Hân vẫn còn lý lẽ để bắt bẻ lời cà khịa của cậu, nhưng liếc thấy có người đang rình rập ngoài cửa sổ nên cô khẽ mỉm cười rồi chiều theo mong muốn của cậu luôn. Được môi Hân chạm vào má, tâm trạng cậu lâng lâng như trên mây. Ngược lại tâm trạng con Cúc đau khổ như vừa bị vứt xuống tận cùng của địa ngục. Nó buồn bã trốn sang gian nhà của mợ Phượng báo cáo:
- Bẩm mợ, con đã tráo túi hạt sen bà Tuyết mua cho mợ Hân thành túi hạt sen mợ đưa rồi. Nhưng bữa nay mợ Hân không ăn trưa ở nhà nên con chưa nấu canh bồ câu hầm hạt sen cho mợ ấy ăn được.
Mợ Phượng nhìn ánh mắt con Cúc tràn ngập sự ghen tuông chợt thấy buồn cười, mợ bảo:
- Không sao, trưa không nấu thì tối nấu. Túi hạt sen mợ đưa mày mợ đã cho người ngâm thuốc sau đó phơi khô rồi. Mày chỉ cần nấu canh cho mợ Hân ăn đều đặn trong ba tháng thì cho dù có mồi chài cậu Hoan như nào nó cũng chẳng mang được cốt nhục của cậu.
- Ý mợ là… trong ba tháng canh đó có tác dụng như thuốc tránh thai, và sau ba tháng thì mợ Hân sẽ bị vô sinh luôn phải không ạ?
- Chứ còn gì nữa?
- Mợ cũng cẩn thận quá cơ, còn ướp thuốc vào hạt sen. Có thuốc sao không đưa luôn cho con, nấu canh xong con đổ vào là được mà?
- Mày còn non và xanh lắm. Nhà bếp bao nhiêu người như thế làm sao mà tránh được tai mắt của kẻ xấu? Thay vì lén lút bỏ thuốc, mày cứ đường hoàng bốc hạt sen mà nấu, ai dám thắc mắc?
- Cũng chẳng ai dám động vào túi hạt sen nhờ mợ nhờ? Tại bà Tuyết từng cảnh cáo tụi nó hạt sen là hạt sen xịn bà đặt mua riêng cho mợ Hân, cấm đứa nào bốc trộm mà.
- Mày khôn ra rồi đấy!
- Cơ mà không có loại thuốc nào nhanh hơn ạ? Ba tháng lâu quá, con chờ không nổi…
- Chờ không nổi thì cũng phải ráng mà chờ! Mợ biết có vài loại thuốc công dụng mạnh hơn, nhưng lừa được con Hân uống thì không dễ, vì mùi nặng hơn, con này lại học Y nên mợ sợ nó phát hiện ra. Ngoan ngoãn làm theo lời mợ, sau ba tháng mợ sẽ tìm cách thuyết phục thầy Tài đưa nó đi khám, nghe bác sĩ phán nó vô sinh kiểu gì thầy cũng chán đời thôi. Mày tranh thủ cơ hội thả thính rồi dính bầu với cậu Hoan, đến lúc đó không lo mất phần.
- Thế còn cô Oanh thì sao hả mợ?
- Đừng lo, thầy Tài ghét con đó lắm, còn mơ mới có chuyện thầy rước nó về làm dâu.
- Con… con sợ ông Tài cũng không thích con…
- Mày lo xa làm gì? Nhà mợ cũng nghèo như nhà mày nhưng thầy vẫn chấp nhận đấy thôi. Quan trọng là mày phải cho thầy thấy mày thương cậu Hoan thật lòng. Thầy Tài chướng mắt với con Oanh không phải vì xuất thân thấp hèn của nó, mà là vì nó vô tình để thầy thấy nó coi trọng tiền bạc hơn cậu Hoan.
Dã tâm của mợ Phượng thực ra cũng chẳng kém chị Oanh. Nhưng thầy không khó chịu với mợ vì nếu phải lựa chọn mợ sẽ chọn cậu Lộc chứ không phải tiền bạc. Đúng là mợ rất tham, nhưng mợ thật lòng mến mộ cậu Lộc. Cậu Lộc xuất sắc lắm chứ không đổ đốn như em trai, cậu có dáng vẻ nho nhã thư sinh dễ gây thiện cảm cho người đối diện. Chỉ tiếc cậu phúc mỏng, giá như cậu còn sống thì cái gia sản này hiển nhiên thuộc về cậu rồi, mợ đỡ phải vất vả tranh đấu. Mợ có thể cho phép con Cúc mang bầu với cậu Hoan vì cả cậu và nó cùng ngu, đẻ con ra thì cũng chỉ vứt đi thôi. Nhưng con Hân thì khác, đứa con sinh ra bởi một bà mẹ có đầu óc như nó quả thực sẽ là chướng ngại lớn của mợ. Con Cúc tất nhiên không hiểu thâm ý sâu xa của mợ, nó tưởng mợ thương mình, nghĩ cho mình nên cảm động trào nước mắt.
- Mợ Phượng! Mợ tốt với con quá chừng! Ơn đức của mợ con sẽ không bao giờ quên.
Mợ Phượng thở dài thườn thượt, đến bây giờ mợ vẫn không thể lý giải nổi chuyện chiếc khăn mùi soa có dính máu. Tại thằng Gù không làm ăn tới nơi tới chốn hay là tại con Hân nó đi trước mợ một nước cờ, chuẩn bị chiếc khăn để đối phó với bu đây? Vết kim châm trên tay cậu Hoan rất nhỏ, cộng thêm hôm đó cậu ẵm Hân thì bàn tay áp vào người vợ rồi nên ngoài cậu và mợ Hân ra thì không ai biết ẩn tình. Ngay cả con Cúc cũng không phát hiện ra chi tiết đó để báo cáo cho mợ Phượng. Mà kể cả nó có nói thì mợ cũng chẳng tin. Cái việc chịu đau để bảo vệ một đứa con gái đã vấy bẩn dường như không giống với cậu Hoan mà mợ Phượng biết cho lắm. Bởi vì nếu như cậu Lộc luôn lo nghĩ cho người khác thì cậu Hoan chỉ là một kẻ ích kỷ ham chơi, lo hưởng vui một mình và chẳng bao giờ quan tâm tới ai cả. Chuyện cậu dằn mặt mọi người không được đụng đến vợ cậu chắc là sĩ lên thì thể hiện tí chứ chẳng yêu đương gì đâu. Cậu Hoan mà biết yêu thì chắc con cá của mợ nó biết bay mất. Mợ thở dài bảo:
- Mau đi chuẩn bị bữa tối đi.
- Dạ.
Cúc dù sao vẫn còn trẻ người non dạ nên tới bữa tối, khi bê bát canh bồ câu hầm hạt sen đưa cho mợ Hân nó không tránh khỏi lo lắng. Nhất là cái lúc mợ Hân múc một thìa canh đưa lên mũi ngửi ngửi rồi khẽ nhíu mày đổ lại thìa canh đó vào bát, nó tưởng như tim mình rớt ra khỏi lồng ngực luôn rồi. Thật may, mợ chỉ mỉm cười khen ngợi:
- Canh thơm lắm!
- Dạ, mợ. Canh này bà Tuyết dặn con nấu riêng cho mợ, bổ lắm đấy mợ ạ, mợ mau ăn đi cho nóng.
Con Cúc hồ hởi nói, mợ Hân nhẹ nhàng bảo:
- Cảm ơn em. Nhưng mợ không có thói quen dùng canh này trong bữa ăn. Vì dùng rồi thì ngang bụng không thưởng thức được các món khác nữa. Em đem cất đi, mười giờ tối hầm lại rồi đưa lên phòng cho mợ.
- Vậy thì từ ngày mai con sẽ nấu canh muộn rồi đúng mười giờ tối đem lên phòng cho mợ nhé! Nhưng mà… bát canh này con đã trót nấu rồi… lát hâm lại không ngon ạ. Canh bổ lắm ý, mợ uống một xíu đi được không… chỉ một xíu thôi nha mợ!
Con Cúc nài nỉ, cậu Hoan đập bàn nói:
- Một xíu cũng không. Mợ là mợ mày hay là con mày mà mày cứ leo lẻo leo lẻo cái mồm đôi co thế hả? Mợ nói một là một, nói hai là hai, phận tôi tớ cấm bép xép.
- Dạ, con cũng chỉ muốn tốt cho mợ thôi mà cậu.
Cúc phụng phịu lý sự, cậu Hoan cãi lý với nó:
- Một người tốt nghiệp thủ khoa ngành Y học cổ truyền như con vợ cậu cóc cần cái đứa thi trung cấp còn kém điểm cậu như mày lo lắng tốt xấu đâu. Nghe mắc mệt.
- Nhưng…
- Không nhưng nhị gì hết. Mau đem canh cất đi! Đừng để cậu vả cho sưng cái mõm lên mới chịu nghe lời!