Câu Thơ Yên Ngựa

Chương 6

Docsach24.com

ạnh Hoa đánh một giấc sâu đậm đến mức chẳng hay biết gì cơn mưa rào thảng thốt trong đêm. Lúc nàng thức dậy, mặt trời đã lên cao. Hương mát ban mai tản dần trước tia nắng sớm. Tiếng chim chóc chỉ còn thưa thớt trong vườn. Một con chim phướn đang lặng lẽ tìm sâu nái ở hàng rào vông, thấy người vội chao mình sà thấp biến đi mất dạng, cái đuôi dài lê thê sặc sỡ còn quệt nhẹ trên chòm lá rung rinh.

Hạnh Hoa mải nhìn theo con chim lạ, không để ý tiếng chân người rón rén bước qua ngưỡng cửa. Khi nàng ngoảnh lại thì lão Vũ đã có mặt ở đấy tự bao giờ. Lão đứng thu hình, im lìm bất động. Cái khay đầy ắp những quả đào to mơn mởn như dán chặt trên tay lão. Có lẽ vì tính khí lão lầm lì hay vì lão không muốn làm kinh động cô chủ trẻ. Nhưng nhìn lão, Hạnh Hoa chợt có cảm giác như từ ngày lão đặt chân vào cửa Thái Úy đến nay chẳng có một chút thay đổi mảy may nào trên con người lão. Vẫn lối ăn bận lúc nào cũng hết sức chỉnh tề, vẫn ống tay áo lụa La Vân dài thẩm che kín cả mu bàn tay, vẫn cái khăn chàm bịt lấp trán thắt múi bỏ giọt đằng sau gáy. Và vẫn cặp mắt mờ đục ngó xuống khiêm cung thủ phận.

Lão Vũ vào ở nhà Thái Úy cũng đã khá lâu nhưng chẳng một ai biết rõ lai lịch gốc gác của lão. Ngoài Thái Úy ra, đối với mọi người, lão có một thái độ hững hờ lạnh nhạt. Thỉnh thoảng lão mới bắt chuyện với ông lang trẻ và viên tì tướng của Thái Úy. Có điều lạ là khi gặp, ai nấy đều chắp tay chào cung kính. Mọi người đều gọi lão là ông quản hay trọng vọng hơn “cụ tổng quản”. Hình như họ đều mơ hồ cảm thấy trên con người lạ lùng này có dấu ấn tin cậy vào bậc nhất của quan Thái Úy.

Riêng đối với Hạnh Hoa, lão Vũ rất mực ân cần chiều chuộng. Tuy giữ phần việc quản gia, lão Vũ luôn luôn đi vắng nhà.

Mỗi bận đi xa, như người mẹ đi chợ về, lão thường mua quà cho con gái – mà toàn là những món quà quí giá hiếm thấy ở đất nhà và rất hợp với ý thích của cô bé. Khi thì cái lược ngà, khi chiếc gương Tư Mã, có khi một con bướm xà cừ xanh biếc đính trên cành thoa bạc. Lão lại là người ít lời, hay nói đúng hơn lão dè xẻn từng lời và hay lấy cử chỉ việc làm thay cho lời nói.

Vì vậy Hạnh Hoa đối với lão Vũ rất mực tin yêu. Có chuyện gì Hạnh Hoa cũng đem kể với lão. Cả những chuyện ngóc ngách thầm kín của trái tim yêu mà bất kỳ một cô thiếu nữ nào cũng cảm thấy không thể thổ lộ với kẻ khác được dù đó là người thân nhất của mình. Hạnh Hoa thích tâm sự với lão không chỉ vì nhu cầu cần san sẻ những tình cảm mới lạ hay vì sự cảm thông từ trước của lão mà vì lão còn là người kín đáo. Câu chuyện rót vào tai lão như rót vào cái thùng kín mít không đáy, không tiếng hồi âm. Lão chịu khó chăm chú ngồi nghe Hạnh Hoa kể lể hàng giờ thỉnh thoảng mới gật đầu hay phác họa một cử chỉ đồng tình. Mối thân tình giữa Hạnh Hoa với lão Vũ mỗi ngày thêm gắn chặt. Nhưng bao giờ lão cũng giữ một khoảng cách giữa hai người. Dường như lão muốn đứng xa xa mà trông chừng chăm sóc cho cô bé. Hạnh Hoa, cho đó là một sự giữ ý đương nhiên của kẻ bề dưới.

Vừa trông thấy lão Vũ, Hạnh Hoa đã reo lên:

- Ôi, Lão Vũ! Lão đến đây từ lúc nào? Sao lần này lão đi lâu thế? Ở quê nhà có bình thường không? Lại quà nữa à?

Lão Vũ không vội đáp lại những câu hỏi tíu tít của cô chủ. Lão lặng lờ đi lại sẽ sàng đặt khay táo lên bàn, thong thả nhấc cái khăn vắt trên vai xuống, phủi những hạt bụi tưởng tượng nào ở rìa bàn và nơi góc ghế.

- Ôi dào! Hạnh Hoa kêu khẽ lên rồi im bặt.

Niềm xúc động và lòng cảm khích làm nàng không thốt nên lời. Quả chỉ có lão ở trên đời này mới hiểu rõ được những sở thích của nàng và hết lòng chiều chuộng. Nàng ưa thích đào không chỉ vì hương vị của thứ trái cây này mà còn vì nó gợi lên và như quện vào trong tâm tưởng nàng cảm giác ngạt ngào hương hoa khi lần đầu nàng gặp lại công tử Lý Ngân. Câu chuyện riêng tư này, nàng đã đem kể cặn kẽ cho lão Vũ nghe ngay trước lúc tin cẩn nhờ lão mang tin đi tin về làm con thoi dệt mộng cho lứa đôi.

Theo lời Hạnh Hoa thì nàng quen biết người ta không phải một ngày một buổi.

Thời ấy cách đây đã lâu, ngày nàng còn là một cô bé đầu còn để chỏm tóc hoa roi tết chỉ gấm. Tay cầm cành lá trúc đào, con bé vừa đi vừa nhảy chân sáo theo Thái Phi Ỷ Lan xuống phường dệt Thái Hòa. Nghe nói phường dệt này do chính tay Thượng Hoàng Thái Hậu cùng một số cung nga khéo tay đã tạo dựng lên từ thời Thái Tông mới lên ngôi. Đây là xưởng dệt lớn nhất chuyên dệt gấm vóc cho triều đình. Có lẽ khi thấy sản vật của mình làm ra không thua sút gì mấy so với hàng nước ngoài, Thái Tông mới xuống chỉ cấm mua gấm vóc của nhà Tống. Mọi lễ phục từ vua đến quan đều dùng hàng nội hóa. Những thứ hàng cũ của nước ngoài còn tồn kho đều đem phân phát sạch cho các cung nga và các vị đại thần. Đây là hành động đầu tiên biểu thị ý chí tự túc tự cường của các vua triều Lý trên con đường dựng nước. Sự việc này xảy ra vào năm căn phù hữu đạo thứ hai đời vua Lý Thái Tông.

Đến nay xưởng dệt đã có cơ ngơi bề thế. Hàng chục công nhân già nắm xảo thuật dệt trong tay chuyên tâm truyền nghề cho lớp thợ trẻ. Tiếng thoi tiếng suốt róc rách ngày đêm.

Cũng cần nói thêm ở đây rằng Thái Phi Ỷ Lan vốn xuất thân từ một cô gái hái dâu ở làng Thổ Lỗi. Trong một chuyến đi cầu tự lễ Phật ở chùa Siêu, vua Lý Thánh Tông tình cờ gặp nàng. Thấy nàng đối đáp nhanh nhảu lại thêm nhan sắc hơn người, vua Lý đưa nàng về cung. Năm sau nàng được phong làm Nguyên phi đứng đầu các phi tần.

Nghề tằm tang vốn là nghề của Ỷ Lan. Vì vậy chẳng một ai lấy làm lạ khi thấy Thượng Hoàng Thái Hậu hợp tính hợp nết với nàng. Mọi việc trong ngoài ở xưởng dệt bà đều trao lại cho nàng quán xuyến. Có lẽ vì vậy mà tình cảm của bà mẹ chồng này nghiêng về cô dâu thứ bình dị cần mẫn hơn là cô dâu cả kiêu kỳ cảnh vẻ. Điều đó, sau này Hoàng Hậu Thượng Dương vẫn còn ghim mãi trong lòng.

Đại loại những việc như vậy, Hạnh Hoa không hề biết đến. Giờ đây con bé đang tung tăng khắp các gian trại dệt thênh thang đón ngọn gió mai từ hồ Dâm Đàm thổi vào mát rượi. Đến cạnh một khung cửi, nó dừng lại xem một bà cung phi già đang cho con suốt vào thoi. Thốt nhiên con bé có cảm giác như chân vừa giẫm lên một vật gì nhùn nhũn làm nó suýt bật lên tiếng kêu. Ngay lúc ấy, một bàn tay nhỏ nhắn nhanh như gió thò ra đẩy bắn cặp chân làm con bé suýt ngã lộn về phía sau. Rồi từ dưới khung cửi, một thằng bé lồm cồm bò ra sừng sộ: - Mù à! Sao giẫm vào cánh tay người ta!

Sau phút hoàn hồn, con bé mới kịp nhìn lại thì ra đó là một đứa bé hơi nhỉnh hơn mình một chút. Thấy Hạnh Hoa, nó hơi dịu giọng: “- Con gái! Con gái thì tha cho. Lần sau giữ hồn!”

Nhưng bé Hạnh đã chẩu môi lên đáp:

- “Mày nằm lê la dưới đất, làm sao tao nhìn thấy. Thế mà mày còn gây sự, mày đáng ăn đòn”.

Câu nói chưa dứt thì tay con bé đã phất cành trúc đào vào mông chú bé. Thằng bé tức giận đỏ mặt tía tai lao lại như một trái cầu. Bé Hạnh bình tĩnh xoay người lật bàn chân trái chặn ngang, chân mặt cất cao đạp xéo gót vào bụng thằng bé. Nhưng nó đã nhanh nhẹn nhảy lên rồi chợt gập người lại vươn thẳng tay ra.

Vừa lúc ấy, bà cung nhân già đã lên tiếng buộc thằng bé phải dừng tay.

- Có giỏi thì đi theo tao. Thằng bé vừa bước ra vừa hất hàm thách thức.

Bé Hạnh đâu có sợ, lặng lẽ theo sau. Đến một mô đất trống sau nhà, chúng lăn xả vào nhau như những con dế chọi say rượu. Thằng bé bỗng chụp được túm hoa roi trên đầu con bé ghì xuống: - Chừa chưa? Chừa chưa? Con bé gục đầu. Mớ tóc sổ tung vừa mềm vừa ấm ngan ngát mùi thơm của rễ hương bài. Thằng bé đứng ngẩn ra một giây và còn kịp thấy một cặp mắt uất ức tròn xoe, long lanh ngấn nước. không hiểu sao, hắn vội quay lưng chạy thẳng một mạch không hề ngó lại.

Trận đánh nhau chỉ còn để lại trên đất những cánh hoa mua bị xéo nát tím bầm. Sau đó, bé Hạnh đi kiếm thằng bé để trả thù nhưng thằng bé tìm mọi cách tránh mặt. Lởn vởn trong đầu thằng bé một câu hỏi: “Sao bỗng dưng con bé lại khóc nhỉ?”

Nhưng rồi sau này bé Hạnh cũng biết thằng bé chẳng phải con cái nhà ai xa lạ. Hắn tên là Lý Ngân, con trai độc nhất của tướng quân Lý Quán. Cha hắn ở dưới trướng của Thái Úy, và là em thúc bá Thái Sư Lý Đạo Thành. Mẹ hắn lại là em gái của Hoàng Hậu Thượng Dương.

Từ thời thơ ấu, thằng bé đã sơm say mê nghề cung nỏ. Mỗi buổi sáng hắn đến nằm hàng giờ dưới khung cửi của bà cung nhân già dõi mắt theo đường thoi qua lại trên khung tơ. Ý chừng hắn muốn luyện mắt cho tinh tường để có thể bắn trúng chim trời đang sải cánh.

Ừ, biết thế cứ hay thế. Rồi mọi việc cứ trôi đi. Trôi đi những năm tháng, những tuần trăng, những ngày con nước, những giờ khắc báo canh theo giọt nước đồng hồ trên lầu Chính Dương.

Rồi có một ngày một buổi, một giờ nào đấy, linh cảm báo cho các cô gái biết sẽ xảy ra một điều trọng đại đáng mơ ước nhất trong đời mình. Ngày ấy, đến với Hạnh Hoa vào lúc nàng ở cung Kiến Hoa ra về chợt ghé lại khu đất trồng đào cạnh vườn Thượng Uyển. Trời nắng to, bóng cây rợp, đào đang mùa mọng trái.

Cơn khát trong cổ họng cuống cuồng. Hạnh Hoa đứng dưới gốc cây nhìn lên cành đào sai quả, ước mơ bốc lên thành tiếng: “- Đào ơi, lúc này giá ngươi rụng xuống cho ta vài quả, chắc ta sẽ giữ hương vị ngươi suốt đời”.

Bỗng có tiếng tên xé gió. Một quả đào rơi bịch xuống chỗ đất cao, lăn vài vòng rồi đến nằm im ngay trước chân nàng như xin ra mắt với cô gái đẹp. Hạnh Hoa chưa hết sững sờ thì đằng sau nàng đã bước đến một chàng trai võ sinh vai đeo cung, miệng cười tủm tỉm. Nàng nhìn lại thì hóa ra Lý Ngân. Đúng là thằng bé đã cùng nàng đánh nhau chí chết trên gò hoa mua hôm nào. Giờ đây đứng trước mặt nàng là một trang công tử, phong thái đĩnh đạc, sắc diện tươi tắn. Nhìn làn tên tiện đứt cuống đào, Hạnh Hoa biết lời đồn quả không ngoa. Tài bắn tên của chàng lâu nay đã nổi tiếng khắp nội đình.

Giọng Lý Ngân cất lên nửa như cung kính nửa như đùa cợt:

- Thưa cô nương, tiểu sinh thực lòng muốn mời cô nương nếm thử quả chín đầu mùa nhưng hiềm nỗi nơi đây không có mâm khay chi cả, xin cô nương miễn thứ cho.

Hạnh Hoa đâm ra bối rối, e thẹn. Cảm giác lạ ấy hiếm họa đến với một người con gái ngang tàng như Hạnh Hoa. Lý Ngân nhặt quả đào lau sạch đưa ra định mời cô gái. Nhưng tay chàng khựng lại. Chàng vừa kịp nhận ra khuôn mặt cô bé năm xưa. Con bé để chỏm tóc hoa roi ngày ấy đã biến thành một nàng con gái xinh đẹp rực rỡ. Toàn bộ vẻ đẹp của nàng toát ra ở nét thanh tân trong trắng.

Sau đấy, vườn đào uyển cũng trở thành nơi hò hẹn của đôi trai gái. Hễ nàng muốn ăn quả đào nào thì cứ chỉ tay lên cành đào là mũi tên chàng lại ghim đúng vào quả ấy rơi xuống đất. Cứ thế, nàng cầm cánh tên đưa đào vào môi.

Nàng đã trao gửi cho chàng chẳng biết bao nhiêu lời, bao nhiêu chuyện nhưng lúc ra về, nàng đều quên sạch. Chỉ còn nhớ mỗi hương vị đào thơm ngào ngạt trong người…

Bây giờ nhìn khay đào đặt trên bàn, Hạnh Hoa thích đứng ngắm hơn là muốn ăn ngay. Từ những quả đào to múp quá cỡ đỏ hồng tươi rói, tỏa ra chung quanh một vị mát tưởng chừng như nó có sức chặn đứng cái oi nồng đang bắt đầu len lỏi qua khung cửa nhỏ.

Lâu lắm lão Vũ mới lên tiếng: - Không phải vườn nhà đâu. Đào xứ Đại Lý đấy. Cô Hạnh ăn đi.

Thấy lời mời của mình không đắt, lão rút ra một vật dài nhọn, khẽ búng tay. Theo tay lão, một chiếc lông dím nửa trắng nửa đen bay ra cắm phập vào quả đào to nhất.

- Làm thế này chắc đào sẽ ngon hơn. Nói xong lão lui bước về một góc nhà đứng khoanh tay, mí mắt sụp xuống như người ngái ngủ.

Hạnh Hoa xúc động không nói nên lời. Lần đầu gặp Lý Ngân trong xưởng dệt, nàng thấy bà cung nhân già rút trên mái tóc xuống cũng một loại lông dím này để tách đôi những sợi tơ dính nhau trên khung cửi. Ký ức như chồng lên ký ức. Lão Vũ đã khéo đón ý cô chủ trong từng tiểu tiết tinh vi nhất.

Hạnh Hoa cầm phần đầu chiếc lông dím màu trắng trong, đưa quả đào vào miệng. Nàng nhai ngấu nghiến và cảm thấy hương vị kỷ niệm xưa mát rượi đang ngấm vào từng kẽ chân răng. Hết quả này đến quả khác, nàng đang ăn ngon lành không biết được bao lâu. Bỗng nàng dừng nhai, mắt mở to kinh ngạc, miếng đào còn nguyên trong miệng. Nàng vừa bắt gặp một cặp mắt trẻ trung đang âu yếm nhìn nàng. Một cặp mắt sáng trong ngời ngợi yêu thương. Ánh mắt ấy lẩn tránh rất nhanh rồi vụt tắt. Tuy chỉ trong thoáng giây nhưng cũng đủ cho nàng nhận thấy vì lúc ấy lão Vũ đứng quay mặt ra phía cửa.

Ngay sau đấy có lệnh Thái Úy gọi lão Vũ lên nhà. Hạnh Hoa mơ màng nhìn theo dáng đi lom khom của lão Vũ, lòng rộn lên trăm ý nghĩ nghi hoặc.

Khi lão Vũ vừa lên hết bậc thang thì viên tì tướng đã đứng chờ ở đấy. Đợi cho lão Vũ về nhà, viên tì tướng liền quài tay ra sau đóng sập cửa lại. Lão Vũ gặp Thái Úy trong buồng riêng. Hình như Thái Úy đợi chờ đã lâu. Vừa thấy lão Vũ, nét mặt Thái Úy bỗng vui hẳn lên.

- Vũ nhi! – Không hiểu sao Thái Úy thường gọi lão Vũ như vậy. Con đi lâu như vậy chắc có nhiều chuyện lạ.

- Thưa Thái Úy… Lão Vũ đưa tay vào bọc định rút tờ trình ra.

- Khoan, hãy gượm đã. Ta đang nóng lòng đợi nghe con nói. Thế nào, bênh tình của quan châu mục họ Hoàng đã đỡ chưa.

- Dạ, quan châu Hoàng Kim Mãn vì ăn phải giống cá lạ nên bị phù gan. Con có bốc cho mấy chén thuốc, hiện nay sức khỏe đã bình phục…

Khi lão Vũ kể đến đoạn châu mục Hoàng Kim Mãn phục phịch lê tấm thân béo tron ân cần đưa tiễn vị lương y đến tận cổng ngoài rồi xòe bàn tay múp míp ra cho ân nhân nhổ nước miếng vào đấy để mình khỏi quên ơn cứu tử, Thái Úy cất lên một tràng cười sảng khoái.

Nhưng vốn biết Môn Châu chưa phải là đất quan tâm của Thái Úy, lão Vũ vội vàng kể tiếp:

- Lúc con đến châu Quảng Nguyên thì tướng quân Lưu Kỷ đã kéo quân vào đất Qui Hóa của họ Nùng từ tháng trước.

- Hay lắm! - Thái Úy vỗ tay xuống bàn tỏ vẻ hài lòng – Lưu Kỷ làm đúng ý ta.

Ông đẩy chén nước lão mai ngát hương mật núi đến trước mặt lão Vũ: - Con uống đi cho ngọt giọng.

Lão Vũ hiểu rằng họ Nùng xưa nay vẫn là mối lo âu của triều Lý. Nếu họ Hoàng ở phía tây cương giới thuộc Hữu Giang thì họ Nùng chiếm phía đông Tả Giang. Tả Giang và Hữu Giang là hai nguồn sông Tây Giang của Lưỡng Quảng.

Đất Nùng tuy bên trên rừng núi âm u, ruộng đồng hiếm hoi nhưng bên dưới chứa cả một kho tài nguyên phong phú. Thiên nhiên đã giấu vào đấy những mỏ kim khí quí giá của mình. Chính nhờ vào các lò vàng trời sinh này mà Nùng Tôn Phúc, chúa động Tượng Cần đã mộ binh mua ngựa lập riêng một cõi giang sơn, nghênh ngang một thời ở vung Na Lữ. Lý Thái Tông phải năm lần bảy lượt cất quân đi hỏi tội. Dẹp yên Nùng Tôn Phúc thì đến lượt con là Nùng Trí Cao làm phản. Tuy vua Lý hết lòng phủ dụ, ban đất đai phong hàm Thái Bảo nhưng Nùng Trí Cao vẫn là cái gai chưa phải đã hoàn toàn hết nhọn đối với hai nhà Tống – Lý. Sau đấy ít lâu lại tiếp đến vụ Nùng Tôn Đán đem cả vợ con qui hàng nhà Tống mang theo một vùng đất Việt khá lớn nhập vào đất Tống. Bấy giờ, vua Tống lại sắp gia hàm cho Đán lên chức phó sứ.

Việc Lưu Kỷ kéo quân vào đất Nùng không chỉ nhằm thu hồi đất đai, cảnh cáo bọn đào vong. Thâm ý của Thái Úy là cốt ném một hòn đá thăm đường dò xét thái độ vua Tống. Uống cạn chén nước lão mai, lão Vũ ngẩng đầu thong thả nói:

- Thưa Thái Úy, quân Lưu Kỷ kéo vào đất Nùng đã lâu mà vua Tống vẫn làm ngơ không thấy họ dụng chi cả.

- Lạ nhỉ! - Thái Úy gõ gõ ngón tay vào mép bàn như lắng nghe một câu đáp vọng về - Thế còn bọn thuyết khách của Tiêu Chú?

- Dạ, không có ạ.

- Con đã tra sát kỹ chưa?

- Dạ các luồng tin đều nói đúng như thế ạ - Chẳng riêng ở Quảng Nguyên, ở Môn Châu, Tô Mậu và các vùng khê động khác đều không có bóng một tên thuyết khách nào của Tiêu Chú.

Thái Úy xô ghế đứng lên, chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Tấm ván sàn dưới chân ông kêu cọt kẹt trong gian buồng vắng lặng.

- Tiêu Chú chịu nằm im ư? Thái Úy khe khẽ tự hỏi mình.

- Dạ, thuyết khách thì không có nhưng thám tử của họ thì nhan nhản khắp nơi. Mọi sự tình trong nước ta, họ đều rõ tất tần tật.

Thái Úy dừng lại nhìn lão Vũ: - Thế mà con cho Tiêu Chú chịu khoanh tay ngồi yên ở Quế Châu à?

- Dạ, chính vì hiểu rõ nội tình nước ta nên Tiêu Chú ngồi im chờ đợi.

Thái Úy bước lại trước mặt lão Vũ trầm giọng: - Vũ nhi! Hiện nay con là vị lang y thân tín của các châu mục và chúa động vùng cương giới. Họ tin con, con đi lại với họ thân tình như người nhà. Họ là phiên trấn, là phên giậu của ta. Giậu đổ thì bìm bìm mới leo được. Ta nay ở xa thì con là con mắt của ta treo trước cửa biên giới. Phải mở to mắt mà nhìn cho khắp. Không bỏ qua một động dụng nhỏ nào của phương Bắc. Rồi còn phải suy gẫm cho thật kỹ. Con biết đấy, vua Tống đã tăng thêm quân Lưỡng Quảng, cho Tiêu Chú về lại Quế Châu. Chẳng lẽ để Tiêu Chú ngồi chơi mát ở Quế Châu ư?

Lão Vũ vẫn điềm đạm trả lời: - Dạ, con cũng đã nghĩ kỹ trước khi trình qua Thái Úy. Duyên do là vì cái bệnh hồ đồ của vua tôi nhà Tống ạ.

- Hồ đồ à? Hồ đồ là thế nào?

- Dạ, đầu đuôi là thế này ạ. Lúc Tiên Đế cùng Thái Úy đi đánh Đồ Bàn, vua Chiêm chạy thoát vào Nam. Tiên Đế sợ ở nhà một mình, Nguyên Phi không đảm đương nổi việc nước mới quay về…

- Nhưng đến châu Cư Liên nghe tin Nguyên Phi trị nước yên dân, vua liền trở lại Đồ Bàn. Việc ấy ta đã biết.

- Nhưng viên quan coi Quế Châu lúc ấy là Phan Bội lại không biết. Nghe tin đồn thất thiệt, ông ta vội tâu với vua Tống là nước ta đánh Chiêm bị thua trận, binh tướng hao hụt. Số quân không còn nổi một vạn. Có thể tính ngày đánh lấy được Giao Chỉ. Có vậy Tiêu Chú mới từ chối không chịu đi Hà Đông đánh quân Hạ mà lại hí hửng xin trở lại vùng Nam Lĩnh chắc mẩm phen này ngoạm được miếng công danh. Nào ngờ đến khi nhìn kỹ lại cảnh tình nước Đại Việt mới bổ chửng ra. Ông ta biết mình bị hố.

Thái Úy phì cười: - À ra thế. Tiêu Chú bị hố!

- Dạ, còn một tin của Từ Tiến Sĩ nữa.

- Con có gặp Từ Bá Tường à?

- Dạ, người của con đến châu Bạch gặp Từ Tiến Sĩ. Tiên sinh cho biết vừa đây có kẻ gửi thư cho Tiêu Chú xúi giục Tống đánh ta. Đại ý trong thư nói các môn hạ nhà Lý đang tranh giành quyền hành, còn vua bé chỉ biết ngồi khoanh tay rủ áo. Nhưng Tiêu Chú đã đốt bức thư ấy rồi.

- Đốt thư! Tiêu Chú đốt thư! Hay lắm.

Lão Vũ rút trong tay áo ra bức thư của Từ Bá Tường đưa cho Thái Úy.

- À! Người viết thư cho Tiêu Chú tên là Vệ Uông. Vệ Uông là ai nhỉ? Con có biết lai lịch người này không?

- Dạ, lần đầu con mới nghe cái tên ấy.

Thái Úy gấp tờ thư lại. Mọi việc đã rõ ràng. Chỉ còn một điểm nghi hoặc. Thái Úy vụt hỏi:

- Vậy con nghĩ thế nào về cái chết của con Xích Long?

- Dạ con ngựa chiến quả bị thuốc độc của Tống giết chết. Nhưng kẻ chủ mưu không phải là Tiêu Chú. Hoặc giả có bàn tay nào muốn gieo hiềm khích chăng? Hay là… Dạ, thưa Thái Úy, điều gì con chưa rõ, con không dám nói nhiều.

Thái Úy cúi xuống vỗ nhẹ vai lão Vũ: - Con rất hợp tính ta.

Rồi ông đứng thẳng người, vươn vai khoan khoái. Niềm vui lộ rõ trên mặt. Có phải ông vui vì ông hài lòng về việc làm của lão Vũ hay vì việc quân không gấp, ông có thể ung dung về triều cùng Thái Phi bàn việc sắp xếp lại triều chính. Hay còn vì một lý do phụ mà ông giấu kín không nói cho ai hay là ông khỏi lo thất hứa với đứa con gái yêu.

Trước khi lão Vũ lui ra, ông còn dặn: Vũ nhi, ngày mai ta ghé qua Thiên Đức, con dẫn bé Hạnh về và giữ nó ở nhà đừng để nó vào cung. Ta sẽ về ngay đấy.