Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả kêu gọi những ai ca ngợi Đức Chúa Trời? Ngợi khen Ngài vì lẽ gì? Tác giả nói lên những kinh nghiệm cá nhân nào ở đây? Câu 5 có ý nghĩa gì đối với bạn?
Thi-thiên thuộc thể loại Ha-lê-lu-gia với ý nghĩa thật phong phú này được viết để ngợi ca Đức Chúa Trời trong ngày lễ Lều Tạm và được Chúa Giê-xu cùng các môn đệ của Ngài hát lên trong Phòng Cao vào ngày lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:30).
Thật khó xác định được nhân vật chính ở đây là ai, nhưng chúng ta có thể đoán rằng đây là một vị vua đã trải qua lắm gian truân, giờ đây bởi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, ông và thần dân của ông được sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Vì thế, ông đã kêu gọi toàn dân, những người phục vụ trong đền thờ của Đức Chúa Trời và tất cả những người kính mến Đức Chúa Trời đồng thanh ca ngợi Đức Chúa Trời nhân từ và giàu lòng thương xót (câu 1-4).
Ở đây tác giả công bố rằng chính Đức Chúa Trời đã giải cứu ông. Vì sao ông nói rằng Ngài đã để ông ở "nơi rộng rãi" và ngợi khen sự nhân từ của Ngài? Chúng ta có thể hiểu rằng trước đó ông ở trong hoàn cảnh tù túng, mất tự do. Có ba lý do: (i) Tác giả bị lâm bệnh nặng và phải nằm liệt giường. Chúng ta có thể hiểu được sự khốn khổ và tù túng của con người trước đây khỏe mạnh, năng động, giờ chỉ quanh quẩn bên giường bệnh. Trong hoàn cảnh như thế ông đã cầu xin Đức Chúa Trời thương xót chữa lành cho ông và Ngài đã đáp lời ông. (ii) Tác giả bị kẻ thù tìm kiếm để hãm hại, vì thế ông chạy trốn để giữ mạng sống. Nơi cư trú của ông là núi rừng, là hoang mạc. Ông đã kêu cầu Đức Chúa Trời bênh vực ông và Ngài đã khiến cho ông được hưng thịnh và kẻ thù sa bại, phải chạy trốn trước mặt ông. Giờ đây ông là người tự do, không còn phải trốn lánh và ngày đêm lo sợ cho sự an toàn của bản thân nữa. (iii) Cũng có thể tác giả bị kẻ thù khống chế hay lâm vòng tù tội. Đức Chúa Trời đã giải cứu ông và ông vui vì thấy người ác bị báo trả (câu 7).
Đức Chúa Trời cũng để người Ít-ra-ên ở "nơi rộng rãi." Khi còn ở trong hoàn cảnh nô lệ ở Ai Cập, họ phải ngày đêm lao nhọc để xây thành cho Pha-ra-ôn. Nói sao cho hết những nỗi khốn khổ của dân Đức Chúa Trời khi bị đe dọa bởi chính sách diệt chủng của người Ai Cập. Tiếng kêu than của một dân tộc bị áp bức được Đức Chúa Trời nghe và Ngài sai lãnh tụ Môi-se giải cứu họ. Đây cũng là lý do tác giả kêu gọi toàn dân của ông ca ngợi sự nhân từ của Đức Chúa Trời.
Bạn có nhận thức rằng bởi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời mà bạn được hanh thông không? Bạn sẽ làm gì để báo đáp ân lành và sự giải cứu của Ngài?
Lạy Chúa, xin giúp con cứ vững tin nơi Ngài là Đức Chúa Trời giàu lòng nhân từ, cũng là Đấng giải cứu và làm thay đổi đời con.