Ba mươi Tết không còn ai mua bàn ghế nữa. Ông Giáo Hiệp về chung vui ba ngày xuân với con cháu. Ông Thái đóng cửa tiệm giao cho người phục dịch ở giữ, ông cũng về Sài Gòn lo rước ông bà.
Bà Hòa đã có mua hoa quả chưng dọn trên bàn thờ để cúng chung cha mẹ hai bên.
Bên nhà bà Ngọc thì bàn thờ đặt trên lầu, một bàn bà thờ cha mẹ một bàn bà thờ chồng, vì năm nay bà vui vẻ, không còn ủ ê như trước nữa, nên hai bàn thờ chưng hực hỡ. Bàn thờ Phật đặt phía trong, gần phòng bà ngủ, đặng khuya sớm bà cúng vái cho tiện, thì bà cắm bông sen chung với bông huệ, sen tượng trưng trong sạch, nở trong vũng bùn mà không lem luốc, còn huệ tượng trưng cho quảng đại từ bi, vui cứu vớt mọi người không phân biệt giàu nghèo hay lành dữ.
Không hẹn mà gặp mới vui, chiều bữa ba mươi cả hai nhà hai bên đều tiếp được một lượt thơ gởi về chúc mừng ngày xuân. Bên nhà ông Thái thì thơ của Hoài chúc chung cả nhà, còn Khánh thì gởi riêng cho chị Đào chị Lý một cái, và cho bà Hòa một cái, thơ của bà Hòa cậu chúc chung hai ông bà với Tòng lại thêm gởi gắm bà mẹ yếu đuối của cậu một lần nữa.
Tiếng pháo nghinh xuân lụp xụp nổ vang tai mà hai nhà được thơ ở xa xuôi gởi về chúc mừng nữa, bởi vậy lớn nhỏ đều thêm hân hoan, quên hết cái buồn đã qua, mong tiếp cái vui sắp tới.
Hai bà Hòa với Ngọc đã thỏa thuận trước cùng nhau.Tết nầy hai nhà nhập một mà chung vui cho bà Ngọc khỏi buồn với cảnh hiu quạnh cô đơn trong dịp gia dình nào cũng vui đoàn tụ. Buổi sớm mơi mùng một bà Ngọc qua ăn cơm chung với gia đình của bà Hòa, rồi buổi chiều cả nhà bà Hòa qua ăn cơm bên bà Ngọc luôn. Luôn mùng 2 mùng 3 cũng vây, mà trong 3 ngày xuân có đi chơi thì cũng đi chung với nhau.
Sáng mùng một bà Ngọc cúng tiền nhơn rồi, bà qua sớm mà chúc xuân cho vợ chồng ông Thái. Đào, Lý với Tòng ra mừng bà. Bà đã sắm sẵn đồ để biếu cho ba trẻ mừng tuổi mà bà không cho hay trước. Bây giờ bà mới đưa ra cho Tòng một đồng hồ tay với một viết máy, còn Đào với Lý thì bà cho mỗi cô một đôi bông tai nhận hột xoàn 5 ly chớ không lớn lắm, bà nói cho để hai con đi học khỏi đeo bông lòng thòng như đầm mà mất cái vẽ thiếu nữ thuần túy Việt Nam. Ba trẻ vui mừng cám ơn mà thâu nhận. Vợ chồng ông Thái càng thêm cảm tình, nhận thấy rõ ràng hễ mình làm phải thì gặp phải, dầu làm nghĩa với người quấy, cái nghĩa đó cũng không mất.
Tết chung vui với nhau trót 3 bữa, ở nhà nói chuyện với nhau đã vui, mà hai xe đi chơi cùng nhau cũng vui. Chiều mùng ba, hẹn ăn cơm bên nhà bà Ngọc, ông Thái nghỉ trưa rồi dậy ngồi uống trà, ông mới tính tới công cuộc làm ăn. Bà Hòa hỏi chồng vậy chớ cuộc trồng mía và làm đường của bà Ngọc ông liệu làm sao sắp đặt dùm cho bà, chớ bỏ xụi cho ông Hương hào Điều ăn hết, ăn mà vô ơn thì uổng lắm. Ông nói ông đã có tính rồi, ngặt muốn cho lợi nhiều thì phải làm cho lớn mà làm lớn thì phải xuất vốn nhiều. Bà Ngọc không ham tiền bạc, không có chí thương mãi, sợ bà không có vốn nhiều mà làm, dầu có còn sợ bà không dám xuất nhiều thì khó làm công việc lớn.
Bà Hòa suy nghĩ rồi nói.
- Bây giờ lập lò mua mía mà làm đường chắc có lợi lớn lắm. Nếu cô Hai nhút nhát, hoặc không đủ tiền, thì mình hùn vốn, rồi tôi phụ coi sóc với cô. Tôi thấy công cuộc làm ăn tôi ham quá.
- Mình có vốn mấy chục ngàn phải để hờ trong tiệm mua ván mua cây và trả tiền công cho thợ, buông tay sao được. Mà công cuộc làm đó phải xuất vốn một hai trăm ngàn, dầu mình trút hết vốn của mình vô cũng không thấm tháp chi lắm.
- Hổm nay cô Hai trông cậy cha nó lắm. Vì mắc Tết nên cô không dám nhắc. Chiều nay đã hết Tết rồi. Thôi, mình qua bàn tính với cô thử coi.
Thấy mấy con đương đọc sách, hai ông bà mới rủ nhau đi trước qua nhà bà Ngọc, dặn con chừng gần ăn cơm tối sẽ qua sau với nhau.
Qua vừa ngồi yên thì bà Hòa nói: ”Bữa nay gần hết Tết rồi. Cha sắp nhỏ rảnh, nên qua bàn tính với cô về việc lò đường coi ý cô muốn để y như vậy hay sắp đặt lại.
Bà Ngọc vội vã nói: “Tôi muốn sắp đặt lại chớ. Tôi đã có nói với anh chị bữa hổm rồi. Hổm nay tôi suy nghĩ lại, tôi càng muốn nhiều hơn nữa. Nhưng sắp đặt lại thì phải có anh ra công giúp tôi mới được, chớ tôi dở quá, tôi làm một mình sao nổi; sợ làm bậy hư hại thêm chớ không lợi ích gì. Hôm lên Bình Phước về, anh hứa để anh suy nghĩ ít bữa, anh lập chương trình cho rành đặng nói cho tôi hiểu, rồi anh giúp tôi mà sắp đặt lại cho hẳn hòi. Nghe như vậy tôi mừng quá, trông cho mau qua khỏi Tết đặng bắt đầu làm công việc đó cho gấp vì đã tới mùa đốn mía rồi. Nhưng hổm nay tôi ái ngại điều nầy là anh mắc trại đóng bàn ghế lòng thòng; nếu anh giúp tôi thì anh phải bỏ phú cho thợ làm như vậy, thì thiệt hại cho anh chị nhiều quá, bởi vậy tôi không biết tính lẽ nào cho tôi có lời mà anh chị cũng khỏi lỗ“.
Bà Hòa nói: “Nãy giờ vợ chồng tôi bàn với nhau bên nhà, ổng ái ngại song ái ngại về chỗ khác. Ổng nói theo thời buổi nầy trồng mía làm đường là một nguồn lợi lớn lắm, lại chắc ăn lắm. Song muốn thâu lợi lớn thì trước phải ra vốn nhiều. Ổng không biết cô Hai có vốn sẵn và dám ra vốn hay không. Nếu không có hai điều kiện đó thì thà để luôn cho anh Hương hào Điều ảnh làm, mỗi năm ảnh đóng cho cô mười mấy ngàn thì khỏe hơn“.
Bà Ngọc nói: ”Vốn thì có sẵn. Nếu anh chị chịu giúp tôi, anh ra công sắp đặt và coi làm thì xuất vốn bao nhiêu tôi cũng dám, tôi có sợ gì đâu“.
Bây giờ ông Thái mới nói: “Cô Hai nói như vậy thì tôi vững bụng. Hôm lên Bình Phước tôi dòm sơ qua thấy mối lợi to quá. Tại anh Hương hào Điều, một là không có vốn nên không thể bành trướng công cuộc làm ăn cho kinh dinh được, hai là anh lù khù ham lượm lặt cái lợi cỏn con, ảnh không thấy cái lợi lớn. Tôi nghĩ kỹ lại nếu nói ảnh lương lẹo xớt bớt huê lợi chút đỉnh thì có lẽ trúng, còn nghi ảnh gian lận đến bạc muôn thì oan cho ảnh. Vậy để cho ảnh làm luôn thì cô lợi ít, nhưng cô khỏe, khỏi lo chi hết. Còn nếu cô muốn lợi nhiều mỗi năm vô năm mười muôn thì cô phải xuất vốn ra cho nhiều, phải tổ chức cuộc trồng mía, cuộc làm đường, cho hẳn hòi, cô phải mệt lo. Về phần tôi thì cuộc làm ăn của tôi có tổ chức rành rẽ, nên tôi có thể giúp tổ chức dùm cho cô trong ít tháng đầu, cho guồng máy chạy đều đều rồi cô đứng ra điều khiển được. Từ Bà Chiểu lên Bình Phước xa chừng mười ngàn thước, tôi có xe nhà mỗi ngày tôi chạy lên dòm chứng vài giờ được, tôi không bỏ trại bỏ tiệm mà cô sợ tôi vì giúp cô nên tôi bị thiệt hại“.
Bà Ngọc nói:
- Tôi nói thiệt với anh chị, hồi trước tôi chán nản cuộc đời, lại thêm buồn rầu nỗi con nên tôi sống như người không có hồn, tôi không ham tiền bạc tôi không muốn làm giàu. Tìm được con Lý tôi mấy tháng nay, tâm hồn tôi biến đổi không phải như hồi trước. Tôi muốn làm cho ra lợi đặng để cho hai đứa con tôi chung hưởng. Ông già tôi mất để lại trong ngân hàng cho tôi đến bạc triệu chớ không phải ít. Hồi cha thằng Khánh còn sống, thì tiền ăn xài trong nhà ổng bao hết, ổng không cho tôi lấy tiền trong ngân hàng ra mà dùng. Ổng chết ổng cũng còn để lại cho mẹ con tôi mấy chục ngàn. Bây giờ anh giúp tôi thì tôi lấy bớt tiền của cha tôi ra một mớ mà làm lợi thêm cho hai đứa con tôi, có sao đâu mà sợ. Vậy nếu anh giúp với tôi thì tôi dám làm: mà giúp tôi song cuộc làm ăn của anh khỏi bị bê trễ thì tôi mới dám chịu. Chớ lợi cho tôi mà hại cho anh dầu tôi có lợi bao nhiêu tôi cũng không ham.
- Cô Hai mới tu mà cô biết nói câu đó thì thấy cô đã có đạo tâm rồi. Cuộc làm ăn của tôi đâu đó tôi đã cắt phần cho người coi sóc. Trong trại mộc có ông thợ Hai già đứng cái ổng chỉ công việc cho thợ phụ làm. Ngoài tiệm thì có ông Giáo Hiệp ổng tiếp khách và bán đồ thế cho tôi được; đồ đạc thứ nào cũng có định giá tối thiểu sẵn rồi miễn đừng bán dưới giá đó thì thôi. Tôi phải có mặt đặng tiếp khách hàng quen thuở nay, nghĩa là tôi lo mặt giao thiệp, tôi củng cố tín nhiệm cho tiệm Thái Hòa, tôi duy trì lòng tín nhiệm của bà con anh em mua bán với tôi thuở nay. Thiệt nếu giúp cô mà phải bỏ tiệm đến đôi ba ngày, cái đó bất tiện, lúc nào rãnh thì đi, giúp sắp đặt cho cô trong một thời gian chừng đôi ba tháng thì không hại chi hết.
- Vậy thì được. Mà nói chuyện xuất vốn, anh có tính coi phải xuất chừng bao nhiêu?
- Tôi mới ngó sơ qua, chưa biết rõ chi tiết, chưa tính tỉ mỉ được, nên chưa biết chắc phải xuất vốn bao nhiêu. Mà xuất vốn không phải xuất luôn một lần, làm tới đâu thì xuất tới đó: lại nếu làm liền bây giờ là lúc sắp đốn mía và ép đường thì công việc có xuất cũng có thâu, mặc dầu không biết sẽ thâu được bao nhiêu, để tôi kể phỏng công việc làm cho cô nghe thì cô sẽ hiểu.
- Ừ, anh nói phỏng chừng thử coi.
- Trước hết phải chia công việc của cô ra làm hai loại, một loại thực tế, một loại tinh thần. Loại thực tế chú trọng về lợi, còn loại tinh thần chú trọng về danh. Tôi vẫn biết người tu hành chuyên chú trọng về đạo đức, hễ nghe nói danh, lợi thì họ trề môi, mím miệng, họ bỉ bạc khinh khi. Theo ý tôi, con người sống giữa thế gian mà không kể danh lợi thì làm sao mà tấn hóa. Người thí phát cất chùa ở mà tu còn muốn tu tập lần lần lên chức Yết Ma, Hòa Thượng đặng có oai tín mà truyền đạo cho bá tánh, huống chi là người thế gian mà biểu học đừng ham danh lợi, tôi khuyên cô Hai đừng ngại chỗ đó. Nếu làm ác cô bóc lột thiên hạ mà thủ lợi, ai bị hại mặc kệ; nếu cầu danh đặng để húng hiếp người ta, thì thiệt lợi danh như vậy đáng khinh bỉ. Chớ nếu cô làm cho có lợi đặng cứu giúp người bị tai nạn, người xấu số nên cơ hàn, cô làm lợi mà cô giúp người chung quanh cô ai cũng có việc làm ăn, ai cũng no ấm, nghĩa là cô chia lợi cho người ta, thì ai chê cười, ai oán ghét cô được. Còn cô cầu danh đặng gây oai tín để gieo rắt nhân nghĩa đạo đức chung quanh cô, giúp xây dựng lại mỹ tục thuần phong cho người trong làng trong xóm thì cái danh của cô quí giá, một hai người ganh ghét họ chê, còn muôn ngàn người biết phải họ khen thì ngại gì mà không làm.
- Nếu làm danh lợi mà không phạm nhân nghĩa đạo đức thì tôi ham lắm chớ.
- Thành lập chương trình hành động tôi tính danh lợi với đạo đức phải đi đôi mới vững bền và phát đạt. Đó là căn bản trong công việc của cô làm, gây dựng cuộc làm ăn của ông cụ lại, xây dựng trên nền tảng lợi ích cho cô, lợi ích cho dân, mà cũng lợi ích luôn cho đất nước, phải làm như vậy mới khỏi lo sụp đổ.
- Nghe anh nói tôi ham quá. Bây giờ phải làm sao đâu anh nói sơ cho tôi nghe một chút.
- Hồi nãy tôi nói công việc phải chia ra làm hai loại, tuy hai loại khác nhau, song liên quan mật thiết với nhau. Hai loại phải đi đôi, phải tiến hành một lượt cho đủ hình thế đặng dễ làm. Nếu cô Hai trở về lo chăm chú làm đường, lo trồng mía liền, cô không ngó ngàng tới nhà cửa vườn tược của ông cụ hồi trước, thì người trong vùng chẳng khỏi dị nghị, họ khinh rẻ cô, họ xem cô là người xu lợi, thấy thời cuộc vừa yên thì chạy về cào cấu lo hốt của cho nhiều, không kể chi đến cố hương, không màng người trong xóm. Cô gây một luồng ác cảm bồng bột trong vùng, ai cũng đồn cô về đặng dùng mồ hôi của dân nghèo mà hốt bạc đặng đem xuống Sài Gòn ăn xài cho sang trọng sung sướng. Họ rủ nhau đừng thèm mướn đất của cô, đừng thèm giúp công cho cô trồng mía, thì mùa sau cô có mía đâu mà ép nên lo lập lò đường. Vậy điều cần nhứt là lo lập sở vườn lại, tính cất nhà lại làm cho bà con trong làng thấy cô có ý muốn trở về ở với họ, chung lo làm ăn như họ. Cô gây thiện cảm với mọi người, họ mới vui lòng hiệp tác với cô mà làm việc lớn được. Kế đó cô chia đất cho họ mướn đặng trồng mía. Nếu cho mướn không hết, số đất còn dư bao nhiêu thì cô mướn nhơn công trồng cho cô. Mía trồng giáp hết rồi thì cô sẽ lo xây cất lò đường lại cho hẳn hoi. Mía trồng tới chín mười tháng mới đúng lứa mà đốn được. Trong lúc đó thiếu gì ngày giờ cho cô tổ chức lại cuộc làm đường nên cần gì phải lo gấp. Ấy là theo chương trình của tôi thì công việc của cô phải phân ra làm hai loại cho rành: thứ nhứt là lập vườn lại, dọn nền để cất nhà lại, thứ nhì là lo trồng mía cho giáp hết, rồi lo xây cất lò đường lại cho đàng hoàng. Lập vườn thì tôi dòm thấy ông Ba Lự sốt sắng muốn giúp cô, vậy cô níu ổng cho chặt mà cậy ổng cuốc cỏ cho sạch đặt những gốc cây đúng trong mấy liếp, móc lại các mương cho sâu và sửa mội cho nước thông ra mương. Cô ra tiền cho ổng mướn năm ba người tiếp sức với ổng mà làm cho mau, làm cỏ làm mương rồi thì hốt gạch ngói bể mà vun đống để dành dọn cái nền nhà cũ cho sạch sẽ. Cô nói cô sẽ cất nhà lại như hồi trước đặng cô về ở. Nói như vậy song chừng nào cô cất cũng được không ai ép cô. Hoặc có công việc làm như mùa đạp đường cô phải lên thường mà coi, như cần dùng chỗ trữ đường để bán, cô cần phải có chỗ nghỉ ngơi thì cô cất một hai căn cũng được, hoặc chừng cậu Trung úy về, cô cất một biệt thự nho nhỏ để làm nhà vườn qua tháng nóng nực mà ở nghỉ mát cũng được. Việc đó sau sẽ tính không gấp gì. Lo gấp là lo sở vườn. Qua mùa mưa tới đây tôi sẽ mua cây chiết cho ông Ba Lự trồng. Tôi sẽ đặt sầu riêng trồng một hàng trong mỗi liếp. Tôi sẽ mua hột trà mà chỉ cách cho ông Ba Lự ương rồi mùa mưa sau, trà ương giáp năm rồi thì trồng giáp hết mấy liếp. Trà trồng trong 2 năm sau thì có huê lợi để mướn người làm vườn dư sức. Tôi tính phỏng thì lập sở vườn lại cô tốn chừng năm ngàn, hoặc mười ngàn là nhiều. Còn nếu cất nhà thì cất lớn hay nhỏ, cất kiểu nào, tùy ý cô, không thể tính giá trước được.
- Còn trồng mía với xây lại lò đường phải tốn chừng bao nhiêu?
- Trồng mía tính trước không được. Trồng mía phải mua tro, phải mua mía giống, phải mướn nhơn công trồng rồi phải mướn người ở tháng mà săn sóc, làm cỏ, bón phân, đánh lá. Hiện giờ mình chưa biết mình cho mướn đất hết bao nhiêu, còn lại mình trồng bao nhiêu. Hễ trồng nhiều thì phải mua phân nhiều, mướn nhơn công đông. Nhưng ra giêng đây cô nên xuất vài chục ngàn đặng mua phân để dành cho sẵn. Cô dám xuất một hai chục ngàn mua tro hay không?
- Dám chớ. Ông già tôi hồi trước năm nào ổng cũng mua tro hết mấy chục ngàn. Trồng mía tự nhiên phải có phân tro.
- Cần phải mua tro trước. Làm như vậy cho người ta thấy cô quyết chí trồng mía, họ lật đật hỏi đất mà mướn trước, sợ chậm trễ cô để cô trồng, cô không cho mướn. Nhưng để bữa nào trở lên trển, tôi dọ tình cảnh lại cho chắc rồi tôi sẽ liệu phải mua bao nhiêu phân tro. Nếu họ dành mướn đất nhiều thì mua chừng mười ngàn cũng đủ. Mà cất trại mua tro mà vựa, ai có nài mình để lại cho họ, hoặc mình để dành qua mùa sau cũng được, ế ẩm gì mà lo. Nghe nói đất của cô hơn 200 mẫu. Ví như họ mướn hơn một trăm mẫu họ để cho cô trồng một trăm mẫu. Đất đã có trồng rồi khỏi vô phân nhiều thì đỡ lắm, Chắc có mía rồi cô sẽ xây cất lò đường lại, cất cho rộng rãi, cao ráo lợp ngói, lại làm nền cho chắc đặng trong đôi ba năm có lời khá rồi cô sẽ mua máy mà ép đường đừng dùng trâu bò nữa. Nền chắc đặt máy mới được. Lần lần mua đủ thứ máy, máy ép ra nước mía. Máy nấu cho thành đường nước mà làm đường tán đường thẻ, rồi máy làm ra đường cát, muốn đường mỡ gà hay đường cát trắng cũng được.
Bà Hòa nói: “Nghe cha nó nói tôi mê quá“.
Ông Thái nói: “Đó là tính việc về sau kìa. Bây giờ hễ chắc có mía rồi cô Hai cũng cứ làm theo cách lò cũ, song làm cho lớn đặng rộng rãi, sạch sẽ, có chỗ để đường làm rồi, có chỗ tiếp khách, chỗ nằm nghĩ, có chỗ ngồi biên sổ. Bây giờ gạch ngói mắc, cất lò đường có đủ phương tiện có lẽ phải tốn cả trăm ngàn“.
Bà Ngọc nói:
- Tốn thì tốn chớ sao. Làm trong vài năm mình lấy vốn lại.
- Phải vậy. Mà nội mùa nầy đây nếu cô Hai đừng làm mích lòng Hương hào Điều, cô để cho tôi dụ dỗ ảnh, tôi biết mánh lới, biết ai mướn đất bao nhiêu, mướn với giá nào, biết họ mướn lò ép đường với điều kiện gì? Tôi chận hết, ảnh không thể lương lẹo được. Số lời về tiền cho mướn đất, về tiền công ép đường của lò sản xuất với mía của lò trồng. Số lợi đó cộng hết tôi tưởng không ít đâu. Cô chia lời cho anh Hương hào bao nhiêu thì tùy ý ảnh muốn. Mà mùa nầy cô cậy tôi làm với ảnh thì muốn chia lời nhiều sao được. Cô cho ảnh chừng năm ba ngàn cho ảnh vui lòng, còn số lời dư thì cô bỏ ra mà xây cất lò đường lại. Thế thì cũng đỡ cho cô bộn bộn. Trong mùa sau nữa cô sẽ lấy vốn lại đủ. Như anh Hương hào chịu hiệp tác luôn với cô thì cô dùng ảnh như người cai coi cho dân phu trồng mía, đốn mía, ép đường, mỗi năm cô trả tiền công cho ảnh đôi ba ngàn, hoặc tính 10 phần 100 trong số lời vậy thôi. Nhưng đừng phụ bạc ảnh gấp quá, ảnh phiền rồi ảnh không thèm nói việc chi cho tôi biết, thì thất lợi mùa nầy uổng lắm. Mía trồng giáp hết, sẽ có đường nhiều chắc rồi, lại đường có giá nữa bởi vậy huê lợi không ít đâu.
Bà Ngọc suy nghĩ một chút rồi bà nói: “Các việc anh tính nãy giờ đó hay quá. Tôi phục hết sức. Ra làm ăn mà biết tính như vậy thì tôi thế nào mà thất bại được, anh thương phận tôi, anh chỉ biểu rành rẽ khôn khéo như vậy thì tôi phải làm đặng có lợi mà để cho con chớ còn dụ dự gì nữa. Ngặt tôi yếu đuối lại không thông thạo. Phải có anh chị giúp, chớ một mình tôi thì tôi làm không kham rồi chúng ăn xớt ăn bớt, đã không lợi mà còn sợ hại nữa. Tôi muốn anh chị hùn với tôi rồi anh chỉ biểu cho hai chị em tôi làm, ít bữa anh chạy lên xem xét dùm một lần, có việc chi trắc trở anh đỡ gạt. Được vậy tôi mới vững bụng“.
Bà Hòa nói: “Tôi ở không. Bữa nào cô muốn đi thăm sở thì tôi đi dùm với cô. Có sao đâu mà sợ. Tưởng Bình Phước ở đâu xa, té ra gần quá mà“.
Bà Ngọc nói: ” Tôi muốn hai ông bà hùn với tôi, đặng lúc nào có công việc khó như hiện giờ sắp đặt cho mướn đất, sau cất lò đường lại phải có anh liệu định mới được. Còn bình thường, như coi cho người ta đặt mía; phát cỏ hay trồng cây thì hai chị em mình coi“.
Ông Thái nghiêm nghị nói:
- Hôm lên Bình Phước tôi thấy cuộc làm ăn đó sẽ có lợi lớn lắm. Nếu biết làm và có thế lực mà làm cho hẳn hoi, thì mỗi năm kiếm lợi cả trăm ngàn, cô Hai đã có sẵn đất trồng mía hơn hai trăm mẫu, có sẵn lò đường, lại có vốn nhiều nữa. Nếu cô cho vợ chồng tôi hùn, thì tôi sang trại mộc với tiệm của tôi cho người khác đặng lấy vốn mà hùn với cô, tôi sợ gì mà không dám làm. Ngặt tiệm Thái Hòa là núm ruột của vợ chồng tôi. Tuy thuở nay nó cho vợ chồng tôi có lợi mỗi năm vài chục ngàn chớ không phải nhiều, song nhờ nó mà vợ chồng con cái tôi đều được no ấm, bởi vậy tôi không đành bỏ nó mà đi làm nghề khác. Lại thuở nay tôi tiện tặn lắm mới có dư tiền mua nhà cho sắp nhỏ ở yên mà ăn học. Nói cho cô thương, hiện thời vốn tôi có chừng vài chục ngàn đủ mua bán vậy thôi, chớ đâu có dư tiền bạc nhiều mà hùn với cô Hai được.
- Không phải vậy. Tôi muốn anh chị hùn là hùn công lao xem xét chỉ dẫn, chớ tôi có biểu hùn tiền bạc đâu. Vốn thì tôi xuất, quyền điều khiển về phần anh. Tôi hùn tiền bạc anh hùn tài nghề. Mỗi năm tính sổ coi lời được bao nhiêu thì chia hai với nhau mà hưởng. Nếu anh giúp công cho tôi có lợi mà tôi không chia lợi cho anh té ra tôi lường công của anh hay sao. Điều đó tôi không thể chịu được. Anh chị cứ giúp tôi đi. Hễ có lợi thì chia hai.
- Kẻ có của người có công, làm ra lợi thì chia với nhau cũng phải. Nhưng tôi hùn công mà thôi, còn cô hùn tiền bạc, lại hùn đất nữa. Có lợi chia cho tôi đến phân nữa thì mất công bình. Nếu tôi không chịu hùn, thì tôi sợ cô nghi tôi giúp không tận tâm. Vậy tôi chịu hiệp tác. Song nếu lời thì tôi xin cô chia ra làm ba phần; một phần về công của vợ chồng tôi, một phần về công của cô, vì cô cũng có công lên xuống coi chừng như vợ chồng tôi vậy; còn một phần về vốn với đất của cô để vô mà sanh lợi. Cô cho vợ chồng tôi hưởng một phần ba trong số lời mà thôi. Tính như vậy mới công bình. Phải công bình tôi mới chịu.
- Được được. Anh muốn hưởng một phần ba tự ý anh, việc đó không gấp. Có lợi rồi sẽ bàn lại. Bây giờ anh tính bữa nào đi lên Bình Phước nữa?
- Theo tục lệ của ông bà mình hồi xưa thì hạ nêu rồi người ta mới làm việc. Đời nầy là đời sanh tồn cạnh tranh tay phải làm hàm mới có mà nhai. Nghỉ chơi lâu quá, các ngành sanh hoạt đều tê liệt, nhiều việc phải hư hỏng rồi làm sao. Bởi vậy Tết họ nghỉ có mùng một, qua mùng hai đã thấy ở chợ có người lăng xăng buôn bán, ở đồng có người rải rác gặt hái. Hôm nọ ông Giáo Hiệp coi lịch ổng nói mùng 4 tốt ngày, xuất hành hay mở tiệm đều được hết. Vậy sáng mai tôi vô tiệm đặng cúng khai trương. Cô muốn lên Bình Phước thì xế tôi đi được, lên thăm ông Ba Lự với Hương hào Điều một chút. Với ông Ba Lự tôi sẽ cắt nghĩa công việc cho ổng hiểu và biểu ổng kêu năm ba nhơn công phụ với ổng mà làm cho mau. Nếu họ xin lãnh tiền trước thì phát cho họ một mớ đặng họ ăn mà làm. Còn với anh Hương hào Điều thì tôi nói chuyện với ảnh tìm hiểu công việc của ảnh sắp đặt đặng biết rõ mùa nầy ảnh mướn trồng cho cô được bao nhiêu mía, đất dư ảnh cho ai mướn mà trồng, người nào mướn bao nhiêu đất, mướn giá nào, có giao họ phải bán mía cho lò mình hay không, nếu họ không bán, họ mướn lò ép đường cho họ thì lò ăn công ép bao nhiêu, tính tiền theo cách nào, mùa rồi đường bán giá nào, trâu bò mướn ép mía trả tiền cách nào, nhơn công trồng mía và đốn mía trả tiền công bao nhiêu một ngày, mua tro ở đâu, mua giá nào, mỗi mẫu đất phải rắc bao nhiêu tro, bạn hàng đến lò mua đường rồi họ chở đi hay lò phải kiếm bạn hàng mà chịu giá rồi lò phải chở đường đến mà giao cho họ. Tôi phải hỏi cho kỹ và tôi biên cho rành tôi mới kiểm soát được công việc của Hương hào Điều làm mùa nầy và mới sáng suốt mà tiếp tục làm mùa tới.
Gần tối ba trẻ qua ăn cơm. Bà Ngọc được vợ chồng ông Thái chịu hùn công đặng gây dựng cuộc làm ăn của ông già bà hồi trước lại thì bà vui mừng hết sức, vui được kế nghiệp cho cha và mừng được sanh lợi mà để cho hai trẻ. Bà Hòa cũng mừng có công việc cho bà làm, được hùn chia lời mà khỏi ra vốn. Bà nói lúc ban đầu chồng bà phải lên sở hàng ngày mà sắp đặt thì bà thế cho ông, bà vô tiệm mà tiếp khách và mua bán, bữa nào ổng ở nhà thì bà với bà Ngọc đi. Phải có mặt là lúc ép đường bán đường, trồng mía với đốn mía, chớ bình thường thì năm ba bữa lên thăm chừng một lần vậy thôi, lên nhắc đánh lá mía coi dưỡng cây trồng và phát tiền công cho mấy người làm mướn.
Ông Thái dặn cô Lý hết Tết rồi cô phải mua một chục tập giấy trắng trăm trương bìa cứng mà để bên nhà má Hai và cô phải lãnh phần lập sổ thâu xuất giùm cho má Hai đặng biết xuất tiền làm việc gì bao nhiêu, xuất ngày nào, và thêm huê lợi nào bao nhiêu, mỗi thâu xuất phải biên cho rành rẽ. Về sở vườn thì bây giờ mới mướn làm, chưa có huê lợi thì lập một cuốn sổ xuất mà thôi. Ngày nào xuất bao nhiêu mà trả tiền mướn nhơn công và mua cây mà trồng trong vườn thì biên vô đó. Về cuộc trồng mía thì phải mở một cuốn sổ xuất và một cuốn sổ thâu khác. Mua tro và mướn trồng mía, đánh lá, làm cỏ, vô phân, đốn mía, chở về trại thì biên vào sổ xuất. Còn thâu tiền cho mướn đất hoặc có bán tro lại cho tá thổ, thì biên vào sổ thâu. Còn về lò đường cũng vậy phải có sổ xuất sổ thâu riêng. Xuất mà cất nhà hay là mua hoặc mướn vật gì đều phải biên vào sổ xuất hết thảy. Tiền ép đường cho người ta và tiền bán đường của lò sản xuất thì biên vào sổ thâu. Phải biên cho rành đặng cuối năm so sánh thâu với xuất mới biết lời lỗ.
Bà Ngọc nói sổ để bà mua rồi bà nói với Lý làm. Bà lại nói hai nhà ngoài nầy đều có xe mà xe của bà ít đi. Còn ông Thái trong tiệm không có xe, giờ rảnh ông muốn chạy lên thăm sở không có xe sẵn cho ông đi. Bà khuyên ông từ rày ông đem xe của ông để luôn trong tiệm mà dùng, ngoài nầy có xe của bà mỗi bữa đưa rước trẻ nhỏ và hai bà có đi đâu thì đi.
Vợ chồng ông Thái nghĩ hai nhà bây giờ đã như một; bà Ngọc ép hùn công với bà đặng sanh lợi mà chia với nhau ấy là một bằng cớ bà muốn buồn vui hay giàu nghèo đều chung chịu và cộng hưởng với nhau, nếu từ chối sợ bà nghi mình không tận tâm hiệp tác, bởi vậy ông Thái chịu đem một chiếc xe về tiệm và bà Hòa chịu dùng chung xe của bà Ngọc.
Ăn cơm rồi hai đàng hẹn hò với nhau sáng bữa sau vợ chồng ông Thái đem hết ba con vô tiệm cúng khai trương, ở luôn trong đó ăn cơm đợi xế xe bà Ngọc vô, rồi đi hết hai xe đặng sắp nhỏ đi theo chơi cho chúng biết Bình Phước.
Bữa sau đúng 2 giờ rưỡi xe bà Ngọc vô tới. Bà nói bà có biểu mua hai gói trà với hai cân mứt đem theo đặng biếu cho Hương hào Điều và ông Ba Lự, đầu năm đi thăm người ta phải có lễ vật cho người ta vui. Vợ chồng ông Thái khen ý bà hay, nghĩ vì ở đời phải mua lòng mọi người nhứt là được thiện cảm của kẻ dưới thì mới có người giúp cho mình thành công.
Mấy người đều lên xe mà đi. Ông Thái biểu Đào với Lý lên xe của ông mà chạy trước với ông. Hai bà dắt Tòng đi xe lớn với hai bà chạy theo sau.
Hai xe tới đều chạy hết vô sân mà đậu. Vợ chồng ông Thái với bà Ngọc thấy ông Ba Lự đương lui cui dọn dẹp cái nền nhà cũ, lại có ba người ở trần đứng cuốc cỏ trên mấy liếp vườn thì chưng hửng. Bà Ngọc xách một gói trà với một gói mứt xuống xe bà kêu ông Ba Lự mà hỏi: “Vừa mới hết Tết ông đã kêu anh em lại làm hay sao ông Ba?“.
Ông Ba Lự cười mà đáp: “Bữa hổm cô dặn ăn Tết rồi thì kêu người phụ với tôi mà làm liền làm sạch sẽ cho mau. Trên nầy ăn Tết nghỉ một hai ngày thôi, chớ nghỉ hoài hay sao. Thấy ba anh em đó rãnh tôi kêu lại làm với tôi. Tụi tôi khởi công từ sáng hôm qua“.
Bà Ngọc nói: “Ông Ba sốt sắng thiệt tôi cám ơn quá. Bữa nay tôi đi chơi. Tôi có đem trà và mứt cho ông đây. Tôi có dè ông khởi công đâu. Ông biểu ba anh đó nghỉ lại đây cho tôi nói chuyện một chút, nghỉ nấu nước chế trà rồi ăn mứt uống trà chơi một lát“.
Bà đưa hai gói cho ông Ba. Ông cảm ơn rồi kêu ba người kia lại. Ba người lễ phép chào khách hết. Bà Ngọc nói: “Tôi là người gốc gác ở đây chớ không phải người xa lạ. Ông Ba kêu ba anh em lại giúp cho tôi sửa sang vườn tược nhà cửa của cha tôi hồi trước, ba anh sốt sắng giúp liền, thiệt tôi cám ơn lung lắm. Bây giờ nước nhà đã được tự do độc lập. Tôi về sửa sang chỗ ở lại cho êm ấm đặng tôi ở với bà con trong làng cho vui. Tôi xin mấy anh cứ hiệp với ông Ba mà giúp tôi. Tôi biết ơn lắm. Bữa nay nhơn dịp Tết tôi về thăm mồ mả cha mẹ thình lình. Sẵn gặp mấy anh đây, tôi xin đưa trước cho mỗi người vài trăm bạc đặng mua gạo ăn mà làm việc cho tôi. Bây giờ dọn mấy liếp cho sạch cỏ, cuốc mấy gốc cây chết mà bỏ, vét các mương cho sâu, sửa mội nước lại cho thông rồi dọn nền nhà cũ lại lại cho bằng thẳng đặng có sẵn chỗ mà cất nhà mới“.
Bà Ngọc mở bóp lấy bạc ra ra mà trao cho Ba Lự với ba anh kia mỗi người 200 đồng và nói tiếp: “Đây là số tiền tôi đưa trước. Mấy bà con cứ làm luôn rồi sẽ tính. Từ đây đôi ba bữa tôi sẽ lên một lần mà thăm. Mấy bà con muốn tính tiền công theo làm ngày hay là làm tháng mai mốt tôi lên rồi nói cho tôi biết. Tính cách nào cũng được miễn bà con làm hẳn hòi, tận tâm giúp tôi đặng sau nầy tôi trở về ở với bà con cho vui. Mấy anh tính tiền công với người khác bao nhiêu thì tôi cũng trả như người ta, mà mấy anh làm kỹ lưỡng thì tôi thưởng công thêm là khác. Công việc của tôi còn nhiều lắm, chớ không phải làm chuuyện nầy rồi thôi. Trời sa mưa tôi còn đặt cây mà trồng, còn lo trồng mía, còn cất nhà cửa, làm cả năm sợ cũng chưa hết công việc. Mấy anh chịu giúp tôi, có lẽ tính làm tháng tiện hơn hoặc làm năm cũng được. Muốn lãnh tiền trước cứ nhắn tôi sẽ giúp cho. Mấy anh suy nghĩ rồi mai mốt tôi lên sẽ nói cho tôi biết. Còn ông Ba, ông có cuốc cỏ dùm chung quanh mồ mả cho sạch chưa?“
Ông Ba Lự nói: “Hôm cô biểu đó, bữa sau tôi làm liền, làm một ngày thì xong hết. Cô bước lại đó mà coi“.
Bà Ngọc biểu mấy người làm nên nghỉ nấu trà uống cho đã khát rồi sẽ làm nữa, để bà đi viếng mộ và thăm anh Hương hào Điều rồi bà sẽ trở lại.
Bà biểu Tòng lại xe lấy gói trà với gói mứt nữa rồi đi theo sau. Bà dắt Đào, Lý với vợ chồng ông Thái lại viếng hai ngôi mộ. Thiệt quả ông Ba đã cuốc cỏ sạch sẽ và ban đất bằng thẳng chung quanh mộ; bà lấy làm hài lòng. Ông Thái nói ở đời hễ mình có tiền mà mình biết ở rộng rãi với kẻ nghèo thì ai cũng tận tâm tận lực mà giúp mình. Ông khen bà Ngọc hồi nãy nói với mấy người làm công đó trúng điệu lắm. Ông thấy họ lộ vẽ cảm tình nhiều. Ông chắc họ sẽ là bộ hạ chơn thành của bà và họ sẽ giúp gây thiện cảm cả vùng nầy ai cũng kính mến bà hết.
Hương hào Điều thấy khách Sài gòn đến nhà thì vợ chồng đều ra sân chào mừng rồi mời vô. Bà Ngọc biếu trà với mứt, vợ chồng đều tỏ lời cám ơn. Nói chuyện chơi một hồi rồi bà Ngọc rủ trở lại chỗ mấy người làm vườn đặng cắt nghĩa cho họ làm. Ông Thái biểu hai bà với mấy trẻ nhỏ đi trước, để ông ở lại nói chuyện với Hương hào Điều một lát rồi ông sẽ lại sau.
Hai bà dắt mấy cô cậu trở lại chỗ xe đậu. Thấy mấy người vẫn làm việc chớ không chịu nghỉ, bà Ngọc hỏi sao không nghỉ mà uống trà. Ông Ba nói đương làm việc, lại trưa nực uống trà nóng không nổi nên anh em tính làm luôn, để tối rồi sẽ ăn mứt uống trà mới ngon.
Bà Ngọc với bà Hòa đi vòng trong vườn với mấy cô cậu, bàn tính coi sau sẽ cất nhà lại thì cất theo kiểu nào đặng lên ở chơi cho có đủ tiện nghi, mà người ta xem cũng đẹp mắt. Còn vườn thì tính coi phải trồng giống cây gì cho mau có trái và trái quí giá.
Cô Đào có máu thương mãi nên cô tỏ ý muốn trồng sầu riêng cho nhiều, cô nói hiện thời trái cây chỉ có sầu riêng người ta thích hơn hết. Đầu mùa người ta dám mua đến bốn năm chục đồng một ký lô, lúc đông ken, sầu riêng chất đầy chợ nên sụt giá song cũng còn bán hai mươi mấy đồng một ký, ruột mình ăn được cân không tới 100 cờ-ram, còn hơn 900 cờ-ram là vỏ với hột thì bỏ hết chớ có dùng gì đâu. Nho tươi nhập cảng mình than mắc, mà trái nho ăn hết vỏ tuột, nên không mắc bằng sầu riêng trồng trong xứ.
Cô Lý lại muốn trồng trà trồng tiêu, là hai vật cần thiết của người mình, nên phải sản xuất nhiều cho đủ mà dùng, khỏi nhập cảng trà và tiêu ngoại quốc. Mà cô lại còn muốn trồng bông coi cho đẹp, nhứt là trồng bông huệ với bông sen, nhờ phong trào chấn hưng Phật Giáo đương sôi nổi, nhiều người kiếm mua hai thứ bông đó mà cúng Phật, nên họ thừa cơ hội họ bán mắc quá.
Còn nhà thì ý bà Hòa muốn cất cho rộng lớn đặng có chỗ trữ đường. Bà Ngọc khác ý, bà muốn cất theo kiểu biệt thự tối tân, sắp đặt cho có đủ tiện nghi, đặng lúc làm đường nhằm mùa nóng nực lên ở cho có thú phong lưu sung sướng trữ đường thì cất kho riêng theo phía lò đường đặng chỗ làm với chỗ nghỉ phân biệt.
Hai bà tính với nhau lúc có công việc phải lên coi chừng mà không cần phải có mặt ông Thái thì hai bà lên ở trên nầy sớm mơi đi, chiều trở về. Còn có đường nhiều, cần phải bán thì bà Hòa biết hết mấy vựa đường ở ngoài Sài gòn cũng như trong Chợ Lớn, bởi vậy bà lãnh phần đi chịu mối và giao giá mà bán cho.
Ông Thái ở nhà Hương hào Điều nói chuyện đến chiều mát hai người mới trở lại kiếm hai bà. Ông Thái có cầm một tập giấy trong tay bộ ông vui vẻ và thân thiện với Hương hào Điều lắm. Hai người dắt nhau vô lò đường mà nói chuyện chút nữa rồi ông Thái rủ hai bà về, nói đã gần tối rồi. Khách mới từ giã Hương hào Điều và mấy người làm vườn mà về hẹn mai mốt sẽ trở lên nữa.
Bận về ông Thái lại đi chung một xe hơi với hai bà, để xe của ông cho ba con đi. Xe chạy rồi ông mới nói với bà Ngọc rằng Hương hào Điều là người thành thiệt chớ không phải người gian xảo. Ảnh ít nói là tại ảnh thiệt thà. Ảnh có tỏ hết công việc của ảnh làm cho ông hiểu, ảnh lại trao cuốn sổ của ảnh đây cho ông đem về mà coi, ảnh không dấu diếm việc nào hết. Ông Thái nói để tối nầy ông xem kỹ sổ lại rồi chiều mai ổng về ngoài nhà ăn cơm ổng sẽ nói chuyện với bà Ngọc.
Hai xe về tới tiệm, ông Thái leo xuống, Đào, Lý với Tòng sang xe lớn ngồi chung với hai bà, để xe nhà lại tiệm cho cha dùng.