pháp có phần thô sơ, cục mịch (mặc dầu nó có cái sức mạnh hồn nhiên của văn học truyền miệng), nhưng điều quan trọng là Elicx Hêili đã trả lại cho một dân tộc những miền đã mất đi của ký ức. Trong “Cội Rễ”, chính là những người nô lệ, chứ không phải đám chủ của họ, đã lên tiếng. Và tiếng nói đó vút lên từ thẳm sâu quá khứ, sẽ không bao giờ tắt nữa. Hêili đã đắp thêm vào lịch sử nước Mỹ – và lịch sử phương Tây – trọng lượng của những đau đớn, nhục nhằn chất nặng trên cuộc đời Kunta Kintê cùng con cháu họ. Và hai mươi lăm triệu người da đen trên đất Mỹ, mà tổ tiên đã bị trốc rễ, cướp đi khỏi quê hương như Kunta Kintê, nay hiểu rõ rằng mình cũng có một CỘI RỄ. Đó là điều mà từ nay không gì xóa nổi khỏi ý thức của họ.
HẾT TẬP 2