guyễn Thị Bình là con gái út của bà Bùi Thị Mè và Nguyễn Văn Nhơn (thân sinh của ba người con trai chết trận trong chương “Không ngày đoàn tụ”). Ba năm sau khi Bình chào đời vào năm 1957, cha mẹ và các anh trai để cô cùng một người chị lại cho bà cô nuôi.
Năm 1964, người cô sợ rằng chính quyền Sài Gòn có thể tìm bắt hai cô bé, lúc này đã mười ba và bảy tuổi, để làm con tin buộc cha mẹ chúng phải trở về. Thông qua một hệ thống liên lạc sử dụng những người truyền tin tình nguyện, người cô bày tỏ nỗi lo lắng tới cha mẹ hai cô bé đang công tác tại Chiến khu R. Họ đi đến quyết định để hai bé tới ở cùng cha mẹ tại căn cứ càng sớm càng tốt.
Vào ngày trù định, một người giao liên tình nguyện tới nhà bà cô để đưa hai cô bé tới bến xe đò. Họ lên một chiếc xe đò thẳng tới Tây Ninh, nơi ông Nhơn đang nóng lòng chờ đợi. Khi tới nơi, mọi người chẳng có đủ thời gian để chào hỏi. Ông Nhơn hối hả dẫn ba người đi bộ vào rừng sâu, vào một thế giới khuất bóng mặt trời – và cũng khuất khỏi tầm mắt của kẻ thù trên cao – nhờ cây cối rậm rạp.
Phải mất chọn một ngày mới tới được Chiến khu R. Hành trình gian khó nhưng Bình rất vui khi gặp cha và nóng lòng được gặp mẹ. Ông Nhơn dẫn mọi người đi qua những con đường nhỏ nhớp nháp, do người dân địa phương tạo ra để cho xe bò đi. Rất ít người ngoài cuộc biết đến sự tồn tại của phần lớn những con đường kiểu này. Lúc chập tối thì ông Nhơn và hai cô con gái đã đến doanh trại.
Chiến khu R được thiết kế và tổ chức với đủ các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động hoạch định và triển khai chiến lược tổng thể của Mặt trận cho toàn cuộc chiến. Nó không chỉ có trung tâm chỉ huy và điều hành mà còn có cơ sở hỗ trợ để thực hiện các chức năng này. Nhằm tránh nguy cơ toàn bộ sở chỉ huy bị triệt phá, căn cứ được xây dựng dàn trải trên một khu vực rộng. Có một trường học cho trẻ em ở đây. Cùng với khoảng năm, sáu mươi đứa trẻ khác, Bình coi ngôi trường là nhà trong phần nửa quãng đời tuổi thơ của mình. Niềm mong mỏi được ở cạnh cha mẹ đã sớm bị dập tắt khi cô được dẫn tới ngôi trường mới – cũng là nhà mới.
Trường có các lớp từ 1 tới 6. Lúc tới nơi, Bình mới bảy tuổi và được xếp vào lớp 1; người chị gái mười ba tuổi, đã quá tuổi đi học, được bố trí làm nữ hộ lý ở đâu đó tại Chiến khu R. Bình bị tách khỏi cả cha mẹ lẫn chị gái.
Học sinh sống cùng nhau ở trường như một gia đình. Do phụ huynh luôn bận rộng tại Chiến khu R; và nơi họ sống, làm việc cách xa trường học nên hiếm khi họ thăm con cái – kể cả những cuộc viếng thăm chớp nhoáng.
Khoảng ba tháng thì Bình mới được gặp cha mẹ một lần – thường là gặp bất ngờ chứ không hẹn trước. Việc quân địch tăng cường không kích và pháo kích cũng như mở các chiến dịch mặt đất trong khu vực đã khiến trường nhiều lần phải đóng cửa. Trong những dịp đó, trẻ con được trả về cho phụ huynh hoặc được tổ chức thành từng nhóm ba người và bố trí ở khắp nơi tại Chiến khu R dưới sự giám sát của người lớn để bảo đảm an toàn. Sự phân tán trẻ con như vậy là nhằm giảm nguy cơ tổn thất sinh mạng lớn trong trường hợp trường bị tán công. Trước khi rời Chiến khu R, Bình cảm thấy hàm ơn kế hoạch thông minh này – mà nếu không tuân thủ thì chắc cô đã lâm vào thảm họa. Cô thấy việc cha mẹ tới thăm con mà không báo trước là điều cực kỳ quan trọng.
Những tháng đầu ở Chiến khu R là giai đoạn cực kỳ khó khăn.
“Lúc mới đến”, cô hồi tưởng, “tôi sợ tất cả mọi thứ - kể cả những thứ có thật lẫn điều tưởng tượng: tôi sợ ma, thú rừng, côn trùng, rắn – và bom. Lần đầu tiên nghe tiếng bom, tôi đã lấy mền trùm kín đầu và run cầm cập. Sau vài tháng, tôi quen dần và cuối cùng chẳng sợ gì nữa”.
Lúc mới tới Chiến khu R, Bình là một cô bé bảy tuổi nhút nhát; cô rời nơi này bảy năm sau, khi đã trở thành một thiếu nữ không biết sợ là gì, khi đã có đủ sự tự tin rằng mình có thể vượt qua mọi tai ương.
Nhưng cuộc sống trong rừng chẳng bao giờ dễ dàng.
Có năm giáo viên được bố trí làm việc ở trường. Thêm vào đó, có mười hai người khác hỗ trợ chăm sóc trẻ, chỉ dẫn trẻ cách vào rừng trú bom.
“Chúng tôi luôn là mục tiêu của các trận không kích tại Chiến khu”, Bình giải thích. “Vì thế, điều đầu tiên người lớn dạy chúng tôi đó là đào giao thông hào và hầm trú ẩn. Ban đầu người lớn đào cho chúng tôi, về sau thì chúng tôi tự đào. Chúng tôi phải đào hầm thường xuyên do trường phải dời chỗ liên tục”.
Tìm kiếm thức ăn cũng là một nhiệm vụ thường trực của trẻ. Bình kể:
“Chúng tôi tự tìm kiếm thức ăn. Chỉ có gạo là được cấp. Nhưng lắm lúc gạo cũng thiếu nên chúng tôi phải tự tìm kiếm đồ ăn. Mọi người chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, thường là không có bữa sáng. Mỗi khi đói, tất cả cùng vào rừng kiếm trái cây. Chúng tôi được dạy cách nhận biết những thứ ăn được và không ăn được. Chúng tôi có thể ăn nhiều loại lá cây. Đôi khi chúng tôi nhặt được sách viết cho lính Mỹ, trong đó miêu tả cặn kẽ các loại nấm ăn được, không ăn được. Lũ trẻ chúng tôi cũng được chỉ cách làm bãy bắt thú nhỏ. Chúng tôi ăn rắn và bọ cạp. Có hai loại bọ cạp trong rừng. Một loại rất độc. Đó là loài thân nhỏ, màu nâu. Loài kia khá lớn, dài khoảng một tấc, màu đen. Đây là những thứ ăn được, và thật may là chúng bò rất chậm. Bọ cạp núi rất dễ bắt. Chúng bò đầy nhóc quanh hầm trú ẩn. Có một ít thịt trong càng của nó, khoảng nửa thìa; thịt có vị giống tôm. Càng là bộ phận duy nhất có thể ăn được. Lần đầu thấy bọ cạp tôi rất sợ, nhưng rồi tôi nhanh chóng học cách xua đi sợ hãi. Mấy cậu nhóc trong lớp hay bắt bọ cạp dọa con gái. Nhưng chúng tôi luôn được dạy phải can đảm bởi hầu hết đều phải tự lo cho bản thân. Cũng có nhiều lúc lũ con trai bày cho chúng tôi cách kiếm thức ăn”.
Do giáo viên không có được sự hỗ trợ cần thiết về giảng dạy nên số lượng môn học trong trường khá hạn chế. “Chúng tôi chỉ học văn và toán”, Bình kể tiếp. “Không có đủ giáo viên để dạy thêm cái gì nữa, và cũng chẳng có cuốn sách nào”.
Khi máy bay ném bom, số học sinh mới đến thường rất lo lắng cho cha mẹ. Phần lớn trẻ em đều may mắn khi cha mẹ không hề gì. Nhưng một vài em thì không có được may mắn ấy. Bình kể: “Thông thường, tất cả học sinh trong trường đều biết tin cha mẹ của một bạn học chết trước khi bạn đó biết; nhưng chúng tôi giữ im lặng. Người lớn thường an ủi và chăm sóc đứa trẻ đó trước khi thông báo về cái chết. Sau khi đứa trẻ biết tin, chúng tôi cố gắng không nhắc lại chuyện buồn. Tất cả mọi người thường quá bận rộn với những việc phải làm hằng ngày để sống sót đến mức không có thời gian để nghĩ tới chuyện khác – kể cả bi kịch gia đình. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng chăm nom đứa trẻ bất hạnh ấy và giúp nó nguôi ngoai. Mọi người sống gần gũi và cư xử với nhau như một đại gia đình. Chúng tôi làm bất cứ việc gì mà chúng tôi thấy cần thiết”.
Không mất cha mẹ ở Chiến khu R nhưng Bình cũng không thoát khỏi bi kịch cá nhân. Tháng 2 năm 1968, cô bé được giáo viên và bạn bè chăm sóc đặc biệt, một sự quan tâm chỉ dành cho những ai mất đi người thân. Cô bé biết có điều gì đó bất ổn nhưng chẳng biết đó là gì. Lúc đầu cứ tưởng rằng cha hoặc mẹ đã chết hoặc bị thương, rồi cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được thông báo đi gặp phụ huynh.
“Tôi linh cảm có điều gì đó bất ổn nhưng chẳng ai nói cho tôi biết về cái chết của ba người anh. Tôi được đưa tới ở với cha mẹ một thời gian. Một đêm nọ, khi tôi sắp ngủ thì có mấy người bạn của cha mẹ tới. Lúc ấy ông bà tưởng tôi đã ngủ rồi. Tôi giữ im lặng tuyệt đối để nghe họ trò chuyện. Tôi nghe những người kia chia buồn và bắt đầu nói về cái chết của các anh. Lúc bấy giờ tôi mới biết điều gì đã xẩy ra. Tôi khóc lặng lẽ nhưng chẳng bao giờ nói với cha mẹ về nỗi mất mát đó. Tôi ở với họ chừng một tuần hoặc mười ngày thì đi”.
Chiến khu R bị ném bom thường xuyên, nhưng trước giờ ngôi trường lại chưa bao giờ trúng bom cả. Tuy nhiên, vào đầu năm 1971, điều mà phụ huynh lo sợ nhất đã ập đến. Bình vẫn còn lưu giữ ký ức kinh hoàng; nhưng rất nhiều bạn học của cô thì không thể.
“Tôi bị sốt rét và được đưa tới bệnh viện”, cô kể. “Cha mẹ tôi cũng bị sốt rét, vì thế chúng tôi ở bên nhau. Lúc ấy cả nhà đang ở trong căn hầm dành cho bệnh nhân. Đột nhiên máy bay ập tới ném bom mà không hề có báo động trước. Lúc ấy việc dạy học đang diễn ra dưới các căn hầm có mái chữ A được làm bằng gỗ và che lớp đất dày chừng hai tấc – trường không có hầm trú bom. Chúng tôi phải chuyển chỗ liên tục nên không có thời gian đào hầm trú ẩn lớn. Hôm đó trường trúng bom. Đó là lần đầu tiên bom rơi trúng trường học. Mười ba trẻ và hai người lớn chết. Tôi quen tất cả các nạn nhân… Khi máy bay gia tăng ném bom Chiến khu R, người ta đã quyết định gửi trẻ em ra miền Bắc”.
Trong hành trình ra Bắc dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, trẻ em được chia thành từng nhóm từ mười sáu tới mười tám người, với ba người lớn đi theo. Những trẻ nhỏ tuổi nhất và sức khỏe kém nhất được phân bố đều cho các nhóm. Mỗi nhóm được đánh số và một lịch trình được phổ biến với ngày khởi hành được định sẵn. Ngày khởi hành của các nhóm được sắp xếp chênh nhau chừng 10-15 ngày. Cái chết của mười ba đứa trẻ trước đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tán nguy cơ thương vong ra các nhóm khác nhau. Một bi kịch như thế không được phép lặp lại đối với hành trình ra Bắc; đó là mệnh lệnh.
“Chúng tôi biết thời điểm xuất phát trước một tháng”, Bình kể. “Trước lúc khởi hành, trẻ con được ở với cha mẹ hai tuần. Chia tay cha mẹ cũng không có gì nặng nề lắm bởi tới lúc ấy, bọn trẻ đã quen với việc sống xa cha mẹ. Tuy nhiên, với phụ huynh thì lại khác. Cha tôi không muốn để tôi ra Bắc vì tôi thường xuyên lên cơn sốt rét và ông sợ tôi sẽ chết dọc đường. Đó là thời khắc vô cùng khó khăn cho ông”.
Nỗi lo lắng của người cha đối với chuyến đi sắp tới của Bình là dễ hiểu. Không ít người lính khỏe mạnh hơn con ông nhiều đã chết khi đi dọc Đường mòn. Với cái chết của một nửa số con cái cùng với một người con không còn lành lặn, bi kịch mà chiến tranh gieo lên gia đình ông đã quá khủng khiếp rồi.
Trước khi đi, trẻ em được hướng dẫn nên mang theo thứ gì và gói ghém ra làm sao.
“Chúng tôi phải đem theo một cái võng, mùng chống muỗi, một chiếc mền mỏng và vài thứ khác. Mọi thứ đều được nhét vào ba lô làm bằng cách gấp một mảnh vải lại và khâu xung quanh. Để tạo thành hình ba lô, người ta thường lấy viên sỏi đặt vào hai góc đáy và lấy dây thép siết lại. Dây đeo được đính vào góc ba lô. Người ta cũng thường lồng vào trong một túi nhựa để giữ đồ vật khỏi bị ướt. Chúng tôi mang theo nhiều túi nhựa”.
Sau thời gian ở cùng cha mẹ, Bình trở lại với các bạn trong nhóm. Họ tập hợp vào lúc 5 giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1971 để bắt đầu hành trình tới ngôi nhà mới.
“Chúng tôi không hề lo lắng hoặc hồi hộp vào lúc xuất phát”, Bình kể tiếp. “Tất cả đều đã quen với thay đổi. Nhưng tôi nhớ là hồi đó mình cũng nhớ nhà – không hẳn là nhớ cha mẹ mà là nhớ ‘ngôi nhà’ ở trong rừng… Sau một thời gian dài, chúng tôi đã quen với cuộc sống ở đó… Tất cả đều có cảm giác sẽ nhớ miền Nam”.
Ngay sau khi xuất phát, Bình nhanh chóng được ngầm nhìn vẻ đẹp của núi rừng. Hoa nở rực rỡ, điểm sắc cho những vạt rừng tươi đẹp.
“Mỗi ngày chúng tôi lại đến một binh trạm mới”, cô kể. “Đôi lúc nhóm chỉ mất nửa ngày để đi hết một chặng; lúc khác thì mất nhiều thời gian hơn. Nhanh chậm là tùy vào sức khỏe. Điều kỳ lạ là trong suốt chuyến đi tôi không bao giờ lên cơn sốt rét, trong khi hồi ở Chiến khu R thì tuần nào cũng bị. Có lẽ do tôi đã trưởng thành hơn và sung sức hơn. Những người khác vốn chưa hề bị sốt rét lại hay ốm đau dọc đường. Đối với họ, lẽ ra hành trình chỉ mất ba tháng, thì đằng này phải mất tới bốn, năm tháng. Khi xẩy ra ốm đau, người bệnh sẽ được để lại các binh trạm”.
Người ốm ở lại binh trạm cho tới khi đủ khỏe mới đi tiếp bằng cách nhập vào các nhóm Bắc tiến kế tiếp. Rất nhiều nhóm bị hao hụt do có thành viên bị bệnh.
“Có một nhóm khi tới nơi chỉ còn bốn người”, Bình kể. “Tôi có một người bạn bị rớt lại, phải theo một nhóm khác ra Bắc”.
Khi đến binh trạm, các thành viên nghỉ ngơi, ăn uống và ngủ sớm để sáng hôm sau khởi hành sớm. Một người dẫn đường của binh trạm, được gọi là “giao liên”, sẽ dẫn nhóm tới nửa đường. Tại đây, giao liên của binh trạm kế tiếp sẽ đón họ.
Buổi sáng ở các binh trạm có một thủ tục quen thuộc trước khi xuất phát.
“Mọi người được cấp cơm”, Bình kể tiếp. “Cơm gói trong những tấm vải cắt từ dù của quân Mỹ. Cơm đại hội lăn tròn và nén lại thật chặt. Làm như vậy cơm sẽ lâu thiu”.
Cha Bình có chuẩn bị một ít cá kho cho cô để ăn với cơm. Các binh trạm chỉ tiếp cơm nên mọi người phải hái măng rừng để ăn kèm. Tuy nhiên, do bộ đội đi lại trên Đường mòn quá nhiều nên măng tre cũng bị hái sạch. Một quãng dài rừng núi chẳng còn gì ăn được. “Lá sắn ăn được nhưng ăn nhiều thì bị ngộ độc”, Bình giải thích. “Do không tìm được thức ăn, chúng tôi lấy lá sắn nấu canh với muối. Một vài lần hiếm hoi ở binh trạm có dưa muối. Họ cho vào chảo lớn nấu cho chúng tôi ăn”.
Thú rừng cũng không có để săn bắn. “Suốt chuyến đi chúng tôi chẳng thấy một con thú nào”, Bình nhớ lại. “Có vẻ như chúng đã bị bom đạn giết sạch rồi”.
Bình có ấn tượng tốt về những người giao liên, họ luôn nghe ngóng xem có máy bay do thám hay không. Nếu nghe tiếng máy bay (nhiều lúc không thể nhìn thấy do rừng rậm), người giao liên liền dự đoán khu vực do thám rồi dẫn mọi người tránh đi. Đó là một cách làm thông minh bởi những khu vực do thám thường bị ném bom ngay sau đó. Người giao liên có thể cho mọi người dừng lại để chờ nguy hiểm qua đi hoặc đi nhanh hơn để vượt qua một khu vực đầy bất trắc.
“Ở những nơi chúng tôi đi qua trên Đường mòn không có hầm trú ẩn”, Bình cho biết, “vì thế mọi người thường ẩn nấp dưới gốc cây hoặc tảng đá lớn. Hầu như ngày nào cũng có thả bom. Người Mỹ thả bom vì họ biết có Đường mòn ở đấy, chứ không hẳn là nhằm vào đoàn chúng tôi. Một vài trẻ em ở các nhóm khác thiệt mạng – nhưng không nhiều. Các giao liên rất hiểu hoạt động của không quân Mỹ nên thường hướng dẫn chúng tôi rất cặn kẽ… Họ luôn chọn những lộ trình tốt nhất có thể - đôi khi chúng tôi phải băng qua nơi không có lối mòn”.
Hiếm khi các giao liên cho đoàn nghỉ ngơi – họ luôn giục mọi người tiến về phía trước. “Chúng tôi đi liên tục…họ không bao giờ chờ. Nhiều đứa trẻ phải chạy mới bắt kịp. Đôi khi người lớn không theo kịp trẻ con. Có lúc, một số người trong nhóm tới binh trạm trước cả tiếng đồng hồ so với số còn lại, nhưng không ai lạc đường… Chúng tôi luôn ngủ ở binh trạm, không bao giờ ngủ dọc Đường mòn. Chỉ khi nào bị lạc đường thì người ta mới phải ngủ dọc Đường mòn”.
Bình nhớ lại lần chạm mặt với một người lính phía bên kia hai tuần sau ngày khởi hành:
“Một lính biệt kích miền Nam bị bắt. Anh ta bị áp giải theo đoàn chúng tôi để ra Bắc; tay bị trói quặt ra sau. Tôi rất tò mò, suốt ngày cứ đi sát sau anh ta… Không ai nói chuyện với anh ta, kể cả người giao liên… Tôi chưa bao giờ gặp một binh sĩ kẻ thù nên rất chi tò mò”.
Đây không phải là lần duy nhất Bình chạm mặt với lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa. Cô nhớ lại một lần trực thăng thả biệt kích xuống rừng:
“Biệt kích địch thường được trực thăng thả xuống để cài cắm vào khu vực Đường mòn. Tôi nhớ có lần trông thấy hai tay biệt kích vừa được thả xuống đã lập tức vẽ một ký hiệu lớn bày tỏ mong muốn đầu hàng. Sau đó, họ ẩn nấp và chờ bộ đội từ binh trạm ra. Các chiến sĩ của binh trạm đã tóm được họ. Hai người ấy có rất nhiều đồ ăn; bộ đội lấy hết và đưa cho chúng tôi”.
(Năm 1961, Cục Tình báo Trung ương Mỹ triển khai chương trình bí mật, đưa biệt kích Việt Nam Cộng hòa đột nhập vào lãnh thổ Bắc Việt. Chiến dịch này, được Lầu Năm Góc tiếp quản năm 1964, đến năm 1968 đã thất bại nặng nề khi gần 500 lính biệt kích bị giết, bị bắt hoặc trở thành điệp viên hai mang. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara và cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, đã bị chỉ trích nặng nề về chiến dịch trên. Chương trình đã được đặc tả trong cuốn sách của Sedgwick Tourison nhan đề: QUÂN ĐỘI BÍ MẬT, CUỘC CHIẾN BÍ MẬT: CHIẾN DỊCH BI THẢM CỦA WASHINGTON Ở BẮC VIỆT. Lời kể của Bình giải thích tại sao một số lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa không trở về).
Trong phần lớn hành trình, giao liên men theo dọc bờ suối; không khí ở những nơi này rất mát mẻ. Trẻ con đôi khi có thể dừng lại để tắm tắp.
Nhưng đi dọc bờ suối cũng rất nguy hiểm.
“Khó khăn nhất là lúc mưa ập tới”, Bình giải thích. “Lũ quét cuồn cuộn dọc suối. Không có thời gian để chuẩn bị đối phó với lũ. Khi nghe tiếng ầm ầm thì cũng là lúc nước ập đến rồi. Những lúc đó chúng tôi thường trèo lên các tảng đá cao. Đang mùa khô nhưng đôi lúc có mưa lớn. Nhóm đã gặp lũ quét hai hay ba lần gì đó. Phần lớn chúng tôi không biết bơi nên thật là nguy hiểm. Sau khi lũ đi qua, dòng suối trở nên rộng hơn và khó vượt qua. Thế là người lớn phải buộc dây vào cây rồi cầm đầu dây còn lại băng qua sông, sau đó buộc vào thân cây ở bờ phía bên kia. Trẻ em một tay giữ ba lô, tay kia nắm dây để qua suối. Ba lô được cho vào một bọc nhựa để khi cần có thể làm phao cứu sinh. Chúng tôi được huấn luyện kỹ càng để có thể thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh nào, vì thế tất cả trẻ con vượt sông suối mà không gặp vấn đề gì lớn. Nếu sợ thì sẽ gặp rắc rối. Còn nếu không sợ thì sẽ vượt qua bất cứ thách thức nào”.
Ba tháng và một tuần kể từ ngày rời Chiến khu R, nhóm của Bình hoàn tất cuộc trường chinh. Họ tới Binh trạm 5 ở địa đầu tỉnh Quảng Bình, giáp với Lào vào ngày 27 tháng 8 năm 1971. Chặng đi tới Binh trạm 5 là chặng cuối cùng họ đi bộ. Nhóm hoàn tất phần còn lại của hành trình bằng xe tải.
Khi đi bộ, lũ trẻ chỉ đi vào ban ngày; nhưng khi di chuyển bằng xe tải, nhóm chỉ đi vào ban đêm. Họ được đưa đến tỉnh Quảng Bình. Tới bờ sông Gianh, cả đoàn lên thuyền qua sông, rồi sau đó tới Vinh, từ đấy đi tàu ra Thường Tín, Hà Tây.
Khi đến Thường Tín, trẻ em trong đoàn của Bình được đưa tới một khu trại đặc biệt trong vòng ba tháng. Tại đây, họ được gặp lại các bạn học thời Chiến khu R và chờ những người còn chưa đến. Đêm đầu tiên ở trại, họ được chiêu đãi một bữa tối đặc biệt – có thịt. Dù không có nhiều nhưng món ăn này làm tất cả thích thú. Mọi người cũng được khám sức khỏe và kiểm tra sốt rét.
Khi tất cả trẻ con đã đến nơi, một trường học đặc biệt dành cho người miền Nam được mở. Do việc học ở miền Nam bị giới hạn và thường hay gián đoạn, người ta cho rằng trẻ em miền Nam không thể theo kịp trẻ ở miền Bắc, vốn được đi học đều đặn.
Bình và các bạn học ở chung ký túc xá. Tại đây, trẻ được dạy các môn rất mới – địa lý, sinh học, lịch sử, v.v. Chính quyền cung cấp cho lũ trẻ áo quần và thực phẩm. Thêm vào đó, học sinh còn nhận được tiền tiêu vặt. Bình đã ở nơi đây trong suốt phần còn lại của cuộc chiến tranh. Khi trẻ em đến Hà Nội an toàn, chính quyền bắt đầu thông báo với phụ huynh ở miền Nam. Do đường bưu vận không ổn định, Bình phải đợi tới chín tháng mới nhận được tin từ cha mẹ nói rằng họ đã biết cô bé tới nơi bình an.
Được chính quyền chăm sóc rất chu đáo nhưng lũ trẻ vẫn không nguôi nhớ nhà. Chúng mong mỏi được trở về miền Nam quê hương. Tình hình vào thời điểm lũ trẻ tới miền Bắc cũng làm dấy lên câu hỏi liệu sống ở Hà Nội có an toàn hơn Chiến khu R hay không. Bấy giờ tất cả mọi người đối mặt hai mối đe dọa lớn: máy bay B-52 và lũ. Do máy bay B-52 gia tăng ném bom miền Bắc, lũ trẻ lại được tách ra thành từng nhóm nhỏ sống với các gia đình địa phương.
Năm 1974, Bình sung sướng khi được đón những vị khách bất ngờ - cha mẹ cô. Sau khi người Mỹ rút khỏi cuộc xung đột thì việc đi lại dọc Đường mòn trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Không còn máy bay địch đe dọa, cha mẹ Bình đà thực hiện hành trình ra Bắc rất dễ so với chuyến đi khổ ải mà Bình từng trải qua.
Hai người ra Hà Nội bởi cha Bình bị bệnh mắt nặng. Tới Hà Nội được một thời gian, ông tiếp tục sang Liên Xô để phẫu thuật và dự kiến sẽ dưỡng bệnh trong sáu tháng. Khi ông lên đường sang Moskva; mẹ Bình – bà Mè - ở với con gái. Thế rồi, cha của cô đã trở lại Hà Nội chỉ hai tuần sau khi phẫu thuật. Ông nóng lòng được trở về Chiến khu R khi nhận thấy chiến thắng ở miền Nam đang cận kề. Bình rất vui trong thời gian được ở với cha mẹ trước khi chia tay.
Với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, Bình và các bạn học rất háo hức trở lại miền Nam. Nhưng tất cả đều thất vọng khi biết rằng phải học xong thì mới về được. Lũ con trai trở nên nóng nảy trong việc thuyết phục các giáo viên cho chúng trở về nhà, thậm chí chúng còn dọa đốt ký túc xá.
Cuối cùng, vào tháng 8 năm 1975, trường học giải tán và các học sinh được đưa xuống Hải Phòng để từ đó lên tàu thủy vào Sài Gòn. Bình gặp lại chị gái, người cũng ra Bắc vào năm 1974. Bốn năm trước, cô bé phải mất ba tháng để đi bộ dọc Đường mòn mà không bị bệnh tật gì; giờ đây cô chỉ mất vài ngày hành trình trên biển nhưng lại bị say sóng khủng khiếp.
Tàu cập cảng Vũng Tàu, thành phố nằm phía Nam Sài Gòn, và hôm sau thì đến nhà máy đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn. Cha mẹ tới đón Bình và người chị gái. Gia đình ngụ tại một khách sạn giữa Sài Gòn trong đêm đoàn tụ đầu tiên.
Ngày hôm sau, có một gia đình chịu nhiều mất mát trong cuộc đấu tranh trường kỳ để thống nhất đất nước đã trở về ngôi nhà mà mười lăm năm trước đó họ buộc phải ra đi. Đó là một thời khắc đầy cảm xúc đối với Bình. Được trở về nhà là niềm hạnh phúc, nhưng đó cũng là một trải nghiệm đau đớn; cô biết rằng ba người anh trai của mình sẽ không bao giờ xuất hiện nơi ngưỡng cửa ngôi nhà nữa.