là một thanh niên sống ở nông thôn. Anh khẳng định xu hướng tình dục đồng tính của mình một cách công khai. Câu chuyện S kể dưới đây phản ánh một thực tế là người đồng tính không thể yêu bất cứ ai anh ta gặp. Theo S thì người đồng tính có những lựa chọn bạn tình rất giống với người có xu hướng tính dục khác phái. Kể cả việc kiếm một người bạn tình là không dễ. Nhưng họ hình như chỉ đi tìm một người mà họ tin rằng thật sự có ý nghĩa đối với cuộc đời họ.
Tôi biết rõ mình đồng tính. Tôi hiểu điều đó như to;oi hiểu rõ về những đường chỉ tay trong lòng bàn tay mình. Huy cũng là người đồng tính. Tôi và Huy đều biết chuyện này, nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi không thể thương nhau. Những người như chúng tôi, việc tìm được một người bạn tình thật khó, vậy mà Huy với tôi xem ra không phải là một cặp trời sinh ra là để giành cho nhau.
Chúng tôi biết tỏng về ý thích và tâm tình của nhau. Không phải chỉ là kinh nghiệm mà còn bằng một trực giác mà chúng tôi biết rất rõ. Cứ xem cách Huy nhìn vào những chàng trai khác trong làng, tôi biết cảm xúc của cu cậu giành cho họ cũng giống như tình cảm mà tôi không thể nào che giấy được.
Hơn nữa đã có đầy những lời đồn trong xã rằng:
- Thằng S với thằng Huy, hai thằng cùng một giuộc. Rặt toàn là những thứ long dương bệnh hoạn.
Tất nhiên là điều này cả hai nhà chúng tôi đều không phản đối. Tôi và Huy dù muốn hay không vẫn chẳng thể kiểm soát được những hành vi của mình. Vì thế chuyện phải chấp nhận những lời dè bỉu của người trong xã là bất khả kháng. Có người trông thấy tôi còn xiên xỏ:
- Thế bao giờ mày với thằng Huy cho cả làng ăn cỗ cưới đây?
Rát tai lắm nhưng bọn tôi có thể làm gì hơn được. Khôn ngoan nó hiện ra mặt, què quặt nó hiện ra chân tay. Từ lời nói đến cử chỉ đều tố cáo xu hướng tính dục của bọn tôi. Biết rõ là như thế đấy, nhưng hai thằng chúng tôi chẳng làm gì khác hơn được. Đám con gái trong làng nhìn tôi và Huy như đàn mèo nhìn hai con chuột bằng gỗ. Có đứa còn chảnh chẹ, nói:
- Ngủ chung với thằng Hưng hay thằng S thì chả bao giờ sợ có chửa!
Tuổi của tôi và Huy cứ lớn dần thêm. Hai mươi còn bảo là chưa gặp đối tượng. Ba mươi ngoài chúng tôi mới nhận ra mình không còn nhiều lựa chọn. Cuối cùng, dẹp hết tự ái, tôi đánh liều, hỏi Huy:
- Cậu biết đấy. Tớ và cậu cuối cùng chẳng còn nhiều lựa chọn... hay là chúng ta hãy cùng nhau...
Huy không nói gì cả, cu cậu ngồi im lặng mãi. Tôi không dám hỏi thêm, chỉ biết chờ đợi một câu trả lời. Câu trả lời ấy cuối cùng không được nói ra. Khi tôi biết tin thì đã quá muộn. Huy quyết định đổi đời. Đi Hà Nội. Đi Hải Phòng. Hay xa hơn là Sài Gòn cũng được. Có lẽ hắn nghĩ vậy. Thế là cuối cùng hắn bỏ làng ra đi.
Từ dạo ấy, trong làng chỉ còn lại một mình tôi. Nhiều lúc nghĩ lại, to;oi lo cho Huy quá. ở làng này, dù thế nào đi chăng nữa thì hai đứa cũng đã quen rồi. Tôi và Huy có mặt ở làng như hai cái hoả lò cũ, sứt mẻ, được người ta ném ra ngoài bờ tre. Chúng tôi không bị đe doạ, không bị hà hiếp. Còn với Huy, xã hội ngoài kia, chắc gì đã khá hơn (?)
Bất chợt tôi thấy giận mình. Vì sự ích kỷ của tôi mà Huy phải bỏ làng ra đi. Thôi thì tôi chỉ biết cầu mong bất cứ nơi nào Huy đến, với nó, mọi sự đều được may mắn chân cứng đá mềm. Tôi cầu mong mọi người sẽ đối xử tốt với thằng bạn đồng cảnh ngộ đáng tội nghiệp như tôi. Huy ơi. Khi nào mỏi gối chồn chân, hãy quay về. Cậu biết đấy, mình lúc nào cũng chờ đợi cậu!
Lời đề nghị êm ái
Anh U chỉ là một lao động phổ thông. Chuyện mà anh gặp phải tại nơi làm việc cho chúng ta một suy nghĩ khá buồn là không ít người đống tính đã đánh mất đi lòng tự trọng. Cuộc sống luôn cần đến những con người có lòng tự trọng dù bất cứ là với xu hướng tình dục như thế nào. Đấy chính là thông điệp mà câu chuyện của anh U đã gởi đến mỗi chúng ta.
Trong tổ sản xuất, tôi được coi là có nhiều tài vặt nhất. Sếp của tôi, trẻ hơn tôi hai tuổi, bao giờ cũng khen tôi công khai trước mặt đám đông:
- Các bạn nên học tập theo gương của anh U!
Tất nhiên được khen như thế, tôi càng hăm hở hăng hái hơn. Không ít người nói sau lưng tôi rằng:
- Đồ bợ đỡ. Ra sức như thế hắn là lấy công. Đúng là hèn thật! Chỉ thiếu mỗi cái đuôi để vẫy nữa mà thôi.
Tôi đã định quai cho người phát ngôn cẩu thả như thế một đấm vào giữa mặt. Ngặt nỗi sếp đã giao trọng trách tôi làm gương cho người khác. Cực chẳng đã, tôi phải nén lòng lại. Nếu không vì công việc chung, nhất định tôi sẽ quai cho vỡ mồm những đứa chỉ giỏi cắn lén, giỏi ăn nói xách mé sau lưng. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một người ăn lương cần có trách nhiệm với công việc theo đúng bổn phận của mình.
Một hôm trời chuẩn bị đổ cơn mưa rất to. Hàng còn chất bên ngoài nhưng đám công nhân vì ghen ngầm với sự thiên vị của sếp đã cố tình bỏ về hết. Thì ra bọn này tiểu nhân thật. Hèn hạ đến thế là cùng.
Chỉ còn một mình tôi ở lại. Sếp cũng không thể về được. Đám mây nặng trịch nước kéo lại càng nhiều hơn. Bầu trời đen kịt. Mưa nhất định sẽ đến, không thể nào tránh được. Sấm chớp bắt đầu ùng oàng, chém lên bầu trời những lằn ngang lằn dọc. Tôi quên hẳn là mình bị sút lưng, cứ hai tay xách hai bao thuốc nhuộm mà đi vào nhà kho. Xếp cũng lao ra. Anh ta thuộc loại trói gà không chặt nhưng vẫn cố gắng. Dù sao thì cũng là đồng tiền liền khúc ruột. Sếp xắn quần cao, mặt độc áo thun, tay chân khòng khoèo yếu đuối. Ngực leo pheo vài sợi lông, trông chẳng ra con giáp nào.
Khi cơn mưa ập nhanh xuống thì lô hàng cũng vừa đưa kịp hết vào kho. Cả tôi và sếp đều vã mồ hôi ra như tắm, tóc ướt rượt, quần áo xộc xệch, mùi mồ hôi toả ra hăng như mùi vôi sống. Sếp nhìn tôi:
- Anh U tuyệt vời quá! – Lần này trong câu nói của sếp có chút gì run run, khó giải thích.
- Công việc mà, sếp! – Tôi trả lời theo nhiệm vụ của người làm công.
Sau đó ít hôm, sếp gọi riêng tôi vào văn phòng vốn là một cái bàn sắt kê trong một góc mờ tối của nhà kho. Sếp mời tôi ngồi rồi bảo:
- Em đã suy nghĩ rất kỹ, em sẽ mở một chi nhánh mới và anh sẽ là quản lý của chi nhánh này.
Là một tay cứu vạn, chữ nghĩa ít, không có nhiều chuyên môn nào ngoài bắp thịt, tôi tưởng đang nghe lầm, mặt ngây thộn ra. Nhất là câu chuyện vợ chồng tôi đang bàn sẽ mua xe máy. Đấy là một chương trình quan trọng của gia đình. Sếp dường như nhận ra vẻ mặt bối rối của tôi, anh ta đứng dậy và bước đến bên cạnh tôi. Tôi vẫn còn đứng đực ra đấy. Hai đầu gối tôi run bắn lên. Sếp ghé vào tai tôi, rồi thều thào nói:
- Em đã yêu anh từ lâu anh U, ạ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng.
Tôi chưa hết bất ngờ vì tin vui thì lòng chợt nổi lên một cảm xúc bàng hoàng. Tại sao lại thế? Hoá ra lâu nay tôi được sếp coi trọng chẳng phải vì những đóng góp của mình. Thì ra sếp là người bệnh hoạn, ích kỷ và thủ đoạn, chẳng phải là người tử tế gì. Mặt tôi tối sầm lại. Hắn chăm sóc tôi vì hắn thích tôi. Bệnh hoạn thật! Sếp cầm tay tôi rồi khoác lên vai của hắn:
- Anh sẽ không bao giờ khổ nữa đâu. Em sẽ lo tất cả cho anh. Chỉ cần anh giành cho em thêm một chút thời gian của anh...
Tôi thấy miệng mình đắng và chát. Cổ họng khô khốc. Gạt tay sếp ra, tôi vội vã đi thẳng về phía cổng cơ sở sản xuất. Tự nhiên tôi muốn chạy thật nhanh về nhà để ôm lấy vợ tôi. Để tôi tìm thấy ở nơi cô ấy một nguồn sức mạnh. Tôi sẽ báo cho cô ấy rằng kế hoạch mua xe máy của chúng tôi sẽ phải tạm hoãn. Và tôi đã quyết định không làm việc ở nơi này nữa. Dù là tôi đang được trả lương rất cao ở nơi đây.