Chị Đào, Chị Lý

Chương 15: DỰNG LẠI NGHIỆP XƯA

Ông Thái học với sách thì ít, mà học với đời thì nhiều. Với sách thì ông học cọt quẹt có một vài năm hồi còn nhỏ. Với đời thì ông học ba bốn mươi năm, học đủ thứ trường, trường dễ, trường khó, trường thấp, trường cao, trường nào ổng cũng trải qua hết; lại còn học với không biết bao nhiêu thầy mà kể cho xiết, thầy dở, thầy hay, thầy lù mù, thầy lanh lợi, thầy nào cũng có thọ giáo.

Nếu không có học với đời, ông không ung đúc tâm hồn thực tế, ông không biết thừa cơ hội hạp thời, thì làm sao xuất thân với hai bàn tay trắng bắt đầu làm một tên phu ăn tiền mỗi ngày có 9 cắc bạc, mà lần lần trong hai mươi mấy năm ông trở nên một chủ trại mộc, thợ hơn cả chục rần rần đóng bàn ghế cho ông bán mỗi năm có lợi đến mấy chục ngàn, lại còn có biệt thự, có xe hơi cho con ở yên mà ăn học lên tới trường cao đẳng?

Đã có sẵn trí thông minh với tánh ngay thẳng của trời phú, lại thêm lịch duyệt thế thái nhơn tình, bởi vậy bấy lâu nay ông xử sự rất dễ dàng, ông tiến thủ rất mạnh mẽ, mà dầu dễ dàng chớ không phạm danh nghĩa, dầu mạnh mẽ chớ không mất quyền lợi.

Xét thiệt bà Ngọc là cô thiếu phụ ngày trước vì phải giữ hiếu đạo với cha, mà cũng vì phải giữ danh giá của mình, nên cực chẳng đã bà phải tự lái xe hơi chở con đem bỏ dọc đường, đặng ưng lão chồng già, lại bất lương, nên cũng oán ghét, rồi trót hai mươi năm ôm lòng hối hận đau khổ buồn rầu, thì ông động lòng nên ông liền tỏ thiệt con Lý của ông đó là đứa nhỏ bà bỏ rơi. Ông sẵn sàng giao con lại cho bà, trước đền ơn bà giúp vốn cho ông làm ăn ông mới được hiển đạt, sau gỡ dùm cho bà cái tội muốn được trên phải mất dưới, muốn vừa bụng cha phải cắt ruột mà quăng. Lòng trắc ẩn khiến cho ông không tiếc đứa con học đã thành tài trước mắt, ông chịu trả nó lại cho bà liền. Tuy cách cư xử đúng đắn dễ dàng như vậy, nó làm cho ông vì tánh tình hiền lành của bà mà ông bỏ qua cái dĩ vãng ác nghiệt của lão chồng bà qua đời, song ông không quên ngó xa dùm cho bà; ông vạch cho bà thấy sự vui mừng tìm được đứa con rơi, nếu không khéo xử, nó hóa ra rối rắm trong gia đình; đứa con yêu nhìn được nó biến thành kẻ thù, mà đứa con thảo thuận ở trong nhà e nó cũng bớt kỉnh ái.

Lời thành thiệt và khôn ngoan ấy, bà Ngọc nghe qua, thì bà giựt mình, nên chịu bình tĩnh để êm mà suy nghĩ. Bàn tính với bà Hòa trót mấy bữa mà không tìm ra phương pháp nhìn con cho ấm êm. Bà phải rủ bà Hòa đi với bà vô Bà Chiểu mà cầu kế ông Thái.

Ông Thái cũng tỏ thiệt ông muốn giao con của bà Ngọc lại cho bà, chớ ông không dành. Nhưng mà sợ công khai nhìn Lý là con thì phải nói rõ tại sao bà có con và có rồi sao lại bỏ mất; nhắc chuyện xưa ắt sẽ gây rối, ông Thái mới bày ra một giải pháp dung hòa: che đậy đống tro tàn để nó ằm êm mà để Lý làm đứa con chung của hai nhà không cần nhìn nhận lộn xộn, hai nhà chăm nom lo lắng cho Lý thì đâu đó êm hết.

Hai bà đều phục giải pháp đó cả hai. Bà Ngọc mừng được con mà khỏi sợ con phiền trách, cũng khỏi lo Khánh khinh rẻ. Còn bà Hòa mừng được cho bà Ngọc nhìn con mà đáp nghĩa đền ơn song khỏi giao đứt con, khỏi mất đứa con nuôi đã nên vai nên vóc, học đã sắp thành tài gần nhờ được.

Mấy năm nay bà Ngọc với bà Hòa nhờ sắp nhỏ hai bên kết bạn cùng nhau mà ăn học, nên hai bà thân thiết kết tình chị em chơi với nhau. Lần lần hiểu hết bụng nhau, rồi tình thân thiện biến ra tình mến yêu, không còn dấu diếm tâm sự nữa.

Bây giờ hai bên đã thỏa thuận để Lý làm đứa con chung, hai bà làm hai mẹ hiệp nhau mà săn sóc và hai nhà nhập một để chia buồn chung vui với nhau, thì tình thân yêu ấy lại biến thành chị em ruột thịt không còn hiềm nghi chỗ nào nữa.

Thấy ý bà Ngọc ao ước muốn được gần Lý cho thường, bà Hòa mới tính chia Lý qua ở luôn bên bà, đặng ban ngày mẹ con ăn cơm với nhau, ban đêm mẹ con ngủ chung một nhà cho bà vui. Tuy bà Ngọc muốn được như vậy lắm, nhưng bà ngại thuở nay Đào với Lý không rời nhau, lại bà yêu hai trẻ cũng đồng nhau, hai trẻ thay phiên nhau ban đêm qua ở học rồi ngủ bên bà. Nếu nay bà biệt đãi Lý, bà sợ Đào phân bì về sự thân sơ, rồi chị em nghi kỵ nhau mà mất vui vẻ, hòa khí.

Bà Ngọc muốn hai mẹ, cũng như hai con trên dưới chia thân yêu cho đồng nhau, đặng mẹ khỏi quạnh hiu, mà con cũng khỏi đố kỵ. Bà Hòa chịu mới chia bớt cho bà Ngọc một con nhưng phân phiên với nhau, một bữa Đào đi, một bữa Lý đi qua ăn cơm và tối ngủ với bà Ngọc cho vui, còn Tòng với một cô gái ăn ở với bà thì bà còn đủ vui vậy.

Tổ chức bề ăn ở lại như vậy, bà Ngọc hết buồn rầu nữa chỉ còn nhớ Khánh, lo cho phận Khánh ở xa xôi lại nguy hiểm mà thôi.

Khánh cũng viết thơ gởi về thăm mẹ thường thường, thơ nào cũng kiếm lời lạc quan mà an ủi mẹ, khuyên mẹ cứ vui chơi. Thuở nay mẹ con ăn ở hiền lành, trời không nỡ hại con đâu mà mẹ sợ. Bức thơ sau Khánh lại nói nhờ chị Đào chị Lý cho hay nên Khánh được biết từ nay hai chị luân phiên với nhau chẳng những ban đêm qua ngủ dùm với mẹ mà thôi, ban ngày cũng qua ăn cơm với mẹ cho mẹ vui nữa. Tin ấy làm cho Khánh yên lòng mà làm cho tròn nhiệm vụ nam nhi, khỏi lo cho mẹ ở nhà buồn phận cô đơn mà sanh bịnh.

Mà thiệt bà Ngọc tình cờ bà biết được Lý là đứa con bà bỏ ngày xưa, bây giờ nó sởn sơ, yểu diệu, học giỏi, ôn hòa, nó ở một bên bà, nó kêu bà là má Hai, thì bà hết buồn rầu, hết than đau khổ nữa, trái lại ngày cũng như đêm, bà vui cười luôn luôn. Bà mướn người dãy cỏ, sửa cây, dọn dẹp trước sân và quanh nhà sạch sẽ, rồi trồng bông hoa tươi tốt đặng sớm mơi hoặc buổi chiều mát cùng với Lý hay Đào bà thưởng thức cảnh đẹp, thú an nhàn. Bà cũng hay đi chơi, chớ không phải lục đục trong nhà như hồi trước.

Bữa nào trời tối thì bà rủ bà Hòa, qua đi xe của bà mà rước sắp nhỏ rồi chạy đi chơi, khi ra Sàigòn kiếm hàng tốt để may áo cho Lý với Đào, khi đi Chợ Lớn xem thiên hạ rần rộ bán buôn, khi vô Bà Chiểu thăm ông Thái đặng nói chuyện.

Chúa nhựt bà thường làm tiệc tại nhà bà và mời ông Thái về đặng hai nhà ăn chung vui với nhau. Muốn cho sắp nhỏ tập đi đứng đặng khỏi quê mùa, khỏi bợ ngợ, có khi bà mời đi ăn cơm nhà hàng ngoài Sài Gòn, có khi vô ăn đồ cao lầu trong Chợ Lớn.

Vợ chồng ông Thái cũng thường đãi lại, bởi vậy hai nhà có dịp ăn cơm chung với nhau hoài.

Đào với Lý lo học chớ không lo chưng diện. Vợ chồng ông Thái là người buôn bán; tự nhiên cần kiệm để vốn mà làm ăn. Vì hai con không đòi hỏi, nên ông bà không tính sắm nữ trang cho con đeo. Bà Ngọc thấy vậy mới sắm đồ cho hai trẻ, mỗi tháng bà mua một món, lần lần rồi Đào với Lý cũng có đủ nữ trang như chúng bạn, không thua sút ai.

Bà Ngọc được sum hiệp với đứa con gái, chỉ còn lo cho thằng con trai nữa mà thôi. Hễ Khánh về bình yên thì bà hoàn toàn thỏa mãn, vui hưởng gia đình hạnh phúc với hai con. Một bữa ngồi nói chuyện với vợ chồng ông Thái, bà nhắc lại lúc bà hối hận về sự bỏ con, bà có khẩn vái trời Phật xui khiến cho bà tìm Lý lại được thì bà cạo đầu ăn chay trường đặng tạ ơn trời phật, bây giờ đã tìm Lý lại được rồi, thì bà muốn giữ lời nguyền cho khỏi lỗi với Trời Phật.

Ngặt bà còn ngại một điều là nếu Khánh hay bà cạo đầu mà tu, thì chắc Khánh buồn, lại nếu Khánh hỏi duyên cớ thì bà khó mà nói cho xuôi được. Bà lấy làm bối rối về chỗ đó không biết liệu lẽ trả lễ cho trời Phật khỏi bị con nghi.

Ông Thái nói: “Người mình hễ có việc buồn lo thì cầu Trời khẩn Phật. Số người khấn vái cả muôn cả triệu chớ không phải một mình cô. Trong số đó tự nhiên cũng có một số người hết xôi thì rồi việc, không nhớ mà trả lễ. Nhưng thuở nay tôi chưa nghe ai nói Trời Phật theo đòi hỏi họ hồi nào. Mà Trời Phật lo cứu vớt bao la khắp thế giới tôi chắc không nhớ ai khấn vái mà tìm theo đặng đòi hỏi. Tuy vậy mà có vái thì phải trả lễ không nên bỏ qua. Dầu Trời Phật không đòi hỏi mình cũng phải làm cho lương tâm khỏi bứt rứt, cho mình khỏi lo sợ vong ân bội nghĩa với đấng Thiêng-liêng đã cứu vớt mình cho khỏi tai nạn. Mà cô hai vái hễ tìm con lại được thì cô sẽ cạo đầu và ăn chay trường, tức thị là cô tu, và tu theo Phật Giáo nên mới cạo đầu ăn chay. Có lẽ cô hai thấy có nhiều bà nhiều cô ở tu trong mấy chùa phật, bà nào cô nào cũng thí phát và ăn chay nên cô tưởng ai tu theo Phật Pháp đều cũng phải làm như vậy hết thảy. Không phải vậy đâu cô hai, Phật dạy thiện nam tín nữ muốn tu cho được chánh quả mà thành Phật thì cứ lo ung đúc đạo tâm, rèn lòng bác ái từ bi như Phật, rửa lòng cho sạch trần tục, hết tham lam hết hờn giận, hết say mê mùi đời, xem việc đời thứ gì cũng là giả hết thảy, tạm hết thảy, cái có đó là không, cái không đó là có. Tu cho giác được như vậy ấy là thành Bồ Tát, thành Phật. Cô hứa với Trời Phật cho cô tìm được con thì cô tu, cô tu tâm theo phép Phật dạy rèn lòng từ bi bác ái, ăn ở ngay thẳng hiền lành, thì con cô có chỗ nào nói được đâu mà cô ngại”.

Bà Ngọc nói: “Tôi sợ thằng Khánh nó hỏi bình sanh tôi có làm tội ác gì hay sao nên bây giờ phải cạo đầu mà tu”.

Ông Thái nói: ” Tu thì tu, cần gì phải cạo đầu, đạo Phật có buộc ai tu cũng phải cạo đầu vô chùa mà ở hết đâu. Phép tu của Phật có hai cách: Một cách tu xuất gia, là vô chùa ở luôn mà tu mãn đời. Hễ ở chùa thì phải làm theo người ta, thí phát và trường chay. Còn một cách tu tại gia, là ở nhà mà tu, đặt bàn thờ Phật trong nhà để hôm sớm đánh chuông gõ mõ mà tụng niệm. Tu theo cách nầy người mình gọi là “cư sĩ” chớ không gọi là “thầy chùa”. Còn tiếng Phạn gọi đàn ông là Ưu bà Tắc, đàn bà là Ưu bà Di. Người tu tại gia muốn để tóc hay là muốn cạo đầu tùy ý, cái đó không ép buộc. Còn ăn chay thì tùy sức khỏe của mình mà ăn, như sức khỏe dồi dào mới ăn trường trai được, chớ người ốm yếu, cần bổ dưỡng thì mỗi tháng hoặc ăn 10 ngày, họăc ăn 5 ngày, hoặc ăn mùng một với ngày rằm cũng được, chớ yếu đuối ăn chay trường thiếu máu làm sao sống được mà tu niệm. Cô Hai có nhà cửa minh mông, lại hiện thời cô ở có một mình, cô giao nhà cửa cho ai nên cạo đầu vô chùa mà tu? Nếu cô muốn giữ lời nguyện với trời Phật thì cô tu tại gia. Cô đặt bàn thờ trong nhà, cô thỉnh tượng Phật về mà thờ, hôm sớm cô tụng niệm mà ung đúc đạo tâm, cô quyết chí làm theo lời Phật dạy, gắng sức tập tánh từ bi bác ái như Phật, rèn lòng bỏ cả tham, sân, si, gội rửa lục căn đừng để lục trần nhiễm được, cư xử hiền lành ngay thẳng, rộng lượng dung thứ cho kẻ quấy, cứu người chớ đừng hại người. Cô ráng làm cho được như vậy thì còn hơn là cạo đầu vô chùa mà lạy Phật, Phật ở tại tâm mình, ở nhà mình tưởng niệm cũng được, miễn là mình thành tâm thì Phật chứng chiếu. Vậy cô muốn tu thì đặt bàn Phật ở nhà mà tu. Cô không cần phải thí phát. Còn ăn chay cô liệu sức một tháng có thể ăn mấy bữa được thì cô ăn, miễn là giữ cho sức khỏe khỏi suy kém“.

Bà Ngọc nghe giảng rõ cách tu thì bà mừng nên bà nói: “Tôi cám ơn anh quá. Nhờ anh cắt nghĩa tôi mới hiểu. Tôi hết lo rồi. Tôi cầu nguyện cho thằng Khánh tôi mạnh giỏi và được về cho mau đặng mẹ con chị em sum hiệp một nhà cho vui. Ngày tôi chở con nhỏ đem đi bỏ đặng cha tôi gả tôi lấy chồng, thì lòng tôi tê tái, thân tôi như cây mục. Tôi quyết thí cả tâm hồn và thân thể mà trả nợ cho cha, tôi không thèm kể vui sướng gì nữa. Tôi tính chôn đời sống của tôi trong đau khổ, trong tối tăm. Thiệt tôi không dè còn có ngày nay cho tôi biết vui mừng, cho tôi thấy sáng lạng. Đó là nhờ ơn Trời Phật cho tôi phải chịu đau khổ hai mươi mấy năm để tôi đền cái tội hẫng hờ dại dột, để cho tình ái lôi cuốn làm hư tiết giá, làm nhục tông môn. Bây giờ trời Phật ân xá cho tôi, nên tôi mới được hưởng chút đỉnh những vui sướng với đời, cũng như bụi cây đương héo lại gặp trời mưa vậy. Từ rày, tôi sẽ thành tâm tu niệm, trước tạ ơn Trời Phật sau tạo ân đức cho hai đứa con của tôi. Hai đứa đều không có cha. Tôi là mẹ tôi phải chăm nom lo lắng cho tương lai của chúng nó. Tôi xin anh chị xem tôi như em trong nhà, giúp tôi dìu dắt hai đứa nhỏ, giữ gìn cho chúng nó quên hết lớp trước đặng vui với lớp sau mà thôi. Tôi mong ước được như vậy thì hạnh phúc của tôi mới hoàn toàn đầy đủ“.

Vợ chồng ông Thái đều khuyên bà Ngọc cứ thơ thới an vui, cứ mạnh dạn mà bước trên đường đời. Hễ ăn ở ngay thẳng hiền lành thì Phật Trời sẽ ủng hộ. Dầu mạng số khiến phải gặp buồn hay khó, thì người hiền cũng xông lướt được, rồi buồn sẽ hóa ra vui, khó sẽ hóa ra dễ.

Cách vài bữa sau, bà Ngọc rủ bà Hòa đi thỉnh tượng Phật Quan Âm và mua chuông mõ, rồi bà đặt bàn thờ trên lầu để tối trước khi đi ngủ và khuya thức dậy bà tưởng niệm Phật, bà vái van Trời Phật phò hộ mẹ con bà được an vui luôn. Ngày rằm với ngày mùng một bà cũng ăn chay để tạ ơn Trời Phật và tỏ lòng thành kỉnh.

Cô Lý với cô Đào thuở nay cứ hăng hái lo học tập, đặng lập thân mà sống vinh quang với đời thực tế, hai cô không để ý về việc thiêng liêng. Thấy bà Ngọc thờ Phật rồi mỗi đêm cúng lạy, hai cô không hiểu làm như vậy có ích gì. Nhưng hai cô không dám hỏi bà. Một bữa hai cô hỏi ông Thái mới cắt nghĩa cho mấy con hiểu rằng con người ở đời phải sống vừa thực tế vừa tinh thần. Hai cảnh đời đó phải đi đôi con người mới tấn thủ vững vàng và mạnh mẽ, ung đúc tài trí để xoay trở theo thực tế cho khỏi thua sút thiên hạ. Còn tin tưởng Trời Phật để củng cố tinh thần cho mạnh cho cao. Có tài trí mà không có tinh thần thì làm việc gì cũng dụ dự, yếu ớt, nên khó thành công. Còn việc có tinh thần mà không có tài trí, thì cương quyết song vụng về, nên theo không kịp thiên hạ. Thuở nay bà Ngọc dư thực tế mà thiếu tinh thần, nên giàu sang mà buồn bực. Bây giờ bà thờ Phật đặng ung đúc tinh thần, làm như vậy cho đời sống của bà có đủ điều kiện mà an vui.

Hai cô theo phái tân học, nghe cha cắt nghĩa chỗ chú trọng về tâm lý xã hội, về hạnh phúc dân sanh, chớ không dựa và đạo lý thiêng liêng hay là thần quyền huyền bí, bởi vậy hai cô phải chịu, không có chỗ mà bắt bẻ được.

Lão Thái nầy lão luyện tập với thầy đời, mà lão lượm chỗ nầy một mớ, chỗ nọ một mớ, lão tom góp bỏ vào túi nhiều mánh lới mầu nhiệm quá. Nhờ tay lão biết gãi đúng chỗ ngứa của mỗi người mà gãi, nên lớn nhỏ đều kỉnh phục rồi việc khó hóa ra việc dễ, việc vui tràn ngập bao phủ tất cả việc buồn. Một niềm thuận hòa mát mẻ, một tình thân yêu dịu dàng phưởng phất chung cho hai nhà, ở bên nào cũng vui, bởi vậy lớn nhỏ đều khỏe trí yên lòng mà chờ tương lai.

Hết mùa mưa tới mùa nắng, rồi giàu nghèo đều lo sửa soạn ăn Tết, người đi tảo mộ, người may áo quần. Cúc trong sân đã đơm bông, mai trước ngõ đã rụng lá.

Ông Thái biết lúc nầy các đám mía trồng trong vùng An Thổ đã trổ cờ gần đều. Ông muốn đi dọ xem năm nay đất mía đặng thất thế nào. Một buổi xế ông về nhà cùng với vợ ông qua thăm bà Ngọc, ông nói với bà Ngọc rằng hiện giờ đồn bót đã đóng khắp nơi hết, chỗ nào cũng có đặt binh trấn thủ. An ninh trật tự đã đem lại trong làng Bình Phước nên nhơn dân đi đứng làm ăn thong thả hoàn toàn. Ông hỏi bà nếu bà muốn về Bình Phước mà thăm mồ mả ông bà thì vợ chồng ông đi giùm với bà, đi có đàn ông đàn bà vững bụng.

Thời cuộc lộn xộn trót mấy năm, bà Ngọc nghe nói nhà cửa, vườn tược và lò đường của ông già đã tiêu hết, nghe vậy thì hay vậy chớ bà không dám về thăm. Năm kia bà có nhắn người bà con là Hương hào Điều xuống đặng bà hỏi lại cho chắc rồi bà cậy về coi nếu có ai muốn mướn đất mà trồng mía lại thì thay mặt bà mà đo cho người ta mướn đặng họ trồng. Năm ngoái Hương hào Điều xuống nói đất của ông già bà người ta đã chia nhau mà trồng mía gần được phân nửa, mà biểu họ làm tờ tá họ không thèm làm, biểu họ đóng tiền mướn đất phần nhiều họ cũng không chịu đóng, Hương hào Điều nói nếu bà muốn có huê lợi thì bà ra tiền cho ảnh mua ngọn mua phân, ảnh trồng rồi lập luôn lò lại đặng tới mua mía làm đường mà bán mới có lời. Ba đặt tiền cho ảnh trước sau gần mười ngàn, mà hôm đầu năm bà thu lại có mười mấy ngàn vừa đủ vốn chớ không lời bao nhiêu bởi vậy bà thất vọng, không muốn tính tới cuộc làm ăn đó nữa.

Nay nghe nói vùng Bình Phước đã yên tịnh rồi, đường đi không xa, lại có vợ chồng ông Thái đi theo nữa, bà hết sợ nên bà chịu đi, tính về thăm mồ mả ông bà và luôn dịp coi Hương hào Điều trồng mía và lập lò đường lại thể nào mà mùa rồi huê lợi vừa cho mướn đất vừa bán đường chia cho bà có mười mấy ngàn.

Bà bàn tính với vợ chồng ông Thái rồi hẹn bữa sau đi với nhau, đi xe của bà, không đem sắp nhỏ theo, đúng 8 giờ bà sẽ vô tiệm rước ông Thái đi.

Y như hẹn sáng bữa sau ông Thái ăn lót lòng với ông Giáo Hiệp rồi ông thay đồ bận quần sọt áo sơ mi cụt cho gọn, dặn ông Giáo ở nhà thế cho ông mà tiếp khách hàng. Chừng xe của hai bà vô tới thì ông lên xe đi liền, tính đi sớm đặng có nhiều thời giờ mà quan sát cuộc trồng mía làm đường, hiện giờ là một mối lợi không nhỏ.

Xe khỏi Bà Chiểu thì gặp xe đủ thứ, tốp ra tốp vô dập dìu không ngớt. Đến cầu Bình Lợi xe cũng vẫn còn đông, ngó đường đi Biên Hòa hay là đường đi Thủ Dầu Một, đường nào xe hơi cũng nối đuôi mà chạy cả dọc, xe du lịch, xe nhà binh , xe đò, xe hàng chen nhau mà chạy rần rần. Từ Bình Triệu lên Bình Phước hai bên đường người ta trồng cây trái, đậu khoai, rau cải liên tiếp, coi còn thạnh vượng hơn hồi trước. Một khúc xa xa có tháp canh xây cho binh lính ở mà gìn giữ an ninh cho dân lành làm ăn. Sau rẫy vườn ấy thì là mía trồng minh mông, đám nầy giáp với đám khác, không dứt, trồng lên tới mé rạch Gò Dưa. Vô tới vùng Suối Chà.

Xe lên tới Bình Phước, bà Ngọc biểu sốp phơ chậm chậm mà quanh qua phía tay mặt chạy vô ấp của bà ở hồi trước. Lâu ngày mới được trở về chốn cố hương, bà Ngọc cảm xúc, mắt nhìn cảnh cũ, kiếm người quen xưa. Cảnh đã đổi thay khác hết. Bên tay mặt thì mía còn trồng giáp hết, mấy đám trồng sớm đã trổ cờ trắng nỏn, gió bấc thổi phất phơ theo một chiều. Còn bên phía tay trái hồi trước vườn tược liên tiếp, nhà ở nối dài theo đường, nhà có vẽ thạnh mậu . Bây giờ cây cối tan hoang, mặt đất cỏ mọc, mương vườn lấp cạn, một hai cây rải rác còn sống sót thì đứng xơ rơ còi cọc, buồn hiu như tiếc cảnh cũ hay đợi người xưa. Mấy nhà vui tươi khoản khoát hồi trước bây giờ biến thành chòi tranh xịch xạc tiu hiu. Tuy vậy mà mấy người quen thấy lấp ló trong chòi bộ họ vẫn vui sống chớ không buồn rầu ủ rũ.

Chạy tới chỗ nhà bà hồi trước, bà Ngọc biểu sốp phơ ngừng lại, bà mở cửa xe bước xuống. Vợ chồng ông Thái xuống theo.

Bà Ngọc đứng ngoài lộ ngó vô thấy mấy tòa nhà của ông già bà xây dựng từ hồi bà còn thơ ngây đã tiêu mất, chỉ còn mấy cái nền không với ít đống gạch ngói bể nằm chài bài. Mấy liếp vườn bây giờ là mấy bãi cỏ không ai ngó tới nên nó mọc tự do, cao tới đầu gối, lại dày bịt rậm rịt.

Nhìn công phu sự nghiệp của cha tiêu hết, bà Ngọc ngậm ngùi ứa lụy, song cũng gượng gạo bước vô. Thấy có dãy nhà lá sùm sụp nằm gần đó, bà lần lần đi lại. Vợ chồng ông Thái biểu sốp phơ thụt xe vô sân, rồi thủng thẳng theo sau.

Ông Ba Lự là người cổ cựu trong xóm, năm nay đã gần sáu mươi tuổi, ông ở trong dãy nhà lá đó bước ra, ông thấy bà Ngọc ông biết nên ông mừng nói lăng xăng.

Bà Ngọc hỏi có Hương hào Điều ở trong nhà hay không. Ông nói Hương hào Điều ở đằng nhà; chú cho ông ở lò đường coi chừng, mấy tháng đạp đường chú mới lại ở thường. Bà cậy ông Ba Lự đi kêu dùm Hương hào.

Bà dắt vợ chồng ông Thái vô xem lò đường. Bà thấy nhà cất lúm túm vụng về, lò cũng xây đơn sơ, trong ngoài dơ dáy, không phải kỹ lưỡng như ông già bà làm hồi trước bởi vậy bà không vui chút nào. Bà chỉ cuộc ở của bà hồi trước cho vợ chồng ông Thái biết, cắt nghĩa cách ông già bà sắp đặt công cuộc làm đường cho hai ông bà nghe. Ông Thái hỏi đất trồng mía của bà nhiều được bao nhiêu mẫu. Bà nói có bằng khoán ở dưới nhà, cả thảy mấy sở hơn hai trăm mẫu. Ông Thái nói đất nhiều quá trồng cho giáp hết mà làm đường trong vài năm sẽ làm giàu lớn, bà nói Hương hào Điều lôi thôi nên làm công việc coi không được. Mía trồng giáp hết mà lò đường như vậy thì đạp đường mấy tháng mới rồi. Mía đúng lứa mà không đốn thì mất nước. Mà đốn rồi chất đống chờ chừng nào lò rảnh mới đạp, để lâu quá hôi rượu mới làm sao.

Bà dắt khách đi lại góc vườn viếng mả của cha mẹ bà. Hai mả nằm song song, không hư hại, nhưng chung quanh cỏ mọc um tùm như mồ vô chủ. Bà Ngọc châu mày than Hương hào Điều tệ quá. Bà Ngọc xuất gần mười ngàn giao cho ảnh, mà ảnh lập lò đường lại coi không được, ảnh không mướn người sửa sang vườn tược, thậm chí mồ mả của cha mẹ bà, ảnh cũng bỏ phế, không thèm ngó ngàng. Vì có tình bà con một họ nên bà mới tin cậy, phải bà dè ảnh lôi thôi như vậy bà cậy người khác, có lẽ được việc hơn. Tự rằng vì gần Tết nên bà về viếng mồ mả cha mẹ. Bà đưa cho ông một trăm đồng bạc cậy ông mướn người dẫy cỏ chung quanh mộ dùm cho sạch sẽ rồi bà dắt ông đi xem vườn hoang.

Ông Thái hiểu ý bà Ngọc phiền Hương hào Điều nhưng bà không muốn nói ra, bởi vậy ông hỏi Hương hào Điều vậy chớ đất của bà trồng mía nằm về vạt nào, mùa nầy trồng được bao nhiêu mẫu và cho mướn được bao nhiêu, họ mướn với giá nào, họ trả bạc hay là giao mía cho mình? Hương hào Điều dắt ông Thái ra lộ mà chỉ đất cho ông coi, cắt nghĩa cách cho mướn đất, cách làm đường và cả cách bán đường cho ông nghe.

Hương hào Điều nói: “Phận tôi quê mùa, tôi làm theo sức tôi vậy thôi. Nếu muốn làm lớn như hồi trước phải có vốn lại phải có người thông thạo giúp sức mới làm được“.

Ông Thái cười và nói: ”Ông Hương hào yên tâm. Tôi sẽ tiếp tay với ông. Ăn Tết rồi tôi sẽ lên thường mà bày biểu cho ông làm. Tiền bạc thì tôi lo cho ông đừng sợ thiếu vốn. Có lẽ tôi phải xin bà Phủ cất nhà lại cho chắc chắn, rộng rãi, sạch sẽ, có chỗ ép đường, có chỗ vựa mía, có chỗ trữ đường, có chỗ bà Phủ lên ở chơi cho được. Bây giờ cứ dùng trâu bò mà ép như cũ. Tôi sẽ mua máy để ép đường cho lẹ và lấy hết nước mía. Lần lần rồi sẽ mua máy làm ra đường cát trắng nữa. Ông Hương hào ráng giúp để thủng thẳng tôi tổ chức cho ông coi.

Trong lúc ông Thái ngoài lộ kiếm chước mà thuyết phục Hương hào Điều thì trong vườn bà Ngọc lấy lời dịu ngọt mà cậy ông Ba Lự ra ngoài ngày ông mướn dùm nhơn công dọn dẹp sở vườn lại, phát cỏ cho sạch, đào mương cho sâu đặt sẵn sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm đặng qua mùa mưa mà trồng giáp hết mấy liếp. Ông Ba Lự hứa ông tận tâm giúp cho bà lập sở vườn lại như hồi còn ông Cả. Ông tỏ ý chê Hương hào Điều lôi thôi không biết làm công chuyện, cứ lo trồng mía làm đường cho có lợi mà bỏ túi, không thèm ngó tới vườn tược của ông Cả, ông lại nói nếu bà cắt phần cho ông dọn dẹp mà lập sở vườn lại thì ông sẽ làm cho mà coi.

Bà Ngọc rất hài lòng về sự sốt sắng của ông ba Lự. Bà nói để qua Tết rồi bà sẽ lên bàn tính việc ấy với ông.

Thấy ông Thái đương đứng nói chuyện với Hương hào ngoài lộ, bà đi ra đó và hỏi Hương hào tháng nào mía mới đúng lứa đốn được. Hương hào nói lối rằng tháng giêng. Bà mới nói: ”Vậy thì chừng đó lò đường mới bắt đầu hoạt động. Qua Tết rồi tôi sẽ lên thường, lên giao cho ông Ba coi dọn dẹp mà gầy dựng cây trái lại và luôn dịp tôi chăm nom công việc đốn mía và ép đường”.

Hương hào Điều lặng thinh mặt có sắc buồn.

Ông Thái tính pha một chút nước đường cho thuốc bớt đắng, nên ông vội vã nói: “Việc trồng mía làm đường nãy giờ tôi có bàn tính sơ với anh Hương hào. Tôi khuyên ảnh ráng giúp bà Phủ tổ chức lại đàng hoàng đặng chừng cậu về cậu vừa bụng. Anh Hương hào nói nếu có tôi bày biểu thì ảnh sẽ giúp tận tâm. Vậy để ăn Tết rồi tôi sẽ lên bàn lại với ảnh rồi lập chương trình định phải làm những việc gì, việc nào gấp làm trước, việc nào hưỡn làm sau. Vậy xin bà Phủ yên tâm để cho hai anh em tôi lo cho“.

Bà Ngọc mừng. Bà thuật lại cho ông Thái với hương hào nghe việc bà mới cậy riêng ông Ba Lự ăn Tết rồi ông mướn nhơn công cuốc cỏ móc mương dọn dẹp sở vườn lại đặng qua mùa mưa đặt cây mà trồng. Ông Thái nói ông là người Lái Thiêu, lập vườn tược là nghề của ông. Vậy để qua Tết rồi ông sẽ bày biểu cho ông Ba Lự làm. Miếng vườn lớn cả mẫu chớ không phải ít. Biết cách trồng trong năm sáu năm sẽ có huê lợi nhiều.

Ai nấy đều vui lòng, nên nói chuyện chơi một chút, rồi bà Ngọc với vợ chồng ông Thái từ giã lên xe mà về.

Đi dọc đường bà Ngọc trách Hương hào Điều xập xệ quá, lãnh công việc cho bà mà hai năm nay không có làm gì hết. Nhà cửa vườn tược tan hoang ảnh không dọn dẹp, để cỏ mọc như rừng, thậm chí gần Tết mà ảnh cũng không thèm cuốc cỏ cho sạch sẽ xung quanh mộ của cha mẹ bà. Còn ảnh lãnh gần mười ngàn đồng bạc đặng lập lò đường lại, công việc ảnh làm không đáng năm ngàn. Ông ba Lự nói ảnh cứ lo cho họ mướn đất trồng mía và lo làm đường mà bán đặng có lợi bỏ túi mà thôi; ảnh lương lẹo lắm nên người ta mới nói như vậy chớ. Để ra ngoài ngày bà hỏi ông ba Lự như chịu thay thế cho anh Hương hào coi luôn việc trồng mía làm đường thì bà giao hết cho ổng. Bộ ổng sốt sắng hơn anh Hương Hào.

Ông Thái cười mà nói: ”Tôi khuyên cô đừng có nóng giận. Cô đã ăn chay niệm phật thì phải từ bi, chớ cô còn giận thì tu làm chi? Huống chi lòng người bây giờ biến đổi hết chớ không phải như hồi trước. Mình phải ráng mềm dẻo cho lắm đặng mua lòng người, mà cũng chưa chắc được bụng thiên hạ. Mía trồng giáp đất hết, trong cả vùng chỉ có một lò đường nầy mà thôi. Giá bán đường bây giờ lại lên cao hơn hồi trước thập bội. Mà mùa rồi anh Hương hào đem cho cô có mười mấy ngàn. Không cần ai nói tôi cũng biết ảnh bỏ túi nhiều, bỏ túi bằng hai bằng ba số đó. Mà cô trách ảnh sao được. Cô không làm được, cô giao cho ảnh làm. Cô cũng không lên mà kiểm soát. Tự nhiên ảnh muốn đem cho cô bao nhiêu ảnh đem. Ảnh đem cho cô mười mấy ngàn. Nhiều hơn số tiền cô xuất vậy cũng là may lắm. Bây giờ cô giận, cô đuổi ảnh, cô cho người khác thế. Ảnh mất lợi ắt sanh thù oán. Ảnh sẽ âm mưu với những người trồng mía phá cô, hoặc không đóng tiền mướn đất, hoặc mía của ảnh trồng cho cô mà nói của người khác trồng, hoặc ảnh xúi họ chở mía đi đến mấy lò xa mà bán, đừng thèm bán cho cô. Tiểu nhơn hễ nó mất miếng ăn thì nó oán, rồi nó có nhiều cách trả oán độc ác mình không thể ngừa được. Hồi nãy tôi xem vườn tôi viếng mộ tôi thấy cô lộ sắc giận. Chừng gặp anh Hương hào cô nguội lạnh quá, tôi sợ cô nói mích lòng ảnh mà hư việc. Tôi mới kiếm chuyện hỏi đất trồng mía cho cô chỗ nào, đặng dắt ảnh ra ngoài lộ tôi o bế cho ảnh đừng phiền mà phản cô. Tôi phải mượn lịnh và cậy oai của cậu mà dọa cho ảnh kiêng, rồi tôi dỗ ngọt cho ảnh mát ruột. Tôi điều đình đã êm rồi, êm tạm cho qua khỏi Tết đừng xảy ra việc gì. Ra ngoài ngày, cô cứ cho ảnh đốn mía làm đường như thường, làm cho mãn mùa nầy rồi ảnh muốn rút lui tự ý ảnh, còn như ảnh chịu tiếp tục giúp cô nữa, thì ảnh như người cô mướn coi đất, coi lò đường cho cô, mỗi năm cô trả tiền công cho ảnh nhiều hay ít tùy theo số lời lớn nhỏ. Tết rồi tôi sẽ trở lên sắp đặt dùm cho cô, hễ bắt tay đốn mía ép đường, thì tôi thay mặt cho cô mà chỉ huy, tôi coi cho ảnh làm, việc gì tôi cũng biên sổ hết thảy; ảnh không thể lươn lẹo được mà sợ ảnh ăn gian nữa. Qua mùa sau, tôi cũng thay mặt cô mà cho mướn đất, người mướn làm tờ cho cô, ai mướn bao nhiêu đất, mướn giá nào, tôi có sổ rành rẽ; anh Hương hào hết quyền nhưng phải níu ảnh ở làm công đặng khỏi thù oán. Nếu ảnh rục rịch, thì ảnh ở trong lòng bàn tay, cô muốn bóp chặt hay bóp lỏng tự ý cô, khỏi lo ảnh khuấy rối“.

Bà Ngọc nói: ”Thiệt tôi cảm ơn anh quá. Anh lo dùm cho tôi từ chút. Nếu anh làm ơn sắp đặt lại dùm cho tôi thì tôi hết lo. Hồi nãy tôi giận là vì tôi nghĩ sự nghiệp của cha tôi để lại cho tôi mà tôi không hưởng được tôi lại để cho người khác hưởng nên tôi tức“.

Ông Thái nói: “Tôi hiểu. Để tôi suy nghĩ ít bữa coi bây giờ phải làm sao mà thủ lợi, cho xứng đáng với sự nghiệp qúy báu ấy. Tôi sẽ lập chương trình hành động rành rẽ. Tết rảnh tôi trao cho cô xem rồi cô liệu nếu làm thì tôi chỉ cách thức cho cô làm mà thủ lợi, còn nếu cô không muốn làm thì tôi kiếm người thạo việc họ mướn xác họ làm mỗi năm họ đóng cho cô số bạc bao nhiêu tùy ý hai đàng thỏa thuận với nhau“.

Xe về tới tiệm mới 10 giờ rưỡi, bà Hòa mời vô uống nước, rồi hai chị em mới về Sài Gòn, bà Ngọc hớn hở mừng được ông Thái giúp sắp đặt lại việc nhà dùm cho bà.