Trong những ngày sau, anh hầu như không nhận ra mình đánh xe đi những đâu. Giá như có sự thay vị đổi ngôi, ông chủ xuống kéo xe và lũ ngựa lên ngồi ghế đằng sau anh, anh cũng bất cần biết, bởi lẽ tâm trí anh đầy tràn những hình ảnh Bel chèo thuyền xuôi dòng bôlông đến ruộng lúa, với con trai anh địu gọn gàng trên lưng. Anh hầu như không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài những ý nghĩa vô vàn của đứa con đầu lòng sắp ra đởi này, cũng như đối với Binta và Ômôrô, anh đã từng là con đầu lòng. Anh nguyện rằng cũng như bố mẹ cùng những người khác đã làm với anh ở Jufurê, anh sẽ dạy đứa con trai này thành một bậc tu mi nam tử chân chính, bất kể có thể gặp những thử thách và bất trắc như thế nào đi nữa trên mảnh đất này của bọn tubốp. Bởi vì nhiệm vụ của một người cha là phải làm sao như một cái cây khổng lồ cho con trai mình nương tựa. Bởi vì, trong khi con gái chỉ cần được nuôi ăn đến khi đủ lớn để lấy chồng và đi sang nhà khác – mà con gái là do mẹ chúng lo liệu – thì con trai chính là người nối tiếp tên tuổi và thanh danh của gia đình, rồi tới khi cha mẹ già nua, đi không vững, lại chính con trai, từng được nuôi dạy tốt, phải đặt việc phụng dưỡng hai thân lên trên hết.
Việc Bel có mang đưa tâm tưởng của Kunta trở về xa thẳm Châu Phi, thậm chí còn xa hơn cả cuộc gặp gỡ với bác nhạc công người Gana. Thực vậy, một đêm, anh hoàn toàn quên bẵng là Bel đang ở trong lều trong khi anh kiên nhẫn đếm tất cả những hòn sỏi trong chiếc vỏ bầu để ngỡ ngàng phát hiện ra là đã đúng hăm hai vụ mưa rưỡi, anh không được thấy quê hương. Nhưng phần lớn các buổi tối, chị cứ nói hầu như liên tục trong khi anh ngồi đó, nghe lơ đãng hơn mọi khi, mắt trân trân nhìn vào khoảng không. «Anh í chỉ miên man vào những cái trò vè Phi Châu nhà anh í thôi». Bel thường nói với thím Xuki như vậy. Và sau một lát, Bel thường đứng dậy khỏi ghế, không để Kunta thấy, lặng lẽ rời căn phòng, miệng lẩm bẩm một mình và lủi thủi đi ngủ.
Vào một đêm như thế, khoảng một giờ sau khi chị đi nằm, những tiếng rên từ trong buồng ngủ làm Kunta giật bắn người, trở lại thực tại của căn lều. Đã đến lúc rồi sao? Anh bổ nhào vào, thấy chị vẫn ngái ngủ, nhưng đang lăn lộn, cơ hồ sắp la thét. Khi anh cúi xuống sờ má Bel, chị ngồi thẳng dậy trong đêm tối, mình đẫm mồ hôi, hơi thở nặng nhọc.
«Lạy Chúa, tui sợ chết khiếp cho đứa bé trong bụng!» chị vừa nói vừa quàng tay ôm lấy anh. Kunta không hiểu. Mãi một lúc sau chị mới đủ trấn tĩnh lại để kể rằng chị vừa nằm mơ thấy tại một cuộc chơi liên hoan của người da trắng, họ đã thông báo giải nhất sẽ là đứa bé da đen sắp ra đời ở đồn điền của mexừ. Bel đâm hoang mang đến nỗi Kunta phải sắm cái vai trò bất thường là trấn an chị bằng cách cả quyết rằng mexừ Uolơ, như chị biết đấy, ắt chẳng bao giờ nỡ làm như vậy. Anh thuyết phục chị phải đồng ý thế, rồi trèo vào giường nằm bên chị và cuối cùng, chị lại thiếp đi.
Nhưng Kunta thì không ngủ được; anh nằm nghĩ ngợi hồi lâu, nhớ là đã nghe nói có những điều như thế từng xảy ra – những đứa bé da đen chưa đẻ đã bị nhắm đem cho làm quà, bị đưa ra đặt cược ở những canh bạc, những cuộc chọi gà. Bác vĩ cầm đã kể cho anh nghe câu chuyện lão chủ hấp hối của một cô gái da đen mười lăm tuổi có chửa tên là Meri, đã di chúc lại cho năm con gái mỗi nường được một trong năm đứa con đầu tiên của Meri để làm nô lệ. Anh đã nghe kể về những đứa bé da đen được dùng làm bảo chứng để vay mượn, về những chủ nợ nhận trước chúng từ khi còn ở trong bụng mẹ, về những con nợ bán trước chúng để lấy tiền mặt. Hồi đó, ở các cuộc bán đấu giá nô lệ tại tỉnh lỵ Xpotxylvania, theo anh biết, giá trung bình được đặt và trả cho một đứa bé da đen khỏe mạnh ngoài sáu tháng – khi người ta biết chắc là nó sẽ sống – là vào khoảng hai trăm đôla.
Tất cả những chuyện đó vẫn lởn vởn trong trí anh khi mà, vào một buổi tối sau đó khoảng ba tháng, trong căn lều Bel vừa cười vừa kể cho anh nghe là lúc ban ngày, « mămzen » An thóc mách đã hỏi tại sao bụng Bel lại to đến thế. Tui biểu « mămzen » An: Tui đang ủ một ổ bánh con con trong lò đấy, cô bé thân yêu ạ. Kunta khó khăn lắm mới giấu được Bel khỏi thấy nỗi công phẫn của anh trước sự chăm chút, yêu thương chị dành cho con nhỏ giống như búp bê được chiều chuộng rất mực ấy, mà đối với anh, nó chỉ là một đứa khác trong cái đoàn lũ tưởng như bất tận những “tiểu thư”, “công tử” anh thấy ở biết bao ngôi nhà lớn. Giờ đây, khi Bel sắp sửa có một đứa bé cho riêng chị - và của riêng anh – anh nổi điên lên khi hình dung đứa con trai đầu lòng của Kunta và Bel Kintê chạy nhảy “chơi” với lũ trẻ nít tubốp mà sau này lớn lên sẽ thành các ông chủ - thực tế, nom chúng như sinh đôi vậy – vì cả hai đều cùng một bố da trắng. Kunta nguyền rằng nếu có chuyện gì như thế xảy ra với Bel, thì anh giết quách ông chủ đi còn hơn là trở thành một trong những gã đàn ông mà anh đã thấy cam phận ôm đứa hài nhi “tai tái” của vợ mình và sống với nỗi canh cánh biết rằng hễ công khai thở ra một tiếng phàn nàn thì chắc chắn sẽ bị đánh đập, nếu không phải là tệ hại hơn nữa. Kunta nghĩ đến những đứa con gái nô lệ da “tai tái” được trả giá cao ngần nào tại các cuộc bán đấu giá nô lệ ở trên tỉnh. Anh đã thấy chúng bị đem bán và đã nhiều lần nghe nói về mục đích họ mua chúng để làm gì. Và anh nghĩ đến biết bao chuyện từng được nghe về những đứa con trai da “tai tái” – mới lọt lòng đã có nguy cơ bị bí mật đem đi mất tăm không bao giờ thấy lại, bởi vì người da trắng sợ nếu không thế, lớn lên chúng có thể giống dân mình và trốn đi đến những nơi không ai biết chúng, rồi đem hòa lẫn cái chất đen trong máu chúng vào dòng máu những phụ nữ da trắng. Mỗi lần nghĩ đến bất cứ khía cạnh nào của sự pha trộn máu, Kunta lại cảm ơn Chúa Ala về việc anh và Bel có thể chia sẻ niềm an ủi là dù sao chăng nữa, con trai họ cũng sẽ có nước da đen nhánh.
Bel bắt đầu trở dạ đau vào khoảng đầu một đêm tháng 9 năm 1790. Nhưng chị không muốn để Kunta đi tìm mexừ, ông ta đã hứa đích thân đỡ cho chị và nếu cần thì chị Manđy phải sẵn sàng phụ việc ông. Mỗi lần cơn đau nổi lên, Bel nằm trên giường nghiến răng để khỏi kêu thành tiếng và càng riết chặt tay Kunta mạnh mẽ như đàn ông.
Chính trong một khoảng cách ngắn ngủi giữa hai cơn đau Bel quay bộ mặt đẫm mồ hôi về phía Kunta và nói: “Có một điều đáng ra tui phải kể với mình từ trước. Tui đã hai lần có con, lâu lắm rồi, trước khi tui đến đây, trước cả khi tui tròn mười sáu tuổi” Kunta sửng sốt đứng nhìn xuống Bel đang quằn quại. Giá anh biết chuyện này..., không, dù thế nào đi nữa, anh cũng vẫn lấy chị thôi... Song anh cảm thấy như bị phụ bạc vì nỗi chị không nói cho anh biết từ trước. Gắng thở dốc, thều thào giữa những đợt quặn đau, Bel kể cho anh nghe về hai đứa con gái mà chị đã phải xa lìa khi người ta đem bán chị đi. “Dạo ấy, chúng còn bé tí”. Chị bắt đầu khóc. “Một đứa mới lẫm chẫm tập đi, còn đứa kia chưa đầy năm”. Chị định kể tiếp, nhưng một cơn đau co thót khiến chị phải bặm miệng lại và bóp chặt lấy tay anh. Khi đã dìu dịu, chị vẫn không buông lỏng tay, ngước lên nhìn anh qua hàng nước mắt và như đọc được suy nghĩ xao động trong đầu anh, chị nói: “Nếu mình muốn biết, bố chúng nó chẳng phải là ông chủ cũng chẳng phải là xubadăng. Chỉ là một nhọ lực điền trạc tuổi tui thôi. Bọn tui chả biết ai hơn”.
Cơn đau lại đến, sớm hơn lần trước nhiều, và móng tay chị bấm sâu vào lòng bàn tay anh trong khi miệng há hốc kêu không ra tiếng. Kunta bổ nhào từ lều mình đến lều chị Manđy, đấm cửa thình thình, cất giọng khản đặc gọi, rồi lại mở hết tốc lực chạy đến ngôi nhà lớn. Vừa gõ cửa vừa gọi, cuối cùng anh kéo được mexừ Uolơ ra, ông này chỉ liếc nhìn Kunta một cái là hiểu ngay. “Ta sẽ đến đó ngay”, ông nói.
Những tiếng rên đau đớn của Bel, rít lên xé tan yên tĩnh của xóm nô, đuổi khỏi tâm trí Kunta mọi suy nghĩ về những điều Bel vừa thổ lộ cho anh biết. Mặc dầu rất muốn ở bên cạnh Bel, anh vẫn thấy mừng khi chị Manđy ra lệnh cho anh phải ở ngoài; anh ngồi bệt ngay trước cửa, cố hình dung những gì đang diễn ra bên trong lều. Hồi ở Châu Phi anh chưa từng biết gì về chuyện sinh nở, vì cái đó được coi là công việc của phụ nữ, nhưng anh đã nghe nói là người đàn bà, lúc đẻ, quỳ trên những tấm vải trải trên nền nhà, rồi ngồi vào một chảo nước để rửa sạch máu và anh băn khoăn không biết điều đang xảy ra bây giờ có đúng như thế không.
Kunta chợt nghĩ rằng ở tận Jufurê xa vời, Binta và Ômôrô giờ đây đã trở thành ông bà nội và anh buồn bã hiểu rằng chẳng những ông bà và cháu sẽ không bao giờ được trông thấy nhau, mà thậm chí hai người chắc cũng chẳng bao giờ biết là anh đã có con trai nữa kìa.
Nghe thấy những tiếng kêu choe chóe đầu tiên của một giọng khác, Kunta vùng đứng thẳng dậy. Mấy phút sau ông chủ nhô ra, coi bộ phờ phạc. “Chị ấy đẻ khó. Chị ấy bốn mươi ba tuổi rồi còn gì”, ông nói với Kunta. “Nhưng trong vòng hai hôm, sẽ tốt đẹp cả thôi”. Ông chủ ra hiệu về phía cửa căn lều. “Để Manđy dọn dẹp một lúc cho sạch sẽ gọn gàng, rồi hãy vào mà xem mặt con gái”.
Một đứa con gái! Kunta còn đang đấu tranh để định thần lại thì chị Manđy hiện ra ở khung cửa, tươi cười vẫy anh vào. Tập tễnh đi qua gian buồng đằng trước, anh kéo tấm rèm cửa buồng ngủ sang bên và nhìn thấy hai mẹ con nằm đó. Trong khi anh rảo bước tiến đến bên chị, một tấm ván sàn kêu cót két và Bel mở mắt ra, cố gượng mỉm một nụ cười yếu ớt. Lơ đãng, anh quờ thấy bàn tay chị bóp chặt lấy mà hồ như không cảm thấy nó, vì anh đang mải nhìn chằm chặp vào bộ mặt đứa bé nằm cạnh chị, không sao rứt ra nổi. Nó đen gần như mặt anh và các nét rõ là Manđinka không lẫn được. Dù là gái – đó hẳn là ý Chúa Ala – nó vẫn là một đứa bé và anh cảm thấy một niềm tin thanh thản và tự hào sâu sắc khi biết rằng dòng máu bộ tộc Kintê từng xuôi chảy qua bao nhiêu thế kỷ như một con sông mãnh liệt, sẽ còn tiếp tục chảy thêm một thế hệ nữa.
Những ý nghĩ tiếp theo của Kunta, trong khi anh đứng đó bên cạnh giường, xoay quanh việc chọn một cái tên thích hợp cho con. Tuy hiểu rằng không thể xin ông chủ cho nghỉ việc tám ngày để suy xét quyết định chuyện này như một ông bố mới vẫn làm thế ở Châu Phi, song mặc khác, anh cũng biết rằng vấn đề đòi hỏi một sự suy nghĩ khá lâu và nghiêm túc vì anh hiểu rằng tên gọi của một đứa bé sẽ ảnh hưởng thực sự đến việc nó sẽ trở thành người như thế nào, dù nó là trai hay gái. Thế rồi một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu anh: bất kể anh đặt tên cho nó là gì, con bé cũng sẽ được gọi theo họ của ông chủ nữa; ý nghĩ ấy khiến Kunta giận dữ và anh nguyền trước Chúa Ala rằng con bé này lớn lên sẽ biết tên thật của nó là gì.
Đột nhiên chẳng nói chẳng rằng, anh quay ngoắt và bỏ đi. Trời vừa bắt đầu tang tảng rạng đông, anh đi ra ngoài và bước dọc theo hàng rào trên cái lối anh và Bel trước đây đã tình tự với nhau. Anh cần phải suy nghĩ. Nhớ lại những điều chị kể cho anh về nỗi khổ lớn nhất trong đời chị - bị bán rứt đi khỏi hai đứa con gái nhỏ - anh moi óc tìm một cái tên, một tiếng Manđinka nào đó có ý nghĩa nói lên ước muốn sâu sắc nhất của Bel là không bao giờ phải chịu một mất mát như thế nữa, một cái tên sẽ che chở cho kẻ mang nó không bao giờ phải mất mẹ. Độp một cái, anh bỗng tìm ra nó! Lật đi lật lại tiếng ấy trong đầu, cố cưỡng lại nỗi thèm muốn nói to nó lên, dù chỉ cho riêng mình nghe thôi, anh đành nén lòng vì làm như thế là trái lệ. Đúng rồi, tất phải là thế! Mừng rơn về sự may mắn đến với mình trong một khoảnh khắc ngắn như vậy, Kunta hối hả đi dọc theo hàng rào trở về căn lều.
Nhưng khi anh bảo Bel là mình đã chuẩn bị đặt tên cho con, chị liền phản đối mạnh mẽ tới mức không sao tưởng tượng nổi chị lại có thể hăng đến thế trong thể trạng lúc đó. “Vội gì mà đặt tên con sớm thế? Mà đặt tên nó là gì cơ chứ? Chúng ta chưa việc gì phải nói đến chuyện tên mới tuổi muốn sao thì sao!” Kunta thừa biết Bel có thể bướng bỉnh đến mức nào một khi chị đã nổi đóa, cho nên giọng anh có đau xót lẫn giận dữ trong khi anh tìm những lời lẽ đúng đắn để giải thích rằng có một số truyền thống cần phải được tôn trọng, một số thủ tục cần phải theo trong việc đặt tên cho một đứa trẻ, trong đó điều chủ yếu là cái tên đó phải do một mình người bố chọn, anh ta được phép giữ kín không cho ai biết kỳ đến khi bộc lộ trước nhất với đứa bé và chỉ có làm thế mới đúng. Anh tiếp tục nói rằng nhanh vội là thiết yếu, kẻo nhỡ con gái họ lại nghe thấy trước một cái tên nào đó mà mexừ có thể quyết định đặt cho nó.
“Giờ thì tui hiểu rồi!” Bel nói. “Những thói tục Phi Châu đầy rẫy trong đầu anh, nó chẳng được việc gì mà chỉ thêm nhiễu sự thôi. Và những cách thức, tên tuổi vô đạo í, tất tật cả đều không hợp với đứa bé này!”
Trong cơn giận dữ, Kunta nhào ra khỏi căn lều – và suýt đâm xầm vào thím Xuki cùng chị Manđy đang đi vào, mang hàng ôm khăn lau và những nồi nước bốc hơi.
“Chúc mừng anh Tôby bọn tui đến thăm nom Bel đây”.
Nhưng Kunta chỉ hơi ậm à với họ khi đi ngang qua nhau. Một lực điền tên là Catô đi ra rung loạt chuông đầu tiên buổi sáng, báo cho mọi người ra khỏi lều lấy xô múc nước ở giếng để rửa ráy trước bữa điểm tâm. Kunta nhanh chóng quành khỏi xóm nô, rẽ vào lối đi đằng sau dẫn tới chuồng ngựa, muốn lánh thật xa cái đám người da đen vô đạo kia mà bọn tubốp đã huấn luyện đến độ đâm chùn lại sợ bất kỳ cái gì có hơi hướng Phi Châu vốn là nguồn cội của chính họ.
Trong chốn thánh đường chuồng ngựa, Kunta cáu kỉnh cho ngựa ăn, dội nước và kỳ cọ cho chúng. Khi biết rằng đã đến giờ điểm tâm của ông chủ, anh lại đi vòng quãng đường dài, tới cửa bếp ngôi nhà lớn; tại đây, anh hỏi thím Xuki, hiện tạm thay Bel, xem mexừ có cần dùng xe hay không. Chẳng buồn nói hoặc thậm chí ngoảnh lại, thím lắc đầu và rời khỏi căn bếp, không mời anh ăn chút gì. Tập tễnh trở về chuồng ngựa, Kunta tự hỏi không biết Bel đã kể với thím Xuki và chị Manđy những gì cho họ đi ngồi lê đôi mách khắp xóm nô, rồi anh tự nhủ: mặc kệ!.
Anh phải làm một cái gì với bản thân mình; anh không thể nhởn nhơ thêm hàng giờ quanh chuồng ngựa. Mang bộ đồ thắng đai cỗ xe ra ngoài, anh bắt tay vào cái công việc quen thuộc là giết thì giờ bằng cách tra dầu mỡ vào những thứ đó tuy không cần thiết, vì anh mới làm việc này cách đây có hai tuần lễ. Anh muốn quay trở về lều để nhìn mặt đứa bé – và cả Bel nữa – song cơn giận lại trào lên mỗi khi anh nghĩ đến nông nổi hiện tại: Thật nhục nhã biết bao, ai đời vợ một người trong dòng họ Kintê mà lại muốn cho con mình mang một cái tên tubốp nào đó! Đấy chỉ là bước đầu đi tới chỗ phải tự khinh bỉ mình suốt đời thôi!
Vào quãng trưa, Kunta trông thấy thím Xuki đem vào cho Bel một nồi thức ăn gì đó – có lẽ là một thứ xúp. Nghĩ đến chuyện ấy, anh bỗng thấy đói; mấy phút sau, anh ra sau chuồng ngựa, nơi khoai lang vừa rỡ được chất đống ủ dưới rơm; anh chọn lấy bốn củ nhỏ và – tự cảm thấy thương tâm vô hạn – ăn sống tất cả để làm nguôi dạ dày.
Hoàng hôn xuống rồi anh mới quyết định về nhà. Khi anh mở cửa trước và bước vào, buồng ngủ vẫn lặng tờ, không có tiếng Bel đáp lại. Có thể chị đang ngủ, anh nghĩ thầm và cúi xuống thấp một ngọn nến trên bàn.
“Mình đấy à?”.
Anh không hề thấy gì đặc biệt cộc cằn trong giọng nói của Bel. Ậm ừ một cách chung chung, anh nhấc cây nến lên, kéo tấm rèm sang bên và đi vào buồng ngủ. Trong ánh sáng đỏ mờ, anh có thể thấy vẻ mặt chị cũng cương quyết chẳng kém gì anh.
“Này nhé, Kunta”, chị nói, đi thẳng vào vấn đề, không phí thời gian vô ích, “có một vài điều tui hiểu ông chủ hơn mình đấy. Mình cứ giở những cái thói Phi Châu í ra, ngộ ông í nổi điên lên bán quách cả ba ta vào phiên đấu giá ngoài tỉnh sắp tới cho biết tay thì sao!”
Cố hết sức nén cơn giận trong lòng, Kunta ấp úng tìm lời lẽ để nói cho Bel hiểu rằng anh đã quyết tâm tuyệt đối, bất chấp mọi nguy cơ, không để con gái anh mang tên tubốp và hơn thế nữa, nó phải được đặt tên theo đúng phép tắc.
Mặc dầu bất đồng tình sâu sắc, Bel còn lo ngại hơn nữa về điều mà Kunta có thể sẽ làm nếu như chị từ chối không nghe anh. Cho nên, cuối cùng chị chấp thuận mà trong lòng rất áy náy, thắc thỏm. “Mình phải làm cái thứ pháp thuật gì nào?” chị hỏi, vẻ hoài nghi. Khi anh nói chỉ cần mang đứa bé ra ngoài một lát thôi, chị một mực yêu cầu anh chờ nó dậy để chị cho bú, cho nó khỏi đói, khỏi khóc, và Kunta đồng ý ngay lập tức, Bel ước tính là ít ra phải hai tiếng nữa đứa bé mới dậy, bấy giờ trong xóm nô chắc hẳn khó mà có ai còn thức để thấy bất kể trò lễ bái nhố nhăng gì mà Kunta định tiến hành. Tuy không bộc lộ ra, Bel vẫn còn tức tối về nỗi Kunta không cho chị tham gia chọn tên cho đứa con gái mà chị vừa cho ra đời, giữa những đau đớn như thế; và chị nơm nớp lo Kunta triềng ra một cái tên có âm Phi gớm ghiếc, nhưng chị tin chắc sau này có thể định liệu với tên đứa bé theo cách riêng của mình.
Đã gần nửa đêm khi Kunta nhô ra khỏi căn lều, bồng đứa con đầu lòng quấn gọn ghẽ trong một tấm mền. Anh cứ đi miết đến lúc cảm thấy xóm nô đã khá xa, không còn có thể phủ một tấm khăn liệm lên cái điều sắp sửa diễn ra.
Rồi, dưới trăng sao, Kunta nâng bổng đứa bé lên, xoay cái bọc phủ mền trong tay cho tai phải đứa bé chạm vào môi mình. Và chậm rãi và rành rọt anh thì thầm bằng tiếng Manđinka ba lần vào lỗ tai nhỏ xíu: “Tên con là Kitzi. Tên con là Kitzi. Tên con là Kitzi”. Điều đó được tiến hành như xưa kia đã từng tiến hành với tất cả các tổ tiên dòng họ Kintê, như đã từng tiến hành với bản thân anh, như ắt hẳn cũng sẽ tiến hành với đứa bé này nếu nó sinh ra ở quê cha đất tổ. Nó đã trở thành người đầu tiên được nghe tên đó để biết mình là ai.
Kunta cảm thấy châu Phi rộn rã trong mạch máu mình – và chảy truyền từ anh sang đứa bé, cái phần tươi mát của anh và Bel – trong khi anh tiếp tục đi xa hơn chút nữa. Rồi anh lại dừng bước và nhấc một góc nhỏ của tấm mền để lộ khuôn mặt đen nhỏ xíu của đứa bé ngửa lên trời, và lần này anh nói với nó thật to bằng tiếng Manđinka: “Hãy nhìn xem cái duy nhất lớn hơn bản thân con!”.
Khi Kunta bế đứa bé trở về lại căn lều, Bel gần như giằng nó ra, mặt rúm lại vì sợ và bực bội trong khi chị mở tấm mền xem xét nó từ đầu đến chân, không biết là mình tìm cái gì, đồng thời hy vọng sẽ không tìm thấy. Hài lòng thấy anh không làm điều gì quá quắt – ít ra cũng không có gì lộ liễu – chị đặt đứa bé vào giường, trở ra căn phòng đằng trước, ngồi xuống ghế đối diện với anh, cẩn thận khoanh tay trong lòng và hỏi:
“Thôi được, giờ thì cho tui biết đi”.
“Biết cái gì?”
“Tên, cái tên tiếng Phi í, mình gọi nó là gì?”.
“Kitzi”.
“Kitzi! Có ai từng nghe cái tên nào như vậy chưa?”.
Kunta giải thích rằng tiếng Manđinka, “Kitzi” nghĩa là “ngồi xuống” hoặc “ở nguyên đó”, ý nói rằng không giống như hai đứa trước của Bel, con bé này sẽ không bao giờ bị bán đi.
Chị vẫn không chịu yên. “Chỉ khới chuyện!” chị nhấn thêm. Nhưng khi cảm thấy cơn giận dữ của Kunta bắt đầu dâng lên, chị nghĩ biết điều thì im đi. Chị nói là có nhớ đâu như mẹ chị từng nhắc đến một người bà tên là “Kipbi” nghe rất giống cái tên kia; chí ít, họ cũng có thể nói vậy với ông chủ nếu ông ta sinh nghi.
Sáng hôm sau, Bel cố hết sức giấu nỗi lo sợ của mình khi ông chủ đến thăm chị - thậm chí còn gượng cười to ra điều vui vẻ khi nói cho ông ta biết tên đứa bé. Ông ta chỉ bình luận rằng đó là cái tên kỳ cục, nhưng không tỏ ý phản đối gì cả, và Bel thở phào một tiếng như trút gánh nặng khi ông bước ra khỏi cửa. Trở về ngôi nhà lớn, trước khi sai Kunta đánh xe lên đường, bắt đầu một ngày thăm các bệnh nhân, mexừ Uolơ mở quyển kinh thánh đen to tướng cất trong một cái hòm khóa chặt trong phòng khách, giở đến một trang dành để ghi các sự kiện ở đồn điền và viết một hàng chữ đen rõ đẹp: “Kitzi Uolơ, sinh ngày 12-9-1790”