Chết chửa, lại một đứa nữa! Chắc tôi đã tính nhầm… Nhưng chuyện đó hoàn toàn không cố tình.
Lần này biết đâu sẽ là một cô bé quàng khăn xinh xắn? Một bé tôm hồng hào với sự thông minh nhanh nhạy của Désirée và… và… hai cái bắp chân của tôi, chẳng hạn? Có người từng bảo tôi có bắp chân rất đẹp…
Sau khi từ Tây Ban Nha về, chúng tôi đi đón hai cậu nhóc và cuộc sống trở nên đáng sống trở lại. Thỉnh thoảng tôi làm việc trong chuồng bò với cái miệng ngoác ra cười. Hai thằng bé hài không thể tả. Arvid đã tham gia đỡ đẻ cho bò lần đầu tiên. Thằng bé rất thích chuyện đó. Khi con bê được chào đời, vẫn còn ướt đẫm và run rẩy trong ngăn chuồng, thằng bé đã lại tiến ra phía sau bò mẹ, chờ lượt sinh kế tiếp. Nó tưởng bò mẹ đẻ hàng loạt bê con mỗi lần.
Thằng bé đón nhận đợt giết mổ mùa thu một cách bình thản, mặc dù biết rất rõ chuyện xảy ra. Chúng tôi đã giết thịt Olle, con bê đực mà Arvid dặc biệt yêu quý. Dĩ nhiên chúng tôi đã làm điều đó vào buổi tối, khi thằng bé đã đi ngủ, nhưng sáng hôm sau một số dấu tích của vụ việc vẫn còn. Khi trông thấy chúng, Arvid chỉ buồn bã lắc đầu nói: “Olle tội nghiệp chết rồi!”. Là con nhà nông, thằng bé không cần những giải thích dài dòng về cái chết. Đôi khi, ở nhà trẻ, người ta đọc những cuốn sách thiếu nhi viết về sự ra đi của ông bà, sau đó họ trò chuyện với bọn trẻ về ý nghĩa của “cái chết”. Arvid luôn khịt mũi và nhún vai khi gặp chủ đề thảo luận này. “Thì, người ta chết đi, sau đó sẽ được treo lên và xẻ thịt!”. Nó đáp gọn bâng. Chắc nó nghĩ người ta cũng treo bà ngoại lên để cho thịt mềm hơn…
Nhưng tôi luôn cảm thấy một chút lo lắng. Trong thâm tâm, tôi biết mọi chuyện sẽ kéo dài mãi như thế. Sức ép của việc sinh lời trong ngành nông nghiệp rất lớn, một mình chúng tôi không thể làm nên chuyện với ba mươi con bò sữa. Các nông trại chung quanh đóng cửa hàng loạt, sữa không ngừng rớt giá, tôi biết làm gì bây giờ? Ngày xưa bố tôi từng đi họp với các công ty sữa và rút hết ruột gan ra nói với ban giám đốc, khi về ông hăng hái hẳn lên. Nhưng thời nay công ty sữa nằm ở đầu kia của đất nước, và mấy ông lớn trong hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư vào Anh quốc hoặc Đan Mạch mà có thèm hỏi ý kiến tôi đâu? Trong khi tôi là thằng nhận lãnh hậu quả.
Chắc tôi sẽ phải đầu tư sáu, bảy triệu để làm chuồng không ngăn ô để bò tự do đi lại và tậu robot vắt sữa. Nhưng mà trời ạ, tôi là gã chăn bò cuối cùng trong vùng rồi, một ngày nào đó họ sẽ chẳng buồn đánh xe đến lấy sữa nữa, tôi sẽ trở thành một thằng ngu với cái máy vắt sữa và khoản nợ trong tay. Còn nuôi bò thì… phải, một đàn một trăm năm mươi con bò không cần vắt sữa để giảm bớt công việc cho hai đầu gối của tôi, nhưng trước mắt chúng tôi biết lấy gì mà sống? Tôi biết lấy gì để bù đắp thu nhập đây? Đóng gói phân bò rồi giao đến cho các vườn nhà trong thành phố chắc? Dọn tuyết cho… cho vài người hàng xóm ít ỏi còn lại ư? Bán thân cho đám người đi nghỉ hè? Tin tôi đi, tôi đã tính đủ đường rồi. Nuôi lợn á? Cần ít nhất một đàn năm trăm con thì mới sinh lãi được. Năm trăm con lợn! Muốn có lãi thì phải đầu tư lớn. Sự thật là nếu Désirée và tôi cùng hợp sức để làm thì chúng tôi mới có thể nghĩ đến chuyện đầu tư lớn. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra, mặc dù cô ấy vẫn giúp tôi chăm sóc đàn bò sữa. Tôi đâu phải thằng ngu, tôi thừa biết Désirée chỉ giúp tôi vì tình thế bắt buộc. Và tôi không thể chờ mươi, mười lăm năm nữa để xem liệu thằng Arvid có quan tâm đến nông trại hay không.
Thế cho nên tôi cứ lần lữa công cuộc đầu tư và chỉ bằng lòng với việc lèo lái con thuyền hiện tại. Tôi thuộc một thời đại cũ, khi người ta giúp nhau trong mùa gặt, tổ chức những cuộc tuần hành, khi đoàn kết tạo nên sức mạnh và chúng tôi đảm trách tất cả mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Bây giờ tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nông dân đã trở thành chuyện quá khứ. Marketing là trên hết! Bất cứ công việc gì, cho dù là nhỏ nhất, cũng phải có cái giá của nó. Cho thuê bò theo ngày với những người cho nhu cầu xén cỏ chẳng hạn, đồng ý là người ta có thể làm thế, nhưng tôi thì không.
Ngoài ra, nông dân chúng tôi không thể sở hữu riêng máy móc nông nghiệp nữa, vì chúng đã trở nên quá đắt đỏ. Phải chuyển thành sở hữu tập thể. Một cách tự nguyện, với các nông dân khác, nhưng tình cờ là trong làng chẳng có ai cả. Không lẽ tôi phải mua chung máy cuộn rơm với Bergström ở Norrbyn? Đi tới đi lui tới hàng chục cây số trong mùa gặt á?
Cùng lúc đó, người ta không ngừng nhắc cánh nông dân tận dụng phong cảnh mà chúng tôi chăm sóc không công để mở cửa đón tiếp các đoàn học sinh đến tham quan, tổ chức các chuyến dã ngoại cho khách du lịch. Những kẻ luôn kêu ca giá sữa cao nhưng lại không ngần ngại trả tiền gấp đôi để uống nước đường có ga. Trời ơi, làm ơn nói là tôi đang mơ đi!