Benny hơi lo lắng một chút về vấn đề tiền nong của gia đình, nhất là khi bọn trẻ đang lớn. Arvid muốn mua một chiếc xe đạp thực sự, có chân chống, giống như những đứa khác ở nhà trẻ. Thằng bé thông báo mong ước đó với vẻ mặt khiến chúng tôi hiểu là nó không hy vọng sẽ được đáp ứng. Nils thì muốn một chiếc xe đạp ba bánh. Chúng tôi đã cho một đồng nghiệp của tôi mượn chiếc xe đạp ba bánh của Arvid, và cô ta đã hào phóng tặng nó cho một người mà cô ta không nhớ tên.
Đã nhiều năm nay cả Benny lẫn tôi đều không đi làm răng.
Đơn giản vì chúng tôi chật vật lắm mới xoay xỏa đủ chi tiêu. Benny phải rất đắn đo trước khi gọi ai đó bằng điện thoại di động, tôi thì thường tranh thủ gọi bằng điện thoại cơ quan và mang báo về nhà mỗi tối, những việc mà trước đây tôi không hài lòng khi trông thấy các đồng nghiệp làm. Việc đi cắt tóc đã trở thành xa xỉ. Tôi trở thành thợ cắt tóc cho Benny và bọn trẻ, với thành quả trông như một cái máy xén cỏ. Nhưng tôi không thể tự cắt tóc cho bản thân, nên Benny vớ lấy cái kéo. Anh tự nhận mình đã cắt đuôi cho bò không biết bao nhiêu lần, chắc anh cũng đủ khả năng để cắt cho tôi một mái tóc coi được. Nghĩ bụng mình cũng chẳng mất mát gì, nên tôi để anh cắt thử.
Phải, Benny biết cắt lông cho đuôi bò. Quả đầu của tôi nom như một cái đuôi bò cụt ngủn khi anh buông kéo. Sau vụ đó, tôi mặc kệ cho tóc mọc lại rồi tự cắt sau mỗi năm tuần lễ, cố gắng sao cho thật đều đặn. Chẳng đẹp đẽ gì, nhưng nhờ vậy mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm trong lúc phải tính từng đồng.
Phiền phức là ở chỗ chúng tôi không có khoản dự trù nào cho những việc đột xuất. Benny không thể ngừng mua cỏ cho bò, anh đã cắt tất cả mọi khoản chi phí có thể trong quá trình làm nông trại. Tôi cũng không thể kiếm thêm thu nhập với công việc của mình. Để làm thêm giờ, tôi sẽ phải buộc bọn trẻ vào bàn ghế vì không có người trông, hơn nữa cho thuê sách lẻ chẳng thu được bao nhiêu tiền, không thủ thư nào làm chuyện đó. Nếu tôi là bác sĩ chẳng hạn, tôi có thể đi phẫu thuật cho bệnh nhân hoặc khám bệnh ngoài giờ. Hoặc giả dụ tôi là cô giáo, tôi có thể dạy thêm vào buổi tối, khi Benny đã xong việc với lũ bò. Nhưng là một thủ thư, tôi làm thêm kiểu gì đây?
Một số chị em phụ nữ trong làng dành thời gian buổi tối để làm những ông già Noel nhỏ hoặc bao tay bằng len rồi đem bán ở hội chợ. Nhưng trước hết, họ chủ yếu là những người đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, và thứ đến, tiền thu về được dùng để quyên góp cho một trại mồ côi ở Estonia.Cho dù tôi biết đan len, tôi cũng chẳng có mặt mũi nào để nói với các chị ấy: “Các chị cứ gửi tiền của các chị cho trẻ em mồ côi, còn em xin được giữ lại tiền của mình để đưa Benny đi chữa răng”. Ngoài ra, khoản tiền mà họ thu được chỉ là hạt cát nhỏ nhoi so với những gì các ông chồng của họ tiêu xài cho việc đổi xe mỗi hai năm, tôi chắc chắn như thế.
Không, chúng tôi đang sống rất bấp bênh và mọi thứ có thể lật nhào bất cứ lúc nào. Một cái hóa đơn tiền điện không thanh toán đã kéo theo khoản tiền phạt và gây ảnh hưởng rất lâu đến việc chi tiêu của gia đình – trong vòng sáu tháng, cả nhà không được ăn phô mai Pháp. Khi Benny bị tay quay đập vào mặt làm gãy ba cái răng, mọi cái tiếp theo thật đúng là thảm họa. Anh đã phải làm cầu răng sứ, mà mỗi cái cầu răng tiêu tốn cả mấy ngàn cuaron chứ ít ỏi gì.
Gần như cùng thời điểm đó, ông Brännlund qua đời. Từ trước đến giờ, ông già luôn mua bê đực của chúng tôi để nuôi lấy thịt. Đột nhiên chúng tôi không thể tiêu thụ chúng được nữa. Lò mổ trong thành phố đã đóng cửa, không ai đi hàng chục cây số để mua vài con bê, mà chúng tôi thì không thể nuôi chúng được vì sẽ bị lỗ, mặc dù chuồng trại vẫn đủ chỗ.
Thật tình cả nhà phải thắt lưng buộc bụng. Chúng tôi săm soi mọi khoản chi tiêu. Càng làm thế, chúng tôi lại càng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các loại lừa đảo. Giống như lần chúng tôi mua một đống dầu gội khuyến mãi ở hội chợ nông nghiệp, hình như tay bán hàng đã đổ các loại chất tẩy dùng cho máy kéo vào chai nhựa cũ rồi dán nhãn mới. Kết quả là đầu tóc chúng tôi xù lên như hoa bồ công anh và phóng điện tanh tách khi cả nhà đến gần nhau. Chỉ vì ham rẻ! Của đáng tội, thường thì chúng tôi cũng chẳng có điều kiện để mua những mặt hàng khuyến mãi theo số lượng lớn cho cả gia đình. Chúng tôi sống lay lắt qua ngày, nhất là vào những dịp cuối tháng. Nghèo khổ là thế đấy! Đôi khi tôi không biết nên cười hay nên khóc nữa: tôi có cả một tủ đông đầy thịt nai hoặc thịt bò tự sản xuất, nhưng lại không có đủ tiền mua một gói cá đông lạnh để đổi món… Quả thực, lúc nào chúng tôi cũng có sẵn các sản phẩm từ sữa, khoai tây và thịt, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến cái thời độc thân trước đây, khi tôi có thể tha hồ mua các loại trái cây nhiệt đới hoặc ăn măng tây Hà Lan. Tôi cũng cố trồng rau, nhưng so với những người có tay trồng cây thì hình như tôi chỉ có hai bàn tay trái. Mấy củ cà rốt tôi trồng nhỏ như que diêm có bốn chân, lũ ốc sên luôn thưởng thức xà lách trước tôi, còn đám tỏi tây thì còi cọc như que củi và già nhanh như chảo chớp. Thứ duy nhất tôi trồng và chăm bón thành công là củ cải. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ăn uống của cả gia đình thì không ăn thua.
Những chuyến đi chợ ngày càng tốn nhiều thời gian hơn. Tôi đi tới đi lui, so sánh giá cả của mọi thứ, từ dưa chuột cho đến bột giặt, trong khi thằng con ngồi trên xe đẩy hàng liên tục la hét và chồm người về phía quầy bánh kẹo.
Vậy mà chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ phải nuôi thêm miệng ăn thứ ba.