Xa dần âm vang của sáu nhành sông xuôi đổ về Vạn Xuân, xa dần màu dâu xanh mượt mà trải mênh mông dọc bờ sông Thiên Đức.
Khi vó ngựa sóng đôi rẽ vào dặm đường hòe, không ai bảo ai, Hạnh Hoa cùng lão Vũ cho ngựa lơi nước kiệu. Chặng đường này là chặng đường cuối mà cũng là chặng đường đẹp nhất trên thông lộ đi từ Thiên Đức đến cửa ngõ kinh thành. Hạnh Hoa đi sau bất chợt gọi giật giọng: - Lão Vũ! Lão Vũ! Lão Vũ quay lại mở mắt to ngạc nhiên. Hạnh Hoa đăm đăm nhìn sâu vào mặt lão. Vẫn đôi mắt mờ đục trên khuôn mặt bất động phẳng lì như sáp. Hạnh Hoa hoài công cố tìm lại cái thoáng mắt ngời ngời mà nàng bắt gặp trong buổi sáng hôm qua. Nàng đâm ra hoài nghi với chính mình, hết tin vào con mắt mình. Hay vì bóng nắng chói chang của trời hạ? Hay vì lúc ấy tâm thần mình mải gởi vào bóng dáng người thương nên gợi ra ảo ảnh?
- Lão Vũ – nàng cố nặn ra câu hỏi bâng quơ, mắt nhìn vào những cây hòe rợp bóng ở hai bên đường – Trong đời lão… ta không biết lão đã gặp một người con gái nào chưa, một người con gái mà mình…
Lão Vũ cười khục khặc như cố ghìm tiếng cười vào họng:
- Ôi, con gái! Con gái đối với lão như trái đỏ trên nhành cao, lão có tài thiện xạ đâu mà bắn trúng.
Câu nói khá thú vị khiến Hạnh Hoa bật cười: - Ta như lão, ta cứ lấy đá mà chọi.
- Lão không muốn làm sây sát quả đẹp. Vả lại…
Nhịp vó ngựa của lão như lơi dần rồi gióng một theo từng lời lão nói.
- Cô đã có lòng hỏi đến, lão cũng chẳng dám giấu cô. Đã lâu lắm rồi, không biết đã chồng chất bao nhiêu năm tháng. Lúc đó lão còn trẻ. Có một cô gái láng giềng, nhà ở cạnh nhau và cùng đi chung một cổng. Ngày ngày ra vào nhìn nhau. Không, đúng hơn là mình nhìn chứ người ta thỉnh thoảng mới ngoái lại.
- Cô ấy đẹp không?
- Nói đẹp thì nó vô cùng. Nhưng, lúc ấy lão nghĩ giá lão là chim chóc trên trời mà nhìn thấy làn da trên má cô ấy thì cũng phải tưởng nhầm là trái chín ắt phải sà xuống.
- Thế rồi hai người thương nhau?
- Không, về cái khoảng đường này là số lão bao giờ cũng đi sau người khác. Cho đến cái hôm sau một chuyến đi xa về, lão mới hay nhà bên đã có đám ăn hỏi. Lạ một điều là lúc ấy lòng lão vẫn dửng dưng. Rồi đám cưới, rồi rước dâu, bóng người con gái ra đi mất biệt. Chiều đến, lão nhìn ra con đường vắng bỗng dưng lần đầu lão thấy mớ hoa lồng đèn đỏ chói mọc ở trước cổng mới trơ trẽn làm sao. Còn hoa xoan thì cứ tối sầm lại như màu khói hương. Lúc ấy, chính lúc ấy lão mới biết mình đã thấm tình với người ta như người nhuốm bệnh lâu ngày mà không hề hay biết.
- Thế sau rồi lão có gặp lại cô gái ấy không?
- Có chứ.
- Chắc lão phải hối tiếc buồn rầu lắm nhỉ?
- Lão lại không buồn mới lạ chứ. Lão thấy cặp lứa đôi ấy sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, đầm ấm yên vui. Lão nghĩ nếu người ta về với mình chắc gì được sống sung sướng như vậy.
- Không buồn chắc lão vui đấy nhỉ?
- Đúng là lão vui. Song cái vui ấy nó khác thói thường, không bồng bột mà thanh thao, lắng đọng tuy cũng có vương một chút buồn. Chà! Giá mà cô biết được niềm vui ấy, niềm vui khi thấy người mình thương được sống thung thăng như con cá lội…
- Ta thì ta không thể nào vui được. Ta sẽ buồn đến chết thôi. Mà này, cô ấy có hay biết gì về việc lão thương cô ấy không?
- Lão cũng không biết nữa – Lão Vũ đáp sau một lúc trầm ngâm – Lão chỉ biết lão đã gặp được người mình thương. Điều đó đối với lão đã là một sự hữu hạnh lắm rồi không dễ dàng gì mà có được.
- Ôi! Chả trách mà đời lão cứ phải sống côi cút âm thầm như cái bóng – giọng Hạnh Hoa đượm vẻ thương cảm.
-Riêng lão nghĩ như thế mà lại hay. Được thỏa thuê chưa chắc đã vui sướng. Cũng như gặp rượu ngon mà uống cho bằng thích, cho bí tỉ thì còn giữ làm sao được cái dư vị nồng hương phảng phất mãi không thôi.
Hạnh Hoa bỗng cười thành tiếng: - Thôi, thôi, lão có chống chế cho mấy đi nữa thì sự việc nó cũng sờ sờ ra đó. Chẳng qua là về đường nhân duyên, lão chẳng gặp may.
Lão Vũ lặng im lơ đãng nhìn chấm mây ở tít cuối chân trời tây như hòn đảo nhỏ trơ trọi, lâu lắm lão mới lầm bầm như để cho mình nghe: “- Biết đâu trong rủi có may, trong họa có phúc. Con đường họa phúc trên đời ai mà lường trước được”. Rồi lão nín bặt câm thít dường như lão đang tự hỏi sao hôm nay bỗng dưng lão lại lắm lời đến thế.
Hạnh Hoa đang đi bỗng nhiên ghìm cương đột ngột. Mắt nàng vừa thấy tim nàng đập rộn. Xa xa ở khúc quanh của dặm đường hòe, một kiệu son đặt ở vệ đường. Thấp thoáng bóng những tên phu kiệu cấm binh xúm xít ngôi nghỉ chân quanh kiệu. Và điều làm nàng hồi hộp nhất là bóng ai như bóng chàng đang tế ngựa như bay về phía nàng. Hạnh Hoa chưa hết sững sơ thì bờm con ngựa bạch của công tử Lý Ngân đã đến sát bên gần như cọ mõm vào ngựa nàng. Coi như từ dạo màu cánh đào đỏ rực rụng xuống lót đường cho tháng giêng qua đến sắc vàng mịn màng mỏng như cánh bướm đang phất phưởng trên đường hòe, hai người chưa có một lần gặp mặt. Bây giờ trông thấy, bốn mắt nhìn như dính vào nhau không sao rời ra được. Đến lúc nghe tiếng chào của lão Vũ, Lý Ngân mới sực tỉnh, mặt đỏ bừng vì ngượng, luống cuống đáp lễ:
- Lão Vũ đấy ư? Lão có được khỏe không?
- Tạ ơn công tử, lão cũng như con ngựa còm của lão, gia roi còn chạy được.
Lý Ngân nhảy xuống, buộc ngựa vào gốc hòe cạnh lão Vũ.
- Sao lâu nay ta không thấy lão đến ta?
- Dạ, lão bận về quê có chút việc nhà.
- Chết nỗi, ta với tiểu thư bao lần định rủ nhau đi thăm quê lão, ấy thế mà rồi năm tháng cứ lần lữa đến bây giờ ta cũng không rõ nhà lão ở phương trời nào.
- Đa tạ công tử và tiểu thư có lòng chiếu cố - Lão Vũ vừa thì thầm, vừa kín đáo đưa mắt cho Lý Ngân ngầm bảo chàng hãy mau đi lại với cô chủ nhà lão, cô chủ đang sốt ruột đấy. Lý Ngân quay lại thì quả thấy Hạnh Hoa đang đứng đợi chàng bên gốc hòe.
Cặp gái trai quay lưng, cùng sánh vai bước xuống đầm sen. Cả hai bỗng cảm thấy như cùng được bao che trong cái nhìn ấm áp của lão Vũ đang đứng trên đường nhìn theo, một cái nhìn vừa trìu mến bao dung vừa hân hoan thỏa nguyện.
Ôi! Xa nhau họ chất chứa trong lòng bao nhiêu điều muốn nói. Thế mà họ cứ lúng túng như gà vướng tóc. Có lẽ họ đã tích tụ cơ man nào là chuyện, nó bề bộn quá chưa biết bắt đầu bằng chuyện nào đây. Mà cũng có thể sự xúc động trong phút gặp gỡ đột ngột vừa qua đã làm họ quên sạch. Họ quên cả sen trong đầm đang mùa nở rộ mà cũng vì họ mà khoe sắc tỏa hương. Họ lặng im đi bên nhau, chẳng ai nói với ai một lời. Mãi đến khi họ dừng chân lại bên gốc sung mọc trước miếu thổ thần, Lý Ngân mới lên tiếng trước:
-Suốt mấy ngày nay ta đi tìm nàng ở vườn đào Uyển Cung mà không thấy.
Hạnh Hoa xoay xoay cái roi ngựa trong tay: - Tìm thật đấy à?
Biết tính người yêu hễ mỗi lần gặp nhau là bắt đầu bằng một câu trách móc, Lý Ngân cố lấy giọng dịu ngọt: - Sao Hoa muội lại nói thế? Tiểu huynh nếu không vì cái tang cha đè nặng trên đầu… Lý Ngân nói đúng. Có lẽ họ đã vừa duyên đẹp phận từ lâu rồi nếu không vì cái chết của cha chàng. Tướng quân Lý Quán, bố của Lý Ngân bị tử trận cách đây ba năm ở Đồ Bàn khi chặn giặc rút lui trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông năm Kỷ Dậu.
-Thế bây giờ đã mãn tang thì chàng sẽ lo liệu thế nào hay còn muốn trùng trình vì sợ bề trên.
-Ôi! Sao nàng lại đi trách ta?
Hạnh Hoa vụt đập mạnh cái roi ngựa xuống mặt đầm sen, làn nước bắn tung tóe. Một hạt nước nhỏ rơi vào lá sen trăn trở hồi lâu rồi đọng long lanh như giọt nước mắt.
-Chả trách ai cả - giọng Hạnh Hoa rầu rầu – Chỉ biết trách mình thôi – Trách mình sinh ra không đẹp nết để được lòng bên ông bác bà dì của chàng.
Hạnh Hoa muốn nói đến Thái Sư Lý Đạo Thành và Hoàng Hậu Thượng Dương. Đối với cuộc nhân duyên của hai trẻ, thái độ của Thái Sư không rõ ràng, không tỏ ra ưng thuận hay không ưng thuận. Riêng tiếng đồn về cái nết ngang bướng của Hạnh Hoa cũng đủ làm ông khó chịu. Còn Hoàng Hậu Thượng Dương thì tỏ vẻ không ưa nàng ra mặt. Không phải vì nàng là con gái của Thái Úy mà chính vì nàng là người thân cận của Thái Phi Ỷ Lan. Bên nhà trai đã vậy còn phía nhà gái thì lại quá vồ vập. Bởi lẽ Thái Úy nuông chiều Hạnh Hoa. Tính ông lại hay mến chuộng những tài năng trẻ. Con mắt xanh của vị nguyên nhung đã thấy trước trong Lý Ngân một dũng tướng tài ba sau này sẽ phù tá ông bên trướng. Vì vậy Thái Úy đã sớm đặt Lý Ngân vào vòng thân thuộc của gia đình. Lý Ngân biết rõ điều đó nên Hạnh Hoa có phụng phịu đối với chàng một tí cũng không sao. Chàng ôn tồn bảo:
-Hạnh Hoa, nàng đã nhầm rồi. Di mẫu ta bây giờ đã khác trước. Hôm kia bà còn ân cần hỏi ta về nàng rồi trách ta sao không dẫn nàng đến gặp bà.
-Ai dám gặp bà? Cứ nghĩ đến tính xét nét hoạnh họe của bà, người ta cũng đủ chết khiếp.
-Nàng nói thế không khỏi có phần thiên vị đấy. Khắp nội đình còn ai không biết tính tình dịu hiền của dì mẫu. Cả đời bà có biết quát ai một tiếng to đâu. Bà thương yêu ta còn hơn con đẻ. Bà còn mong sao cho cuộc nhân duyên của chúng mình mau chóng được êm đẹp.
Hạnh Hoa biết Lý Ngân nói có phần nào đúng. Hoàng Hậu Thượng Dương là người đàn bà đã một thời nức tiếng cung đình về nhan sắc cũng như về đức hạnh đoan trang thùy mị. Ở bà, từ những đường nét cực kỳ thanh tú đến sắc đẹp quý phái siêu thoát đều toát ra bên ngoài một vẻ dịu hiền gần như bẩm sinh. Một nỗi u buồn thầm kín không duyên cớ luôn luôn phảng phất trên khuôn mặt bà. Sắc đẹp và vẻ người ấy đã khiến những ai lần đầu đứng trước bà đều cảm thấy mỗi cử chỉ dù là trang nhã nhất của mình cũng trở nên vụng về thô lỗ. Nhưng giữa đàn bà hình như họ dễ dàng trực cảm được những gì gai ngạnh bí ẩn của nhau. Mặc dù ít tiếp xúc với bà, Hạnh Hoa cũng cảm thấy bên trong vẻ hiền hậu lộ liễu ấy có giấu kín một cái gì độc ác tiết ra từ thói vị kỷ quá quắt gần như mù quáng của bà. Nhưng làm sao nàng nói cho Lý Ngân hiểu được. Làm sao chàng thấy được chất độc ẩn giấu trong một lá trúc đào.
-Chàng nói thế hẳn biết thế. – Nàng uể oải đáp – chứ đã biết lấy gì làm tin được
Lý Ngân vụt đưa tay chỉ về phía đường cái nơi màu đỏ tươi của cỗ kiệu son lấp lóa qua hàng hòe thẳng đuột: - Đấy! Nàng làm nãy giờ ta quên khuấy chưa kịp báo cho nàng biết một tin mừng. Dì mẫu trân trọng bảo ta đem kiệu đi rước ai, nàng có biết không? Rước Thái Úy đấy – Bà có nhiều việc cần hỏi ý kiến Thái Úy – Nàng xem, bà trọng vọng Thái Úy như thế nào. Bà bảo rằng lâu nay bà không để tâm đến việc triều chính nay ngồi ở ngôi nhiếp chính vương, bà mới biết quí một bậc túc thần như Thái Úy… rằng mọi tị hiềm cần cởi mở chứ không nên kết buộc. Chàng còn nói nhiều, nhiều nữa. Nhưng Hạnh Hoa đã hết nghe. Nàng mải chăm chú nhìn vào gương mặt chàng như nhìn vào một mảng trời xanh trong suốt mà chỉ một thoáng gợn mây cũng không qua được mắt nàng. Nhưng rồi vẻ hăm hở chân tình lẫn một chút cả tin của chàng dần dà làm nàng nguôi ngoai mọi nỗi niềm và trong lòng nàng bỗng le lói một niềm hy vọng mới. Cuối cùng nàng bảo: - Chẳng qua đó là những chuyện ở bên ngoài. Cái chính là ở chúng mình, ở tình chàng có giữ được chung thủy hay không
- Trời ơi! Nàng còn nghi ngờ cả lòng ta nữa ư?
Chàng bước nhanh ra giữa sân, nhìn vào cái điểm tranh tối tranh sáng ở sâu trong ngôi miếu, cất cao giọng:
- Giữa thanh thiên bạch nhật, trước thần linh chứng giám ta xin thề…
Hạnh Hoa đã kịp đến bên kéo tay chàng: - Thôi, thôi! Chàng đừng thề nữa. Thiếp tin chàng rồi.
Giọng nàng hơi khản vì xúc động và những giọt lệ sung sướng giàn giụa trong mắt.
ồi tiếp đến là những lời tình tự muôn thủa của những cặp trai gái yêu nhau. Những lời mà vừa thốt ra họ đã không biết mình nói gì. Những lời đối với người nước ngoài thì ngây ngô vô nghĩa nhưng với họ lại đượm đà ý nhị ngát hương. Và thời gian của họ cũng trôi đi một cách khác. Như thể con suối nhỏ chảy giữa rừng già rợp bóng âm u, trông lặng lờ mà trôi đi lúc nào không ai hay biết. Khi bóng nắng gay gắt chiếu xế vào chỗ họ ngồi, Lý Ngân mới sực nhớ nhìn lên thì trời đã ngả xế. Họ lại đủng đỉnh sánh vai bước ra đường lộ. Lão Vũ vẫn ngồi im bất động dưới bóng hòe.
Hạnh Hoa đứng nhìn theo bóng Lý Ngân cùng chiếc kiệu son khuất hẳn sau làn mây mỏng cong như một đường mi ở cuối chân trời, rồi mới thẫn thờ lên yên. Dù sao Hạnh Hoa vẫn cảm thấy nỗi xa nhau chưa kịp trút đầy mắt nhớ mà vội vàng ly biệt. Con đường về kinh thành bỗng trở nên xa ngái, dặm hòe mang mang…
Giữa lúc Lý Ngân trên đường đến Thiên Đức thì Thái Úy đang quì trước bàn thờ trong lăng Tiên Đế. Ông chăm chú nhìn làn khói hương cuộn vòng, lầm rầm khấn vái. Hay đúng hơn, ông đang bộc bạch cùng người đã khuất mọi niềm riêng canh cánh. Ngoài kia, trưa hè đứng lặng nồng nàn. Hình như Thái Úy đang đặt một lời thỉnh cầu trang nghiêm quyết liệt. Tiếng con ve rừng ở đâu đó bỗng cất lên nghèn ngẹt sin sít làm át giọng của Thái Úy rồi đột nhiên ngừng bặt, trả lại cái thinh không vang vang của trời hè. Tiếng khấn của Thái Úy lại nghe rõ mồn một: - “…hồn Tiên Đế có linh thiêng xin chứng giám cho hạ thần. Hạ thần xin hiến chuỗi ngày tàn còn lại bồi đắp ước vọng ngày nào của Tiên Đế, làm sao cho nước nhà mau chóng mở mày mở mặt với lân bang, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của phương Bắc… Thần nguyện gác bỏ thân mình ra ngoài, dẹp mọi trắc ẩn bên lòng, coi việc tôn xã giang sơn làm trọng…”
Nén hương nghi ngút khói bỗng bốc ngọn cháy rực lên. Một ngọn gió mồ côi từ phía trời xanh bàng bạc đưa lại. Ngọn gió như người bộ hành qua một quãng đường dài đến đây đuối hơi chỉ còn sức phe phẩy qua khung cửa lớn. Thái Úy nhìn vào ngọn lửa linh ứng trên bát hương, cúi lạy ba lạy, hớn hở bước ra ngoài.
Bóng mận sâm si tròn như chiếc lọng che đã ngả dài trước thềm dãy tịnh xá. Gia nhân đang lo sửa soạn bữa cơm chiều.
Khi ông bước vào khách sảnh thì Lý Ngân cũng vừa đến. Chàng cung kính vái chào Thái Úy rồi trình tờ thư của Thái Hậu Thượng Dương.
- Thái Hậu mờ ta về dự triều hội các vương hầu.
Lại phái cháu mang kiệu son đón rước. Ôi! Cảm tạ tấm lòng Thái Hậu đối với ta ân cần quá mức, chu đáo quá mức – Ông cất lên một tràng cười dài – Cháu thấy thế nào?
- Dạ, cháu thấy là điều đáng mừng cho cháu và Hạnh Hoa. Lý Ngân đáp ngay không một chút do dự. Câu trả lời chất phác bộc trực rất chân tình của chàng làm cho Thái Úy ngẩn người giây lâu.
- Cháu có biết con ngựa Xích Long của ta bị bệnh thời khí đã chết trên Lạng Giang rồi chứ?
- Ối! Thế à! – Lý Ngân kêu lên một tiếng kinh ngạc đứng ngẩn người, niềm thương dồn dập như làn gió làm xao xuyến nét mặt đang tươi vui của chàng.
- Vì vậy việc Thái Hậu cho lão phu đi kiệu về hầu đức bà thật là đúng lúc.
Lý Ngân hầu như không nghe rõ Thái Úy nói gì. Trên mặt chàng còn chưa hết vẻ bàng hoàng ngẩn ngơ về cái chết của con chiến mã, con ngựa mà chàng biết Thái Úy yêu quý như một vật gia bảo. Vẻ mặt thành thật ấy làm Thái Úy cảm động, khiến cặp mắt ông đang chăm chú vào chàng vội quay đi, nhìn hướng khác.
- Thôi được, cháy hãy về tâu lại với Mẫu Hậu rằng ta xin vạn tạ ơn trên. Nội nhật ngày mai ta sẽ lên kiệu lai kinh và muộn nhất trong chiều mai ta sẽ vào cung hầu chỉ.
- Dạ, cháu cũng xin phép về ngay để phục mệnh Thái Hậu.
Lý Ngân hân hoan vái tạ Thái Úy rồi lui ra. Thái Úy nhìn theo người con rể tương lai của mình, buông một tiếng thở dài, trên gương mặt ông thoáng hiện một vẻ u trầm khó hiểu.