Bàng hoàng, ngơ ngác ông buông lỏng cương cho ngựa đi tiếp, tự lách đường qua đám cỏ. Đến gần hơn ông thấy cái cổng xiên xẹo của đại sảnh, những bậc thềm trước lở lói, và tất cả các mái lều gỗ xóm nô đều sụt xuống. Không thấy một con mèo, một con chó hoặc một con gà nào khi ông tụt xuống ngựa, cầm cương dắt nó đi dọc theo mé nhà đến sân sau.
Ông cũng không kém sửng sốt khi thấy bà cụ già khụ ngồi còng lưng trên một khúc gỗ, nhặt rau xà lách vứt cuộng xuống đất quanh chân và bỏ lá vào một cái chậu rửa nứt nẻ, han gỉ. Ông nhận ra đó ắt hẳn là bà Malizi nhưng khác đi quá đỗi đến mức không tin được. Ông hắng giọng to một cách không cần thiết, khiến bà cụ chú ý.
Bà Malizi ngừng nhặt rau. Bà ngẩng đầu lên, nhìn quanh, rồi trông thấy ông, song ông có thể nói chắc là bà chưa nhận ra ông là ai.
“Bà Malizi!” ông chạy lại gần hơn, dừng lại phân vân khi thấy mặt bà cụ vẫn có vẻ thắc mắc. Nheo mắt lại, bà tập trung nhìn ông cho rõ hơn... rồi đột nhiên, tỳ mạnh một tay xuống khúc gỗ, bà rướn người dậy. “Joóc... có phải cái thằng Joóc đây không?”.
“Phải, bà Malizi ạ!” Bây giờ, ông chạy bổ đến nắm lấy và ôm ghì thân hình to lớn mà bèo nhèo của bà lão, gần muốn khóc. “Lạy chúa, nhỏ bao lâu nay ở đâu? dạo xưa cứ quen có mầy ở quanh đây suốt!”.
Giọng và lời bà có một cái gì trống vắng, như thể bà không biết rằng một khoảng thời gian gần năm năm đã trôi qua. “Ở tận bên kia biển, bên nước Anh í, bà Malizi ạ. Chọi gà ở bên í... Bà Malizi, mẹ con, vợ con con đâu rồi?”
Mặt bà cũng đờ đẫn, thất thần như không còn khả năng xúc động, bất kể điều gì khác có thể xảy đến. “chẳng còn ai ở đây nữa, nhỏ ạ”. Bà có vẻ ngạc nhiên là ông không biết điều đó. “Đi tuốt cả rồi, còn có mình tao mấy ông chủ...”
“Đi đâu, bà Malizi?”. Giờ đây ông biết đầu óc bà lão đã lẫn cẫn. Bà giơ một bàn tay hum húp ra hiệu về phía khu rừng liễu nhỏ dưới xóm nô. “Mẹ mầy... Tên bà í là Kitzi... Nằm ở kia kìa...”
Một tiếng nấc hự dâng lên và bật khỏi cổ họng Joóc-Gà. Ông vội đưa tay lên bịt miệng.
“Cả Xerơ nữa, bà í cũng nằm đấy... và bà cụ chủ... ở sân trước – mầy cưỡi ngựa qua mà không thấy bà í ư?”
“Bà Malizi, Tilđa mấy các con con đâu?”
Ông không muốn thúc hối bà lão. Bà phải nghĩ một lúc.
“Tilđa à? Ừ, Tilđa xưa là đứa con gái ngoan, rành thế. Đẻ một lũ một lĩ con nữa. Ừ, nhỏ này, mày phải biết chứ, ông chủ đã bán tất cả bọn nó đi từ lâu rồi...”
“Đâu, bà Malizi, bán đi đâu?”. Cơn điên khùng tràn ngập ông. “Ông chủ đâu bà Malizi?”.
Đầu bà quay về phía đại sảnh. “còn ngủ trong kia, tau chắc thế. Say bét nhè, phải muộn mới dậy, gào ăn... Chả có thức ăn gì mấy... Nhỏ, mầy có mang gì đến để nấu nướng không?”
Ném một câu “Không ạ” trả lời bà lão bối rối, Joóc-Gà lao qua nhà bếp ngổn ngang và dãy hành lang tróc lở, vào căn phòng khách lộn xộn hôi hám để dừng lại dưới chân chiếc cầu thang ngắn, giận dữ gọi ầm lên: “Mexừ Liơ!”
Ông đợi một thoáng ngắn.
“MEXỪ LIƠ!”
Sắp sửa định chạy bổ lên cầu thang thì ông nghe thấy có tiếng động đậy. Sau một lát, từ khung cửa lớn bên phải, một bóng người đầu tóc bù xù nhô ra, ngó xuống phía dưới.
Qua cơn giận, Joóc-Gà đứng ngây bàng hoàng, không nói lên lời trước con người vốn là ông chủ mình nay chỉ còn là cái vỏ gầy guộc râu tóc lởm chởm không cạo, hiển nhiên là ông đã mặc cả bộ đồ quần áo ấy mà ngủ. “Mexừ Liơ đấy ư?”
“Joóc!” Người ông già giật lên trông thấy. “Joóc!” Ông chệnh choạng bước xuống những bậc cót két, dừng lại ở chân cầu thang; họ đứng nhìn nhau trân trân. Trong gương mặt hốc hác của mexừ Liơ, đôi mắt bỗng ươn ướt, rồi với một tiếng cười the thé, ông dang rộng hai tay xô đến để ôm Joóc-Gà. Ông này bước né sang một bên, nắm lấy đôi tay xương xẩu của mexừ Liơ, lắc thật mạnh.
“Joóc, anh về, ta rất mừng! Anh đã đi những đâu? Đáng lẽ anh phải về đây lâu rồi!”.
“Vâng, vâng. Ngài Raxel vừa mới buông cháu ra. Và cháu mất tám ngày đi từ chỗ tàu cập bến Ríchmơnđ đến đây”.
“Vào trong này! Vào nhà bếp cái!”. Mexừ Liơ kéo cổ tay Joóc-Gà. Và khi họ tới đó, ông kéo rẹt hai chiếc ghế của cái bàn gẫy. “Ngồi sau, cu! Lizi! Bình rượu của tôi đâu! Lizi”.
“Tôi đang đến đây, ông chủ...” tiếng bà già từ bên ngoài vọng vào. “Bà ấy đâm lẫn cẫn từ dạo anh đi, không còn phân biệt được hôm qua với ngày mai nữa”. mexừ Liơ nói.
“Ông chủ, gia đình cháu đâu?”
“Cu, ta hãy uống một chén đã, rồi nói chuyện sau. Bao lâu ở với nhau, ta chưa bao giờ uống với nhau! Rất mừng thấy anh về, rốt cuộc thế là có người để chuyện trò!”
“Không uống trước khi nói chuyện đâu, ông chủ! Gia đình tui đâu...”.
“LIZI”.
“Dạ...” Thân hình đồ sộ của bà di chuyển qua khung cửa, bà tìm thấy và đặt một cái bình cùng vài chiếc ly lên bàn rồi trở ra ngoài như không hề biết đến Joóc-Gà và mexừ Liơ đang nói chuyện ở đó.
“Phải, cu ạ, ta thật xót thương mẹ anh. Bà ấy già quá đấy thôi, bà ấy không đau đớn gì mấy và đi nhanh chóng. Ta đặt bà ấy trong một ngôi mộ tử tế...” mexừ Liơ vừa nói vừa rót rượu cho cả hai.
Cố tình không nhắc đến Tilđa và các con mình, ý nghĩ đó vụt lóe lên trong óc Joóc-Gà. Chả thay đổi tí nào... Vẫn thủ đoạn và nguy hiểm dư con rắn, phải giữ đừng để cho ông ta nổi máu điên.
“Ông có nhớ dững điều cuối cùng ông nói mấy cháu không, ông chủ? Ông biểu thả cho cháu tự do ngay khi cháu trở về. Thì cháu đã về đấy!”.
Nhưng mexừ Liơ không tỏ vẻ gì là có nghe thấy mà chỉ đẩy ly rượu đầy tới ba phần tư qua phía bên kia bàn. Rồi nâng ly của mình. “Này, cu. Ta hãy uống mừng anh trở về...”.
Mình cần cái nầy... Uống một hơi cạn ly rượu, Joóc-gà cảm thấy nó trôi xuống họng cay xè và làm nóng xực trong người.
Ông lại thử đi đường vòng: “Ông chủ, cháu rành là ái ngại, nghe bà Malizi nói là ông đã mất bà chủ”.
Uống nốt ly rượu, rồi ầm è, mexừ Liơ nói: “Đơn giản là một buổi sáng, bà ấy không dậy nữa, có thế thôi. Ta rất không muốn thấy bà ấy đi. Từ cái cuộc thi chọi gà ấy, bà không để ta yên một phút nào. Nhưng ta thật không muốn bà ấy đi. Không muốn thấy ai đi sất”. “Ông ợ. Tất cả chúng ta ai cũng phải đi..”
Ông í chưa đến nỗi dư bà Malizi, dưng mà cũng sắp sửa. Giờ đây, Joóc đi thẳng vào vấn đề.
“Tilđa của tui và các con tui, ông chủ, bà Malizi biểu ông đã bán họ...”
Mexừ Liơ liếc nhìn ông. “Phải, bắt buộc, cu ạ. Bắt buộc phải thế! Vận rủi dồn ta cùng đường, quá tệ. Ta bắt buộc phải bán đi gần hết đất đai, bán mọi thứ, mẹ kiếp, đến cả lũ gà nữa!”.
Đã sắp nổi đóa, Joóc-Gà bỗng chững lại.
“Cu ạ, ta bây giờ nghèo xơ xác, ta và Malizi gần như vớ được gì ăn nấy!”. Bỗng nhiên ông cười cùng cục. “Mẹ kiếp chắc bây giờ chả có gì sất! Ta vốn sinh ra bần hàn mà!”. Ông trở lại nghiêm túc. “Nhưng bây giờ anh đã về, anh với tôi có thể gây lại cái cơ đồ này, anh nghe không, tôi biết hai ta có thể làm được, cu ạ”.
Tất cả cái gì đã ngăn Joóc-Gà khỏi xông vào tấn công mexừ Liơ là cái ý thức ức chế ông suốt đời do biết rõ hậu quả tự nhiên của việc phạm tới thân thể bất kỳ người da trắng nào. Nhưng cơn giận đẩy ông gần tới chỗ đó. “Ông chủ ạ, ông đã đẩy tui đi khỏi đây với lời hứa hẹn cho tui tự do! Dưng mà tui trở về, thậm chí ông đã bán cả gia đình tui đi. Tui cần giấy tờ của tui và cần biết vợ con tui giờ ở đâu, ông chủ!”.
“Ta tưởng đã nói cho anh biết cái đó rồi chứ! Bọn nó bên quận Alơmenx, chỗ nhà điền chủ tên là Marê, ở cách các cơ xưởng hỏa xa không bao xa...”. Mexừ Liơ nheo mắt lại. “Mày to tiếng với ta đó, cu?”.
Alơmenx... Marê... Cơ xưởng hỏa xa. Khắc vào trí nhớ những tiếng then chốt đó, Joóc-Gà lúc này cố làm ra vẻ ân hận: “Xin lỗi, tại cháu hơi nóng đấy thôi, chứ không chủ ý, ông chủ ạ...”
Ông chủ có vẻ phân vân, rồi cho qua. Mình cần lựa lời dỗ ông ta đưa cái giấy ông ta đã viết cho mình được tự do. “Ta đã sa sút, cu ạ!”. Cúi khom khom qua mặt bàn, ông chủ hiếng mắt, dữ tợn. “Anh nghe thấy không? Chẳng ai biết được ta sa sút đến mức nào đâu... Ta không muốn nói về mặt tiền nong thôi đâu...”. Ông chỉ vào ngực mình “Sa sút ở trong này này!”. Ông có vẻ cần một câu trả lời.
“Vâng”.
“Ta đã trải qua những ngày cơ cực, cu ạ! Bọn chó đẻ, khi thấy ta đến thường gào tên ta từ bên này sang bên kia đường. Ta nghe thấy chúng cười diễu sau lưng ta. “Quân chó đẻ!”. Một nắm đấm xương xẩu nện xuống mặt bàn. “Ta đã thề trong tim là Tom Liơ sẽ cho chúng biết tay! Bây giờ, anh trở về. Kiếm một loạt gà nữa! Bất kể đã tám mươi ba... Chúng mình có thể làm được chứ cu?”.
“Ông chủ...”
Mexừ Liơ nheo mắt lại: “Ta quên mất anh bao nhiêu tuổi rồi, cu nhỉ?”.
“Bi giờ là năm tư, thưa ông chủ”.
“Làm gì đến!”
“Đến đấy thưa ông chủ. Chẳng mấy nữa là năm nhăm...”
“Mẹ kiếp ta thấy mày ngay từ buổi sáng mầy ra đời. Thằng nhọ con da màu rơm nhăn nheo...”. Mexừ Liơ cười cùng cục. “Mẹ kiếp, chính ta đặt tên cho mày”.
Tự rót cho mình một ly vơi hơn sau khi Joóc-Gà xua tay từ chối, mexừ Liơ đảo mắt vội và ngó quanh như để chắc dạ là chỉ có mình họ ở đó. “Thiết nghĩ chả cần giấu mày làm gì, ta đánh lừa bọn chúng tuốt! Bọn nó tưởng ta không còn gì nữa...”. Ông nhìn Joóc-Gà vẻ âm mưu. “Ta có tiền! Không nhiều lắm... Ta cất giấu kỹ. Chẳng có ai ngoài ta biết chỗ!”. Ông nhìn Joóc-Gà lâu hơn. “Cu cậu ạ, khi nào ta đi mày có biết ai sẽ được những gì ta có không? Ta hãy còn mươi âycơ nữa cơ. Ruộng đất cũng như tiền gửi nhà băng! Bất cứ cái gì ta có đều sẽ về mày. Giờ đây mày là người thân cận nhất của ta, cu ạ”.
Ông có vẻ đang vật lộn với điều gì. Ông cúi lại gần hơn, vẻ lén lút “Mẹ kiếp, chả cần gì phải tránh không nhìn thẳng vào sự thật. Chúng mình có liên quan máu mủ với nhau, nhỏ ạ”.
Rành là ông ta đã xuống tận đáy rồi nên mới nói ra cái đó. Lòng dạ như thắt lại, Joóc-Gà ngồi lặng câm.
“Hãy ở lại đây, dù chỉ một thời gian ngắn, Joóc ạ...”. Bộ mặt say uytxki khẩn khoản. “Ta biết con không phải loại quay lưng lại với những người đã giúp con trong cuộc đời này”.
Đúng trước khi mình đi, ông í đã đưa mình xem tờ chứng chỉ tự do ông í viết và ký tên vào, biểu là sẽ giữ trong két. Joóc-gà hiểu ra rằng ông còn phải chuốc rượu cho mexừ say hơn nữa. Ông ngắm nghía thật kỹ bộ mặt bên kia bàn, bụng nghĩ ông í còn độc có mỗi một thứ là nòi da trắng mà thôi...
“Thưa ông chủ, cháu sẽ không bao giờ quên là ông đã nuôi nấng cháu – rất ít có người da trắng tốt như vậy...”
Đôi mắt ươn ướt sáng lên. “Dạo ấy, anh chỉ là một thằng nhọ con lao động. Ta rành nhớ...!”
“Dạ, ông mấy bác Mingô...”
“Lão già Mingô! Cái thời lão ấy! Tay nhọ luyện gà cừ nhất đấy...”. Đôi mắt rớm lệ tập trung nhìn xoáy vào Joóc-Gà “... cho đến khi anh học thành tài... ta bắt đầu mang anh đi các cuộc đấu và để Mingô lại...”
“... hy vọng mầy với ông chủ giao cho tau cho gà ăn...”. Nhớ lại cái giọng cay đắng của bác già Mingô, ông vẫn còn thấy khổ tâm.
“Ông chủ ạ, ông còn nhớ cái đận ta sắp đi dự một cuộc đấu lớn ở Niu Oliânz không?”.
“Tất nhiên! Rồi lại không đi nữa...”. Trán ông nhăn lại.
“Là vì ngay trước khi lên đường thì bác Mingô chết”.
“Phải, lão Mingô giờ nằm dưới những cây liễu kia”. Cùng mấy mẹ mình, mấy bà Xerơ, và cả bà Malizi nữa, khi nào bà í đi, tuỳ theo ông hay bà í đi trước. Joóc tự hỏi hai con người này, nếu mất đi một, không biết người kia sẽ ra sao.
“Cu này, anh có nhớ hồi ta cho anh cái giấy thông hành để đi bắt tất cả các hĩm anh muốn không?”.
Giả vờ cười hô hố, Joóc-Gà cũng đấm bàn, trong khi ông chủ hỏi tiếp. “Ta làm thế là rất phải, vì dạo ấy anh là con ngựa đực khoẻ nhất ta từng thấy. Và cả hai ông con đều bắt được khối hĩm trong những chuyến đi, cu nhỉ! Ta biết anh có món và anh cũng biết ta có món...”
“Dạ! Rành thế, thưa ông chủ!”.
“Và anh bắt đầu chọi gà hạ cấp và ta cho tiền anh đánh cá và anh được lia lịa!”
“Vâng, rành là đúng ạ! Đúng thế!”.
“Cu này, chúng ta đã từng là một ê-kíp, chúng ta đã từng là thế!”. Joóc-Gà bất chợt thấy mình hầu như bắt đầu chia sẻ nỗi rạo rực trong việc ôn lại kỷ niệm cũ; ông cũng cảm thấy chếnh choáng hơi men uytxki. Ông bèn tự nhắc mình nhớ đến mục tiêu. Với tay qua bàn nhấc bình rượu lên, ông rót vào ly mình chừng một đốt ngón tay, nắm vội lấy thành ngoài ly để che giấu lượng rượu ít ỏi, trong khi vươn tay sang rót cho mexừ Liơ chừng ba phần tư ly. Ông giơ chiếc ly bọc kín trong nắm tay lên, làm ra vẻ loạng choạng, giọng lè nhè: “Chúc ông chủ mọi nơi mọi tốt! Dư dững người Anh nói: Tợp một hơi! Nào”.
Nhấm nháp ly của mình, ông theo dõi mexừ Liơ nốc ừng ực. “Cu ạ, anh cảm thông thế, ta thật hởi lòng...”
“Chạm cốc lần nữa!”. Hai chiếc ly được giơ lên. “Tên nhọ ưu tú nhất ta từng có!”. Họ cạn ly.
Đưa một mu bàn tay nổi gân xanh lên chùi mồm, họ sục sặc vì độ sốc của uýtxki, mexừ Liơ cũng lè nhè. “Cu, mày không nói gì với ta về cái lão người Anh ấy... Tên lão ta là gì nhỉ?”.
Ngài Raxel, thưa ông chủ. Ông í tiền nhều đếm không xuể. Có hơn bốn trăm gà nòi tha hồ chọn để đem đi chọi...”. Rồi sau khi dụng ý dừng một lát: “Dưng mà thưa ông chủ, ông í đâu phải là tay chơi chọi gà tầm cỡ dư ông”.
“Mày nói thật tình đấy chứ, cu?”.
“Một là ông í không tinh bằng. Mấy lị không phải bậc tu mi nam tử dư ông! Ông í chỉ giàu và may mắn thôi... Không phải hạng người da trắng dư ông, thưa ông chủ!”. Joóc-Gà nhớ lại là đã nghe lỏm thấy ngài X. Eric Raxel nói với bạn bè: Ông chủ của Joóc là một tay chọi gà lẫy lừng.
Đầu mexừ Liơ oặt xuống, ông lại hất hẳn lên, đôi mắt cố gắng tập trung nhìn Joóc-Gà. Không biết ông ta để cái két ở đâu nhỉ? Joóc-Gà nghĩ bụng số phận quãng đời còn lại của ông biết mấy tùy thuộc vào việc giành đoạt lấy mảnh giấy vuông vắn vẫn in rõ mồn một trong trí nhớ ông, với số chữ viết có lẽ nhiều gấp ba tờ thông hành, bên trên chữ ký.
“Ông chủ, cháu có thể xin ông thêm tí riệu nữa được không?”.
“Việc gì mày phải hỏi, cu... mày muốn bao nhiêu cũng được”...
“Cháu biểu mấy nhều người Anh là cháu có ông chủ tốt nhất trên đời... không ai nghe thấy cháu nói đến chuyện ở lại bên í bao giờ... ấy, ly của ông chủ gần cạn rồi kìa, ông chủ...”
“... chỉ một chút nữa là đủ... không, mày không phải là cái loại ấy, cu ạ... không bao giờ gây rắc rối thật sự cho tao cả...”
“Vâng... nào, lại xin nâng cốc chúc mừng ông...” Họ uống, một chút rượu rớt xuống cằm ông chủ. Joóc-Gà đang cảm thấy ngấm rượu hơn thì bỗng nhiên ngồi thẳng người dậy, trông thấy đầu ông chủ ngả dần xuống mặt bàn...
“Ông bao giờ cũng tốt với các nhọ khác nữa, thưa ông chủ...”
Cái đầu lúng liếng, gục xuống “Ta đã cố như thế, cu ạ... đã cố”... Bặt tiếng.
Chắc là, ông ta say mềm rồi. «Vâng, ông mấy cả bà chủ đều... »
“Một phụ nữ tốt... Về nhiều mặt”...
Lúc này ngực ông chủ cũng đã chạm mặt bàn. Nhấc ghế lên thật nhẹ nhàng, không để động mạnh, Joóc-Gà đợi một lúc, nín thở hồi hộp. Đi tới cửa vào đại sảnh, ông dừng lại, rồi gọi không to lắm: “ông chủ! ông chủ!”
Quay ngoắt lại như một con mèo, trong mấy giây, ông lục tất cả các ngăn kéo trong mọi thứ đồ đạc ở phòng trước. Dừng lại, chỉ nghe thấy tiếng mình thở, ông rảo bước, vừa đi vừa nguyền rủa tiếng sàn kêu cót két.
Chỉ riêng việc đột nhập vào phòng ngủ một người da trắng đã là một chấn động mạnh đối với ông. Ông dừng sững... Bất giác bước lùi lại, ông thoáng thấy cả một mớ lộn xộn. Trấn tĩnh nhanh chóng, ông lại bước vào, bao vây bởi những mùi nồng nặc lẫn lộn của rượu uýtxki với nước tiểu, mồ hôi và quần áo bẩn chưa giặt giữa đống chai không. Rồi như bị ốp đồng, ông mở tung các thứ, gạt bừa sang bên, lục lọi một cách vô hiệu. Có lẽ ở dưới gầm giường. Giận dữ quỳ thụp xuống, ngó ngó nghiêng nghiêng, ông nhìn thấy cái két nhỏ.
Vồ lấy nó, loáng một cái, ông đã trở xuống cầu thang, nhẹ nhàng đi qua hành lang. Thấy ông chủ vẫn gục trên bàn, ông quay lại, hối hả qua cửa trước. Quành mé nhà, ông lấy tay vặn khoá định mở chiếc két sắt. Lên ngựa đi đã – rồi phá nó sau. Song ông phải biết chắc là mình đã nắm được tờ chứng chỉ tự do.
Khúc gỗ để bổ củi ở sân sau níu luồng mắt ông lại, cùng với chiếc rìu nằm bên cạnh, dưới đất. Gần như nhảy chồm tới, nhấc đánh phắt chiếc rìu lên, đặt cái két trên khúc gỗ, mặt khoá ngửa lên, ông bổ một nhát bửa tung nó ra. Tiền giấy, tiền đồng, những tờ giấy gấp văng ra, và mở vội những giấy đó, ông nhận ra ngay tờ chứng chỉ.
“Mầy làm chi đấy, nhỏ?”
Ông giật nẩy mình. Nhưng đó chỉ là bà Malizi ngồi trên khúc gỗ của mình, thản nhiên như không, lặng lẽ nhìn.
“Ông chủ biểu sao?” bà hỏi một cách lơ đãng.
“Con phải đi đây, bà Malizi ạ!”
“Ờ, thiết tưởng mầy đi đi thì hơn, rồi...”
“Con sẽ biểu Tilđa mấy các cháu là bà chúc tất cả tốt lành...”
“Thế thì tốt, nhỏ ạ... cẩn thận nhá...”
“Vâng...” Vội vội vàng vàng, ông ôm chặt lấy bà lão hôn. Mình phải chạy ra thăm cái mộ mới được. Nhưng rồi nghĩ rằng nên nhớ lại hình ảnh mẹ Kitzi của mình cùng bà Xerơ như hồi họ còn sống thì hơn, Joóc-Gà lướt nhanh một cái nhìn cuối cùng bao quát cái quang cảnh đổ nát nơi ông đã sinh trưởng; bất thình lình khóc oà lên, ông nắm chặt tờ chứng chỉ tự do, chạy vút tới nhảy lên mình ngựa, ngồi trước hai cái bọc đựng các đồ lề hành trang của ông, phóng nước đại qua lớp cỏ cao của con đường hẻm, không ngoái nhìn lại.