Mặc dù khá tóm lược, ở phần này chúng tôi xin được giới thiệu khái quát lịch sử của ba ngành công nghiệp Mỹ - ngành sản xuất xe hơi, máy tính và điện ảnh - xét theo khía cạnh những sản phẩm và dịch vụ chủ yếu đã mở ra những thị trường mới và tạo ra những nhu cầu mới nổi bật. Phần khái quát này được xây dựng không hoàn toàn đầy đủ và không bao trùm được mọi lĩnh vực, cũng như không có ý định khai thác sâu sắc về mặt nội dung. Chúng tôi chỉ muốn hướng tới việc xác định những yếu tố chiến lược chung nhất và những lợi thế chủ yếu mà một đại dương xanh có thể mang lại. Các ngành công nghiệp của Mỹ được chọn để phân tích bởi vì các ngành này đại diện cho những thị trường tự do lớn nhất và ít bị kiểm soát bởi pháp luật nhất trong suốt thời kỳ nghiên cứu của chúng tôi.
Mặc dù phần đánh giá này chỉ là một phác thảo sơ bộ về mô hình lịch sử hình thành đại dương xanh, tuy nhiên đã có một vài mô hình nổi bật hẳn lên trong ba ngành công nghiệp đại diện này.
Không có ngành công nghiệp nào là hoàn hảo mãi mãi. Sức hấp dẫn của các ngành tăng và giảm trong thời kỳ nghiên cứu của chúng tôi.
Không có công ty nào là hoàn hảo mãi mãi. Các công ty cũng giống như các ngành công nghiệp phát triển hay sụp đổ theo thời gian. Hai nhận định trên khẳng định và củng cố thực tế là không tồn tại công ty và ngành công nghiệp nào là hoàn hảo.
Một yếu tố chủ chốt quyết định liệu một ngành công nghiệp hoặc một công ty có đang phát triển mạnh mẽ và có lợi nhất hay không là hành động chiến lược tạo ra được đại dương xanh. Việc tạo ra đại dương xanh là chất xúc tác chủ yếu đưa một ngành phát triển đi lên và có lợi nhuận. Đó cũng là yếu tố quyết định quan trọng định hướng một công ty tiến lên tăng trưởng có lợi nhuận hay sụp đổ khi có một công ty tiến lên vị trí dẫn đầu và tạo ra một đại dương xanh mới.
Các đại dương xanh được tạo ra bởi cả những công ty thống trị ngành công nghiệp lẫn những công ty mới gia nhập thị trường, khiến ta phải đặt dấu chấm hỏi với quan điểm cho rằng những công ty mới xuất hiện thường có lợi thế tự nhiên trong việc tạo ra khoảng trống thị trường mới so với các công ty đã ở trong thị trường đó. Hơn nữa, những đại dương xanh do những “đại gia” của ngành công nghiệp tạo ra thường được hình thành ngay trong chính những ngành kinh doanh chủ yếu của các công ty này. Trong thực tế, phần lớn đại dương xanh được hình thành ở ngay trong biên giới của những đại dương đỏ - những thị trường đã được xác lập, chứ không phải ở ngoài những thị trường đó. Vấn đề về sự phá hủy có tính sáng tạo đối với những công ty đã xác lập được vị trí của mình trong thị trường thậm chí càng lớn hơn.1 Các đại dương xanh tạo ra sự tăng trưởng có lợi nhuận cho mọi công ty xây dựng nó, cho dù đó là công ty mới gia nhập thị trường hay một công ty đã phát triển vững mạnh.
Bản thân việc đổi mới kĩ thuật không tạo ra đại dương xanh. Đôi khi những ngành công nghệ hàng đầu có hiện hữu trong những thị trường mới nhưng công nghệ không phải là một đặc điểm định hình cho đại dương xanh. Điều này vẫn đúng ngay cả khi ngành công nghiệp mà chúng tôi kiểm chứng là một ngành có mức độ công nghệ cao, như ngành máy tính. Thay vì thế, đặc điểm chủ yếu định hình đại dương xanh chính là những đổi mới về mặt giá trị - những đổi mới liên quan tới những giá trị của sản phẩm mà người mua quan tâm.
Việc tạo ra đại dương xanh không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ và có lợi nhuận hành động chiến lược này còn có tác động mạnh và tích cực trong việc xác lập một thương hiệu vững chắc của công ty trong lòng người tiêu dùng.
Bây giờ, chúng ta sẽ quay trở lại với ba ngành công nghiệp đại diện và để lịch sử kể lại các câu chuyện. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, loại phương tiện vận chuyển chủ yếu ở các nước phát triển.
Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi
Khi nghiên cứu về ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, chúng tôi xin quay trở lại thời kỳ năm 1893 khi anh em nhà Duryea khai trương chiếc xe một xi-lanh đầu tiên ở Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, ngựa và xe kéo (buggy) là phương tiện vận chuyển chính ở Mỹ. Ngay sau sự khởi đầu ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ, có hàng trăm nhà sản xuất xe hơi bắt đầu sản xuất xe theo yêu cầu khách hàng trên toàn nước Mỹ.
Những chiếc xe hơi thời kỳ đó là một loại sản phẩm mới xa xỉ. Một chiếc xe thậm chí còn có cả máy uốn tóc ở ghế sau để người đi có thể trang điểm dọc đường. Những chiếc xe thời kỳ này không bền và đắt đỏ, tốn khoảng 1.500 đô la (gấp đôi thu nhập trung bình hàng năm của một gia đình). Và những chiếc xe này cực kỳ ít phổ biến. Những người phản đối xe hơi tràn ra đường phố, thòng dây thép gai qua những chiếc xe đậu dọc đường và tổ chức các hoạt động tẩy chay những doanh nhân và chính trị gia lái xe hơi. Công chúng quá tức giận với xe hơi đến nỗi ngay cả Tổng thống tương lai Woodrow Wilson cũng phải chú ý tới, ông nói “Không có gì có thể truyền đi một cảm giác chống đối mạnh mẽ trong xã hội như một chiếc xe hơi… một biểu tượng hợm hĩnh của sự giàu có”2 và tạp chí Literary Digest cũng chỉ ra rằng “Hiện nay những phương tiện vận chuyển phi mã thông thường vẫn là một thứ xa xỉ của giới giàu có và mặc dù giá có thể giảm xuống trong tương lai, nhưng xe hơi sẽ không bao giờ trở nên được sử dụng phổ biến như xe đạp”.3
Nói tóm lại, ngành công nghiệp xe hơi lúc đó rất nhỏ hẹp và không hấp dẫn. Thế nhưng, Henry Ford là người duy nhất không tin là mọi việc sẽ vẫn tiếp diễn như thế.
Mô hình T
Năm 1908, trong khi 500 nhà sản xuất xe hơi Mỹ khác vẫn đang tiếp tục sản xuất những chiếc xe theo yêu cầu khách hàng thì Henry Ford tung ra mô hình xe hơi T (Model T). Ông gọi chiếc xe này là “chiếc xe đa chức năng và được chế tạo từ những vật liệu tốt nhất”. Mặc dù mẫu xe này chỉ có một màu (màu đen) và một mẫu xe duy nhất nhưng chiếc Model T chạy rất ổn định, bền và dễ sửa chữa. Chiếc xe này được tính giá sao cho đa số người Mỹ đều có thể mua được mỗi người một chiếc. Năm 1908, chiếc Model T đầu tiên có giá 850 đô la, bằng nửa giá một chiếc xe có trên thị trường lúc đó. Năm 1909 giá giảm xuống còn 609 đô la và tới năm 1924, giá xe giảm xuống còn 290 đô la.4 Nếu so sánh thì giá của một chiếc xe ngựa kéo - phương tiện có khả năng thay thế nhất cho xe hơi - cũng vào khoảng 400 đô la. Tờ rơi quảng cáo năm 1909 về xe Ford đã nhận xét “Hãy ngắm những chiếc xe Ford tuyệt vời đang đi qua trước mặt bạn - những chiếc xe giá rẻ với chất lượng của những chiếc xe đắt tiền “.
Thành công của Ford càng được củng cố thêm bởi một mô hình kinh doanh có lợi nhuận. Bằng cách luôn chuẩn hóa ở mức độ cao những chiếc xe hơi do công ty mình sản xuất, cung cấp hạn chế số lượng nhưng cũng cung cấp những phụ tùng dễ dàng thay thế, dây chuyền lắp ráp mang tính cách mạng của ông Ford đã giúp cho Công ty xe Ford có thể cắt giảm thời gian chế tạo một chiếc Model T từ 21 ngày xuống còn 4 ngày và giảm thời lượng lao động xuống còn 60% thời lượng trước kia.5 Sở dĩ hãng xe Ford có thể đạt được điều này là do họ đã áp dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt, dây chuyền này đã thay thế các công nhân lành nghề bằng những người lao động thông thường, không lành nghề, những người này có thể thực hiện từng công đoạn nhỏ nhanh hơn và hiệu quả hơn, chi phí cũng thấp hơn. Khi chi phí thấp hơn, xe hơi Ford đã có thể tính một mức giá mà đa số người tiêu dùng trên thị trường đều có thể mua được.
Doanh thu bán của những chiếc xe Model T bùng nổ. Thị phần của xe Ford mở rộng từ 9% năm 1908 lên 61% năm 1923. Tới năm 1923, đa số các gia đình Mỹ đều sở hữu ít nhất là một chiếc xe hơi6. Xe Model T của Ford đã khai phá quy mô của ngành xe hơi, tạo ra một đại dương xanh rộng lớn. Đại dương xanh mà Ford tạo ra lớn đến mức chiếc xe Model T đã thay thế hoàn toàn những chiếc xe ngựa kéo, để trở thành phương tiện vận chuyển chính trên toàn nước Mỹ.
General Motors
Đến năm 1924, xe hơi trở thành một tài sản cần thiết của các hộ gia đình. Vào lúc này, thu nhập của một hộ gia đình trung bình ở Mỹ đang ngày càng tăng. Năm đó, General Motors (GM) đã tung ra một dòng xe có khả năng tạo ra một đại dương xanh mới trong ngành kinh doanh ô tô. Đối lập với chiến lược sản xuất loại xe một kiểu dáng, một màu sắc, đa chức năng của Ford, GM tung ra thị trường “một chiếc ô tô cho mọi ví tiền và mọi mục đích sử dụng”. Đó là chiến lược do Chủ tịch Alfred Sloan đưa ra để thu hút những khía cạnh về cảm xúc trong nhu cầu của thị trường đại chúng ở Mỹ, thị trường mà Sloan gọi là “tầng lớp đại chúng”.7
Trong khi Ford đang mắc kẹt với khái niệm xe hơi - “phương tiện vận chuyển phi mã” đa chức năng thì GM sản xuất loại xe hơi thoải mái, thuận tiện và thời trang. GM đưa ra nhiều kiểu xe, hàng năm lại có thêm những kiểu dáng và màu sắc mới. “Mẫu xe hàng năm” tạo ra nhu cầu mới bởi vì người mua bắt đầu sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đổi lấy sự thoải mái và thời trang. Vì các kiểu xe được thay đổi thường xuyên hơn, thị trường xe đã qua sử dụng cũng bắt đầu hình thành. Nhu cầu đối với những chiếc xe thời trang của GM tăng lên nhanh chóng. Từ năm 1926 đến năm 1950, tổng lượng xe bán ra ở Mỹ mỗi năm tăng từ 2 triệu đến 7 triệu chiếc và thị phần của GM đã tăng từ 20% lên 50%, trong khi thị phần của Ford giảm từ 50% xuống còn 20%8.
Nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ nhờ đại dương xanh này không thể kéo dài mãi mãi. Tiếp nối thành công đầy ấn tượng của GM, Ford và Chrysler cũng bước vào đại dương xanh do GM đã tạo ra và ba đại gia này đã theo đuổi cùng một chiến lược- đó là tung ra những mẫu xe mới hàng năm và đánh vào yếu tố cảm xúc của khách hàng bằng việc thiết kế nhiều kiểu xe để đáp ứng những lối sống và nhu cầu khác nhau. Dần dần, sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn bởi vì ba nhà sản xuất lớn này đã sao chép và bắt chước chiến lược của nhau. Về mặt tổng thể, họ nắm giữ hơn 90% thị trường ô tô ở Mỹ.9
Dường như họ đã cảm thấy thỏa mãn với những gì thu được.
Những chiếc xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu của Nhật 7
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô không đứng yên một chỗ. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, người Nhật đã tạo ra một đại dương xanh mới, thách thức ngành công nghiệp ô tô của Mỹ với những chiếc xe nhỏ và hiệu quả. Thay vì theo đuổi chiến lược ngầm định trong ngành “xe càng lớn càng tốt” và tập trung vào những loại xe sang trọng, người Nhật đã thay đổi logic thông thường đó, họ theo đuổi chiến lược tung ra những chiếc xe chất lượng tốt, kích cỡ nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu.
Khi khủng hoảng dầu mỏ xảy ra vào những năm 1970, người tiêu dùng Mỹ hướng tới những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu của Nhật, do các hãng Honda, Toyota và Nissan (khi đó là Datsun) sản xuất. Gần như chỉ trong một đêm người Nhật đã trở thành những vị anh hùng trong con mắt người tiêu dùng. Những chiếc xe gọn nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu của họ đã tạo ra một đại dương xanh và một lần nữa nhu cầu lại tăng nhanh.
Khi ba nhà sản xuất lớn ở Mỹ tập trung vào bắt chước chiến lược của nhau, không một ai trong số họ chú ý đến những sáng kiến để sản xuất loại xe tiện lợi, gọn nhẹ và tiết kiệm nhiên liệu, mặc dù họ cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển thị trường xe loại này. Do đó, thay vì tạo ra một đại dương xanh mới, ba nhà sản xuất lớn này lại bị cuốn vào một vòng cạnh tranh mới, lần này với đối thủ Nhật Bản. Họ bắt đầu đầu tư mạnh vào việc sản xuất những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu và nhỏ gọn hơn.
Tuy nhiên, ba đại gia trong ngành vẫn bị giảm sút về doanh số bán xe, với tổng thiệt hại lên tới 4 tỷ đô la vào năm 1980.10 Chrysler, một đàn em trong số ba đại gia đã bị một đòn mạnh nhất và thoát khỏi phá sản chỉ trong gang tấc nhờ sự trợ giúp về tài chính của Chính phủ. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đã tạo ra và nắm bắt đại dương xanh một cách hiệu quả, đến mức những nhà sản xuất ở Mỹ nhận thấy rằng họ khó có thể trở lại vị thế cũ. Các chuyên gia trong ngành trên khắp thế giới bắt đầu thực sự băn khoăn về khả năng cạnh tranh cũng như khả năng tồn tại lâu dài của những nhà sản xuất xe hơi Mỹ hàng đầu này.
Xe tải nhỏ của Chrysler
Quay trở lại năm 1984, Hãng Chrysler đang trên bờ vực phá sản đã tung ra loại xe tải nhỏ và tạo ra được một đại dương xanh trong ngành sản xuất ô tô. Xe tải nhỏ đã phá vỡ ranh giới giữa ô tô và xe tải, tạo ra một loại phương tiện hoàn toàn mới. Loại xe này nhỏ hơn xe tải thông thường và rộng hơn xe ô tô nên nó chính là chiếc xe các gia đình cần để chở cả nhà cùng với các con vật nuôi và những đồ đạc cần thiết. Xe tải nhỏ cũng dễ lái hơn các loại xe tải lớn.
Được chế tạo trên khung gầm xe Chrysler K, chiếc xe tải nhỏ dễ lái như một xe ô tô con nhưng lại có khoảng không bên trong rộng hơn và có thể để vừa trong ga ra của các gia đình. Tuy nhiên, Chrysler không phải là nhà sản xuất đầu tiên nghĩ đến loại xe này. Ford và GM đã thiết kế xe tải nhỏ từ nhiều năm trước, nhưng họ lo ngại rằng mẫu xe này sẽ ảnh hưởng đến những chiếc xe vừa chở khách vừa chở hàng của chính họ. Vì thế, họ đã chuyển cơ hội vàng này sang tay Chrysler. Trong năm đầu tiên, xe tải nhỏ trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Chrysler, giúp công ty này lấy lại vị thế của một trong ba nhà sản xuất lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Trong vòng 3 năm, Chrysler thu được 1,5 tỷ đô la chỉ riêng từ việc bán xe tải nhỏ.11
Thành công của việc tung ra loại xe này đã châm ngòi cho sự bùng nổ loại xe thể thao đa dụng (SUV) vào những năm 1990, mở rộng đại dương xanh mà Chrysler đã tạo ra. Được chế tạo trên khung gầm xe tải, SUV tiếp tục tạo đà cho việc sản xuất xe tải hữu dụng. Ban đầu được thiết kế để đi trên đường không bằng phẳng và những đường ray tàu kéo, SUV được các gia đình trẻ sử dụng nhiều vì dễ lái, khả năng chuyên chở lớn, thuận tiện và an toàn. Cho đến năm 1998, tổng doanh thu của các loại xe tải hạng nhẹ mới (xe tải nhỏ, SUV và xe tải không mui) đã lên tới 7,5 tỷ đô la, gần bằng với doanh số bán các loại xe ô tô mới (8,2 tỷ đô la).12
GM và Chrysler đã là những nhà sản xuất đã có tên tuổi khi họ tạo ra đại dương xanh. Tuy nhiên, phần lớn những đại dương xanh được tìm ra không phải bởi sự đổi mới công nghệ. Mặc dù ẩn sâu bên dưới vẫn có yếu tố công nghệ, như ngành đóng hộp thịt ở Mỹ xuất hiện một phần nhờ dây chuyền sản xuất mới của Ford.13 Sự hấp dẫn của ngành chế tạo ô tô tiếp tục tăng rồi giảm rồi lại tăng, do ảnh hưởng của những bước đi chiến lược đại dương xanh. Sự tăng trưởng có lợi nhuận của các công ty trong ngành cũng đi theo xu hướng như vậy. Như thế, lợi nhuận và sự tăng trưởng của các công ty có liên hệ mật thiết với việc họ có thể hay không thể tạo ra những đại dương xanh.
Hầu như tất cả những công ty này đều được nhớ đến bởi những đại dương xanh mà họ đã tạo ra trong từng giai đoạn thời gian. Chẳng hạn như Ford, công ty này đã có lúc gặp khó khăn nhưng tên tuổi và thương hiệu của hãng vẫn đứng vững, phần lớn là nhờ loại xe Model T mà hãng đã tung ra thị trường.
Ngành công nghiệp máy tính
Bây giờ hãy chuyển sang ngành công nghiệp máy tính, một ngành cung cấp các sản phẩm quan trọng cho tất cả các văn phòng làm việc trên khắp thế giới. Ngành công nghiệp máy tính ở Mỹ manh nha xuất hiện từ năm 1890, khi Herm Hollerith phát minh ra loại máy điện toán dùng thẻ đục lỗ để rút ngắn quá trình ghi và phân tích dữ liệu trong điều tra dân số ở Mỹ. Máy tính của Hollerith đã giúp hoàn thành việc tính toán sớm hơn 5 năm so với kiểu thống kê trước đó.
Chẳng bao lâu sau đó, Hollerith rời văn phòng điều tra dân số để thành lập Công ty máy điện toán (TMC), công ty này bán những chiếc máy điện toán cho các cơ quan chính phủ ở Mỹ và các nước khác. Vào thời điểm đó, máy điện toán của Hollerith chưa tìm được thị trường trong các doanh nghiệp, khi mà việc xử lý dữ liệu ở đây được thực hiện bằng bút chì và sổ sách, một cách làm hồi đó được xem là dễ dàng, ít tốn kém và chính xác. Mặc dù máy điện toán của Hollerith xử lý nhanh và chính xác, nhưng nó vẫn rất đắt tiền và khó sử dụng, thêm vào đó lại cần có sự bảo dưỡng thường xuyên. Phải đối mặt với cạnh tranh sau khi hết thời hạn bảo hộ sáng chế và gặp rắc rối do chính phủ Mỹ đã từ chối mua sản phẩm của TMC do mức giá quá cao, Hollerith đã bán công ty, để rồi sau đó TMC được sáp nhập với hai công ty khác để hình thành Tập đoàn CTR vào năm 1911.
Máy điện toán
Năm 1914, việc kinh doanh máy điện toán của CTR còn ở quy mô nhỏ và không có lợi nhuận. Nhằm nỗ lực chuyển biến công ty, CTR kêu gọi sự trợ giúp của Thomas Watson, từng là nhà điều hành của Công ty National Cash Register. Watson nhận thấy rằng vẫn còn nhiều nhu cầu chưa được khai thác, chẳng hạn như sử dụng máy điện toán để đổi mới hoạt động quản lý tồn kho hoặc hoạt động kế toán. Ông cũng nhận thấy rằng sản phẩm công nghệ mới này quá đắt tiền và phức tạp đối với những doanh nghiệp khi mà họ cảm thấy vẫn có thể làm tốt việc quản lý theo phương pháp thủ công - bút chì và sổ sách.
Với một bước đi chiến lược dẫn đến việc hình thành ngành công nghiệp máy tính, Watson đã kết hợp thế mạnh của những máy điện toán với sự thuận tiện và chi phí thấp của bút chì và sổ sách. Dưới sự chỉ đạo của Watson, những chiếc máy điện toán của CTR được đơn giản hóa và chia thành các mô-đun. Công ty cũng bắt đầu đưa ra dịch vụ bảo trì tại chỗ và đào tạo người sử dụng. Khách hàng có được những chiếc máy tốc độ nhanh và hiệu quả mà không cần phải thuê chuyên gia tới đào tạo nhân viên hoặc kĩ thuật viên để sửa chữa máy khi hỏng hóc.
Tiếp đó, Watson đưa thêm hình thức cho thuê máy điện toán - sáng kiến này giúp tạo nên một mô hình định giá mới cho việc kinh doanh máy điện toán. Một mặt, nó cho phép các doanh nghiệp tránh phải đầu tư nhiều vốn mà lại có thể linh hoạt trong việc nâng cấp khi các loại máy điện toán cần phải cải tiến. Mặc khác, việc cho thuê giúp CTR có nguồn doanh thu định kỳ đều đặn, đồng thời ngăn chặn được việc khách hàng mua máy đã sử dụng từ những doanh nghiệp khác. Trong vòng sáu năm, doanh thu của công ty này đã tăng hơn gấp ba lần.14 Cho đến giữa những năm 1920, CTR đã nắm giữ 85% thị phần máy điện toán ở Mỹ. Năm 1924, để thể hiện sự có mặt trên toàn cầu của công ty, Watson đổi tên CTR thành International Business Machines Corp. (IBM). Đại dương xanh cho việc kinh doanh máy điện toán bắt đầu mở ra.
Máy tính điện tử
Năm 1952, Remington Rand bán UNIVAC - chiếc máy tính điện tử thương mại đầu tiên trên thế giới cho văn phòng điều tra dân số. Tuy nhiên, trong năm đó chỉ có ba chiếc UNIVAC được bán trên thị trường. Đại dương xanh vẫn chưa ở trong tầm tay cho đến khi nhà điều hành của IBM, con trai của Watson, Thomas Watson Jr. thấy vẫn còn có nhu cầu chưa được khai thác trong thị trường tưởng chừng như nhỏ bé và thiếu màu mỡ này. Watson con nhận thấy vai trò của máy tính điện tử trong việc kinh doanh và đã xúc tiến đẩy nhanh việc đáp ứng nhu cầu này.
Năm 1953, IBM đưa ra loại máy IBM 650, một chiếc máy tính cỡ trung bình cho doanh nghiệp. Nhận thấy rằng nếu các doanh nghiệp sử dụng máy tính điện tử, họ sẽ không cần một chiếc máy phức tạp và sẽ chỉ mua với giá tiền tương ứng với những tính năng họ cần, IBM đã sản xuất loại máy IBM 650 đơn giản hơn và có cấu hình thấp hơn chiếc UNIVAC. IBM ấn định giá bán chỉ ở mức 200 ngàn đô la, trong khi UNIVAC được bán với giá 1 triệu đô la. Kết quả là, đến cuối những năm 1950, IBM đã chiếm được 85% thị phần trên thị trường máy tính cho doanh nghiệp. Từ năm 1952 đến năm 1959 doanh thu tăng gần gấp ba, từ 412 triệu đô la lên 1,16 tỷ đô la.15
IBM mở rộng đại dương xanh thêm nữa vào năm 1964, với việc đưa ra loại máy System/360, dòng máy tính lớn đầu tiên sử dụng phần mềm, thiết bị ngoại vi và các gói dịch vụ có thể hoán đổi. Đó là một bước đi táo bạo với điểm xuất phát là máy tính lớn, nguyên khối. Sau đó, vào năm 1969, IBM đã thay đổi phương thức bán máy tính. Thay vì chào bán phần cứng, dịch vụ và phần mềm chung, IBM tách riêng từng yếu tố và bán riêng rẽ. Việc tách riêng này hình thành nên ngành dịch vụ và phần mềm trị giá hàng tỷ đô la. Ngày nay, IBM là công ty cung cấp dịch vụ máy tính lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới.
Máy tính cá nhân
Ngành công nghiệp máy tính tiếp tục quá trình phát triển trong những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX. IBM, Digital Equipment Corporation (DEC), Sperry và những công ty khác mới nhảy vào ngành máy tính đã mở rộng hoạt động ra toàn cầu và đổi mới cũng như mở rộng dòng sản phẩm để mở thêm thị trường thiết bị ngoại vi và dịch vụ. Do đó, vào năm 1978, khi các nhà sản xuất máy tính lớn dự định sản xuất những chiếc máy to và mạnh hơn cho thị trường doanh nghiệp thì Apple Computer đã tạo ra một khoảng thị trường hoàn toàn mới với loại máy Apple II dùng cho gia đình.
Tuy nhiên, trái ngược với những suy nghĩ kiểu truyền thống, Apple không phải là loại máy tính cá nhân đầu tiên trên thị trường. Trước đó hai năm, Micro Instrumental and Telemetry Systems (MITS) đã giới thiệu máy Altair 8800. Máy Altar 8800 được tung ra thị trường với kỳ vọng khá cao vào những người đam mê máy tính. Tạp chí Business Week nhanh chóng gọi MITS là “IBM trong lĩnh vực máy tính gia đình”.
Mặc dù vậy, MITS vẫn chưa tạo ra được một đại dương xanh. Tại sao lại như vậy? Loại máy này không có màn hình, không có bộ nhớ cố định, chỉ có bộ nhớ tạm thời 256 bit, không có phần mềm và bàn phím. Để nhập dữ liệu, người sử dụng phải dùng đến các núm chuyển đổi ở mặt trước của máy, kết quả chương trình được hiển thị bằng đèn nhấp nháy ở phía trước. Chẳng có gì ngạc nhiên khi loại máy tính gia đình khó sử dụng này không kiếm được thị trường tiêu thụ. Hy vọng bán sản phẩm này nhỏ đến mức trong cùng năm đó ông Ken Olsen, Chủ tịch của Digital Equipment đã nói một câu nổi tiếng “Mọi người chẳng có lý do gì để mua một chiếc máy tính cho gia đình họ”.
Hai năm sau đó, Apple II đã khiến Alsen phải nghĩ lại về câu nói đó khi họ tạo ra một đại dương xanh trong lĩnh vực máy tính gia đình. Dựa trên công nghệ hiện có, Apple II đưa ra một giải pháp mới bằng một mẫu thiết kế có vỏ nhựa, bao gồm cả bàn phím và nguồn điện. Đây là loại máy tính rất dễ sử dụng. Apple II được bán kèm với phần mềm từ những phần mềm trò chơi cho đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như phần mềm xử lý văn bản Apple Writer, bảng tính VisiCalc, khiến máy tính trở nên thiết thực hơn với người mua.
Apple đã làm thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về máy tính. Máy tính không còn là sản phẩm dành riêng cho những “chuyên gia tin học”, cũng như sản phẩm Model T trước đó, máy tính đã trở thành sản phẩm cần thiết trong các hộ gia đình ở Mỹ. Chỉ hai năm sau khi Apple II ra đời, doanh số của Apple đã lên tới hơn 200 nghìn máy mỗi năm, Apple được đứng trong danh sách 500 công ty hàng đầu do tạp chí Fortune bình chọn khi mới thành lập được 3 năm, một thành công chưa từng có.16 Năm 1980, khoảng 20 công ty trong ngành bán ra được 724 nghìn máy tính cá nhân, thu lại hơn 1,8 tỷ đô la.17 Năm sau đó, 20 công ty khác bước vào thị trường, và doanh số tăng gấp đôi, lên tới 1,4 triệu máy tính, mang lại khoảng 3 tỷ đô la.18 IBM chờ vài năm đầu để nghiên cứu về thị trường và công nghệ rồi mới đưa ra kế hoạch tung sản phẩm máy tính cho các gia đình vào thị trường. Năm 1982, IBM mở rộng đáng kể đại dương xanh trong lĩnh vực máy tính gia đình qua việc đưa ra một cấu trúc mở, cho phép các đối tác liên quan có thể viết phần mềm và phát triển các thiết bị ngoại vi. Nhờ việc tạo ra hệ điều hành chuẩn hóa để từ đó những người bên ngoài có thể tạo ra phần mềm và thiết bị ngoại vi tương thích, IBM đã duy trì chi phí và giá ở mức thấp trong khi vẫn mang đến cho khách hàng nhiều giá trị sử dụng hơn. Quy mô và phạm vi của công ty cho phép họ định giá máy tính cá nhân ở mức hợp lý với đa số người mua.19 Trong năm đầu tiên, IBM đã bán ra 200 nghìn máy tính cá nhân, gần bằng với kế hoạch 5 năm của họ. Đến năm 1983, khách hàng đã mua 1,3 tỷ máy tính cá nhân của IBM.20
Máy chủ Compaq PC
Các tập đoàn ở Mỹ mua và lắp đặt máy tính cho cả tổ chức của họ ngày càng có nhu cầu kết nối những chiếc máy với nhau để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản nhưng cần thiết như chia sẻ các tệp tin và máy in. Ngành công nghiệp máy tính cho doanh nghiệp đã xuất hiện với máy IBM 650, sau đó HP, DEC và Sequent nhảy vào thị trường này, họ chào bán những hệ thống máy cao cấp cho doanh nghiệp để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong tập đoàn, cùng với hệ điều hành và ứng dụng phần mềm. Nhưng các loại máy này quá đắt và việc thực hiện kể cả những ứng dụng đơn giản cũng tương đối khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty vừa và nhỏ cần chia sẻ máy in và dữ liệu, nhưng không muốn đầu tư nhiều vào những cấu hình máy tính phức tạp.
Năm 1992, Compaq đã thay đổi tất cả bằng cách hình thành đại dương xanh trong ngành máy chủ với việc tung ra sản phẩm ProSignia, một loại máy chủ khá đơn giản và tối ưu đối với hầu hết những chức năng phổ biến nhất trong việc chia sẻ tệp tin và máy in. Máy chủ sử dụng hệ điều hành từ SCO UNIX cho đến OS/3 và DOS, khác với những chức năng cơ bản. Loại máy chủ mới có khả năng và tốc độ chia sẻ máy in và các tệp tin dữ liệu gấp hai lần so với máy tính mini và được bán với giá chỉ bằng 1/3. Đối với Compaq, những loại máy được đơn giản hóa này đã làm giảm đáng kể chi phí sản xuất. Với việc tung ra sản phẩm ProSignia và liên tục đưa ra những sản phẩm mới trong ngành máy chủ, doanh số bán máy tính của Compaq không chỉ tăng lên mà ngành công nghiệp máy chủ cũng tăng trưởng tới mức 3,8 tỷ đô la trong vòng chưa đầy 4 năm.21 Máy tính Dell
Vào giữa những năm 1990, tập đoàn máy tính Dell đã tạo ra một đại dương xanh khác trong ngành công nghiệp máy tính. Thông thường, các nhà sản xuất máy tính cạnh tranh bằng cách đưa ra thị trường những chiếc máy tính có khả năng xử lý nhanh hơn với nhiều tính năng và phần mềm hơn. Tuy nhiên, Dell lại làm khác với cách thông thường trong ngành bằng việc thay đổi thói quen mua hàng và nhận hàng của người mua. Với cách bán hàng trực tiếp cho khách hàng, Dell có thể bán máy tính với giá rẻ hơn 40% so với các đại lý của IBM mà vẫn có lãi.
Việc bán hàng trực tiếp còn hấp dẫn khách hàng hơn do Dell có thể giao hàng trong thời gian nhanh chưa từng có. Chẳng hạn, thời gian từ khi đặt hàng tới khi giao hàng tại Dell là 4 ngày, trong khi thời gian giao hàng trung bình của các đối thủ là hơn 10 tuần. Thêm vào đó, thông qua hệ thống đặt hàng qua điện thoại và qua mạng của Dell, các khách hàng có thể lựa chọn cấu hình máy tính theo ý thích của mình. Trong khi đó, mô hình lắp đặt theo đơn hàng cho phép Dell giảm đáng kể chi phí tồn kho.
Ngày nay, Dell là công ty dẫn đầu thị trường xét về doanh số bán máy tính cá nhân, với doanh số tăng nhanh từ 5,3 tỷ đô la năm 1995 tới 35,5 tỷ đô la năm 2003. Thị phần ở Mỹ của công ty này tăng từ 2% lên tới hơn 30% trong cùng thời kỳ.22
Giống với ngành công nghiệp ô tô, các đại dương xanh trong ngành công nghiệp máy tính không được tạo ra đơn thuần nhờ đổi mới công nghệ mà còn bởi sự kết nối công nghệ với các yếu tố mà người mua đánh giá cao. Như trong trường hợp IBM 650 và máy chủ Compaq PC, đổi mới giá trị được thực hiện dựa trên việc đơn giản hóa công nghệ. Chúng ta cũng thấy cả những đối thủ lớn trong ngành như CTR, IBM, Compaq lẫn những đối thủ mới tham gia như Apple và Dell đều có thể tạo ra được những đại dương xanh. Mỗi đại dương xanh lại góp phần củng cố cho danh tiếng của công ty và mang lại sự tăng trưởng có lợi nhuận không chỉ cho công ty tạo ra nó mà còn cho toàn ngành.
Ngành kinh doanh rạp chiếu phim Bây giờ hãy chuyển sang ngành kinh doanh các rạp chiếu phim, một hình thức giải trí giúp chúng ta thư giãn vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc sau giờ làm việc. Những rạp chiếu phim ở Mỹ xuất hiện từ năm 1893, khi Thomas Edison phát minh ra máy hoạt ảnh, một chiếc thùng gỗ trong đó có đèn chiếu qua một cuộn phim. Người xem thấy được các hình ảnh chuyển động qua một lỗ nhỏ và buổi diễn được gọi là “phim chiếu qua lỗ nhỏ”.
Hai năm sau đó, các nhân viên của Edison đã phát triển một loại máy hoạt ảnh (kinetoscope) cho những hình ảnh chuyển động trên màn hình. Tuy nhiên, máy hoạt ảnh không phát triển theo hướng kinh doanh được. Những đoạn chiếu dài khoảng vài phút chỉ được giới thiệu giữa những buổi biểu diễn tạp kĩ và ở rạp hát, nhằm làm tăng giá trị của buổi diễn nghệ thuật xem trực tiếp chứ chưa thể tạo thành một hình thức giải trí riêng biệt. Công nghệ cũng đã phát triển, sẵn sàng cho việc phát triển ngành điện ảnh, nhưng ý tưởng hình thành một đại dương xanh vẫn chưa xuất hiện.
Rạp 5 xu “Nickelodeons”
Harry Davis đã thay đổi tất cả những điều đó bằng việc mở ra một nickelodeon (tiền thân của rạp chiếu phim) đầu tiên ở Pittsburgh, bang Pennsylvania vào năm 1905. “Nickelodeons” là tiền thân của các rạp chiếu phim sau này và cũng giúp mở ra một đại dương xanh vô cùng lớn. Hãy xem xét sự khác biệt. Mặc dù vào đầu thế kỷ XX, hầu hết những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động, nhưng các rạp chiếu cho đến thời kỳ đó vẫn tập trung vào cung cấp các hình thức giải trí sống (xem trực tiếp) cho người dân với giá cao như hát, opera, chương trình tạp kĩ…
Với mức thu nhập trung bình của các gia đình chỉ khoảng 12 đô la mỗi tuần, các hình thức giải trí này không mấy thích hợp vì quá tốn kém. Giá vé bình quân cho một buổi xem opera là 2 đô la, xem tạp kĩ là 50 xen. Đối với đại đa số người dân, việc đến rạp hát là một việc quá nghiêm túc. Do dân trí thấp nên giới công nhân lao động không mấy cảm thấy thích thú với rạp hát và opera. Việc đi xem ở rạp cũng không thuận tiện. Các buổi chiếu chỉ được tổ chức vài lần mỗi tuần và hầu hết các rạp hát đều tập trung ở những khu vực giàu có trong thành phố, phần lớn những người dân thường khó tới đó được. Khi nghĩ tới việc giải trí, hầu hết những người dân Mỹ đều cảm thấy mơ hồ.
Trái lại, giá vé vào cửa “Nickelodeons” của David chỉ có 5 xen (còn gọi là 1 nickel), đúng như cái tên của rạp. Davis giữ giá vé ở mức 5 xen bằng cách thu hẹp địa điểm chiếu ở mức vừa đủ cho màn hình và các dãy ghế và tìm vị trí ở những nơi giá thuê rẻ, gần nơi ở của tầng lớp lao động. Tiếp đó, ông tập trung vào số lượng và sự thuận tiện, ông mở cửa rạp vào 8 giờ sáng và chiếu liên tục đến nửa đêm. Việc xem ở rạp “Nickelodeons” rất thú vị, ở đó có những bộ phim hài phù hợp với hầu hết mọi giới bất kể học vấn, ngôn ngữ hay độ tuổi nào.
Những người thuộc tầng lớp lao động đổ xô tới các “Nickelodeons” và rạp đã phục vụ khoảng 7.000 khách hàng mỗi ngày. Trong năm 1907, báo Saturday Evening Post đã đưa tin cho biết số người đến xem tại “Nickelodeons” đã vượt qua con số 2 triệu.23 Chẳng bao lâu sau,“Nickelodeons” đã bùng nổ trên khắp đất nước. Cho đến năm 1914, nước Mỹ đã có 18.000 rạp “Nickelodeons”, với 7 triệu lượt người đến xem mỗi ngày.24 Đại dương xanh đã phát triển thành một ngành trị giá nửa tỷ đô la.
Rạp chiếu sang trọng (Palace Theaters)
Khi đại dương xanh từ các “Nickelodeon” phát triển lên đến đỉnh điểm, năm 1914, Samuel “Roxy” Rothapfel đã có kế hoạch đưa những bộ phim đến với tầng lớp trung lưu và thượng lưu bằng cách mở rạp chiếu phim sang trọng đầu tiên ở thành phố New York. Cho đến thời điểm đó, Rothapfel đã sở hữu nhiều “Nickelodeons” ở Mỹ và được biết đến nhiều nhất với việc cứu các rạp hát đang trong tình trạng khó khăn. Không giống với “Nickelodeons” dành cho tầng lớp thấp, các rạp hát sang trọng của Rothapfel là một nơi khác hẳn, với những chùm đèn sang trọng, hành lang sáng bóng và cửa ra vào lớn. Với thảm nhung, những ghế ngồi bọc vải nhung lông và các bộ phim dài hơn, các rạp hát này khiến việc đi xem ở rạp trở nên đáng giá hơn so với đi xem hát hay xem opera, hơn nữa giá vé được bán với mức có thể chấp nhận được.
Những rạp chiếu sang trọng là một thành công về mặt thương mại. Từ năm 1914 đến năm 1922, 4.000 rạp chiếu phim sang trọng mới được xây dựng ở Mỹ. Việc đi xem phim trở thành một thú giải trí quan trọng đối với những người Mỹ ở mọi tầng lớp. Như Roxy đã nói “Mang lại cho mọi người cái mà họ muốn là một sai lầm cơ bản. Người ta thường không biết họ muốn gì... Hãy cung cấp cho họ những thứ tốt hơn”. Rạp chiếu phim sang trọng đã kết hợp một cách hiệu quả cảnh quan của một rạp hát opera với việc chiếu những bộ phim, từ đó mở ra một đại dương xanh mới trong ngành điện ảnh và thu hút một số lượng lớn những khán giả điện ảnh: những người thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu.25
Khi mức sống ngày càng tăng và khi người Mỹ tìm ra những vùng ngoại ô để hiện thực hóa ước mơ một ngôi nhà với hàng rào bao quanh, có gà để nấu cho bữa ăn, có ô tô trong ga ra thì việc tiếp tục phát triển các rạp chiếu phim sang trọng bắt đầu thất bại trong những năm cuối những năm 1940. Vùng ngoại ô, không giống với những thành phố lớn hay các vùng thủ đô, không phải là nơi thích hợp cho những rạp chiếu phim sang trọng với diện tích lớn và nội thất đắt tiền. Kết quả của sự phát triển trong cạnh tranh là sự xuất hiện của những rạp chiếu phim nhỏ tại các vùng ngoại ô, chiếu mỗi tuần một bộ phim. Mặc dù các rạp chiếu phim nhỏ áp dụng chiến lược “dẫn đầu về chi phí” khác với rạp chiếu phim sang trọng, họ vẫn thất bại trong việc thu hút khách hàng. Những rạp chiếu này không mang lại cảm giác đặc biệt của một buổi tối đi chơi và thành công của những rạp chiếu đó phụ thuộc duy nhất vào chất lượng bộ phim được chiếu.
Nếu một bộ phim không hay, khách hàng sẽ chẳng có lý do gì tới rạp và người chủ rạp sẽ không thu được tiền bán vé. Khi ngành này ngày càng ở trong tình trạng hết thời, thì sự tăng trưởng có lợi nhuận sẽ giảm sút.
Cụm rạp chiếu phim (multiplex)
Một lần nữa, ngành này lại tiếp tục tăng trưởng có lợi nhuận nhờ việc tạo ra một đại dương xanh. Trong năm 1963, Stan Durwood đã thực hiện một bước đi chiến lược làm biến chuyển toàn ngành. Cha của Durwood đã mở rạp chiếu phim đầu tiên của dòng họ mình ở thành phố Kansas vào những năm 1920 và Stan Durwood đã làm hồi sinh ngành kinh doanh này bằng việc hình thành cụm rạp đầu tiên ở trung tâm mua sắm thành phố Kansas.
Cụm rạp chiếu phim này ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý. Một mặt, ở đó có lượng phim phong phú giúp người xem có nhiều sự lựa chọn hơn. Mặt khác, với những rạp chiếu có diện tích khác nhau trong cùng một địa điểm, người chủ rạp có thể điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu khác nhau của từng bộ phim, do đó phân tán rủi ro và giữ chi phí ở mức thấp. Kết quả là công ty của Durwood, American Multi- Cinema (AMC) đã phát triển từ một rạp hát ở thị trấn nhỏ thành một công ty giải trí lớn thứ hai trên toàn nước Mỹ.
Tổ hợp rạp (megaplex)
Việc tung ra cụm rạp chiếu phim đã hình thành một đại dương xanh mang lại sự tăng trưởng có lợi nhuận trong ngành, nhưng cho đến những năm 1980, sự lan rộng của băng video, truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp đã làm giảm sự chú ý của công chúng đối với những rạp chiếu phim. Vấn đề càng khó khăn hơn khi ông chủ các rạp đã chia rạp thành những phòng chiếu nhỏ hơn để có thể chiếu được nhiều phim hơn nhằm nỗ lực dành thị phần lớn hơn trong thị trường đang thu hẹp của ngành. Một cách vô thức, họ đã làm mất đi thế mạnh riêng biệt của các rạp chiếu phim, đó là màn ảnh rộng. Những bộ phim ăn khách chỉ sau một tuần được chiếu ở rạp đã xuất hiện trên truyền hình cáp và các cuốn video, nên khách hàng ngày càng ít chịu bỏ khoản tiền lớn hơn để đến rạp xem phim với màn hình chỉ rộng hơn một chút so với ở nhà. Việc kinh doanh ở các rạp chiếu phim ngày càng giảm sút nhanh chóng.
Năm 1995, AMC một lần nữa vực dậy ngành này nhờ việc đưa ra tổ hợp 24 rạp đầu tiên ở Mỹ. Không giống với sự thiếu trang hoàng của cụm rạp, tổ hợp rạp có những hàng ghế như ở sân vận động (để người xem không gặp cản trở về tầm nhìn) cùng với những chiếc ghế êm ái, chiếu nhiều bộ phim hơn với hình ảnh và âm thanh sắc nét. Dù phải đầu tư cho những cải tiến này, chi phí hoạt động ở những tổ hợp rạp vẫn thấp hơn các cụm rạp multiplex. Đó là vì tổ hợp rạp thường thuê địa điểm ở ngoại vi thành phố, nơi có giá đất rẻ hơn. Độ rộng của rạp cũng khiến việc mua đất trở nên kinh tế hơn. Với 24 màn hình chiếu tất cả các phim có trên thị trường, rạp kiểu này trở nên rất thu hút khách.
Trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, doanh thu trung bình từ mỗi khách hàng tại tổ hợp rạp của AMC cao hơn 8,8% so với các cụm rạp chiếu phim. Khoảng cách từ nhà tới các rạp chiếu phim ‐ bán kính khu vực để người xem có thể đến các rạp chiếu phim đã tăng từ 2 dặm vào giữa những năm 1990 lên đến 5 dặm đối với tổ hợp rạp của AMC.26 Từ năm 1995 đến 2001, tổng số lượt xem phim tăng từ 1,26 tỷ lên 1,49 tỷ. Các tổ hợp rạp chỉ chiếm 15% số lượng màn ảnh nhưng chiếm tới 38% doanh thu.
Thành công của đại dương xanh do AMC tạo ra đã khiến những đối thủ khác trong ngành bắt chước. Quá nhiều tổ hợp rạp được xây chỉ trong thời gian ngắn và đến năm 2000, nhiều tổ hợp rạp trong số đó phải đóng cửa do suy thoái kinh tế. Một lần nữa ngành này lại cần đến một đại dương xanh mới.
Đó chỉ là một phác họa của ngành điện ảnh ở Mỹ, các lĩnh vực khác cũng theo mô hình tương tự. Đó không phải là một ngành có sự hấp dẫn mãi mãi. Cũng không có công ty nào liên tục giữ được vị trí xuất sắc mãi mãi. Việc hình thành những đại dương xanh là một yếu tố chính đưa các công ty đến với sự tăng trưởng có lợi nhuận. Ở đây các đại dương xanh được tạo ra bởi những tên tuổi lớn trong ngành như AMC. Lịch sử đã cho thấy AMC tạo ra một đại dương xanh trong ngành điện ảnh Mỹ trước hết nhờ các cụm rạp và sau đó là tổ hợp rạp, hai lần thiết lập lại hướng phát triển của toàn ngành và hai lần đưa lợi nhuận và sự tăng trưởng tăng lên một mức cao hơn. Ở tâm điểm của những đại dương xanh này không phải là đổi mới công nghệ mà là đổi mới giá trị.
Khi đánh giá những phác thảo về ba ngành này, chúng ta nhận thấy rằng một công ty có thể có được sự tăng trưởng có lợi nhuận ổn định hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào việc nó có thường xuyên giữ được vị trí hàng đầu trong vòng quay liên tiếp của sự hình thành đại dương xanh hay không. Hiếm có công ty nào duy trì được hoạt động kinh doanh hoàn hảo trong thời gian dài. Đến nay, không công ty nào có thể dẫn đầu chặng đường đưa tới đại dương xanh liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, các công ty có tên tuổi thường là những công ty có khả năng tái khẳng định mình nhờ việc tạo ra khoảng thị trường mới. Với ý nghĩa này, không có công ty nào vĩnh viễn giữ được hoạt động hoàn hảo, nhưng các công ty có thể hy vọng duy trì hoạt động hoàn hảo, xuất sắc bằng cách theo đuổi những chiến lược tốt. Mô hình hình thành đại dương xanh mà các ngành đại diện nói trên cũng nhất quán với những gì chúng ta thấy ở các ngành khác trong nghiên cứu này.