Ðây nói về Luận Thượng Chí là Tri phủ trấn nhậm xứ nầy, thấy con bị thương tích nặng, lật đật hối rước thầy hốt thuốc cứu chửa và sai quân nha dịch cầm khí giái đến chổ giao chiến bắt quân hung phạm, khi đến nơi thì không thấy bóng người, còn tiệm hai bên đóng cửa chặc cứng, liền tra hỏi mấy tiệm ở gần đó, mấy chủ tiệm nói: Khi nảy xúm đánh nhau tại đó, rồi chạy tản lạc hết, không biết người nào là tay hung thủ .
Tri phũ không biết tính làm sao bèn dẫn vài người chũ tiệm ở gần đó, đem về nha đặng hỏi thăm hình tích và đồ ăn mặc của tên côn đồ ấy, đặng mạc đồ hình, rao ai bắt đặng sẽ trọng thưởng.
Vua và Nhựt Thanh sợ quân lính vượt theo, nên chẳng dám noi theo đường cái mà chạy, cứ đường nhỏ mà chạy , ước đặng ba chục dậm thì trời đã tối, thấy nhà trong xóm cũng gần, bèn vào đó tả lúc, ai ngờ vô nhằm nhà Diêu Lân là con quan Tuần phủ trấn nhậm tỉnh Sơn Tây, tên là Diêu Quốc Thanh, quan này rất thanh liêm nên bá tánh ngợi danh người là Diêu Thanh Thiên.
Vua đã từng nghe danh tiếng người, thiên hạ ngợi khen đã lâu, còn Diêu công tử thì trọng nghĩa sơ tài, giao kết anh hùng trong bốn biển, nên khi vua mới đến chuyện vản sơ qua, xin ngủ nhờ một đêm, thì hai người hiệp tình ưa rất nếu tương đắc, rồi công tử với Nhựt Thanh, kết làm anh em, còn vua thì xưng hô là chú.
Công tử đải đằng một cách tử tế, khi ăn uống rồi, Diêu Lân bèn tỏ cùng vua rằng:
- Trong xứ nầy rằm Trung nguơn thiên hạ cúng lớn lắm, đèn đốt sáng trời, dưới sông thì làm thủy lục, cúng siêu độ âm hồn không nhà cửa nương dựa, rất nên vui lắm . Xin chú ỡ nán lại ít ngày để xem chơi cho biết.
Vua thấy Diêu công tử hảo tâm nên yên lòng ỡ đó vài ngày đặng coi lễ Trung nguơn.
Nói về tục xứ nầy cúng rằm Trung nguơn cũng như Thượng nguơn, các phố phường chưng đồ rực rở, đèn đốt sáng cả thành, ai nấy đều kình nhau chưng các vật chơi rất tốt, có ý khoe khoang là nhà giàu có, không ai cấm ai, quan dân đồng vui, trước là chúc nhà nước thanh bình, cuộc chơi này vui hơn tiết trung thu, còn dưới sông là giàn thũy lục chưng đũ các vật, ban ngày ngó rất lịch sự, tối lại đèn đốt sáng trời không thua gì trên bờ, thiên hạ già cả lớn bé dắt nhau đi coi vô số, nhứt là nấy kiển chúa thiên hạ đến đốt hương, đem tiền cúng thí nhiều lắm.
Có bài thơ như vầy:
Trung ngươn rộn rực phóng huê đăng
Tức nguyệt đua chen sáng khắp ngàn
Muôn cụm liên huê khoe mặt nước
Chín từng châu tháp rực vân đoan
Kim ngao ngọc tượng xem đồ sộ
Bửu điện đài diêu ngó rỡ ràng
Chúc tụng thanh bình an bốn bể
Quan dân vui đẹp thảy an nhàn
Từ ngày vua tá túc tại nhà Diêu Lân thì chủ khách tương đắc cùng nhau lắm, vì Diêu Lân tánh hay ưa người làm bậu bạn, nay gặp vua và Nhựt Thanh đồng chí nên kính yêu như ruột thịt, lại gặp dịp Trung ngươn cảnh tốt, nên mỗi ngày Diêu Lân và cha vợ là Vương thái công đều dọn tiệc thết đải vua và Nhựt Thanh một cách trọng hậu, khi thì chuyện vản sách vỡ thơ từ, khi lại luận đàm võ nghệ binh pháp, khiển tướng đề binh, bố trận, lúc rãnh thì cỡi ngựa xạ tiển, tập các môn võ nghệ giải muộn cho qua ngày tháng.
Diêu Lân thấy vua văn võ toàn tài hỏi đâu đáp đó, tài cao hơn người thì càng thêm phục, lại buồn phận mình gặp người tài muộn lắm vậy. Ngày lụn tháng qua xảy đến ngày rằm Trung nguơn, lại rủi tronh mình Diêu Lân dả dượi nên ngày ấy đi cùng vua không được, vua đem theo vài đứa gia đinh và Nhựt Thanh thẳng đến thành thị thấy đèn thắp sáng trời coi rực rỡ. Khi đến đó đang lúc canh hai, bốn cửa thành đều mở thông thương, sánh với các chổ thì chổ nầy xinh đẹp hơn hết, đương lúc thiên hạ đông đảo vui đẹp, vua khoái ý nên quên sự nhơn mạng đánh Luận Xương gần chết tại đây ngày trước. Khi ấy vua giao ngựa cho một đứa gia đinh giử rồi dắt Nhựt Thanh đi bộ dài theo phố, thấy bài trí nhiều đèn tết lạ, kế đến các cửa chùa thấy càng xinh tốt hơn nữa, chưng đồ rất đẹp và khéo lạ vô cùng, chẳng dè đi lần đến cửa phủ Tòng Giang mà không hay.
Ðương lúc xem chơi, xãy gặp mấy tên thủ hạ đi theo hầu Luận Xương hồi trước, chúng nó biết mặt vua liền chạy vào báo cho Luận Thượng Chí hay .
Khi ấy Thượng Chí đang buồn rầu vì sự con bị đánh trọng bịnh uống thuốc không nhẹ, xảy nghe quân báo, bèn truyền đóng cửa thành lại cho chặc, và thông tin cho bên võ dinh đem binh đến bắt vua và Nhựt Thanh.
Khi ấy vua và Nhựt Thanh trở tay không kịp vì thình lình quân áp đến đông lắm, phần uống rượu đã nhiều, nên yếu sức chống cự chẳng lại, cả hai đều bị bắt, còn tên gia đinh đi theo vua đó, thấy sự thể không xong chạy trốn mất.
Khi Thượng Chí bắt được vua và Nhựt Thanh dẫn về nha tra hỏi, rủi bị bổn phủ thành hoàng chỉ xói vô bụng . Thượng Chí đau quá nên tra khảo không được phải giam lại ngục hình, vì chư vị Thành hoàng sợ nó làm thiệt hại cho vua nên phải ngăn trở như vậy đặng kiếm người cứu giá.
Qua ngày sau Thượng Chí ra khách thì bụng càng đau hơn nữa, nên phải dẹp vụ ấy lại đó.
Nói về tên gia đinh chạy trốn núp trong nhà dân chúng, chờ đến canh năm tuốt ra khỏi thành gặp thằng giử ngựa của vua, liền rũ nhau trở về phủ Diêu Lân phi báo.
Diêu Lân thất kinh cả giận mắng Luận Thượng Chí là đồ ô quan, tham công hiếp người, làm việc trái phép, dám bắt chú và em mình giam cầm không kể đến mình, bèn thưa lại cho cha vợ là Vương thái công coi liệu tính lẽ nào.
Vương thái công nói:
- Con chớ khá nóng, hãy lấy lễ nghĩa, viết thơ tỏ cho Thượng Chí hay, như êm thì tốt, còn như nghịch thì sẽ dụng binh mà cứu không muộn gì.
Diêu Lân nghe theo lời cha, viết thơ xong rồi sai Diêu Ðức cởi ngựa, đem giao cho Thượng Chí.
Khi Thượng Chí đang dưỡng bịnh, xảy đặng thơ Diêu Lân gởi đến bèn gắng gượng chổi dậy xé thơ coi thấy như vầy:
Kính bẩm quan Phủ rõ, vả chăng Cao Thiên Tứ và Nhựt Thanh là bà con quen biết với tôi, nay hai người vào thành du ngoạn, coi phóng huê đăng bị ngài bắt giam cầm tại ngục, chẳng hay phạm tội gì? Nguyên hai ngườii này của cha tôi sai về thăm gia quyến nay đã đúng một tháng không bước cẳng ra khỏi nhà, tưởng việc này nha dịch bắt lầm, bởi việc án mạng cần kíp nên bắt người lạ mặt đặng kết án nghiêm hình cho mau rồi, nếu làm như thế rất hàm oan, xin đại nhơn rộng lòng tưởng tình cha con tôi, tha người làm phước.
Diêu Lân kính bái .
Thượng Chí coi thơ rồi nổi xung, vỗ bàn nạt rằng:
- Diêu Lân là đồ khốn kiếp, ỷ thế cha nên chũ mưu cho Cao Thiên Tứ và Nhựt Thanh độc đả con ta bịnh nặng hiểm nghèo, nay trời khiến bắt được quân cường đồ nầy, ngươi lại dám biểu ta tha, thiệt là khinh khi ta lắm, tưỡng có lẽ ngươi không thoát khỏi tay ta trong vụ án mạng nầy, nghĩ đến càng thêm giận..
Bèn sai đòi tên dem thơ đến.
Khi ấy Diêu Ðức đến cúi đầu ra mắt Thượng Chí thì Thượng Chí vỗ bàn nạt lớn và mắng rằng:
- Chũ nhà ngươi rất nên đại ác, lén xúi côn đồ đánh con ta chết sống chưa rõ được, lại viết thơ khiến ta thả kẻ hung dữ ấy, thiệt là khi dể ta vô cùng, tội ấy đáng hay chưa?
Nói rồi khiến quân vác hèo đánh đuổi Diêu Ðức về, còn thơ thì quăng xuống đất.
Diêu Ðức lật đật lại lượm bị quân nha dịch, áp đánh vô số, đau hết sức không dám la, liền chạy tuốt về khóc lóc tõ đầu đuôi cho Diêu Lân nghe.
Khi ấy Diêu Lân nổi xung thiên quên điều phải quấy, không suy nghĩ đến phép nước thể nào, vì bởi còn nhỏ, tánh khí cang cường không sợ tội lỗi, liền dẫn hai trăm gia đinh cụ bị khí giái, kéo thẳng đến phủ Tòng giang.
Khi đến nha môn không thèm ra mắt quan Phủ, đóng quân tại đó, dẫn theo hai chục tên thủ hạ thẳng đến cửa ngục.
Quân canh giử biết Diêu Lân công tử nên không dám ngăn trở.
Diêu Lân nạt và hỏi:
- Cao Thiên Tứ và Nhựt Thanh ở đâu bây giờ?
Quân canh sợ phải dẫn đến nơi mà chỉ.
Diêu Lân liền cứu hai người ra khỏi ngục đem tuốt về nhà mình.
Khi Thượng Chí hay đặng liền dẫn quân theo bắt lại thì Diêu Lân đã đi xa rồi theo không kịp, phải đem quân trở lại, nghĩ càng thêm thấm mệt, cả giận nhiếc mắng Diêu Lân là loài súc sanh cả gan phản nghịch coi phép nước như chơi ; bèn bổn thân lập tức đến quan Ðạo Ðài cáo bẩm ; khi ra khỏi cửa vừa gặp quan Huyện đến viếng, hỏi thăm vì cớ nào Diêu Lân phá ngục cướp tù làm vậy ?
Quan Phủ thuật đầu đuôi sự tích cho quan Huyện nghe rồi cùng nhau đến Tô Tòng cáo báo cho quan Ðạo Ðài tên là Châu Lương Tài hay đặng lập kế bắt Diêu Lân.
Khi đến nơi ra mắt xong xuôi, liền bẩm các việc Diêu Lân làm phản, xin đem quân bắt nó trị tội.
Quan Ðạo Ðài nghe nói thất kinh thầm tính trong bụng rồi đáp lại rằng:
- Như đem binh bắt Diêu Lân cũng được đó, song sợ trước là hao quân lính, hóa ra việc lớn, sau ngại nổi mích lòng quan Diêu Tuần phủ cũng là người đồng liêu với bọn ta, nếu làm thẳng phép, sau khó nổi ngó mặt nhau, chi bằng dụng kế mời Diêu Lân đến bắt trước, thì lòi hai tên hung phạm ấy ra, rồi sẻ tư tờ cho Diêu Tuần phủ hay đặng biện luận, làm như vậy thì việc công tư lưỡng toàn.
Quan Huyện đáp ứng:
- Ngài tính như vậy rất hay, song lo nổi Diêu Lân sợ có tội trọng không chịu đến đây, chừng ấy ngài liệu thế nào cho tiện việc?
Quan Ðạo Ðài đáp rằng:
- Diêu Lân không tội chi trọng, bất quá mạo phạm cướp tù, tù nhơn hãy còn đó chưa trốn đi đâu, nếu rũi Luận công tử có chết đi nữa, thì Cao Thiên Tứ với Nhựt Thanh phải một người thế mạng, chớ can gì đến Diêu Lân mà phòng sợ.
Nói rồi bèn viết thiệp sai người đến Diệu gia trang mời Diêu Lân ngày mai giờ ngọ đến nha hội yến và thương nghị việc gấp.
Diêu Lân được thiệp mời liền chịu miệng hội yến, không ngờ không ngờ là kế dụ mình, bởi Công tử nầy tánh ý can đảm, can cường khônsg sợ ai hại mình., nên rạng ngày lên kiệu thẳng đến tĩnh thành, đến nha thì thấy các viên quan lớn nhỏ đã chực sẳn nơi tiệc, Diêu Lân vào ra mắt quan Ðạo đài và hàng Phủ, Huyện, thì các quan vị tình Diêu Tuần phủ, nên phải đáp lễ lại, rồi mời nhập tiệc, ăn vừa đặng nữa chừng, thì quan Ðạo Ðài nói cùng Diêu Lân rằng:
- Ta có nghe cháu vào ngục cướp tù là Cao Thiên Tứ và Nhựt Thanh, nếu cháu làm như vậy thì là trái phép lắm, vã chăng chúng nó đánh Công tử Luận Xương trọng bịnh chết sống chưa hay nên quan Phủ phải cầm giam đở chúng nó ít ngày, chờ coi thương tích Luận Xương nặng nhẹ thể nào rồi sẽ phán đoán. Vã lại cháu cũng là người biết phép, làm sự ngang tàng dường ấy, thì trái lẻ nhiều lắm, nếu ta làm thẳng lẻ theo lời quan Phủ cáo bẫm, chạy sớ về kinh, ắt phải liên lụy đến ông già của cháu, ta bởi riêng nghĩ tình bằng hữu đồng liêu với ông già cháu chẳng nở ra tay, nên mời cháu đến đây, cạn tỏ cho cháu nghe, vậy phải đem giao hai tên can phạm ấy thì yên, bằng cháu tự cường chẳng lẻ bõ qua việc ấy đặng.
Diêu Lân chắp tay thưa rằng:
- Theo lời quan lớn dạy tôi đâu dám cải, xin đại nhơn thẩm xét. Vã chăng Cao Thiên Tứ và Nhựt Thanh ở tại nhà tôi gần một tháng khộng bước chơn ra khỏi nhà, sớm tối không lìa, tôi xét tình lý ấy, thì có đâu độc đả Luận Xương cho được, nhơn ngày rằm Trung nguơn hai người vào thành coi đốt đèn, chẳng dè gia nhơn của quan Phủ bắt lầm, giam cầm nơi ngục, khi ấy tôi hay riệc như vậy thì tôi có bẩm minh bạch cho quan Phủ rõ, người không đếm xỉa lời tôi, lại nghe lời tôi, cứ quyết hảm hại hai người ấy đặng báo cừu cho con người, đã vậy thì chớ lại còn đánh đuổi Diêu Ðức là bộ hạ của tôi sai đem thơ cho người, nên tôi giận quá trí mà sanh sự ấy, nay ngài dạy giao hai tên phạm ấy lại tôi đâu dám cãi, song có chứng cớ văn bằng cho minh bạch thì tôi giao lập tức, nếu a tùng cùng nhau dựng chúng đặng hại người, thì tôi đâu dám nghe lời theo ngài.
Thượng Chí nghe nổi xung nói:
- Quan lớn đã có lòng khuyên giải mà Diêu Lân không vừa lòng rất nên bội phản.
Liền khiến thủ hạ bắt Diêu Lân giam lại, và khiến quan Huyện Vương Vân đến nhà Diêu Lân bắt hai tên du thủ, lại căn dặn không được làm náo động trong Diêu phủ, và không được đá động món gì.
Khi Diêu Lân biết mình mắc kế nên ẩn nhẩn chịu giam đở một đôi ngày sẽ tính kế thoát thân.
Ðây nói về quan Huyện Vương Vân thẳng đến Diêu gia trang, xuống kiệu thẳng vào căn giữa, khiến mời mẹ Diêu Lân ra tỏ tự sự cho Diêu thái quân nghe và an ủi chớ phiền rầu, việc nầy Diêu công tử vô can, song cầm đở đó cho lòi hai tên hung phạm ra rồi sẽ tha, nếu không làm như vậy thì sợ Công tử sanh sự khó lòng.
Khi ấy vua nghe mấy lời quan Huyện phân tỏ với mẹ Diêu Lân thì sợ liên lụy cho cả nhà Diêu Lân, nên vua và Nhựt Thanh ra chịu, rồi từ biệt Diêu thái quân mà đi với quan Huyện thẳng đến cửa ngục chịu giam.
Khi Diêu thái quân nghe cớ sự làm vậy, thì lo sợ ngồi đứng không yên, bèn khiến gia nhơn đến nói cho ông sui đàng gái là Vương Thái Công hay và cậy đến thành dọ thám tin tức.
Khi Vương thái công đặng tin, thì kinh khủng lật đật đem tiền bạc theo lưng, vào thành thẳng đến khám thì thấy rể và Cao Thiên Tứ cùng Nhựt Thanh đồng bị giam một chổ đang lo kế thoát thân, xảy thấy Vương thái công đến thì Diêu Lân cậy ông đến Hải Ba trang nói giùm với Thôi Tử Tương tính kế cứu giùm.
Vương thái công y lời, liền để tiền bạc lại cho quân canh cửa mua vật thực nuôi dưỡng ba người ấy, rồi trở lại cho Diêu thái quân và con gái mình hay, cho bớt nổi rầu phiền, liền thẳng qua Hải Ba trang.
Ðây nói về Thôi Tử Tương chiếm cứ chốn Hải Ba trang, chuyên nghề ăn cướp, nên trong nhà giàu có lớn, tánh hay giúp anh hùng hào kiệt, giao kết cả trong thiên hạ, những tay ăn cướp anh tài, người này mình cao bảy thước, sức mạnh hơn người, võ nghệ tinh thông, việc văn vừa đũ , nghĩa khí rất lớn, lại thêm có một bọn anh em trí nhiều mưu đũ, võ nghệ cao cường, không chịu cướp phá nhà cửa nhơn dân, chỉ ưa đánh cướp những ô quan tham lạm ăn của dân tình, còn các xứ ruộng nương nhà cửa phố xá ở chung quanh Hải Ba trang, thì bảo hộ bình an chẳng có đạo tặc nào dám đến cướp phá, vậy nên dân tình cảm phục, tình nguyện cùng nhau mỗi năm dưng lúa thóc đền ơn, còn các quan văn võ xứ này, thấy bọn Thôi Tử Tương tuy là ăn cướp, song làm nhiều điều phải nghĩa nên bỏ qua không nói đến.
( Ngày trước, Diêu Lân với Thôi Tử Tương làm bạn cùng nhau rất thiết, sanh tử chẳng lìa, lại đồng học một thầy ).
Ngày ấy Thôi Tử Tương đương tập đao thương cùng chư huynh đệ, xãy nghe gia đinh đến thưa:
- Có Vương thái công đến xin ra mắt.
Thôi Tử Tương biết là cha vợ Diêu Lân, lật đật ra nghinh tiếp vào đải trà nước, trò chuyện sơ qua một hồi rồi Thôi Tử Tương đứng dậy chắp tay thưa với Vương thái công rằng:
- Bọn tôi không dè bác lên đây nên ra nghinh tiếp chậm trể, xin bác miễn chấp, chẳng hay bác mạnh giỏi ra sao?
Vương thái công bèn thuật chuyện đầu đuôi về sự Diêu Lân bị giam và nói:
- Vì việc ấy nên già đén đây cầu xin chư vị hảo tâm lo phương cứu giúp nó thoát khỏi ngục hình.
Thôi Tử Tương nghe nói thất kinh, rồi suy nghĩ một hồi lâu rồi thưa rằng:
- Bọn tôi ra sức cứu em tôi cùng hai người kia thì không khó gì, song sợ liên lụy cho bác tôi là Diêu Tuần phủ, nên khó nổi liệu toan.
Khi Thi Lương Phương nghe Thôi Tử Tương nói thì nổi giận rằng:
- Nay việc đã dĩ lở ra như vầy, bọn ta há nở làm lơ cho đành hay sao? Theo ý tôi tính, chúng ta vào đó cướp ngục, đừng giết qnân lính, chớ nên động đến của nhà nước và dân chúng, cứ giết cha con Luận Xương mà trả thù thì đũ, nhưng mà bác phải mau về trước chở hết gia quyến của cải tài vật của Diêu Lân lên đây tị nạn phòng khi tai họa xảy ra như quan binh có kéo tới đây, thì tôi cũng đủ sức cự đương, chứ Diêu Tuần phủ có can hại chi mà phòng sợ.
Vương thái công liền từ biệt ra về, thi hành y kế ấy.
Khi ấy Thôi Tử Tương đi cùng Thi Lương Phương với Kim Phiêu và mười tên thũ hạ, phân làm ba bọn thẳng đến Tòng giang phủ. (Nguyên Lương Phương và Kim Phiêu là học trò ông Chí Thiện huề thượng, võ nghệ tinh thông, lại có tài bay nhảy lên rường nhà hoặc trên tường không nghe khua động cũng như đi đường cái vậy, nên coi Tòng giang phũ như không ).
Khi đến thành rồi kiếm chổ ngụ đợi đến rằm tháng tám sẽ ra tay, nên cho người đến cho Vương thái công hay, đặng vào ngục thông tin cho Diêu Lân biết trước.
Ðến đêm ấy Vương thái công mua đầu heo, tam xên và rượu giả đem vào ngục cúng thánh thần, mà nói với quân canh gát rằng:
- Từ ngày rể tôi bị giam tại đây, các người có lòng đải đằng tử tế, tôi không biết lấy chi đáp phải, nên đem lễ cúng nầy đải các người ăn uống vui say cùng tôi một bửa lấy thảo.
Quân canh nghe nói mừng rỡ, liền đem vào ngục dọn ra ê hề, xúm nhau ăn uống.
Còn Diêu Lân thì ép bọn ấy ăn uống gần cụp, rồi rưới thuốc mê thêm nữa nên chúng nó bất tĩnh nhơn sự.
Ðến canh tư, Thi Lương Phương vạch ngói cưa rui, trên mái nhà nhảy xuống mở xiềng cho ba người rồi nhãy trở lên kéo ba người ra khỏi ngục, lại leo tường trở ra đi quanh theo đường nhỏ đặng hiệp với mấy quân đã mai phục tại chổ yếu lộ ấy.
Vua, Diêu Lân, Nhựt Thanh và Thi Lương Phương ở đó chờ bọn Thôi Tử Tương.
Ðây nói về Thôi Tử Tương và Kim Phiếu dặn hai tên quân đem ngựa và khí giới chực sẳn tại cửa Bắc môn, ẩn tại Quang vương miếu là chổ rất vắng vẻ mà chờ, dặn dò xong rồi bày rượu ra uống đến trống trở canh ba dắt nhau ra đi lòn ngả sau nha môn phía vườn bông, rồi trèo tường lần qua mái nhà nhằm chổ hậu đường, dòm thấy Thượng Chí còn đương uống rượu với mấy con hầu thiếp.
Lúc ấy hai người núp trên ngói nghe Thượng Chí nói:
- Bửa nay trăng tốt, bị mây áng coi chẳng dặng vui, lại thêm rầu nổi con ta bị thương tích nặng thuốc trị không lành, còn cừu nhơn đả bắt được giam tại đó, không biết luận án gì mà kết cho chúng nó, vì bởi vưng theo ý quan Ðạo Ðài, nên khó nổi làm gì được, lại căm hận Diêu Lân là đồ khốn kiếp nghĩ đến thêm buồn, đã vậy thì chớ, lại còn đôi ba cái án ngày trước tính chưa xong, là vì nhậm lở bạc nó lo hối lộ rồi, còn thiên hạ thì đền rực lổ tai rằng: Ta ăn của tiền lo lót, làm sự vậy vò bỏ phép, nếu việc ấy quan Thượng ti hay đặng ắt không xong, nên ta lo rầu nhiều nổi, không muốn uống rượu chút nào, hảy dọn dẹp cho sớm đi ngủ thì hay hơn.
Lại nghe một đứa con gái còn nhỏ tuổi đáp rằng:
- Sao lão gia không bắt những người đồn huyền hoặc ấy mà răn chúng?
Thượng Chí khen hay và nói:
- Mai ta sẽ sai anh nhà ngươi đi dọ thám rình bắt đứa nói bậy ấy, mà kết án chúng nó xĩ mạ quan quyền, rồi đóng gông giam phạt trước cửa nha thì yên việc.
Tính rồi hối quân hầu dọn dẹp ly nhạo, đóng cửa lên giường, gầy việc gió trăng.
Lúc ấy trống điểm canh tư, ai nấy đều ngũ hết.
Thôi Tử Tương đánh đá lửa đốt chó lén, rồi hai người ở trên ngói nhảy xuống, phá cửa phòng vào chém Thượng Chí một đao chết tốt, rồi đến phòng Luận Xương cũng chơi miếng ấy, giết xong rồi nhảy lên chổ củ trở ra, lên ngựa theo đàng nhỏ vầy đoàn cùng nhau trở lại Hải Ba trang.
Khi về đến nơi Diêu Lân tạ ơn các vị anh hùng có lòng cứu chửa ra khỏi chốn hiểm nguy.
Còn vua và Nhựt Thanh khâm phục nghĩa khí các đứng hào kiệt nầy vô cùng, duy có mỗi mình Diêu Lân buồn rầu, vì sợ liên lụy đến cha.
Vua thấy vậy hết lòng an ủi và tỏ rằng:
- Cháu chớ phiền rầu, vì ta với Lưu Dung quân cơ là tình nghĩa thấy trò, dẫu việc lớn bằng trời ta cũng gở xong, cháu hay an tâm viết thơ cho cha cháu rõ, đừng lo sợ vô ích, có ta cứu chửa sẽ an như bàn thạch.
Diêu Lân nghe vua nói thì bớt lo rầu liền vào nhà trong nói lại vác lời vua hứa cho mẹ và vợ con hay.
Ðây nói về phủ Tòng giang, đêm rằm tháng tám, cha con Tri phủ bị giết, lại tù đồ trốn hết ba người.
Quan Ðạo Ðài được hung tin ấy bèn dẫn quân đến vây nhà Diêu Lân, xét thì không có ai, nhà trống lổng không còn món chi hết, thì biết là Diêu Lân tư thông với ăn cướp giết cha con Tri phủ và đoạt tù giam, liền chạy tờ cho Tuần phủ và Tỗng đốc hay và họa đồ hình ba tên tù trốn ấy, rao ai bắt được hoặc biết chổ trú báo bẩm sẽ trọng thưởng.
Cách ít ngày có người đến báo rằng:
- Diêu Lân ở tại Hải Ba trang thuộc về địa cảnh của Thôi Tử Tương chiếm cứ.
Quan Ðạo Ðài liền cấp thưởng cho tên đến báo ấy, rồi lập tức cho Trang Tuần phủ hay mà xin phát đại binh đến trừ kẻ nghịch, sắp đặt xong rồi, bổn thân dẫn một ngàn quân đi trước thẳng đến Hải Ba trang.
Còn Trang Tuần phủ đặng tờ công báo xua binh tiếp ứng thì thất kinh, bèn sai quan Trung quân là Cao Phát Sĩ dẫn năm ngàn quân rần rộ kéo riết đến Hải Ba trang.
Ðây nói về Thôi Tử Tương đương vầy vui cũng như huynh đệ luận bàn binh pháp, võ nghệ cùng nhau. Cả thảy đều khâm phục lời vua ứng đáp tài cao, rộng thấy ; ai nấy đều khen ngợi vô cùng, xảy thấy có quân vào báo:
- Trang Tuần phủ sai Cao Phát Sĩ dẫn năm ngàn quân và Châu Ðạo Ðài một ngàn quân phân làm hai đạo thủy, bộ kéo đến.
Ai nấy cả kinh (vì binh sơn trại được chừng vài ngàn thôi, còn binh triều thì đông nên lo rầu.) Diêu Lân lo sợ hơn hết.
Duy một mình Cao Thiên Tứ cười mà nói:
- Các ngươi chớ sợ, có ta tại đây dù binh trào có đông cho mấy cũng không làm thiệt hại được. Vậy để ta làm một kế mọn thì mấy đạo binh ấy thối quân bình yên vô sự.
Các người nghe nói bán tín, bán nghi.
Diêu Lân bèn chấp tay nói:
- Xin chú thi hành diệu kế che chóng, kẻo quan binh đánh tới khó nổi cản đương.
Cao Thiên Tứ gặt đầu, vào phòng viết một đạo thánh chỉ, đóng ngự ấn và phong lại không cho ai biết, rồi kêu Nhựt Thanh dặn dò thẳng đến đạo quân Cao Phát Sĩ nói rằng có thánh chĩ đến cho Trang Hữu Cung và dặn dò chớ nên sơ lậu.
Nhựt Thanh lập tức ra đi một đổi xa, gặp đạo binh Cao phát Sĩ, bèn sấn vào cho hay, thì Cao Phát Sĩ nói:
- Tôi có nghe thánh giá du ngoạn Giang Nam, nay quả không sai.
Bèn đến tõ ho Châu Ðạo Ðài hay đặng đình quân lại và sai thủ hạ là Trần Ban Kiệt hộ tống Nhựt Thanh đến Trang Tuần phủ cho người hay rằng có mật chĩ của Thánh thượng đến.
Trang Cữu Cung lật đật mở cửa giữa, bày hương án ta nghinh tiếp, mở thánh chỉ ra thấy chữ ngự phê như vầy:
" Trẫm nhơn du ngoạn đến tĩnh Tòng giang, gặp cá tứ nhỉ lý ngư muốn nếm cho biết mùi ngon ra thể nào. Chẳng dè Luận Xương gây dữ, cả hai cha con chúng nó đem lòng cướp giá, lại tánh hay tàn bạo hại dân, tham lam vô cùng, nên trẫm khiến bọn Diêu Lân cướp ngục tru lục loài gian, việc ấy do nơi trẫm, chẳng can phạm đến bọn Hải Ba trang, việc án mạng giết ô quan ấy hãy tiêu hủy và phải vưng theo chiếu trẫm, chạy tờ cho Lưu Dung hay về vụ ấy, cho nên gia tội cho Diêu tuần phũ, còn các đạo binh phải hỏa tốc điệu hồi, hãy kín miệng chớ nên phong văn cho ai biết, mà lậu cơ quan cũa trẫm, khanh khá thi hành theo chiếu chĩ này và miễn lễ cho các quan khỏi đến chầu, vì trẫm không ở đó nữa, sẽ di giá sang chơi tỉnh khác ".
Khi đọc thánh chỉ rồi, Trang Tuần phủ ra mắt Nhựt Thanh chuyện vãn hõi thăm tin.
Nhựt Thanh vội vã cáo từ lui gót, dặn dò Trang Tuần phủ hãy theo thánh chỉ thi hành đặng về phúc tâu cho an thánh ý.
Khi ấy Trang Tuần phủ đưa Nhựt Thanh ra khỏi nha môn, rồi phóng lịnh tiển lập tức triệu hồi hai đạo binh ấy trỡ về, và chạy tờ cáo cho Lưu Dung quân cơ hay theo các lời mật chĩ vua đã dặn dò tiêu hủy án mạng đã tõ trước đó.
Nói về Thôi Tử Tương và Diêu Lân thấy Nhựt Thanh đi chừng một ngày thì hai đạo binh đều êm ru, cờ xí không thấy nữa, nên có lòng mừng, nghĩ thầm cùng nhau chắc là Cao Thiên Tứ bà con thân thích chi với vua, nên mới có quyền thế thối lui hai đạo binh ấy được, các anh hùng đều đem lòng kính phục, dọn tiệc ăn mừng cảm tạ ơn vua có lòng chiếu cố, khỏi việc binh đao. Khi tiệc vừa mản, thì Thôi Tử Tương dắt bốn người con trai là: Thôi Long, Thôi Hổ, Thôi Bưu, Thôi Báu, và cháu ruột là Thôi Anh ra mắt lạy Cao Thiên Tứ cầu xin người hết lòng đoái tưởng truyền dạy thêm các môn võ nghệ, vua liền nhậm lời, không hiềm lao nhọc, gắng sức chỉ biểu những miếng tuyệt diệu côn quờn, ngỏ đặng ngày sau giúp đo nước nhà. Vì vua thấy bọn Thôi Tử Tương có lòng trung nghĩa, lại hết dạ kính vì, nên phải ở nán lại đó ít ngày, trước là truyền võ nghệ cho con cháu Thôi Tử Tương, sau luận đàm binh pháp cùng mấy về hào kiệt ấy đặng giải khuây.
Nói về Cao phát Sĩ từ ngày phụng lịnh Trang Tuần phủ đem binh đánh Hải Ba trang chẳng ngờ bị chiếu vua ngăn trở nên phải dẫn quân trở về, thì sanh lòng bội phản cướp giá, bèn lén tư tờ cho Châu Hồ Lữ hay, đặng dấy binh tạo phản. (Nguyên Châu Hồ Lữ là người ở động Bạch Liên, một phe với Cao Phát Sĩ.)
Khi Hồ Lữ đặng tờ Cao Phát Sĩ thì lấy lành mừng rỡ vô cùng, liền tựu binh lại hơn ba ngàn.
Hồ Lử nầy ngày trước vâng lệnh Bạch Liên giáo chủ, xuống cảnh Giang Nam giao kết cùng các bọn ăn cướp và mấy chú ô quan, và hội lập phe đảng phòng ngày khởi loạn, nay gặp dịp nầy, nên khởi binh rất mau, kéo riết đến Hải Ba trang rồi chạy tờ cho nhị vị đại vương ở Bạch Liên động tên Dương và Tân, đem binh đến sau ứng tiếp.
Còn Cao Phát Sĩ lén đem vợ con dời đi ở xứ khác rồi dẫn năm trăm quân tâm phúc đến trợ chiến với Châu Hồ Lử.
Khi hai đạo binh áp vây đánh thình lình Hải Ba trang, bốn phía phủ vây chen kim chẳng lọt, nước chảy không thông, làm cho các vị anh hùng chưng hửng thất kinh không biết giặc nào đến vây đánh tình cờ như vậy.
Vua cũng chẳng rõ duyên cớ liền khiến người đi dọ thám, mới biết là bọn Bạch Liên động đem binh cướp giá, may Thôi Tử Tương là người hùng cứ nhứt phương, tuy chốn ấy không có thành quách mặc dầu, song bốn phía hào hố cứ hiểm chắc chắn khó vô. Còn nhơn số tại Hải Ba trang đặng hơn một ngàn người.
Ðương khi nguy cấp như vậy, vua mới tỏ thiệt cũng bọn Thôi Tử Tương rằng:
- Ta là đương kim Thiên tử du ngoạn Giang Nam, xin chư tướng tận lực bảo giá, thì sẽ trọng thưởng. Mấy người hào kiệt nghe vua phân như vậy thì nữa mừng nữa sợ, bèn quì mọp dưới đất xin vua thứ tội.
Vua liền miễn xá, ai nấy đều hân hoan hừng chí, hăm hỡ nguyện tử chiến giết giặc đặng bảo an thánh giá.
Khi ấy Thôi Tử Tương quì tâu rằng:
- Xin Bệ hạ, hạ chỉ sai người giải phá trùng vây, đặng viện binh đến, trong đánh ra ngoài đánh vô, hai đàng hiệp công cùng nhau thì giặc ở giữa phãi rã tan.
Tâu vừa dứt Kim Phiêu lảnh mạng chịu ra đi.
Vua liền phê một đạo thánh chỉ giao cho Kim Phiêu, dặn đến tỉnh thành trao cho Trang Tuần phủ phát binh lập tức.
Kim Phiêu vưng lảnh ý chỉ, rồi nai nịt khôi giáp, hăm hở cầm thương lên ngựa xông riết đến dinh giặc.
Nhơn quần bị khổn chốn Ba trang
Nghĩa sĩ phá vây chẳng kể nàn
Ðộc mã đơn thương xông trận tám
Viện binh giải phá giặc kinh hoàng