Vẫy tay rối rít, chị chạy nhanh về phía đường cái, gào đến vỡ phổi: “Joóc-Gà! Joóc-Gà!”. Người cưỡi ngựa ghìm cương lại ngay bên kia hàng rào, con vật đẫm mồ hôi thở phập phồng, nhẹ nhõm.
“Cô gái, ta có biết cô không nhỉ?” ông hỏi, mỉm cười lại với chị.
“Không ạ, chúng ta chưa gặp nhau bao giờ, dưng mà anh Tôm, mẹ Tilđa mấy cả gia đình nói chuyện về ông nhiều đến nỗi cháu biết rõ hình dạng ông dư thế nào”.
Ông nhìn chị chằm chằm: “Tôm và Tilđa của ta?”.
“Vâng! Vợ ông và chồng cháu – bố của các con cháu!”.
Ông phải mất vài giây mới hiểu ra. “Con và Tôm đang có một đứa bé hả?”. Chị gật đầu, tươi cười và vỗ vỗ cái bụng chửa: “một tháng nữa đến cữ!”. Ông lắc đầu! “Lạy chúa toàn năng! Tên con là gì?”.
“Airin ạ!”.
Sau khi bảo ông cứ cưỡi ngựa đi tiếp, Airin vụng về rảo bước đến mức nhanh nhất mà chị dám, cho tới chỗ có thể gọi với sang một khu vực khác của đồn điền nơi Vơjơl, Asfođ, Joóc-con, Jêimz, Luyx, Kitzi-bé và Lili Xiu đang trồng cây. Nghe thấy chị hú gọi, Kitzi-bé lo lắng chạy vội tới rồi lại lao đi chuyển tiếp cái tin bất ngờ. Tất cả hổn hển tới xóm nô, hò la và xộn rộn quanh ông bố, bà mẹ và Tôm, ai nấy đều cố ôm lấy bố ngay tức thì, cho đến khi ông Joóc-Gà bị đấm thùm thụp và quay cuồng – đâm chìm ngợp hoàn toàn bởi sự đón tiếp dành cho mình.
“Có lẽ tốt nhất là các con nghe tin buồn trước” và ông báo cho gia đình biết: bà nội Kitzi và bà Xerơ đã mất. “Cả bà cụ chủ Liơ cũng đi rồi...”
Khi cơn buồn về những mất mát đó đã nguôi nguôi phần nào, ông bèn mô tả hình dạng bà Malizi và, sau đó, cuộc gặp gỡ của ông với mexừ Liơ, kết cục đi đến tờ chứng chỉ tự do mà ông phô ra một cách đắc thắng. Ăn tối xong, đêm xuống, gia đình vui sướng xúm quanh Joóc khi ông đi vào câu chuyện về gần năm năm ở trên đất Anh.
“Nói thật mấy các con, thiết tưởng bố phải làm một năm nữa mới kể hết những gì bố đã thấy, đã làm ở bờ biển bên kia! Lạy chúa!”. Nhưng bây giờ, ít ra ông cũng phác cho họ biết mấy nét nổi bật về sự giàu sang phú quý và uy tín xã hội của ngài X. Eric Raxet, về đàn gà nòi chính tông có dòng giống lâu đời và bách chiến bách thắng của ông, và về chuyện bản thân ông, với tư cách là một chuyên gia luyện gà người da đen từ Mỹ sang, đã tỏ ra hấp dẫn như thế nào đối với những người mê chọi gà ở nước Anh, tại đó các phu nhân đài các thường dạo chơi, dắt theo những thằng bé người Phi mặc đồ nhung, lụa, bằng những dây xích vàng thắt quanh cổ chúng.
“Bố không nói dối đâu, bố mừng là đã trải mọi sự. Dưng mà chúa chứng giám là bố nhớ mẹ mấy các con ghê gớm”.
“Rành là tui thấy chả có vẻ thế tí nào – hai năm mà kéo ra thành hơn bốn năm!” Matilđa nói, giọng gay gắt.
“Bà già chả thay đổi tí nào, phải không nhỉ?” Joóc-Gà nhận xét với các con đang buồn cười.
“Hừm! Ai già?” Matilđa quặc lại. “Đầu ông phô bạc nhều hơn đầu tui thì có!”.
Ông cả cười vỗ vỗ vào vai Matilđa trong khi bà giả vờ làm ra vẻ rất bất bình. “Đâu phải tui không muốn trở về! Qua hai năm là tôi bắt đầu nhắc ngài Raxel ngay. Dưng mà sau một thời gian, một hôm ông í đến bỉu tui đang luyện gà của ông í tốt thế, cũng như rèn cặp gã thanh niên da trắng giúp việc tui, cho nên ông í quyết định gởi thêm một món tiền cho mexừ Liơ, bỉu là ông í cần tui một năm nữa – và tui gần dư phát điên lên được! Cơ mà tui làm thế nào đây? Tui đã làm hết sức mình – ông í phải viết vào thư dặn mexừ Liơ phải bảo đảm nói cho bà mấy các con biết chuyện gì đã xảy ra...”
“Ông í chả nói mấy bầy tui một lời nào sất” Matilđa kêu lên.
“Mẹ biết tại sao không? Hồi í, ông í đã bán chúng ta đi rồi còn gì”.
“Rành là phải! Vì thế mà chúng ta không nghe tin”.
“Ừ hứ! Ừ hứ! Thấy chưa? Không phải tại tui nhá!” Giọng Joóc-Gà có vẻ khoan khoái vì được biện minh.
Sau sự thất vọng cay đắng ấy, ông đã moi được ngài Raxel phải hứa rằng đấy là năm cuối cùng. “Rồi tui tiếp tục dấn tới, giúp cho gà của ông í thắng một mùa lớn chưa từng thấy – chí ít cũng là theo lời ông í nói mấy tui. Rồi cuối cùng ông í biểu ông í cảm thấy tui đã dạy gã thanh niên da trắng đủ sức thay thế tui và tui sắp có thể để chỗ nầy cứ thế tiếp tục, tui sướng ơi là sướng!”.
“Xin nói mấy tất cả một đều: Chả có mấy nhọ được cả hai xe chở người Anh đi tiễn, dư họ đã đưa chân tui đến Xaophemtơn đâu. Đấy là một thành phố to tướng bên cạnh bờ biển với không biết cơ man nào là tầu ra tầu vào. Ngài Raxel đã thu xếp cho tui đi khoang hạng bét trên cái tầu vượt đại dương.
“Lạy chúa! Tui chưa từng sợ dư thế bao giờ! Ra khơi chưa bao xa, tầu đã bắt đầu chòng chành, chồm lên chồm xuống dư con ngựa hóa dại. Nói gì đến chuyện cầu nguyện!” – ông lờ như không để ý đến cái “hừm!”của Matilđa – “tuồng dư cả đại dương đang lên cơn điên, muốn xé bọn tui ra từng mảnh vậy! Dưng mà cuối cùng biển tàm tạm lặng đi và thậm chí là êm ả tĩnh mạc khi bọn tui đến Niu Yoóc, ở đấy mọi người đều xuống khỏi tầu...”
“Niu Yoóc!” Kitzi bé kêu lên. “Làm gì ở đấy, bố!”.
“Con gái, bố đã chả kể nhanh hết sức mình là gì? Thế, Ngài Raxel đã đưa tền cho một sĩ quan trên tầu, dặn là chuyển tui sang một tầu khác về Richmơnđ. Cơ mà cái tầu mà người sĩ quan í xếp tui, phải năm, sáu hôm nữa mới rời bến. Cho nên tui đành đi dạo ngược xuôi trong cái thành phố Niu Yoóc nghe ngóng xem xét...”
“Ông trọ ở đâu?” Matilđa hỏi.
Nhà trọ cho người da mầu – thế cũng dư là nhọ, chứ bà nghĩ là còn ở đâu nữa? Tui có tền. Tui còn tền, ngay bây giờ trong túi yên ngoài kia kìa. Sáng mai, tui sẽ cho tất cả xem”. Ông tai quái liếc Matilđa. “tử tế, tui thậm chí có thể cho bà trăm đôla!”. Thấy bà khịt khịt mũi hoài nghi, ông nói tiếp: “Ngài Raxel í hoá ra lại là một người thật là tốt. Ông ta cho tui món tiền kha khá này ngay trước khi tui lên đường. Biểu là của tui hoàn toàn, thậm chí đừng có nói cho mexừ Liơ biết, mà bà mấy các con thừa biết tui nói làm gì.
“Cái chính tui đã làm ở Niu Yoóc là nói chuyện mấy nhều nhọ tự do ở đấy. Tui thấy hình dư phần đông bọn họ cố giữ cho khỏi chết đói, lại còn nghèo hơn cả chúng mình. Cơ mà cũng dư ta đã nghe nói: Một số sống khá lắm! Có nhều loại khác nhau, họ có dững món kinh doanh hoặc là dững việc lương cao bổng hậu. Một số có nhà riêng, số đông hơn thuê dững chỗ ở gọi là căn hộ, và trẻ con có dững đứa được học hành chút ít, đại loại dư thế.
“Nhưng mà tay nhọ nào nói chuyện với tui cũng tức điên lên về nỗi nhìn đâu cũng thấy cái bọn người da trắng di trú”... “Dững tay chủ trương bãi nô í à?” Kitzi bé kêu lên. “Con nói vậy hay là bố? Không! Chắc chắn là không phải! Theo dư bố hiểu, cánh bãi nô là dững người da trắng ở đất này ít nhất cũng lâu dư dân nhọ. Dưng mà cái đám mà bố đang nói đến, họ từ các tầu đổ vào Niu Yoóc, thực tế là tràn khắp miền Bắc. Họ chủ yếu là dân Ailen, họ nói dững gì mình chả hiểu nổi, và một lô xí xộ loại người kỳ cục khác thậm chí không biết nói tiếng Anh. Thực tế, bố nghe nói từ trên tầu bước xuống, chữ đầu tên họ học là “nhụa”, rồi tiếp đến là rêu rao rằng dân nhọ tranh việc làm của họ! Họ gây sự ẩu đả luôn – họ còn tệ hơn cả cánh cách-cơ!”.
“Chà, lạy Chúa, mong rằng họ đừng có tràn xuống đây!”. Airin nói.
“Nầy, bà nó mấy các con, phải mất một tuần nữa may ra bố mấy kể hết nữa dững đều tai nghe mắt thấy trước khi con tầu í đưa bố đến Richmơnđ”...
“Tui lấy làm lạ là ông còn lên cái tầu í đấy!”.
“Cái bà nầy, chả bao giờ bà để tui yên! Chồng đi hàng bao năm, mà bà làm dư tui mới đi hôm qua í!” giọng Joóc-Gà thoáng chút bực bội.
Tôm vội vàng hỏi: “Bố mua con ngựa ở Richmơn à?”.
“Đúng! Bẩy mươi đôla! Đấy là một con ngựa cái đốm nhanh thật là nhanh. Bố nghĩ người tự do cần có một con ngựa hay. Bố thúc nó phóng hết sức đến chỗ mexừ Liơ...”.
Đang vào đầu tháng tư, mọi người khác đều bận tối mắt tối mũi. Gần như cả gia đình đều đang ở cao điểm của mùa trồng cấy. Giữa bao công việc nào lau chùi, nào nấu nướng và hầu hạ ở đại sảnh, Matilđa có rất ít thời giờ rảnh rỗi. Các khách hàng của Tôm khiến anh luôn luôn phải làm cật lực từ rạng sáng đến tối mịt và cô nàng Airin chửa gần tám tháng cũng không kém bận bịu giữa những công việc linh tinh của mình.
Mặc, suốt tuần sau, Joóc-Gà vẫn gẫu chuyện với tất cả. Nhưng ở ngoài đồng, chẳng mấy chốc cả những người kia lẫn bản thân ông cùng sượng sùng nhận thấy rõ ràng rằng mọi thứ liên quan đến công việc đồng áng đều xa lạ đối với ông. Matilđa và Airin thường vội mỉm cười khi ông lại gần, rồi cũng vội vàng như thế, biện bạch, mong ông thông cảm là họ phải quay về với công việc đang làm. Mấy lần, ông ghé qua định trò chuyện một chút với Tôm trong khi anh rèn, nhưng lần nào không khí cũng trở nên căng thẳng. Cánh nô lệ đang chờ thì bứt rứt ra mặt khi thấy việc mình chưa được chăm lo tới, các khách hàng da trắng thì dừng bặt câu chuyện đang nói, khạc nhổ ầm ĩ và ngọ nguậy người trên những chiếc ghế gỗ dài, trong khi đưa mắt gườm gườm nhìn cái lão đội mũ quả dưa đen và thắt khăn quàng xanh, với vẻ hồ nghi rõ rệt mà không nói ra.
Hai bận trong những lần ấy, Tôm tình cờ liếc nhìn thấy mexừ Marê đã bắt đầu đi về phía lò rèn, song lại quay lại và anh biết lý do tại sao. Matilđa đã nói với anh rằng thoạt đầu khi vợ chồng ông Marê mới biết Joóc-Gà tới, “họ có vẻ mừng cho chúng ta, dưng mà Tôm ạ, mẹ thấy lo lo, mẹ biết từ đó cứ hội họp mấy nhau đông đông, hễ thấy mẹ vào là họ thôi không nói nữa”.
Cái quy chế “tự do” của Joóc-Gà ở đồn điền Marê này rồi sẽ ra sao? Sắp tới ông sẽ làm gì? Những câu hỏi ấy lởn vởn như một đám mây trong óc mỗi cá nhân trong bọn họ... Từ thằng bé Iuriơ lên bốn tuổi, con của Vơjơl và Lili Xiu.
“Ông là ông nội cháu à?”, Iuriơ chộp lấy cơ hội để trực tiếp nói một điều gì đó với cái người đàn ông kỳ cục dường như đã làm xáo động tất cả đám người lớn từ khi ông ta đến đây mấy hôm trước.
“Cái gì?”.
Joóc-Gà giật mình, ông vừa mới lững thững trở về xóm nô, lòng day dứt sâu sắc vì cái cảm giác bị xua đẩy. Ông liếc nhìn đứa bé đang chòng chọc dán đôi mắt thao láo, tò mò vào ông. “Ờ, có lẽ thế”. Đã sắp đi tiếp, Joóc-Gà lại ngoái lại: “tên cháu là gì?”.
“Iuriơ ạ. Ông ơi, ông làm việc ở đâu?”.
“Mầy nói gì thế?”. Ông trừng trừng nhìn xuống thằng bé. “Ai bẩu mày hỏi tau thế?”.
“Ứ có ai bẩu. Hỏi ông xế xôi”.
Ông chắc thằng bé nói thật. “Ông chẳng làm ở đâu hết. Ông tự do”.
Thằng bé lưỡng lự. “Ông ơi, tự do là gì?”.
Cảm thấy lố bịch vì phải đứng ngây ra đấy cho một đứa con nít lục vấn, Joóc cất bước đi tiếp, nhưng rồi ông nghĩ tới điều Matilđa đã tâm sự về thằng nhỏ. “Tuồng dư nó dễ quặt quẹo hay sao í, thậm chí có lẽ hơi hâm hâm đầu nữa. Lần sau ở bên nó, ông thử để ý nó cứ trừng trừng nhìn một người nào đó dư thế nào, ngay cả khi họ thôi không nói nữa”. Quay đằng sau, Joóc-Gà soi mói nhìn vào mặt Iuriơ và ông thấy ra ý nghĩa của điều Matilđa định nói. Thằng bé quả có phóng ra một ấn tượng về sự yếu nhược cơ thể và đôi mắt to – trừ những thoáng chớp chớp – cứ như gắn chặt vào Joóc-Gà, đánh giá từng lời thốt ra, từng cử động của ông. Joóc cảm thấy thế nào ấy. Thằng bé nhắc lại câu hỏi: “Ông, tự do là gì?”.
“Tự do nghĩa là không có ai là chủ mình nữa”. Ông lại định đi.
“Mẹ bỉu ông chọi gà. Ông chọi gà mấy gì?”.
Xoay hẳn người lại, đã toan bắt bẻ thì Joóc-Gà cảm nhận ra đó chỉ là bộ mặt háo hức, tò mò của một thằng bé con. Và điều đó khuấy lên trong ông một cái gì đó: cháu đích tôn.
Ông chăm chú nhìn Iuriơ thật kỹ một cách xét nét, bụng nghĩ ắt phải có điều gì thích hợp để nói với nó. Và cuối cùng: “Mẹ cháu hay ai đó có biểu cho cháu biết quê hương gốc gác cháu ở đâu không?”.
“Dạ? Quê gốc gác đâu há?”. Chưa có ai nói cho nó biết, Joóc thấy rõ thế, hoặc có chăng, cũng không đúng cách để nó có thể nhớ được.
“Lại đây mấy ông, con”.
Đây cũng là điều ông cần làm. Joóc-Gà dẫn Iuriơ tới căn nhà gỗ ông cùng với Matilđa “Bi giờ, con ngồi xuống cái ghế này và đừng có hỏi lung tung nữa. Chỉ ngồi yên mà nghe kể thôi”.
“Vâng”.
“Ông mấy bà nội Tilđa đẻ ra bố con”. Ông liếc nhìn thằng bé. “Con hiểu chứ?”.
“Bố cháu là con ông”.
“Đúng rồi. Con không đến nỗi đần dư vẻ ngoài của con. Vậy nhé, mẹ của ông tên là Kitzi. Đấy là cụ nội của con, cụ bà Kitzi. Con nói thế đi”.
“Vâng. Cụ bà Kitzi”.
“Ờ. Thế mẹ của cụ tên là Bel”.
Ông nhìn thằng bé.
“Tên là Bel”.
Joóc-Gà e hèm. “Tốt. Và bố của cụ Kitzi tên là Kunta Kintê...”.
“Kunta Kintê”.
“Đúng. Thế Kunta và Bel là kỵ ông, kỵ bà của cháu”...
Gần một giờ sau, khi Matilđa hớt ha hớt hải bước vào căn lều lo lắng không hiểu chuyện gì đã xảy đến với Iuriơ, bà thấy nó ngoan ngoãn nhắc lại những tiếng như “Kunta Kintê” và “Kô” và “Kămbi Bôlônggô”... Và Matilđa quyết định rằng bà có thì giờ để ngồi lại một lúc; và tươi cười mãn ý, bà lắng nghe Joóc-Gà kể cho thằng cháu nội thích mê mẩn câu chuyện về cụ tổ người Phi của nó, từ lúc cụ đang đẵn gỗ ở một nơi cách làng không xa để làm một cái trống thì có bốn người ập đến, đè nghiến và bắt lén cụ đi làm kiếp nô, “rồi thì một con tầu mang cụ qua vùng nước lớn đến một nơi gọi là Nơplix, ở đấy cụ bị một mexừ Jon Uolơ mua, đưa về đồn điền của lão ở quận Xpotxilvaniơ, bang Vơjiniơ...”
Thứ hai sau, Joóc-Gà cùng với Tôm đánh xe la đi mua đồ dự trữ ở quận lỵ Grêơm. Hai bố con không nói gì mấy với nhau, mỗi người dường như chìm đắm trong suy nghĩ riêng. Trong khi đi từ cửa hàng này sang cửa hàng kia, Joóc-Gà rất khoái với cái phẩm cách điềm đạm mà anh con trai hai mươi bảy tuổi của ông tỏ ra trong giao thiệp với những nhà buôn da trắng khác nhau. Rồi họ đến một cửa hiệu thực phẩm và Tôm báo vừa mới được bán cho một cựu quận trưởng cảnh sát tên là J.D. Kêitz.
Lão Kêitz ục ịch dường như phớt lờ họ đi trong khi lão lăng xăng phục vụ một số khách hàng da trắng ít ỏi. Trong Tôm nổi lên một ý thức cảnh giác, anh đưa mắt thấy Kêitz nhìn trộm Joóc-Gà choàng khăn xanh, đội mũ quả dưa đen đang dạo bước quanh với vẻ nghênh ngáo xem xét các mặt hàng. Theo linh tính, Tôm đang tiến về phía ông bố để rút ra cho nhanh thì giọng Kêitz bỗng xuyên qua cửa hàng:
“Ê, bồi múc cho ta môi nước ở cái xô kia kìa!”.
Kêitz đang nhìn thẳng vào Tôm, đôi mắt vừa trêu chọc vừa dọa dẫm. Ruột gan như đông lại, uy hiếp bởi cái mệnh lệnh trực tiếp của một người da trắng, Tôm bước tới chỗ chiếc xô, mặt lạnh như đá và quay trở lại với một môi nước. Kêitz uống đánh ực một cái, đôi mắt ti hí phóng qua bờ cái môi nhìn vào Joóc-Gà đang đứng chậm rãi lắc đầu. Kêitz đẩy cái môi về phía ông. “Ta vẫn còn khát!”.
Tránh mọi cử động vội vã, Joóc-Gà rút trong túi ra tờ chứng chỉ tự do gấp rất cẩn thận và đưa cho Kêitz. Kêitz giơ ra đọc. “Anh đang làm gì trong quận chúng ta?” lão lạnh lùng hỏi.
“Ông í là bố tui”, Tôm vội vàng chen vào. Trên tất cả, anh không muốn bố mình nói bất cứ câu gì có tính chất thách thức. “Bố tui vừa mới được tự do”.
“Ở với cả bọn các ngươi tại đồn điền mexừ Marê à?”.
“Vâng”.
Đảo mắt nhìn các khách hàng da trắng của mình, Kêitz thốt lên: “Lý ra ông Marê phải hiểu luật lệ bang này hơn thế!”.
Không hiểu rõ ý lão, cả Tôm và Joóc đều không nói gì.
Đột nhiên, cung cách của Kêitz bỗng gần như hòa nhã: “Được, khi nào bọn ngươi về đến nhà, nhớ thưa với ông Marê rằng ít nữa ta sẽ ra chơi nói chuyện với ông nhé”. Với tiếng đám người da trắng cười khanh khách đằng sau lưng, Tôm và Joóc-Gà vội rời khỏi cửa hàng.
Chiều hôm sau, Kêitz phóng ngựa, theo đường xe chạy tới đại sảnh nhà Marê. Mấy phút sau, Tôm ngước mắt lên khỏi chiếc lò rèn của mình và trông thấy Airin chạy về phía cửa hiệu. Hối hả đi qua vài người khách đang đợi, anh ra đón chị.
“Mẹ Tilđa biểu báo cho anh biết ông chủ mấy cái người da trắng nọ đang đứng ở cổng nói chuyện hoài hoài. Chí ít cũng là lão kia cứ nói liên hồi còn ông chủ thì gật lia lịa”.
“Được, cưng ạ” Tôm nói. “Đừng hốt hoảng. Em về ngay đi”. Airin chạy về.
Rồi, sau khoảng nửa tiếng nữa, chị đến báo là Kêitz đã đi khỏi và “Bi giờ, ông chủ bà chủ đang chụm đầu bàn bạc”.
Nhưng không hề có gì xảy ra cho đến khi Matilđa dọn bữa tối cho ông bà Marê, bà thấy họ ăn trong một im lặng căng thẳng. Cuối cùng, khi bà mang đồ tráng miệng và cà phê đến mexừ Marê mới nói, giọng rất đanh: “Matilđa, bảo chồng chị là tôi muốn gặp anh ta ở cổng ngay bây giờ”.
“Vâng, thưa ông chủ”.
Bà tìm thấy Joóc-Gà với Tôm ở cửa hiệu rèn. Joóc-Gà gượng cười to khi nghe bà truyền đạt lời nhắn. “Chắc ông í muốn xem thử tui có thể kiếm cho ông í mấy con gà chọi chăng!”.
Chỉnh lại chiếc khăn quàng và đội chiếc mũ quả dưa lệch theo một góc có vẻ trẻ trung hơn, ông nhanh nhẹn bước về phía đại sảnh. Mexừ Marê đang đợi ở đó, ngồi trong một chiếc ghế đu ngay cổng. Joóc-Gà dừng lại trong sân, dưới chân những bậc thềm.
“Tilđa biểu ông muốn gặp tui”.
“Phải, tôi muốn gặp anh, Joóc ạ. Tôi sẽ đi thẳng vào đề. Gia đình anh đã mang lại cho bà Marê và tui đây nhiều điều vui vẻ...”
“Dạ thưa ông”, Joóc xen vào, “và bọn nó cũng rành là khen ngợi ông bà hết mức, thưa ông chủ!”.
Ông chủ đanh giọng lại: “Nhưng tôi e rằng chúng ta sắp phải giải quyết một vấn đề... liên quan đến anh”. – Ông ta ngừng một chút. “Theo tôi hiểu, hôm qua, ở Bơlingtơn, anh đã gặp ông J.Đ. Kêitz, cựu quận trưởng cảnh sát của chúng tôi...”
“Vâng, có thể nói là tui đã gặp ông í, thưa ông chủ”.
“Ờ, có lẽ anh cũng biết là hôm nay ông Kêitz đã đến thăm tôi. Ông ấy lưu ý tôi đến một điều luật ở Bắc Carôlina cấm bất kỳ người da đen được giải phóng nào lưu trú trong bang quá sáu mươi ngày, nếu không tuân sẽ bị nô dịch trở lại”.
Phải một lúc Joóc-Gà mới hiểu. Ông trừng trừng nhìn mexừ Marê nghi nghi hoặc hoặc, không nói nên lời.
“Tôi thật tình ái ngại cho anh. Tôi biết anh cảm thấy điều đó là không công bằng”.
“Mexừ Marê ông có cảm thấy điều đó là công bằng không ạ?”.
Ông chủ ngần ngừ. “Không, nói thật với anh thế. Song luật pháp là luật pháp”. Ông ngưng một lát. “Nhưng nếu anh muốn chọn ở lại đây, tôi sẽ đảm bảo là anh sẽ được đối đãi tử tế. Về điều đó, tôi xin hứa với anh vậy”.
“Ông hứa ư, thưa mexừ Marê?”. Đôi mắt Joóc trơ trơ.
Đêm hôm ấy, nằm dưới tấm mền chăn, Joóc và Matilđa đã cầm tay nhau, cả hai cùng nhìn trân trân lên trần nhà. “Tilđa”, sau một hồi lâu, ông nói, “tui gẫm chả còn cách gì khác ngoại trừ ở lại. Tuồng dư cả đời tôi chỉ có chạy rông”.
“Không, Joóc ạ”, Matilđa chậm rãi lắc lư cái đầu. “Bởi vì mình là người đầu tiên trong chúng ta được tự do. Mình phải tiếp tục tự do, sao cho chúng ta có một người tự do trong gia đình nầy. Dứt khoát mình không thể quay trở lại kiếp nô được”.
Joóc-Gà bắt đầu thổn thức. Và Matilđa cũng cùng khóc với ông. Hai hôm sau, bà thấy trong người khó chịu, không cùng ông đến lều của Tôm và Airin ăn bữa tối với họ được. Câu chuyện xoay quanh đứa bé sẽ ra đời trong vòng hai tuần nữa và Joóc-Gà trở nên trang trọng.
“Nhớ phải kể cho nó nghe về gia đình ta đấy, nghe không?”.
“Bố ạ, sẽ không có đứa con nào của con lớn lên mà không biết chuyện í”, Tôm cười gượng gạo. “Con nghĩ, nếu con không kể cho chúng nó nghe, bà nội Kitzi sẽ về cho con một trận”.
Im lặng hồi lâu, trong khi ba bố con ngồi đăm đăm nhìn vào ngọn lửa.
Cuối cùng, Joóc-Gà lại nói:
“Bố mấy mẹ Tilđa đã tính. Bố còn bốn mươi ngày nữa mới phải đi, chiểu theo cái điều luật nói. Dưng mà bố nghĩ: lần lữa mà làm gì, vô ích...”
Ông đứng bật dậy khỏi ghế, cuồng nhiệt ôm ghì lấy Tôm và Airin. “Bố sẽ trở về!” ông nói, giọng khàn khàn, vỡ ra. “Hãy chăm nom lẫn nhau nhá!” ông lao vút qua cửa ra ngoài.