CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP

ĐÀO SÂU ĐỂ HỌC CAO

Docsach24.com

ước Mỹ có một lịch sử đầy may mắn. Từ khi độc lập, thường dân nước này, trong thời chiến, luôn được ngăn cách khỏi khói lửa chiến trường gây ra bởi một lực lượng chiếm đóng nước ngoài, ngoại trừ một lần duy nhất tính đến cuối thế kỷ 20. Ngoại lệ duy nhất đó là trong chiến tranh năm 1812, khi quân Anh đổ bộ vào đất Mỹ, bắn phá Nhà Trắng và nhiều dinh thự khác.

Sự hôi tụ của yếu tố địa lý, quá trình phát triển khá chậm của công nghệ vũ khí tầm xa trong phần lớn lịch sử nhân loại, cùng việc phát triển khả năng tự vệ từ xa – hàng ngàn dặm bên ngoài biên giới quốc gia – đã giúp nước Mỹ che chắn cho dân thường khỏi phải chịu đựng sự khắc nghiệt của chiến tranh mà các nước khác phải hứng chịu. Có lẽ vận may ấy đã khiến chúng ta quên rằng chiến tranh thật là khốc liệt đối với dân thường một khi người dân ở ngay trong vùng chiến trận.

Trong khi dân Mỹ theo dõi chiến tranh Việt Nam qua báo chí thì người Việt Nam phải sống chung với cuộc chiến đó mỗi ngày. Trong khi trẻ em Mỹ ngồi trên xe buýt tới lớp học có điện thắp sáng, máy điều hòa thì trẻ em Việt Nam phải đi bộ tới trường, khoác đồ ngụy trang và học ở dưới lòng đất. Trong khi trẻ em Mỹ được dạy học cách trang trí nhà cửa, trẻ em Việt Nam được dayh cách trị thương. Trong khi trẻ em Mỹ được ở bên cha mẹ lúc rảnh rỗi, trẻ em miền Nam Việt Nam buộc phải chia tay cha mẹ ruột để sống với cha mẹ nuôi ở miền Bắc – và rất nhiều người trong số họ không bao giờ có ngày đoàn tụ gia đình. Trong khi trẻ em Mỹ choàng tỉnh trong cơn ác mộng và chợt thấy đó không phải là sự thực thì trẻ em Việt Nam phải thường xuyên trải qua những cơn ác mộng có thật.

Với việc không hề bị xâm chiếm kể từ năm 1812, người dân Mỹ đã dần trở nên vô cảm trước các tai họa mà một nước xâm lược có thể gây ra. Và không nghi ngờ gì, ít người Mỹ hiểu thấu đáo về nỗi đau mà cuộc chiến tranh này trút xuống đầu người dân Việt Nam. Đây là cuộc chiến mà trong đó, một thế hệ trẻ em được giáo dục trong những điều kiện không thể hình dung nổi đối với người Mỹ.

Là một cô giáo, Nguyễn Thị Phúc Hòa hiểu rất rõ những gian khó này. Sinh năm 1945, bà từng dạy cấp hai và cấp ba ở tỉnh Quảng Bình trong phần lớn thời gian chiến tranh – từ 1964 đến 1972; đây là tỉnh thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom. Bà đã chứng kiến nhiều lớp học sinh sau ngày tốt nghiệp đã bước thẳng ra chiến trường và có rất nhiều người không bao giờ trở lại.

Phòng học là những hầm chống đạn được đào sâu hai mét, đủ rộng để chứa 30-35 học sinh mà cô giáo Hòa thường dạy mỗi năm. Từ mặt đất, người ta chỉ có thể nhìn thấy mái lợp của lớp học. Phía bên dưới là trần làm bằng đất sét trộn rơm. Sau khi đắp vào khung trần, hỗn hợp này sẽ khô tại chỗ, tạo ra một lớp chắn lửa ngăn cách giữa mái lá và học sinh bên dưới.

Ở phía đầu kia của công trình là lối đi vào một địa đạo ngoằn ngoèo kéo dài hàng trăm mét. Học sinh luôn được hướng dẫn cách sơ tán dọc các địa đạo để tới nơi an toàn khi có máy bay ném bom. Một hầm trú bom, nhỏ hơn nhiều so với lớp học, được đào gần đấy, thường là do phụ huynh và giáo viên đào.

Học sinh cấp hai bắt đầu buổi học vào 6 giờ sáng mỗi ngày; buổi học kéo dài trong ba tiếng trước khi trở về với cha mẹ. Trẻ con thường đeo ngụy trang sau lưng khi đi bộ tới trường. Đồ ngụy trang được thiết kế với một dụng cụ đặc biệt để cắm lá cây vào.

Học sinh được hướng dẫn đeo tấm ngụy trang và mỗi khi có máy bay thì nằm úp mặt xuống đất. Khi làm như vậy, các nhành cây phía sau sẽ xòe ra che cho học sinh, nhìn từ máy bay sẽ dễ lầm tưởng đấy là một bụi cây tự nhiên. (Bà Hòa tâm sự, rằng dù bà tin lính Mỹ không cố ý nhằm bắn vào học sinh nhưng bà có cảm giác là “họ sẵn sàng bắn vào bất cứ vật gì di động vì cho rằng đó có thể là kẻ thù”).

Học sinh cấp ba học từ 6 giờ đến 10 giờ sáng. Lứa học sinh này ở lại trường với giáo viên theo hình thức nhà chung chứ không về nhà với cha mẹ. Sau buổi học, học sinh tham gia các hoạt động cần thiết để tự chu cấp cho tập thể của mình, chẳng hạn làm nông. Sau ba năm cấp ba, học sinh tốt nghiệp. Những cậu bé, giờ đã trở thành thanh niên, nhập ngũ để phụng sự đất nước.

Do thiếu cơ sở y tế trong làng, bà Hòa còn dạy cho trẻ cách sơ cứu. Bà lồng vào chương trình rất nhiều bài giảng, nhiều ví dụ về các vấn đề thường gặp hằng ngày, chẳng hạn lấy bát úp vào vết thủng ở bụng để không cho ruột chảy ra ngoài. Để cầm máu, trẻ được dạy cách đắp lá cây; để cấp cứu khi gãy chân, trẻ dùng một thanh tre nẹp lại.

Bà Hòa kể lại: “Đôi khi máy bay Mỹ thả thùng hàng đồ chơi và nhiều thứ khác, như bút chẳng hạn. Chúng tôi lượm hết. Nhưng rồi có một ngày người ta nói (sai) rằng quân Mỹ đã tẩm hóa chất chết người vào các vật này. Thế là chúng tôi đốt hết”.

Khi mối lo ngại về an toàn cho trẻ con trong các đợt ném bom gia tăng, người ta bắt đầu thực hiện kế hoạch sơ tán. Chương trình này đã được khởi động ở Vĩnh Linh vào năm 1968. Chính quyền làm việc với dân ở các làng phía Bắc để chọn ra những phụ huynh sẵn sàng làm cha mẹ nuôi cho trẻ em Vĩnh Linh.

Bên cạnh nỗi buồn phải gửi con đi xa, các bậc cha mẹ Vĩnh Linh không bao giờ được biết nhân thân các gia đình cha mẹ nuôi – họ chỉ được xác nhận rằng con của họ sẽ tới ở tại làng nào mà thôi. Cha mẹ ruột thường nhận được thông báo về tình hình con cái dựa trên những thông tin cha mẹ nuôi cung cấp.

Phải mất nhiều năm thì các gia đình này mới được đoàn tụ. Trong nhiều trường hợp, họ không bao giờ đoàn tụ được do trẻ em chết hoặc thông tin về nơi ở của trẻ bị thất lạc. Dù trường nơi bà Hòa dạy chưa bao giờ bị máy bay Mỹ bắn trúng nhưng bà ước tính rằng có từ bảy tới mười học sinh của bà đã thiệt mạng trong giai đoạn 1966-1970.