- Cũng vì việc họa của em mà qua gặp phước, nay phải vâng lời Thiên tử đem thơ giao cho quan Tuần phủ, đặng có lãnh tiền lộ phí thẳng tới Kinh sư. Nay qua nói cho em rõ, rồi sẽ thưa lại với cô nhứt định ngày mai qua lên đường.
Quách Lễ Văn cũng có lòng mừng. Bèn dọn một tiệc đưa Bạc Long lên đường.
Mãn tiệc rồi, Quách Lễ Văn lại lấy một trăm lượng bạc trao cho Bạc Long mà rằng:
- Nhơn huynh hãy lấy số nầy làm lộ phí, như đến Kinh sư rồi, thì phải trả lời cho em hay.
Nói rồi lại lấy một trăm lượng bạc trao cho Hồng Phước mà rằng:
- Xin nhơn huynh cất lấy bạc này mà đi đường.
Hai người đều tạ ơn lãnh lấy bạc ấy từ giả mẹ con Quách Lễ Văn thẳng tới dinh quan Tuần phủ.
Đến nơi trao tờ thánh chỉ cho quan Tuần phủ.
Quan Tuần phủ dọn bàn hương án đọc tờ thánh chỉ xong rồi thì xuất cửa kho cho Bạc Long và Hồng Phước, lại sai một vị Trung quân đi cùng hai người ấy thẳng tới Kinh sư.
Nói về Thiên tử và Châu Nhựt Thanh từ lúc ra khỏi nhà Huê Kỳ rồi thì Thiên tử hỏi Châu Nhựt Thanh rằng:
- Vã chăng từ đây trở lại Kim Huê phủ chẳng là gần hơn, ngươi biết vì ý gì trẩm còn trở lại chỗ ấy?
Châu Nhựt Thanh nói:
- Thiệt tôi không biết.
Thiên tử nói:
- Vì ta không rõ Trần Kiễn Thăng và Lý Lưu Phương thi cử thế nào, cho nên ta phải trở lại chỗ ấy đặng hỏi thăm cho biết.
Châu Nhựt Thanh nói:
- Nếu đến đó hỏi thăm sự tích của hai người ấy rồi, xin dưỡng phụ trở về Kinh sư luôn, kẻo quần thần đem lòng trông đợi.
Thiên tử nói:
- Ý ta cũng tính như vậy đó.
Châu Nhựt Thanh rất mừng.
Đến chừng tới Kim Huê, Thiên tử khiến Châu Nhựt Thanh vào thành dọ thăm tin tức của Lý Kiển Thăng.
Châu Nhựt Thanh vâng lịnh ra đi, giây lâu trở lại thưa rằng:
- Lý Kiễn về Quảng Đông từ ấy đến nay chưa thấy trở lại. Con của Lý Kiễn là Lý Lưu Phương thi đậu Tấn sĩ, Trần Kiễn Thăng thi đậu Hàn lâm, hai người ấy xin phép Triều đình trở về quê quán tế tảo. Tôi dọ đặng tin như vậy thì chắc rằng việc ấy đã an, theo ý tôi tưởng chẵng nên lo tới làm gì nữa, trở lại Kinh sư thì hay hơn.
Thiên tử nói:
- Nếu muốn trở về kinh sư thì phải vòng ngã Tô châu, noi theo đường huyện Vô Tích và Sơn Dương qua sông thẳng tới Thanh Giang phố, đặng có xem chơi phong cảnh cho biết, rồi sẽ trở về Kinh sư.
Châu Nhựt Thanh vâng lời, bèn mướn một chiếc đò đi ngã ấy.
Đi đến Tô Châu, Thiên tử khiến Châu Nhựt Thanh lên bờ, tìm khách điếm cho sẳn rồi mình sẽ lên.
Châu Nhựt Thanh vâng lời, lên bờ kiếm đặng một chỗ khách điếm gần chùa Ngươn Diệu, tiệm ấy là Hồng Vận Lai. Hỏi xong giá cả rồi Châu Nhựt Thanh mới trở lại rước Thiên tử lên bờ thẳng đến tiệm ấy.
Đến nơi tiểu nhị rước vào dọn phòng và thết trà xong rồi thì tiểu nhị hỏi Thiên tử rằng:
- Khách quan tên chi, họ chi xin cho tôi biết.
Thiên tử hỏi:
- Ngươi muốn biết tên họ ta làm chi?
Tiểu nhị thưa rằng:
- Muốn bị tên họ đặng có đăng bài.
Thiên tử hỏi:
- Thế khi ngươi sợ ta trốn tiền phòng, cho nên phải hỏi tên họ xứ sở cho biết, đặng có tìm đến đòi phải chăng?
Tiểu nhị cười rằng:
- Khách quan mới đến, chưa biết luật lệ xứ nầy, để tôi nói lại cho khách quan nghe: Nguyên Tô Châu đây là chổ đô hội, ngoại quốc tới đây cũng nhiều, thường có gian nhơn trà trộn nhiễu hại bá tánh, cho nên quan sở tại truyền rao các chỗ khách điếm, các chỗ chùa chiền, hễ có khách thương đến ngủ, bất luận sang hèn đều phải ghi tên vào sỗ đặng có nạp cho quan sở tại tra xét. Vì vậy nên tôi phải theo phép quan mà làm, chớ không khải sợ mất tiền phòng, xin khách quan đừng nghi điều ấy.
Thiên tử nghe nói thì cười rằng:
- Té ra cũng có điều ấy sao? Nầy ta đây là Cao Thiên Tứ còn thằng này là Châu Nhựt Thanh, ngươi hãy cứ đó mà ghi vào sổ, rồi phải dọn cho ta một bửa ăn cho bỉ bàn, bất luận mắc rẻ bao nhiêu, hễ ngươi nói mấy thì ta trả mấy.
Tiểu nhị vâng lời ghi tên vào sổ xong rồi thì dọn một mâm cơm, đầy những miếng ngon vật lạ đặng cho Thiên tử và Châu Nhựt Thanh ăn.
Rạng ngày Thiên tử đi cùng Châu Nhựt Thanh xem phường phố, đi ngang trước cửa chùa Ngươn Diệu, xem thấy thiên hạ rất đông, trà phường tửu điếm rất nhiều, thì ghé lại đó coi.
Trong lúc vừa đi vừa coi, xảy đến một chỗ có một cái ghế vuông để những sách vở, trên cái ghế ấy có dựng một tấm bảng để ba chữ: Cao Thiết Chỉ rất lớn, lại có để một hàng chữ nhỏ rằng: Thiên tướng thiên hạ sĩ.
Thiên tử đứng xem một hồi rồi nghĩ thầm rằng:
- Để ta khiến lão thầy nầy coi tướng cho ta coi thữ lão biết tướng mạo của ta là Thiên tử hay chăng?
Bèn chen vào ngồi gần ghế ấy đặng có cậy Cao Thiết Chỉ coi tướng cho mình.
Cao Thiết Chỉ đang ngó bốn phía rồi nói rằng:
- Tôi là Cao Thiết Chỉ, quê ở tại phủ Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tự nhỏ đến lớn học lập thi thơ cũng nhiều. Bây giờ thông hiểu các phép coi tướng, nói đâu có đó, chẳng hề sai sót chút nào, ngày nay ý tôi muốn biết anh hùng hào kiệt trong đời, cho nên mới đến đây coi tướng. Như có vị nào muốn hỏi về việc ngày sau thì bước lại đây mà hỏi tiền công bất luận ít nhiều, muốn cho bao nhiêu cũng đặng.
Nói vừa dứt lời thì có một người tác chừng bốn mươi tuổi đứng dậy thi lễ và nói với Cao Thiết Chỉ rằng:
- Thấy thầy xưng hiệu là Cao Thiết Chỉ, biết ý thầy không chịu nói dua, cho nên tôi muốn cậy thầy coi tướng, chỉ vẻ các điều kiết hung, đặng tôi biết trước mà tránh.
Cao Thiết Chỉ nghe nói đứng nhắm diện mạo người ấy một hồi, rồi khiến người ấy đưa tay cho mình xem.
Xem rồi thì nói với người ấy rằng:
- Tướng mạo của túc hạ tuy không phải là người giàu sang bực nhứt nhưng có số đặng dựa công môn, hai con mắt xem rất có oai, mũi cao miệng rộng chắc là đặng làm quan võ, lại có phát hiện huỳnh quang nơi ấn đường, chắc là mới đây tài hào đại phát.
Người ấy hỏi rằng:
- Tài hào phát tại chỗ nào, và việc kiết hung thể nào xin thầy đoán cho cho tôi rõ.
Cao Thiết Chỉ nói:
- Lấy theo tướng nầy mà đoán, hai góc con mắt của túc hạ có hơi ửng đỏ thì tôi định chắc có việc tranh nanh.
Bèn nhằm lại một hồi, rồi vỗ ghế nói lớn rằng:
- Cha chả! Khốn dữ dử a! Túc hạ tuy đặng phát tài, nhưng bị nhiều việc hiểm, nội trong tháng nầy cả nhà túc hạ tuy có phát tài mà ra họa lớn, túc hạ không phải là người xứ nầy, như ở tỉnh nào thì phải mau mau trở về, họa may gở khỏi tai nạn.
Bèn đứng nhằm một hồi nữa, rồi lại nói với người ấy rằng:
- Ôi thôi! Ngày nay đã bị họa rồi, dầu túc hạ có về thì cũng không kịp.
Người ấy mặt mày tái lét, bèn nói với thầy coi tướng ấy rằng:
- Tôi là người ở Quảng Đông, vì có việc công cho nên phải qua Tứ xuyên mà tính, không biết việc nhà lành dử thể nào, xin thầy đoán lại cho chắc.
Cao Thiết Chỉ cói:
- Cứ theo tướng mà đoán, chắc là ở nhà túc hạ đã bị nạn lớn, người chết nhà hư. Tuy vậy túc hạ còn có phước tinh chiếu mạng, ngày sau ắt đặng hai chữ công danh.
Người ấy nghe nói rồi mặt buồn dàu dàu từ giả Cao Thiết Chỉ bước ra.
Thiên tử thấy vậy thì nghĩ rằng:
- Thầy coi tướng xưng mình là Thiết Chỉ sao lại đoán đâu không chắc vào đâu, mới nói phát tài, lại nói mang họa, mới nói mang họa lại nói đặng chữ công danh, coi tướng như vậy mà dám xưng mình là Thiết Chỉ, Thiết Chỉ gì trở tráo nhiều lời lắm vậy. Để ta kêu người ấy lại hỏi, rồi cắt nghĩa mấy lời tráo trở của thầy coi tướng đó cho va nghe, kẻo y đem dạ buồn rầu tội nghiệp.
Nghĩ như vậy bèn kêu lớn rằng:
- Bớ anh kia, dừng chơn cho tôi nói chuyện.
Người ấy nghe kêu thì đứng lại chờ Thiên tử đến.
Thiên tử chạy đến hỏi rằng:
- Khi nảy túc hạ nói rằng quê ở Quảng Đông, chẳng hay ở tại tỉnh thành hay là thuộc về ngoại phủ?
Người ấy đáp rằng:
- Tôi thiệt là người ở lại tĩnh thành, túc hạ là người ở đâu, tên họ là chi sao lại hỏi đến việc tôi làm chi?
Thiên tử đáp:
- Tôi tên là Cao Thiên Tứ qnê ở Bắc Kinh, chẳn hay túc hạ tên chi, xin nói cho tôi rõ?
Người ấy nghe nói đứng nhắm diện mạo Thiên tử, biết rằng không phải là bọn tầm thường, bèn tỏ thiệt rằng:
- Tôi là Phương Khôi làm chức Khoái đầu tại Quảng Đông, ngày nay vâng lịnh quan trên, sai qua Tứ Xuyên tìm kiếm một người bằng hữu, lúc này gặp lúc giông gió rất lớn, không đám đi thuyền, cho nên tôi phải đi vòng đường bộ noi theo ngã Hán Khẫu vào Tứ Xuyên. Hôm qua tôi đi đến đây cảm lấy phong sương nên phải ở lại một ngày, vì việc dạo xem phong cảnh, gặp thầy coi tướng đoán chắc như vậy, nên lòng tôi buồn rầu hết sức.
Nói vừa dứt lời thì có Cao Thiết Chỉ chạy đến nói với Thiên tử và Phương Khôi rằng:
- Chỗ nầy không phải là chỗ luận đàm tâm sự, xin nhị vị dắt tôi trở lại chỗ ngụ, rồi tôí sẽ nói cho nhị vị nghe.
Thiên tử nghe Cao Thiết Chĩ nói như vậy thì lòng cũng sanh nghi mà nghĩ rằng:
- Thế khi lão nầy ta biết tướng mạo của ta cho nên mới nói lời ấy.
Nghĩ như vậy bèn nói với Cao Thiết Chỉ rằng:
- Chỗ ngụ của tôi gần lắm, xin mời tiên sanh đến đó một phen.
Cao Thiết Chỉ nói:
- Vậy thì hãy đi cho mau.
Phương Khôi thấy Cao Thiết Chỉ nói với Thiên tử như vậy thì đem lòng hồ nghi, cũng muốn đến đó mà nghe cho biết.
Bèn nói với Thiên tử rằng:
- Để tôi đến đó một phen cho biết chổ ngụ của túc hạ.
Thiên tử thấy ý Phương Khôi muốn đi thì cũng không nỡ cản trở bèn khiến Châu Nhựt Thanh đi trước còn mình đi sau với hai người ấy.