Ngũ Mai đở dậy hỏi:
- Ngươi đến có việc chi chăng?
Thúy Hoa bèn thuật hết các việc Lôi Lão Hổ lập lôi đài thí võ, rồi Lý Hùng báo cừu làm sao nói hết cho Ngũ Mai nghe, rồi lạy mà khóc xin đại sư bá đem lòng từ huệ xuống cứu con tôi thì ơn ấy kết cỏ ngậm vành.
Ngũ Mai rằng:
- Từ ta xuất gia về núi tu luyện đến nay, đã lâu võ nghệ quên hết, e đánh không lại Lý Bá Sơn, nay có Chí Thiện nhị sư bá ở tại Việt Thành, chùa Tích Quang hiệu, rước xuống giải cứu mới xong.
Thúy Hoa nghe nói hai hàng lụy nhỏ ròng ròng mười phần sầu nào, lạy lục khẩn cầu.
Ngũ Mai thấy vậy thì chịu xuống giúp, Thúy Hoa cả mừng.
Khi ấy Ngũ Mai dặn học trò giữ gìn sơn động ta đi ít bửa sẽ về, rồi soạn đồ hành lý tay cầm thiền trượng cỡi lừa ra đi.
Thúy Hoa cũng lên ngựa theo Ngũ Mai trở về, nữa tháng về đến Quảng Ðông hội quán, Phương ông và Thế Ngọc đã thiệt mạnh, Thúy Hoa mười phần vui vẻ liền sai người đến nói cho Lý Bá Sơn hay, ngày mai đến lôi đài thí võ.
Có bài thơ rằng:
Tự thị sanh ra chuyện bất hòa
Bá Sơn bày lập trận mai hoa
Ỷ tài không tưởng lời khuyên dạy
Ðến nổi thân mình phải hóa ma
Rạng ngày Thúy Hoa hầu cho Ngũ Mai sửa soạn rồi dạy Thế Ngọc cầm thiền trượng theo hầu Ðại sư công. Còn Thúy Hoa và bọn hương thôn đều đội khôi, mặc giáp rở ràng oai phuông lẩm liệt, kéo đến lôi đài, phân ra hàng ngũ.
Khi ấy Ngũ Mai xuống lừa rồi dùng một thế Kim Cô Ðộc Lập hai tay soè ra, một chơn đứng xuống vùng bay lên đài, thiên hạ coi đều khen ngợi.
Khi ấy Lý Bá Sơn ở trên đài có ý đợi Thế Ngọc lên đặng đánh báo cừu cho Lôi Hồng, xảy thấy dưới đài nhảy lên một người đạo nhơn già ước tám chín mươi tuổi tóc bạc, bộ mặt coi còn nhỏ, mình cao hơn bảy thước, hông tròn, lưng lớn, đầu như cái đấu, cổ tay tròn như ống tre, vốn là con ông Huỳnh Hoa từ thuở nhỏ tu luyện có công, cho nên tinh thần mạnh mẻ hơn kẻ thiếu niên, Bá Sơn nhìn biết là Ngũ Mai ở núi Bạch Hạc, học trò lớn của Hồng Mi đạo nhơn, tài nghệ giỏi lắm, không phải tầm thường, bèn cung tay chào rằng:
- Không dè Sư huynh đến chẳng kịp rước, xin tha tội, xin hỏi chẳng hay Sư huynh đến đây có việc chi chăng? Chớ không lẽ đến mà thí võ cùng em. Xin Sư huynh nói cho em rỏ?
Ngũ Mai đáp lễ lại và nói rằng:
- Hiền đệ, nay ta đến đây không phải có việc chi khác, vì ta muốn khuyên giải một chuyện chẳng biết hiền đệ có nạp dung chăng?
Lý Hùng đáp rằng:
- Nếu Sư huynh nói phải lẽ thì sao tôi lại không nghe, bằng chẳng phải thì tôi cũng không theo.
Ngũ Mai nói:
- Từ khi ta xuất gia đến nay, một mãy thế tình tranh đấu, đều không đem vào lòng, há đến đây mà thí võ làm chi. Nhơn ta vân du đến Cang châu, nghe lịnh tế của hiền đệ lập lôi đài mà hại sanh linh không biết là bao nhiêu là kể, ấy là vô phép lắm, rủi bị tay Phương Thế Ngọc là con nít mà chết. Ấy là trời khiến dường ấy cho khỏi hại sanh linh nơi xứ nầy, rồi Thế Ngọc lại bị lịnh ái mà chết, may cứu khỏi thì giận ấy cũng đã vừa, nay xin hiền đệ vì ta mà dung việc ấy, đặng ta biểu mẹ con chịu lỗi, và cha nó là Phương Ðức phải phạt một ngàn lượng bạc, đặng hai đàng huề nhau, chẳng biết hiền đệ có nghe chăng?
Lý Bá Sơn nghe nói hai con mắt trợn lên, chơn mày đều dựng mà nói rằng:
- Sư huynh nói như thế thì rể ta bị oan ức nầy chừng nào rửa đặng, chớ chi lúc thí võ mà nó đừng đi giày cửu hườn kiếm, lén hại rể ta thì ta thôi, chớ nó lén đem gươm đao mà hại như vậy, biểu ta thôi sao đặng. Nếu Sư huynh ỷ tài muốn bảo hộ cho nó đánh với tôi thì tôi cũng đánh với.
Ngũ Mai thấy khuyên giải không đặng, thì nói rằng:
- Nay ta đã xuất gia lấy chữ từ bi làm trước, mà khuyên ngươi không đặng, bất đắc dĩ nên phải đánh, như rủi có việc chi chớ khá trách ta.
Lý Hùng cả giận, nạt rằng:
- Lão sư đừng nói phách.
Bèn ra miếng Suy sơn chưởng, nhắm đầu Ngũ Mai đánh xuống.
Ngũ Mai không lo sợ chút nào, miệng niệm Nam mô a di đà phật, tay tả thì gạt trừ miếng ấy, còn tay hữu ra thế Tạ mã quờn đánh ngay sườn Bá Sơn, hai người cứ ra miếng thế cùng nhau như rồng đánh cọp nhãy, thật là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, một bên như nghinh phong mãnh hổ, một đàng như hí thủy giao long, đánh hơn hai trăm hiệp trời tối mà chưa ai hơn thua.
Lý Bá Sơn nói:
- Hãy đợi ta trong ba ngày, đặng lập một cuộc Mai Hoa Thung rồi sẽ tỷ thí với nhau đặng chăng?
Ngũ Mai nói:
- Thôi ta cũng dung cho ngươi sống ba ngày nữa rồi đến Mai Hoa Thung sẽ giết.
Hai đàng kéo nhau ra về.
Lý Bá Sơn về sắm sữa chọn một chổ đất tốt, chiếu theo phương hướng lập cuộc Mai Hoa Thung như vầy:
Mai Hoa Thumg chia ra một trăm tám cuộc, mỗi cuộc làm năm cây, trong mỗi cây bốn phía có bốn cây hình như bông mai, người thí võ phải đạp chơn lên đó, bước tới bước lui cho có phép tắc, tay chơn cho liền nhau nếu sai một mãy thì tánh mạng không còn. Ấy là côn quờn kỵ nghệ, phép bí truyền thứ nhứt ; trận lập xong xuôi, đợi đến kỳ đặng dẫn Ngũ Mai lên đó mà giết.
Khi Ngũ Mai về đến Hội quán thì Thế Ngọc ra rước và hỏi cuộc Mai Hoa ra thể nào, xin công sư chỉ bảo.
Ngũ Mai cắt nghĩa rõ ràng cuộc Mai Hoa, thì mấy người trong Hội quán đều le lưỡi.
Thúy Hoa nói:
- Cuộc ấy cha tôị có để bản đồ lại, mà tôi chưa học được, nếu ngày nay mà không có Sư bá đến ắt mẹ con tôi không khỏi chết!
Ngũ Mai nói:
- Các ngươi đừng lo, ta đã tính trước rồi, nay Bá Sơn nó tự thị không chịu huề thì chớ, mà nó lại muốn hại ta, thì sau nó đừng oán trách rằng ta không dung tình. Bởi ta tưởng tình Sư thúc là Bạch Mi đạo nhơn, nên ta dung cho khỏi chết mà thương người đồng đạo, nên khi thí võ ta nhường nó hết ba bốn phần, mà nó không biết phải quấy, lại trở muốn hại ta, thôi để khi đến Mai Hoa Thung ta sẽ ra tay đưa nó về địa phủ.
Các người nghe nói đều vui mừng hớn hở. Còn chủ tiệm là Trần Ngọc Thơ mỗi ngày đều dọn tiệc chay mà đãi đằng Ngũ Mai một cách khiêm nhượng.
Lúc rảnh Ngũ Mai đem hết các thế hay mà dạy Phương Thế Ngọc.
Thế Ngọc có tánh thông minh nên hiểu hết, qua ngày thứ hai, Lý Hùng cho người đến hẹn cùng Ngũ Mai rằng:
- Rạng ngày đến Mai Hoa Thung thí võ.
Ðến kỳ Ngũ Mai và nội bọn đều sắm sửa kéo đến lôi đài.
Ngũ Mai kêu Lý Hùng nói rằng :
- Ngươi ỷ tài không kể đến ai nên mới lập trận Mai hoa này mà khi ta, là đạo lý gì vậy, hèn chi rể ngươi cũng bởi ngươi dạy mới ra thế ấy, nay ngươi lại không nghe lời phải, chẳng may có điều gì, thì uổng công sư phụ là Bạch Mi đạo nhơn dạy bảo, cũng trông cho ngươi rỡ ràng môn giáo, để tiếng đời sau, chớ có dè ngươi ngày nay làm ra cớ sự như vầy đâu. Vậy ngươi hãy suy đi xét lại kẻo để sau ăn năn thì sự đã rồi.
Lý Bá Sơn nghe mấy lời thì không biết tính lẽ nào, phải gắng gượng nạt rằng:
- Ta không thèm nói miệng tày với ngươi, có giỏi thì lên Mai Hoa Thung thí võ cùng ta cho biết thư hùng.
Ngũ Mai nói:
- Ngươi hãy lên trước đi rồi ta theo sau.
Lý Hùng liền cởi áo nhảy lên Mai hoa thung, các ngươi đứng coi, thấy Lý Hùng tuổi ước sáu mươi dư, râu bạc, mình cao tám thước năm, sức mạnh ngàn cân, oai phong sát khí, ráng sức bình sanh ra quờn phân thế, tỷ như cọp dữ trên non, rồng giởn dưới nước, tới lui đều có phép tắc, đi hết tám mươi mốt đường quờn rồi nhảy xuống biểu:
- Ngũ Mai nhãy lên đi cho ta xem.
Ngũ Mai bèn cởi áo mang giày da nhĩ nhảy lên Mai Hoa Thung ráng súc bình sanh đi một trăm tám đường quờn, tới lui, qua lại, tả hữu, trước sau, nhảy lên tạ xuống như bay, oai phong lẩm lẩm, nhuệ khí đằng đàng, tợ giao long hí thuỷ, xà mãng phiên thân, những người coi đều vổ tay khen ngợi, rồi Ngũ Mai bước xuống khí lực như thường, thần sắc chẳng đổi, Lý Hùng thấy vậy thất kinh không dè ngũ Mai dùng phép ấy còn hay hơn mình bội phần, nhưng việc đã lở rồi, không biết tính làm sao, bèn kêu con dặn nhỏ rằng:
- Phải cầm cái thư hùng tiên lén đánh Ngũ Mai một cái đặng giúp sức cho ta.
Tiểu Hườn vưng lời.
Khi ấy Lý Hùng hỏi Ngũ Mai rằng:
- Vậy ngươi dám lên trận đặng quyết đua tranh cùng ta chăng?
Khi Ngũ Mai thấy Lý Hùng nói nhỏ với con nó thì đem lòng nghi, bèn kêu mẹ con Thế Ngọc dặn rằng:
- Ta thấy cha con Lý Hùng nó nói nhỏ với nhau ắt là có việc lén lút chi đây chớ không không, vậy mẹ con bây phải giữ gìn mới đặng.
Mẹ con Thế Ngọc vưng lời.
Ngũ Mai dặn dò xong rồi, liền kêu Lý Hùng lên trận.
Lý Hùng lên trận ra thế Sư Tử Diêu Ðầu, Ngũ Mai dùng miếng Ðại Hỏa Thiêu Thiên trừ lại, hai đàng áp chiến cùng nhau như giông như gió, đá chạy, cát bay, đánh đến một trăm hiệp Lý Hùng sức đuối, chịu không nổi, còn Ngũ Mai không dung tình nữa, cứ chổ trí mạng mà đánh.
Tiểu Hườn thấy cha sút thế, bèn cầm Thư Hùng tiên nhắm Ngũ Mai đánh xuống, bị Thế Ngọc cầm thiết xích đở rồi đánh lại, Tiễu Hườn lật đật đở, thấy người thù càng thêm giận, rằng sức mà đánh, không tính chuyện khác đặng.
Lý Bá Sơn thấy con mắc đánh với Thế Ngọc, không giúp đở mình đặng, còn mình thì sức cự không nổi nữa, rủi sa xuống trận, bị Ngũ Mai đánh trên cổ một cái, hởi ôi! Thương thay!
Có bài thơ rằng:
Bày cuộc Mai Hoa lập trận đồ
Khéo lo xảo kế uổng mưu mô.
Chẳng nghe bạn tác lời khuyên giãi
Há trách rằng sao huyết nhiểm ô.
Nói về Tlểu Hườn thấy cha chết lòng như dao cắt, ruột tợ kim châm, bèn bỏ Thế Ngọc mà đánh với Ngũ Mai, lúc ấy Ngũ Mai tay không, nhờ Thúy Hoa ngăn cự, Ngũ Mai liền kêu Thế Ngọc biểu đem thiền trượng lại rồi nạt Thúy Hoa lui ra, rồi nói với Tiểu Hườn rằng:
- Mi không hiểu cơ quan gì hết, còn dám hành hung mà chịu chết sao?
Tiểu Hườn không thèm nói lại, cứ việc giở song tiên nhắm đầu Ngũ Mai đánh xuống, Ngũ Mai cả giận, đánh được ba mươi hiệp, Tiểu Hườn cũng bị một cây thiền ưượng mà chết.
Có bài thơ khen Lý Tiểu Hườn như vầy.
Tiết hiếu khen cho Lý Tiểu Hườn
Cũng vì cừu hận thất cơ quan
Phải chi trước biết lời can gián
Ðâu nổi tên đề chốn quỉ quan
Khi ấy các học trò của Tiểu Hườn thấy vậy đều chạy hết.
Ngũ Mai kêu lại nói rằng:
- Lủ bây chớ khá kinh tâm, vì ta đã khuyên giải mà không đặng nên mới đến nổi nầy, còn lũ bây không can gì, hãy đem thây về chôn cất rồi phá lôi đài đi.
Nói rồi đều kéo nhau về Hội quán hỏi lại thì Lôi Hồng còn một đứa con trai tên Ðại Bằng mười tuổi cho học võ nghệ với Phùng Ðạo Ðức tại Võ Dương sơn, thì Ngũ Mai đem lòng thương xót, giết cha con đó là bất đắc dĩ mà thôi.
Rồi Ngũ Mai sửa soạn đồ hành trang trở về núi, vợ chồng Miêu Thúy Hoa cầm không đặng. Khi ấy Trần Ngọc Thơ đem ba trăm lượng bạc tạ ơn, Ngũ Mai không chịu lấy.
Trần Ngọc Thơ năn nỉ nói rằng:
- Tôi thành tâm kính về hương khói cho Phật, xin Sư bá nhậm tình.
Ngũ Mai chối từ không đặng nên phải nhận, rồi dặn dò Thế Ngọc phải ráng tập luyện những miếng dạy bảo ngày trước đó, đặng sau ra giúp mở nước nhà mà lập công danh quí hiển. Dặn rồi từ biệt ra đi Thúy Hoa và Thế Ngọc đưa ra, khóc mà trở về.
Khi ấy Phương Ðức sắm sửa đồ hành lý trở về tiệm Vạn Xương xét sổ sách, thâu bạc tiền giao cho người coi tiệm, rồi đồng kéo nhau về quê quán.
Ði ít ngày đến chổ, Hiếu Ngọc và Mỹ Ngọc ra tiếp rước.
Thúy Hoa đem Thế Ngọc vào ra mắt chủ mẫu và hai chị dâu, một nhà sum hiệp đoàn viên, bày yến tiệc vui mừng hĩ hạ. Khi ấy Phương Ðức và Thúy Hoa tính đem ba đứa con đến tỉnh thành cầu Chí Thiện thiền sư dạy học võ nghệ, bèn vào cho vợ lớn hay, rồi kéo nhau ra đi, đến tỉnh thành vào quán an nghĩ.
Ba anh em Hiếu Ngọc vưng lời cha mẹ, đến chùa Quang Hiếu tự vào hỏi thăm thiền sư thì người trong chùa nói:
- Ngài đã qua chùa Tây Thiền tự dạy học.
Ba anh em bèn ra khỏi Tây môn đến phố thứ sáu, xảy thấy một người học trò chừng hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, mày xanh, mắt đẹp, mặt trắng môi son, đáng bực anh tài, khôi ngô tuấn tú, bị một lũ cường nhơn áp đánh, kêu la mà không ai cứu, hai bên phố cứ việc lo buôn bán.
Thế Ngọc hỏi thăm người đi đường mới biết lũ ấy là quân Cơ phòng, còn người bị đánh đó là Hồ Huệ Càng, hai bên phố sợ lũ Cơ phòng lắm, nên không ai dám cứu hết.
Ba anh em đều giận nói:
- Ðời thái bình không phải ly loạn gì, mà để cho nó đánh người ta chết sao?
Khi ấy Thế Ngọc bước vào hai tay khoát một cái, lũ ấy đứng không vững té lăn ra hơn mười mấy đứa. Còn người bị đánh thì gần chết.
Thế Ngọc lật đật đở dậy bụng muốn cứu người, không phải muốn sanh sự, ai ngờ lũ Cơ phòng thấy ba người xô lũ nó té lăn, rồi lại cứu người cừu nhơn, thì cã giận bèn cầm binh khí áp lại vây đánh ba anh em Thế Ngọc.
Khi ấy Thế Ngọc và hai anh đánh một hồi đều ngã lăn, lớp thì lủi chạy, lớp lại bị thương cũng như gió dữ thổi cây khô, không chổ chống chỏi, may có Hiếu Ngọc là người hay cẫn thận cản không cho chém giết, nếu không thì Thế Ngọc giết biết số đâu mà ể.
Việc xong rồi, Thế Ngọc thấy Hồ Huệ Càng bị thương nặng lắm, bèn cỏng đến chùa Tây Thiền tự, vào ra mắt Chí Thiện thiền sư, rồi trình thơ của mẹ là Miêu thị, thơ ấy một là kính thăm ; hai là xin dạy ba đứa con học, rồi thuật các việc Thế Ngọc đánh chết Lôi Lão Hổ cho huề thượng nghe, Chí Thiện cả mầng, hỏi Thế Ngọc rằng:
- Ngươi cõng ai đó?
Thế Ngọc thưa rằng:
- Ðệ tử đi vừa đến phố thứ sáu, thấy một lũ Cơ phòng vây đánh người nầy nặng lắm, mà không ai cứu, nên anh em tôi dám cứu đem đến đây cầu xin Sư phụ cho thuốc cứu tánh mạng người.
Chí Thiện khen rằng:
- Anh em ngươi biết điều phải mà làm thì phải lắm.
Rồi Chí Thiện đem hồ lô ra lấy huờn hồn đơn, và bồ cốt sanh cơ chỉ thống tán, cho trong uống ngoài thoa, giây lâu liền hết ; người ấy mở mắt ra, miệng mửa ra một cục ứ huyết mới tĩnh lại, rồi lạy tạ ơn sư phụ cho thuốc và ba anh em cứu mạng.
Chí Thiện hỏi:
- Ngươi tên họ chi, ở đâu, vì cớ nào mà bị người ta đánh?
Người ấy thưa rằng:
- Tôi họ Hồ tên Huệ Càng, ở Tôn Hội hà đường, hai mươi hai tuổi, mẹ tôi họ Ðỗ, vợ tôi họ Hà, con tôi tên là Á Ðức, khi trước cha tôi là Hồ Thành đến chổ Cơ phòng buôn bán, bị bọn ấy khi dễ làm nhiều điều xỉ nhục, lũ nó đông lắm, nên cha tôi sợ sanh sự, đem tôi ở chổ khác, tháng trước tôi về thăm mới hay cha tôi bị lũ nó đánh chết, tôi tính đến tĩnh minh oan, không dè đến đó bị lũ nó đánh, may nhờ có ân nhân đây cứu khỏi.
Các người nghe nói đều bất bình.
Thế Ngọc nói:
- Hồ huynh đến tĩnh thưa không đặng đâu, thời để ở đây học võ nghệ với Sư phụ cho giỏi rồi sẽ về trừ lũ nó, ắt không dám làm dữ nữa, chớ bây giờ đến quan chắc quan cũng binh vực chúng nó nữa chớ không ích gì.
Các người nghe Thế Ngọc nói đều khen phải.
Hồ Huệ Càng nói:
- Tôi nghèo hèn yếu đuối, biết Sư phụ có lấy lòng từ bi mà dung nạp không?
Chí Thiện nói:
- Ta đã xuất gia lấy lòng từ bi làm trước, thường dạy học trò hoặc là cho thuốc, thì là một thế, không luận giàu nghèo, chẳng kỷ tiền bạc, nếu ngươi muốn học thì ta hết lòng dạy bảo, nhưng mà học với ta thì phải ăn ở cho hiền lương, đừng ỷ sức côn quờn mà sanh sự, cứu người được phép, bằng hại không nên, như y theo mấy lời ta dặn, thì học với ta mới đặng. Các người đều thưa rằng:
- Chúng tôi xin vâng lời thầy dặn, không dám cải lịnh.
Khi ấy Hồ Huệ Càng ráng ngồi dậy đến trước mặt Thiền Sư quì lạy mà thưa rằng:
- Xin tôn sư cho tôi cùng anh em Thế Ngọc kết bằng hữu, sống thác có nhau, hoạn nạn tương cứu.
Nguyên Chí Thiện lập trường dạy võ, trước đã đặng sáu người, nay thêm bốn nữa là mười, thì biểu mỗi người phải biên tên họ, rồi sắm sửa hương đăng trà quả, đến truớc bàn thờ Quan Ðế thánh quân vái lạy kết làm anh em xương thịt, như ngày sau ai phụ nghĩa thì thần minh châu chiếu giám.
Tên mười người ấy kễ ra sau đây:
Lý Cẩm Lương, Tạ Á Phước, Lương Á Tòng, Liễu Á Thắng, Hồng Hy Quan, Ðồng Thiên Cân, Phương Hiếu Ngọc, Phương Mỹ Ngọc, Phương Thế Ngọc và Hồ Huệ Càng.
Mấy người cầu nguyện xong xuôi đều vui mầng hạ hạ.
Từ ấy Chí Thiện thiền sư hết lòng, tài học bao nhiêu đều đem dạy hết mấy người ấy, đặng nữa năm, Thiền sư nói cùng học trò rằng:
- Ðã hơn một năm rồi ta không đến chùa Thiếu Lâm, lòng không yên, ta muốn qna đó tính toán công chuyện rồi sẽ về dạy bảo, nhưng mà lũ bây học chưa đặng tinh, sợ ta đi lâu ngày, thì công phu bày giải đải, tính như vầy thì vẹn toàn: Nguyên ta có một người học trò họ Huỳnh tên Khôn nghề học không thua gì ta, nay ở ghe Huỳnh An Tường muối cá, vậy để ta gởi thơ kêu va đến thế cho ta, thì ta mới yên, chừng ta tính xong công việc chùa rồi sẽ trở về dạy bảo, các ngươi bằng lòng chăng?
Các học trò thưa:
- Xin vưng lời, dầu có Sư huynh đến dạy, chúng tôi cũng xin Sư phụ trở về cho sớm mới yên lòng chúng tôi trông đợi.
Thiên sư thấy học trò bằng lòng, bèn viết thơ gởi qua Triều châu rước Huỳnh Khôn về rồi sẽ đi.
Nguyên có thơ nầy mới diễn ra việc gian phu, dâm phụ, cùng các việc lạ nữa.